Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ngày xuân đi tìm những nét bản sắc văn hoá Vĩnh Linh

H

uyện Vĩnh Linh là miền đất mang đậm bản sắc văn hóa riêng với chuyện Trạng Vĩnh Hoàng nổi tiếng cùng với những nét văn hóa cồng chiêng độc đáo của đồng bào Vân Kiều thuộc ba xã miền núi, hò chèo cạn say đắm lòng người của vùng quê sông nước Tùng Luật... Vĩnh Linh có hai di tích lịch sử thời chống Mỹ được xếp hạng Quốc gia đặc biệt là: Địa đạo Vịnh Mốc và Đôi bờ Hiền Lương. Đó là chưa kể những di tích, danh thắng được nhiều nơi biết tiếng như: bãi tắm Cửa Tùng, Bến đò A, Bến đò B, Rú Lịnh, chiến khu Thủy Ba, miếu thờ Bà Vương Phi họ Lê… Ghi nhận này sẽ phác họa đôi nét về hò chèo cạn - một nét văn hóa đặc sắc từ xa xưa của làng Tùng Luật (xã Vĩnh Giang) và văn hóa cồng chiêng của đồng bào Vân Kiều (xã miền núi Vĩnh Ô) huyện Vĩnh Linh.

Làng Tùng Luật, một vùng quê sông nước hữu tình của xã Vĩnh Giang, được hình thành vào triều nhà Lý năm 1069, cách đây ngót 950 năm - một trong những làng cổ ở huyện Vĩnh Linh. Ngôi làng nằm phía hạ nguồn bên bờ bắc sông Bến Hải đã đi qua một thời chiến tranh tàn phá của giặc Mỹ, là nỗi nhớ thương, trông vọng của bờ nam Thủy Bạn, Cát Sơn. Trải qua thế sự đổi thay, nhưng nếp sống và phong tục của làng vẫn vẹn nguyên. Làng quê yên ả với hàng dừa nghiêng bóng xuống dòng sông Bến Hải xuôi về Cửa Tùng, hòa vào biển Đông, khiến cho ai đến nơi này đều nặng lòng lưu luyến. Từ thuở lập làng, người Tùng Luật chỉ quen nghề chài lưới. Rào Thanh - tên gọi của con sông Minh Lương thuở xa xưa, tức là sông Bến Hải ngày nay đã chắp cánh cho những cánh buồm của ngư dân từ bến cá Cửa Tùng sớm hôm vào lộng ra khơi. Cũng có lẽ vì thế mà Tùng Luật đã sinh ra những điệu hò, câu hát mang âm hưởng của miền quê sông nước. Tùng Luật còn là chiếc nôi của hò chèo cạn say đắm khách thập phương. Những câu hò điệu hát của vùng sông - biển được thể hiện theo nhịp chèo và cánh buồm vào lộng ra khơi. Hò chèo cạn là những điệu hò riêng có của cư dân ven biển, nơi con người quanh năm gắn liền với mái chèo dọc ngang trên sóng cả đại dương, cuộc mưu sinh gắn liền với sông, biển. Những điệu hò này, Nam Trung bộ gọi là hò bả trạo (tức là hò gọi bạn chèo)… Hò chèo cạn làng Tùng Luật khiến cho già trẻ, gái trai gần xa lặn lội tìm về thưởng thức. Hò chèo cạn đã đi vào cuộc sống đời thường và cuộc sống tâm linh, gắn liền với người dân làm nghề lênh đênh trên sóng nước. Những bậc cao niên là những bậc thầy thường xuyên tập luyện cho các thế hệ cách thể hiện những điệu hò từng tiết tấu âm nhạc cũng như động tác chèo thuyền trên cạn đúng với nguồn gốc được sinh ra như ý nguyện người xưa. Âm hưởng của hò chèo cạn làng Tùng mang ý chí sức mạnh của ngư dân, có tiếng mái chèo xé nước lúc ào ạt, lúc khoan thai, ẩn chứa nỗi khao khát chinh phục những con sóng bạc đầu để mang về niềm vui thắng lợi. Điệu hò còn nghe phảng phất âm hưởng của giai điệu đưa linh nao nao lòng người…

Ngày xưa, hò chèo cạn làng Tùng là nét đặc trưng trong các lễ hội cầu ngư, cầu yên, cầu tài, cầu lộc vào rằm tháng Hai âm lịch hàng năm làm cho cả tổng, cả phủ rạo rực. Hò chèo cạn ở làng Tùng Luật là nét văn hóa riêng không lẫn với nơi nào, cũng giống như nét độc đáo của hò khoan Lệ Thủy ở Quảng Bình, hò sông Mã ở Thanh Hóa, hò hụi, hò giã gạo ở Thừa Thiên Huế… Làng Tùng Luật thành lập một đội hò chèo cạn từ nhiều năm qua để biểu diễn trong những dịp hội làng, lễ, Tết, tham gia hội diễn văn hóa nghệ thuật của huyện. Đội hò chèo cạn còn được vinh dự mời tham gia đóng góp vào chương trình văn nghệ của các địa phương. Nhiều gia đình trong và ngoài làng đã tìm về, mời cho bằng được đội đến hát đưa linh ở đám tang người thân…

Trong số những người có công duy trì và bảo tồn hò chèo cạn làng Tùng phải kể đến công lao của nghệ nhân Ái Chủng. Nghệ nhân đã qua đời ở tuổi 83 (năm 2014) nhưng tình cảm của ông đối với bộ môn hò chèo cạn vẫn được mọi người nhắc đến. Những ngày cuối đời, ông vẫn say sưa hướng dẫn con cháu luyện tập. Mang trong mình dòng máu ca hát, đã từng là diễn viên của đoàn văn công của Bình Trị Thiên, rồi về hưu, ông vẫn nặng lòng với những điệu hò man mác của quê hương. Ông nói rằng: “Hò bả trạo ở Nam Trung bộ, khi chèo đò, người ta chèo thẳng tay, không ngoắt cổ tay vào phía mái chèo như hò chèo cạn làng Tùng. Đó là điểm khác cơ bản của hò chèo cạn với các điệu hò bả trạo, hay điệu hò đức Ông ở làng Cảnh Dương (Quảng Bình) mà ít người để ý...”.

Làng văn hóa Tùng Luật là khát vọng của nhiều làng quê đôi bên bờ sông Bến Hải. Những nét văn hóa xưa của làng không những không bị mai một mà ngày càng được khơi dậy để bảo tồn, gìn giữ. Ai đến đây một lần chắc hẳn có những cảm xúc và ấn tượng sâu sắc về một làng văn hóa cổ ven sông. Hò chèo cạn hòa vào âm vang hò giã gạo, hò mái nhì, mái đẩy mỗi dịp xuân về nghe rạo rực lòng người. Hò chèo cạn cùng với những câu ca, điệu hò xưa trong kho tàng văn hóa văn nghệ Tùng Luật làm phong phú nền văn nghệ dân gian, tô đẹp bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất Vĩnh Giang. Chính vì lẽ đó, làng Tùng Luật được tỉnh Quảng Trị chọn làm nơi thí điểm cho công cuộc xây dựng làng văn hóa vào tháng 10 năm 1996, mở màn cho phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa toàn tỉnh sau này. Về làng Tùng nghe vọng mãi câu ca xa xưa được các thế hệ ấp ủ, giữ gìn:

Bến làng Tùng bến vàng bến bạc

Sông Cửa Tùng vừa mát vừa trong

Người tình ở bên kia sông

Không đò anh cũng băng đồng vượt sang

Từ vùng quê sông nước làng Tùng ở phía đông, chúng ta hãy ngược lên miền tây để thăm quê hương của đồng bào Vân Kiều ở các xã miền núi của huyện Vĩnh Linh, và tìm hiểu nền văn hóa cồng chiêng của đồng bào.

Nét độc đáo trong văn hóa cồng chiêng của đồng bào Vân Kiều là thể hiện sinh động sắc màu cuộc sống lao động diễn ra hàng ngày, là biểu thị mối đoàn kết bền bỉ như cây rừng của cộng đồng làng, bản. Cuộc sống lam lũ, nhọc nhằn đã được hóa thân vào những điệu múa, tiếng cồng tiếng chiêng vang vọng vào vách núi, hòa vào những dòng thác trắng xóa đổ xuống những dòng suối, tuôn về hạ nguồn như nỗi niềm nhắn gửi của những người con núi rừng mãi mãi thủy chung với người anh em thân thiết ở miền xuôi. Múa hát cồng chiêng là vũ điệu mạnh, mang đậm nét tượng hình, khi rắn rỏi như cơ thể những chàng trai cuồn cuộn cơ bắp, khi mềm mại uyển chuyển như dáng hình thiếu nữ Vân Kiều trong trang phục thổ cẩm đẹp mê hồn bên cối gạo nương, trên triền ngô, ruộng lúa, rừng cây. Cứ mỗi lần có hội diễn văn nghệ tại huyện, có tiết mục múa cồng chiêng của đồng bào Vân Kiều tham gia sẽ làm sân khấu bừng sáng lên, như cất cánh cùng với điệu nhảy, điệu múa rộn ràng sôi động một góc trời.

Trước đây, người Vân Kiều các xã miền núi ở Vĩnh Linh có cuộc sống du canh du cư, với phương thức sản xuất phát, đốt, cốt, trỉa. Đời sống của họ phụ thuộc vào tính tự cung tự cấp, khám chữa bệnh dựa vào thầy lang, thầy mo ở bản. Ai đến với miền núi rừng heo hút mới thấy được cuộc sống của đồng bào gắn liền với sự đơn côi, thầm lặng. Giao thông ngày xưa vô cùng phức tạp, chỉ là những con đường nhỏ đi lại thành lối mòn, xung quanh là cây cối um tùm rậm rạp. Hơn chục năm trở lại đây, Nhà nước đã đầu tư xây dựng đường giao thông đến tận bản làng miền núi, nhưng mới chủ yếu là đường cấp phối, phải thường xuyên tu bổ sau mỗi mùa mưa lũ. Xây dựng đường ở các xã miền núi tốn kém gấp hàng chục lần ở đồng bằng. Con đường nhựa được nối với Quốc lộ 1A từ thị trấn Hồ Xá, băng qua xã Vĩnh Hà lên tận trung tâm xã Vĩnh Ô là một sự cố gắng rất lớn của nhà nước, làm thay đổi lớn lao về nhận thức cũng như cuộc sống của đồng bào. Cuộc sống đổi thay kéo theo đời sống văn hóa của đồng bào cũng đổi thay, nhưng vẫn mang nét đặc trưng. Cồng chiêng là tinh hoa của nền văn hóa dân tộc Vân Kiều. Âm hưởng cuộc sống sinh hoạt, lao động hàng ngày được thể hiện qua âm thanh của khí cụ tạo ra một dàn âm thanh rộn ràng, ngân vang. Lễ hội cồng chiêng mừng lúa mới, mừng Tết cổ truyền… thường được tổ chức ở những nơi tụ hội của dân bản, thường là tại nhà văn hóa cộng đồng, nơi công cộng, hoặc trên những vùng đất rộng, không tổ chức ở trong nhà dân do phong tục, tập quán từ xa xưa để lại. Đồng bào quan niệm rằng: Múa cồng chiêng sẽ cuốn hút mọi người, những âm hồn cũng đến thưởng thức rồi ở lại không muốn về nên sẽ gây khó cho chuyện làm ăn của bà con...

Huyện Vĩnh Linh là vùng đất thấm đẫm chất sử thi từ thời mở đất của triều nhà Lý, được vun đắp phong phú thêm qua thời gian. Người Vĩnh Linh đã gìn giữ và phát huy được giá trị văn hóa truyền thống, không để mai một. Hò chèo cạn của làng Tùng Luật đến nay đã lan tỏa đến những làng chài ven biển, thu hút sự tham gia của người dân, nhất là vào dịp cầu ngư đầu năm mới âm lịch, khát vọng một cuộc sống ngày càng đổi thay, tươi đẹp. Văn hóa cồng chiêng ở các xã miền núi vẫn ngân vang trên những bản làng của đồng bào Vân Kiều... Những khái quát đôi nét về bản sắc văn hóa của huyện Vĩnh Linh nói trên, là món quà từ quê hương một thời bom đạn, nay điệp trùng cây lâm nghiệp, xanh thắm cao su, tiêu cay, chè chát… gửi đến bè bạn gần xa, như một thông điệp mời gọi đầy ân nghĩa yêu thương trong ngày xuân mới!

L.N.H

 

 

 

 

 

 

 

 

LÊ NGUYÊN HỒNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 293 tháng 02/2019

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground