Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hoài niệm màu xanh

Q

uê tôi - Làng An Nghĩa, vùng ven thị xã Đông Hà. Đến tuổi tôi học trường làng do ba tôi dạy. Ba tôi là một trong vài ba đảng viên Cộng sản và là Bí thư đầu tiên của xã Cam Thanh. Ông  hy sinh tháng 8.1947 trên đường về vùng địch hậu; rồi tôi vào trường Sainte Marie Đông Hà. Kỳ thi Primaire năm 1945 được tổ chức tại huyện lỵ Cam Lộ, nhưng không tuyên bố kết quả được vì cách mạng tháng Tám nổ ra. Tản cư trở về, bốn năm sau tôi được mẹ cho phép, sắp đặt để theo chị lên chiến khu Cùa học tập và thi tốt nghiệp tiểu học. Bấy giờ là Trường cơ bản Cam Lộc do thầy Nguyễn Văn Tu làm hiệu trưởng. Gian khổ, thiếu thốn, nhưng may mắn tôi lại được đỗ đầu kỳ thi toàn tỉnh. Báo "Tiếng Vang" - cơ quan của Đảng bộ và Uy ban kháng chiến hành chánh tỉnh Quảng Trị  đã đưa in. May mắn tiếp theo là, tôi tiếp tục được học tập lên lớp 5, năm đầu của bậc trung học cơ sở. Trường Sở đơn sơ, bàn ghế là những thanh tre, nứa ghép lại, thầy giáo thiếu, thỉnh thoảng máy bay địch oanh tạc, ca nông địch từ Cam Lộ bắn vào. Bấy giờ bậc trung học chỉ có một lớp 5. Sau đó trên dưới một năm nữa mới có lớp 6 và tiếp là lớp 7 (phần lớn là học sinh ở trại Quảng Sinh và ở các trường từ Liên khu IV trở về quê học). Trường được mang tên Lê Thế Hiếu, một nhà hoạt động Cách mạng nổi tiếng. Trường đóng tại Cùa, nhưng là trường lớn của tỉnh. Ngoài những giờ chính khóa, chúng tôi còn có nhiều hoat động ngoại khóa: sinh hoạt văn nghệ, viết báo tường, sáng tác thơ ca, hò vè, đi về các xã vùng đồng bằng tuyên truyền chính sách thuế nông nghiệp, dạy bình dân học vụ, tham gia những buổi mít tin, đốt lửa trại tại Cồn Trung, luyện tập  quân sự và "hành quân dã chiến" về đến tận các xã Cam Thủy, Cam Mỹ v.v...

          Tôi được Hiệu đoàn học sinh tín nhiệm bầu nhiều khóa làm Hiệu đoàn trưởng phụ trách văn nghệ. Còn nhớ, vào các buổi chiều thứ hai hàng tuần (học ban đêm), học sinh ba lớp tập trung tại sân trường. Trước và sau khi đại diện nhà trường và Hiệu đoàn nhận xét thi đua, thì thế nào cũng có anh "quản trò" nhanh nhẩu, tự tin đưa tay bắt nhịp hát vang bài ca "Kết Đoàn" và sau đó là những câu lục bát, hò lơ ơ lơ lắng tai nghe tiếng ai đây hò lờ...

Đèo cao thì mặc đèo cao

Tinh thần học tập còn cao hơn đèo

Hoặc:

Tàu bay thì mặc tàu bay

          Tinh thần học tập còn say hơn nhiều.v.v...

          Cứ thế mà "tự do sáng tạo" tự do chắp vần cho những câu lục bát...hò lơ. Nói là trường, sân trường nhưng thực chất là nền và sân của một ngôi đình cũ ở làng Mai Đàn, có cây cao bóng cả che phủ các lớp học bằng tre lá, nằm ung dung xung quanh sân trường. Từ đó đi xuống hàng chục bậc thang đá ong là đến cái giếng máng rộng, nước trong như  lọc nơi làm dịu mát những ngày hè oi ả và cũng là nơi có nhiều kỷ niệm tuổi học trò. Mặc dầu chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt, nhất là khi địch thua trận ở trong Nam ngoài Bắc, mặc dù đời sống thiếu thốn, nhưng lòng tin vào tiền đồ sự nghiệp giáo dục kháng chiến, tinh thần lạc quan, tinh thần hiếu học của giáo viên và học sinh đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả. Nổi bật trong các điều kiện đó là hai yếu tố nội lực. Một là các môn học đều đã có đủ các thầy giáo có trình độ vừa tốt nghiệp từ Liên khu 4 vào: Thầy Phan Cự Nhân vừa là hiệu trưởng vừa dạy sinh vật; thầy Hồ Đình Lư dạy văn; thầy Phạm Viết Trinh dạy toán lý thầy Hồ Sĩ Phan dạy lịch sử và chính trị và các thầy Nguyễn Khắc Thi, Đồng Phạm Để...Phần lớn các thầy đều là giáo sinh trường trung cấp sư phạm Liên khu IV đi vào chiến trường Bình Trị Thiên như những chiến sĩ. Hai là, sự đùm bọc, cưu mang, nuôi dưỡng phần lớn các học sinh xa nhà của nhân dân xã Cam Lộc trước đây, sự tiếp tế lương thực hàng tháng các gia đình có con em đang học từ các xã đồng bằng, vùng bị tạm chiếm. Cứ thử hình dung xem nếu không có các mẹ, các anh chị em quả cảm, vì tương lai con em, mà đã băng qua đường số 1, số 9, qua đồn bốt giặc, qua vùng rừng núi hiểm trở, nhiều thú dữ để gùi hàng, gánh gạo cho con em mình ăn học, thì làm sao hôm nay Quảng Trị có một đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ không thua kém nhiều tỉnh bạn!

          Trở lên là những hoài niệm xanh rờn. Tôi còn nói đến phong trào hoạt động văn nghệ trong trường: sôi nổi, bổ ích, cho phong trào học tập, chưa bao giờ là phong trào "lửa rơm". Động lực gì vậy? Trước hết là do nguyện vọng ham học, ham hiểu biết, tâm lý tôn sùng cái đẹp, cái cao thượng (mặc dầu còn rất lờ mờ), tính năng động lứa tuổi học trò, hoài bão lãng mạn của tuổi trẻ, mà bằng chứng là khi được đọc, dù là trích đoạn, dù là được kể lại những truyện: Thép đã tôi thế đấy, Truyện anh hùng Mêrétxép, Một con người chân chính...Tôi nhớ mãi buổi nói chuyện về những con người Xô Viết rất hấp dẫn người nghe, cả bộ đội, cả học sinh của nghệ sĩ Giang Tấn tại Hội trường tre nứa lở làng Mai Đàn. Lại nữa, ngay từ bây giờ trong ba lô chúng tôi cũng như của hầu hết các bạn học sinh Lê Thế Hiếu, không ai là không có cuốn sổ chép thơ  - văn kháng chiến, những bài thơ nổi tiếng vang vọng đi cùng năm tháng cho đến tận hôm nay: Từ ấy, Hồ Chí Minh của Tố Hữu, Khóc hoài của Vĩnh Mai, Biệt động đội đường số 9 của Hồng Chương, Gửi Người 95 của Hồ Vi, Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Đợi anh về của Ximônốp, Cô lái đò của Lương An, Ngò cải đâm hoa của Lưu Trọng Lư, Thư nhà (truyện) của Hồ Phương.v.v...Chỉ đọc một vài lần là thuộc. Chúng tôi còn thuộc cả những bài mà hồi bấy giờ được đem ra tranh luận tại Hội nghị văn hóa Bình Trị Thiên ở chợ Cá.

Rồi một hôm có bác Lưu Trọng Lư

Ra chợ á1 bàn về vấn đề văn hóa

Phân khu ủy bảo Lư ra giục giã

Triệu tập ngay văn hóa Bình Trị Thiên...

          Cuộc kháng chiến dữ dội ùa vào thơ Hữu Loan trong bài thơ: Quách Xuân Kỳ với những câu thơ u uất và hào sảng:

Ngoài ngoại ô thị xã Quảng Bình

Lòng người và cây xanh

Không mang tình che chở

Nhà giặc vô, đường giặc đi

Không vết chân người cán bộ.

Anh Quách Xuân Kỳ về cướp lại nhân dân

          Đó là thời kỳ đen tối của cuộc kháng chiến chống Pháp tại Bình -Trị -Thiên. Viết bằng thể thơ tự do nhà thơ miêu tả tâm trạng dồn nén đớn đau  của người cán bộ lãnh đạo thị xã (Kỳ là bí thư Thị ủy Đồng Hới) khi đã mất dân. Nhưng hai câu sau này mà bị phê phán là chịu ảnh hưởng tư tưởng bi quan thì nặng quá !.

Trai Hoàn Lão chết gần hết tuốt

Gái ôm bom nằm đợi giặc đi tuần

          Văn Tôn (Hải Bằng, Vĩnh Tôn) vừa làm thơ, vừa vẽ tranh cũng có mặt trong sổ tay chúng tôi với bài: Em nữ cứu thương người Pháp:

Chiều nay tiếng súng anh ngừng nổ

Thấy xác em nằm giữa cỏ tranh

Anh đắp cho em mền trấn thủ

Còn đâu nhìn thấy mắt xanh xanh

.....

 

Chúng bắt em đi xa đất nước

Bỏ nhà, lìa mẹ, cách em thơ,

Qua đây dày xéo quê hương bạn,

Nhà cửa tan tành, ngọn cỏ khô...

          Bài thơ còn mấy khổ nữa, trích thêm sợ dài. Những câu thơ dung dị, cảm xúc thương đau, tiếc nuối đời một cô gái đẹp ở bên kia bán cầu, bỏ nhà, bỏ mẹ, bỏ em thơ đi theo quân cướp nước, lìa đời một cách oan uổng trên đất nước bị xâm lược. Bài thơ bị cấm bởi câu kết: Thương em, tiếng súng anh ngừng nổ.v.v...

          Mùa hè năm học 1952, sau khi học xong lớp 7, tôi lại được gia đình lo liệu kinh phí, lặn lội vượt đèo U Bò, Ba Rền ra Nghệ Tĩnh học tiếp cấp III.

          Ra đến thị trấn Đức Thọ, cuốn sổ chép thơ - nhạc của chúng tôi dày lên trông thấy: Những ca khúc Sơn nữ ca Lời người ra đi (Trần Hoàn); Lúa vàng (Mặc Hy); Đóng nhanh lúa tốt (Lê Yên).v.v... Mà ấn tượng hơn cả là những nhạc phẩm mới nhất của Phạm Duy trên đường vào Bình Trị Thiên. Theo lời kể của nhiều văn nghệ sĩ đàn anh mùa hè năm 1949, một đoàn văn nghệ sĩ kháng chiến Liên khu IV do nhà hoạt động sân khấu Đình Quang làm trưởng đoàn vào phục vụ phong trào văn hóa, văn nghệ ba tỉnh phía Nam đang bị giặc chiếm. Đoàn xuất phát từ Thanh Hóa, phải đến một tháng đi Trường Sơn mới đến được chiến khu Ba Lòng.

          Trong đoàn có nhạc sĩ Phạm Duy. Về sau, do nhiều lẽ, ông không đi cùng đường với chúng ta cho đến tận ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, và nay ở nơi đất khách quê người. Nhưng theo tôi, mấy ca khúc về  Bình Trị Thiên khói lửa là những giai điệu hay, ca từ đẹp.

Vào Quảng Bình, ông viết Qua vùng chiếm đóng (Về sau đổi là Quê nghèo):

Chiều qua, khi tôi qua vùng chiếm đóng,

Thấy những cánh đồng khô cằn,

Thấy những xóm làng tan hoang...

Chiều qua gánh nước cho vệ quốc quân

Có những O nghèo kể rằng,

Quân thù về đây đốt làng.

Bao giờ anh lấy được đồn Tây anh ơi!

Để em mua bánh gửi người lập chiến công...

          Đến Quảng Trị , ông có Bà mẹ Do Linh. Đó là một ca khúc nổi tiếng. Chuyện bà mẹ giữ đầu con bị chặt, bị cắm cọc và phơi xác ở chợ Mai Xá. Theo những người dân địa phương cho biết thì đó là một trong hai du kích có tên là Phi và Kỳ. Hồi đó tôi là quân báo viên bộ đội địa phương Do Linh, thường đóng quân ở vùng này nên biết khá rõ. Những lần giặc từ căn cứ chợ Cầu đi càn vào Linh Quang, là chúng tôi phải bơi qua sông bên làng Dương Xuân (Triệu Phong). Ca khúc mở đầu:

Mẹ già cuốc đất trồng khoai

Nuôi con giết giặc đêm ngày

Cho  dù áo rách sờn vai

Cơm ăn bát vơi bát đầy

Mẹ nhìn bầy con

Tóc trắng bay phất phơ...

Vào đầt Thừa Thiên, Phạm Duy có Về miền Trung:

Về miền Trung, miền thùy dương bóng dựa ngàn thông

Thuyền ngược xuôi suốt một dòng sông dài

Ôi quê hương, xứ gần đây,

Ôi bóng lúa,

Con sông xưa, thành phố cũ...

          Không biết có phải ông tưởng tượng đôi bờ sông Hương, thành phố cố đô một thời, mà bây giờ chìm trong khói lửa thương đau (!?)

          Những năm ở Hà Tĩnh, rồi ở Hà Nội chúng tôi những đứa con miền Nam đều được vào học tại những trường nổi tiếng. Ngày nay trong số hàng chục học sinh lớp 6, lớp 7 ngày ấy, ngoại trừ một số bạn không ra được miền Bắc, còn phần lớn bằng cách này hay cách khác, trước hay sau, tập kết hay vượt tuyến đều được vào học ở các trường cấp III, Cao đẳng hay Đại học trên miền Bắc. Trong số đó có nhiều người được đi du học, một số đã trở thành nhà khoa học có học hàm học vị cao và có những đóng góp cho đất nước. GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng, GS.TSKH Nguyễn Xuân Trường*, PGS. NGƯT Hồ Sĩ Khoách*, NGƯT Nguyễn Xuân Hòa, GS.TSKH Nguyễn Thanh, PGS.TS Lê Đình Phiên, PGS.TS Trần Trọng Đăng Đàn, GS.VS Hồ Sĩ Vịnh .v.v...là những ví dụ.

          Trong ba điều bất thủ của một đời người: lập đức, lập ngôn, lập công thì có thể nói, ở những mức độ khác nhau, chúng tôi đã cố gắng đạt tới. Dù ở xa quê, nhưng cội nguồn, quê cha đất tổ, nguồn gốc tông tộc, đồng hương, đồng đội, trường xưa lớp cũ bao giờ cũng có sức vẫy gọi chúng tôi, bởi ở đó là chỗ dựa tinh thần của những người con xa xứ, được coi như là một nét đẹp văn hóa lấp lánh, góp phần định hướng đạo đức, tinh thần của chúng tôi và của thế hệ mai sau khi nghĩ về Quảng Trị anh hùng, về mái trường kháng chiến Lê Thế Hiếu thân thương.

                                                      H.S.V

Hồ Sĩ Vịnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 111 tháng 12/2003

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground