Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Giữ bình yên biên cương phía biển

T

ôi cùng Trung tá Nguyễn Thanh Tiềm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Thủy thả bộ ra bờ biển. Ban trưa, trời chang chang nắng, biển như dâng cao lên, chắc nịch. Gió miên man thổi trên những trảng cát trắng xóa. Tiềm bảo, ở đây quanh năm gió lộng bốn bề, ngọn gió nào cũng thơm lựng mùi cá biển. Tiềm cùng quê Cam Thủy, Cam Lộ với tôi, một vùng bán sơn địa ba phần là đồi, vùng đồng bằng hẹp như lá lúa, vào mùa vụ, vằng hái gặt chưa ấm tay đã vãn. Hai đứa trạc tuổi. Khi tôi đi học thì Tiềm vào bộ đội. Mê mải hết công tác trên miền biên ải, giờ lại về đồn nơi mé sóng. Người bạn chân chất thuở nào bây giờ chững chạc trong cương vị Chính trị viên của một đồn biên phòng trấn giữ vùng trọng yếu về kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Trị.

Là một cán bộ chính trị nhưng Tiềm tỏ ra khá am tường về tình hình phát triển kinh tế của địa phương, chuyện làm ăn của bà con trong vùng và nhất là những thông tin về dự án cảng nước sâu Mỹ Thuỷ được quy hoạch và sẽ  xây dựng tại hai xã Hải Khê và Hải An, huyện Hải Lăng. Tiềm phân tích cho tôi hay rằng, phạm vi phục vụ của cảng nước sâu Mỹ Thủy không chỉ gói gọn địa bàn trong tỉnh Quảng Trị, các tỉnh Trung Trung bộ, mà còn tác động tích cực đến cả nước và các nước nằm trên Hành lang kinh tế Đông - Tây. Nơi miền đất còn "quá trời nghèo" này trong tương lai sẽ là khu kinh tế biển tổng hợp, có kết cấu hạ tầng hiện đại, cơ chế thông thoáng, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Trong giấc mơ về chân trời Mỹ Thủy, có hiện hữu bóng dáng của một thành phố công nghiệp sầm uất, nơi tập trung dịch vụ cảng biển, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thuyền, công nghiệp vật liệu xây dựng và vật liệu mới gắn với lợi thế về tài nguyên và nguồn nguyên liệu, công nghiệp khí gắn với tiềm năng khí lớn trên vùng biển thềm lục địa gần bờ biển tỉnh Quảng Trị. 

Tiềm dẫn tôi ra phía xa bờ biển, giữa cái nắng ngùn ngụt, anh Tiềm say sưa chỉ cho tôi xem, những thôn làng nơi đây đã dậy lên sức sống của ấm no, khơi gợi nguồn tình cảm tươi sáng, an hòa. Màu xanh trên vùng cát trắng gợi nhớ những câu thơ đáng yêu của nhà thơ Dương Tường:" Tầng tầng cây bí bò quanh/ Lá xanh nhìn lại thêm xanh mắt người/ Bông vàng như chén rượu mời..." Trở lại Mỹ Thủy, một thôn chài ven biển từng bị giặc Pháp triệt phá vào năm 1948, tàn sát phần lớn dân làng, uất nghẹn trong bài thơ "Tiếng cây dương Mỹ Thủy " của nhà thơ Dương Tường, giờ đây, một niềm tin vào tương lai giàu mạnh của mảnh đất miền chân sóng này đã hiện lên tươi rói trên mỗi gương mặt người quê hương. Dọc ngang những con đường băng qua trảng cát, băng qua xóm làng vừa mới mở, chúng tôi bắt đầu cảm nhận được sức hút mãnh liệt từ mảnh đất này trong lộ trình trở thành vùng kinh tế trọng điểm, động lực của tỉnh trong tương lai. Nơi chúng tôi đang đứng đây chính là điểm cuối của công trình đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh- quốc phòng ven biển phía nam Quảng Trị; một công trình trọng điểm nằm trong quy hoạch kinh tế- xã hội vùng ven biển phía nam của tỉnh và cảng Mỹ Thủy. Đến thời điểm này, cơ bản đã hoàn thành thi công mặt đường toàn tuyến.

Đi trong miên man hương nước mắm trứ danh Mỹ Thủy, vẫn có thể ngửi thấy mùi nồng nàn nước mắm mệ Thơi có thâm niên năm mươi năm quyện trong nắng mai, Trung tá Nguyễn Thanh Tiềm vẫn giữ một thói quen phân tích thấu đáo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội mà đồn biên phòng Mỹ Thủy đảm trách. Từ tháng 6/2003, Luật Biên giới quốc gia ra đời, một năm sau, Nghị định 140/2004/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật, trong đó khẳng định “Bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan, các địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới”. Địa bàn đồn biên phòng Mỹ Thủy phụ trách hai xã Hải An và Hải Khê, nơi vùng biển bãi ngang có chiều dài 14,5 km chính diện biển, ngót gần một nghìn chín trăm hô dân, tám nghìn bảy trăm năm mươi bảy khẩu. Để  bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới vùng biển, giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) thôn, xóm, giúp nhau trong lao động sản xuất, phòng chống bão lụt, cứu hộ, cứu nạn,  khai thác thủy, hải sản, bảo vệ tài sản, ngư lưới cụ, ngay từ tháng 10/2010, đồn Biên phòng và UBND xã Hải An đã tổ chức lễ phát động phong trào quần chúng tham gia tự quản tàu thuyền, bến bãi, giữ gìn ANTT thôn, xóm cho các thôn Mỹ Thủy, Đông Tân An, Tây Tân An và Thuận Đầu. Tại địa bàn các thôn này đã thành lập sáu tổ tự quản, mỗi tổ có từ năm mươi đến một trăm thuyền và bốn tổ an ninh nhân dân cùng Ban tự quản gồm mười thành viên cho mỗi tổ tự quản. Tất cả tổ tự quản và tổ an ninh nhân dân đều hình thành hoàn toàn tự nguyện để điều hành hoạt động của toàn bộ tàu thuyền và ngư dân khi hoạt động trên biển và neo đậu ở bến bãi. Đồng thời huy động và trưng dụng phương tiện của các chủ thuyền giúp BĐBP, chính quyền xã trong tuần tra, mật phục, đuổi bắt đối tượng trộm cắp, phá hoại tài sản. Theo quy chế hoạt động, một trăm phần trăm tàu thuyền của ngư dân phải vào neo đậu tập trung và hàng tuần vào ngày thứ 5, phải báo cáo số lần xuất, nhập bến cho tổ trưởng để báo cáo với đồn biên phòng theo dõi, quản lý. Bên cạnh đó, cán bộ chiến sĩ của đồn thường xuyên luôn làm tốt công tác vận động quần chúng, trinh sát, vũ trang. Chủ động nắm tình hình, tư tưởng quần chúng, quản lý chặt chẽ địa bàn. Phát hiện và phối hợp xử lý nhiều đối tượng gây rối trật tự trên địa bàn, giữ bình yên cho cuộc sống nhân dân.

Tôi ngỏ ý muốn cómột tấm ảnh đẹp về các chiến sĩ biên phòng tuần tra ven biển, Trung tá Nguyễn Thanh Tiềm cười xòa, an ủi:" Ngoài thời gian công tác tại đồn, anh em đều tranh thủ về với dân, cùng ăn cùng làm với dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân, xây dựng thế trận an ninh vững chắc từ lòng dân. Nhờ vậy, anh thấy đó, làng quê bình yên quá, sóng cũng chỉ lăn tăn, hiền hòa, không cuồng nộ như người ta vẫn hình dung về biển. Những buổi vào lộng, ra khơi, khuôn mặt ai cũng thân quen, rắn rỏi,  chia nhau những lấp lánh niềm vui ngày thường. Trong bình yên, trong gió cát mặn mòi xứ sở, có nhiều nhiều giọt mồ hôi của người lính biên phòng chúng tôi đó..."

Theo lời hẹn với Thượng tá Nguyễn Minh Tâm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Việt, một ngày đầu thu, tôi đã tìm về nơi này. Bây giờ đây, bờ Bắc sang bờ Nam chỉ còn tính bằng phút, bằng giây thôi, trên một thân cây cầu đầy đặn, không như ngàn xưa trước, cửa biển này được ghi trong Phủ biên tạp lục bằng những câu chữ dễ làm lòng người quan ngại: "Cửa Việt rộng sâu, sóng gió dữ dội...”. Có phải cũng từ nơi đây, cha ông ta đã nương theo cửa bể Việt Hải môn này để tìm đất dựng kinh đô đầu tiên của cơ nghiệp nhà Nguyễn, chọn nơi bời bời cát trắng Ái Tử làm thủ phủ khai nguyên của xứ Đàng Trong, mở rộng đất Việt từ chốn thương yêu này đến Cửu Long, Cà Mau, Hà Tiên rộng dài...

Có nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có nhiều yếu tố gây trở ngại đến sự giao lưu, hội nhập của con người, của một vùng đất, trong đó, xa xôi cách trở về mặt địa lý có thể đưa đến rất nhiều hệ lụy, làm cho sự ngăn cách ngày càng bị tác động sâu thêm, kéo theo là sự tụt hậu ngày càng xa hơn về mọi mặt đối với con người, vùng đất đó với thế giới bên ngoài.Nhìn trên bản đồ, tỉnh Quảng Trị mang đặc thù của một vùng đất phên dậu, cận sơn, cận hải như các tỉnh ven biển ở vào trung độ của đất nước, đó là có độ dốc nghiêng dần từ tây sang đông, có nơi vùng núi và trung du choải ra giáp biển, do đó địa hình bị chia cắt mạnh. Vùng đồng bằng nhỏ hẹp bị ngăn cách với vùng ven biển qua dãi đại trường sa ngút ngàn và lối lên với núi rừng lại quá nhiều khe suối, dốc đồi thăm thẳm. Bên cạnh đó, mỗi huyện lại bị ngăn chia bởi một con sông đổ ra cửa biển. Vĩnh Linh với Gio Linh là Cửa Tùng, Gio Linh với Triệu Phong là Cửa Việt. Những con sông nhỏ mang đặc trưng xác định địa bàn có tính quy ước như sông Hiếu, sông Thạch Hãn, sông Ô Lâu... với những phân nhánh phức tạp phần nào đó cũng góp thêm sự trắc trở trong giao lưu, hội nhập nội vùng. 

Tuy nhiên, để giải quyết một cách cơ bản sự xa xôi, trắc trở về mặt địa lý lại cho thấy không mấy phức tạp so với những yếu tố khác gây trở ngại đến sự giao lưu, hội nhập, đó là chỉ cần đẩy mạnh kết nối mạng lưới giao thông một cách đồng bộ và hoàn chỉnh. Có thể nói, giao thông mở ra thuận tiện và êm thuận đến đâu, ánh sáng văn minh sẽ soi rọi đến đó. Và như vậy, sự giao lưu, hội nhập sẽ được khơi thông như một dòng chảy không ngưng nghỉ.

Hơn hai mươi năm trước, giữa bộn bề gian khó của một tỉnh vừa mới chia tách, bài hát “Quảng Trị yêu thương” của nhạc sĩ Trần Hoàn đã vang lên với những ca từ xúc động lòng người: “Từ Khe Sanh ta đi về Cửa Việt/ Từ Ô Lâu ta ra tới Nhị Hồ/ Qua Quảng Trị, đến Đông Hà/ Đẹp biết mấy mảnh đất quê nhà...”. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã có lần nói: “Ở những nghệ sĩ tài năng, khát vọng sống mãnh liệt nhiều khi kết tinh thành sức linh cảm về tương lai”. Sức linh cảm đó đã trở thành sự thực. Suốt quá trình xây dựng và phát triển, để khắc phục một bước sự ngăn cách có từ ngàn năm trước, một điểm nhấn thúc đẩy kết nối giao thông nội vùng của tỉnh Quảng Trị được khởi đầu từ khi cầu Cửa Tùng bắc qua sông Bến Hải về phía cửa biển đưa vào khai thác, sử dụng, cầu Cửa Việt bắc qua sông Hiếu cũng đã chính thức thông tuyến. Trên tuyến đường bộ ven biển, hai cây cầu quan trọng này cùng những cây cầu khác như cầu Bắc Phước, trong tương lai gần là cầu Đại Lộc, cầu sông Hiếu, cầu qua hồ Khe Mây, cầu Vĩnh Phước, cầu Châu Thị, cầu An Tiêm...sẽ đảm nhận sứ mệnh kết nối liền mạch cả một vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh, dồi dào về tiềm năng phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển và dịch vụ, du lịch của tỉnh Quảng Trị. Có thể thấy, việc hoàn thành Quốc lộ 9 nối dài về cảng Cửa Việt, Quốc lộ 9 tránh thành phố Đông Hà về phía Nam và phía Bắc với tổng chiều dài 34,2 km đã làm thay đổi một cách cơ bản diện mạo một vùng đất kéo dài từ Gio Hải, lên Gio Mai của huyện Gio Linh, Sòng, Cam Thanh, Cam Thủy, Cam Hiếu... của huyện Cam Lộ và một vùng gò đồi rộng lớn phía tây nam thành phố Đông Hà. Từ đây, sự cách trở ngàn đời của người dân vùng biển Gio  Linh với vùng đô thị Đông Hà đã chấm dứt. Một khu đô thị mới có công năng du lịch, nghỉ dưỡng cùng với bãi tắm Cửa Việt, Gio Hải đã được đưa vào khai thác. Cảng Cửa Việt đã được nối với Quốc lộ 1A chỉ với quãng đường trên mười kilômet. Cùng với tuyến đường bộ ven biển, hai cây cầu quan trọng là Cửa Việt và Cửa Tùng đã chính thức kết nối liền mạch cả một vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh, dồi dào về tiềm năng phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển và dịch vụ, du lịch, từ Chấp Lễ, Vĩnh Thái, địa đầu Vĩnh Linh phía Bắc đến Ô Giang, Ô Lâu thuộc huyện Hải Lăng ở phía Nam. Nối cả vùng ven biển với vùng đồng bằng và đô thị của tỉnh, tỏa đi trong cả nước bằng một hệ thống giao thông hiện đại và êm thuận. Khoảng cách về địa lý hầu như không còn đáng kể.

Bên cạnh đó, Quảng Trị được xác định là tỉnh đầu cầu về phía Việt Nam trên Hành lang kinh tế Đông- Tây, hành lang hội nhập kinh tế từ phía tây. Quảng Trị lại có một hành lang cực kỳ quan trọng, đó là “hành lang kinh tế về phía đông” với bảy mươi lăm kilômet bờ biển dọc theo chiều dài của tỉnh, ở vào trung độ của cả nước. Đây là nơi liền mạch với nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Tổ quốc.

Là đơn vị biên phòng vùng biển, trực tiếp lãnh đạo công tác quản lý bảo vệ chủ quyền vùng biển, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phòng chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt và Đồn Biên phòng Cửa Việt luôn nêu cao tinh thần quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt có phạm vi quản lý gồm hai xã (Trung Giang, Gio Hải) và thị trấn Cửa Việt, có mười chín thôn, hai cửa sông (Cửa Việt và Cửa Tùng). Đồn Biên phòng Cửa Việt quản lý các xã Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng (Triệu Phong) với mười bảy kilômet chiều ngang giáp  biển, chiều sâu địa bàn là hai kilômet.

Thượng tá Nguyễn Minh Tâm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Việt cũng là một người đồng hương với tôi, quê Cam Thủy, Cam Lộ. Hai anh em biết nhau và cũng xa nhau đã lâu, nên chỉ một buổi sáng thôi đã không dứt chuyện người, chuyện quê. Câu chuyện dần dần "trượt" qua đúng với chuyên môn, nghiệp vụ anh Tâm và mối quan tâm của tôi lúc nào chẳng hay. Anh Tâm giọng buồn buồn khi nhắc lại thực trạng của một thời, trên địa bàn đồn anh cũng như đồn bạn quản lý, nạn trộm cắp ngư lưới cụ trên các thuyền khi về neo đậu tại các bến bãi diễn ra thường xuyên. Việc chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của các tàu thuyền khi ra vào cửa sông không nghiêm túc, tình trạng vượt trạm vẫn còn xảy ra. Những năm gần đây, thời tiết diễn biến khó lường, lốc tố, bão bùng, áp thấp nhiệt đới... xuất hiện với tuần suất dày đặc, đe dọa đến tính mạng và tài sản của ngư dân nhưng sự phối hợp, hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ giảm nhẹ thiên tai cả trên đất liền lẫn ngoài đại dương giữa các lực lượng chưa được triển khai tích cực. Các hoạt động cố ý vi phạm chủ quyền lãnh thổ, lấn át ngư trường, trộm cướp ngư lưới cụ, đâm va có chủ ý gây tổn thất cho ngư dân khi làm ăn trên biển của tàu thuyền nước ngoài càng làm cho tình hình an ninh vùng biển thêm phức tạp. Thêm vào đó, bản thân người đi biển lại có ý giấu ngư trường khai thác, không có sự chung sức đồng lòng khi gặp thiên tai, hoạn nạn nên sản lượng khai thác nhỏ lẻ, thất thường, khi gặp sự cố thì phải tự mình chật vật giải quyết, rất khó khăn để có thể phối hợp cứu hộ, cứu nạn kịp thời.

Những năm trở lại đây, tình hình làm ăn của bà con ngư dân đã có nhiều thuận lợi hơn. Với một trăm năm mươi bốn tàu thuyền đánh bắt có tổng công suất 10.115 CV, trong đó có năm mươi lăm tàu đánh bắt xa bờ, ngư dân thị trấn Cửa Việt hàng năm đánh bắt được trên ba trăm năm mươi tấn thuỷ sản có giá trị kinh tế cao. Tại xã Gio Việt, nơi ngư dân đang sở hữu đội tàu thuyền một trăm sau mươi chiếc, tổng công suất 8.033 CV, trong đó có bảy mươi chiếc công suất trên 45 CV, ngư dân trúng mùa liên tục. Với tổng sản lượng đánh bắt năm 2011 đạt một ngàn tám trăm hai mươi sáu tấn, năm 2012, UBND xã Gio Việt đặt chỉ tiêu khai thác hai ngàn một trăm tấn thuỷ sản. Ngoài đánh bắt, Gio Việt đang là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về năng lực chế biến, thu mua, hậu cần thuỷ sản với măn mươi bốn cơ sở hấp sấy cá, mười tám cơ sở thu mua, mười ba kho cấp đông thuỷ sản, mười cơ  sở sản xuất nước đá quy mô lớn. Với hai trăm mười bốn phương tiện đánh bắt có tổng công suất 2.035 CV,  ngư dân  xã Gio Hải đang phấn đấu để năm 2012 địa phương hoàn thành mục tiêu khai thác một ngàn hai trăm tấn thuỷ sản. Đến nay xã Gio Hải cũng đã phát triển được bốn chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Xã Triệu An hiện cũng đã có tám tàu xa bờ, mười bảy tàu trung bờ và hàng chục thuyền dưới 45 CV. Năm 2011, sản lượng đánh bắt hải sản của xã Triệu An đạt một ngàn hai trăm năm mươi tấn với tổng giá trị gần 26 tỷ đồng. Dịch vụ hậu cần nghề cá ở xã Triệu An cũng đang phát triển mạnh. Toàn xã hiện có năm cơ sở thu mua, chế biến cá hấp, hai cơ sở sản xuất ruốc bột, nước mắm có thương hiệu.

Trong những năm qua, công tác vận động quần chúng tuyến biên giới đất liền thông qua phong trào “Quần chúng tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn thôn, bản” do Bộ đội Biên phòng Quảng Trị triển khai đã đem lại kết quả ngoài mong đợi. Từ kinh nghiệm quý giá này, lực lượng Bộ đội Biên phòng tuyến biển cũng đã bắt đầu áp dụng nhưng với một phương thức khác, cách làm khác, phù hợp với điều kiện của địa bàn. Công tác này trước hết bắt đầu từ sự phối hợp tích cực với các tổ chức đảng, chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn đơn vị phụ trách, gắn kết chặt chẽ với các thôn, xóm, khu phố dọc tuyến ven biển, cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng là lực lượng nòng cốt tổ chức nắm tình hình, xây dựng kế hoạch, phát động quần chúng hưởng ứng phong trào. Theo đó, mỗi thôn và khu phố ven biển vận động thành lập một ban tự quản, dưới ban có các tổ. Đồn Biên phòng chịu trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ chuyên môn nghiệp vụ; các tổ chức trong hệ thống chính trị địa phương cùng phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời thông qua các ban tự quản để hỗ trợ điều kiện vật chất và tổ chức tập huấn hướng dẫn hoạt động; các ban tự quản chủ động xây dựng kế hoạch, vận động các chủ tàu thuyền đăng ký thành lập các đội tự quản tàu thuyền. Các đội thành lập được phân chia thành địa giới từng khu phố và theo từng tổ thuyền nghề như tổ tàu xa bờ, tổ tàu trung bờ, tổ tàu ven bờ dưới sự điều hành chung của Ban tự quản. Tổ đánh bắt khơi xa  có nhiệm vụ nắm bắt tình hình tàu các nơi khác xâm phạm ngư trường Việt Nam, giữ liên lạc với đất liền, cung cấp thông tin tình hình cho Đồn Biên phòng, các cơ quan chức năng và thông tin cho bạn nghề. Có đội tàu lại được phân công nhiệm vụ thông tin thời tiết giữa biển Đông, các tổ khác thì có nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ nhau xử lý các tình huống bất trắc xảy ra trên biển,  sẵn sàng đấu tranh chính trị trên biển khi có tình huống nước ngoài xâm phạm chủ quyền. Được giúp đỡ và định hướng chính trị từ đồn Biên phòng và hệ thống chính trị cơ sở nên hoạt động của các ban tự quản khá thuận lợi. Phong trào được cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ, quần chúng nhiệt tình hưởng ứng. Nhờ vậy, việc quản lý tài sản, ngư lưới cụ rất đảm bảo, không để xảy ra mất mát, hư hỏng. Tàu thuyền neo đậu trật tự trên bến, vào ra hợp lý, được bảo quản tốt nên khả năng khai thác của tàu thuyền rất cao.

Trên bến cảng Cửa Việt lộng gió, nhìn như những chiếc tàu vạm vỡ đang cập cảng "ăn" hàng, từ thạch cao, đến dăm ván, gỗ tròn... Trung tá Phạm Minh Tuấn, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Cửa Việt không giấu được niềm tự hào. Anh Tuấn cho biết: "Chúng tôi luôn tạo điều kiện hết sức để cảng Cửa Việt hoạt động thuận lợi, an toàn, hiệu quả. Đồn luôn chú trọng công tác đảm bảo an ninh chính trị và phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền trên địa bàn được phân công. Đồn còn làm tốt công tác vận động, tuyên truyền ngư dân trong địa bàn tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo; tham gia tổ tự quản tàu thuyền để ngư dân có điều kiện giúp nhau trên biển khi có các tình huống xấu xảy ra, nhằm phục vụ cho công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cấp uỷ chỉ huy đồn thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương liên lạc với các đội tàu, lập danh sách hồ sơ phương tiện, số lượng ngư dân hành nghề trên biển đảm bảo quản lý chặt chẽ người và phương tiện trên địa bàn. Có phương án sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xẩy ra hoặc khi thiên tai bão lũ... Một trong những hoạt động được Đồn biên phòng cửa khẩu Cảng Cửa Việt hết sức quan tâm là thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng  phối hợp tuần tra, kiểm soát khu vực cảng biển. Để đảm bảo an ninh trên địa bàn, đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền cho ngư dân hiểu được chủ quyền biển đảo Việt Nam, vận động nhân dân thành lập các tổ tự quản để khi có tình huống báo cáo trực tiếp về đồn, từ đó đơn vị phối hợp với các lực lượng có phương án giải quyết. Thông qua việc hình thành mô hình tổ dân cư tự quản đã xây dựng được ý thức xây dựng phong trào an ninh trật tự trong mỗi người dân. Đó là cách thức hoạt động nhạy bén, tinh thông về nghiệp vụ, góp phần tạo sự gắn bó keo sơn, mật thiết giữa bộ đội biên phòng với  nhân dân, cùng chung tay bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Theo cách phân định của các nhà quy hoạch, ở phía bắc, vùng kinh tế biển của Vĩnh Linh có thể chia ra là ba tiểu vùng: Tiểu vùng cửa lạch, tiểu vùng bãi ngang, tiểu vùng biển với diện tích tự nhiên gần mười sáu ngàn ha. Vùng bờ biển dài mười tám kilômet của Vĩnh Linh có thể ước làm hai phần. Từ Mũi Lay trở ra phía Quảng Bình, biển Vĩnh Linh giáp vịnh Bắc Bộ. Từ Mũi Lay vào Cửa Tùng, biển Vĩnh Linh giáp biển Đông. Từ vị thế đó, Vĩnh Linh bao quát cả một vùng biển cửa ngõ ra vào vịnh Bắc Bộ, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, là bàn đạp để ngư dân mở rộng ngư trường, làm chủ biển đảo của Tổ quốc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mỗi tấc đất, mỗi ngọn cỏ, lá cây, ngọn sóng, mặt nước... trên đất lửa Vĩnh Linh đều có thể viết nên những sự tích hào hùng. "Hàng ngàn tấn vũ khí, kể cả pháo 75, cao xạ 37 ly, lương thực, vật dụng đã được những chiếc thuyền gỗ chạy bằng buồm, chèo tay đơn sơ chở từ đất liền ra, đủ cho các chiến sĩ ngoài đảo sống không đến nỗi thiếu thốn và chiến đấu liên tục hàng hai, ba năm. Nhưng cái giá của mỗi viên đạn, mỗi hạt gạo đều phải tính bằng máu...” Những dòng từ Ký sự miền đất lửa của đồng tác giả Vũ Kỳ Lân và Nguyễn Sinh viết từ hơn bốn mươi lăm năm trước về hành trình máu Vịnh Mốc- Cồn Cỏ, Cửa Tùng - Cồn Cỏ, Vĩnh Linh - Cồn Cỏ...bỗng hiện về trong ký ức, khi tôi có dịp ngồi thưa chuyện với anh hùng Lê Văn Ban trong căn nhà của ông ở Tùng Luật, Vĩnh Giang (Vĩnh Linh).

Suốt những năm tháng chống Mỹ cứu nước, chỉ một mái chèo, một con thuyền nhỏ, một mảnh buồm đơn sơ, cùng bao đồng đội, đồng chí, ông Lê Văn Ban đã vạch một hải trình cảm tử với nơi xuất phát là Vĩnh Linh, đích đến là đảo Cồn Cỏ, giữa bốn bề thủy lôi, bom đạn ngút trời. Đầu tháng 8/1964, quân Mỹ gây ra sự kiện vịnh Bắc Bộ, lấy cớ tấn công miền Bắc, đánh vào đảo Cồn Cỏ. Tình hình lúc đó hết sức nguy nan. Tàu của ta không thể đến được đảo Cồn Cỏ để tiếp tế lương thực, đạn dược vì Hạm đội Mỹ canh chừng rất ráo riết. Bởi vậy, Bộ chỉ huy chọn ban đêm mới ra tiếp tế cho đảo. Cứ mười tám giờ tập trung làm công tác chuẩn bị, hai mươi mốt đến hai mươi hai giờ xuất phát. Nhưng từng đoàn tàu của ta đến với đảo Cồn Cỏ bị quân địch phục kích liên hồi, suốt tháng, suốt năm. “Cụ Mò ở Vĩnh Thạch, cả nhà ba cha con cùng đi đảo... Tháng 6/1965 hai người con của cụ là anh Tỷ và anh Triêm cùng đi một chuyến. Gặp tàu địch, anh Tỷ hy sinh. Thuyền anh Triêm bị bắn chìm nhưng anh bơi được vào bờ. Cụ Mò đau khổ vì mất con trai nhưng sau đó cụ lên xã xin đi thay con...”. Ký sự miền đất lửa đã kể lại như vậy.

Ông Lê Văn Ban lại là trường hợp đặc biệt khác. Không bom đạn nào có thể ngăn ông cùng đồng đội dong buồm chở đạn dược, gạo nước ra với Cồn Cỏ. Địch đánh ngày, đi đêm; đánh đêm, đi ngày. Địch đánh tan thuyền, ông ôm tấm ván lênh đênh trên biển hàng tuần liền, súng vẫn quàng vai, mái chèo vẫn nắm chặt trong tay. Vào đến bờ, ông Ban để nguyên bộ dạng, đi thẳng lên ủy ban xã xin đi chuyến nữa! 

Tôi đã có những ngày lang thang dọc theo những miền chân sóng từ Ô Lâu ra đến Nhị Hồ và nhận ra một điều dung dị quá đỗi, rẻo đất nghèo đã sinh thành, nuôi nấng rất nhiều người anh hùng như chị Trần Thị Tâm ở miền cát trắng Hải Lăng, ông Lê Văn Ban ở Tùng Luật, Vĩnh Giang, nơi máu bao thế hệ người dân đã thấm đẫm từng sải nước, từng chân ruộng để bảo vệ toàn vẹn đất cha ông, cũng là nơi được gửi gắm rất nhiều kỳ vọng có thể tạo xung lực mới để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh tiến bước mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai gần...

 Trên những luồng lạch Cửa Việt, Cửa Tùng, những bãi ngang cuộn sóng những ngày này, hơn hai nghìn chiếc thuyền lớn nhỏ của ngư dân Quảng Trị vẫn vào lộng, ra khơi tấp nập. Bất chấp những khó khăn mà nghề biển phải đối mặt trong cơ chế thị trường, những ngư dân mà tôi đã gặp đều chung một quyết tâm sắt đá là bám biển đến cùng để phát triển kinh tế và làm chủ vùng biển, đảo của Tổ quốc. Họ ra khơi, bên cạnh chuẩn bị ngư lưới cụ, lương thực, nhiên liệu đủ để bám biển dài ngày, rất nhiều tàu đã sắm thêm những lá quốc kỳ mới. Trên cabin nơi buồng lái của những chiếc tàu đánh bắt xa bờ là bàn thờ Bác Hồ trang nghiêm. Thuyền trưởng và thủy thủ khi vạch ra những hành hải, họ ngước nhìn lên Bác và thấy thêm vững tâm để vươn ra biển cả. Những ngư dân Quảng Trị , ngư dân nước Việt tung lưới bất kỳ đâu trong vùng biển, đảo của đất nước mình, cờ Tổ quốc lại tỏa rợp đến đó...

Tôi đã có lần ướm hỏi anh hùng Lê Văn Ban:

- Bây giờ nếu được quay lại thời trai trẻ, ông vẫn ra khơi chứ? 

Người anh hùng đã từng có câu nói xuất thần với cựu chiến binh Mỹ William A.Berry tại Vịnh Mốc: “Mái chèo này ngày xưa dùng để đánh giặc, bây giờ dùng để nuôi vợ nuôi con. Hồi chiến tranh ông có bay tới vùng này ném bom thì chắc biết mặt tôi”, đã đáp lời không chút đắn đo:

- Vẫn ra khơi chứ. Biển của ta thì ta quyết giữ, như nhà ta ta ở, ruộng vườn ta, ta cấy cày...

Đ.T.T

Đào Tâm Thanh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 218 tháng 11/2012

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

3 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground