1. Xuân là một khái niệm của tự nhiên, từ buổi người ta phát minh ra lịch pháp. Lịch phương Tây khác lịch phương Đông ở chỗ chọn mặt trời hay mặt trăng làm quy chuẩn. Thì mùa cũng vậy, phải tùy nơi mình sinh sống. Đã có một thời gian dài tôi không phân biệt được mùa xuân bắt đầu từ một năm dương lịch; hay từ năm âm lịch, sau tết cổ truyền mới đúng. Dần dần phát hiện ra rằng khái niệm mùa cũng là một thứ tương đối. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì mùa xuân của tôi cũng khởi sự trong cái khoảng thời gian mấy chục ngày ấy, từ tết tây đến tết ta.
Tuy cảm quan là vậy, song tín hiệu của buổi giao mùa rất rõ ràng. Một sớm ngưng mưa, trời trắng một màu như nước vo gạo, những cây thầu đâu ngoi ra chồi xanh, chim én liệng qua cánh đồng làng, ấy là khi xuân đến. Và những mùi vị bắt đầu len lỏi trong từng con đường đi qua.
Mùi bùn ngai ngái cày ải từ mùa đông vẫn còn lưu trong những vạt đất trên bờ ruộng. Đến khi gió xuân về làm khô những miếng đất cày này, phả lên một mùi bùn thoang thoảng dễ chịu. Trên những bãi đất khô, người ta bắt đầu đánh tơi đất ra và trỉa cải, gieo bắp, trồng ớt. Đồng làng buổi vào xuân đâu đâu cũng có người làm việc, cười nói. Thật đúng như câu hát một ban mai rạo rực cả cánh đồng của Trọng Đài.
Hoa về cùng mùa xuân - Ảnh: H.C.D
Những bông hoa vạn thọ bắt đầu nhú vàng. Loại hoa này nở lâu tàn, nên thường vào năm mới dương lịch là hoa đã bung, hương thơm giống mùi cải cúc nhưng đượm hơn. Vạn thọ dễ sống, trồng bằng cách giâm cành như rau khoai lang. Chỉ cần cắt một nhánh cắm xuống đất vài bữa sau đã thấy lên phơi phới. Nhưng chính cái sự dễ dãi ấy lại là một ưu thế để bảo tồn đặc tính tốt đẹp từ cây mẹ, sinh học gọi là nhân bản hữu tính, khác với gieo hạt là nhân bản vô tính không đảm bảo ưu điểm của cây gốc.
Nếu chọn một loài hoa dân dã đặc trưng cho Tết Việt thì đấy chính là vạn thọ, bởi cả ba miền Bắc Trung Nam đều trồng được loại hoa này. Thêm nữa, ngay cái tên thôi đã hàm chứa thông điệp trường sinh năm mới. Tuy có vẻ quê kiểng quê mùa, nhưng qua bao nhiêu năm cho đến hôm nay, Tết quê vẫn phải có bông vạn thọ.
Nhiều người không để ý đến hương thơm của các loại hoa xuân truyền thống như vạn thọ, như hoa mai. Nói đến mai thơm thì chỉ có giống mai miền Trung, lá non màu xanh và hoa năm cánh. Hương thơm của mai cũng chỉ thoang thoảng, nếu để gần mà ngửi thì không khác gì một loại nước hoa thượng hạng. Đặc trưng này là riêng có của hoa mai xứ này, mai lá đỏ miền Nam thì không, nên giống mai miền Trung còn được gọi là mai hương. Cũng chính vì thế nên mai này đắt giá hơn các dòng mai khác trên thị trường.
2. Mùi của cây cối là thứ thiên nhiên ban tặng vào mỗi đầu xuân, song, chính con người cũng làm nên những mùi thơm đánh thức vị tết.
Nhớ hồi trước cứ tháng chạp trẻ con chúng tôi lại kéo nhau đến đầu làng. Bên ngoài hàng rào ngôi chùa làng có một bà cụ già mà chúng tôi gọi mệ Thiệm ngồi thiu thiu dưới mái tranh che. Quán hàng của mệ chủ yếu kẹo cho trẻ con và thuốc lá của người lớn, tới tháng Chạp thì có thêm pháo tép và tò he. Pháo tép có mùi giấy lẫn với mùi thuốc diêm, trẻ con chúng tôi mua xong cứ cầm lấy dải pháo xanh đỏ ấy mà ngửi, mà hít, không dám đốt vì sợ hết. Tò he thì làm từ bột lọc nắn thành hình khỉ Tôn Ngộ Không, hình quan công, hình thú vật. Con bột nắn ấy đem về vùi trong bếp lửa rơm một lúc, lấy ra thì nó rộm vàng, dậy lên một mùi thơm của bột lọc, và cả mùi cháy khét lẹt. Những con tò he bột nước ấy ăn cũng chỉ beo béo, dai dai, vị thì hơi đắng do nướng cháy, thế mà trẻ con lại rất thích vì chỉ đến cuối năm người ta mới bán.
Rồi chúng tôi lại kéo nhau đến ngôi nhà bên cạnh chùa, ở đó có người làm hương. Trên tấm ván kê làm bàn, một đống mạt cưa trộn nhuyễn với bột trầm và keo hồ. Cái bàn xoa thoăn thoắt làm ra những cây nhang đều tăm tắp. Cuối năm cái sân nhà ấy cứ lớp lớp nhang phơi cho kịp bán. Mùi mà tôi còn nhớ, chính là mùi trầm đậm đà khi những cây nhang bay hơi để khô dần.
Phơi nhang trầm chuẩn bị lễ tết - Ảnh: H.C.D
Đi qua nhà làm bánh in, mùi sấy bánh mới thật là thơm suốt từ nhà ra đến ngõ / em đứng nơi nào cũng ngất ngây (thơ Hồ Anh Tuấn). Người ta lùa bột nếp vào một cái khuôn, rồi đúc ra, được một chiếc bánh nhỏ xíu có in chữ thọ, nên gọi bánh in. Nó còn có tên khác là bánh cộ, không rõ chữ “cộ” là nghĩa gì. Có lẽ là biến âm của chữ “cổ”, ý là bánh xưa. Những chiếc bánh vuông vức vừa in xong lên chiếc nống, đặt trên hơi than cho đến khi cái bánh cứng ngắc, nói vui là cắn gãy răng. Vì tính khô cứng này nên nhiều nhà đặt lên bàn thờ để chưng cả năm. Thế nên chữ “cộ” cũng có thể là nói chệch của chữ “cũ”, tức là bánh để được lâu ngày.
Bây giờ người ta vẫn làm bánh in và bọc trong những giấy bóng nylon ngũ sắc. Tết nào tôi cũng đi mua về đặt lên cúng, vì nó có nhiều màu đẹp, mà lại gợi lên không khí những ngày xưa cũ. Nhưng ký ức tôi lưu dấu rõ ràng về chiếc bánh cộ là phải gói bằng giấy, loại giấy tuyên, chỉ có một mặt nhuộm màu. Bánh in gói bằng giấy tuyên cũng đủ màu sắc, khi bóc ra màu xanh đỏ không bị nhem vào bánh, và ăn rất thơm chứ không bị khó ngửi mùi nylon như sau này.
3. Cũng không phải chỉ mùi thơm mới khiến ta nhớ. Ký ức của mỗi người luôn chứa đựng những mùi lạ, không dễ chịu, đấy không phải hương thơm tự nhiên mà là mùi hóa chất. Có khi chính những mùi khang khác ấy lại được nhớ lâu hơn.
Mùi long não chẳng hạn. Ngày trước nhà ai cũng có một cái rương gỗ để đựng những thứ đáng giá, hoặc áo quần đẹp. Những bà mẹ quê có cái áo đẹp nhất thường mặc đôi ba dịp lễ lạt tết nhất, đem cất rất cẩn thận trong rương. Rương gỗ cũng là chỗ thằn lằn, gián bọ rất thích chui vào. Những viên long não màu xanh, hồng, trắng được các bà mẹ mua về đặt vào rương để trừ khử loài phá hoại. Long não có mùi thơm khác hẳn, sực nức, đậm đặc, ngửi lâu có cảm giác đau đầu. Mỗi cuối năm, cái rương gỗ lại được mở ra, mùi hương long não xộc lên nồng nặc.
Tôi nghe Tết đến rất gần. Và nắng rói lên sau những ngày se lạnh, ấy là khi mùa xuân chín, như cách nói của Hàn Mặc Tử.
Tranh thủ cái nắng ấy, người ta sơn quét lại nhà cửa. Tường nhà được mặc một lớp áo mới là nước vôi. Vôi đem về ngâm nước cho nở ra, rồi pha thêm bột màu. Ai ưa mát mẻ pha màu xanh dương, ai ưa ấm áp thì pha màu vàng, ai ưa dịu dàng thì pha cả xanh dương với vàng để được xanh lá cây non. Nước sơn pha ấy gọi là màu ve, tức là vôi ve. Vôi ve thì rẻ, ai cũng mua về bỏ ra ngày công là có nhà mới đón Tết. Chỉ có ngần ấy màu ít ỏi, tùy tay pha màu và sở thích mà nước ve có độ đậm nhạt khác nhau. Song tựu trung cả xóm làng nhà nào cũng màu tương tương với nhau, một màu ve giản dị, mới mẻ. Những ngày ấy đi vào nhà ai cũng ngửi được mùi vôi ve mới quét xong, cũng là mùi chỉ đến xuân mới có.
Và cũng có một cái mùi rất ngày thường đã trở thành mùi của ngày tết: mùi dầu hỏa.
Áp Tết Giáp Tuất 1994, làng tôi có điện. Chạng vạng một ngày cuối năm, tôi đang ngồi ăn cơm tự dưng cái bóng đèn nhà bật sáng. Trước đấy ai cũng đi mua cầu dao, công tắc, bóng đèn về lắp sẵn chờ ngày đóng điện. Nghe quanh xóm mọi người reo hò, ngoài đường người lớn đạp xe chở trẻ con vừa đi vừa cất lên những tiếng la ó mừng rỡ. Điện về làng làm cho cái Tết đó ấm áp hơn, sáng rực hơn, không còn những ngọn đèn dầu tù mù như trước nữa.
Và mùi dầu hỏa, còn không? Vẫn còn trên bàn thờ. Hai cây đèn dầu đặt kế bên bát nhang thì vẫn thế. Mỗi cuối năm đem mấy cây đèn xuống, dùng vải thấm dầu hỏa lau chùi lọ thủy tinh thật sạch. Phần chúp đèn bằng kim loại cũng không gì làm sạch bằng chính dầu hỏa. Mùi dầu hỏa, chắc chắn là không thơm, nhưng lúc nào tới Tết cũng phải ngửi một lúc.
Chỉ một lúc đó thôi, khi ta ngồi kỳ cọ những cây đèn dầu cho sạch tinh tươm để đặt lên bàn thờ cung kính mời tổ tiên về ăn Tết. Mùi dầu ấy, mỗi năm một lần, tỏa lên như hương hoa của mùa xuân. Vì ông tôi dặn, ngày Tết trên bàn thờ bao giờ cũng phải có lửa đèn.