Quốc kỳ của mỗi quốc gia luôn mang ý nghĩa đặc biệt và là câu chuyện lịch sử đầy giá trị. Với mỗi người Việt Nam, lá cờ đỏ sao vàng luôn là biểu tượng thiêng liêng, đầy tự hào.
Một dấu ấn không thể nào quên đối với dân tộc Việt Nam đó là ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2 tháng 9 năm 1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phần phật trên lễ đài làm không khí ngày hôm đó càng thêm ý nghĩa, thiêng liêng hơn. Phần nền màu đỏ của quốc kỳ tượng trưng cho dòng máu của các thế hệ cha anh đã ngã xuống, hy sinh cho cách mạng. Ngôi sao vàng năm cánh mang biểu trưng cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, của năm tầng lớp Nhân dân: Sĩ, công, nông, thương, binh đã luôn đồng hành, đoàn kết bên nhau, giành độc lập tự do cho đất nước.
Còn nhớ một lần ra Hà Nội, chúng tôi dậy sớm ra thăm Lăng Bác để tận mắt chứng kiến buổi lễ chào cờ trong sáng sớm trời thủ đô. Vào đúng 6 giờ sáng, khi tiếng nhạc “Tiến quân ca” cất lên, 34 chiến sĩ Tiêu binh Danh dự của Đoàn 275 (Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) thực hiện nghi lễ chào cờ trong không khí trang nghiêm. Khoảnh khắc mệnh lệnh chào cờ cất lên, cả đội hình thực hiện động tác chào uy nghiêm, tổ Hồng kỳ thực hiện động tác tung quốc kỳ lên không trung thật đẹp, mọi ánh mắt đều đổ dồn về lá cờ Tổ quốc đang tung bay trước Lăng Bác, cả quảng trường im phăng phắc, thời gian như ngừng trôi, không gian lắng đọng. Những người dân đi thể dục quanh đó đều nghiêm trang thực hiện lễ chào cờ với niềm tôn kính và hãnh diện. Khách du lịch, bè bạn khắp nơi, những ai đã chứng kiến nghi thức thiêng liêng này đều có cảm giác thật đặc biệt, thật khó quên.
Ảnh: Nông Văn Dân
Hay với người dân Quảng Trị, cứ dịp lễ 30 - 4, được dự lễ Thượng cờ thống nhất non sông tại cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải là một niềm vinh dự, tự hào. Đây là lễ hội được tổ chức thường niên, mang lại nhiều cảm xúc đối với ai có dịp tham dự. Trong không khí hào hùng của ngày lễ thống nhất đất nước, giữa tiếng nhạc Quốc ca hùng tráng, lá cờ Tổ quốc rộng 108 mét được kéo lên từ ngọn kỳ đài bên bờ bắc cầu Hiền Lương tung bay mạnh mẽ trong nắng, gió của đất trời Quảng Trị...
Và hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng luôn hiện diện trên khắp các sân thi đấu thể thao đỉnh cao.Mỗi khi đội tuyển quốc gia có giải đấu, hàng triệu con tim người hâm mộ đều hướng về, cả những người vốn không đam mê bóng đá cũng ngồi trước màn hình để cổ vũ cho đội tuyển của nước nhà.Lá cờ được nâng niu trên tay các vận động viên đến người dân cổ vũ mỗi dịp đội tuyển Việt Nam thi đấu và giành chiến thắng đã luôn để lại ấn tượng đẹp trong mắt bè bạn quốc tế. Gần đây là Sea Games 31, đoàn thể thao Việt Nam chính thức lập kỷ lục đạt 205 huy chương Vàng, nghĩa là chừng ấy lần, quốc kỳ Việt Nam được kéo lên cao, vô cùng hãnh diện, tự hào, làm nức lòng người hâm mộ.
2.
Không biết đã có một nghiên cứu nào cụ thể để xem xét tính cách nổi trội nhất của người Việt Nam chưa. Theo tôi, tính cố kết cộng đồng, tương thân tương ái là một trong những đặc tính đáng tự hào nhất của dân tộc mình. Từ cộng đồng nhỏ như thôn xóm đến lớn hơn như một làng, một huyện, một tỉnh, một vùng miền và rộng hơn là cả dải đất hình như chữ S này.
Là người miền Trung quanh năm đối mặt với thiên tai, chúng tôi vô cùng thấm thía câu “nghĩa đồng chí, tình đồng bào”. Mỗi khi có hoạn nạn như thiên tai, dịch bệnh xảy ra, người dân mọi miền lại cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ. Từng chuyến hàng cứu trợ đồng bào miền Trung chịu lũ lụt nối đuôi nhau tiến vào vùng lũ. Người góp tiền, người góp của, người góp cân gạo, người góp thùng mỳ tôm, chỉ mong cho bà con qua cơn hoạn nạn. Hay đợt dịch Covid bùng nổ, biết bao người tình nguyện tham gia chống dịch, không chỉ là đội ngũ nhân viên y tế, đội ngũ quân đội mà còn những sinh viên, những tình nguyện viên hết sức bình thường, không tên tuổi. Và còn nhiều lắm ở ngoài kia, những tấm lòng thiện nguyện, hành thiện trong thầm lặng vì cộng đồng. Mỗi con người nhỏ bé, bình dị góp phần làm cho đất nước tươi đẹp hơn. Họ cũng chính là những người làm nên màu sắc cho Tổ quốc, tựa như lời thơ của Nguyễn Khoa Điềm:
“Có biết bao người con gái con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”.
Tình yêu quê hương đất nước đôi khi chẳng cần lớn lao to tát gì, chỉ cần mỗi người làm tốt nghĩa vụ trách nhiệm công nhân của mình, biết chia sẻ trước những khó khăn thách thức như thời điểm cả nước gồng mình vượt qua cơn đại dịch, biết chung tay góp sức với cộng đồng. Và đơn giản nhất trong các biểu hiện của lòng yêu nước đó chính là việc nâng niu lá cờ Tổ quốc, xem việc treo cờ Tổ quốc như một nghi lễ không thể thiếu trong mọi dịp lễ, Tết. Cờ Tổ quốc được treo trang trọng trước cổng nhà của mỗi bản làng, thôn xóm, khắp các con hẻm, ngõ phố trên đất nước mình. Ai cũng xem đó là việc làm nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa. Hình ảnh lá cờ tung bay hãnh diện từ hải đảo xa xôi đến đỉnh biên giới, trên những phên dậu của Tổ quốc luôn neo vào lòng người Việt ở bao miền đất nước. Lá cờ đỏ chói phấp phới trên nóc tàu thuyền của những ngư dân Việt vươn khơi bám biển, lá cờ trên các cột mốc biên giới… tất cả đều là dấu mốc khẳng định chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo quê hương.
Lá cờ chẳng biết tự bao giờ như thể là hiện thân của Tổ quốc trong tim mỗi người Việt. Và hơn hết, dù ở bất cứ nơi đâu trên địa cầu này, chỉ cần dấu chân người Việt lưu dấu, ta lại thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong niềm hãnh diện và trở thành biểu tượng cho ý chí độc lập, tự do, khát vọng phát triển đất nước hùng cường!
D.A