Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đi bạn

Đ

i làm thuê đánh bắt hải sản nhiều nơi gọi là “đi bạn”. Đi bạn kéo lưới, chèo thuyền, chạy máy...xưa và nay không có gì thay đổi. Những năm gần đây cùng với công cụ và kỹ thuật nhập ngoại, đề ra thêm cái nghề đi bạn lặn bắt hải sản.

Trước đây ngư dân cũng lặn bắt hải sản nhưng chỉ thực hiện được ở vùng nước nông, ven bờ, hiệu quả rất thấp, chưa thể gọi riêng là một nghề. Ngày nay những người lặn bắt hải sản được trang bị nhiều loại công cụ khá hiện đại và đắt tiền. Bình dưỡng khí, áo lặn, kính đeo mắt, dèn pha dưới nước và những phương tiện liên lạc từ dưới đáy biển lên tàu... Tuỳ mức độ giàu có và sự đầu tư người đi bạn sẽ được trang bị ít hoặc nhiều loại phương tiện lặn bắt đắt tiền hoặc rẻ tiền. Sự chênh lệch đắt rẻ này cũng khá cao. Mỗi bộ áo lặn bình thường gần chục triệu đồng, loại tốt lên tới mười lăm hai mươi. Tất nhiên càng trang bị nhiều công cụ tốt hiệu quả lặn bắt càng cao. Một bình dưỡng khí loại xoàng chỉ giúp thợ lặn hoạt động dưới nước không quá ba mươi phút, sử dụng loại bình tốt, đắt tiền có thể lặn nhiều thời gian hơn.

Các loại hải sản lặn bắt thường là tôm hùm, cua, rắn, ốc các loại và cá cảnh nước mặn... Do nhu cầu xuất khẩu hải sản quý ngày càng cao, do đời sống dân ta ở các đô thị lớn tiến bộ nhanh nên giá cả các loại hải sản này rất cao và có chiều hướng ngày càng tăng. Trong nhiều năm gần đây, giá một cân tôm hùm, ốc hương, rắn biển...không dưới một trăm ngàn đồng. Có những loại cá cảnh nước mặn lên tới năm sáu chục triệu đồng một con. Điều đó càng kích thích các chủ tàu ngày càng đầu tư phát triển nghề lặn bắt hải sản.

Để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, đến mùa sinh sản của các loại tôm, cua, ốc...các cơ quan quản lý thông báo tạm ngừng đánh bắt các loại đó. Nhưng vì hám lợi, một số không ít chủ tàu vẫn bất chấp, họ tìm mọi cách trốn tránh hoặc hối lộ cảnh sát biển để tiếp tục đánh bắt. Trước đây người ta thả lưới, thả câu để bắt. Bây giờ con người lặn xuống đáy biển để sục tìm. Bởi vậy, những con cua, con tôm...sinh đẻ, nuôi con, nấp mình trong các hang hốc cũng bị lôi cổ ra. Có những hang hốc tay người không thò vào được thì dùng móc sắt hoặc dí điện vào bắt chúng phải oằn ra. Nghề lặn bắt hải sản kiểu này trước mắt có năng suất khá cao nhưng cũng là biện pháp tàn sát môi trường sinh thái nghiệt ngã ngày càng làm hại chính những ngư dân đó.

Mùa lặn bắt hải sản của mỗi vùng biển mỗi khác, khi sóng yên biển lặng, ấm áp, vùng biển Bắc bộ và Bắc Trung bộ thường lặn bắt trước và sau mùa bão và gió mùa Đông Bắc. Từ Bình Thuận, Ninh Thuận trở vào do quanh năm mưa thuận gió hoà, biển ấm áp, nên các loại hải sản quý sinh sôi nảy nở nhiều và nghề lặn bắt cũng tiến hành quanh năm. Do điều kiện tự nhiên như vậy, ngư dân vùng Nam Trung bộ và miền Nam giàu có hơn, ngân hàng mạnh dạn đầu tư nên có điều kiện hiện đại tàu và phương tiện đánh bắt. Ngư dân đằng ngoài (nhiều nhất là Thanh, Nghệ, Bình Trị Thiên) kéo vào đi bạn. Những người này ở quê thường là cư dân nghèo, không có phương tiện đánh bắt ra khơi. Họ chỉ đi làm thuê hoặc buông câu, thả lưới, kéo, xúc lẹt xẹt ven bờ. Mùa gió bão, mùa khô cạn cá tôm, họ kéo nhau vào Nam Trung bộ và miền Nam đi bạn. Nếu được nhận vào đi bạn ở những miền này thu nhập của “bạn” thường không dưới một triệu đồng một tháng. Lúc đi làm, ăn uống khá đầy đủ, do chủ tàu đài thọ, ngoài lương. Với những ngư dân nghèo vùng ngoài vào đi bạn, mức thu nhập đó là khá hấp dẫn. Có chủ tàu thực hiện chế độ khoán sản phẩm, ăn chia theo tỉ lệ thoả thuận căn cứ lượng lặn bắt của người đi bạn. Lương được trả từng ngày. Cách khoán này giúp các chủ tàu và người đi bạn có thu nhập cao hơn. Giữa mùa lặn tôm hùm, ghẹ, ốc hương, những người đi bạn lặn giỏi có khi thu nhập lên tới bảy, tám triệu đồng mỗi tháng. Điều đó kích thích họ làm việc bán sống, bán chết. Những mùa rộ như vậy thường không kéo dài, mỗi năm hai đợt, mỗi đợt chưa đầy hai tháng.

Phần lớn những người đi bạn có đăng ký tạm vắng, tạm trú, có hợp đồng lao động, chủ tàu có đóng bảo hiểm. Nghĩa là đi bạn hợp pháp (số này thường là người địa phương).

Được đi bạn trước hết là những người khoẻ mạnh, thạo nghề đi biển, chịu được sóng gió. Nhưng số đó rất đông, không cứ ai đủ tiêu chuẩn là có việc làm. Vì vậy không ít người chấp nhận đi bạn chui, đi bạn “vô danh”. Bạn và chủ tàu thoả thuận với nhau việc làm và mức lương “thường là cao hơn đi bạn có hợp đồng”. Ông chủ không muốn biết tuổi, quê hương, thậm chí cả tên của bạn, không ký hợp đồng lao động, không bảo hiểm. Bạn không có tạm vắng tạm trú, không cho bất kỳ ai biết mình là ai, làm cho ông chủ nào. Những người đi bạn không được hỏi chuyện nhau nhất là về đời tư. Họ càng ít lời càng tốt. Bởi thế, những người đi bạn chui nếu là cha con, bạn bè, đồng hương, thường xin làm việc ở những tàu khác nhau, và tạm thời cắt đứt mối quan hệ.

Những chủ tàu sử dụng lao động đi bạn chui thường có lực lượng “cốt cán” là cha con, anh em ruột trong nhà sau đó mới tuyển thêm bạn. Có lực lượng “cốt cán” để xin cấp phép hành nghề đánh bắt trên biển, che mắt lực lượng quản lý khi sử dụng lao động bất hợp pháp. Mỗi khi tàu ra khỏi cửa biển, sẽ vòng vào một bãi ngang nào đó, thuyền nhỏ, thuyền thúng sẽ đưa những người đi bạn chui ra tàu và nhanh chóng rời bến. Khi tàu trở về không bị kiểm tra nên họ vào thẳng bến, những người đi bạn chui lên bờ và nhanh chóng tản mát đi các ngã. Các tàu có người đi bạn chui thường rời bến và cập bờ vào ban đêm, thường là chập tối và rạng sáng.

Những người đi bạn chui ở tản mát nhưng không ở trong nhà chủ. Họ thuê những phòng trọ rẻ tiền, trong khoảng năm mươi đến một trăm ngàn đồng một tháng. Thường họ ở cùng nhà của dân nghèo cũng làm nghề biển hoặc một nghề liên quan tới biển: Đan lưới, uốn lưỡi câu, đan thuyền thúng...Vì vậy, nhiều người may mắn được chủ thương, không phải đóng tiền nhà. Nhu cầu của nhiều người đi bạn cũng rất đơn giản. Họ chỉ cần một xó kê vừa đủ một tấm phản, mắc được một chiếc màn, đóng một chiếc đinh lên vách mắc vào đấy một chiếc túi đựng áo quần và toàn bộ tư trang. Họ ăn uống cũng rất đơn giản, buổi sáng một chiếc bánh mì hoặc một chiếc bánh chưng. Chiều và tối một đĩa cơm bụi bình dân. Họ nói rằng khi lên tàu được ăn uống đầy đủ, nên về nhà họ không phải bồi dưỡng.

Phần mất ngủ, mệt mỏi do lặn bắt, phần vì giữ bí mật về bản thân để chủ khỏi đuổi, những người đi bạn chui thường ngủ li bì, cửa phòng luôn khép kín.

Tuy thế cũng có những người đi bạn không biết tiết kiệm, sáng: cà phê, chiều: nhậu, tối: karaoke, quen ăn sóng nói gió, giọng hát của những người này nghe rất khó chịu, cứ như một con gì đó đang gào trong trạng thái bị bóp chẹn ở cổ. Điều đó không quan trọng. Họ xa những người vợ đen đúa vì gió lào miền Trung, và muối mặn của biển, sa vào chỗ các em nõn nà như lõi của một cây chuối, chiều khách tới tận cùng. Thủ pháp moi tiền của các em đã thành công nghệ, những người đi bạn này bị moi sạch tiền. Bác tôi cũng là một chủ tàu đánh cá ở một thị trấn nhỏ nam miền Trung nói rằng: “Có đứa ngu tới mức mua quà lưu niệm tặng các em hẹn mùa tới anh dô” trong khi ngữa tay năn nỉ ông chủ cho vay tiền mua vé tàu về quê, mùa sau vào làm trả nợ. Những người này về nhà lại nói dối vợ con: Mùa này trong đó thất bát. Hoặc là trên đường về bị kẻ cắp móc túi. Họ lại nai lưng kiếm từng đồng ở cái vùng biển khó làm ăn và chờ đợi tới mùa sau, khăn gói lên đường đi bạn.

Những người đi bạn ở tản mát nhưng đúng giờ hẹn, về đêm, họ có mặt tại tàu và nhanh chóng rời bến. Những chuyến đi như vậy có thể chỉ vài ngày, có thể vài chục ngày. Nếu mưa thuận, gió hoà, hải sản lặn bắt được nhiều, chủ tàu xê dịch tàu từ nơi này qua nơi khác lênh đênh trên biển. Hải sản đánh bắt được sẽ có các tàu buôn, hẹn nhau qua vô tuyến, ra cân và trả tiền ngay trên biển. Những tàu buôn này cũng mang ra cho tàu đánh bắt nước ngọt, rau xanh, thịt tươi (thịt muối, thịt hộp đã được dự trữ nhiều, không bao giờ thiếu).

Làm việc dài ngày nhưng cường độ làm việc cũng rất căng thẳng. Chủ tàu muốn thế mà người đi bạn cũng muốn thế. Họ muốn có sản phẩm để ăn  chia. Trừ các bữa ăn, và những lúc quá mệt, phải thay bình dưỡng khí, phần lớn những người đi bạn ở dưới đáy biển. Dù được bảo vệ bằng một bộ áo lặn, nhưng dầm mình dưới nước quá lâu, cái lạnh làm môi họ tím như thịt trâu chết, da nhăn nheo tưởng già thêm vài chục tuổi.

Biển giàu có nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều hiểm hoạ: nhiều loại cá dữ, rắn độc, cá độc... Chui rúc vào các hang hốc bắt tôm cua rất dễ bị hư hỏng hệ thống dẫn khí thậm chí vỡ cả bình dưỡng khí.

Những người đi bạn chưa được học một lớp dù là tập huấn ngắn ngày về việc lặn bắt hải sản, phòng chống tai nạn dưới biển. Chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm lặn bắt truyền thống, thô sơ từ xưa tới nay. Vì thế có người chưa kịp làm quen với các phương tiện đánh bắt hiện đại đã phải trá giá bằng xương máu và không bào giờ có điều kiện khắc phục được.

Lặn bắt ở tầng nước sâu nhiều phút, có khi mải theo con tôm, con cua xuống các tầng nước rất sâu, cơ thể quen dần với áp suất lớn, khi hết dưỡng khí hoặc bị một tai hoạ gì đó đe doạ phải trồi lên nhanh, áp suất thay đổi đột ngột, máu ộc ra mồm, tai và hai hốc mắt, đỏ cả mặt nước. Những người may mắn thoát chết, có khi về nhà sinh ra một thứ bệnh lạ. Ban đầu thấy chân tay tê tê, bấm vào không đau. Sau đó không điều khiển được nữa phải bị liệt. Đi nhiều viện, uống nhiều thuốc, châm cứu, bán cả gia sản vốn đã nghèo nàn vẫn trở thành người tật nguyền.

Khi một người đi bạn gặp tai hoạ chết ngay tại chỗ, chủ tàu sẽ quấn họ trong một bọc ni lông, bí mật đưa họ vào một bãi vắng và chôn cất ở đó. Thế là họ sẽ “mất tích”. Những nghĩa địa như vậy không nhiều lắm những nấm mồ nhưng qua mỗi năm đều có thêm những nấm mồ mới. Các ông chủ tàu cũng là người đánh cá biển, đa số là “hậu duệ” nhiều đời “ngư phủ” vì vậy cũng rất chất phác. Họ thuê người đi bạn chui không vì mục đích chạy làng khi bạn gặp nạn, trước hết là để tránh sự phiền hà của thủ tục hành chánh bây giờ. Đăng ký tạm vắng, tạm trú, ký hợp đồng lao động, khám sức khoẻ định kỳ, đóng bảo hiểm, bồi thường tai nạn nếu có, tiếp cán bộ kiểm tra bất thường và định kỳ... Có những chủ tàu trình độ thấp không biết viết một hợp đồng thế nào cho chặt chẽ, không biết nói thế nào để bênh vực quyền lợi của mình khi bị tranh chấp, bị cán bộ “hạch”. Vì thế, thuê bạn chui là “rất khoẻ”. Khi bị tai nạn, họ tỏ tấm lòng bằng cách cho bạn khá hậu  để họ về. Rủi ra họ bị chết không có cách nào khác thuê chui thì phải chôn chui.

Tình cờ lên nghĩa địa của những người tử nạn vô danh như vậy, tôi gặp một người đi bạn trước khi về quê bí mật ra thắp hương cho một người đồng hương. Tưởng tôi là người của ông chủ, anh hốt hoảng.

Khi anh đã yên tâm, tôi hỏi:

- Sao anh không làm một cái gì đó cho người dưới mộ! Tố cáo? Đòi bồi thường?

Anh lắc đầu.

- Không thể, vì chúng tôi tự nguyện và thoả thuận với các ông chủ. Ngay cả những tai hoạ có thể xảy ra cũng đã được cảnh báo trước và thoả thuận rằng: Hà bá giáng tai ương vào người nào thì người đó phải cam chịu. Các ông chủ thường có thu nhập cao nhưng họ đãi ngộ chúng tôi khá hậu, và không bao giờ sai lời đã hứa. Tôi còn phải giữ việc làm để khi trở lại vào nhiều năm tới nữa kiếm miếng cơm manh áo cho vợ con. Ở quê tôi làm ăn khó lắm.

- Khi về quê, người nhà nạn nhân hỏi về họ, anh trả lời thế nào?

- Thì cũng cứ cái bài một số người đã từng nói “ nó phải lòng con bé bán hàng xén, hai đứa dẫn nhau đi Sài Gòn rồi!”

Vợ con họ sẽ gào khóc, kêu trời rồi uất lên sẽ chửi: “Đồ phản bội” “đồ thất đức”. Họ có biết đâu rằng, ở cái chốn lạnh lùng này, chồng họ, cha họ, đã bỏ mạng vì miếng cơm manh áo của vợ con.

Như sực nhớ ra mình lắm lời, sợ tôi hỏi thêm một điều gì đó, anh vội vàng chia tay, đi như bỏ chạy.

Nghề đi bạn không phải chỉ diễn ra ở trong nước. Nhiều người chui ra cả nước ngoài phần lớn là đi Malaysia, Đài Loan để đánh bắt hải sản. Ở các nước đó, tàu và phương tiện đánh bắt hiện đại hơn. Họ đánh bắt và lặn bắt ở đại dương mênh mông, thu nhập người đi bạn cao hơn và hiểm hoạ cũng nhiều hơn. Những người đi bạn chui như vậy không phải là đổ mồ hôi mà là đổ máu kiếm miếng cơm.

 

        L.V.T

 

Lê Văn Thê
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 158 tháng 11/2007

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground