“…Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời
(Truyện Kiều)
Mạ gọi điện cho hai vợ chồng tôi rằng “Mần chi thì mần, chủ nhật này cũng phải về làng dự lễ xóm miềng đón nhận danh hiệu “Làng văn hóa”.
Nghề nghiệp làm báo ở một tờ báo như Tuổi Trẻ đã khiến tôi đi dự không biết bao nhiêu hội hè từ Bắc chí Nam, từ cấp quốc tế đến cấp…xã. Hội cỡ tầm vóc quốc tế như các Festival Huế, Pháo hoa Đà Nẵng, lễ hội diều Vũng Tàu, lễ hội trái cây miệt miền Tây, hội cà phê trên Buôn Ma Thuột… rồi cả những mùa lễ hội triền miên đất Bắc, trải từ Yên Tử - Quảng Ninh lên tận chùa Hương, chùa Thầy, từ hội “Tung còn” của người Tày đến “Gầu tào” người Mông, cả lễ “Tủ cải” người Dao, lễ “Nhảy lửa” của người Pà Thẻn…Mùa xuân hội hè, cây cỏ tốt tươi, đất đai rạo rực, ấp ủ những hy vọng mùa màng phong nẫm…Đi dự bao nhiêu hội hè như thế , lễ lạt cũng khắp, vậy mà khi nghe mạ dặn phải về lòng cứ bồi hồi bổi hổi…
Quê nhà tôi bao năm qua vẫn thế, vẫn có xuân thu nhị kỳ lễ tế thần hoàng làng, mỗi năm hai lần cúng xóm, không còn cảnh quan viên mũ cao áo dài như xưa, cuộc sống mới, tiết giản nhiều điều nhưng vẫn có những điều được lưu giữ như một ký thác của văn hóa làng, thẳm sâu và nhân hậu qua bao bể dâu thời cuộc, bao biến dịch thăng trầm. Vậy nên khi nghe về dự hội, một lễ hội đã trở nên quen thuộc khắp trời Nam này trong mấy năm qua, đi đâu cũng là cơ quan văn hóa, đơn vị văn hóa, làng văn hóa, lại có các thứ bậc phấn đấu đạt “văn hóa cấp huyện”, “cấp tỉnh”, “cấp quốc gia”…lòng tôi cũng u u minh minh, mà câu chuyện đón nhận danh hiệu “làng văn hóa” cũng không phải lần đầu tiên nghe thấy.
Nhưng hóa ra tôi đã không hình dung được cái niềm vui tinh khôi nguyên đán của làng quê trong cái buổi hội hè ra giêng này. Nó không là câu chuyện của làng văn hóa, chính xác hơn đó là một cuộc trùng phùng chưa từng có trong lịch sử hàng mấy trăm năm của xóm tôi. Miền quê này đã qua bao binh lửa chiến tranh, vị thế cái xóm quê tôi cũng đã từng đi vào từng trang cổ sử, cây đa giếng nước, sân đình, nhất cận thị, nhị cận giang. Hầu như tất cả đều hội tụ vào cái xóm nhỏ nép mình bên sông Hiếu này - xóm Đông Định của làng Cam Lộ thuộc thị trấn Cam Lộ, huyện lỵ huyện Cam Lộ!
Mảnh đất người đời…
Không đi đâu xa, ngay khu chợ Phiên cạnh nhà tôi, không chỉ là hình ảnh dập dìu người mua kẻ bán trong bao nhiêu phiên chợ đã in vào tâm khảm. Lần giở những trang sách của tiền nhân mới hay chợ Phiên đã từng là một ngôi chợ lớn nhất nhì Trung Bộ trong các thế kỷ 15 - 17. Khi ấy chợ Phiên đã là chợ “quốc tế” với trên bến dưới thuyền, một thị trường thông thương từ Cửa Việt lên chợ Phiên Cam Lộ và nối thẳng sang Lào (Ai Lao). Thị trường nội địa đã tạo mối liên kết đặc biệt để chợ Phiên trở thành trung gian giữa hai cửa khẩu là Cửa Việt và Dinh Ai Lao (Lao Bảo ngày nay). Hoá ra Cam Lộ từng có một phố chợ sầm uất ngay cạnh nhà tôi đây, chợ Phiên đã đi vào những trang viết đổ bóng xuống thời gian của nhà bác học Lê Quý Đôn. Mấy trăm năm qua rồi mà vẫn như còn nghe vọng lên từ Phủ Biên tạp lục âm vang náo nhiệt của chợ phiên Cam Lộ. Thuyền buôn Nhật, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha vào Cửa Việt lên, những thương nhân các bộ lạc Lạc Hoàn,Vạn Tượng, miền Tây Thanh Nghệ từ Trấn Ninh, Quỳ Hợp qua cửa khẩu Dinh Ai Lao về giao thương với vải man, màn man, voi ngựa. Luồng thương nghiệp mạnh mẽ này là tiền đề cho việc hình thành con đường hương liệu và chính từ con đường hương liệu này mà chúng ta ngày nay có được đường số 9, huyết mạch của hành lang kinh tế Đông Tây - xa lộ Xuyên Á trong tương lai. Nhưng chợ Phiên không chỉ có những phiên chợ sầm uất tầm “quốc tế”, nơi đây từ những năm đầu của thế kỷ 20 là một địa điểm đánh dấu những bước phát triển của phong trào cách mạng trên địa bàn của tỉnh Quảng Trị và huyện Cam Lộ.
Năm 1928 một phân nhánh của Hưng Nghiệp hội xã của tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội đã được thành lập tại Cam Lộ do đồng chí Hoàng Thị Ái (nữ đảng viên Cộng sản đầu tiên của Quảng Trị) phụ trách trực tiếp giao dịch với đồng chí Lê Thế Hiếu. Phân hội này đặt cơ sở tại chợ Phiên mở một quầy bán tạp hoá và làm cơ sở tài chính, cơ sở liên lạc cho Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội tại Quảng Trị.
Cũng từ chợ Phiên này tháng 1 - 1937 phong trào đòi dân sinh dân chủ do đồng chí Hồ Xuân Lưu (tức Trần Quốc Thảo) đã tổ chức chỉ đạo hơn 400 người về chợ Phiên gặp tri huyện Hoàng Dũ Châu để đưa yêu sách đòi giảm thuế, xoá nợ, đòi tự do đi lại, hội họp, ngôn luận… Năm 1938 tại cơ sở Đồng Nguyên - cũng ở chợ Phiên này các đảng viên và quần chúng cách mạng đã tổ chức hội thảo, bàn phương hướng tuyên truyền chính sách của Đảng (giai đoạn 1936-1939 này ở nước Pháp Mặt trận Bình dân đang cầm quyền nên phong trào cách mạng ở thuộc địa Đông Dương dâng cao). Chợ Phiên cũng là nơi chuẩn bị cho cách mạng tháng Tám suốt thời kỳ 1945 tại đây luôn diễn ra những cuộc míttinh của đông đảo quần chúng, huyện uỷ Cam Lộ đã phát động đồng bào đấu tranh giành chính quyền.
Một quá vãng đáng nhớ trong truyền thống quê hương, và ký ức thời gian ấy, sau gần thế kỷ, giờ đây lại tạc vào cho cháu con niềm tự hào sắt son vàng đá trên hành trình đi tới.
Cuộc đời đã cho tôi nhiều chuyến đi đến những miền đất lạ, và cũng lạ lùng là khi đến Tô Châu, Hàng Châu của đất Trung Hoa nỗi tiếng là địa đàng nơi hạ giới, ghé qua những kỳ quan như Angko Thom, Angko Watt ở đất Chùa Tháp, qua những con phố lộng lẫy xa hoa ở Bangkok, ở Sing, ở Phố Đông... hay những ngôi làng u tịch giữa rừng già xứ Lào.., thật lạ lùng là khi ở những nơi chốn đó, ý nghĩ đầu tiên trong tôi vẫn lặn lội ngược về ngôi làng nhỏ bên chợ Phiên- bến Đuồi của mình, tôi nhớ mạ tôi, tảo tần sương nắng gánh mướn gồng thuê nuôi mấy anh em tôi nên người. Từ mảnh làng nhỏ ấy, cho tôi nuôi những ước mơ để bay đi khắp chân trời góc bể và mơ một ngày cái xóm nhỏ quê nhà cũng được đẹp giàu hào sảng như xứ người.
Ba mươi lăm năm, ngọn gió hòa bình đã thổi đến quê tôi những niềm vui mới, như câu thơ năm nào “Vui cứ đến mỗi ngày nho nhỏ/ Như từng cây cờ đỏ mọc trên đồi…”. Cái vùng quê hoang vu đồng khô cỏ cháy ngày chiến tranh kết thúc giờ đã vạm vỡ một khuôn ngực tráng niên.
Hành lang xuyên Á qua Cam Lộ đang vỡ vạc những hoài vọng tương lai bằng vẻ thanh tân của dáng phố bên những con đường mới mở. Tôi sống cách quê nhà chưa đầy 10 cây số, tuần nào cũng lên quê vậy mà nhiều khi vẫn thấy ngỡ ngàng khi những ngôi nhà mới từng ngày thêm dáng thị thành. Cái xóm nhà tôi, những ngôi nhà nghèo nhất khi xưa (có cả ngôi nhà của mạ tôi trong số đó) nay đều sáng tươi màu mái ngói tường xây. Tôi lại về bên bến Đuồi của tuổi thơ xưa tóc cháy khét màu nắng, cây cầu sắt thuở ấy với những dầm sắt bần bật rung trong đêm khi có xe cộ chạy qua, tiếng rung của cây cầu già nua ấy cứ ám ảnh trong giấc mơ tuổi thơ tôi thì nay cùng với đại lộ Hồ Chí Minh, một cầu Đuồi mới vạm vỡ soãi mình vắt ngang dòng sông Hiếu. Tôi lên bến sông An Hưng, nơi ngày xưa mỗi lần mùa mưa lũ bạn bè tôi đi học đều khiếp hãi ngọn nước lũ cuồn cuộn gầm thét nay cũng đã có thêm một cây cầu mới duyên dáng soi bóng bên tre trúc vườn làng, và rồi những ngôi trường tuổi thơ tranh tre nứa lá vẫn im ngủ trong hoài niệm lứa học trò chúng tôi nay đã thay bằng những tầng cao khang trang hiện đại, đầy gió và tiếng chim…
Quê nhà, hai tiếng thật giản dị nhưng để hiểu và yêu cho trọn vẹn mảnh đất người đời, nơi chôn nhau cắt rốn người ta phải bắt đầu yêu từ chú dế mèn bắt ngoài đồng bãi thời tuổi dại, phải bắt đầu từ dáng mẹ gầy lặn lội đồng xa đồng gần, và với rất nhiều người dân quê tôi tình yêu ấy có cả màu máu đỏ. Máu của những liệt sĩ ngã xuống trong cuộc chiến gìn giữ quê nhà và cả máu của những dân lành vô tội đã thấm vào đất đai sau ngày hoà bình. Trên những con phố vừa lên, những toà nhà cao tầng vừa xây của quê nhà, ngày xưa chính là những mảnh rẫy, rất nhiều người chết vì đi khai hoang và đã thấm máu xuống đất này. Trên những ngõ làng giờ đây được bê tông hoá kia tôi đã chứng kiến rất nhiều cái chết của bạn bè trong đội thiếu niên, vai còn quàng khăn đỏ. Tôi vẫn nghe âm âm trên những ruộng đồng đang thắm ngời sắc lúa tháng Năm kia có tiếng nổ vang đanh chát chúa của những quả bom bi nằm sâu trong tảng đất, dưới ngút ngàn cỏ dại… Tất cả đã qua nhưng không hề mất đi trong trí nhớ của đất!
Và cũng chính vì thế, cái cuộc lễ hội “đón nhận danh hiệu làng văn hóa” hôm nay chỉ là cái cớ cho người dân xóm tôi làm một cuộc tổng kết trăm năm, không chỉ là ngày xưa với quá vãng huy hoàng, một thời với phập phồng chinh chiến, hay những tháng năm dựng xây sau này, dân xóm đã đi lưu tán khắp bao miền, nhưng ly hương bất ly tổ, bất ly những ký ức đời người đã thấm vào máu thịt con dân cái xóm quê chợ Phiên - Đông Định này!
l.®.d