Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đông Hà, đường lên phía trước

 

1

 - Cách đây hơn hai mươi năm, tôi dẫn bạn gái hiền thương từ Huế về thăm quê. Chiếc xe đò hiệu Rờ Nôn cũ kỹ chạy bằng than với ống khói lực lưỡng phía sau, chốc chốc lại nhả những đốm tàn lửa xuống mặt đường nhựa gồ ghề, bốc từng làn hơi nhòa mặt người đi, rát bỏng dưới nắng. Xe đương chạy bỗng khựng lại bên đường. Đây đã là Dốc Sỏi. Không thể chờ đi tiếp một thôi đường ra cầu Đông Hà, chúng tôi xuống xe. Gió Lào như những vốc lửa táp vào mặt. Bụi đỏ quấn lấy chân người. Hàng quán, nhà cửa lè tè mái tôn nhuốm một màu hồng trong vần vũ gió cát, một màu u hoài và cam chịu. Bạn buột miệng, giọng Huế lạc đi trong nắng trưa:

- Răng không có chiếc xích lô mô rứa anh?

Tôi dắt tay em qua đường, cắm cúi dọc theo những thành tà vẹc để đi ra phía Bắc, lòng bần thần với câu hỏi cắc cớ của em. Xích lô? Làm sao một phương tiện đi lại thơi thới, khoan hòa như vậy lại có chỗ "dụng võ" ở đất quê tôi? Đông Hà từ bấy đến giờ nổi tiếng với ngọn gió Lào quái ác. Gió hoành hành từ ra giêng cho đến cận kề tháng bảy "nước nhảy qua bờ", cao điểm là tháng tư, tháng năm, tháng sáu, có khi lẹm cả vào  tháng tám "nắng nám trái bồng". Gió tựa bão, giật trên cấp chín, cấp mười. Trời cao xanh, gờn gợn. Nắng đưng lại, như rút hết tinh lực trên từng  cánh lá, trên từng ngọn cỏ, trên từng mặt nước, nắng nung đỏ mái nhà, rang cháy ruộng đồng, ngỡ như nắng có sức nén mãnh liệt, ấn tất cả vạn vật xuống mặt đất hầm hập. Người Đông Hà thời đó, cứ mùa nam nắng lại quét sạch nhà, trải chiếu ra đất, xoải tay, xoải chân hít hà mùi hăng ngọt nồng nàn từ từng thớ đất gan gà đầm nện lâu đời mà thành nền nhà trên, nhà dưới ánh bóng mồ hôi, mòn vẹt chân người. Đường Đông Hà ngắn như những nét sổ, ai đó cao hứng phóng bút ra rồi để đó, đường nửa như ngập ngừng, nửa còn dang dở, loi thoi đèo dốc, khúc khuỷu ngã ba, ngã tư, ngã năm dẫn vào những xóm an nhiên đường đất, nước giếng, đèn dầu. Sức vóc nào dám dấn pê đan xích lô, thách thức với gió giật, đường dốc, nắng nôi, bụi bặm ngút ngàn? Lại nữa, Đông Hà hồi đấy là "cái rốn" của hàng lậu. Hàng từ Lào, Thái Lan qua sông Sê pôn, thẩm lậu vào đất Việt, trà trộn trong hàng tấn thạch cao chở từ mỏ Đồng Hến bên bạn về cửa khẩu mỗi ngày hay theo các  đoàn xe quá cảnh Lào mượn đường Chín để vận chuyển hàng từ cảng Đà Nẵng qua Savanakhet. Thuốc lá Thạt Luông, Sa mít, No1, No2, đường hóa học, mỳ chính, quần bò, áo phông, áo Philakét... nườm nượp đổ về Đông Hà. Trên đất nước mình, chỉ có Đông Hà mới có một từ mang nhiều ẩn ý: "xơng lẹc". Dân "xơng lẹc" chọn việc tiêu thụ hàng lậu làm kế sinh nhai với phương thức mua bán, trao đổi chụp giật, lẹ làng.

Hàng lậu về đến Đông Hà, thương lái chất ngay lên xe Honda sáu bảy xoáy nòng hay Minxcơ "nồi đồng cối đá" và biến đi trong chớp mắt. Chở hàng lậu là chạy đua với thời gian, giành giật với mối lái, lẫn tránh cơ quan chức năng và cần đến sự tốc lực nhanh nhất có thể được, ai lại cậy nhờ  đến chiếc xích lô tốc độ tám ki lô mét một giờ khi trời yên gió lặng và tương đương với người đi bộ khi gió Lào nổi cơn cuồng nộ?

2-Tôi có trong tay một trong những bản ký âm đầu tiên của bài ca:"Đông Hà- thành phố tương lai" của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương với những ca từ rất gợi: "Kìa xác xe tăng, xe là cốt thép, xi măng Đông Hà gạch ngói ta xây, xây lên tầng cao, cao mãi...". Cảm hứng bài ca chắc chắn đến với Hoàng Sông Hương khi ông đi ngang qua lô cốt nơi ngã ba dẫn lên đường Chín. Những chiếc xe tăng của Mỹ nằm đó, bất lực nghe kích thước  đất đai  dưới chân đang hồi sinh, vạm vỡ từng ngày.

Nhưng người nhắc đến Đông Hà với tên gọi  thành phố một cách trìu mến và cảm phục đầu tiên phải là nhà báo Magali Gacxia đến từ đất nước Cu ba anh em khi anh tháp tùng Thủ tướng Phi đen-Caxtrô thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973:" Đông Hà hiện lên trong đêm tối như một đóa hoa rực rỡ...Trời đã tối, ánh sáng của thành phố phản chiếu xuống dòng Hiếu Giang. Thành phố nhộn nhịp mặc dù trời mưa phùn lấm tấm bất chợt từng lúc, người đi đường vẫn đứng lại trước người bán kem, trước  hiệu sách hoặc trước phòng thông tin. Tất cả những cái đó làm cho thành phố có một nét vui tươi...". Nhà báo Mohamet Xaiđani đến từ Angiêri lại chớp lấy một khoảnh khắc nhân văn rất cảm động của người Đông Hà khi vừa gầy dựng lại cuộc sống từ đống tro tàn:" Chúng tôi chậm rãi đi vào trong thành phố đổ nát. Nhưng giữa những đống vôi gạch ngỗn ngang ấy, tôi sửng sốt nhìn thấy một người bán  kem. Cửa hàng của ông ta mới sửa chữa lại, rất đông khách. Một cử chỉ hữu nghị: một  người tách ra khỏi đám đông, tặng chúng tôi phần lớn những que kem anh vừa mua được..."

Tôi đã nhiều lần tìm đến nơi bán kem buổi ban đầu ấy, ở đó bây giờ là khuôn viên chợ Đông Hà với siêu thị khá hiện đại và  tiện ích. Hàng hóa chất ngất. Tôi tìm đến hàng bán kem. Quá nhiều thứ kem để lựa chọn đến từ khắp bốn phương trời. Cuộc sống đang đổi thay quá nhiều, sự đổi thay làm ta rơi nước mắt. Bây giờ gian khó đã lùi vào dĩ vãng, muốn mời bạn một que kem ngay trong phòng ăn sáng, có máy lạnh, có khuôn viên trữ tình, có những bản sô nát dịu nhẹ và người em gái mặt sáng ngời trong tuổi đang rằm,  vậy mà người xưa đâu rồi?

       Tôi lại đã có lần lang thang đến con hẽm nhỏ để thăm một  trong những người hành nghề xích lô hiếm hoi của Đông Hà, chấp nhận đương đầu với gió bụi, đèo dốc suốt một quãng đời lao lực và thanh bạch. Ông đã thành người thiên cổ, nhưng con đường vào nhà ông nay đã trở thành đường Hùng Vương tinh khôi, duy chiếc xích lô của ông vẫn còn đó, gác mui lên cánh cửa sổ, dáng bồn chồn như con chiến mã đợi tay người  thong dong lần cuối trên những đại lộ Đông Hà dài rộng.

Tôi lại nghĩ, nếu gặp được anh Hoàng Sông Hương, tôi sẽ đưa ra ý tưởng tổ chức một đêm nhạc của anh dưới chân tượng đài Tổng Bí thư Lê Duẩn. Năm 1983, Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm Đông Hà, Người* đã từng được nghe bài ca: "Đông Hà - thành phố tương lai" qua giọng hát nghiệp dư nhưng đầy đặn và quá chừng hay của một cô giáo. Bây giờ, người sáng tác và người hát lên buổi ban đầu vẫn còn đấy thôi,  bài ca vẫn còn đấy, những giai điệu qua thời gian và năm tháng cứ dày dặn nâng cảm xúc ta lên, nâng bước ta đi. Chúng ta cùng hát lên bài ca “Đông Hà- thành phố tương lai” dưới chân tượng đài Bác Ba Duẩn, giữa công viên rộn rã ánh ngày và lao xao mặt hồ ươm sóng, như mừng vui thưa với Bác Ba Duẩn rằng, bài hát đã làm tròn sứ mệnh dự  phóng về một thành phố trẻ với cuộn dâng khát khao, ấp ủ hy vọng từ bấy đến giờ. Đông Hà đã trở thành thành phố. Bài ca "Đông Hà- thành phố tương lai" sẽ được tấu lên một lần nữa thôi, một lần thật thăng hoa với bao cảm xúc dồn nén hai mươi năm trời khát vọng, sống, làm việc, phấn đấu cật lực vì sự giàu mạnh của mảnh đất quê mình và cũng thật hùng tráng, bài ca phải chạm vào đỉnh điểm của ước mơ và mở ra một trọng trách tươi mới của đất này, giai điệu bài ca như người lính nghiêm ngắn đặt một tay chào  lên vầng trán kiêu hãnh,  báo cáo với muôn sau đã hoàn thành nhiệm vụ vẹn tròn.

3-Tôi lại nghĩ về hôm nay.

Nhiều năm làm phóng viên kinh tế, trong sổ tay công tác của tôi luôn cập nhật diện tích, số vốn đầu tư, tình hình sản xuất... của những doanh nghiệp làm ăn ở khu công nghiệp Nam Đông Hà, chuyện được mùa lúa, úa mùa tôm ở vùng ven, dõi theo quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và tìm lời giải tại sao thành phố lại giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) hàng năm đạt từ 14-15%? Bằng cách nào thành phố lại đưa  thu nhập bình quân hàng năm của người dân lên tới 25,8 triệu đồng?...

Hồi tổ chức tập san kỷ niệm 30 năm giải phóng Đông Hà, đồng chí Thái Vĩnh Liệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, thời điểm đó là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy Đông Hà, sau khi nêu những thành tựu vượt bậc của thị xã, đã khái quát một câu tâm huyết mà tôi nhớ mãi đến giờ:" Ba mươi năm, để có được vóc dáng thị xã như thế này, nơi khác có thể là chuyện bình thường. Nhưng với Đông Hà chúng tôi, mảnh đất từng bị chiến tranh hủy diệt đến 200 % như lời một nhà báo đã viết, thì chỉ có sức mạnh kỳ diệu và nghị lực quá đỗi phi thường mới có thể làm được." Bây giờ đây cũng vậy, Đông Hà đã trở thành thành phố. Những thành tựu thành phố đã đạt được, dù chưa được như lòng ta mong muốn, ta vẫn nâng niu, trân trọng, giữ gìn và phát triển, bởi những thành tựu là kết tinh tình cảm, trí tuệ, nỗ lực của đất và người Đông Hà suốt hai mươi năm vượt lên chính mình từ bời bời gian khó.

Tôi nghĩ về gương mặt Đông Hà trong mai sau.

Từ tháng 7 năm 1985, trong bút ký: "Đông Hà, con người và thời gian" nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết: "Đông Hà đã không nhỏ bé lại chút nào so với quá khứ, Đông Hà đang tự khẳng định trên vốn liếng thực của mình chính là con người, vâng, Đông Hà đang dồn năng lượng cho cuộc chạy việt dã vào tương lai". Bây giờ, cuộc chạy việt dã đó vẫn đang tiếp tục với Đông Hà, nhưng dường như ngày càng có sự thúc bách riết róng hơn, sự giục giã mồn một hơn khi công cuộc hội nhập, đổi mới, phát triển đang diễn ra cơ hồ ngày càng quyết liệt, không ngưng nghĩ, không thỏa hiệp. Ở phía Trường Sơn, không gian và tầm ảnh hưởng của Đông Hà đã vượt qua Mê Kông, qua vùng đông bắc Thái Lan, cùng với Lao Bảo nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương và đang trở thành động lực của  đầu cầu xuyên Á trên hành lang kinh tế Đông Tây. Lại nữa, hiếm có một thành phố nào lại được giới hạn có tính ước lệ không gian quy hoạch đô thị bởi hai con sông nhỏ bé, hiền ngoan và duyên dáng như Đông Hà. Phía Nam, khu công nghiệp chạm bờ sông Vĩnh Phước, rồi sẽ hiện diện "lối bờ sông phố lên tầng tìm gió". Phía Bắc, đôi bờ sông Hiếu đang trở thành tâm điểm của ý tưởng xây dựng một thành phố bên sông, thành phố nhà vườn dung dị mà tráng lệ. Ở giữa hai triền sông là phố xá mới, là dãi đồng bằng lúa chín quá chừng thơm, là làng rau ngút ngát bốn mùa. Đông Hà đang có những tuyến đường nhỏ, đẹp và ngập tràn cây xanh.

Bao quanh Đông Hà là những hồ nước và những cánh rừng với thảm thực vật ken dày. Xa hơn, phía thượng nguồn những dòng sông đổ về Đông Hà, những công trình thủy lợi lớn bậc nhất tỉnh Quảng Trị đang mùa tích nước làm rời rợi, trong lành cả những cơn gió là là mặt nước khoáng đạt trước khi trườn về phía bể Đông. Qua rồi những ngày gió Lào thông thống, và miếng cơm vào miệng vẫn còn nghe lạo nhạo bụi cát. Thành phố bình yên trong sáng, lên, chiều về, trong náo nức một ngày mới.

Tôi không sinh ra ở đây, nhưng Đông Hà đã là một phần máu thịt của những người như chúng tôi, số phận đã chọn Đông Hà là quê hương thứ hai của đời mình. Và như vậy, tôi yêu Đông Hà cả những cái còn bống bây, chưa vén khéo, cả những con đường còn đất cát lòi lõm, cả những tuyến phố còn ngổn ngang tính toan, sắp xếp, cả những con người mang theo lối sống làng xã, chật hẹp lên thị thành. Chúng ta yêu Đông Hà như yêu chính mẹ ta, dẫu còn nghèo khó nhưng luôn giữ trong tim mình lòng nhân hậu, lòng vị tha, sự nỗ lực vượt bậc và trong vắt một niềm tin vào chặng đường lên phía trước.

Đ.T.T


 

 

Đào Tâm Thanh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 185 tháng 02/2010

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground