Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ngôi làng văn hiến Hiền Lương

 

  

 

 

P

hải mất nhiều năm sau này tôi mới nhận chân ra được: mỗi làng quê Việt Nam đều hàm dưỡng một lượng phù sa văn hóa bằng sức sống nội tại của mình để khắc nên những dấu ấn đặc trưng, rất riêng; không làng nào giống làng nào cả. Và trong từng ngôi làng ấy, dù ở đồng bằng hay miền núi, dù của người kinh hay người thiểu số cũng đều có những cách sống minh tuệ, mạch nguồn bền bĩ vượt qua thời gian thăng trầm lịch sử để giữ lại cho chính ngôi làng của mình những gì thuộc về giá trị được gọi là Truyền thống. Văn hóa Huế có những ngôi làng như vậy. Với tôi, ngôi làng Hiền Lương thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế bây giờ là một thí dụ.

Khi tiếp cận với những mạch sống văn hóa linh diệu ấy của làng Hiền Lương, nó đã đánh thức ký ức tiềm ẩn trong tôi nhớ về một thời xa xưa, kể từ lúc  người Việt từ châu thổ sông Hồng, sông Mã vượt dãy Hoành Sơn vào đây khai phá, thiết lập thôn trang, sắp đặt bộ máy quản trị thì làng này mang tên Hoa Lang. Trải qua các triều đại nhà Trần, Hồ, Lê, Mạc, chúa Nguyễn, Tây Sơn...nơi đây liên tiếp xảy ra hàng trăm cuộc chiến tranh lớn nhỏ rất khốc liệt, lúc bi thương, lúc hùng tráng để giành, giữ đất và thay đổi thế lực cầm quyền. Mặc dù nằm trong bối cảnh vừa tạo lập, vừa giao thoa văn hóa, vừa phải thích nghi với thủy thổ, vừa phải chiến đấu tự vệ, nhưng làng Hoa Lang lại không ngừng phát triển... Đến thời Nguyễn - Thiệu Trị, do tên làng Hoa Lang ngẫu nhiên trùng tên húy bà Thái hậu Hồ Thị Hoa (mẹ vua Thiệu Trị) mà vào năm 1841, nhà vua đã ban đổi ra thành làng Hiền Lương. Mang tên mới, với khát vọng cát địa xoay chuyển linh mạch sẽ sản sinh nhiều bậc hiền tài lương đống cho nước nhà. Là một ngôi làng Việt thuần nông, song Hiền Lương lại mau mắn sớm có thêm nghề rèn thủ công sinh kế nổi tiếng, nên dân quanh vùng quen gọi bằng cái tên nôm: làng Rèn.

Bây giờ, làng rèn Hiền Lương đứng chân gần bên cầu An Lỗ, cạnh dòng sông Bồ ngầu đỏ phù sa, cách kinh thành Huế chừng 20 cây số về phía bắc. Từ quốc lộ 1A, đoạn qua giữa hai xã Phong An quê nội của cụ Đồ Chiểu và xã Phong Hiền chánh quán nhà cơ khí tài danh Hoàng Văn Lịch. Những ai muốn vào làng đều phải rẽ xuống một quãng và băng ngang chợ An Lỗ, do chợ họp thường xuyên lại chiếm một phần đường tỉnh lộ xuôi về phố Sịa - mà xứ Sịa là địa danh cổ nổi tiếng, trung tâm của huyện lỵ Quảng Điền, quê hương Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà thơ Tố Hữu... nằm gần trấn thành Hóa Châu xưa; nơi ấy cá ngon tôm ngọt, gạo dẻo nếp thơm, cà giòn khoai bở, rượu nồng thuốc đậm lại trắng tàn...Những sản vật sinh trưởng từ đồng ruộng Quảng Điền hương vị khác lạ, ai đã dùng rồi thì rất khó quên, thường được dân xứ Sịa đem lên trao đổi ở chợ An Lỗ.

Vị trí kề cận này ngẫu nhiên tạo cho Hiền Lương thừa hưởng được địa thế phong lưu: “Nhất cận thị, nhì cận giang, tam cận lộ" mà thuận bề cho sự giao thương, phát triển của ngôi làng.

Ngoài địa thế phong thủy tự nhiên, mặc dầu dân làng Hiền Lương lúc đầu phần đông sống bằng nghề nông, sau xen thêm nghề rèn truyền thống; quanh năm lam lũ với ruộng vườn, chợ búa, lò bễ nhưng họ đã sớm biết chung sức xây ngôi đình Trung thờ thần, cất chùa Giác Lương thờ Phật, lập văn chỉ khuyến khích đạo học lễ nghĩa, dựng võ thánh nêu gương khí tiết oanh liệt chống ngoại xâm. Và để con dân trong làng bình tâm hơn nơi miền đất mới, người xưa còn đắp hình kỳ lân nổi lên giữa làng nhằm trấn yểm tà khí. Trước mặt đình làng mở hướng chính Nam lấy theo quẻ Ly của Dịch lý và chọn núi Ba Trục làm án, sau lưng dựa rú Cổ Tháp làm hậu chẩm, tạo nên cái thế vừa uy nghi, vừa quần tụ, lại mang được dáng vẻ tả nghiên, hữu bút tượng trưng cho văn nho tác áng thật là kỳ thú. Tương truyền, khi chọn được cuộc đất tốt để dựng ngôi đình tại xóm An Hội, thầy địa lý có nói với dân làng rằng, đến giờ thượng lương trong xóm sẽ có phát hỏa, cần đề phòng. Dân làng đã cẩn trọng, ấy vậy mà lửa vẫn cứ bốc lên đốt cháy nhà dân trong xóm? Và chính ông cũng đã làm bài thơ miêu tả địa thế, tiên đoán sự phát triển của ngôi làng, nay hương phả còn ghi:

 Lâm Quan chi thủy đáo tiền đường,

 Lộc, Mã hồi nguyên đại cát xương.

 Thiếu niên tảo trạc thanh vân lộ,

 Trù hoạch gia du tá thánh vương.

Bài thơ được thoát dịch như sau: Ngòi nước Lâm Quan đến trước đình/ Núi chầu Lộc, Mã trấn oai linh/ Tuổi thơ theo bước đường sáng rọi/ Giúp nước phò vua trọn nghĩa tình.

 Có lẽ vì vậy mà từ xưa, Hiền Lương đã sớm trở thành một đại làng có văn hiến sáng lạn, phong hóa tốt tươi tiêu biểu của xứ Đàng Trong. Với những thôn trang phường ấp đất rộng, dân đông, ruộng đồng màu mỡ hai mùa đơm hoa trĩu hạt, long mạch ẩn hiện phò trợ mà phát tích sinh ra vô số văn thần túc nho, võ tướng dũng mãnh, thương gia giàu có, kỹ nghệ tinh xảo, người theo đạo Phật thì chân tu; những người chí lớn bền gan thì quyết đi theo con đường học hành khoa cử, để rồi mang tất cả trí lực của mình góp sức xây làng, giữ nước, dựng nên sự nghiệp vẻ vang đã nhiều đời, đến nay tên tuổi của họ còn ghi ở hương phả, chuông đồng, bia đá và đền Trung Nghĩa.

Theo tiến trình di dân mở đất thì Hiền Lương là một ngôi làng Việt sớm, chỉ sau đám cưới Công chúa Huyền Trân với người anh hùng Chiêm quốc Chế Mân một giai đoạn, và trước xa cái thời Đoan Quận công Nguyễn Hoàng đem binh tướng vào trấn thủ Thuận Hóa. Ngôi làng này đã được Tiến sĩ Dương Văn An nhà Mạc xếp thứ 18 trong 53 làng xã của huyện Đan Điền thuộc phủ Triệu Phong, có trước năm 1553 ở sách Ô Châu cận lục. Sử cũ ghi nhận, ngay từ buổi đầu mở đất lập làng, con dân Hiền Lương đã có người cường tráng theo Tham tri chính sự Trương Hán Siêu sửa chữa, đắp lại thành cổ Hóa Châu lập kế phòng thủ tuyến đầu của Tổ quốc; có người dũng mãnh cùng tướng Đỗ Tử Bình đánh giặc ở phía nam sông Thu Bồn; có người tinh thông thuật số phò Hồ Quý Ly khai sơn phá thạch vào tận Thăng Hoa, Tư Nghĩa; có người vác gươm giáo cùng hai cha con Đại tri châu Đặng Tất, Đặng Dung bàn mưu tính kế, dựng cờ khởi nghĩa khôi phục nhà Hậu Trần chống quân xâm lược ra đến đất Đông Đô, thắng trận Bô Cô lịch sử; lại có nhiều người hăng hái gia nhập nghĩa binh Lam Sơn, theo Lê Lợi kháng Minh đến ngày đất nước giải phóng, góp phần mở ra một triều đại mới với bản anh hùng ca bất hủ Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Dưới thời Lê Thánh Tông, khi nhà vua cùng đại binh thân chinh Nam phạt vào mùa đông năm 1470, con dân Hiền Lương lại nườm nượp tòng quân làm mũi tiên phong vượt dãy Cù Mông ghi chiến công ở núi Thạch Bi, Đại Lãnh... Đến nay nhẩm lại, ngôi làng này đã gần b¶y tr¨m năm tuổi. Lịch sử mở đất cũng có thể gọi Hiền Lương là một ngôi làng Việt cổ ở miền Trung theo đúng nghĩa của từ này.

Là một ngôi làng Việt cổ, Hiền Lương sớm có phong tục lễ nghi thuần phác, thượng hòa, hạ mục, trọng việc thờ cúng tổ tiên, tri ơn những người có công, anh hùng liệt nữ, những vị khai canh khai khẩn, dẫn thủy nhập điền, những người học hành đỗ đạt cao... Chẳng hạn như người anh hùng tiền khởi đánh giặc Chiêm đồng thời là vị Bản thổ khai canh Đặc tấn phụ quốc Thượng tướng quân Trần Vực; dựng am lập từ (tiền thân của Giác Lương Tự) công đức Phật sự của Ưu bà di Hoàng Thị Phiếu; xây chùa chuyển địa tìm huyệt phát tích có Đại lang Dương Phước Pháp; quy hoạch thôn trang mở đường mở kiệt thuộc về hai ông Đội Đàng, Đội Điệt; dẫn thủy nhập điền tưới hạn mùa khô, chống úng mùa lũ có Sĩ lang Hoàng Hữu Văn; khai mở đại khoa danh thơm sử sách có Phó bảng Dương Phước Vịnh; cải cách tang ma, cưới hỏi, toản tu hương ước làm đẹp thuần phong nức tiếng Bố chính Trương Quang Toản; kỹ nghệ cơ khí tinh xảo, sáng chế tài năng vượt qua Tây phương có Lương Sơn hầu Hoàng Văn Lịch, Lãnh binh Dương Phước Thiệu, Nhà giáo Trương Quang Sừng; đánh giặc Xiêm khẩu, diệt phỉ Châu Đốc giữ yên bờ cõi, kết làm thông gia với vua Thiệu Trị có Bình Thắng nam Nguyễn Lương Nhàn; văn chương lưu loát để lại nhiều tác phẩm bia ký giá trị ở làng có Cử nhân Hoàng Văn Tuy, Thị giảng Hoàng Đại Cường, Thị lang Trương Như Hy; quan trường phấn đạt đến chức thượng thư tể tướng có Trương Như Cương, Trương Như Đính, Trần Đình Bá tham gia phong trào yêu nước Cần Vương, Duy Tân, Đông Du một lòng sau trước lưu truyền trung nghĩa có Hoàng Văn Huy, Dương Phước Thế, Hoàng Như Huệ; thủ đạo thờ chồng tuổi còn rất trẻ được vua phong biển đề Tiết hạnh tiếng khen muôn đời có Trương Thị Ngoạn, Phạm Thị Tri... và rất nhiều người dày công trạng, đỗ đạt, làm quan thanh liêm được các triều đại trước ban phong tước Hầu, tước Bá, dân làng cúng ruộng hương hỏa, lập miếu thờ riêng...

Đặc biệt, Hiền Lương còn dựng ngôi từ đường thờ vị Tổ sư nghề rèn. Nguyên trước kia, khi mới khai nghiệp ông chỉ là Tổ nghề của Hiền Lương, sau nhiều năm con dân trong làng làm ăn thịnh đạt, hậu duệ phát tiết khắp nơi, nghề rèn do ông truyền dạy ngày càng rực rỡ, sớm trở thành hẳn nghề cơ khí, một nghề không thể thiếu trong bách nghệ. Đúng như người xưa từng dạy: "Ruộng đất bề bề không bằng cái nghề trong tay", từ đó ông được đệ tử và nhân dân suy tôn: Tổ sư nghề rèn của cả vùng Thuận Hóa, cả xứ Đàng Trong; với thụy hiệu do các vua đầu triều Nguyễn sắc phong Tây nhạc Kim thiên Thuận đế, sau lại gia thêm Thái lợi Tôn thần. Ở từ đường, ngoài vị Tổ sư, dân làng còn phối thờ thêm hai bên tả, hữu các ngài tiên sư, tiên hiền có công truyền dạy phát triển nghề rèn truyền thống. Cái nghề vô cùng cực nhọc, nhưng lại chất chứa đầy thi vị và hữu ích đã được danh sĩ  Đặng Huy Trứ - nhà cải cách duy tân đất nước thế kỷ 19 cảm phục, làm bài thơ Nghề rèn phải nhường Hiền Lương ngợi ca (qua bản thoát dịch của thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo):

Nghề rèn nối nghiệp vì đời,

Gần xa đều biết tiếng người Hiền Lương.

Sấm vang tiếng búa Ngô Cương

Bễ lò Thái Ất bốn phương gió đầy

Công lao trời đất đạt bày,

Mưu sinh năm tháng vui vầy vợ con.

Đến mùa, nhà hoá chợ đông

      Hái, liềm, cày, cuốc nhiều không chỗ bày.

Tương truyền vào thời Tây Sơn khởi nghĩa, những dân thợ giỏi của Hiền Lương đã được chính Bắc Bình vương Nguyễn Huệ tuyển chọn, đưa họ vào binh Tượng cuộc Phú Xuân để trực tiếp sản xuất vũ khí, rèn gươm giáo cho Chủ soái, các tướng lĩnh và nghĩa binh áo vải, góp phần quan trọng đánh bại đội quân phương Bắc xâm lược, giải phóng đất nước.

Tiêu biểu hơn dưới thời Nguyễn sơ, một thợ rèn người Hiền Lương là ông Hoàng Văn Lịch, trước giữ chức Cai đội, sau thăng lên Chánh giám đốc hàm Viên ngoại lang, được vua Minh Mạng biệt đãi tấn phong tước Lương Sơn Hầu, đồng thời thưởng kèm theo tiền vàng và rất nhiều bổng lộc khác. Vì Hoàng Văn Lịch có công tinh xảo, cùng thợ thuyền, chủ yếu người làng Hiền Lương ở Sở Võ khố thuộc Bộ Công, mô phỏng lại theo tàu thủy của Tây dương mà chế ra chiếc tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên của Đại Nam, có tên Vụ Phi. Mặc dù lúc bấy giờ ngành cơ khí nước nhà còn quá sơ sài, lạc hậu, yếu kém trên nhiều phương diện trước một Tây dương văn minh, nhưng Hoàng Văn Lịch đã thành công trong việc đặt nền móng cho ngành đóng tàu thủy của người Việt. Để có sự thành công ngay từ bước đầu về “cải cách, mở cửa” và tiếp cận được với tiến bộ khoa học kỹ thuật thế giới, triều đình Huế phải chấp nhận cái giá rất đắt: giáng phạt nghiêm khắc những viên quan “trình tấu thì rất hay, nhưng thực thi lại thất bại” và chi quá nguồn ngân khố quốc gia vốn đã nghèo nàn, để mua tàu từ Tây dương về ứng dụng. Nay Hoàng Văn Lịch cùng thuộc hạ lại tháo tung ra, học theo mẫu của họ rồi chế tác mới, nên tốn kém tăng lên gấp bội. Vì vậy mà trong triều thần, ngoài phủ đệ có lắm kẻ phản đối kịch liệt. Vua Minh Mạng biết chuyện, liền xuống dụ rằng: "Tàu này mua bên Tây về dùng cũng được, nhưng ý trẫm muốn cho công tượng nước nhà học hỏi để tinh thông kỹ thuật, am tường cơ khí, nên tốn phí không kể gì"...

Được ông vua mẫn tuệ, quyết liệt trong việc cải cách đất nước, khích lệ và đầu tư ngân quĩ, giao thực quyền cho Sở Võ khố chủ động; cuối năm 1839 qua đầu năm 1840, Hoàng Văn Lịch đã chỉ huy kỹ thuật, cùng thợ thuyền chế tác thành công thêm hai chiếc tàu nữa, lấy tên Yên Phi và Vân Phi.

Sự kiện này được Châu bản triều Minh Mạng khẳng định: "Tàu chạy rất mau, không kể gió, nước ngược xuôi, không cần người chèo"...

Là một người thợ làm quan, am tường lĩnh vực cơ khí, với niềm tin bất hoại vào chính năng lực nội tại giúp Hoàng Văn Lịch vượt qua sứ mệnh cam go của lịch sử, dám đặt cược cả sinh mạng của mình cùng dân làng Hiền Lương và cộng sự trước công cuộc duy tân chế tạo tàu thủy. Đến triều Thiệu Trị, Hoàng Văn Lịch lại được giao trọng trách làm tổng chỉ huy, đúc thành công Đại hồng chung của chùa Diệu Đế. Đây cũng là quả chuông lớn của Phật giáo xứ Huế có thiền âm sánh cùng tiếng chuông mở đất trên đồi Hà Khê được ngân lên từ chùa Thiên Mụ. Cũng vào thời ấy, song song với việc chế tác tàu thủy chạy bằng hơi nước, Hoàng Văn Lịch còn trui rèn, luyện ra loại gươm rất sắc bén, dầu cây to hàng ôm, cũng có thể chém vài nhát đứt ngay; và chế các thứ súng bắn bằng hơi chứ không bắn bằng thuốc, dùng trong quân đội.

Đánh giá cao những công tích và tài năng xuất chúng của Hoàng Văn Lịch, năm Thiệu Trị thứ 6 nhà vua đã ban cho ông bản sắc phong: "Nay ngươi Hoàng Văn Lịch là Võ khố Đốc công, khua kiếm oai phong, việc binh khí trang bị cho thuộc hạ sắc bén, dạy vẽ nghiêm túc, có tác phong hùng dũng về chiến đấu. Mũ giáp võ phục chỉnh tề theo hầu đã lâu, vất vả có nhiều công lao thành tích ta thấu tỏ đáng khen. Nay đặc biệt phong Minh nghĩa Đô úy, Võ khố Giám đốc, ban thưởng tờ chiếu này trước là để cho tâm lực của người phấn chấn mà tỏ lòng cường lĩnh trung kiên, sau là để thưởng cho người có nhiều công lao với đất nước"...

Hoàng Văn Lịch vốn xuất thân từ dân thợ làng rèn, nhưng bằng ý chí quyết tâm, tìm tòi học hỏi cái mới, dấn thân vì sự khát vọng được sáng tạo mà ông đã tạc nên một thành quả khoa học thực dụng, làm vẻ vang cho cái nghề rèn truyền thống của quê hương. Có lẽ chính vì sự thành công vượt bậc này mà chế độ quân chủ phong tặng cho ông tước Hầu, trong khi rất nhiều vị thượng thư, tổng đốc cùng thời chỉ nhận được tước Nam, tước Tử hoặc tước Bá và hậu thế, nhất là nghề đóng tàu thủy suy tôn ông là: "Tổng công trình sư chế tạo tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên của Việt Nam", qủa thực một trường hợp hy hữu xưa nay chưa từng thấy! Ông mất năm 1848, hưởng thọ 77 tuổi, trên bia mộ còn ghi rõ: Cáo thọ Minh nghĩa Đô úy, Sở Võ khố đốc công, Chánh giám đốc, thụy Tráng dực Lương Sơn Hầu. Hiện ông yên nghỉ tại xứ Động Chiến thuộc nghĩa địa của làng.

Vào đầu thế kỷ 20, khi miêu tả lại cảnh những con tàu này thả xuống nước chạy một cách thần kỳ, mau lẹ hơn nhiều thuyền buồm và thuyền chèo, cụ Thượng thư Phước môn Nguyễn Hữu Bài đã xúc cảm làm bài thơ nôm Ngồi tàu thủy qua biển, trong đó có câu:

  Đầu rồng lướt sóng phun bông bạc,

Chơn vịt quay chèo trổ cánh sen...

Do thiên biến của thời gian và lịch sử, những chiếc tàu này bây giờ không còn nữa, nhưng năng lực tư duy sáng tạo khoa học là một nhân tố văn hóa thần diệu để làm nên sức sống hiện đại của làng Hiền Lương.

Trải qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc chống Pháp rồi chống Mỹ ở thế kỷ 20 của dân tộc, con dân Hiền Lương đã có hàng ngàn người tham gia cách mạng, phục vụ chiến đấu. Và nhờ vốn liếng mẫn tiệp của cái nghề rèn máu thịt do tổ tiên truyền lại mà đa số họ đã trở thành những bậc thầy trong các trường dạy nghề, thợ giỏi trong ngành quân giới, chế tác vũ khí, sáng kiến sửa chữa hỏa xa, máy bay, tàu thủy; chế tạo ra các dụng cụ sản xuất nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động ở miền núi. Cũng chính bằng cái nghề rèn gia truyền của tổ tiên mà họ đã khắc đậm dấu ấn tên làng Hiền Lương của mình vào những chiến công giữ nước. Trong số những dân thợ ấy có nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, hoặc mất đi một phần thân thể; cũng có nhiều người sau này trở thành anh hùng, cán bộ lãnh đạo cao cấp, sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam như Trung tướng Trương Công Cẩn, Trung tướng Hoàng Ngọc Diêu, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Dương Phước Phùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban vật giá Nhà nước Hoàng Trình và còn rất nhiều người khác nữa là nhà hoạt động chính trị, khoa học, xã hội, thầy thuốc, văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà giáo, kỹ nghệ gia, doanh thương tài phú nổi tiếng. Chỉ tính riêng những người đỗ đạt, có học vị cao hiện nay ở trong và ngoài nước đã vượt hơn năm mươi “ông nghè”...Âu cũng là nhờ phúc ấm tổ tiên và mái đình làng phò trợ đã làm rạng danh cho ngạch đất, con người Hiền Lương.

                                                  ***

Nhớ mùa xuân hồi mấy năm trước, tôi về Hiền Lương trong dịp hội làng và dự lễ giỗ Tổ nghề rèn truyền thống -  Ngài Tây nhạc Kim thiên Thuận đế.

Nhờ không khí đất nước đổi mới, hội làng năm ấy mở hai ngày hai đêm, sinh động, giàu tính nhân văn chưa từng thấy sau mấy thập kỷ vừa rồi. Con dân Hiền Lương từ mọi miền đất nước, và ở cả bên ngoài biên giới Tổ quốc trở về đến hơn ngàn người, trong buổi chánh tế linh xưa họ đứng chen nhau, chật ních cả sân đình.

          Để tiếp cận được với những giá trị văn hóa tinh thần mà lễ hội trải dựng nên, đêm ấy tôi quyết định nghỉ lại đình làng cùng với mấy vị khách mời thập phương. Bên đống lửa hồng rực lên bởi những gốc tre già, tỏa ấm giữa sân đình, chúng tôi ngồi vây quanh hầu chuyện, tiếp rượu cùng các vị trưởng họ, các bậc cao niên. Thứ rượu trắng thấm nồng hương lúa mới chưng cất ra từ mạch nước quê nhà, chảy qua ngưỡng cổ, ngấm vào tận cùng trời đất trong đêm hội ở đình làng, lòng tôi reo vang như cảm giác được tiếp nhận thêm năng lượng linh dược nguồn cội từ tổ tiên cho những người con xa xứ  trở về.

Bên đống lửa hồng sắp tàn về sáng. Qua câu chuyện lý thú do mấy già làng kể lại, tôi nhận ra rằng, xưa kia Hiền Lương có những lệ tục kỳ lạ, ít thấy ở làng nào trong vùng Thuận Hóa. Dù thời gian nghiệt ngã xóa nhòa nhiều thứ, nhưng hồn vía của những lệ tục lý thú kia vẫn như còn phảng phất đâu đây quanh lũy tre xanh mà hương chí của làng đã ghi lại. Xin dẫn ra đây vài chi tiết, vẫn được duy trì ở Hiền Lương đến trước 1954.

Là một ngôi làng Việt mang đặc trưng truyền thống văn hóa Huế, từ rất sớm Hiền Lương đã có qui về chế tổ chức hương thôn, cùng các lễ nghi khác để đến triều vua Minh Mạng thì phát triển hoàn chỉnh thành bộ hương ước, làm khuôn phép chung cho từng nhà. Và để hương ước trở nên thiết thực, qua từng thời kỳ, chức sắc cùng các bô lão của làng thường nghiên cứu, cải cách, bổ sung làm cho hương ước ngày thêm phần tiến bộ, phù hợp với nếp sống văn minh trong cộng đồng lµng xã.

Ở Hiền Lương xưa kia, ngoài bộ máy quản trị hương thôn do chính quyền công cử, làng còn thành lập một “Hội đồng Tối cao”. Hội đồng này gồm ông Hội chủ, Thủ bộ, mở rộng đến đại diện các Trùm phe, Trùm xóm, những vị cao niên nhất xóm, nhất làng. Mặc dù chỉ là đầu xóm; đại thần về làng cũng phải gọi họ là Quan Trùm, hoặc Ngài Trùm, và luôn tỏ lòng kính trọng. Chức trùm xóm không câu nệ quan, dân, khoa bảng, đến phiên ai thì người ấy phải nhận lấy mà gánh vác.

“Hội đồng Tối cao” này hoạt động như một “nghị viện thu nhỏ”, có quyền quyết định mọi việc tối trọng của làng. Vậy, xem ra “Hội đồng Tối cao” là một tổ chức mang tính thiết chế dân chủ ở nông thôn xưa thấy tại Hiền Lương.

Và do đặc điểm của một làng nghề, hương ước cũng qui định khắt khe “không cho phép gả con gái ra ngoài làng”, vì sợ đánh mất bí quyết gia truyền; một nhẽ nữa, sợ con gái mình sang làng khác không quen làm ruộng sẽ khổ. Chính vì vậy mà một gia đình ở Hiền Lương thường có quan hệ dây mơ rễ má với nhiều họ, nhiều đời trong làng.

Cũng từ những qui định “vây quanh khép kín” ấy, nên lễ cưới, hỏi lại được giản lược, ít môn đăng hộ đối, cốt ở tinh thần, tránh sự tốn kém nợ nần. Lễ hỏi: nhà gái không đòi tiền bạc, phẩm vật, nữ trang cao sang; mà chiếu theo lệ làng, nhà trai chỉ đi một mâm cau trầu rượu và cặp đèn sáp. Lễ cưới cũng thật đơn giản: nhà trai phải đi cho nhà gái một cặp áo màu, một mâm cau trầu rượu và một con “heo sáu chân”, nghĩa là một con heo rưỡi, phần na con heo thêm là để trình biếu làng xã. Lệ này đến triều Khải Định thì bỏ hẵn.

Của hồi môn con gái về nhà chồng cũng rất lạ. Cha mẹ không trao cho con một chút của nả vàng bạc gì, ngoài một đòn gánh bỉn mấu, một đôi gióng s¸u tao, và hai cái thúng đặc biệt. Tất cả của hồi môn ấy hàm ý sâu sắc những lời giáo huấn vàng ngọc, dạy con từ đây về làm dâu phải lo tròn bổn phận, chăm lo tảo tần, gánh vác giang sơn nhà chồng.

Lễ tang vốn được xem trọng, bỡi chữ hiếu vi tiên, có phần tốn kém nhiều hơn. Hương ước qui định, trừ bữa cơm hiếu dành cho nội thân và những người trợ tang, nhất thiết cấm ăn uống linh đình, từ dân xóm tới quan khách chỉ dùng trầu rượu để tiếp đãi. Gặp hoàn cảnh tứ thân phụ mẫu tạ thế, nếu nhà nghèo thì được phép xin cậy cộ, nghĩa là mượn khéo tiền của bà con để lo tang lễ. Số tiền cậy cộ này là món nợ quan trọng trong đời không thể quên trả; nhưng khi trả với điều kiện là người giúp cộ có tứ thân phụ mẫu hoặc chính người giúp ấy tạ thế. Nếu người cậy cộ quá nghèo không đủ sức trả hết một lần, thì chia ra nhiều lần để trả thông qua bốn đầu tang cha mẹ người giúp cộ; và nếu người nhận cộ mất trước khi chưa trả xong nợ thì con cháu phải lo trả tiếp. Bởi đây là nợ hiếu, đời người không thể làm ngơ!

Hương ước Hiền Lương được lưu truyền qua “sử làng” hoặc bằng trí nhớ của các thế hệ, trở thành mạch sống chảy vào tiềm thức của mỗi người dân, không kể thứ hạng sang hèn. Dẫu là đại thần trí sĩ, hay khoa bảng về làng cũng phải kính nhường các bậc cao niên. Hàng năm, xuân thu nhị kỳ tế lễ, đinh tráng trong làng theo phiên mà gánh việc, không tị nạnh ganh đua hơn thiệt. Mọi chuyện xảy ra va chạm, hiềm khích, nếu dẫn đến kiện tụng thì dân làng tự xử lấy, tránh đưa nhau phiền đến cửa quan.

Người Hiền Lương đi khắp tứ xứ, nếu còn làm dân thợ rèn, thì mỗi tỉnh hoặc ở trung tâm đô thị đều họp thành “hàng kỉnh” kiểu hội đồng hương, nhưng thiên về đồng môn theo một nghề cùng Tổ sư. Họ lập “hàng kỉnh” vừa để thắt chặt tinh thần tương trợ, vừa để duy trì phong hóa của làng, trong ý thức “ly hương bất ly tổ”.

Với việc duy trì sức sống văn hóa ngôi làng, ở Hiền Lương còn có một lệ tục cực kỳ hiếm lạ: lệ “Cấm măng”. Lệ này đã được ghi vào hương phả: “Cứ vào tháng ba, tháng tư hàng năm, bất kỳ nhà nào trong làng hoặc các làng quanh Hiền Lương đều cấm ăn măng tươi, cấm chặt tre già”.

Sở dĩ có lệ cấm như vậy, là bởi măng mọc vào tháng này đều to thân, khỏe mần, gặp thời tiết thuận tất sẽ trở thành cây tre già rắn chắc rất ích lợi. Nếu chặt tre vào thời kỳ này sẽ làm yếu sức nuôi dưỡng đối với măng non, vì tre với măng như mẹ với con vậy. Riêng từ tháng bảy đến hết năm thì dân làng được phép ăn măng tươi, được đốn tre. Đây là thời đoạn ông trời thường gây ra bão lụt, cây măng khó sống, lớn lên còi cọc, ít thành tre tốt, và những cây tre lúc ấy đã già rồi có thể đốn để sử dụng. Lệ tục này được chính vua Minh Mạng phê chuẩn, nâng lên thành phép nước; lưu truyền rộng rãi trong dân gian, với câu nằm lòng rằng: “Tháng bảy vua tha, tháng ba làng bắt tội”.

Nuôi dưỡng bảo vệ măng chính là bảo vệ lũy tre làng, và từ đó, tạo ra sức mạnh cho “phòng thành bền vững” bảo vệ tất cả lối sống của cộng đồng dân cư bên trong lũy tre làng ấy. Lệ “Cấm măng” tuy giản đơn, nhưng đấy là một cách người Hiền Lương thể hiện ý thức và bản lĩnh trong việc bảo vệ những giá trị văn hóa, mà có lẽ rất nhiều ngôi làng Việt khác cũng đều làm như vậy!?

Qua những tháng năm thăng trầm của lịch sử, Hiền Lương bây giờ trở về là một ngôi làng thuần nông rất đỗi bình yên, nhưng trong lòng nó lại ẩn chứa vô số kiềm ấn cội nguồn văn hóa. Và sau những sự bình yên tĩnh lặng ấy, hội làng mùa xuân hàng năm vẫn trải dựng nên nhiều điều lý thú mà mỗi lần có dịp tiếp cận, tôi lại phát hiện thêm ra sức sống mới kỳ diệu, đầy sự quyến rũ của những giá trị đồng nội “đá trôi nhưng làng không trôi”...

 Mỗi bước chân quay trở về nông thôn, thường giúp tôi nhận diện rõ hơn tính phong phú, đa dạng giàu cảm xúc sáng tạo của những ngôi làng Việt; và chính từ những ngôi làng bình yên mộc mạc thân thương kia lịch sử bao đời đã hình thành và nuôi dưỡng, để làm nên sức sống bền bĩ của nền văn hóa dân tộc Việt Nam.       

     D.P.T  

 

 

 

Dương Phước Thu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 154 tháng 07/2007

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground