Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đi tìm cỏ

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê mình thưa dần theo từng tiếng chuông trâu. Nỗi sợ hãi về một ngày kia ở quanh sân nhà không còn thấy cỏ cứ bám lấy tôi. Đó là nỗi lo bao đồng chăng? Con người hiện đại đang xa dần thiên nhiên, mà cỏ là một đại diện sáng giá?

Trong vùng ký ức xa mờ, tôi thấy cỏ quê hương ngút ngàn như trong câu thơ của Nguyễn Du: Cỏ non xanh rợn chân trời. Cỏ từ chân đê, chạy dọc bờ ruộng đến cổng nhà, lan vào thềm sân nhà, quanh nương. Cỏ gần gũi đến nỗi trong mỗi giấc ngủ còn thấy mùi hương.

Nhớ trước đình làng là một bãi đất rộng, xung quanh chẳng hàng rào chắn. Chiều nào bọn trẻ trong làng cũng ra đó mà lăn lộn, chơi đùa. Cỏ mọc san sát tạo nên một tấm thảm êm tha hồ nhảy múa. Nhiều lúc nằm lên cỏ nhìn bầu trời trong xanh có đàn cò trắng bay qua thật yên ả. Mùi cỏ xông lên cùng với mùi hương của đất làm nên hương vị đồng quê mà dù đến chân trời cuối đất vẫn không sao quên được.

Ảnh: Cáp Lộc Hàn Vũ

Ảnh: Cáp Lộc Hàn Vũ

Mỗi lần làng có lễ hội, bãi đất rộng ấy để người dân trong làng tập trung. Và cứ thế, ngồi lên cỏ mà chẳng cần tấm chiếu hoa nào cả. Có lẽ cũng tại bãi đất trống đầy cỏ giữa đình làng ấy, lớp lớp người lăn tròn, chơi đùa trên cỏ giờ thành kẻ trăm năm; cũng biết bao lớp người quỳ gối lên cỏ để bái vọng vô ngôi đình mỗi lúc khăn áo lên đường đi xa. Đến mỗi một mùa xuân, họ nhớ về ngôi đình nhỏ bé, nhớ về bãi cỏ xanh non trong đáy ký ức xa mờ nào đó.

Những năm chiến tranh, làng quê xơ xác. Ruộng đồng, bờ ao bị giặc cày xới. Những bụi tre vững chãi nhất cũng bị đạn bom quật ngã. Lúc này cỏ là loài hiên ngang mà vô tư nhất giữa mùi thuốc súng, đạn bom. Giặc không thể giẫm đạp hay phá hết những bờ cỏ bình yên của làng. Chợt nhớ đến câu nói của anh hùng Nguyễn Trung Trực: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, nước Nam mới hết người đánh Tây”. Đó phải chăng là sức sống của cỏ cũng như sự trường tồn của những lớp người cần lao dám hy sinh tất cả để bảo vệ từng tấc đất của quê hương xứ sở.

Tôi có người bạn ở thành phố. Nhà cửa chật chội nhưng trên sân thượng nhỏ bé của tòa nhà là những chậu cỏ, xen lẫn có thêm chậu mạ non. Trồng những thứ ấy chỉ đơn giản để cái không gian của phố thị có chút chân quê, có chút cỏ dại để chiều chiều trốn lên đó mà thưởng ngoạn, mà hồn nhiên.

Đã bao giờ cỏ trở thành một thứ cần thiết như oxy, nước uống cho một ai đó? Cỏ không có cái thiên chức đó nhưng cỏ có một vị trí nào đó trong đời sống của xã hội. Bởi vậy trong tùy bút “Miền cỏ thơm”, Hoàng Phủ Ngọc Tường xem màu xanh cỏ lá như linh hồn xứ Huế. Dường như thành phố Huế được dành cho cỏ là vậy!

Cỏ thưa dần theo những tiếng chuông trâu. Những con đường dài hun hút xuyên thôn, xuyên xã bằng bê tông; những khoảng sân trước đình, trước nhà đều bê tông. Những ngôi nhà san sát, những nhà máy mọc lên... Đám con nít trong làng thay áo sau một ngày rong chơi chẳng vương mùi cỏ nữa. Cỏ đã đi đâu?

Đã có lần tôi đi dọc đường Chín, từ thành phố Đông Hà đến tỉnh Savannakhet, Lào. Những cái sân cơ quan, nhà dân hai bên đường của người Việt thường bê tông hóa. Từ nhà đến đường chẳng dính đất. Còn phía bên kia nước bạn Lào, những ngôi nhà ngăn nắp, chẳng cần hàng rào và phía trước là cái sân rộng rãi đầy cỏ mọc. Từ nhà dân cho đến cơ quan nhà nước, chỉ cần bước xuống thềm hiên là hòa mình vào cỏ, vào thiên nhiên.

Lại nhớ câu chuyện liên quan đến cỏ. Một hôm Khổng Tử ra đồng, thấy một người đàn bà đứng khóc nỉ non ở chỗ bờ đầm, Đức Khổng Tử lấy làm lạ, bảo học trò hỏi vì cớ gì mà khóc. Người đàn bà nói: “Độ trước tôi cắt cỏ thi, tôi đánh mất cái trâm cài đầu bằng cỏ thi, cho nên tôi khóc”. Đức Khổng Tử hỏi: “Đi cắt cỏ thi, mà mất cái trâm làm bằng cỏ thi thì việc gì phải khóc?”. Người đàn bà nói: “Không phải vì tôi đánh mất cái trâm cỏ thi mà tôi khóc; tôi sở dĩ khóc là tôi thương tiếc một vật cũ, dùng đã lâu, mà ngày nay không sao thấy được nữa”. Dù tôi chẳng có một nhánh cỏ thi để tiếc như trong giai thoại nhưng lại tiếc cho linh hồn của cỏ ở mỗi làng quê trong đời sống hiện đại.

Trong giấc mơ tôi thường đi tìm cỏ. Loài cỏ non mọc san sát dưới chân tạo thành chiếc thảm chứ không phải cỏ thi. Mỗi một mùa xuân tôi muốn hòa mình vào đám cỏ. Giờ tìm cỏ ở đâu?

YÊN MÃ SƠN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 354

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

8 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground