N |
ôn nóng, bồn chồn, khắc khoải mãi, rồi cũng đã đến thời khắc nhân loại bước vào năm 2000. Giờ thì thiên hạ đã ngã ngũ để nói rằng phải đến mùa xuân 2001 mới thật sự mở đầu thiên niên kỷ mới. Khoa học nói vậy, nhưng lòng người xem ra không thuận. Hình như trong sâu thẳm tâm thức người đời năm 2000 có cái gì đó lạ lắm, khác lắm, nếu chưa phải là năm của thế kỷ mới chí ít nó cũng nó cũng không còn là năm thế kỷ cũ. Nó như muốn tách riêng ra, chơi vơi một mình, rất gần mà rất xa, thăm thẳm… Trong những ngày này, tôi cứ có cảm giác, mọi sự của thế kỷ XX đang sắp kết thúc. Trên bờ môi nhân loại, cái gì cũng được kèm theo hai từ thế kỷ. Loài người có vẻ như đang bộn bề tổng kết. Nào là “Những sự kiện nổi bật thế kỷ”, “Những nhân vật vĩ đại thế kỷ”, “Những kỳ tích thế kỷ”. Bóng đá cũng bình chọn cầu thủ xuất sắc nhất thế kỷ. Văn chương cũng xuất bản tuyển tập thế kỷ… Tôi cũng không ngoài cuộc. Tôi đã viết vở kịch “Chuyện dài thế kỷ…”. Và cả nước, cả hành tinh đang lao vào những chương trình lễ hội lớn, lễ hội giao thừa, chuyển giao thế kỷ…
Thiên nhiên, đất trời cũng lồng lên như phát rồ. Thế nên hạn hán lịch sử, động đất lịch sử, lũ lụt lịch sử và khủng bố lịch sử…
Năm 2000 ơi, xa lắm. Từ nhỏ, cứ nghĩ đến năm 2000 tôi thấy xa lắc xa lơ ngay cả khi trưởng thành, cách đây chừng mười năm thôi nhắc đến năm 2000 cũng thấy vời vợi. Có phải vì kinh thánh nói “Chẳng đủ 2000 năm tận thế” mà người ta cảm thấy năm 2000 nằm ngoài tầm với của ta!
Dĩ nhiên tôi bắt buộc phải đồng ý với các nhà khoa học rằng phải đến năm 2001 mới bắt đầu thế kỷ mới. Nhưng mà tôi vẫn một bụng với loài người khi cảm thấy rất rõ năm 2000 không còn ở trong khuôn của thế kỷ này. Có thể tôi là hạng người ba phải. Nhưng than ôi, Thiên hạ thì đông, còn các nhà khoa học thì thiểu số. Các nhà khoa học – Cứ cho là từ người có tấm bằng phó tiến sĩ trở lên là nhà khoa học – thì có được là bao!
Hai ngàn ơi, hai ngàn biết gả em cho ai?
Trong thuyết thiên ca – địa chỉ, có 12 con vật để gán ghép cho 12 năm con nào cũng rõ thân phận. Con chuột, con mèo, con cọp… Tuy có thấp bé một chút nhưng nó vẫn là nó ngắm nhìn được, sờ nó được, ôm, ấp ngủ được. Còn con rồng thì không. Rồng là con vật hư vô nhất. nó là con gì thật sự không ai biết… Nó là con vật của lý tưởng, của hy vọng, của chờ đón, của đam mê… Thế mà chưa một ai nhìn thấy nó.
Đi cùng với con vật huyễn hoặc ấy lại là năm canh. Thuật tử vi nói: Canh biến vì cô. Cho nên nó đứng một mình. Sang thì sang thật, mê thì mê lắm, nhưng không ăn nhập với ai được.
Thế mới biết vũ trụ cứ tưởng là bao la nhưng cũng đắng cay số phận. Hèn chi thái cực mung lung lại quá nhiều tương sinh tương khắc. Hai ngàn ơi, hai ngàn! Thế kỷ là gì, là một trăm năm. Người ta chúc nhau thọ tròn trăm tuổi. Các nhà khoa học nói rằng hành tinh này không có năm 0. Chúa Giê su sinh ra là có tuổi. Vậy tôi xin hỏi các nhà khoa học – Kể từ phó tiến sĩ trở lên ấy – Cứ cho rằng chúa sinh ra là ngày đầu năm 1, thì đến ngày năm 99 này có phải đã chẵn trăm năm? Rồi ra, phải cho qua cái năm có hai số 0 này đi, để đến đầu năm 2001 mới bắt đầu tính lại ư? Nếu không phải vậy, nếu tính năm 2000 vào cho ai, thế kỷ đó thành 101 năm?
Mà làm sao tôi lại phải cãi nhau với các nhà khoa học? Năm nào chuyển giao thế kỷ thì có can hại gì đến tôi. Nhưng mà sự thật là tôi có nỗi niềm riêng, nỗi niềm của tôi, do tôi.
Cái thế kỷ ta đang sống, thế kỷ XX này, còn có thiếu nỗi gì cơ chứ. Đau đớn cùng cực, huy hoàng chối mắt, thảm họa tột cùng, vinh quang tột đỉnh… Một trăm năm như vậy chưa đủ sao, còn níu kéo thêm số 1 năm 2000 nữa…
Dù sao thời khắc giao thừa cũng đã sắp đến. Vẫn phải giã từ một cái gì đó, chào đón một cái gì đó.
Nhà thơ chiến trường Phạm Ngọc Cảnh, khi chia tay với miền trung để ra Bắc đã viết hai câu thơ thế này:
Giả từ mà tôi say mê
Tôi đau đớn để tôi về trang nghiêm…
Tôi viết những dòng này vào nửa đêm của tiết Đông chí. Nhiệt độ trong phòng chỉ 12o. Ngoài trời hẳn buốt hơn nhiều. Bố tôi xưa kia thường nói: “Đông chí sinh hậu nhất tương sinh” Vạn vật đang thai ghén cào cái thời khắc buốt giá này để mai ra - màu xuân, vạn vật sinh nở.
Chúa Giêsu sinh ra lỗi mùa. Ông sinh ra đúng cái tiết lạnh buốt này nên đời ông khổ.
Cơn đau sinh nở, đau lắm, nhưng chỉ vài thời khắc cơn đau thai ghén âm ỉ đến chín tháng mười ngày. Còn cơn đau của trần thì dài hơn, dài bằng thế kỷ.
Nhưng mà thôi…
“Ngày mai đã là mùa xuân ngày mai nữa có thể là mùa hạ
Tôi không thể chối từ cành mai nở
Và ngắm tiếng ve sao sát mé vườn sau…”
Dẫu sao mùa xuân vẫn cứ là mùa xuân. Vạn vật vẫn đúng kì sinh nở. Năm 2000 ơi, dẫu người không thuộc thế ky trước hay thế kỷ sau, thì người cứ đứng vậy một mình, là cái năm rồng hãnh diện. Mấy lại ở đất nước mình năm 200 trọng đại lắm, vinh quang lắm. Không ai làm ngơ nổi đâu. Cứ nhìn cái không khí toàn trái đất đang nào nức chào đón năm 2000 thì đủ thấy. Không cần tựa lưng vào thế kỷ nào, hai ngàn tự nó vẫn tỏa chói hào quang…
Tiết đông chí năm 1999
X.Đ