Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Làng văn hóa cổ ven sông

C

ó một làng quê uốn mình gần phía hạ nguồn bên bờ bắc sông Bến Hải đã đi qua một thời chiến tranh tàn phá, là nỗi nhớ thương, trông vọng của bờ nam Thủy Bạn, Cát Sơn. Đó là làng Tùng Luật, một miền quê sông nước hữu tình thuộc  xã Vĩnh Giang được hình thành cách đâytrên 900 năm, một trong những làng cổ ở huyện Vĩnh Linh. Trải qua bao thế sự đổi thay, nếp sống và các phong tục của làng vẫn vẹn nguyên, lịch sử của vùng đất ngày một dày thêm. Làng quê yên ảvới hàng dừa thướt tha nghiêng bóng xuống dòng sông xuôi về Cửa Tùng hòa vào biển Đông, khiến cho ai đã đến nơi này đều nặng lòng lưu luyến. Đây là một làng ven sông còn giữ được dáng vẻ cổ xưa. Câu hát lưu truyền trong dân gian nói về chốn này còn ngân vang như tình đất tình người thủy chung mãi mãi:

Bến làng Tùng, bến vàng bến bạc

Sông Cửa Tùng vừa mát vừa trong

Người tình ở bên kia sông

Không đò anh  cũng băng đồng vượt sang.

Thế mới biết sự hấp dẫn của vùng đất mà nhiều người ao ước tìm đến là có căn nguyên bởi tạo hóa hun đúc mà thành.

Tùng Luật cũng là một làng hình thành sớm ở tỉnh Quảng Trị. Từ buổi đầu lập làng vào năm 1075, thuộc Triều nhà Lý, Tùng Luật là một làng lớn nằm trong phường Vĩnh An kéo dài từ xã Vĩnh Thạch qua Vĩnh Quang (nay là thị trấn Cửa Tùng) đến Vĩnh Giang. Theo Hoàng Lê nhất thống chí, lúc mới thành lập, làng có tên là Tòng Luật, có nghĩa rằng: Cư dân ở đây phục tùng luật pháp của nhà nước và lệ làng rất nghiêm túc. Vì xét thấy Tòng Luật mới chỉ mang một ý nghĩa đó nên những người cầm quyền đương thời đã trưng cầu ý dân, thống nhất đổi Tòng Luật thành Tùng Luật để có thêm một ý nghĩa nữa là làng nằm cạnh cửa biển có tên gọi là Cửa Tùng. Và cái tên Tùng Luật tồn tại cho đến ngày nay. 12 dòng họ đầu tiên là: Lê, Trần, Phan, Hồ, Hoàng, Võ, Bùi, Trương, Lâm, Mai, Cao, Nguyễn, chủ yếu từ Thanh- Nghệ - Tĩnh tiến vào phương Nam để mở đất đã dừng chân định cư tại đây. Cụ tổ Tiền khai khẩn là Hoàng Quý Công, hậu khai canh là Cụ tổ dòng họ Lê. Các dòng họ đều có nhà thờ xây cất trên mảnh đất này. Mộ tiền khai khẩn của làng được đắp bằng cát, táng tại Bạch Sa xứ, hiện vẫn được con cháu các thế hệ chăm nom, giữ gìn đời này qua đời khác với tấm lòng tôn kính: uống nước nhớ nguồn.

Thuở đầu lập làng, người dân sống bằng nghề chính là chài lưới trên sông, trên biển. Mỗi năm có mấy mùa, mỗi mùa có bao nhiêu con nước là cư dân có bấy nhiêu nghề đánh bắt hải sản đối với từng loại ngư cụ: Mành, thẻo, dạ, te…Ngoài ra, làng Tùng còn có các nghề nổi tiếng: Mộc, may vá, nghề thuốc bắc gia truyền…Đình chùa, miếu vũ của làng được xây dựng đẹp, mái chùa cong vút, nóc thượng phía trước đình có “song Long chầu nguyệt” rất linh thiêng và cổ kính. Chiến tranh đã hủy diệt tất cả những thành quả văn hóa tâm linh này, làm cho bao người luyến tiếc ngẩn ngơ. Con cháu sau này không được chiêm ngưỡng những sản phẩm văn hóa mà cha ông đã tốn bao công sức xây dựng nên.

Ở Tùng Luật hiện đang tồn tại một ngôi miếu được xây cất từ thời nhà Hồ (cách đây khoảng 600 năm) để thờ một vị tướng có công dẹp giặc. Theo truyền tụng, miếu có tên gọi là miếu Đồn. Miếu được đặt ở địa thế cao, như một đài quan sát án ngữ được bến đò Lụy ở làng Cổ Trai, rất thuận lợi cho việc theo dõi và bố trí lực lượng đánh giặc. Từ miếu Đồn thờ vị tướng rất thiêng này mà quân ta phục kích đánh giặc Pháp trăm trận trăm thắng. Quân địch khi tấn công vào làng Tùng Luật đều nơm nớp lo sợ vì nghe những câu chuyện về miếu thiêng đó.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, miếu Đồn là địa chỉ của Chi bộ Đảng đầu tiên ở Tùng Luật nhóm họp để triển khai phương án lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Pháp. Thời gian và chiến tranh đã làm cho ngôi miếu cổ này bị hư hỏng, xuống cấp, nét chữ Hán khắc trên bia miếu nhạt mòn theo mưa nắng.

Tại một khu đất bằng phẳng ở Tùng Luật có mộ âm hồn của người xưa đắp bằng đất, là nơi yên nghỉ của những người sống vô gia cư, chết đường chết chợ, không có tên tuổi, quê quán. Các thế hệ giữ gìn phần mộ âm hồn để giáo dục, nhắc nhở con cháu rằng: có bát ăn bát để hôm nay hãy nhớ đến thời cực khổ, cơ hàn mà biết bao người đói khát, tha phương cầu thực, khi nhắm mắt xuôi tay không có nén nhang của người thân ngày giỗ chạp. Hàng năm, vào ngày tết nguyên đán, rằm tháng Bảy “xá tội vong nhân”, nhân dân trong làng đến thắp hương, dâng lễ vật tại mộ âm hồn, cầu mong cho những kiếp người xấu số, linh hồn phiêu bạt được ấm áp, không bơ vơ ở chốn hồng trần. Đó là nét đẹp mang tính nhân văn của con người xứ sở này được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phong tục mang ý nghĩa tâm linh ấy trở thành nét đẹp của cư dân ở đây.

Người Tùng Luật từ thuở lập làng chỉ quen nghề chài lưới. Rào Thanh – tên gọi của con sông Bến Hải thuở xa xưa đã chắp cánh cho những cánh buồm của ngư dân từ bến cá làng Tùng sớm hôm vào lộng ra khơi. Thời chưa có chiến tranh leo thang của giặc Mỹ, ai đến vùng quê rợp bóng dừa này cũng ra đi không đặng bởi sự níu kéo thiết tha, trữ tình của điệu hò giã gạo, mái đẩy, mái nhì trầm bổng, ngân nga. Rồi những câu hò đối đáp giao duyên những đêm trăng sáng, lay động cả một vùng sông nước mênh mang:

Em đưa đò sao vắng anh qua

Hay là anh trở việc nhà chuyện chi?

 

Thấy em giữa chốn đò đông

Ngại ngùng quan khách nên lòng giả lơ

Và Tùng Luật còn là chiếc nôi của những điệu hò Chèo Cạn khiến cho già trẻ, gái trai gần xa lặn lội tìm về. Ở nam Trung bộ có hò Ba Trạo thì Tùng Luật có hò Chèo Cạn. Đây là những điệu hò chỉ sinh ra ở miền quê sông nước mà con người quanh năm suốt tháng gắn liền với mái chèo dọc ngang trên sóng cả Đại dương. Âm hưởng của hò Chèo Cạn làng Tùng mang ý chí sức mạnh của ngư dân, có tiếng mái chèo xé nước lúc ào ạt, lúc khoan thai, ẩn chứa nỗi khao khát chinh phục những con sóng bạc đầu để mang về niềm vui thắng lợi… Điệu hò còn nghe phảng phất âm hưởng của giai điệu đưa linh nao nao lòng người…Hò Chèo Cạn làng Tùng  là nét đặc trưng của lễ hội cầu ngư, cầu yên, cầu tài, cầu lộc vào Rằm tháng Hai âm lịch hàng năm làm cho cả Tổng, cả Phủ rạo rực. Thời xa xưa chưa có phim ảnh, chuyện văn nghệ, văn công hiếm hoi nên ở đâu có tổ chức trò vui như chạy cù, hát bội, hô bài chòi, đánh cờ oi, cờ tướng là những người yêu thích dù ở xa cũng băng đồng chỉ sá, lặn lội tìm đến xem cho bằng được. Khi đến kỳ lễ hội của làng Tùng, nhân dân tứ xứ tụ hội nườm nượp. Ban đêm, từng đoàn người đốt đuốc sáng trưng từ các xã phía tây của Phủ Vĩnh Linh hăm hở kéo đến làng Tùng. Đây là lễ hội lớn nhất của làng, con cháu đi xa đều phải nhớ về nguồn cội. Vì thế, Tùng Luật mới có câu ca nhắc nhở con dân của làng:

Dù ai xuôi ngược Bắc - Nam

Nhớ Làng lễ hội ngày rằm, tháng Hai

Hỏi về nguồn gốc và thời gian sinh ra hò Chèo Cạn thì không ai biết được. Kể cả những người cao tuổi trong làng cũng nói rằng: Hồi nhỏ đi xem lễ hội của làng thì đã nghe điệu hò này rồi. Ai chưa được thưởng thức những điệu hò chẳng thua kém những làn điệu dân ca lừng danh của vùng quê Quan họ Bắc Ninh ở xứ Kinh Bắc hay hò Ba Trạo ở các làng chài ven biển Nam Trung bộ, hãy về với làng Tùng vào mùa lễ hội, hay trong những ngày Tết nguyên đán. Có lẽ nét độc đáo riêng có của vùng đất đã tạo ra những giá trị văn hóa mà nhiều miền quê khác không có, đã sinh ra cụ Tú họ Hồ, nghệ nhân Nguyễn Hữu Bá là thầy dạy đàn hát cho các nghệ nhân lớp sau như Trần Dỏ, Ba Mè, Nguyễn Như Giảng, Trần Bân, Võ Văn Cháu, Nguyễn Hữu Bính, Lê Nẫm, Lê Nãi, Ái Chủng…Ngoài ra, Làng Tùng Luật còn có Nghệ nhân điêu khắc Hồ Ngọc Du, Nghệ nhân hội họa Hồ Ngọc Ngoãn. Vùng đất đậm chất văn hóa Tùng Luật đã kế tiếp sinh ra những trai tài, gái sắc hát hay, đàn giỏi, cống hiến cho đất nước những tài hoa nghệ thuật: Nghệ sỹ nhân dân là Châu Loan, Lệ Thi, nghệ sỹ ưu tú là Kim Quý, Kim Phú cùng hàng chục ca sỹ, nhạc công tài danh thuộc mọi lứa tuổi đang công tác tại nhiều nơi trong nước.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra khốc liệt. Ngót hai mươi năm đôi bờ cách trở, mảnh đất này đối diện với xã Trung Giang, thuộc huyện Gio Linh ở bờ Nam, mà dòng sông Bến Hải là lằn ranh chiến tuyến. Cả làng Tùng ngút ngàn bom đạn. Bến đò Tùng Luật không còn là bến đợi của những năm tháng thanh bình: Vợ đón chồng về với khoang thuyền đầy cá trong ngọn nồm tươi rói thịt da. Đâu còn cái cảnh đôi bờ thơ mộng để cho những mối tình trai gái hẹn ước trăm năm từng đi vào câu ca mà nhiều thế hệ truyền lại:

Giếng làng Tùng vừa trong vừa mát

Đường Cát Sơn, cát mịn dễ đi

Đưa tay bứt ngọn từ bi

Để trai Cát Sơn, Thủy Bạn lấy được nữ nhi làng Tùng…

Đâu còn những tháng ngày thuyền bè xuôi ngược, qua lại nhộn nhịp bên nớ bên ni, để cho:

Gánh mít chợ Do, gánh dưa chợ Bạn

Chung một chuyến đò, qua bán, về buôn…

 Bến cá làng Tùng – trở thành bến đò B đi vào chiến trận. Những ngư dân hiền lành chất phác từng bám biển nắng mưa và say mê những câu dân ca miền quê sông nước đành phải rời xa vàng lưới săn bủa đàn cá trong lộng, ngoài khơi, mà tay chèo, tay súng chiến đấu với quân thù. Đêm đêm, từ bến đò sinh tử này, những chiến thuyền lặng lẽ đưa bộ đội, vận chuyển súng đạn vào Nam, tiếp tế hàng ra đảo Cồn Cỏ, đưa thương binh trở ra vùng hậu cứ miền Bắc. Bến đò B Tùng Luật đã đi vào lịch sử anh hùng của Vĩnh Linh tuyến lửa, được nhà nước xếp hạng di tích chiến thắng, di tích văn hóa cấp Quốc gia.

Dân gian có câu rằng:

   Cây có cội mới nảy cành xanh ngọn

   Nước có nguồn mới bể rộng, sông sâu.

Gốc rễ của làng cổ Tùng Luật đã để lại cho các thế hệ con cháu niềm tự hào, biết ơn và ngưỡng mộ các bậc tiền nhân. Con em của làng dù đi đâu, ở đâu vẫn giữ được nét đẹp cốt cách văn hóa người làng Tùng. Gia phong mỗi nhà, nếp sống hòa đồng của các dòng họ trong làng đều được giữ gìn và bồi đắp theo thời gian. Thế hệ sau noi gương thế hệ trước, trên kính dưới nhường, đó là cách sống, nếp nghĩ của con người Tùng Luật xưa và nay. Ở huyện Vĩnh Linh, làng Tùng Luật hình thành đầu tiên nề nếp: “ Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Nề nếp ấy mở đầu cho phong trào toàn huyện. Trong cơ chế thị trường lắm chuyện xô bồ, ngang trái, thật giả lẫn lộn, nhiều quy tắc bị đổ vỡ,  nhiều thuần phong mỹ tục bị lu mờ nhưng làng vẫn giữ được nét đẹp từng được vun đắp từ xa xưa quả là đáng trân trọng biết bao!

Nét đẹp truyền thống văn hóa của làng Tùng Luật đã tạo cho con người sống tốt hơn, biết chăm lo xây dựng kinh tế, nâng cao đời sống vật chất. Ở Tùng Luật, chuyện đói nghèo đã lùi vào quá khứ. Nhà ở được quy hoạch ngay hàng thẳng lối. 100% nhà dân được xây kiên cố và lợp ngói. Các thiết chế văn hóa được xây dựng đúng tiêu chuẩn và dẫn đầu toàn huyện. Nhân dân quan tâm đến nhau, có trách nhiệm động viên nhau phát triển kinh tế gia đình. Các ngành nghề, dịch vụ được mở ra, vừa tiêu thụ tại chỗ, vừa bán cho khách. Nói là nông thôn nhưng làng quê này không giống nông thôn thuần nông hay thuần ngư khác. Từ nghề cá, chăn nuôi, trồng tiêu, làm nước mắm đến dịch vụ bách hóa phong phú đều hiển diện ở đây. Đi vào làng, người ta cứ ngỡ đi vào thị trấn. Đường sá được bê tông hóa, bờ rào cây xanh được cắt tỉa thẳng tắp, đẹp như tranh. Tùng Luật cũng là đơn vị đi đầu làm đường giao thông bê tông nông thôn ở huyện Vĩnh Linh. Nói đến làng xanh-sạch-đẹp là nói đến Tùng Luật. Nói đến cuộc sống nhân dân ổn định cũng là Tùng Luật. Nói đến đi đầu xóa đói giảm nghèo cũng không nơi nào khác ngoài Tùng Luật. Một làng mẫu mực toàn diện mà huyện, tỉnh đã chọn để xây dựng điểm làng văn hóa quả thật đáng tự hào. Con em của làng ở khắp nơi rất phấn khởi, cùng tự nguyện đóng góp khả năng của mình để để giữ vững nét đẹp truyền thống của các thế hệ xây đắp. Tiếng thơm của làng như hương lan tỏa, làm cho mọi miền quê khác phải suy nghĩ, ngưỡng mộ. Điều không nói ra, nhiều làng ở huyện Vĩnh Linh sau khi tìm hiểu về làng Tùng Luật đã có những chuyển biến nhanh chóng trong cách điều hành, chỉ đạo cộng đồng dân cư xây dựng nét đẹp văn hóa trong cuộc sống nông thôn mới.

Chính vì có bề dày truyền thống văn hóa nên tháng 10 năm 1996, Quảng Trị đã chọn làng Tùng Luật là đơn vị điểm xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa để rút kinh nghiệm nhân rộng toàn tỉnh.  Chưa đầy một năm sau, ngày 19 tháng 5 năm 1997, Tùng Luật được tỉnh Quảng Trị công nhận làng văn hóa mẫu mực, Bộ văn hóa Thông tin tặng bằng khen, phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cùng nhiều cơ quan cấp Bộ đã về thăm. Vùng quê này để lại ấn tượng đẹp cho các vị lãnh đạo tỉnh, Trung ương cũng như khách bạn nhiều nơi khi đến tham quan, học tập. Từ đó đến nay, Tùng Luật đã được tỉnh công nhận làng văn hóa, gia đình văn hóa theo niên hạn.

Làng văn hóa Tùng Luật là khát vọng của nhiều làng quê không chỉ ở huyện Vĩnh Linh. Vẻ đẹp bên ngoài và cốt cách riêng bên trong của vùng đất cũng như con người ở đây không lẫn với những vùng quê đôi bên bờ sông Bến Hải. Những nét văn hóa truyền thống  xưa của làng không những không bị mai một mà ngày càng được khơi dậy để bảo tồn và gìn giữ cho đời sau. Ai đến đây một lần chắc hẳn sẽ có những cảm xúc và ấn tượng tốt đẹp về một làng văn hóa cổ ven sông…

Vẫn âm vang mãi câu ca xưa về vùng đất và tình cảm con người ở xứ sở này trong niềm vui đất nước hòa bình thống nhất. Dòng Bến Hải như một nét khăn xanh nối đôi bờ thương nhớ, nâng cánh cho những câu ca ngân vang:

 Bến làng Tùng bến vàng bến bạc

Sông Cửa Tùng vừa mát vừa trong

Người tình ở bên kia sông

   Không đò anh cũng băng đồng vượt sang…

                                                            L.N.H 

 

Lê Nguyên Hồng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 217 tháng 10/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground