Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đưa Quảng Trị trở thành địa phương mạnh, giàu từ biển - Kỳ 1: Mở lối ra biển

Đất nước ta từ xưa đã được mô tả ngắn gọn trong câu ngạn ngữ “Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, tức có ba phần núi, một phần ruộng, còn biển đảo chiếm tới bốn phần. Đó là cách nói ước lệ để chỉ đặc trưng địa lý mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước Việt Nam, rằng biển bao bọc trọn dải đất hình chữ S từ Bắc tới Nam đóng vai trò hết sức quan trọng, không chỉ là không gian sinh tồn của dân tộc, mà còn đối với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc gia. 

Thế kỷ 21 được coi là thế kỷ của đại dương, theo đó phát triển kinh tế biển đã trở thành trọng điểm trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới để “lấy đại dương nuôi đất liền”. Là quốc gia có tiềm năng và lợi thế về phát triển kinh tế biển, Việt Nam đã bắt kịp xu hướng này để phát triển kinh tế biển bền vững lâu dài. Đảng ta đã có hai nghị quyết riêng về chiến lược phát triển kinh tế biển. Đó là Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/2/2007, của Hội nghị Trung ương 4 khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Cả hai nghị quyết này là những bước tiến quan trọng về tầm nhìn biển, vừa giúp đất nước phát triển kinh tế biển nhanh, hiệu quả và bền vững, vừa góp phần bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích của nước ta trên biển Đông.

Kế thừa thành quả đạt được từ Nghị quyết 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII tiếp tục ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW với quyết tâm đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển và đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển. Đến nay, sau 5 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW, kinh tế biển và ven biển đang trở thành động lực phát triển của đất nước.

Quảng Trị là một trong 28 tỉnh, thành trên cả nước có biển. Vùng biển của Quảng Trị rộng hơn 9.000 km2, đường bờ biển dài 75 km, phần đất liền ven biển trải dài trên địa bàn 4 huyện với 11 xã, thị trấn. Dọc bờ biển có cảng biển, vũng, vịnh và các cửa sông, cửa lạch đổ ra biển. Ngoài khơi có đảo Cồn Cỏ cách đất liền 13 hải lý với diện tích tự nhiên khoảng 2,3 km2 được coi là dấu mốc để bắt đầu vẽ đường cơ sở của lãnh hải Việt Nam. Ngoài ra, vùng biển Quảng Trị còn những cảnh quan đẹp và một số loại khoáng sản có giá trị... Từ vị trí và điều kiện tự nhiên đó, tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển. Đây là cơ sở thuận lợi để tỉnh Quảng Trị thực hiện khát vọng mở rộng không gian về phía biển, tham gia khai thác đại dương để hỗ trợ những nhu cầu của kinh tế biển quốc gia theo Nghị quyết 36-NQ/TW và thực hiện nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển đảo quốc gia.

Với bờ biển dài 75 km, Quảng Trị là địa phương có hệ sinh thái biển đa dạng, ngư trường rộng lớn - Ảnh: Bảo Linh

Với bờ biển dài 75 km, Quảng Trị là địa phương có hệ sinh thái biển đa dạng, ngư trường rộng lớn - Ảnh: Bảo Linh

 Kỳ 1: Mở lối ra biển

Dựa vào biển, làm giàu từ biển, đưa kinh tế biển thành ngành kinh tế mũi nhọn đang là chủ trương lớn, được tỉnh Quảng Trị triển khai bằng nhiều nội dung, kế hoạch mang tầm chiến lược. Kinh nghiệm lịch sử của vùng đất này cũng cho thấy “hướng ra biển là thịnh vượng”.

Thịnh vượng từ biển - bài học từ lịch sử

Cách đây 465 năm, năm 1558, chúa Nguyễn Hoàng nghe theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm vào trấn thủ vùng Thuận Hóa. Thuở ấy từ Thăng Long đến Thuận Hóa chỉ có đi bằng đường biển là thuận tiện. Việt sử xứ Đàng Trong của Phan Khoang ghi Nguyễn Hoàng đã tổ chức một đoàn đưa gia quyến và tùy tùng trên những con thuyền lớn vào Nam. Trên hải trình xa xôi đó, đoàn ghé vào cửa biển Việt Yên (Cửa Việt bây giờ), rồi chọn vùng đất Quảng Trị để lập dinh trấn.

Trong 56 năm đóng dinh trấn ở Quảng Trị, chúa Nguyễn đã tạo cho vùng đất này có một sự phát triển hưng thịnh. Trong số thành tựu mà lịch sử ghi nhận, quá trình phát triển này đã hình thành tư duy phát triển rộng hơn, đặc biệt là tư duy hướng biển. Nói cách khác, lịch sử và quân sự Việt Nam trước thời chúa Nguyễn chủ yếu được hình thành trên tư duy đất liền. Và chỉ đến khi người Việt bắt đầu công cuộc Nam tiến cùng lúc với việc chúa Nguyễn Hoàng bắt tay gây dựng cơ nghiệp cho mình ở vùng đất Quảng Trị, tư duy hướng biển mới dần phát khởi.

Sách “Đại Nam thực lục tiền biên” do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn đã ghi lại ở thời điểm chúa Nguyễn Hoàng ở Quảng Trị, thuyền buôn các nước đã vào “hải khẩu” Cửa Việt, rồi theo sông Thạch Hãn đến buôn bán ở Dinh Chúa. Dinh trở nên một nơi đô hội lớn dân cư đông đúc trên bến dưới thuyền và Cửa Việt trở thành thương cảng giao lưu hàng hóa sầm uất của nước ta hồi đó. Bên cạnh các tàu thuyền Đông Nam Á, Nhật Bản và Trung Hoa, các thuyền buôn Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Hà Lan, lần lượt tìm đến Cửa Việt và từ cửa biển này có thể đi đến nhiều nơi khác bằng đường sông.

Chính sự xuất hiện của luồng thương nghiệp đó đã tạo nên một nguồn thuế khá lớn cho chúa Nguyễn trong buổi đầu xây dựng dinh cơ ở Quảng Trị. Đồng thời cũng đã đem cho các chúa Nguyễn những nhận thức mới về sức mạnh và lợi ích cụ thể khi mở cửa biển đón khách, mở mang ngoại thương, đưa kinh tế giao thương của Đàng Trong tiến ra biển lớn. Đối sánh với giai đoạn chúa Nguyễn, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tỉnh Quảng Trị có thể “suy ngẫm” về một số bài học lịch sử của tiền nhân để định hình chính sách hướng biển nói chung và đẩy mạnh phát triển kinh tế biển nói riêng.

Triển khai chiến lược phát triển kinh tế biển

Tiếp thu có chọn lọc tầm nhìn hướng biển của tiền nhân để đưa vùng biển sôi động trở lại như xưa, đồng thời xây dựng Quảng Trị trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững kinh tế biển như tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 144-CTHĐ/TU, ngày 24/4/2019 để chỉ đạo triển khai thực hiện.

Chương trình hành động số 144-CTHĐ/TU đã đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 “Quảng Trị trở thành địa phương mạnh về biển của vùng Bắc Trung bộ, đạt cơ bản các tiêu chí quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển”; tầm nhìn đến năm 2045 “trở thành tỉnh có nền kinh tế biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh”. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GRDP toàn tỉnh; kinh tế của 4 huyện ven biển (Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng) và huyện đảo Cồn Cỏ ước đạt 65 - 75% GRDP của tỉnh. Trên cơ sở mục tiêu đề ra, tỉnh tập trung phát triển đột phá 4 ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Công nghiệp ven biển; du lịch và dịch vụ biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; năng lượng tái tạo.

Tỉnh Quảng Trị phát triển kinh tế biển phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW. Hướng ra biển, phát triển kinh tế biển là hướng đi có tính bứt phá, không chỉ khai thác đúng tiềm năng, lợi thế, mà còn đảm bảo tính chiến lược lấy phát triển kinh tế biển làm nền tảng vững chắc để phục vụ công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Có thể nói, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Đảng bộ tỉnh Quảng Trị là một chủ trương lớn, có tầm nhìn xa rộng, phù hợp chiến lược kinh tế biển của quốc gia, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Chương trình hành động đã cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Vùng biển và ven biển đang trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Bảo Linh

Vùng biển và ven biển đang trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Bảo Linh

Trong thời gian qua, cùng với công tác đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, triển khai sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế biển bền vững và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW đến các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị; tỉnh tập trung chỉ đạo các sở ngành, địa phương triển khai thực hiện; huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững kinh tế biển. Tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch triển khai phát triển bền vững kinh tế biển phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế biển phát triển. 

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế biển. Chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch và các chính sách về kinh tế biển theo hướng liên kết, phát triển bền vững. Tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực và chuyển giao tri thức về biển. Rà soát bổ sung quy hoạch và phát triển các đô thị ven biển. Đồng thời, đã tập trung các nguồn lực để phát triển công nghiệp ven biển, du lịch biển làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả tỉnh. Thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện khí, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác. Bên cạnh đó, chú trọng kêu gọi đầu tư hệ thống cảng biển và phát triển dịch vụ vận tải biển...

Sau 5 năm triển khai Chiến lược về phát triển kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW, với lợi thế về biển, và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, diện mạo kinh tế biển Quảng Trị đã có những khởi sắc, tạo đà, sức vươn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, làm tiền đề để Quảng Trị sớm trở thành địa phương mạnh về biển, giàu lên từ biển.

>>> Kỳ 2: Phát triển đột phá các ngành kinh tế biển

>>> Kỳ 3: Để kinh tế biển cất cánh

 

HẠNH NGUYÊN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 344

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground