Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mùa tựu trường online

Nhà tôi đối diện với một trường tiểu học. Trước khi dịch Covid bùng phát, niềm vui mỗi ngày của tôi là ngắm nhìn những đứa trẻ chạy nhảy vui chơi tíu tít khắp sân trường. Nhưng suốt hai tháng qua, trường học đóng cửa chuyển sang dạy học online.

Những khoảng sân trường im ắng, những khoảng hành lang dài trống trải, những ô vuông lớp học không bóng áo trắng, khăn quàng đỏ học trò. Chỉ còn cái nắng dịu của mùa thu với cơn gió mơn man thổi qua hàng cây bàng xao xác lá rụng.

Năm học mới đã đến trong lặng lẽ. Toàn dân đưa trẻ đến trường ngay trong nhà mình, chào cờ và hát quốc ca qua màn hình máy tính hay điện thoại, tiếng trống khai giảng vang qua chiếc loa nhỏ bé… Bức ảnh được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội chụp lại khoảnh khắc cô hiệu phó trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) đọc diễn văn khai giảng trước sân trường không bóng người, chỉ có ghế đá và hàng cây lặng im khiến tất cả xúc động có lẽ là bức ảnh lịch sử về ngày tựu trường đặc biệt trong năm Covid thứ hai.

Kể từ khi xuất hiện dịch Covid, dù muốn hay không chúng ta bắt đầu phải quen với một xu thế chưa từng có đó là ở nhà do giãn cách xã hội. Các gia đình chuyển hóa không gian phòng khách thành lớp học, phòng ngủ thành nơi làm việc và sân vườn thành công viên. Đại dịch len lỏi vào cuộc sống làm thay đổi những nếp sống quen thuộc và đòi hỏi mọi cá nhân tăng cường khả năng thích ứng nghịch cảnh.

Với hơn 20 triệu học sinh học trực tuyến do giãn cách, cách thức học tập mới mẻ này chắc chắn có nhiều khó khăn và vô số các tình huống dở khóc dở cười như các phụ huynh phản ánh trên báo chí và mạng xã hội. Có thể một phần do học sinh Việt Nam nhìn chung là có thói quen học tập khá thụ động trong một môi trường do người lớn quản thúc. Các phụ huynh bình thường chỉ giao con cho trường thì nay phải đồng hành cùng việc học của con nên cũng thấy áp lực, căng thẳng. Nhưng khi dịch bệnh chưa được kiểm soát, những đứa trẻ chưa thể quay lại trường với phấn trắng bảng đen thì học online có thể coi là giải pháp “cứu cánh” để con đường học vấn của những đứa trẻ không chững lại.

Nếu nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia đã cho học sinh học online suốt hai năm nay, không chỉ với các cấp lớn mà cả học sinh tiểu học vẫn đem lại hiệu quả. Ở ta tự học ở nhà (homeschooling) còn hiếm, nhưng ở các nước phát triển, mô hình này đã tồn tại nhiều thập kỷ. Hiện nay trước sự phát triển của công nghệ, trẻ em không thể đứng ngoài dòng chảy của văn minh. Kiến thức sẽ đến từ bất kỳ đâu chứ không chỉ có ở trường học, và vì vậy nếu nhìn theo cách tích cực, việc học online có thể là cơ hội để trẻ em thích ứng với những phương thức học tập mới dựa vào công nghệ.

Tôi có cô cháu gái năm nay học lớp 1, cũng như bao đứa trẻ khác cháu đã trải qua ngày tựu trường không đến trường. Việc vào lớp 1 tưởng chừng rất vui của cháu lại đi kèm cảm giác hụt hẫng, hoang mang. Không có cái háo hức được bố mẹ chở đến trường với sách mới, đồng phục mới để gặp thầy và bạn mới. Bố mẹ cháu nhận thông báo trường học chuyển sang dạy học online trong tâm trạng lo lắng, rối bời vì con mình chưa học online bao giờ.

Vào những buổi đầu học online, cô bé cứ tập trung được chừng mươi mười lăm phút, nếu không có người lớn ngồi cạnh sẽ xao nhãng làm việc riêng. Thế là ba mẹ phải gắt lên với cháu để cô bé tập trung. Chưa kể, một lớp học với hơn ba mươi cháu, mỗi cháu ở một không gian khác nhau, lớp thường có tiếng ồn vọng vào micro. Đôi khi mạng yếu và bị bật khỏi phòng zoom, nhiều cháu không có người lớn hỗ trợ nên không biết vào lại như thế nào. Quá nửa phụ huynh của lớp cháu than phiền rằng không thể tham gia học online cùng con vào ban ngày vì hầu hết họ đều đi làm vào giờ trẻ học.

Sau khi đánh giá hiệu quả việc học online trong hai tuần, trường của cháu quyết định thay đổi thời khóa biểu, thay vì học ban ngày lớp 1 sẽ học qua zoom vào buổi tối, và phụ huynh phải ngồi bên cạnh học cùng. Cùng con học online, bố mẹ cháu chọn cách kiên nhẫn, động viên và khích lệ thay vì cáu gắt, nóng nảy, vì đây là lúc con cần được yêu thương và hỗ trợ hơn bao giờ hết. Qua màn hình, cô giáo dạy bọn trẻ nhận biết chữ, số, tập đọc, tập viết, tập tô. Bố mẹ thay phiên nhau ngồi cạnh hướng dẫn tay con cầm bút cho đúng và viết đúng nét, đánh vần, chỉ cách mở mic, giơ tay phát biểu. Nhờ có bố mẹ đồng hành, cháu vui vẻ ngồi nghe giảng rồi hì hụi tô, viết, nối. Cho tới giờ, việc học online tại nhà không còn gây hoảng loạn bởi cô bé dần quen với nó. Tối đến, cháu tự giác vào học theo thời khóa biểu và thao tác thuần thục, bố mẹ chỉ quan sát từ xa và hỗ trợ con khi mạng bị lỗi.

Cùng con học online - Ảnh: N.T

Cùng con học online - Ảnh: N.T

Chỉ đáng lo, cháu ngồi lâu trước màn hình laptop hay smartphone, làm đôi mắt sẽ mệt mỏi, buồn chán, cũng không có lợi cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Chưa kể, việc cho trẻ thường xuyên sử dụng đồ công nghệ trong thời gian giãn cách xã hội và học online này, khả năng bị nghiện xem tivi, điện thoại là rất cao. Vì những lẽ đó, mùa dịch này đòi hỏi nỗ lực của người lớn để trẻ không suốt ngày dán mắt vào các loại màn hình.

Thế là bố mẹ cháu tự động điều chỉnh công việc cá nhân để dành thật nhiều thời gian cho con. Mỗi sáng bố và con gái đạp xe chạy lòng vòng quanh sân hay thi xem ai hít đất được nhiều hơn, rồi cả nhà cùng nhau ăn sáng. Buổi trưa mẹ rủ con gái cùng nấu ăn và mẹ nói với con lời cảm ơn khi con phụ nhặt rau và rửa chén bát. Cuối ngày ngồi quây quần bên nhau xem một bộ phim hoạt hình con ưa thích hay trò chuyện về một quyển sách hay. Cả nhà còn cùng nhau chăm sóc cây, dọn rác sân nhà, nhổ vài cây cỏ trong luống rau sau vườn, cho mấy chú gà ăn... Những việc nho nhỏ như thế mà được làm cùng bố mẹ là con đã rất vui, con sẽ học được những điều hữu ích. Bố mẹ những ngày giãn cách cũng thảnh thơi hơn, có nhiều thời gian để quan sát, gần gũi, tâm sự với con mình và nhận ra được đồng hành cùng con cũng rất thú vị.

Trước đây, khi chưa có dịch bệnh, vợ chồng con cái chỉ gặp nhau vài tiếng mỗi ngày. Buổi sáng, người lớn ra khỏi nhà đến công sở và bọn trẻ đến trường học. Sau giờ tan trường, bọn trẻ ăn uống ôn bài một tí rồi đi ngủ sớm. Bây giờ, đại dịch ập đến đã khiến mọi mặt của cuộc sống đảo lộn nên con người phải căng mình ứng phó, nhưng nhìn mặt tích cực thì cha mẹ và các con có nhiều thời gian cho nhau hơn hẳn trước đây. Cứ xem những ngày tháng này là cơ hội để người lớn và bọn trẻ đều được vui chơi nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn, thay vì để mặc bọn trẻ online.

Có rất nhiều trò chơi thú vị trong nhà như cờ vua, cầu lông, âm nhạc, vẽ, bơi, làm bánh, cắm hoa... bố mẹ chỉ cần gợi mở và để trẻ chọn lựa đam mê mà con muốn phát triển. Các thành viên trong gia đình sẽ cùng hợp tác để việc phát huy năng lực và đam mê của con hiệu quả hơn, gỡ bỏ bớt áp lực học hành.

Cháu gái tôi rất thích vẽ, ba mẹ cháu sắm nhiều hộp bút màu cho con tha hồ trổ tài. Có hôm, cô giáo giao bài tập vẽ tranh cổ vũ cuộc chiến chống Covid, cháu nhờ bố mẹ giúp đỡ. Theo cách tự nhiên nhất, những câu chuyện, những hình ảnh và thước phim ấm áp, nhân văn mùa dịch được bố mẹ kể lại và cho xem đã chạm đến trái tim đứa trẻ sáu tuổi. Cô bé biết rung động trước hình ảnh các y bác sỹ ướt đẫm mồ hôi trông bộ đồ bảo hộ điều trị bệnh nhân, hay hình ảnh các bạn nhỏ tạm xa gia đình để vào khu cách ly... Cháu quyết định vẽ lại những hình ảnh ấy và đập heo đất ủng hộ tiền cho quỹ vắc xin. Mùa dịch này, qua báo chí, chúng ta cũng biết đến rất rất nhiều những cô bé cậu bé tuổi nhỏ đã biết chia sẻ với đất nước, với cộng đồng trong cuộc chiến chống dịch Covid.

Rồi dịch sẽ qua, nhưng không thể một sớm một chiều. Việc của chúng ta bây giờ là chấp nhận rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc và học cách sống chung an toàn với nó. Mọi thứ sẽ không thể thoải mái như xưa, cả người lớn và trẻ nhỏ đều sẽ phải thay đổi nếp sinh hoạt, vui chơi phù hợp với tình cảnh mới, nuôi dưỡng tinh thần lạc quan và sống tích cực. Nên dù trẻ nhỏ học online tại nhà, tương tác với thầy cô và bạn bè qua màn hình máy tính thì hãy xem đây là dịp để chúng thêm trải nghiệm để trưởng thành hơn.

Và để giúp trẻ em an toàn tr qua mùa dịch ở nhà mà vẫn có được niềm vui học tập mỗi ngày, rất cần đến sự quan tâm, đồng hành và yêu thương hết lòng từ người lớn.

NGUYÊN THẢO
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 326

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground