Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người thị trấn

Sau mấy ngày lưu lại Praha hàn huyên thù tạc, tôi theo Trần Phong về Trécké Budovítse thủ phủ của Nam Tiệp. Ngồi trong xe Phong vừa cầm lái vừa hào hứng chuyện trò, với anh đã nói là phải hào hứng, không hào hứng thì nói làm gì. Cho nên anh mới có tên là Phong gió, là nói thao thao như gió vậy. Cũng có người gọi anh là Phong Hà vì cô vợ yêu của anh tên là Hà. Phong Hà và Hà Phong gặp nhau ở thành phố này khi hai người còn cùng làm thợ trong một nhà máy. Bây giờ họ đã có hai cháu, Thu Huyền là sinh viên luật năm thứ ba, còn Hoàng Nam vừa vào lớp một niên học này. Họ cũng đã mua được một ngôi nhà hai tầng khiêm tốn nằm ở đầu phố, nấp dưới bóng một cây óc chó đại thụ, cây óc chó là một cây lành mang lại nhiều may mắn cho những ai sống gần nó.
Lâu ngày mới gặp lại nhau tôi thấy Phong như già dặn lên nhiều, thời gian làm cho gương mặt trẻ trung điển trai ngày nào không còn, giờ đã sang tuổi năm mươi thì nó bắt buộc phải nhào nặn anh thành người đàn ông ở độ tuổi ấy, cho dù vẫn còn đang rất phong độ. Vầng trán giô cao hơn, tóc thưa hơn, đuôi mắt đã thấy xuất hiện nhiều nếp nhăn, một bộ ria mép với những sợi cứng như thép tua tủa trên gương mặt đen thó, mới gặp dễ tưởng anh là người Nam đảo. Nhưng anh đích thị lại là người Việt, một người Việt gốc Nam Định lớn lên ở phố thợ Yên Viên giáp sông Đuống.
Phong nói, nước Tiệp có sức hấp dẫn riêng của mình, nó là điểm đến của du lịch quốc tế, rất nhiều người về rồi còn quay lại, có người mang theo cả vợ con xin được định cư.
Có lẽ ngày mai mình sẽ lên thăm một lâu đài được liệt vào hạng lớn nhất, kề ngay đây thôi, rồi chiều về ta tạt vào buffet của hãng bia Búdva làm một vài vại đã được ủ dưới hầm sâu, đây là thứ bia thượng hạng có thương hiệu. Ai đến đây mà chẳng ao ước được ngồi trong quán đó chụp một tấm ảnh mang về khoe với vợ con bè bạn.
Tôi kêu lên, mấy hôm nay đến đâu cũng bia rượu, sợ lắm rồi. Anh muốn chú bố trí cho anh đến chỗ nào yên ắng để còn kịp nghĩ ngợi. Phong gật đầu dễ dàng, có thiếu gì chỗ yên ắng, chiều em sẽ gọi điện cho kỹ sư Trần Bình lên đón anh về dưới gia đình hắn, anh cũng nên hiểu thêm về đời sống thị trấn. Chiều hôm ấy Trần Bình phóng xe đem theo cả bà vợ trẻ và hai đứa con lên nhà Phong ăn cơm rồi kéo tôi cùng về sống ít ngày ở Visibrốt.
***
Nó là một phố huyện vùng biên, từ đây chỉ cần đi thêm vài bước là tới cửa khẩu, có lối qua Lin, thành phố lớn thứ hai nước áo, lại có lối sang Đức, cứ men theo tả ngạn sông Đa-nuýp mà ngược vào miền núi Đét-sau điệp trùng những cánh rừng, ẩn hiện những làng quê, đi chừng hai trăm cây số nữa thế là tới Muy-níc, một trung tâm kinh tế - văn hóa phồn vinh và sôi động trong cộng đồng chung châu âu. Rất nhiều năm trước đây là vành đai ngăn cách hai phe, cảnh giác canh phòng gắt gao, tiếng là vẫn có các cửa khẩu nhưng việc ra vào rất khó. Ngày ngày lính canh hai bên ôm súng lăm lăm nhìn nhau, họ tự hỏi thầm làm sao lại phải thế, rồi lại tự trả lời mình cứ phải thế, không thế không được! Gần đây đã có cách nhìn mới hơn, lại thấy không thế vẫn có thể được, hoàn toàn có thể không cần phải thế. Dân Tiệp tự nguyện lựa chọn cho mình con đường hội nhập, trở thành một thành viên chính thức của cộng đồng châu âu. Các trạm gác, các doanh trại đồn trú được gỡ bỏ trong một đêm, nhiều chỗ nhanh chóng thành hoang vắng, xe cộ ra vào suốt ngày đêm, dẫu có muốn dừng lại xuất trình giấy tờ cũng không biết tìm ai mà trình.
Nhưng cũng xin đừng nghĩ chỉ có vậy, trên thực tế lẩn khuất đâu đó vẫn đang có một đội quân canh phòng nghiêm ngặt, với người Việt, người Thổ, người Ba Lan và người Ukraine thì hãy coi chừng. Cứ vào sâu dăm ba cây số nữa mà xem, công an lập tức ập đến, lập tức sẽ có lục soát. ở đây người ta ghét nhất là buôn ma túy và các hàng nhái, sau đến sợ đám du thử du thực kéo nhau vào rừng kiếm đất trồng cần sa, tiếng lóng là trồng cỏ. Tệ nạn này đang có dấu hiệu lan phát mạnh, bên Anh Pháp trên Hà Lan đều thấy có. Cái cũng làm cho người ta sợ như sợ tà là nạn chui lủi đưa đón người vượt biên trái phép. Tình cảnh rất ái ngại, kẻ trốn lẩn nhục nhã đã đành mà người săn đuổi cũng chả vui sướng nỗi gì.
Đây là lần thứ hai tôi đến Tiệp, ngoảnh lại đã thấy có hai chục năm kể từ lần đến đầu tiên. Lần ấy là đúng vào dịp ở đây đang gọi nhau làm cách mạng nhung, nghĩa là cách mạng mà không đổ máu. Đã quen nghe cách mạng phải là hy sinh đổ máu, làm cách mạng mà sợ đổ máu thì đấy là lũ cách mạng lỗ mồm, cách mạng phòng the, giờ gặp chuyện này tôi lấy làm hồ nghi phân vân lắm. Sáng dậy gặm vội vàng mẩu bánh mì khô, nuốt nhanh một cốc sữa là nhao ra đường. Người ta đi làm cách mạng còn tôi đi xem thử nó ra làm sao. Từ thành thị đến thôn quê đâu đâu cũng cờ xí hội họp, đâu đâu cũng kèn trống, tưởng chả ai muốn ngủ, chả ai còn muốn làm ăn gì nữa. Đến như mấy ông quanh năm say bí tỉ, say quên vợ bỏ con nay cũng đòi lập đảng, tên là đảng rượu bia. Đường phố bừng lên một sức sống, mặt người lấp lánh ánh mắt nụ cười, gặp ai cũng chào vẫy, quen lạ đều chào vẫy. Tôi nhớ mãi một bà lão tóc bạc phơ vừa ngồi sau vô-lăng vừa mỉm cười ném theo cho tôi một nụ hôn. Dạo ấy người ta hay mua tặng nhau những chùm chìa khóa rõ to, trong khi thừa hiểu nhà nhau lúc này chẳng có gì đáng giá để phải dùng nhiều chìa khóa làm vậy.
Trở lại lần này tôi thấy nước Tiệp đang tìm được cho mình một thế ổn định. Không nhiều lời, không giải thích, không cần ầm ĩ tuyên bố Tổ quốc lừng lững đi lên vậy mà nó lại đi lên. Chỉ có đi lên mới thật sự là ổn định, đứng lại là tụt hậu, là cái ổn định giả tạo. Cũng như khi nói định hướng cũng có nghĩa là chẳng đi đâu cả.
Đã thấy xuất hiện một nhịp sống công nghiệp, những dây chuyền sản xuất mới, một cách làm ăn khoa học, bắt đầu từ làm nhiệt điện, đường xá cầu cống xây đâu được đấy, rồi luyện kim, làm ôtô máy kéo máy xúc, đồ gỗ kiểu mẫu hiện đại không ngừng thay mốt, cùng với những téc bia Bờlờden, Búdva, những đôi giầy Bata lỗi mốt nhưng bền không ngừng tiến ra các thị trường. Thử làm một so sánh về tỉ giá hối đoái, mười năm về trước một euro ăn ba mươi kuron, nay chỉ còn ăn nổi hai mươi. Đấy là một bằng chứng có sức thuyết phục nhất. Cật lực và trí tuệ họ đang đi những bước vững vàng giữa một bối cảnh không hề đơn giản.
So với các nước Đông âu khác Tiệp là một nước sớm có truyền thống công nghiệp, đội ngũ công nhân mạnh, nhiều thợ thuyền có tay nghề bậc cao. Ra láng giềng làm ăn những người thợ Tiệp được mến mộ và tin cậy.
Chuyến đi này tôi có may mắn đã được ngồi hầu chuyện một vị giáo sư cao tuổi dạy lịch sử phương Đông, ông cho biết, Nguyễn ái Quốc tới Tiệp từ rất sớm, có lẽ là vào một năm sau Thế chiến thứ nhất. ở đây nhà cách mạng đã kết thân với một người thợ cùng tuổi suốt đời chỉ làm nghề sửa đồng hồ cổ. Về sau hay tin bạn mình đã là Chủ tịch nước, người ấy bèn tự tay làm một chiếc đồng hồ để bàn độc nhất vô nhị nhờ một cán bộ ngoại giao mang sang Hà Nội làm quà tặng cố nhân. Nhiều khi nghèo mà vẫn có thể sang, người xưa tình sâu nghĩa nặng, cốt cách phi phàm.
Trước ngày Sứ đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa có mặt tại Tiệp Khắc thì ở đây đã từng có người Việt đến ngụ cư. Chẳng hạn như giáo sư Thái Thị Liên thân mẫu của nhạc sĩ Đặng Thái Sơn, bà đã sống ở Praha một thời gian trước khi về nước, hàng ngày dạy đàn cho các cháu trong phố.
Tới lúc quan hệ hai nước đã rất gần gũi, hàng năm đều có những lớp thanh niên ta được lựa chọn cử sang đây học tập, nhìn chung đều nên người. Nhưng nếu phải điểm lại cho thật chính xác thì những người đầu tiên được gửi qua bên này lại là một nhóm thiếu nhi, các cháu lên đường từ cánh rừng chiến khu Việt Bắc, sang đây lắm đứa còn khóc nhè vì nhớ nhà, vì không biết ăn kem. Tất cả đều đã được chăm sóc yêu thương, được dạy nói dạy viết, các chủ nhật được các bà dắt về chơi ở nhà mình, các bà hãnh diện khoe với hàng xóm rằng đây là con cái của chúng tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân giao cho chúng tôi dìu dắt.
Những chuyện ấy giờ đã thành xa xôi, năm tháng đã làm cho con người ta già cỗi nhiều, nhưng nếu chưa chết thì cũng chưa thể quên, tất cả vẫn còn nguyên những kỷ niệm yêu dấu.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền ta bên này là anh Vương Thừa Phong, nhiệm kỳ trước anh làm đại sứ bên Anh quốc. Một trí thức trầm tĩnh nghĩ ngợi nhiều hơn nói, nhã nhặn và ân cần. Buổi tôi đến thăm Sứ quán anh đã hỏi, anh có cảm tưởng thế nào khi đến Tiệp? Tôi trả lời ông Đại sứ, đây là một đất nước đẹp, một nhân dân đẹp, khí hậu trong lành, con người khôn ngoan lại trung hậu, chúng ta có thể học hỏi được nhiều. Praha là một thành phố sang trọng và lãng mạn, nó là một bản giao hưởng hoành tráng của kiến trúc đất nung. Nhiều đêm tôi đã đứng ở bờ sông nhìn lên hai phía thành phố, những lớp nhà lô xô hiện ra trong những quầng sáng mờ tỏ khiến lòng tôi xao xuyến và thấy kiêu hãnh cho loài người biết bao. Loài người hoàn toàn có thể và có quyền sống tốt đẹp hơn nữa. Đứng trước Paris nhà thơ Nga Maiacốpxki từng đã thốt lên đầy cảm khái, nếu không có Matxcơva thì tôi sẽ chết ở Paris, bắt chước cách nói của ông tôi cũng sẵn sàng nói, nếu không có Hà Nội thì tôi xin được chết ở đây, Praha.
Quay sang bàn đến chuyện bà con anh em mình đang làm ăn ở bên này, tôi thấy vẻ mặt anh Phong chợt buồn. Buồn là phải, tôi cũng buồn. Ngoại giao bạn vừa có công hàm gửi sang thông báo về việc bắt giữ một nhóm người Việt phạm tội phá rừng câu trộm điện lưới trồng cần sa. Mỗi ngày vài cú điện thoại từ các ngả gọi về, nửa đêm vừa chợp mắt là choàng dậy, rồi gọi các phái viên dặn dò sớm ra phải tìm lên chỗ này chỗ nọ, nắm thực hư và bàn cách giải quyết. Có lẽ vào thời điểm này ít có sứ quán ta ở đâu lại lắm việc hơn ở đây. Khu chợ trên vùng Khép bị công an phòng thuế bổ vây khám hàng lậu. Chợ Sapa có đánh nhau, dây xích quật vun vút vào mặt nhau, dao quắm bổ vỡ đầu nhau. Không ít người lang thang chẳng có nghề ngỗng gì, tiếng tăm cũng không, vốn liếng không, cầu bơ cầu bất là cái chắc. Vậy mà vẫn cứ muốn nhao đi, đâm đầu vay lãi để đi, cứ nghĩ sang đây nhặt đâu chả được tiền, cứ nghĩ ra khỏi nước mình là dễ thở. Sự thật nếu không biết chịu thương chịu khó, không biết người biết ta, không lương thiện thì ở đâu cũng thế cả thôi.
        ***
Một thị trấn êm đềm và dễ yêu như nàng Bạch Tuyết ngủ trong rừng sâu. Các cơ quan hành chính của huyện nằm lảnh trên một ngọn đồi gần nhà thờ Gà trống, còn khu chợ Việt thì nằm trong trung tâm buôn bán. Vài ba dãy phố cũ kỹ nhà liền tường cái to cái nhỏ, cửa kính cửa chớp, ban công, mái lợp đá đen, ngói đỏ, hiên cổng nhô ra nhô vào, đấy là những ngôi nhà có từ đầu thế kỷ trước, có cái nhìn con số ghi năm xây dựng thì hiểu đã có vài trăm năm. Ngoài mấy quán bia, quán cafe lúc nào cũng nhộn nhịp, các cửa hiệu khác xem chừng đều uể oải, mở cửa muộn đóng cửa sớm, nhìn chung phố xá bên này đều thế, lững lờ thanh vắng. Nhiều ngôi nhà từ lúc tôi đến cho tới lúc tôi đi cửa giả lúc nào cũng cài then, chẳng rõ trong nhà có người hay không nữa. Có ba lối vào thị trấn, mặt đường trải nhựa phẳng lỳ, chỉ những lối đi trong trung tâm là được lát đá. Những con đường lát đá chạy lên các đồi cao, tất cả rợp dưới bóng cây mang lại cho thị trấn một vẻ xưa quý giá.
Người các làng lên phố thường dắt nhau đến thẳng chợ Việt, ở đó nhiều hàng lạ, tha hồ chọn, tha hồ mặc cả mà lại rẻ. Họ mặc cả với nhau bằng mồm, bằng tay, gật đầu lắc đầu và cười. Chỉ mấy ông sở thuế mới tẩy chay hàng nhái quyết liệt đến thế chứ bà con các làng thì không hề. Mấy năm trước buôn bán còn dễ, nhất là ngoài đường biên, bà con bên áo, bên Đức kéo nhau sang ôm về từng đống hàng nhái, khen tuy hàng rởm nhưng vẫn đẹp và trên cả tuyệt vời là nó rất vừa với túi tiền dân nghèo. Bây giờ thì khó khăn rồi, bây giờ bảo nhau lùi dần vào sâu, phải ngồi trong cầu trong quán và đăng ký mặt hàng tử tế để còn đóng thuế chứ không được phép trải vội mảnh vải bạt trên cỏ rồi ném tung tóe đống hàng lên đấy. Những ngày ấy mỗi khi có xe sở thuế thình lình ập đến là một phen khắp chợ nháo nhác như gà gặp quạ, các bà các chị hớt hải ôm những thùng hàng chạy tứ tung, cảnh tượng thật nheo nhóc. Khu chợ hôm nay thì khỏi nói, khang trang bề thế. Con đường ra biên giới chia nó thành hai mảnh, bên trái là khu chợ cũ, bên phải là khu chợ mới vừa tổ chức lễ khánh thành tháng trước. Hôm đó dân phố đến dự rất đông, ai cũng trầm trồ khi thấy hàng trăm tà áo dài Hà Nội bước ra vui vẻ chào khách, các bà nhà ta chẳng khác nào tiên giáng trần, chiếc áo dài ông bà để lại xem ra thật lợi hại. Ngài thị trưởng hôm ấy đóng bộ cùng mấy nhân vật quan trọng khác cầm kéo cắt băng mở cổng chợ, và sau đó là một bài diễn văn nồng nhiệt chúc mừng sự phồn vinh của thị trấn. ông khẳng định sự đóng góp có ích của bà con người Việt, đồng thời tuyên dương tấm gương sáng của ông giám đốc chợ Trần Bình, người đã có công đầu khai mở cái chợ này và giờ đây tiếp tục đưa nó lên một quy mô mới. Hàng phố vỗ tay thì thào, khóa tới nhất định phải bầu Trần Bình, người Tiệp gốc Việt, làm dân biểu Hội đồng thị trấn.
Mấy dẫy lều lợp ngói đặt trên một khoảnh đất được trải xi măng rộng rãi, bên cạnh có bãi đỗ xe, phía sau có khu vệ sinh công cộng, cống rãnh thoát nước đàng hoàng. ở mỗi góc chợ có một ông già mũ phớt dạ phì phèo điếu thuốc, cánh tay đeo băng bảo vệ, mắt mũi kèm nhèm. Một cái chợ kiểu mẫu được cất theo thiết kế của kỹ sư Trần Bình và đã được Hội đồng hàng huyện chuẩn y. Chẳng qua nó cũng chỉ là một nơi để buôn bán thêm ổn định, từ tinh mơ sáng đã bảo nhau chất hàng lên xe, sẩm tối giục nhau dọn hàng, tản mát mỗi người một ngả, có người về nghỉ ở những ngôi nhà làm tạm để cho thuê trong các góc rừng, có người phải về xa cả trăm cây số. Vất vả nhất là vào những mùa đông gió tuyết. Trong mỗi quầy quây vuông như cái hộp gạch hàng họ chất cao ngập đầu, quần áo thì móc trên dây, còn đồ tạp hóa la liệt dưới sạp, riêng hàng nhái được nhét kín dưới gầm.
Tại Visibrốt tôi đã gặp vài ba đồng hương. Tôi vừa bước vào chợ là họ nhận ra ngay, vậy mà mình người thì nhớ, người phải đợi chuyện trò hồi lâu mới kịp vỡ ra là ai. Cô chú Xuân Hoàn tay bắt mặt mừng, xa quê gặp được người thân là một cái vui hiếm lắm. Đôi này hồi còn ở nhà học xong đại học kéo nhau về quê công tác, vợ một sở, chồng một sở, đến ngày chia tỉnh bỗng hóa thành kẻ Bắc người Nam. Cô vợ quắc mắt chửi đổng, lúc nhập bảo nhập vào mới có thế mạnh, lúc chia lại bảo phải chia ra mới tìm được thế mạnh. Nói thế nào cũng được, mạnh là mạnh cái con khỉ, không khéo đói cả với nhau. Anh chồng hậm hừ, cứ liều liệu cái mồm ăn nói. Cô vợ càng được thể, tôi đây là gái Thị Cầu, anh nhớ hộ cho, gái Thị Cầu mấy nghìn năm gồng gánh nuôi chồng nuôi con, ngược xuôi chẳng quản, cánh đàn ông ở nhà chỉ việc ôm trẻ tổ tôm tam cúc, ra đường thì áo the khăn xếp, quần chúc bâu trắng, chân xỏ guốc mộc, ung dung chán. Lần này tôi bỏ biên chế đi thăm thú một chuyến xem sao, bố con cứ đợi ở nhà. Rồi cô ấy đi thật, đầu tiên còn qua Đức qua Hung, sau mới quyết định cắm sào ở đây. Đúng một năm sau hiện về, vứt tiền ra mua một miếng đất bảy chục mét vuông ở ngã sáu thành phố Kinh Bắc, bỏ đấy cho chó ỉa hẹn một ngày trở lại, giờ thì phải dắt chồng con lên Bắc Giang chào thày mẹ họ mạc bên chồng rồi mang nhau đi cái đã.
Xuân nói với đứa con trai mười hai tuổi, bố mẹ thân cò lặn lội, sang đây không phải vì tiền, chỉ có một mong ước lớn nhất là con phải quyết chí học hành để sớm nên người, ở bên này nếu muốn học thì người ta cũng biết dạy. Thằng bé lúc ở nhà đã qua lớp năm, sang đây xin ngồi vào luôn lớp sáu, tiếng tăm chưa biết đến cả một câu chào, nhòm vào sách vào vở như nhòm vào miếng bùa chú từ trên trời rơi xuống. Nó ngồi trong một lớp học toàn trẻ con Tiệp, chỉ mình nó ngọ nguậy cái đầu đen đôi mắt đen. Nhiều đêm chong đèn hai mẹ con ôm nhau khóc. Nó kêu giống lên thổn thức, làm sao bây giờ hở mẹ, toán lý còn có những công thức, những con số để con luận ra chứ những môn khác con không thể hiểu nổi! Thằng bé trở nên lì lợm, lắm lúc nhìn nó mà lo, không biết nó đang nghĩ những gì trong cái đầu trọc lốc kia.
Cũng may các thày giáo trong trường là những người biết chờ đợi, họ gần gụi nâng đỡ cháu từng ngày. Đến cuối năm bất ngờ nó bật ra tiếng như người câm biết nói, nói nhanh và chuẩn như mọi đứa xung quanh. Rồi bắt đầu từ đó nó vượt lên thành một trong mấy đứa đứng đầu lớp, kết thúc năm học đầu tiên nó được bằng khen có nhiều cố gắng trong học tập, là một cầu thủ có phong cách trên sân bãi, là quán quân cờ vua toàn khối. Sang cuối lớp bảy, một hôm thày chủ nhiệm lớp lò dò tìm tới thăm gia đình, ông ấy đến để báo tin sắp cho Tùng lên Trécké Buđôvítse để thi vào lớp tám trường chuyên chỉ dành cho các học sinh có tài năng của tỉnh. Mẹ lại ôm con khóc, lần này thì chỉ có mẹ khóc, còn thằng con thì cười. Hôm nó đi thi, hai vợ chồng tiễn chân con ra tận cổng trường, đợi nó leo lên ngồi yên chỗ trên xe thì quay ra chợ.
Một tháng sau ông thày lại đến báo tin, Tùng của ông bà là một trong hai đứa của thị trấn đã trúng tuyển, hết hè này là nó xa nhà, và tôi biết nó sẽ còn đi rất xa.
Mùa hè ấy chính là cái mùa hè mà tôi đang có mặt tại đây, là tôi đang ngồi vạ vật ở một khu chợ xào xạc tiếng người lạ lạ quen quen, ngồi đấy để ngắm nhìn một người đàn bà Việt lam lũ tần tảo và tôi chợt như thấy mình cũng đang muốn được khóc.
Vào mấy ngày cuối Trần Bình đưa tôi đến thăm gia đình Hoàn Xuân Hai vợ chồng đón chúng tôi từ ngoài dốc. Chồng mặc sơmi đỏ thắm, vợ vận váy liền màu rêu, sạch sẽ và sang trọng. Trong ngôi nhà thấp như nhà kho đã thấy nhóm một bếp lửa lớn, củi thông cháy rừng rực, bên trên là nồi cháo gà đang sôi. Những chai bia, những con mực nướng thơm lừng đặt trên bàn. Căn nhà như một cái ống dài, họ đã thuê của gia đình một người lính kiểm lâm, gian ngoài có làm thêm một gác xép, gian trong là buồng ngủ của vợ chồng, sau buồng ngủ là nhà tắm, khu vệ sinh. Những đống hòm xếp thành dãy dưới chân tường. Tôi ngồi đấy trước đống lửa, chả muốn ăn uống gì. Nhìn lên bức ảnh lớn treo trước mặt, một chú bé mặc veston len kẻ carô màu sáng, đôi mắt sáng nhìn thẳng, nét mặt tươi nhưng không cười. Tôi hỏi thằng Tùng đâu? Đáp, giờ cháu đang ở bên ông nội trên đất Lạng Giang. Bọn em cho cháu bay về thăm quê trước lúc nhập trường mới, ở nhà báo tin sang ông nội đang ốm nặng, mong được gặp cháu đích tôn từng ngày, phòng nhỡ có phải đi thì cũng yên lòng.
Tôi thấy Tùng đang nhìn tôi vừa nghiêm trang vừa có chút ngượng nghịu, ở nó có vẻ gì rất giống chú bé cầm tẩu trong bức sơn dầu của Picasso. Tôi hình dung ra khung cảnh quê nhà, một sân ga nghèo, con tàu thở khói bụi mù mịt, một thằng bé phong phanh chiếc áo sơ mi mỏng, chân xỏ đôi bata vải màu trắng đứng ngẩn ngơ ngó trời ngó đất. Rồi cu cậu lội tắt qua cánh đồng, leo lên bờ con sông máng, bóng nó thấp thoáng sau những lũy tre.
Nó ngồi nghỉ chân dưới bóng cây dã hương nghìn năm tuổi, cây dã hương ấy là di sản vẻ vang nhất của quê nhà, là nơi nó đã gửi tuổi thơ mình ở đó, là ông bà ra cổng làng đợi mẹ đợi cha. Là điểm xuất phát của một con đường xa mà nó đang bước lên.những sáng bụng đói meo ôm sách theo chúng bạn đến trường ê a học chữ, là những chiều theo chân 
Đ.C
Đỗ Chu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 180 tháng 09/2009

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

12 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground