Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một phía Sê Pôn

K

hởi thủy từ một đỉnh cao của Trường Sơn, Sê Pôn không để về phía biển Đông như những con sông khác của miền Trung. Con sông không nổi tiếng về sự dài rộng mag quanh co uốn lượn dưới những dãy núi trùng điệp của Trường Sơn Đông, ngược về phía mặt trời lặn, qua xứ sở Chăm – Pa để nhập vào sông Mê Công vĩ đại. Ở một phần đất phía tây Quảng Trị tiếp giáp với Salavan và Savannakhẹt, hai tỉnh nước Lào anh em, dòng chảy của Sê Pôn được chọn làm biên giới hữu nghị của hai quốc gia, vốn có sự gắn bó láng giềng thân thiện và tình cảm “Sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long” bấy lâu nay. Uống nước Sê Pôn, tắm nước Sê Pôn, người dân hai phía con sông biên giới nay vẫn coi mình là con chung của Mẹ Trường Sơn, một tiếng ới gọi bình thường cũng đủ vọng sang bờ bên kia, đủ “bỏ” vào nhau những buồn vui thường nhật. Bờ bên này bờ bên ấy, Sê Pôn đều có những người con của núi, của sông mang họ Hồ như bà con ở  ban  Azơi đớ mà tôi được anh em bộ đội biên phòng dẫn tới thăm, này vậy.

Tôi không biết tiếng Vân Kiều nhưng qua giải thích của đại úy Hùng, cán bộ vận động quân chúng đồn 617 tôi biết được “đớ” có nghĩa là nước. Nước! Chợt lao xao nhớ lại một Sê Pôn phẳng lặng, im ắng trong bóng núi chiều tối mới gặp hôm qua khi cùng thượng úy Phan Xuân Chiến, Trưởng trạm Azơi đi thăm cột mốc R7, R8. Vẫn cứ rưng rưng làm sao hai chữ Việt Nam khắc trên cột mốc xac định chủ quyền lãnh thổ và khi đặt tay vào đó tôi còn cảm nhận được hơi ấm của người lính, người dân biên giới. “Qua tuyên truyền vận động, nhân dân ở đây rất tự giác phối hợp với bộ đội mình bảo vệ đường biên, cột mốc. Sáng nay, một bộ phận thân niên trong xã đến đây cùng với trạm em phát cây, làm cỏ quanh các cột mốc, anh ạ”. Còn văng vẳng trong tôi lời của Phân Xuân Chiến nói.

Nước, lại gợi ra trong tôi hành trình vất vả, nhưng khó dễ về một cuộc di dân, một cách làm ăn mới, vượt qua những phong tục tập quán lâu đời mà tất cả những gì đã lượm hái được, tuy còn ít ỏi, còn khiêm tốn như cách nói của người trong cuộc đều gắn với công lao những người lính mang quân hàm xanh màu lá cây Đồn 617 và một người Vân Kiều tuổi 54 có tên là Hồ Lua.

Vậy đó, sinh ra từ một góc núi âm u của Trường Sơn từ chú bé Hồ Lua đến pả Hồ Lua bây giờ là hai phần ba cuộc đời lăn lóc, vất vã ở chốn rừng thiêng nước độc. Còn sự cơ cực đắng cay, thôi thì “Đứng có hỏi”, là cái kiếp phận như bị “trời đày” của một dân tộc trước năm 1957 vốn không có họ, cứ cúi mặt xuống đất rừng để phát đốt chọc trỉa, da dẻ đã đen lại càng đen nhẽm như tro rẫy bởi nắng, bởi mưa Trường Sơn dữ dội và nghiệt ngã vô chùng. Bảy ngay tuổi chú bé Hồ Lua đã được pỉ dìu lên rẫy. Rẫy mới đốt chiều qua còn nguổn ngang cành cây cháy đen, mùi tro, mùi than bốc lên ngàn ngạt. Pỉ cúi xuống nhặt cây, dọn cành, cả người Lua cũng bị chúi xuống. Mồ hôi mặn khét của pỉ thấm qua làn da bụng còn bấy bói của Lua. Cái rốn của chú bé Lua được cắt bằng cật nứa rừng cách đây bảy ngày đêm còn dấp dính dịch cũng ướt đẫm mồ hôi Pỉ. Thế mà như đã cảm nhận được thân phận mình chú bé thiêm thiếp ngủ yên trên cái lưng nhấp nhô của pỉ. Khi đói sữa mới tỉnh giấc “e…e..” mấy tiếng như con cun chưa mở mắt kêu. Tiếng chim “bắt cô trói cột” từ cánh rừng khộp bên kia sông Sê Pôn vọng sang nghe khắc khoải đơn điệu. Đã từ lâu pỉ không còn được ở bên cái nhà sản của con trai pỉ. Pỉ đã về với cánh rừng ma.  Thế nhưng, mỗi khi nghe tiếng chim “Bắt cô trói cột” vọng về bản, cái bụng của Hồ Lua lại thấy rầu rầu…

Con sông Sê Pôn với sau tháng lành, sáu tháng dữ theo chu kỳ mùa khô, mùa mưa Trường Sơn từng chứng kiến và cũng đã từng tham dự vào những biến cố, đổi thay, thăng trầm của mảnh đất và con người ở đây. Trong cộng đồng các dân tộc mình, Hồ Lua là một thân phận, tuy riêng lẻ những chưa bao giờ vượt khỏi ra tiếng “hú” rừng sâu và giữa những người có ngôn ngữ cội nguồn Môn Khơ-me theo nhánh Bru Vân Kiều ông vừa là cá thể vừa là đồng loại. Ông đã có cô bé sinh ra cùng ngày với mình, cũng được pỉ dìu lên rẫy nhưng vì cái lưng pỉ mỏi nhức qua nên đã treo cái bọc con lên cây và tội nghiệp thay, nó đã không sống được đến ngày thứ tám vì lũ kiến lửa hung dữ. Ông đã là cô Lay chớm tuổi “Sim”, chưa kịp cao bằng chiếc chảy giã gạo đã phải ra nằm ở cánh rừng ma vì trận sốt rét rừng. Ông đã là già Roong, bà Riên bị chết đói bên hố củ mài. Ông mang trên mình sự luẩn quẩn đói nghèo, rách rưới. Của gia đình ông. Giòng họ ông. Dân tộc ông. Trong chiến tranh, vùng đất nay là đất lửa, Đường Chín, Khe Sanh, Nam Lào… là những chiến trường khốc liệt. Người Vân Kiều căm thằng Mỹ mang bom đạn dội xuống mảnh đất ông bà, ghét thằng Mỹ theo chân lũ cú vọ, mũi diều hâu giết người, đốt bản phá nước đã nghe theo Đảng, theo Bác Hồ đánh giặc. Du kích Hồ Lua, dáng người thấp đậm, mặt vuông chữ điền, súng AK47 cần tay thoắt ẩn, thoắt hiện trong những cánh rừng Lìa. Bom đạn. Mặc. Thiếu gạo. Ăn sắn. Thiếu muồi. Ăn tro tranh. Thiếu áo. Cởi trần. Cứ đánh giặc cho ngon là cái bụng miềng vui. Bà con bản miềng vui. Đánh hết thằng Mỹ, thằng ngụy là hết lũ xấu phá cái nương, cái rẫy của miềng. Con ma đất của miềng sẽ được yên ổn. Con cháu miềng  sẽ được có hạt cơm, hột muối đưa vào bụng, có tấm áo để che ngực, che lưng, có cái nhà để trải chiếu mời nhau uống rượu. nghĩ đến như thế bụng đã thấy vui, đã muốn ưng đánh Mỹ, đánh ngụy. Đánh miết. Đến lúc Mỹ cút, ngụy nhào. Đánh miết. Đến khi được giải phong, được hòa bình.

Hòa bình rồi, tưởng mọi việc sẽ dễ dàng, suôn sẻ. Nào ngờ, vẫn còn nhiều cái khó thế, trắc trở thế!

Bản Azơi cũ của Hồ Lua sau cuộc chiến là một khóm cư dân sống hiền hòa nhưng vẫn chưa thoát khỏi sự nghèo đói. Khuất nẻo bên dòng Sê Pôn, cách xa đường chín chừng bốn chục cây số, lẫn giữa bạt ngàn rừng lau, rừng nứa là 334 mái nhà sàn cũ kỷ, rách nát, nui trú ngụ của 150 con người quẩn quanh với cái nương, cái rẫy, đơn điệu với hom sán, hạt lúa nương và công việc phát đốt chọc trỉa vẫn lặp lại như muôn thuở vậy thôi. Chưa ai nghĩ đên việc thoát ra khỏi cái vòng u ám đó. Chưa ai mường tượng ra một điều gì đó mới mẻ hơn, sáng sủa hơn. Bởi đơn giản và ngây thơ như họ nghĩ: Trên đầu miềng là trời, dưới chân miềng là đất. Ông trời và đất cho lũ miềng cái gì thì miềng hưởng cái đó. Cái mưa, cái năng, cái sấm, cái sét là của ông trời. Cái rẫy, cái nương, củ sắn… là của trời đất cho. Cho ít ăn ít. Cho nhiều ăn nhiều. Thiếu lúa, thiếu sắn thì có củ rừng, lá rừng. Củ rừng, lá rừng thì nhiều hung, chẳng lo thiếu.

Cái cách nghĩ ấy và hệ quả của nó là sự cùng cực, đói nghèo có lẽ sẽ triềm, miên tiếp diễn chưa biết đến lúc nào kết thúc nếu như những người lính biên phòng đồn 617 không làm tốt công tác vận động quần chúng. Nhân tiện đây cũng xin được nói rằng: Người lính biên phòng không chỉ làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác, gìn giữ đường biên cột mốc. Nơi heo hút làng bản xa xôi, những người lính mang quân hàm xanh màu lá ấy có lúc còn là thấy gió, thầy thuốc, là “Bao Công” xử kiện, là người hòa giải… tận tâm, công minh. Mọi công việc có tên và không tên qua tay người lính biên phòng chỉ hướng tới một mục đích duy nhất là: Vì dân. Không vụ lợi. Không đòi hỏi đền bù. Không tính toán thiệt hơn. Người lính biên phòng “chốt” được giữa lòng dân biên cương bằng cái tâm, cái đức trong sáng của mình.

Ý tưởng đưa người dân bản Azơi ra khỏi đói nghèo đã được cán bộ, chiến sĩ đồn 617 cụ thể hóa. Đó chính là chương trình vận động, giúp đỡ bà con Azơi dời bản cũ ra định cư ở gần đường cái và thay đổi tập tục canh tác với những cây trồng và vật nuôi mang hàm lượng kinh tế cao. Nghị quyết Đảng ủy ghi như vậy, kế hoạch của chỉ huy ghi như vậy. Nhưng đường đi nước bước ra sao thì phải cân nhắc, tính toán. Vì, một điều nhãn tiền ai cũng thấy rõ việc dời bản, thay đổi cách trồng trọt, chăn nuôi là đụng đến phong tục tập quán lâu đời của nhân dân. Phải nói ra điều hay, cái lợi cho dân nghe. Đúng thế. Nhưng ai nói cho dẫn dễ hiểu, dễ thông thì cần phải tính. Và, người được giao nhiệm vụ phát “sóng ngắn” ấy không phải ai khác mà chính là pả Hồ Lua một người có uy tín ở Azơi.

Hồ Lua nhớ lại: Hồi nớ, tui nghe đồn trưởng Cung và anh em bộ đội biên phòng 617 nói chuyện dời bản ra dường cái để định canh trồng lúa nước, nuôi cá, trồng xoài, trồng tiêu… tui ưng cái bụng lắm. Tui nghĩ bộ đội biên phòng nói phải lắm, có gần ở đường lộ đi lại mới đỡ mắc suối, mắc sông, con cháu đến lớp không còn mỏi cái chân, mai sau nhà nước cho điện thị mắc vô từng nhà ngắn hơn. Trồng được lúa nước, nuôi được con cá, con bò, con dê, trồng thêm cây tiêu, cây xoài thì dân  miềng mới hết đói, hết rách. Tui thông lắn rồi, nhưng lo hung. Lo là lo không nói được cái nghĩ trong đầu miềng cho bà con hiểu. Nhưng nhờ lời bộ đội 617 dặn là phải nói từ từ, nói nhiều lân, nói đi nói lại như mưa dầm thấm lâu rứa chắc bà con sẽ nghe, lại thấy yên yên cái bụng.

Nói là mần. Sau lễ ăn mừng cơm mới, tui chuẩn bị mấy hũ rượu cần, một ít thịt mang khô rồi mời các pả, các pỉ đến nhà chơi nói chuyện. Tui hỏi mọi người: “Có ưng có nhiều cơm để đưa vào cái bụng không? Có ưng cái áo, cái quần đẹp để mặc không?” Bà con cười ồ, bảo rằng tui đã say vì hỏi chi mà hỏi lạ hung rứa. Tui cũng cười: “Còn lâu tui mới say nghe. Mới hết hai hũ rượu chơ mấy. Bây chừ, tui muốn nói với các pả, các pỉ cái chuyện ni…” Tui rít thêm một sừng rượu rồi nói ra cái việc dời bản ra gần đường Lia. Tui nói chưa hết, nhiều người đã nhao nhao nói: “Không được, không được. Con ma đất hắn đã ở quen đây rồi, hắn không ưng ra ngoài nớ mô”. Tui nói thêm, nói nữa, nhiều cái đầu vẫn cứ lắc lắc: “Thôi đùng nói nữa, pả Lua nờ, không ai muốn ra ngoài nơ mô. Ở đây làm rẫy làm nương cũng có rượu uống mà”. Tui nhớ hôm nớ trăng đã qua bên tê sông Sê Pôn, rượu cũng đã nhạt như nước sông rồi, mà cái việc tui đưa ra chưa ai nghe thủng cả. Tui rầu cái bụng quá, bỏ ra ngoài. Cảc pả, các pỉ cũng lần lượt ra về.

Ngán quá. Sáng hôm sau tôi tìm đến đồn. Đồn trưởng Cung và một vài anh em nữa đang ở nhà. Có vẻ như anh em đang chờ tui. Tui được đồn trưởng Cung ra tận cửa cầm tay dắt vào phòng, rót nước chè xanh mời uống. Cầm chén nước trên tay tui quên cả uống, quên cả ngồi xuống ghế, kể hết mọi chuyện hôm qua. Kể hết rồi, mà cái rầu, cái tức vẫn còn trong bụng.

Đồn trưởng Cung cầm tay tui, nhắc lại lời nói hôm trước là phải nói nhiều lần, nói đi nói lại, nói như mưa dầm mới thấm vào lòng bà con miềng được. Rồi còn kể cho tui nghe chuyện ở dưới xuôi khi nhà ai chuyên đi mô người ta đều cúng xin ông bà và mang bát hương đi theo. Tui nghe tui thấy cái đầu sáng ra, cái bụng cũng nhẹ đi. Ở, người Kinh đi mô cũng mang ông bà đi theo thì người Vân Kiều miềng cũng rứa, miềng cúng xin ma đất đến ở nơi mới với miêng. Hay hung rồi, miềng sẽ nói điều ni với các pả, các pỉ, chắc họ sẽ ưng.

Dài dài mấy ngày, mấy đêm sau đó tui đến từng nhà nói chuyện nhỏ, chuyện to với họ. Tui nhắc lại cả chuyện ngày xưa, chuyện người sinh cùng ngày với tui bị kiến lửa đốt, chuyện cô Lay bị sốt rét phải là ma trẻ, chuyện pả Roong, pỉ Riên đào củ mài bị chết trong rừng… Tui nói cả chuyện bà con Azơi miềng đánh Mỹ, thắng ngụy bằng súng bằng chông, bằng cung nỏ trước đây. Tui nói về người Vân Kiều miềng được mang họ Bác Hồ. Bác Hồ sẽ buồn lắm khi dân miềng sống tăm tối, còn chưa đủ cơm ăn, còn thiếu áo mặc như ri… Tui nói, nói từ từ. Nói đi nói lại. Một số người nghe ra. Sau năm 1977, tui và 14 hộ nữa của bản Azơi đới. Bây chừ thì bản tui đông hơn rồi, cả thảy có 46 hộ với 212 khẩu đang sống ở đây”.

Chuyện của Hồ Lua trồng lúa nước, trồng xoài, trồng tiêu, nuôi cá, nuôi bò xin kể sau. Muốn kể thêm một chút nữa việc Azơi dời bản để chúng ta cùng rõ thêm cái chu đáo, tinh tế của người đi vận động. Với người Vân Kiều, ép họ là cầm bằng thất bại trong tay. Nhưng việc liên quan đến phong tục tập quán thì càng phải hết sức khéo léo, thận trọng. Thiếu tá Trương Văn Duế, đồn phó chính trị đồn 617, người khá thông thạo về tập tục và ngôn ngữ Vân Kiều đã cho tôi một hình dung khá rõ nét về một buổi lễ gọi ma đất về bản mới. Trên một bãi đất trống, bằng phẳng và quang quẽ ở bản người ta trồng lên một câu nêu. Cây nêu bằng tre hoặc bằng nứa có giấy màu xanh đỏ đan viền trên thân. Trên đỉnh nêu có những tua giấy nhiều màu bay lất phất trong gió. Dưới chân nêu một chú dê tơ được buộc sẵn vào cọc. Cạnh đó là một con gà trống đã luộc chín đặt trên lá chuối. Nếu không có gà thì được thay bằng một quả trứng gà sống và một quả  trứng gà luộc chín, cũng được. Thêm một a chói lúa nương cùng mấy túp băp ngô nữa là đủ. Người chủ lễ phải là chủ đất hay già bản quỳ xuống trước cây nêu, không thắp hương mà chỉ chắp tay khấn. Lời khấn không cần bài bản, chỉ cần nôm na như thế này: “Hôm nay là ngày… tháng… năm… dân bản… làm lễ dời bản ra… Mời ma đất ra bản mới ở với chúng tôi…”.

Hùa Lua đã được một lần quỳ xuống, khấn xin keo bằng hai khúc tre, một mặt cật, một mặt ruột, cỡ bằng ngón tay giữa. Ông đã vui sương kêu lên: “Pể chơ. Pể chơ”. Được rồi. Được rồi. Ma đất bàn Azơi đã chị ra ở bản mới Azơi đớ rồi. Ông đưa hai khúc tre cho mọi người xem. Mặt cật đều ở trên. Mọi người ồ à cười nói rồi chia nhau đi làm thịt gà, dê. Những buổi lễ mời ma như thế, bộ đội biên phòng là khách quý của bản.

Quây quần ở bản Azơi đớ hiện có 46 ngôi nhà sàn. Phong trào tách hộ, lập vườn do bộ đội biên phòng vận động đã có kết quả vui nhưng việc trồng trọt chăn nuôi của bà con ở đây vẫn còn ràng buộc bởi nhiều quan niệm tập tục cũ. Vận động bà con trồng lúa nước. Người nghe, người không. Khuyên bà con dùng phân chuồng bón cho cây. “Không được mô. Đất là của trời. Cây là của trời. Cho đất ăn bẩn trời phạt chết”. – Họ nói. Thành thử bản mới có rồi, đất đai sẵn thế mà dân vẫn phải chịu đói, chịu nghèo. Hồ Lua, vẫn là Hồ Lua, nghe theo lời bộ đội 617 đứng ra làm trước cho mọi người thấy.

Hồ Lua kể: “Được anh em đồn 617 động viên, hướng dẫn và giúp đỡ nhiều tui bắt tay vô mần ăn. Tui đắp bờ làm ruộng, cấy lúa nước. Đến ni đã có một ha ruộng rồi. Năm ngoái gặt được hơn một nửa tấn lúa. Tui lập vườn, đào hố trồng tiêu. Hiện chừ có năm trăm gốc. Năm qua nhà tui thu hoạch được tạ rưỡi tiêu khô. Vườn tui có sau trăm cây cà phê mít, mỗi mùa hái được năm tạ, 400 gốc xoài, 40 cây nhãn, 200 bụi chuối. Tui còn đào ao nuôi cá. Tí nữa, cha con tui ra thả lưới bắt cho mấy chú vài con ra đồn uống rượu cho vui”. Tôi hỏi:

- Trồng lúa, trồng tiêu, trồng xoài thế bác có bón phân không?

- Có, tui có bón. Nhưng có ruộng, có cây tui không bón – Hồ Lua trả lời.

- Vì sao vậy? – Tôi hỏi tiếp.

- Vì để cho bà con miềng thấy hai ruộng, hai vậy, ruộng mô, cây mô tốt hơn, xanh hơn. Để bà con mần theo.

- Hiện giờ, có nhiều người làm theo bác không?

- Trước nớ ít. Bây chừ có người làm theo nhiều rồi – Hồ Lua hơ hơ cười – Dân bản thấy tui bỏ phân cho lúa, cho tiêu mà không bị trời phạt, vẫn béo tốt, vẫn khỏa mạnh như ri thì họ tin. Người mô chưa tin thì tui nói: Trước khi bỏ cái phân thì luộc một con gà, nếu không có con gà, luộc một quả trứng cũng được để mà cũng xin phép trời.

- Thế sắp tới, bác có ý định trồng thêm cây gì nữa không?

- Có chơ! Tui trồng cây bởi lời. Bộ đội 617, chú Phong, chú Duế, chú Luyện, chú Tiềm, chú Vững, chú Hùng, chú Niệm, chú Chiến… nói trồng cây bời lời có nhiều kinh tế. Các chú này, bầy tui tin, bầy tui nghe, làm theo. Có rứa dân miềng mới xóa đói, giảm ngheo được.

Trong câu chuyện kể về xã mình, bản mình Hồ Lau hay nhắc tới các anh với sự uyên thương, tin cậy. Đó là trung tá đồn trưởng Lê Minh Phong, thiếu ta, đồn phó chính trị Trương Văn Duế, thiếu ta, đồn phó quân sự Trần Đình Luyến, đại úy đồn phó trinh sát Nguyễn Văn Vững. Rồi đại úy Hùng cán bộ vận động quần chúng, thượng úy Nguyễn Văn Niệm cán bộ 135, thượng úy Phan Xuân Chiến trưởng trạm… Tôi biết, còn nhiều cán bộ chiến sĩ khác nữa của đồn 617 mà bác Hồ Lua chưa kể ra đây hoặc khi tôi đến các anh đi công tác vắng không gặp được đã đóng góp trí tuệ và công sức không nhỏ cho một vùng Lìa biên giới bình yên và ngày càng sáng lên. Những tín hiệu vui đang lấp lánh đó đây trong những thôn bản hiền hòa nằm ở bờ sông Sê Pôn, nơi có con đường Lia nói đường Chin xuyên Á với xã A Túc dài trên ba mươi cây số phần lớn đã được rãi nhựa với dòng diện của Thủ tướng Phan Văn Khải tặng đang tỏa sáng trong những ngôi nhà sàn thấp thoáng giữa các vườn tiêu, vườn xoài…

Chưa giàu có gì đâu nếu không muốn nói cái khổ, cái nghèo vẫn còn hiển hiện ở đây qua mấy nếp nhà sàn lợp lá tranh mốc cũ liêu xiêu, với những đứa trẻ đen đúa, lấm lem cởi trần, bụng ỏng đựng nép bên váy mẹ, váy chị khi tháy chúng tôi đi qua. Cây trái trồng được không phải thứ nào cũng có đầu ra mỹ mãn, dù đường sá đi lại không mấy trắc trở nữa khi cầu La La khá bề thế vững chải đã được làm xong một năm nay, như quả xoài năm vừa rồi rớt giá xuống 200 – 500 đồng/ kg… Nói vậy, để đo lường, để xẻ chia với người Vân Kiều, Pa Kô ở đây những khó khăn, những trở ngại còn đầy rẫy ở chặng đường phía trước. Khi dân vùng biên còn đói, còn nghèo thì chiến sĩ biên phòng còn chưa vơi những sự lo toan, dụ liệu, những trăn trở, cùng với bao lãng mạn cho một ngày mai đẹp đẽ hơn của biên cương heo hút.

Thương lắm vùng Lìa, thương lắm biên cương, thương lắm những người “có tấm lòng trong trắng” của trùng điệp Trường Sơn đông năng tây mưa. tThương lắm Sê Pôn đang lấp lánh ánh trăng mùa hạ đang hiền hòa đi qua trước mắt tôi, trong tiếng chim “Khó khăn khắc phụ” từ cánh rằng xa xa vọng tới, cùng với câu hát ru tôi lượm được chiều nay ở bản Azơi đớ đang ngân lên giữa lòng mình như một lưu âm trữ tình của núi.

- Mun nở mày pụt chay pó rệt đợ pỉ mày ngoại

Cọc lo ra cau ôn pả mày cha

(Con gái ơi, con to mau đi lấy nước cho mẹ mày uống giả gạo cho bố mày ăn…)

Lưu âm trữ tình, vừa da diết, vừa thiết tha của những con người nhân hậu đã được cất lên cùng dòng chảy Sê Pôn dưới chân Trường Sơn hùng vĩ.

N.H.Q

______________________

Pá: Tiếng Vân Kiều là Bố

Pí: Tiếng Vân Kiều là mẹ

Nguyễn Hữu Quý
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 104 tháng 05/2003

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground