Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 12/11/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ngọn đèn không tắt

Đ

ầu xuân, trong cuộc gặp mặt những người anh em thân thiết, anh Trương Kim Quy, chuyên viên Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã đọc cho tôi nghe bài thơ “Bến hẹn” anh viết tặng Bà mẹ VNAH Dương Thị Yến, thôn Hà La, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong. Bài thơ với những dòng kết làm xao động lòng người: 

Ngàn thu chờ đợi yêu thương mãi

Trong trắng thủy chung mấy mới vừa... 

Bài thơ anh Quy viết ra dường như chưa nói hết những nỗi niềm tự sự của anh gửi gắm về mảnh đất anh gắn bó, yêu thương bậc nhất, nơi anh đã để lại cả một thời tuổi trẻ đáng nhớ và sôi nổi. Bị những câu thơ anh Quy dẫn dụ, tôi lần theo những câu chữ đầy ắp hoài niệm của anh mà tìm về Triệu Phước.

Đứng trên cầu Bắc Phước nhìn sang, Dương Xuân, Duy Phiên, Hà La, mới đây thôi còn là ốc đảo, cách đất liền vời vợi tay chèo, bây giờ gần gặn lắm với cả một vùng đồng bằng Triệu Phong bát ngát. Dòng Thạch Hãn, khi trôi về phía hạ lưu, ngang thân làng Xuân, Phiên, Hà bỗng trở nên trầm mặc, từng con sóng nhỏ vỗ vô hồi vô hạn vào bến bờ như một niềm thao thức khôn nguôi... 

Ốc đảo này như một chấm xanh giữa bốn bề sông nước trùng phùng. Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, Xuân, Phiên, Hà là một trong những chiếc nôi của cách mạng. Đặc biệt từ năm 1956 đến 1972, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị, Huyện ủy Triệu Phong thường xuyên về địa bàn họat động và được dân nuôi giấu, bảo vệ an toàn. 

Xuân, Phiên, Hà nằm không xa cảng Cửa Việt, nơi một thời là quân cảng của Mỹ- ngụy, một yết hầu quan trọng địch dùng để tập kết, trung chuyển vũ khí, khí tài và các phương tiện chiến tranh, đảm bảo hậu cần cho các lực lượng đồn trú của địch từ Đông Hà lên tận Khe Sanh, Lao Bảo, Cồn Tiên, Dốc Miếu. Do cận kề với khu “tam giác sắt” Cửa Việt, Đông Hà, Quảng Trị, nên vùng đệm Xuân, Phiên, Hà luôn trong tầm lùng sục gắt gao của địch.

Từ năm 1964, chiến dịch phá kềm lan rộng ở nhiều nơi trong tỉnh Quảng Trị, nhiều địa phương ở huyện Triệu Phong, nhân dân đã đứng lên giành quyền làm chủ, trong đó có Xuân, Phiên, Hà của xã Triệu Phước. Thời bấy giờ, ban đêm hoàn toàn thuộc về cách mạng. Ban ngày, địch mới xuất hiện trong tâm trạng bất an bởi phải đối phó với nhiều trận đánh bất ngờ của Quân giải phóng và du kích địa phương. 

Điển hình vào ngày 18/9/1964, cán bộ và du kích xã Triệu Phước phối hợp cùng lực lượng vũ trang huyện Triệu Phong đã chiến đấu với hai tiểu đoàn bộ binh, hải thuyền, xe tăng, máy bay của địch. Kết quả, ta đã đẩy lùi các đợt tấn công của địch, thu nhiều chiến lợi phẩm, làm chủ địa bàn. 

Trước những diễn biến có lợi cho cách mạng, từ thời điểm đó, Xuân, Phiên, Hà là một địa chỉ quan trọng trong tuyến hành lang vận chuyển vũ khí của ta từ miền Bắc vào Quảng Trị. Vũ khí sau khi tập kết ở Vĩnh Linh đã được những con thuyền không số bí mật vượt qua “con mắt thần Mắcnamara” đưa vào vùng Gio Mai, Gio Linh rồi một lần nữa vượt sông vào Triệu Phước.

Từ Triệu Phước, vũ khí lại băng sông để thâm nhập vùng đồng bằng Triệu Phong, Hải Lăng, đến tay những chiến sĩ du kích quả cảm đang ngày đêm hoạt động trong vùng địch hậu, trang bị cho các lực lượng vũ trang diệt ác, phá kềm, mở rộng vùng giải phóng. 

Để đảm bảo cho tuyến hành lang hoạt động thông suốt, hiệu quả, cấp trên đã quyết định thành lập một “Đội hành lang” có quân số trên 30 nam nữ thanh niên khỏe mạnh và một Đội thiếu niên tiền phong 23 em. Đây là lực lượng chịu trách nhiệm tiếp nhận vũ khí, đạn dược, có khi cả quân trang và lương thực từ Vĩnh Linh, Gio Linh chuyển vào bàn giao cho đội Triệu Phong, Hải Lăng... 

Anh Trương Kim Quy nhớ lại: “Ngày 26/3/1965, Đội thiếu niên tiền phong Xuân, Phiên, Hà được thành lập gồm 15 đội viên, đến năm 1967 phát triển thêm 8 đội viên do đồng chí Trương Văn Bảo phụ trách đội trưởng và tôi phụ trách đội phó. Đội có nhiệm vụ nắm tình hình, di biến động, cảnh giới, phát hiện ổ phục kích của địch để bảo vệ an toàn cho cán bộ cách mạng. Sau khi tuyến hành lang hình thành, đội có thêm nhiệm vụ kiểm tra an toàn tuyến đường sông, bến đò, trạm giao liên, tham gia trực đèn tín hiệu cho thuyền vượt sông, vận chuyển vũ khí, lương thực vào tuyến trong, tiếp tế cho mặt trận nuôi quân, đánh giặc. Năm 1967, Đại hội Quyết Thắng của huyện Triệu Phong tổ chức tại thôn Linh Yên, xã Triệu Trạch, Đội thiếu niên tiền phong Xuân, Phiên, Hà được đại hội tuyên dương danh hiệu “Tuổi nhỏ chí lớn”, được tặng thưởng Huy chương Quyết thắng...” 

...Chúng tôi qua cầu Bắc Phước, rẻ xuống con đường làng tắm trong màu xanh tre trúc và tìm đến ngôi nhà của Bà mẹ VNAH Dương Thị Yến. Căn nhà nhỏ khiêm nhường bên giàn bầu đang kết quả. Mẹ Yến đã qua bát tuần nhưng sự minh mẫn và nét tinh anh vẫn làm cho người mới gặp phải nể phục. 

Bỏm bẻm nhai trầu, mẹ kể về những đêm canh đèn để chuyển đạn dược, lương thực qua sông: “Cứ hai ba tối tùy theo đó, khi có “hàng” vào là cất giấu thật kỹ đã con à. Làng trên, xóm dưới, mọi người ai nấy răm rắp vào việc, việc ai người nấy làm, hiệp đồng thật chặt chẽ để làm sao mau chóng đưa “hàng” qua sông càng sớm càng tốt. Đưa được từng hòm đạn, bao gạo xuống bến sông, chất lên thuyền, ngụy trang thật kỹ rồi nhưng phải phát tín hiệu để bờ bên kia biết, khi đó mới xuất bến được...”

- Đêm hôm khuya khoắt, nước rộng sông dài, thuyền nhỏ, “hàng” nặng, trên bom dưới đạn, làm sao bên đưa, bên nhận mau chóng, an toàn được mẹ? 

- Đã nói phải hợp đồng tác chiến thật linh họat mà- Mẹ Yến cười đôn hậu- Khi bốn bề thấy an toàn rồi, mình thắp đèn lên, bờ Nam thấy có ánh đèn, họ bật tín hiệu từ một đến ba lần theo mật hiệu quy ước sẵn, vậy là thuyền từ bờ chở “hàng” lao đi. Cập bờ bên kia, “hàng” đã có người nhận, phân tán, cất giấu, ngụy trang ngay..

- Mẹ có khi nào thử tính đã bao đêm mẹ trực đèn tín hiệu qua sông?

- Làm việc cách mạng, tính toán làm chi con hè. Con thử coi, từ năm 1965 đến 1968 hành lang thông suốt liên tục, nối mạch máu vận chuyển vũ khí từ hậu phương ra tiền tuyến là bấy nhiêu đêm mẹ và bà con trong thôn xóm canh đèn, xuất bến, xuất thuyền. Có những lúc lo thắt ruột. Toàn bộ công tác chuẩn bị xuất bến đã hoàn tất, bỗng bọn hải thuyền ngụy cho ca nô đi dọc sông tuần tra. Đèn pha quét sáng rạng trên mặt sông. Lúc đó, thuyền nào vào được bờ thì nhanh chóng ngụy trang vũ khí, lương thực, thuyền nào đang giữa sông thì tạm thời nhấn chìm che mắt địch. Số vũ khí, lương thực, quân trang, quân dụng còn lại trong bờ thì phân tán, cất giấu ngay. Ca nô giặc đi qua, mọi việc lại tiếp tục tiến hành theo như kế hoạch đã định... 

Anh Trương Kim Quy tiếp lời: 

- Có lần sáng sớm giặc mở cuộc càn quét vào làng, các mẹ kịp thời ra kiểm tra bến sông, thấy sót lại hai két đạn khi đêm chưa chuyển kịp. Các mẹ nhanh chóng đưa rơm đang phơi tấp lên thành từng đống che mắt địch... 

- Có cả những cây súng B40 nữa, muốn cất giấu cẩn mật, không gì hơn là đặt xuống đất rồi đánh vồng khoai lên trên. Khi cần, cứ ra vườn cuốc vồng khoai để lấy- Mẹ Yến rành rọt. 

Chúng tôi cùng mẹ Yến ra đứng bên mép nước bờ bắc Thạch Hãn, đoạn năm xưa người dân thôn Hà La tự mở một bến sông để trung chuyển vũ khí vào vùng đồng bằng. Sông mùa nước đầy, ăm ắp, thăm thẳm, diệu vợi. Bờ bên này nhìn sang bờ bên kia, chỉ thấy một vệt xanh như nét nhòa nơi đường chân trời. Xóm làng hai bên bờ sông thanh bình quá đỗi. 

Chếch phía dưới là chiếc cầu vạm vỡ nối hai bờ, như bắc một nhịp đầu tiên trong bước đi mạnh mẽ vào tương lai của đất này. Bến sông nơi đây, mẹ Yến đã tiễn chồng đi tập kết, tiễn anh con trai duy nhất lên đường nhập ngũ và bao đêm thắp ngọn đèn tín hiệu để giữ cho được tuyến hành lang chiến lược, tiếp nguồn lực quan trọng cho vùng đồng bằng đánh Mỹ, giải phóng quê hương. 

Anh Trương Kim Quy bồi hồi: “Cuối năm 1967 được sự phân công của tổ chức, đồng chí Trương Văn Bảo, đội trưởng lên đường nhận nhiệm vụ giao liên cho Huyện ủy Triệu Phong và bàn giao nhiệm vụ đội trưởng cho tôi. Trước khi ra đi, Bảo tâm sự: “Nhà mình nghèo, hai anh đầu đã hy sinh vì nghĩa nước, anh thứ ba thương binh nặng, hiện đang điều trị tại miền Tây, mình thất học phải đi chăn trâu cho chủ để giúp gia đình. Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, mình hăng hái ra đi không chút bận tâm, Quy và đồng đội ở lại cố gắng làm cho tốt mọi nhiệm vụ của cấp trên giao”... 

Cuối năm 1968 trên đường làm nhiệm vụ mang thư mật cho Huyện uỷ Triệu Phong, Bảo sa vào ổ phục kích của địch. Dưới làn mưa đạn, Bảo đã nhai hết thư mật, nuốt vào bụng để đảm bảo bí mật cho cách mạng rồi bung lựu đạn diệt địch và anh dũng hy sinh. Trần Văn Nhơn- một đội viên kiên trung cũng vậy. Tháng 2/1969 trên đường làm nhiệm vụ, lọt vào ổ phục kích của địch, Nhơn đã chiến đấu và hy sinh anh dũng, xứng danh “Tuổi nhỏ chí lớn” trên quê hương Triệu Phong thành đồng. 

Chiến tranh đã lùi xa nhưng mỗi lần đến ngày kỷ niệm thành lập Đội thiếu niên tiền phong Xuân, Phiên, Hà và ngày giỗ của hai đồng đội là Bảo và Nhơn, 21 đội viên thời ấy còn sống lại tề tựu về bên nhau họp mặt truyền thống, đến nghĩa trang để viếng bạn. Các đội viên đã mang về những cây hoa cẩm tú trồng lên những nấm mồ của đồng đội, để nơi yên nghỉ của bạn, bốn mùa cây lá xanh tươi... 

Tôi mơ ước rồi đây bên bến sông này, sẽ dựng một tượng đài những thiếu niên dũng cảm quây quần bên Mẹ Việt Nam anh hùng với cây đèn tỏa rạng trong tay, ngọn đèn như tấm lòng trung trinh của người dân đất này không bao giờ tắt, đó cũng là cách giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ mai sau bằng con đường ngắn nhất của ánh sáng: đường thẳng! 

Đ.T.T

 

Đào Tâm Thanh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 200 tháng 05/2011

Mới nhất

Bích La Đông: đất và người

6 Giờ trước

Bích La Đông là một trong những làng nổi tiếng của Quảng Trị, có bề dày văn hóa và lịch sử, là vùng đất địa linh nhân kiệt vì đã sản sinh ra nhiều nhân tài cho quê hương đất nước. Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, làng Bích La có nguồn gốc sơ khai tên là Hoa La, thuộc huyện Hải Lăng (gồm 49 xã trong đó có xã Hoa La), phủ Triệu Phong(1).

Tạp chí Cửa Việt khảo sát nhu cầu bạn đọc

10/11/2024 lúc 05:47

Để đáp ứng nhu cầu bạn đọc, tiến tới cải tiến, đổi mới về hình thức và nội dung tờ tạp chí (bản in và trang thông tin điện tử tổng hợp), Ban Biên tập Tạp chí Cửa Việt xin ý kiến của bạn đọc về một số vấn đề để xây dựng ấn phẩm chất lượng, phục vụ bạn đọc tốt hơn.

Kết nối văn hóa, củng cố tình hữu nghị qua giao ban kết nghĩa cụm dân cư biên giới Việt Nam - Lào

09/11/2024 lúc 10:34

TCCVO - Chiều ngày 09/11, tại Nhà sinh hoạt cộng đồng khóm Ka Tăng và khóm Ka Túp (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), hai cặp bản là khóm Ka Tăng (Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị) và Bản Đen Sa Vẵn (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào); khóm Ka Túp (Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị) và Bản Ka Túp 2 (huyện Sê Pôn, Savannakhet, Lào) đã tổ chức buổi giao ban kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới quý IV năm 2024. Đây là dịp tái khẳng định sự đoàn kết, bền chặt của các cộng đồng sinh sống nơi đường biên, trong tinh thần hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.

Huyện Cam Lộ tiếp nhận các kỷ vật của vua Hàm Nghi và ra mắt sách “Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger”

07/11/2024 lúc 09:14

TCCVO - Ngày 7/11/2024, tại Khu di tích quốc gia Thành Tân Sở (thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh

07/11/2024 lúc 03:04

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

13/11

25° - 27°

Mưa

14/11

24° - 26°

Mưa

15/11

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground