Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 31/05/2023 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nghẹn ngào một chút sẻ chia

5

h sáng ngày 12-10-2009, đoàn công tác của Quỹ Trái tim nhân ái -Báo Hà Nội mới lên đường tiếp tục hỗ trợ bà con các vùng bị thiệt hại do cơn bão Ketsana gây ra. Chúng tôi biết, mình lại đang lao vào chính vùng ảnh hưởng của cơn bão số 10. Ấy là chuyện của ông trời, chúng tôi vẫn đi.

Sắp bão, thời tiết xem chừng đã dịu hơn. Cứ cầu mong đừng mưa to, giông xoáy không phải cho yên thân mình mà cho những mảnh đời giờ không chỉ tấc đất cấy cày cũng không còn, mà chỗ chui ra chui vào cũng theo lũ hết rồi.

Chúng tôi đếm từng cột cây số, bấm giờ mong sao đến được Quảng Trị sớm giờ nào hay giờ ấy. 600 cây số chẳng xa, mà đâu cũng có gần, chúng tôi biết hôm nay không thể kịp vào với bà con Pa cô, Vân Kiều của Đakrông. Đêm dừng lại ở Đông Hà chính là đêm nhiều dằn vặt nhất.

Sáng nay 13-10, Tổng biên tập báo Quảng Trị Nguyễn Hà Phương có việc bận không đi cùng đoàn về Đakrông, nhưng 6h đã thấy Phó tổng biên tập Minh Tứ cùng nữ phóng viên Ngân Hoa đến để đưa chúng tôi xuống tận xã Pa Nang, nơi có mấy bản bị thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão lũ vừa qua.

Đường 9 với những địa danh oanh liệt một thời như Khe Sanh, Lao Bảo, Làng Vây, Đầu Mầu…. hiện lên trên từng cột mốc cây số. Cam Lộ, Tân Lâm ngày nào dày đặc hố bom, hố pháo đến đất cũng xạm màu khói đạn, giờ đã thấy màu xanh trở lại. Những vạt đồi xưa đỏ màu đất đá, tím tái màu lửa Napan giờ đã thành làng, thành phố, thành rừng.

Không có thời gian, cũng chẳng khách khí màu mè, đến UBND huyện Đakrông, chúng tôi vào việc ngay. Kéo chúng tôi ngồi, vừa thân mật ”Mời các anh xơi tạm cốc nước lọc”, Chủ tịch UBND huyện, anh Vũ Đình Hòe tranh thủ trao đổi công việc với anh Kiều Ngọc Kim, Phó tổng biên tập báo, Trưởng đoàn công tác của Quỹ. Thống nhất kế hoạch, phương án hỗ trợ cách thức thực hiện công việc. Chỉ đúng 15 phút, chúng tôi lại lên đường.

Đakrông nghèo quá! Cả huyện có diện tích tự nhiên lên tới 1.223 km2 mà chỉ chưa đầy 5.000 ha đất có thể canh tác cây lương thực, còn lại là đất đồi rừng. Với 7.200 hộ, 40.000 nhân khẩu, trong đó 80% là đồng bào các dân tộc Pa Cô, Vân Kiều, cuộc sống của bà con còn gặp muôn vàn khó khăn. 10/14 xã, thị trấn của huyện Đakrông thuộc diện nghèo, nên trong danh sách 62 huyện nghèo của cả nước, Đakrông còn được xếp vào diện gần như nghèo nhất.

Người Pa Cô, người Vân Kiều theo Đảng, theo cách mạng chở che cho bộ đội hết lòng trong những ngày gian khó, để rồi đến cái họ của bà con cũng được mang họ của Bác, nên hầu như cán bộ đã về với Đakrông  cảm cái tình ấy mà không nỡ rời xa. Anh Vũ Đình Hòe, là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc năm 1968. Ở Quảng Ninh, rồi về học Đại học Nông Nghiệp i Hà Nội. Năm 1977, tốt nghiệp ra trường, anh về Hướng Hóa (đất Đakrông bây giờ) thế là ở luôn từ ngày còn là một anh cán bộ phong trào của huyện, đến giờ là chủ tịch, vất vả lắm mà vẫn bảo “bà con ở đây tốt lắm, đi sao được!”

Qua cầu treo Đakrông rẽ vào đường 14, giờ gọi là đường Hồ Chí Minh đã thấy dấu ấn rõ nét của cơn bão lũ. Anh Lê Đắc Quỳ, người con trai đất thành Nam, vốn dân Đại học Kinh tế quốc dân vào Đakrông từ năm 1982 ngay sau khi tốt nghiệp, giờ là phó chủ tịch UBND huyện cho biết: Đây là trận lũ lịch sử mà 40 năm chưa từng có”.

Tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận Đakrông dài 72 km mà có tới hơn 50 điểm sạt lở, trong đó có 5 điểm sạt lở nghiêm trọng mà việc khắc phục không phải một sớm một chiều.

8km từ cầu treo Đakrông rẽ vào đường về xã Pa Nang, chúng tôi gặp chiếc máy xúc đang bò ra giữa đường mà ngoạm, mà đẩy hàng khối đất đá đang chẹn giữa lòng đường ở đúng km 256, cột cây số ghi: A Lưới 86km.

  Đường vào Pa Nang hôm nay đã tạm thông, nhưng nhìn trên nền bê tông mà JBiC (một tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản) mới đầu tư chưa đầy 2 năm, mới biết con lũ dữ thế nào. Đá, sỏi chảy thành vệt trên lòng đường chỗ bằng phẳng; Còn chỗ dốc, đất đá chỉ được vun tạm lên cho vừa lọt bánh xe cũng cao tới cả thước. Hàng cột điện chỉ để treo mỗi một sợi dây cáp thông tin, cái bị đánh bật cả khối bê tông chôn cột nằm vắt vẻo trên sườn ta luy, cái bị đánh tung bê tông trơ ra mấy thanh sắt cốt bị bẻ đến cong queo.

Chúng tôi nhờ người lái xe hạ giùm tấm kính để cảm rõ hơn mùi vị đất rừng sau lũ. Dòng Đakrông vẫn ngầu đục màu bùn đất. Gió ào qua cửa kính mang theo mùi hoai hoai của cỏ cây chết trong bão lũ giờ đang thối rữa.

Pa Nang có 840 hộ với 2.777 nhân khẩu, ở rải rác thành 9 thôn, thì cả 9 đều bị thiệt hại. 3 thôn A La, Tà Rét, Pa Nang bị thiệt hại nặng nhất với 14 hộ sập nhà, bị lũ cuốn trôi hết tài sản, trong đó có 5 hộ bị cuốn băng toàn bộ nhà cửa.

Đứng trên nền căn nhà của vợ chồng anh Hồ Văn My, chị Hồ Thị Ba chỉ còn sót lại mấy tấm bê tông kê chân cột, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn cái ác liệt của cơn cuồng thủy vừa qua. Bản A La về đây ở đã mấy chục năm rồi. Hàng cây mít sau nhà chị Ba, anh My cũng có vài chục năm tuổi rồi, vậy mà giờ nó bị đánh bật tung cả gốc, nằm vật bên góc đồi. Phía sau lưng căn nhà anh chị, vạt rừng ven dòng Đakrông kéo thành một vệt dài của cây, của lá đã ngả sang màu úa nát. Chúng tôi ước chừng, nếu con lũ cuốn phăng căn nhà này đi, thì từ lòng sông kia lên đến sàn nhà này, độ cao cũng tầm ba chục thước. Ba chục thước, vậy cả vùng núi rừng này sẽ trắng trong màu nước.

  Đúng vậy. Ông Pả Bình, Chủ tịch UBND xã nói rằng: “Toàn nước là nước mà. Ôm lấy nhau mà trốn trong nhà thôi. Ra làm sao được”.

  Bắt gặp nét tần ngần của chị Hồ Thị Ba khi nhặt lên mảnh bê tông lát nền còn sót lại bằng cuốn vở học trò, chúng tôi biết gia đình anh chị và bốn gia đình nữa giờ thật sự trắng tay. Trắng tay thật, khi căn nhà là sự tích góp của cả hai vợ chồng vài năm trời. Lặng đi hồi lâu, chị Ba nghẹn ngào: Năm 2006, chúng em lấy nhau. Hai vợ chồng đều là cán bộ xã cả. Chúng em thế chấp cả 2 quyển sổ lương để vay 2 ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách xã hội được 60 triệu. Ngần ấy tiền dồn hết vào căn nhà. Giờ, nợ cũ vẫn còn gần 30 triệu, mà nhà thì không còn lấy cái kèo, cái cột. Cái nước lũ nó ác quá.

 Phó Tổng biên tập Báo Hà Nội mới đại diện Quỹ Trái tim nhân ái - anh Kiều Ngọc Kim run run trao cho các anh Hồ Cực, Hồ Thái; các chị Hồ Thị Ba, Hồ Thị Lý, Hồ Thị Lường mỗi gia đình 2 triệu đồng. Anh cũng không nói được gì. Đuôi mắt anh đã ngân ngấn nước.

Những người đàn ông, đàn bà Vân Kiều ở bản A La này nói tiếng Kinh chưa sõi lắm. Bà con cũng chỉ biết thủ đô qua giọng đọc: Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của cô phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam. Hôm nay, những người đàn ông, đàn bà ấy đã khóc. Những giọt nước mắt đã lăn trên những gương mặt hốc hác, sạm đen. Những giọt nước mắt của hạnh phúc khi nhận được sự sẻ chia, gánh đỡ trong cơn hoạn nạn.

Lũ trẻ trong bản tóc đỏ hoe, da đen cháy vì nắng gió, ngơ ngác nhìn chúng tôi rồi quay sang anh chị, cha mẹ chúng mà hỏi điều gì, để rồi mắt bỗng sáng lên, chạy lại quây lấy chúng tôi cười sung sướng.

Chúng tôi biết, 200 triệu đồng của “Quỹ Trái tim nhân ái” dành cho bà con huyện Đakrông so với 264 tỷ đồng thiệt hại mà cơn bão lũ vừa qua gây ra cho bà con các dân tộc nơi đây, thật là nhỏ bé. Nhưng, chúng tôi cũng tin rằng, tấm lòng thơm thảo này cùng nghị lực của mỗi người sẽ giúp bà con vượt qua cơn hoạn nạn. Số tiền 190 triệu còn lại đã được thống nhất dành sửa chữa một ngôi trường trong huyện, chúng tôi chờ ngày trở lại Đakrông.

Chia tay bản A La, chúng tôi muốn đi tiếp đến bản Cóc, bản Ngược, nơi mà theo Ngân Hoa, phóng viên báo Quảng Trị “ bà con khổ lắm các anh ạ”. Đường không thông, chỉ có mỗi cách đi bộ, mà đi nhanh cũng mất nửa ngày. Đêm nay chúng tôi lại về Huế, tiếp tục chuyến công tác đặc biệt này. Chúng tôi đành dừng lại tại trụ sở UBND xã, thành tâm nói một lời xin lỗi gửi tới những bà con chúng tôi chưa gặp mặt.

Bí thư Đảng ủy xã Pa Nang, chị Nguyễn Thị Hà, nguyên Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện tăng cường cho xã, vừa chạy đôn chạy đáo ở huyện về để lo đừng có thêm hộ nào đứt bữa, gặp chúng tôi, chị bần thần một lúc rồi chỉ tay xuống bãi bùn đá ngập ngụa bên dòng Đakrông cho biết :” Đây trước là ruộng lúa nước của bà con đấy các anh ạ”.

Pa Nang có tới 90% là đất đồi rừng, có được ít thửa ruộng nước ven dòng Đakrông, chưa kịp thu hoạch, giờ lúa thành hồn đất, ruộng thành bãi đá trộn trong bùn.

Nghe đại úy bộ đội biên phòng, kiêm Phó bí thư Đảng ủy xã, Nguyễn Quang Đại tâm sự, chúng tôi càng thấm thía hơn cái nghĩa tình của hạt gạo ngày bão lũ. 70% dân xã Pa Nang là hộ nghèo. 116 hộ với 714 khẩu mà tới gần 80 hộ với gần 500 con người áo chưa đủ lành, cơm chưa đủ no, nên những “Trái tim nhân ái” gặp hoàn cảnh này mấy ai nỡ cầm lòng.

Trao đổi với anh đôi điều, biết thêm chuyện xã có 4 hộ trong số các hộ thuộc diện chính sách đang gặp quá nhiều khó khăn, đoàn chúng tôi bàn bạc và quyết định thay mặt những người làm báo Đảng của Thủ đô Hà Nội và đất lửa Quảng Trị dành tặng bà Hồ Thị Mon, thôn A La, thương binh chống Mỹ; cùng 3 hộ : ông Giả Đi (thôn Ngược), bà Giả Bui và ông Hồ Văn Un, tức Pả May ( thôn Cóc) là thân nhân các gia đình liệt sỹ, mỗi hộ 500.000đ.

Chia tay Pa Nang, xuôi cùng dòng Đakrông về huyện lỵ, bắt gặp ánh mắt hồn nhiên của lũ trẻ mới tan trường, biết Pa Nang, biết Đakrông đang gắng dựng lại những ngôi trường đổ nát cho con em các dân tộc ở đây có “ cái chữ Bác Hồ”, chúng tôi như tự nhủ với lòng mình: Đừng bao giờ để trái tim ta chai sạn trong áo cơm, danh vị; hãy nuôi mãi cho bền bỉ ngọn lửa nhân ái, nối thêm những vòng tay để cùng góp phần làm ấm lại mỗi mảnh đời cơ cực.

 

                                                                                                                    Nhóm PV. HNM

 

Nhóm PV
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 182 tháng 11/2009

Mới nhất

Thể lệ cuộc thi sáng tác ca khúc Quảng Trị chủ đề “Quảng Trị - niềm tin và khát vọng” năm 2023

16 Giờ trước

Ban Tổ chức ban hành Thể lệ Cuộc thi sáng tác ca khúc chủ đề “Quảng Trị - Niềm tin và khát vọng ” năm 2023, như sau:

Lễ Phật Đản PL.2567 - DL.2023 tại Triệu Phong

27/05/2023 lúc 01:31

 Đó là lời nhấn mạnh trong Thông điệp

Danh dự và niềm tin

25/05/2023 lúc 17:12

Thơ Nguyễn Hà Linh

Quê hương tạc Người; Người trồng cây Hạnh phúc

25/05/2023 lúc 16:59

Chùm thơ Vũ Như Cẩn

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/06

25° - 27°

Mưa

02/06

24° - 26°

Mưa

03/06

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground
Gốm sứ Tâm An