M |
ình khi được đến Mai Châu. Và tôi đồ rằng, mỗi một ai trong chúng ta khi được lên xe làm một tua du lịch lên Tây Bắc đến huyện lỵ Mai Châu, chắc chắn mỗi một câu thơ trong bài thơ “Tây tiến” của nhà thơ Quang Dũng sẽ lay thức chúng ta bất cứ lúc nào. Nhất là khi xe vượt đèo Toòng Đậu để đổ dốc Thung Khe. Thấp thoáng ẩn hiện trong sương khói, dưới thung sâu giữa non ngàn bóng những dãy nhà sàn, mùi cơm nếp ngào ngạt hương khi qua mỗi bản làng, thì “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” sẽ bật lên, lay thức.
Anh Hà Đức Nam, Phó Chủ tịch thường trực và bé Liên Hội nhà Báo tỉnh Hòa Bình đón chúng tôi tại trung tâm thành phố khi trời đã về chiều. Xe tiếp tục xuất phát, đưa chúng tôi xa dần thành phố, qua dốc Cun, một địa danh lịch sử thời chống Pháp. Ở cụm di tích này, chúng tôi được biết có tượng đài ghi dấu chiến công diệt xe tăng địch của anh hùng Cù Chính Lan. Chiến công của anh được gắn liền với chiến thắng oanh liệt của quân dân ta trong chiến dịch Hòa Bình 1951-1952.
Sau khi vượt dốc Cun, gần một giờ đồng hồ chạy ngoằn ngoèo ven núi đá trắng, xe dừng trên đỉnh đèo Toòng Đậu, chúng tôi được thưởng thức những bắp ngô núi luộc ngay tại các quán tre ven đường nóng hôi hổi, ngọt lừ. Xe tiếp tục đổ dốc Thung Khe để vào Mai Châu. Huyện lỵ Mai châu hiện ra xinh đẹp và bình yên như một bức tranh lụa.Từ lên cao nhìn xuống, chúng tôi được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang, những nếp nhà sàn đều tăm tắp nằm cheo leo trên sườn núi sương mờ như xếp hàng chào đón khách. Tất cả được bao bọc bởi những dãy núi cao vút, có thêm chút khói, chút mây,hai bên là cánh đồng vẫn còn thơm mùi lúa mới và xa xa đâu đó tôi đã nghe thấy tiếng khèn như lời mời chào du khách đến với nơi này.
Có cán bộ quản lý báo chí là người “thổ địa” trên xe nên chúng tôi vừa chiêm ngưỡng thiên nhiên vừa được biết thêm lịch sử một vùng đất. Thị trấn Mai Châu là huyện miền núi nằm phía tây của tỉnh Hòa Bình, giáp với Sơn La, Thanh Hoávà các huyện Đà Bắc, Tân Lạc. Năm 1886, Mai Châu vốn là một trong năm châu của phủ Chợ Bờ khi thành lập tỉnh Mường, tiền thân của tỉnh Hòa Bình. Đến năm 1892, Mai Châu là một trong năm châu của Hòa Bình. Trong kháng chiến chống Pháp, từ 4/11/1949, khu vực này là phần phía nam sông Đà của huyện Mai Đà, thuộc Liên khu Việt Bắc. Đến 9/8/1950 mới nhập vào Liên khu 3. Rồi anh nói tiếp, Mai Châu được biết đến là điểm du lịch văn hoá, sinh thái hấp dẫn của tỉnh Hòa Binh. Với độ cao từ 200-1.500m so với mực nước biển, đã đem lại cho Mai Châu khí hậu mát mẻ, trong lành quanh năm. Con người Mai Châu có tấm lòng chân thật, đôn hậu. Họ làm "du lịch" với tất cả những gì vốn có, giới thiệu với du khách nét đẹp của bản mường qua nhiều nét đẹp văn hóa bản địa độc đáo.
Địa điểm tập kết của chúng tôi là bản Lác của Mai Châu, một địa chỉ du lịch trong chuyến hành trình của chúng tôi. Lúc chúng tôi có mặt tại bản Lác thì trời đãsẩm tối. Đoàn vào nghỉtạimột ngôi nhà sàn theo lối kiến trúc truyền thống của người Thái ở ngay đầu bản. Chị chủ nhà đón tiếp chúng tôi với nụ cười thân thiện và nồng hậu. Chúng tôi được tắm rửa ở những nhà tắm xây sạch sẽ, thơm tho như ở trong khách sạn. Và cả đoàn được chủ nhà trải chiếu hoa mời ngồi, rồi bày ra giữa chiếu một vò rượu cần bằng nếp cẩm. Còn bà chủ nổi lửa đồ xôi trong cái chõ cao lênh khênh của người Thái. Bữa cơm tối dọn ra có rượu, có bánh, nếp xôi, măng nướng, thịt heo nướng, gà gói lá dong, cá suối hấp, ốc núi đá,bát canh rau cải cùng chai rượu Mai Hạ…đã được chủ nhà sắp xếp ngon lành để tiếp khách. Khi vào bữa, chủ nhà không quên mời khách một ly gọi là cảm ơn. Chúng tôi trầm trồ trước mỗi thức món.
Thấy chị chủ nhà tất bật, tôi hỏi thì được chị cho biết, chị đang chuẩn bị đạo cụ cho đội văn nghệ xóm biểu diễn. Hiện tại, bản Lác có sáu đội văn nghệ phục vụ khách. Một đội do Đoàn thanh niên thành lập, còn lại trong bản tự lập ra để phục vụ khách. Mỗi đội văn nghệ có 15-16 người. Bây giờ ở bản có gần một trăm diễn viên hát múa. Họ tự túc mua sắm trang phục đến âm thanh loa máy, trang thiết bị. Ở đây, nếu nhà nào có khách, chỉ cần đánh một hồi kẻng theo quy định của bản, thì khoảng một lúc sau đội văn nghệ sẽ tự động tập trung tới biểu diễn. Đêm nào bản đông khách, các đội văn nghệ diễn từ ba đến bốn suất diễn, có thể diễn cả buổi sáng và buổi chiều tuỳ theo yêu cầu của khách. Đúng như lời chị nói, sau bữa cơm tối một lúc, diễn viên của đội văn nghệ tập trung đến trong trang phục Thái, Mèo rực rỡ, đủ màu sắc. Chúng tôi được đắm mình trong men rượu cần và thưởng thức những tiết mục múa xòe, khèn Mèo, nhảy sạp,được hòa mình trong tiếng hát, tiếng khèn gọi bạn âm vang rừng núi, và những bản nhạc đặc sắc ngay trên nhà sàn do thanh niên nam nữ trong bản biểu diễn. Xem biểu diễn văn nghệ cùng chúng tôi có các anh, các chị trong Đoàn khách của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch do anh Thanh Phó Cục trưởng làm trưởng đoàn. Các anh, chị đang có một chuyến công tác tập huấn “Chương trình Du lịch an toàn, chống lạm dụng tình dục trẻ em…” ở huyện miền núi này nên càng đông vui. Chúng tôi cùng lên sân khấu tham gia nhảy điệu múa sạp và một số tiết mục cùng đội văn nghệ. Cùng say trong tiếng chiêng, tiếng trống. Xong phần biểu diễn văn nghệ, mọi người lại cùng nhau uống rượu cần giã bạn.
Điều thú vị, chúng tôi không biết mình đang ở tại “khách sạn” của chính gia đình trưởng bản vì anh Hà Đức Nam quá kín tiếng. Mãi đến khi xong chương trình văn nghệ, mọi người đi ngủ, tôi mới có thời gian xuống sàn thăm anh chị chủ nhà và tìm hiểu một chút về điều kiện sinh sống của dân bản nơi đây. Anh là Vì Văn Mừng với vợ là Lò Thị Huệ, cặp vợ chồng trẻ chưa qua tuổi bốn mươi này có hai con một trai một gái, họ đều biết cách làm giàu cho mình và cho dân bản. Theo trưởng bản Vì Văn Mừng, bản Lác thuộc xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, có tuổi đời trên 700 năm, với 5 dòng họ Hà, Lò, Vì, Mác, Lộc cùng sinh sống. Trước đây dân bản chỉ sống dựa và nghề trồng lúa nương và dệt thổ cẩm. Sau này, vẻ đẹp tiềm ẩn của bản Lác đã dần được du khách khám phá. Năm 1993, UBND huyện Mai Châu chính thức đề nghị tỉnh Hòa Bình cho phép khách du lịch nghỉ qua đêm trong bản. Cũng từ đó, cái tên bản Lác đã được nhiều người biết như một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Thời điểm phát triển rõ nhất của bản Lác là từ năm 1997 cho đến nay, thời gian ấy, bản Lác bốn mùa nhộn nhịp khách ghé thăm. Cứ người nọ mách người kia, du khách tìm đến bản Lác mỗi ngày một đông. Có những hôm khách ghé thăm nhiều hơn người dân bản. Nhà trong bản không đủ cho khách trọ. Có cung ắt có cầu. Dân bản bảo nhau sửa nhà đón khách, chế biến các món ăn ngon, thành lập đội văn nghệ phục vụ khách tham quan. Từ chỗ chỉ dệt những chiếc khăn, chiếc áo thổ cẩm để mặc, phụ nữ trong bản đã tự làm nhiều đồ lưu niệm bán cho khách như dệt khăn quàng cổ, váy xòe Thái, vải treo tường có trang trí, dây đeo tay và những chiếc ví xinh xắn. Chị em trong đoàn chúng tôi không quên mua những món đồ thổ cẩm lưu niệm như ví xách tay, khăn quàng cổ, áo quần…Không chịu thua kém chị em, đàn ông bản cũng vào cuộc. Họ chế tác nhiều cung, nỏ, mõ trâu, chiêng, tù và sừng trâu, phách gỗ nhịp tre... để làm quà lưu niệm cho khách tham quan. Cứ thế, ngày qua ngày, tư duy làm kinh tế qua dịch vụ du lịch đã hình thành rõ rệt ở bản này và loại hình du lịch trong chính ngôi nhà của người dân cũng dần được du khách ưa chuộng, đặc biệt là khách quốc tế.
Anh Mừng cho biết, hiện tại Bản Lác có 114 hộ thì có trên 40 hộ làm du lịch ngay tại gia đình. Bình quân thu nhập từ 5-60 triệu/năm. Hộ đói nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn mười phần trăm. Các hộ có kinh tế khá như hộ chị Nga, chị Mai, chị Huệ, anh Phúc, chị Phón, anh Bình… Khách đến tham quan du lịch nhiều nhất là sinh viên Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và cả khách quốc tế. Có ngày có hơn hai ngàn khách. Từ ngày làm du lịch, cuộc sống bà con trong bản đã được nâng lên nhiều. Bản Lác đã xây dựng những cơ sở thiết yếu như các công trình phụ, tôn tạo cảnh quan môi trường, giữ gìn và phát triển các ngành nghề truyền thống; thành lập các đội văn nghệ để biểu diễn, giao lưu và nấu các món ăn dân tộc phục vụ du khách. Nhà anh chị Vì Văn Mừng trở thành điểm du lịch cộng đồng, có dịch vụ nghỉ dưỡng bình dân, bán các loại thổ cẩm, đồ dùng sinh hoạt đậm chất văn hóa Thái. Các sản phẩm khăn quàng cổ, áo thổ cẩm, váy xòe hoa, vải treo tường, dây đeo tay được làm từ bàn tay cô gái Thái tinh tế; lưỡi dao, cây nỏ được rèn rũa, đẽo gọt công phu, tỉ mỉ của những chàng trai người Thái hồn nhiên, mộc mạc từ lâu đã trở thành món quà lưu niệm cho du khách muôn nơi. Có trên một trăm ngôi nhà sàn được thiết kết xây dựng theo một mô típ. Bình quân mỗi nhà sàn xây dựng từ 500 – 600 triệu đồng. Chiều cao cách mặt đất khoảng 1,5m đến hai mét làm bằng những cột gỗ chắc chắn, sàn nhà được lát bằng bương, tre hoặc những tấm ván, nóc nhà lợp lá gồi, lá mây hoặc ngói. Nhà nào cũng có khung cửa sổ thoáng, rộng để đón gió trời. Nhiều nhà còn trưng bày lên những khung cửa những giỏ hoa lan, lồng chim cảnh tạo vẻ sinh động hấp dẫn. Đặc biệt, hầu như nhà nào cũng có một khung cửi để dệt vải, có nhà kê cạnh cửa sổ, có nhà lại để dưới gầm sàn. Từ những chiếc khung cửi đơn sơ này mà những cô gái Thái đã dệt nên những tấm vải thổ cẩm với đủ màu sắc, hoa văn rực rỡ dùng làm khăn, túi, quần áo, chăn, đệm và những món đồ xinh xắn khác để làm hàng lưu niệm cho du khách. Chúng tôi giành nhau mặc bộ váy Thái ngồi vào khung cửi chụp ảnh kỷ niệm. Bao quanh nếp nhà sàn là những hàng cau thẳng tắp và một vài chiếc ao được kè bằng đá, trên mặt ao được tô điểm bằng những bông hoa súng với sắc hồng tím tự nhiên cũng là những điểm nhấn cho vùng quê này. Tôi cứ nghĩ, vào buổi sáng sớm hay chiều muộn, đứng trên đỉnh dốc Thung Khe, Thung Nhuối du khách sẽ được chiêm ngưỡng một phong cảnh thiên nhiên kỳ ảo khi làn khói bếp của những nếp nhà quyện vào làn sương mỏng tan vào không gian.
Trưởng bản Vì Văn Mừng còn cho biết, bản Lác đã xây dựng các nội quy nhằm bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc và thu các khoản lệ phí để nộp thuế và tái đầu tư nâng cấp các loại hình dịch vụ du lịch, đã trở thành điểm du lịch được các tổ chức, cá nhân đến tham quan, học tập. Ngoài thời gian làm du lịch, người dân vẫn tổ chức các hoạt động sản xuất, phát triển các ngành nghề nông nghiệp, cải thiện đời sống. Các bản du lịch không có hiện tượng tượng chèo kéo khách du lịch như ở một số điểm du lịch khác và tình hình an ninh an toàn, cải thiện đáng kể cuộc sống dân bản.
Chúng tôi đi dạo một vòng quanh bản và được cụ ông Hà Văn Đội cho hay, ngày xưa, cụ chuyên lên núi săn thú bằng nỏ và bây giờ, cũng làm nỏ nhưng là để bán cho du khách. Mỗi tháng, cụ Đội làm được 3 bộ tên nỏ, bán từ 400- 500.000 đồng. Món cơm nếp trong ống lam của bản Lác, Mai Châu, do có nước dừa nên thơm ngon vô cùng, giá cũng chỉ 5.000 đồng/ống. Vậy là chúng tôi đã có một đêm, trên sàn nhà bằng nứa, ngồi bên vò rượu cần bằng nếp cẩm, trong tiết trời mưa lắc rắc mà nhâm nhi vị men cay nồng, được ăn cơm lam, thịt nướng, được ngắm nhìn những cặp mắt lúng liếng của các cô gái Thái, được xem múa hát, xem điệu múa khèn được nghe tiếng cồng chiêng quyện với tiếng lá rừng xào xạc… còn gì hơn thế.
Và bản Lác, Mai Châu vào buổi chiều tà, trong ánh hoàng hôn còn vương vãi, đứng ở ngôi nhà sàn phía cuối bản ở vị trí cao nhất, ngắm những làn khói trắng thơm mùi rơm rạ bay lên từ thung lũng, nghe xa xăm vọng tới tiếng mõ bò lóc cóc, thấp thoáng những con bò đủng đỉnh chợt hiện ra, chợt mất đi như một ảo ảnh không bắt kịp trong sương khói như giấu kín trong đó, nguồn gốc và đời sống kỳ bí của những dân tộc sống giữa núi rừng. Có lẽ bản Lác bao lâu rồi vẫn thế, vẫn thật xinh đẹp, bình an với các khu nhà sàn nhỏ nhắn dọc sườn đồi và ruộng lúa xanh biếc, rặng tre già trải một quãng dài nơi chân núi và những con người mến khách, chân thật làm lưu luyến bước chân người đi. Phía xa xa dưới thung sâu, loang loáng bóng nước của lòng sông Mã hiện ra sau những khúc quanh. Những vần thơ trong “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng lại trở về trong tôi, những vần thơ đượm màu kiêu bạc hào hoa: Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi/Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/… Nhớ ôi Tây Tiến Cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.Kìa em xiêm áo tự bao giờ… Tôi đã từng ngủ lại nhà sàn ở những bản làng hẻo lánh xa xôi ở miền núi quê tôi, nhưng chỉ một ngày đêm tại bản Lác ở Mai Châu vùng Tây Bắc này, có cái gì đó thật khó quên khi bốn bề gió lùa, sương giăng trước mặt và vách núi dựng âm u. Cuộn mình trong chiếc chăn thổ cẩm ấm áp, tôi cứ nghĩ lan man về một vùng rừng núi, nơi những người dân bản hiền lành, thật thà làm du lịch giỏi trên một nền tảng văn hóa dân tộc phong phú...
Sáng hôm sau, đoàn rời xa bản làng với những lời chia tay lưu luyến. Chúng tôi dừng xe chụp bức ảnh kỷ niệm cuối cùng tại dốc Thung Khe. Từ đỉnh núi nhìn về Mai Châu mờ xa với cánh đồng lúa, những mái nhà sàn thấp thoáng dưới ánh nắng vàng lung linh làm tôi thực sự bồi hồi khi trở về xuôi. Qua khung kính xe, nhìn ra phía xa hút tầm mắt, tôi lại nhẩm đọc những câu thơ của nhà thơ Quang Dũng Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/Có thấy hồn lau nẻo bến bờ… Mảnh đất của vùng Tây Bắc với những phong tục tập quán, lối sống và con người nơi đây sẽ mãi mãi in đậm trong lòng mỗi chúng tôi.Bấy nhiêu thôi cũng quá đủ để bản Lác, Mai Châu vẫy gọi du khách bốn phương hội tụ về.
N.T.S