Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đọc cũng chìm đắm như khi ta yêu

Thời điểm kết thúc năm cũ bắt đầu năm mới, nhiều người bạn của tôi đã đăng lên Facebook những bức ảnh lung linh về gia đình. Có lẽ với ai cũng vậy thôi, gia đình chính là điều sau cùng còn lại và là điều đầu tiên để hướng về. Với tôi thì, ngoài ảnh gia đình, tình thân, tôi còn đăng lên tường những tựa sách từng đọc trong chuỗi 365 ngày. Đọc sách, với tôi cũng là một dạng gặt hái đầy ý nghĩa và thân thương…

Vốn sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo nên từ nhỏ tôi không có điều kiện tiếp cận nhiều với sách, truyện. Có chăng chỉ là những mẩu tin tức nông nghiệp, lược trích truyện cười nho nhỏ trong những tờ báo khổ lớn, in màu đen trắng của ba tôi. Hồi ấy, ba làm nghề đưa thư và phụ trách trà nước, bảo vệ ở hợp tác xã (nay là UBND xã). Ba hay gom báo về đọc sau đó đóng lại thành tập, phần thì cho vào bao tải cất lại, phần thì cho vào bọc vải làm gối kê đầu. Mùi mực in và giấy báo loại rẻ tiền kết hợp lại mãi là thứ mùi thơm tho mà tôi hay dí mũi hít hà trước khi chìm vào giấc ngủ trong những trưa hè vườn xào xạc gió.

Ảnh: D.A

Ảnh: D.A

Hết cấp ba, thi đỗ vào Khoa báo chí của trường Đại học Khoa học Huế, tôi có dịp quen thân nhiều bạn mới. Thảo đến từ Kon Tum có lúm đồng tiền hạt gạo cười rất xinh, Hằng đến từ Quảng Bình người thấp đậm cùng hai bím tóc dày xanh liên tục ngúng nguẩy, và Phương Chi, cô gái nhỏ nhắn đến từ thành Vinh với niềm đam mê đọc sách bất tận. Tôi sẽ không bao giờ biết được ánh mắt của một người con gái có thể lấp lánh và “rộn ràng” đến thế nếu không ngồi nghe Chi kể về việc đọc sách. Cô bảo, ở nhà mẹ là nữ phóng viên truyền thanh, bà có sở thích đọc và sưu tầm sách từ hồi trẻ. Vậy nên, thời niên thiếu của Chi chính là sự gắn bó, trau dồi, học hỏi không ngừng bên cạnh những tủ sách của gia đình. Cô thao thao kể cho tôi nghe về Cuốn theo chiều gióTiếng chim hót trong bụi mận gai, về những tên tác giả mà lần đầu tôi nghe thấy như: Mạc Ngôn, Sơn Táp, Murakami,…

Ai đó đã từng nói, tình yêu nếu lớn quá thì nó cũng như một dạng bệnh lí, không giấu được và có khả năng lây nhiễm. Ngồi với Chi, nghe Chi nói, quan sát thấy Chi mỗi ngày đều sống hạnh phúc với niềm đam mê sách vở, tôi cũng tò mò. Tôi đăng ký làm thẻ thư viện, trở thành khách hàng ruột của cô thủ thư. Cuộc đời sinh viên của tôi từ đó luôn đắm đuối bởi những bất ngờ.

Sau này, tôi lập nghiệp, sống xa quê. Thành phố nơi tôi ở khá sôi động. Tại những công viên nép dọc theo những tuyến đường lớn thường diễn ra những sự kiện, hội chợ, triển lãm. Thế nhưng khác với các sự kiện văn hóa văn nghệ, những buổi giới thiệu sản phẩm, bán hàng thông thường, hội chợ sách, đường sách luôn có những nét riêng đầy khác biệt, mà chỉ cần đứng từ xa tôi đã nhận ra. Ở đó thưa người, vắng nhạc, ít tiếng nói cười. Không gian luôn được bày trí một cách ngăn nắp, thoáng đãng. Có lẽ ban tổ chức cũng hiểu, người ta chỉ có thể tìm đến sách, tiếp cận sách với một tâm thế an tĩnh, từ tốn và bình lặng nhất. “An” và “lặng” chính là thảm đỏ để mời gọi và níu giữ bước chân những khách hàng yêu mến sự giàu có tâm hồn.

Vì yêu sách, thích đọc nên tôi có thói quen tra cứu, mò tìm những “địa chỉ đỏ” trước khi khởi động một chuyến du lịch. Đó không phải là tiệm ăn ngon, cửa hàng thời trang nức tiếng, hay những khu chợ lâu đời. Tôi nôn nao với những tủ sách địa phương nơi mình sẽ ghé đến. Những tủ sách này không đa dạng, phong phú như nhà sách hay thư viện. Nó đúng nghĩa đen là một chiếc tủ gỗ với trên dưới khoảng vài trăm cuốn, thường được đặt trong một quán cà phê rộng rãi, tạo nên một nơi chốn trưng bày, giới thiệu những đầu sách có nội dung liên quan đến chính vùng đất, con người địa phương đó.

Ai đó sẽ bảo, thời buổi công nghệ, chỉ cần một nút nhấn Thêm vào giỏ hàng thì dù khoảng cách địa lý xa bao nhiêu bạn cũng có được thứ mình muốn, sao phải phí công, kỳ công một cách không cần thiết. Thế nhưng, như một sở thích và cách cảm nhận mang tính cá nhân, việc đọc sách với tôi cũng như ăn một món ngon, sẽ thấm đượm, dai dẳng, ấn tượng hơn nếu bản thân được thưởng thức đặc sản trên chính quê hương tạo ra nó, liên quan đến nó.

Tôi từng ngồi trong một góc quán dưới chân con dốc ở thành phố ngàn hoa, quán có ô cửa sổ nhỏ trổ ra mặt hồ phía trước đang phủ đầy sương mù để đọc những trang văn liêu trai và tha thiết trong cuốn Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên. Từng có 5 năm sống ở Đà Lạt nên những ghi chép của anh về thành phố tuy không dài nhưng lại đầy sức nặng. Mỗi câu, mỗi đoạn như những thước phim quay chậm được thao tác bởi một tay máy điệu nghệ và có tâm hồn tự do. Chúng tái hiện một cách tài tình về quang cảnh, tình người thông qua những lát cắt đầy tỉ mỉ nhưng phóng khoáng, vừa trung, vừa cận, lại bao quát được hồn vía của xứ sở sương mù.

Làm sao không nao lòng khi độc giả được chính mình chạm tay vào những điều mà tác giả đang miêu tả: “Mỗi sớm thức dậy, tôi mở cánh cửa trên trần nhà và lắng nghe gió mưa đi xao xác thinh không, mây tràn vào căn gác nhỏ và phủ trùm lấy mọi vật dụng bừa bộn trong nhà. Thế giới bên trong và bên ngoài đã quyện lấy nhau làm một thông qua cái khung cửa sổ bé xíu… Thành phố vẫn còn đó những mái ngói xưa, những cửa sổ kiểu cũ trổ lên đón gió và sương trời. Chỉ vài cơn mưa thu và mươi đợt gió lạnh đầu đông, rêu cỏ sẽ mọc loang xanh rậm rì trên từng thớ ngói như thể giữa ngày âm u có nàng tiên đãng trí nào đó dạo chơi trên mây vô tình làm đổ những bụi ngọc lên mái nhà nhân gian” (Hơi thở xanh rêu).

Nguyễn Vĩnh Nguyên đã yêu Đà Lạt bằng trái tim trinh nguyên của tuổi trẻ và những nhịp đập đa cảm của hơi thở báo hiệu tuổi già. Nương vào sợi dây tình cảm bền chặt ấy, đầu năm 2020, anh xây dựng tủ sách địa phương mang tên Câu chuyện Đà Lạt. Ngoài một số tác phẩm nước ngoài nổi tiếng, nhà văn trân trọng đặt vào kệ những cuốn như Đà Lạt năm xưa (Nguyễn Hữu Tranh), Đà Lạt, bên dưới sương mù (Nguyễn Vĩnh Nguyên), Đà Lạt xưa (nhiều tác giả - tuyển từ tập san Sử Địa), Vang vọng một thời (Phạm Duy)... Thông qua tủ sách, anh mong muốn bất kỳ ai khi tìm đến đây đều được tung hứng, thấu cảm, hội ngộ, thậm chí là sống lại những phút giây đẹp đẽ nhất, tuyệt vời nhất với xứ sở ngàn thông.

Và tôi, nhờ sự “cố chấp” đầy lãng phí của mình khi thực hiện chuyến phiêu du cách xa nơi mình sống cả ngàn cây số, đã có được những phút giây riêng tư đầy đắm đuối với thành phố “tình nhân” ướt đẫm những giao hòa.

Có thể nói, sách như một người thầy người bạn, chỉ cần xuất hiện, còn lãng quên hay lưu dấu như thế nào, điều đó tùy vào sự rộng mở của trái tim. Những lúc đủ sức khỏe, tôi từng ra đi, kiếm tìm, chìm đắm trong những trang sách hợp thời, hợp cảnh. Và những lúc hao kiệt, chùn chân, tôi chỉ cần yên lặng, cũng đủ cảm nhận nguồn năng lượng có tác dụng chữa lành.

Trong nhà tôi, tuy không có phòng đọc sách riêng nhưng tôi lại có ba chiếc kệ sách xếp sát vào nhau, áp vào bức tường phía trước phòng ngủ. Mỗi lần có điều gì buồn phiền tôi lại mở toang cửa phòng, ngồi đó ngắm nghía những chồng sách đang ngay ngắn dàn hàng. Dòng sách văn học Phương Tây ở trên cùng, những ngăn bên trái là tiểu thuyết Nhật Bản, rồi truyện ngắn, tạp bút, tản văn của những nhà văn trong nước. Tôi cũng ghiền dòng sách rèn luyện và nuôi dưỡng sức mạnh tinh thần của Thích Nhất Hạnh, Osho, Nietzsche,… Mỗi cuốn là một tài sản quý, nên dù đã đọc xong, thỉnh thoảng tôi vẫn lật giở lại để quét bụi, phơi nắng, ngắm nghía và nâng niu.

Những trang sách luôn im lặng nhưng những nội dung mà nó chứa đựng lại luôn có tác dụng mở mang, nâng đỡ, giúp ai nấy đều muốn hướng về nguồn cội hoặc mơ đến những chân trời…

Nói đến đây, tôi tự hỏi, ở Quảng Trị mình có nơi nào mang dáng dấp của một tủ sách địa phương như tủ sách Câu chuyện Đà Lạt, đủ thú vị và hấp dẫn để trở thành một địa chỉ khiến ai đó không ngần ngại lưu dấu vào danh sách Những - nơi - nhất - định - phải - ghé trong mỗi hành trình?

Đọc sách về ai đó, nơi nào đó, điều gì đó chính là lần nữa ta ở lại, khám phá và chìm đắm cùng nhau.

D.T

 

 

DIỆU THÔNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 330

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

9 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground