Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hành lang kinh tế Đông - Tây: Liên kết để phát triển

GHI CHÉP - Không phải đến tận bây giờ, tỉnh Quảng Trị mới cảm nhận được niềm may mắn khi sở hữu con đường số 9 - tuyến đường huyết mạch thông ra Thái Bình Dương của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Tuyến đường mà từ năm 1906, Toàn quyền Đông Dương Beau đã từng khẳng định: “Chỉ con đường này là thực tế nhất” và “đây là lối đi xuyên mơ ước, cái lỗ hổng lý tưởng dẫn ta vào nội địa xứ Đông Dương”.

Từ những năm 1990 trở về sau này, giữa bộn bề công việc hệ trọng cần sắp đặt, triển khai gấp rút và vận hành hiệu quả của một tỉnh mới tái lập, Quảng Trị vẫn dành sự quan tâm đặc biệt để đánh thức, khai thác tiềm năng kinh tế - xã hội đường 9 bằng các cuộc hội thảo khoa học, lập luận chứng kinh tế, kỹ thuật, thu hút, kêu gọi đầu tư, chủ động tham gia chương trình hợp tác trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) mà con đường 9 là xương sống chiến lược. Tỉnh đã ban hành một loạt các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) gắn với EWEC như: Nghị quyết về phát triển KT-XH miền tây, miền biển; về phát triển du lịch; về xây dựng, phát triển đô thị... Đặc biệt, ngày 12/12/2006, Tỉnh ủy Quảng Trị đã ra nghị quyết về đẩy mạnh đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế Hành lang kinh tế Đông - Tây đến năm 2010, có tính đến năm 2015.

Có thể khẳng định, khai thác lợi thế đường số 9 đã mở ra rất nhiều tiềm năng và bước đầu đã thu được những thành tựu quan trọng, nhưng trên thực tế, để “lối đi xuyên mơ ước” này trở thành một con đường “thực tế và kinh tế nhất”, vẫn còn nhiều việc phải làm.

Cầu Hữu Nghị bắc qua sông Mê Kông nối giữa biên giới Thái Lan - Lào - Ảnh: Đan Tâm

Cầu Hữu Nghị bắc qua sông Mê Kông nối giữa biên giới Thái Lan - Lào - Ảnh: Đan Tâm

Tiềm năng

Từ sáng kiến về Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) trên “bàn giấy” tại hội nghị Bộ trưởng các nước Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) diễn ra ở Manila, Philippines (năm 1998), EWEC “trở thành hiện thực sinh động” khi hoàn thành cầu Hữu Nghị 2 bắc qua sông Mê Kông giữa Lào và Thái Lan, cơ bản kết nối giao thông các tỉnh thuộc các nước trên tuyến EWEC. Việc kết nối này giúp cho các quốc gia tiếp cận tốt hơn các nguồn tài nguyên khoáng sản, hải sản và năng lượng phục vụ cho các ngành sản xuất và chế biến, tạo điều kiện phát triển KT-XH cho các vùng dân cư dọc hành lang, đồng thời thúc đẩy thương mại xuyên biên giới, thu hút đầu tư từ các địa phương, khu vực và thế giới.

Các tỉnh miền Trung Việt Nam nằm trên tuyến EWEC có diện tích tự nhiên trên 40 ngàn km2, dân số khoảng 7,5 triệu người. Những thuận lợi cơ bản mà miền Trung có được để khai thác tốt EWEC, đó là nằm dọc trên trục giao thông quốc gia Bắc - Nam, điểm cuối của EWEC về phía Đông, là cửa ngõ ra Biển Đông của các quốc gia thuộc Tiểu vùng Mê Kông mở rộng. Cơ sở hạ tầng nơi đây đang được đầu tư phát triển nhanh chóng. Sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay Phú Bài (Huế) đã được nâng cấp. Hệ thống cảng biển đã hình thành và bước đầu phát huy hiệu quả như: Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), Tiên Sa (Đà Nẵng), Kỳ Hà (Quảng Nam), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Cửa Việt (Quảng Trị). Khu vực này từ lâu đã hình thành một hệ thống đô thị trong đó có các đô thị lớn như: Đà Nẵng, Huế, hàng loạt các khu công nghiệp như Phú Bài, Liên Chiểu, Hoà Khánh, Nam Đông Hà, Quán Ngang cùng các khu kinh tế - thương mại Lao Bảo, Vũng Áng, Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất... với cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện và cơ chế hoạt động kinh tế đa ngành, với các chính sách ưu đãi, vượt trội, lâu dài...

Ngoài tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, đặc điểm nổi bật của miền Trung là nơi tập trung nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử, văn hoá, chiến tranh cách mạng nổi tiếng, được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hoá và Di sản thiên nhiên thế giới như: Cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, Phong Nha - Kẻ Bàng… Đặc biệt các di tích lịch sử, chiến tranh cách mạng ở Quảng Trị như: Địa đạo Vịnh Mốc, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị... có giá trị to lớn về tôn vinh lòng yêu nước, khát vọng hòa bình của người Việt Nam. Trong khu vực có nhiều quần thể vịnh và biển đẹp, hấp dẫn du khách. Nơi đây còn có nguồn lao động trẻ dồi dào, thân thiện và có trình độ học vấn, có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ hiện đại song chi phí lao động so với các địa bàn khác lại thấp hơn.

Khả năng liên kết

Tại Diễn đàn Đầu tư - Thương mại - Du lịch trong khuôn khổ Tuần lễ EWEC - 2007 được tổ chức tại Đà Nẵng, đề cập đến nỗ lực khai thác tiềm năng phát triển trên tuyến EWEC, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm tổ chức diễn đàn, thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ tỉnh Savannakhet (Lào) nhiều dự án trên các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, huấn luyện thể thao, đào tạo nguồn nhân lực. Từ năm 2002, thành phố đã xúc tiến việc thiết lập quan hệ hợp tác với tỉnh Khon Kaen (Thái Lan). Các đoàn lãnh đạo cấp cao của hai địa phương đã thăm viếng, hội đàm, thống nhất phương thức trao đổi thông tin và hợp tác song phương trong các lĩnh vực du lịch - dịch vụ, thương mại - đầu tư, giáo dục - đào tạo... Về thương mại, nhiều doanh nghiệp của Đà Nẵng hiện có quan hệ thương mại với Lào, Thái Lan và Myanmar. Kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều giữa Đà Nẵng và các tỉnh của Lào và Thái Lan tăng mạnh. Về du lịch, từ tháng 11/2006 Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng và Sở Du lịch tỉnh Savannakhet (Lào) đã ký kết thoả thuận hợp tác về phát triển du lịch giữa hai địa phương.

Đối với tỉnh Quảng Trị, tỉnh “đầu cầu” về phía Việt Nam của EWEC, thời gian qua, sự hợp tác, liên kết với EWEC cũng đã được thúc đẩy mạnh mẽ. Từ năm 1998, tỉnh Quảng Trị đã chủ động tham gia chương trình hợp tác phát triển hành lang này. Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết phát triển KT-XH gắn với EWEC như: nghị quyết về phát triển KT-XH miền tây, miền biển, về phát triển du lịch, về xây dựng phát triển đô thị, đề án tham gia chương trình hợp tác phát triển Hành lang kinh tế Đông - Tây. UBND tỉnh tập trung thực hiện đề án quy hoạch phát triển thương mại - du lịch và tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2007 - 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Quảng Trị đã tập trung xây dựng Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo để khai thác tiềm năng, lợi thế về kinh tế - thương mại của các nước nằm trên EWEC.

Đến nay hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các khu vực sản xuất - kinh doanh tập trung đã được xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, đã thu hút được các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Các khu công nghiệp Nam Đông Hà, Khu công nghiệp Quán Ngang, các khu du lịch biển, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật tạo nên chuỗi đô thị dọc theo EWEC và các vùng phụ cận cũng đã được đầu tư xây dựng. Tỉnh cũng đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội với các tỉnh Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan, một số cơ quan ngoại giao, cơ quan xúc tiến có quan tâm đến EWEC và tỉnh Quảng Trị như: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, ADB... Năng lực liên kết, đầu tư khả thi nhất của Quảng Trị vào địa bàn Lào chính là lĩnh vực nông lâm nghiệp, khai thác khoáng sản.

Khu công nghiệp Quán Ngang, Gio Linh, Quảng Trị - Ảnh: Bảo Nhi

Khu công nghiệp Quán Ngang, Gio Linh, Quảng Trị - Ảnh: Bảo Nhi

Đối với các nước bạn, sự liên kết cùng phát triển trên tuyến EWEC cũng nhận được sự quan tâm và đồng thuận cao. Nhờ có sự liên kết, thông thương, đến nay trị giá các dự án đầu tư trong và ngoài nước của Lào đã đạt đến con số mơ ước. Các doanh nhân Thái Lan cam kết sẽ nỗ lực để biến EWEC thực sự trở thành một hành lang kết nối chặt chẽ về kinh tế, trong đó vai trò của các doanh nhân là rất quan trọng.

Có thể thấy, sự kết nối giao thông giữa các tỉnh đầy tiềm năng của 4 nước đã đánh dấu một mốc quan trọng trong hợp tác khu vực, nhưng biến khu vực này thành một khu vực phát triển năng động, hữu nghị, hợp tác, góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân mới là mục tiêu mà các nước trên EWEC hướng tới. Biến hành lang từ kết nối giao thông trở thành hành lang kinh tế thực sự, một tuyến hành lang hữu nghị và thành công trong hợp tác kinh tế theo đúng tên gọi của nó (EWEC) mới là ước nguyện của cả 4 quốc gia. Theo thời gian, hy vọng với sự hợp tác chặt chẽ của các bên, một hành lang kinh tế với sự trao đổi hàng hoá nhộn nhịp, dòng du lịch tấp nập, sự hợp tác kinh tế giữa các địa phương, các nước diễn ra mạnh mẽ... sẽ là hiện thực sinh động trong tương lai gần.

Hy vọng khởi sắc và những trăn trở

Qua một thời gian hoạt động khá trầm lắng do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ Covid-19 bùng phát, điều đáng mừng là bước vào quý 1/2021, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) ở Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo đã trở nên sôi động trở lại. Năm 2020, hầu hết các chỉ số hoạt động xuất nhập cảnh (XNC), XNK qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo đều giảm so với năm 2019. Lưu lượng phương tiện XNC giảm 15%; số lượng tờ khai XNK giảm 1,5%; kim ngạch XNK giảm 6%. Thu ngân sách nhà nước đạt 153,6 tỉ đồng, bằng 103% dự toán giao và bằng 61% so với năm 2019.

Để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách 182 tỉ đồng trong năm 2021, ngay từ đầu năm, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo đã triển khai đồng bộ các giải pháp ở tất cả các khâu từ thủ tục, thu thuế, kiểm tra giám sát, kiểm soát, quản lý rủi ro, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Chủ động triển khai các phương án, kế hoạch dự phòng, chủ động ứng phó với dịch bệnh, thiên tai nhằm đảm bảo vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, XNC; phối hợp cùng các lực lượng chức năng tại cửa khẩu để đưa ra phương án đổi đầu xe hoặc đổi tài xế. Phương pháp này đã được áp dụng hiệu quả cho đến thời điểm hiện nay.

Ngoài ra còn hàng quá cảnh xuất gồm linh kiện máy tính, điện thoại; linh kiện và sản phẩm điện tử khác như bảng mạch điện tử, hàng điện tử gia dụng; phế liệu giấy, hàng dệt may. Hàng quá cảnh nhập như bột giấy; linh kiện máy tính, điện thoại; thiết bị điện, điện tử khác như bảng mạch điện tử, đĩa từ, thiết bị thu phát sóng, thiết bị đóng ngắt mạch, hàng dệt may. Trong đó những mặt hàng chủ yếu có thu ngân sách cao như: xuất khẩu dăm gỗ và nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô; nước tăng lực; thạch cao; đường kính; cao su tự nhiên; máy điều hòa nhiệt độ; đồ điện gia dụng Thái Lan…

Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo,  Hướng Hóa, Quảng Trị  - Ảnh: Bảo Nhi

Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị - Ảnh: Bảo Nhi

Điều đáng mừng là hiện tại, tuyến đường vận tải hàng hóa XNK, quá cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo đa dạng hơn trước đây. Có thể thấy như hàng hóa từ các tỉnh, thành phố trong nước vận chuyển đến làm thủ tục ở Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo để qua Lào, Thái Lan; những mặt hàng tiêu dùng từ Thái Lan, Lào về các tỉnh, thành phố khác trong nước cũng qua cửa khẩu này. Còn tuyến đường quá cảnh chuyên chở các nguyên liệu như giấy từ Canada, Mỹ, Trung Quốc qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo đi Lào; và ngược lại, sản phẩm bột giấy từ Lào quá cảnh qua cửa khẩu này để đến cảng Đà Nẵng, Chu Lai, Vũng Áng đi Trung Quốc, châu Âu.

 Tình hình trên cho thấy, mặc dù chịu ảnh hưởng nhiều của Covid-19 nhưng hoạt động XNK hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo vẫn được duy trì và tăng mạnh. Đây cũng là tín hiệu cho thấy cần phải có giải pháp mạnh hơn nữa, tích cực hơn nữa cho việc phát triển vận tải xuyên biên giới với các nước trong khu vực. Đặc biệt vận tải xuyên biên giới bằng đường bộ là động lực thúc đẩy và làm gia tăng giá trị của thương mại trong dây chuyền quản trị cung ứng của khu vực.

Ông Lê Hữu Thăng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, người đã dành nhiều thời gian và tâm huyết với EWEC chia sẻ: Theo tôi, cần đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế của tuyến EWEC qua Quốc lộ 9 nối với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, từ đó có kế hoạch khơi thông, khai thác hiệu quả hành lang kinh tế này nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh trong quá trình hội nhập và phát triển. Đồng thời, tìm mọi cách hình thành nên EWEC thứ 2 nối Ubon Ratchathani (Thái Lan) qua Pắc Xế, Salavan (Lào) về Quảng Trị (Việt Nam), gắn liền Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế La Lay với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và cảng biển Mỹ Thủy. Khi kéo được hàng triệu tấn hàng hóa từ vùng Đông Bắc Thái Lan qua hành lang kinh tế này về cảng biển Việt Nam, lúc đó nhà đầu tư mới nghĩ đến phải khẩn trương đầu tư xây dựng cảng biển Mỹ Thủy và đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị nhiều hơn.

Muốn như vậy, trước hết chúng ta phải đặt câu hỏi, vì sao hàng hóa từ vùng Đông Bắc Thái Lan gần biên giới của ta phải chở ngược qua cảng Laem Chabang (Thái Lan) xuống biển Ấn Độ Dương, đi qua eo biển Malacca về biển Thái Bình Dương vô cảng Đồng Nai xa xôi như thế, mà không đi qua EWEC gần hơn rất nhiều lần? Tôi nghe giải thích có rất nhiều lý do, nhưng chỉ có lý do thuyết phục là có quá nhiều “rào cản”. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Nhật Bản đầu tư rất nhiều vào tuyến EWEC nhưng chưa khai thác tốt như mục tiêu đề ra. Vì vậy, tỉnh cần tập trung khơi thông và khai thác hiệu quả lợi thế EWEC, góp phần thu hút đầu tư, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị phát triển.

ĐAN TÂM
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 322

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

34 Phút trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground