M |
ột câu nói, từ xưa đến nay, ai cũng đã nghe, tưởng như đã nhàm chán: “Lão lai tài tận”. Khi đã lên lão, mọi tài năng đều cạn. Lại có câu: “Tuổi già cơm bưng nước rót”. Khi đã già thì không làm được gì, không phải làm gì, chỉ trông cậy vào sự chăm sóc của con cháu.
Những người già trong hội Người cao tuổi (NCT) thị xã Quảng Trị không chấp nhận những quan niệm xưa cũ ấy. Bên ấm trà, ly rượu, trong các cuộc họp, họ nói với nhau như đã từng nói với nhau trong thời chiến tranh cứu nước: “Phải chiến đấu tới giọt máu cuối cùng”. Ngày ấy chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Bây giờ chiến đấu chống đói nghèo. Càng lăn lộn họ càng thấy, mặt trận chống đói nghèo cũng cam go, gian khổ, quyết liệt không kém mặt trận chống giặc ngoại xâm, phải dùng lực, dùng trí, quyết tâm cao độ, dũng cảm cao độ, mới có thể thành công.
Một câu hỏi luôn ám ảnh tuổi già: Vì sao hơn mười năm bao cấp, lại một thời gian dài đất nước đổi mới, mở cửa, hội nhập, mà không ít gia đình, trong đó có khá nhiều gia đình cựu chiến binh, người cao tuổi, lại thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo? Ăn buổi mai lại chạy vạy lo toan buổi tối, giật gấu vá vai, không cất đầu lên được, đúng như câu hát “Gánh cực mà đổ lên non, co chân mà chạy, cực còn chạy theo”? Có phải chăng họ lười biếng? Không! Họ đã làm tất cả những gì một thời họ có thể làm được: Quây vườn nuôi gà, kiếm được đôi ba đồng, một trận dịch, hết vốn. Đào ao thả cá, nuôi nửa năm, cá chỉ bằng cán cuốc. Một trận lụt về, hồ ngập, cá theo dòng trôi ra biển. Lấp ao trồng rau nuôi lợn, có đồng lời cũng chỉ đủ nộp học phí cho con…
Một dịp may, các cụ đọc bài báo “Tết này có gì mới” của bác Trần Qúy Hải (78 tuổi, khu phố 7, phường 3, Đông Hà) đăng trên báo Quảng Trị. Bác Hải kể rằng: Tết Qúy Mùi 1967, Bác cùng anh em trong đoàn cán bộ miền Nam ra Bắc đang chữa bệnh và học tập tại K15 Giảng Võ, bất ngờ được Bác Hồ đến thăm. Trong lần gặp mặt đầy xúc động ấy, Bác Hồ hỏi: tết này có gì mới? Một đồng chí nhanh miệng trả lời: “Thưa bác, năm nay có cái mới là được Bác đến thăm”. Bác không cười mà nói: “Chú nói theo kiểu ngoại giao. Cái mới phải tìm trong công việc của mình.” Câu nói giản dị ấy làm cho tâm và trí của các cụ già trong hội NCT thị xã Quảng Trị bừng sáng. Đúng rồi! Sự lăn lộn bao nhiêu năm nay của họ cũng theo cách “ Xưa bày nay làm”, cách nuôi trồng không khác gì ngàn năm trước. Phải tìm ra cái mới trong những công việc đó. Mới trong cách làm, cách tổ chức thực hiện. Đặc biệt phải mới trong kỹ thuật nuôi trồng.
Trước hết là vấn đề vốn. Có bột mới gột nên hồ, vậy mà các cụ đều nghèo, gần như tay trắng. Cụ Hội trưởng Lê Văn Phu tìm tới Uỷ ban y tế Hà Lan – Việt Nam nhờ giúp đỡ và vay được 178 triệu đồng, không lãi, không hạn chế thời gian. Hội trưởng cho các cụ có dự án khả thi vay lại. Nhiều cụ vay thêm vốn từ ngân hàng người nghèo, mạnh dạn thế chấp nhà đất, vay vốn ngân hàng.
Có vốn, dựa vào khả năng và sở thích của mình, mỗi cụ tự chọn cho mình một công việc, mở trang trại nhỏ gia đình. Cụ Lê Văn Quỳnh trồng nấm. Cụ Hà Thị Lự nuôi gà. Bà Nguyễn Thị Hoa trồng và kinh doanh cây cảnh, phục chế nhà rường… Đến nay, người nào cũng thu được thắng lợi đáng tự hào.
Bắt tay vào công việc trồng nấm theo cách mới, cụ Quỳnh đã 86 tuổi. Không ngại tuổi cao, sức yếu, cụ ra trạm khuyến nông tỉnh, ra viện Khoa học Nông nghiệp Trung Ương xin tài liệu kỹ thuật trồng nấm, tìm tài liệu ở báo chí, ở mạng Internet, về nghiên cứu kỹ, vậy mà những lần trồng ban đầu chỉ dừng lại ở mức độ lấy công làm lãi. Trăm hay không bằng tay quen. Cụ biết mình chưa quen công việc, còn những bí quyết gì đó chưa hiểu. Khăn gói lên đường. Cụ ra Hà Tĩnh, Thái Bình, Vĩnh Phú, vào Đà Nẵng, Đồng Nai, đến tận những cơ sở trồng nấm thành công, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, để học hỏi kinh nghiệm thực tế. Nhờ vậy, công việc sản xuất nấm của cụ ngày càng có hiệu quả. Từ nấm rơm, mộc nhĩ, cụ đã cấy trồng thành công nấm bào ngư, nấm linh chi. Đầu tháng 7 này (2012) tôi đến thăm nhà cụ, ngôi nhà cấp bốn xưa nay đã là nhà tầng đầy đủ tiện nghi cấp trung lưu. Chỉ vào ngôi nhà, cụ cười: Nấm đấy!
Cụ bà Nguyễn Thị Hoa đã được nhà báo Minh Tứ viết một bài báo cảm động về thời kỳ còn trẻ, thời kỳ tham gia đánh giặc cứu nước. Bấy giờ cô Hoa là du kích, là phó bí thư đoàn huyện Hải Lăng. Trong một trận đánh giặc chống càn, cô bị thương, bị địch bắt. Dù bị tra tấn dã man, cô vẫn không khuất phục. Năm 1972, trước khi trao trả cô cho Cách mạng, cô bị địch cưa mất một chân, với lời thách đố: Để xem, với cái chân cụt, mày còn đi theo Việt cộng được nữa không?
Không chỉ những năm tháng sau đó, cô vẫn là Việt cộng, mà đến nay, khi đã nghỉ hưu, tuổi đã cao, cụ bà Nguyễn Thị Hoa vẫn chiến đấu tốt để chống đói nghèo. Vì phải đi trên chân gỗ, không làm được việc nặng, cụ chọn nghề ươm trồng cây cảnh. Đó là nghề mang tính nghệ thuật cao, phải có tâm huyết, cần cù nhẫn nại, lòng mê say. Cũng như cụ Quỳnh, cụ bà Nguyễn Thị Hoa đã tìm tòi mọi nguồn tài liệu, học hỏi những người ở nhiều nơi trên đất nước đã làm nghề này thành công, phát huy mọi sự giúp đỡ và hiểu biết của chồng con, của đồng đội, cuối cùng mảnh vườn của bà đã trở thành vườn cây cảnh thu hút sự chú ý của khách hàng khắp mọi miền. Cụ đã thu lãi 500 triệu đồng. Có vốn khá, cụ vay thêm ngân hàng, quỹ hội NCT, mở xưởng phục chế và sản xuất mới nhà rường. Nhà rường phục chế đầu tiên, mua 22 triệu, bán 180 triệu. Hai nhà rường sản xuất mới đầu tiên, một cái bán được 850 triệu, một cái 1,5 tỷ. Thành công từ công việc, lãi cao, các con đã trưởng thành, cụ chuyển xưởng cho con tiếp tục phát huy sản xuất. Riêng cụ, với đôi chân tập tểnh, đi nghiêng về một phía, vẫn mở một nhà hàng ăn uống bên bờ kênh Thạch Hãn, cạnh cầu Trắng. Khách vào ra vẫn đông. Cụ vừa tiếp chuyện với tôi, tay vẫn thoăn thoắt thái hành, dập tỏi, chế biến món ăn cho khách. Trên khuôn mặt tuổi già lấm tấm mồ hôi, đôi mắt vẫn rạng ngời vui vẻ. Cụ cười: “ Vẫn mong có một sự tình cờ nào đó, những thằng lính ngụy cưa chân tôi vào quán ăn. Không để trả thù, chỉ nói với chúng một câu: Với cái chân cụt, bà già này vẫn là Việt cộng”
Cụ bà Hà Thị Lự, ở khu phố 4, phường 3, năm nay đã 65 tuổi. Sau khi nắm vững kỹ thuật, cụ quyết định nuôi ếch. Tận dụng vườn nhà, cụ xây 29 ô bể và 17 lồng lưới, nuôi ếch thịt và ếch sinh sản. Từ năm 2008 đến nay, trung bình mỗi năm thu gần ba tấn ếch thịt, tự túc được con giống và bán ra thị trường khoảng 3,4 vạn con giống. Tạo được việc làm cho 5 nhân khẩu trong gia đình và bốn lao động thuê mướn. Mỗi năm thu lãi ròng từ trang trại gia đình khoảng 60 triệu đồng.
Với những người nuôi ếch lần đầu trong và ngoài tỉnh, cụ Hà Thị Lự bán vốn con giống, để ra hàng giờ thân mật truyền đạt kinh nghiệm nuôi, phòng chống bệnh, xây dựng ao, lồng, bảo quản thức ăn… Cụ nói: “ Bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng công ty, để rồi lỗ vốn hàng chục, hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn tỷ, cũng không bằng bà bán trứng vịt lộn, mỗi ngày thu lãi vài chục ngàn. Nhưng mà cũng không nên hài lòng với buôn thúng bán mẹt. Dù sản xuất kinh doanh nhỏ hay lớn, phải làm như Bác Hồ dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi lên Điện Biên Phủ: “Đánh chắc, thắng chắc, chắc thắng mới đánh”. Người bà gầy, sức đã yếu hơn trước nhiều, vậy mà bà vẫn sôi nổi: “Tôi sẽ xây thêm ao, lồng, phủ kín 700m2 đất vườn và có thể sẽ liên doanh với một số gia đình để phát triển kinh doanh. Ai muốn nuôi ếch, tôi sẽ giúp đỡ tới tận cùng, đến khi họ nuôi thành công mới thôi”.
Cụ Lê Văn Quỳnh đã mở 70 lớp miễn phí, tổng số 2142 học viên để chuyển giao công nghệ trồng nấm. Nhiều người trong số họ nay đã có trang trại bề thế, làm ăn có hiệu quả.
Cụ Nguyễn Thị Hoa nói: “Tôi phục chế và sản xuất mới nhà rường, không chỉ để thu lãi, trước hết là mong muốn góp phần lưu giữ một nét văn hóa kiến trúc của dân tộc. Cụ bỏ ra hơn một chục năm chăm sóc cây đa, mong được tặng khu lưu niệm Thành Cổ, góp thêm bóng mát cho hương hồn các liệt sĩ ở nơi đây.
Trên đây chỉ là một số cụ ông, cụ bà điển hình trong số những NCT làm kinh tế giỏi của hội NCT thị xã Quảng Trị. Điều đáng ghi nhận không chỉ là số lãi ròng các cụ thu được mỗi năm; những giấy khen, bằng khen của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, Hội NCT Trung Ương tặng nhờ thành tích lao động giỏi; những lần đi dự Đại hội khu vực và Trung Ương để tổng kết, trao đổi kinh nghiệm; mà trước hết là sự đổi mới hoàn toàn trong phương pháp sản xuất kinh doanh, là tư tưởng lớn vì cộng đồng, quyết góp sức tuổi già vào sự tiến bộ xã hội.
Nhận xét về NCT thị xã Quảng Trị làm kinh tế, ông Lê Đức Nồng Chủ Tịch hội NCT tỉnh Quảng Trị nói: “Hội NCT thị xã Quảng Trị xứng đáng được Trung ương Hội tặng bằng khen về thành tích toàn diện nhiệm kỳ 2005 – 2010. Nhiệm kỳ 2011 – 2014 chưa tổng kết, nhưng với sự hoạt động chắc chắn, hiệu quả, đặc biệt là thành tích sản xuất kinh doanh, nhất định lại là một trong những đơn vị tiên tiến dẫn đầu. Sự hoạt động hiệu quả, thiết thực của hội, đã thu hút được 100% NCT thị xã tình nguyện gia nhập hội. Con số này nói lên được nhiều điều ý nghĩa”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cán bộ dự án, phụ trách các hoạt động liên quan đến NCT của Uỷ ban y tế Hà Lan – Việt Nam nói: “Số vốn chúng tôi cho các cụ trong hội NCT thị xã Quảng Trị vay, so với nhu cầu sản xuất của các cụ, chưa nhiều, chỉ tạo thêm cơ hội nhưng khá kỳ vọng. Các cụ có trách nhiệm, đã nói là làm, tận tâm với công việc.”
Trong một lần gặp khá đông đủ các cụ NCT ở đây, tôi hỏi: Để đi tới thành công như hôm nay, kinh nghiệm nào là lớn nhất. Các cụ đều trả lời thống nhất rằng: Khó mà nói được kinh nghiệm nào là lớn, là quan trọng, kinh nghiệm nào là bé là không quan trọng, vì chỉ bỏ qua một vấn đề gì đó về kỹ thuật, về phương pháp nuôi trồng, có thể sẽ thất bại nặng. Nhưng có một kinh-nghiệm-cuộc-đời lớn nhất: Nghiên cứu kỹ, học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy là mọi việc lớn nhỏ đều thành công.
L.V.T