Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ngồi dưới gốc me và nhớ về ngày cũ

M

ỗi vùng đất đi qua, điều khiến người ta nghĩ đến là vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh, nhưng thứ để nhớ lâu, lại là hương vị của những tháng ngày thơ dại. Vì thế, Đông Hà của tôi những năm đầu 90 của thế kỉ trước không có nhiều hoa mộng để làm thơ, nên thế hệ chúng tôi tự trồng hoa cho mình, tự thêu thùa lên mỗi ngày nắng gió trên mảnh đất chang nắng những vẻ đẹp của tuổi hoa hoa niên, vào những nơi mình ghé qua trong mỗi ngày sống, thở và yêu của mình.

Đông Hà có một điểm kỳ lạ, là sau những ngày giải phóng, dường như lớp người cũ đã biến mất đâu đó trong bụi đỏ bay mù. Cột mốc 1989 thành lập lại tỉnh, chúng tôi ngơ ngác về theo cha mẹ, chỉ được nghe tên những địa danh nhắc đến đã thấy hốt hoảng không dám đến đó một mình. Con đường lên Dốc Ma rờn rợn, nơi ngã ba đường Chín nhiều huyền thoại về những chuyến hàng lậu với bao son phấn đêm đêm ra đứng chờ người. Đó là đám xe quá cảnh vung tiền mua vui với rượu ngoại thuốc lá bay vun vút qua cả mùa đói kém. Đó là những con đường leo lét không bóng đèn đường lũ muỗi vo ve hằng đêm trong câu nói “Muỗi Đông Hà ma Cửa Việt” của những ai đã từng ngủ đêm dưới mái nhà trọ nghèo nàn xứ này.

1989. Thành lập lại tỉnh. Lũ chúng tôi, những đứa trẻ đang lớn lên, theo cha mẹ về lại quê hương, tự động làm thành một thế hệ mới lớn tiếp lên trên mảnh đất đã bị xới tung một lớp đạn bom giờ như trỗi mình hồi sinh lại.

Và tuổi hoa niên của lớp trẻ đang lớn lên ấy không có hoa bằng lăng hay phượng vĩ, không mùi hương hoa sữa hay bất cứ thứ gì khả dĩ dệt nên những tấm mộng yêu đương của tuổi mới lớn. Chúng tôi chỉ có gió Lào thổi bạc mặt, có những con đường đất đỏ oằn lưng đạp xe bị gió thổi bạt tưởng chừng gãy cả ghi đông ngày đi về hai buổi. Chúng tôi có nhiều bụi bặm và cũng lắm háo hức. Dường như, cái khổ, cái nghèo, cái khô khan nắng hạn không làm cho tình yêu cuộc sống mất đi vẻ màu nhiệm. Chúng tôi hăm hở dựng nên những chốn đi về đẹp cho thế hệ chúng tôi.

Và một trong những nơi đó, tất nhiên, là mùi vị cà phê hương nồng theo suốt kí ức cho những ai đã từng thả hồn mình theo từng bóng dáng ai kia của một thời mới lớn. Một trong những quán cà phê theo suốt chúng tôi thời đó có tên là Cheo Leo. Thực ra quán không có tên, chỉ là một quán nhỏ làm bằng tre, lợp mái tranh, nằm cheo leo trên mép đường Hùng Vương, giờ là Nhà thiếu nhi tỉnh. Mái quán nhỏ xíu thôi, nhưng được làm thật kì công, có cái cửa sổ đan bằng khung tre hình ô rô thật điệu đà ngay lối đi lên. Ở đó chỉ vừa kê đủ cái bàn nhỏ xíu và hai chiếc ghế. Ngồi nhìn xuống đường thấy xe cộ ngược xuôi, mà bất cứ ai đi lên, người ngồi đó cũng sẽ quan sát thấy từng nhất cử nhất động. Vì vậy, ít ai ngồi đó vì ngại không dám nhìn người, cũng là ngại bởi người đi dưới lên sẽ thấy mình. Nên nghiễm nhiên, chỗ ngồi đó như được đặt riêng cho tôi, một con nhóc lớp 9 sớm biết uống cà phê và chưa hề biết ngại ngần trước ánh mắt thiên hạ. Thị xã lại nhỏ, nên chỗ ngồi không cần đặt biển, cũng mặc định riêng cho con bé tóc xù. Đặc biệt, quán là nơi lưu trú của giọng ca Khánh Ly với những bản tình ca Trịnh Công Sơn buồn thanh nhã. Tôi đã ngồi nghe trong chiều mưa rơi, tiếng người hát thốt lên như lời tình tự nói thay nỗi niềm của những người trẻ tuổi tha thiết với cuộc đời nhưng lại bị chính cuộc đời bỏ rơi. Thời ấy, chúng tôi thường tự lớn lên trong sự bỏ rơi vô tình của cha mẹ. Họ mải mê thời cuộc kiến thiết quê hương. Lũ chúng tôi cũng tự lớn bằng chính tâm hồn mình mỗi ngày mà đôi khi không kịp với hình hài bên ngoài. Nên vĩnh viễn, tâm hồn đó đã vướng víu những vết sẹo mà chỉ có âm nhạc của Sơn giúp xoa dịu.

Cheo Leo là một trong những nơi nuôi dưỡng đời sống tâm hồn chúng tôi với mùi hương cà phê, với thanh âm nhạc Trịnh và màu mưa xuyên qua làn bụi đường làm nên một màu hồng đặc trưng rất đỗi Đông Hà.

Thời gian rồi cũng phai phôi. Mọi thứ không còn nguyên chỗ cũ. Những đứa trẻ chúng tôi giờ đây cũng đã cũ khi về thăm từng con phố. Gốc phượng đã trổ bao mùa bông. Tàng cây đã thay bao mùa lá. Đông Hà đã kịp thêm nhiều thứ để có thể thêu hoa dệt mộng. Nhưng mùi hương cà phê nơi cửa sổ ô rô bằng tranh quán Cheo Leo thuở ấy, làm sao quên được trong đời.

Khi nhớ về Đông Hà, tôi vẫn còn nguyên cảm giác về những món ăn nơi đó. Không cầu kỳ tinh tế như người Huế, cũng không rộng rãi hào hoa kiểu phóng khoáng dư dật Nam bộ, người Đông Hà làm đồ ăn rất thật thà. Chỉ là những thứ có trong vườn nhà, dưới bờ ao bờ ruộng, trong khoảng ruộng quãng sông, có gì ăn nấy. Nên hàng quán bán đồ ăn những năm đầu 90 lập lại tỉnh, cũng đơn giản thật thà như vậy.

Thế hệ chúng tôi, những năm tuổi mới lớn, nhiều người đã từng ít nhất một lần đến Hẹn. Đó là quán chè nhỏ, nằm trong khu vườn giản dị ở con đường đất đỏ nhỏ chút xíu, giờ là đường Lê Quý Đôn. Khu vườn có những gốc cây mít, cây ổi và đẹp nhất là những gốc khế dịu dàng. Buổi tối, Hẹn không có nhiều đèn xanh đỏ, chỉ thắp lên những bóng nhỏ hồn nhiên tỏa sáng từng vòm cây. Quán chỉ bán chè, nhưng thời ấy, bọn mới lớn chúng tôi đến đó như một nơi gặp gỡ, hò hẹn. Chỉ một ly chè nhỏ nhưng khách có thể ngồi cả buổi tối không sợ chủ quán phiền hà. Chủ quán cũng biết ý, đi ăn chè chỉ là cái cớ, lấy đây làm nơi hẹn hò mới quan trọng hơn, nên bao giờ cũng chuẩn bị mỗi bàn một ca nước trà đá to bự, loại một lít. Những buổi tối trời trong, ngồi dưới gốc cây khế ngó lên tầng trời xanh thẫm, những ngôi sao xa xôi nhấp nháy tinh nghịch, những bông khế hiền từ thả xuống vai, xuống bàn màu tím nhạt, tất cả đã dựng lên thành một không gian dịu dàng nuôi dưỡng tâm hồn những đứa trẻ mới lớn ở mảnh đất nhiều thép dây gai hơn hoa hồng.

Trước khi làm một người lớn thật sự, tôi đã giả-vờ-lớn-một-cách-thành-thật biết bao lần nơi góc quán này. Bao giờ cũng vậy, từ ngoài cổng bước vào, đi qua hàng rào được xén bằng chè tàu, bông trang và vài thứ cây cỏ linh tinh trổ hoa một cách cực nhọc dưới lối đi, tôi chọn cho mình chỗ ngồi nhỏ dưới vòm cây đan lại, chỉ vừa đủ kê hai chiếc ghế. Ngồi ở đó những chiều gần tối, cả khu vườn thật yên tĩnh. Tôi có thể nghe được tiếng lách tách của bọn côn trùng rượt đuổi nhau dưới lớp lá khô, nghe thanh âm vọng ra từ nhà bếp những cử chỉ đầm ấm của một gia đình, nghe tiếng đập của loài dơi về tổ. Những thanh âm thật giản dị gợi lên trong tôi những hình ảnh êm đềm của đời sống. Ở đó có chị chủ quán thật hiền, có anh chủ quán luôn cười không nói, có những người khách đến rồi đi thật yên ắng.

Người Đông Hà hồi đó hình như ít nói và nói nhỏ hơn bây giờ. Ký ức quán xá trong tôi là những gương mặt quen thuộc cứ đến, ngồi, rồi lặng lẽ đi. Hẹn là một quán quen được đặt tên bởi những người khách như thế. Không biển hiệu, không pano. Hình như, lúc ban đầu, ngay cả chủ quán cũng không biết tên quán mình là Hẹn. Chỉ là những lời hẹn hò vu vơ tuổi mới lớn dành cho nhau, mà sau thành tên cho một chốn đi về. Rồi ngay cả khi chốn cũ đã đổi thay, những người cũ cũng đã kịp giữ trong mình một ký ức đẹp về những tháng ngày đã từng được sống.

Giờ về Đông Hà nhiều khi không còn nhận ra đường quen lối cũ. Tôi vui khi bắt gặp trên những khu phố mới hình ảnh đám trẻ ríu rít trước những hình ảnh trẻ trung năng động của thời công nghệ 4.0. Nhưng những khi muốn tìm lại mình, tôi vẫn về lại nơi này như một lập trình ký ức được cài đặt tự động. Có những sớm chủ nhật, lái xe một mạch 70 cây số, về ngồi nơi góc quán cà phê có hai cô chủ đang loay hoay bên quầy pha chế, tôi nghe xa vắng ùa về.

Tamarind là quán cà phê có cây me to nhất thành phố, đủ che bóng mát để những người cũ của thị xã ngày xưa tìm về, ghé ngang chút đầu ngày rồi sau đó hòa vào tấp nập, chút cuối ngày để im lặng thả trôi những mệt mỏi rất đời. Tamarind mới ra đời chừng vài năm, nhưng mang dáng dấp hơi ấm của người xưa, từ hai cô chủ nhỏ bước ra từ ngày cũ.

Tôi thích ngồi bên trong khung cửa sổ, chỗ kê bộ bàn salon bốn ghế cổ điển huyền thoại thời bao cấp, nhưng cũng đôi khi, tôi buộc phải bước qua bàn khác, vì hình như đó là chỗ ngồi quen thuộc của cô chủ nhỏ thứ nhất. Đó cũng là nơi cô ngồi lựa những nhánh lá thêm vào bình hoa, nhặt những thứ tưởng chừng bỏ đi để thêm vào ngày mới. Nơi cô lựa ký ức mình để đem ra đãi mọi người.

Nên về ngồi Tamarind, tôi tưởng mình đang về giữa những ngày đang cũ. Về đó, tôi thấy bạn bè mình trong hình hài khác, nhưng vẫn vẹn nguyên một góc nhìn, một ánh mắt, một tâm hồn xưa ấy. Tamarind giữ lại bông hoa khô dại, treo vách tường, để mỗi lần mệt mỏi với bộn bề công việc ngoài kia, bước vào đây, người ta dễ dàng chạm mắt vào cái cũ, mà khơi dậy nỗi bên trong của mình thức lại, để được sống bình yên.

Và cuộc đời, dù hành trình thăm thẳm đến đâu, nếu có một gốc me, để lúc mỏi gối chồn chân hoặc tâm hồn khô khát, bạn ngồi xuống, thật dễ chịu biết bao.

Vậy chần chừ nữa làm chi, hãy mở cửa bước ra, trồng một cây me, để những năm tháng về sau, khi bạn có trở thành một người già đi chăng nữa, đó vẫn là nơi tỏa bóng mát chở che bạn trong cuộc đời.

Đ.H

 

ĐÔNG HÀ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 298 tháng 07/2019

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground