Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhà văn Ngô Thảo trong mắt ... ai!

Bây giờ thế hệ những bạn trẻ tuổi “teen” ở Quảng Trị chắc hỏi ông Ngô Thảo là ai chắc ít ai biết, nhưng những ai đã ở vào cái tuổi tứ thập trở lên, đã từng đam mê văn chương, sân khấu , đã qua một thời lửa đạn chiến tranh hẳn không thể không biết đến tên ông.
Nhưng có hề chi, nếu những thế hệ tuổi teen ấy không biết ông Ngô Thảo thì khi nhắc thế này hẳn sẽ nhận ra “tầm vóc” của ông: Công ty BHD-và hãng phim Việt- nơi đã sản xuất ra những bộ phim làm mưa làm gió trên các đài truyền hình mấy năm qua như Bỗng dưng muốn khóc (được chọn là phim truyền hình hay nhất năm 2009), các phim Cô gái xấu xí, Ngôi nhà hạnh phúc (phiên bản Việt)…chính là công ty của con cái ông Ngô Thảo: Ngô Thị Bích Hiền-Ngô Thị Bích Hạnh, chàng rể-đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, cả cậu út Ngô Vĩnh Hoàng du học tại Pháp về…và trong cái công ty ấy ông cũng giữ một vai trò trọng yếu, làm người “giám hộ nghệ thuật” cho công ty. Tôi có đôi lần công chuyện  ra công tác ở thủ đô, tình cờ được ông kéo lên tầng 18 một cao ốc sang trọng ở đường Quang Trung-nơi đặt chi nhánh của công ty BHD ở Hà Nội. Chỉ nội nhìn cái văn phòng rộng thênh thang, nhân viên cả Tây cả ta hơn trăm con người bàn thảo, lên phương án, triển khai công việc răm rắp tươm tất đâu vào đấy mới…khiếp! Mà đó mới là chi nhánh thôi, trụ sở chính của BHD ở Thành phố Hồ Chí Minh còn đông đúc hơn nhiều. Nhìn cơ nghiệp ấy của con cái ông Thảo, nói “con hơn cha nhà có phúc” cũng được, mà nói không có nền móng từ ông thì các con ông khó có thể có được như hôm nay cũng không sai.
Một chân dung vẽ bởi chữ …tình!
Vẽ một chân dung Ngô Thảo cũng thật khó, chính ông cũng từ thừa nhận trong một lần phỏng vấn từ mười năm trước: Khi còn bé là một cậu bé nhu mì, tự ty, hay buồn tủi. Lớn lên là một anh lính tiếp thu được tính gan dạ không vốn có. Hiện giờ là một ông già chưa vẽ nổi chân dung mình, dù chỉ vài ba nét nguệch ngoạc!” .
            Là ông Ngô Thảo khiêm tốn vậy thôi, chứ kẻ hậu sinh là tôi được hầu rượu ông trong vài chuyến xê dịch, khi thì lê lết vỉa hè gió bụi, lúc đến chỗ lanh canh pha lê sang trọng phù hoa… ở đâu tôi cũng thấy người ta dành cho ông sự trọng thị thực lòng, sự trân trọng với một tấm lòng, với sự lịch lãm, từng trải  từ chính con người ông chứ không phải là ông đã từng giữ những cương vị quan trọng hay ông là bố của những đứa con thành đạt.
Những năm sau giải phóng, đứa trẻ nhà quê đói sách là tôi đọc tất tần tật những gì rơi vào tay mình, miễn là nó được in trên giấy. Cái sự đói sách thèm chữ của đứa trẻ nhà quê học cấp 2 là tôi một ngày tình cờ đọc được cuốn “Từ cuộc đời chiến sĩ” của mấy chú bộ đội về ở trọ trong nhà khi các chú đi hành quân dã ngoại, về giúp dân chặt tre làm nhà, đánh vồng khoai… Khi ấy chưa thể có ý thức để nhớ ra tác giả, nhưng đủ khôn ngoan để học từ trong đó những đoạn trích hay ho, khi viết bình giảng văn học, nhất là phân tích hình ảnh anh bộ đội trong thơ Tố Hữu thì  cũng biết đường mà trích dẫn lại vài câu trong đó, rằng: “Nhà văn Ngô Thảo, trong tác phẩm “Từ cuộc đời chiến sĩ”  đã viết…” rồi cứ thế mà tán, mà bình, rồi từ những cuốn sách như thế cũng mon men được vài cái giải học sinh giỏi văn, đậu vào Văn khoa Tổng hợp…
            Rồi khi lên cấp 3, chừng năm 1984-1985 gì đó, khi tác phẩm Cù lao Chàm của Nguyễn Mạnh Tuấn nổi đình nổi đám như một đột phá của làn gió cải cách, đọc được sách rồi, tôi tìm đọc tất cả những bài báo liên quan đến Cù lao Chàm, một anh bạn tôi khi ấy đang là sinh viên khoa Văn Đại học Tổng hợp Huế, mỗi lần về quê lại kể cho nghe vài mẫu chuyện hậu trường văn học. Đứa học trò cấp 3 nhà quê ở cái xứ chưa biết ánh sáng đèn điện là gì đã há hốc mồm nghe kể cái ông Ngô Thảo ấy, trưởng ban phê bình của tạp chí Văn nghệ quân đội mê cuốn Cù lao Chàm quá, viết mấy chục bài ca ngợi cái sự đổi mới này nên đã bị “bay” từ Văn nghệ quân đội về…tạp chí Sân Khấu. Hồi đó, tờ tạp chí Văn nghệ quân đội và báo Văn Nghệ là hai thánh đường văn chương, thấy một dòng tên trên đó đã ngã mũ cúi chào kính phục, huống hồ một ông nhà văn trưởng ban phê bình của cái thánh đường văn chương ấy.
            Nghề báo cho tôi cơ hội kết bạn với nhiều  bạn bè vong niên, từng trải. Có một nhân vật mà kể tên ra hẳn văn nghệ trên giang hồ từ Bắc chí Nam đều biết tên, anh là Lê Nuôi, chồng của diễn viên điện ảnh nổi tiếng Lê Vân. (Giờ thì anh chị đã chia tay nhau). Anh Lê Nuôi gốc Tây nhưng nói giọng Quảng Nam đặc sệt, công dân Canada nhưng quanh năm anh sống ở Việt Nam.Từng đi hết các châu lục, giang hồ qua cả trăm quốc gia, trí tuệ uyên thâm, kiến văn uyên bác, lịch lãm khắp Bắc Nam, bạn bè “đông như quân Nguyên”,  vậy mà khi nhắc đến ông Ngô Thảo, anh Lê Nuôi lại tỏ ra rất nể trọng. Con người ta, cởi cái áo quan trường ra, sống với nhau thế nào, lành dữ thế nào chỉ nhìn cách hành xử là biết ngay. Nên chi cứ suy từ một người  lịch lãm như anh Lê Nuôi mà còn tương kính với ông Thảo đến vậy, nữa là lớp hậu sinh chíp hôi như chúng tôi.
            Khi thì ông Ngô Thảo vào Quảng Trị thăm quê, khi ở Huế, Hội An, khi thì có dịp ra Hà Nội, có khi ở Sài Gòn chỗ nào cũng thấy ông nói cười, hồn nhiên mà thâm hậu, nghĩa khí. Thói đời khi đã làm quan hay nhiều tiền, con người hay ứng xử khác với bản lại diện mục của mình thuở hàn vi, mượn thơ Bergon mà “chế” ra thì đúng là “Ăn nói khác xưa rồi, cười khóc cũng khác xưa..”. Ông Thảo lại khác. Rất khác! Ngồi với ông uống bia cỏ vỉa hè Hà Nội, những người cùng bàn đều tầm tầm trung niên, nhìn cách thức bộ dạng cũng chỉ là đàn em đàn cháu ông Thảo, lấy con mắt trần tục mà xét thì cũng “tầm tầm bậc trung”, chưa nghe danh vị số má gì trong mọi chốn văn chương hay trường đời  giang hồ, nhưng cái cách ông ứng xử, gắp cho người này, rót bia cho người kia, hỏi han người nọ…Cái sự quan tâm chăm sóc trân trọng thật lòng mà chỉ có người trãi đời, hiểu nghĩa lý vô thường mới ứng xử được thế. Có lần ghé thăm tạp chí Cửa Việt, nhà văn Cao Hạnh Tổng biên tập cũng là thế hệ đàn em, nhất mực mời ông đi chơi, dù mời một ly bia, ông Thảo cười khà khà: “Tôi nhận lời ngay, nhưng mà cho Ngô Thảo trả tiền, không phải miềng nói các bạn nghèo, mà vì dẫu gì miềng cũng ở Hà Nội về thăm quê. Mang tiếng từ thủ đô về mà không mời anh em, để anh em mời là không được, đồng ý rứa thì miềng đi!”. Trời ơi! nếu ai cũng như ông thì đời sống tinh thần của chúng ta thăng hoa đến nhường nào!
            Nể ông từ sự lịch lãm, quý ông bởi sự chân tình, rồi mang tất cả những cảm nhận ấy mà quay lại đọc lại những trang đời của ông mới hay ông Ngô Thảo cũng là một “kỳ nhân”. Và như ông cha ta nói, “phúc nhà”-bởi từ cái phúc ấy mà ở tuổi 70 ông vẫn được trời cho một sức khỏe đủ để leo núi, đi Đông đi Tây. Năm rồi, ở tuổi 69, ông cùng với nhà biên kịch Nguyễn Hồ, nhà thơ Nguyễn Duy, đạo diễn Đào Anh Dũng, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn…trong đoàn làm phim của công ty BHD hợp tác với Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV)  lặn lội qua Pháp, qua Algeria, qua Madagascar tận châu Phi xa xôi để làm bộ phim “Đi tìm dấu tích ba Vua” - ba ông vua ấy là 3 ông Vua yêu nước của nhà Nguyễn: Hàm Nghi-Thành Thái - Duy Tân. Tuổi tác ấy, sức làm việc ấy đã là hồng phúc cho ông, một người như ông tự nhận: “Cố gắng không làm điều gì thất đức”.
            Đau đáu một tấc lòng…
Nếu trên đời, nhân gian có một đúc kết “đức năng thắng số” thì ông Ngô Thảo đã được chở che từ phúc ấm tiền nhân để đi qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất, trên một chiến trường ác liệt nhất, sống những ngày lẫm liệt nhất vẫn may mắn bình an trở về sau chiến thắng.
            Cái phúc ấm ấy chính là tình cảm quyết liệt mà ông thừa hưởng từ  hương hỏa tinh thần của gia đình. Mười năm trước, có người hỏi ông rằng: “Câu chuyện gia đình mà Ngô Thảo làm của hồi môn cho con gái con trai sau này đi lấy chồng lấy vợ? Ông Thảo nói đó là bà nội của các con ông- con gái một Hàn lâm học sĩ triều đình Huế, “đã yêu và bỏ tất cả để làm vợ một chiến sĩ cách mạng bị án tù là cha tôi bấy giờ.” Câu chuyện “động trời” ấy xảy ra vào năm 1939-1940, đến nỗi cụ Huỳnh Thúc Kháng, chủ báo Tiếng Dân đã có đôi câu đối tặng cho cuộc tình giữa thân phụ-thân mẫu của ông: “Ừ một tiếng sắt đinh-dù cho vật đổi sao dời, kết tóc giữ nguyên lời ước nguyện / Duyên ba sinh hương lửa, sau lúc mù quang mây tạnh, trông trăng mừng thấy cuộc đoàn viên”. Đầu thế kỷ 20 mà yêu nhau như thế, dấn thân như thế, lên cả báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh như thế phải nói là “chấn động” lắm lắm! Và tình yêu quyết liệt ấy cũng được truyền nối trong huyết quản của chính ông.
            Ông hay hoài niệm về thời trận mạc, không phải lấy quá khứ xương máu của mình đã trải qua chiến tranh để tăng thêm sức nặng cho bản lý lịch đời mình. Ông nhắc nhớ chiến tranh như một món nợ đời người, khi ông còn sống đến hôm nay mà bao nhiêu bạn bè cùng trang lứa đã lặng im nằm lại với đất đai nơi bìa rừng trảng cỏ. Và ông tri ân quá khứ, bày tỏ trách nhiệm với hôm nay không chỉ từ những trang viết, từ những cống hiến trên cương vị quan trọng-Phó Tổng thư ký thường trực hội Sân Khấu Việt Nam hai nhiệm kỳ liền.
            Năm rồi, chuẩn bị 55 năm sự kiện hiệp định Geneve (1954-2009) ông, với tư cách chủ tịch hội đồng hương Vĩnh Linh tại Hà Nội đã gửi về huyện nhà một bản đề xuất tôn tạo khu di tích đôi bờ Hiền Lương này cần được mang một vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp của thống nhất hàn gắn, với đôi bờ sông hoa, với tình cảm của mấy chục tỉnh thành trên cả nước dành cho, không nhất thiết phải tượng đài hoành tráng. Lịch sử Việt Nam đã đi qua dòng sông “cách nhau chỉ một mái chèo” này đằng đẵng hai mươi năm, có tỉnh thành trên cả nước lại không có những con em đi qua dòng sông này? Vậy thì hãy để đôi bờ Hiền Lương được quy hoạch theo hướng “của cả nước”, mỗi tỉnh thành sẽ đóng góp cho bài ca dòng sông thống nhất này những công trình riêng của mình nhưng lại hài hòa trong một chính thể mang tính thống nhất và biểu tượng. Làm được như thế thì cũng là cách “đông tay vỗ nên kêu”, mà lại giải bài toán khó khăn muôn thuở là… kinh phí. Không biết ý tưởng của ông và các nhà lãnh đạo tỉnh, nhất là khối văn hóa đã được đồng cảm đến đâu, nhưng trên cơ sở ấy, câu chuyện của Hiền Lương hôm nay sẽ là một câu chuyện đẹp, và sự góp mặt của các vùng miền trên đôi bờ sông tuyến năm nào sẽ ngân cao hơn những nốt nhạc của bài ca khát vọng thống nhất …
            Mới mấy tuần trước, khi Hà Nội chuẩn bị bước vào năm 2010 - kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội tôi lại được đọc thấy một ý tưởng “rất Ngô Thảo” đăng trên báo Tiền Phong, rằng với Hà Nội đừng bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời để giới thiệu mình với bạn bè thế giới nhân sự kiện “ngàn năm có một”, không nên giới hạn sự quảng bá hay các công trình kỷ niệm ngay tại chính Hà Nội mà nên có sự tương tác với các vùng miền, theo ông Ngô Thảo: “Với phương châm Hà Nội hướng ra cả nước (và thế giới), cả nước (và thế giới) hướng về Hà Nội, không chỉ ở Thủ đô có các công trình kỷ niệm ngàn năm mà khắp các địa phương (tỉnh, thành, đặc biệt các đảo lớn, các quốc gia) cũng cần có các công trình vật chất (không cần lớn) là quà tặng của Hà Nội vừa để kỷ niệm, vừa tri ân miền đất ấy, người dân xứ ấy đã góp công sức, nhân tài đóng góp bảo vệ và xây dựng Hà Nội được như Hà Nội bây giờ. Ngược lại, sẽ có các kỷ vật, công trình khắp nơi gửi về xây dựng ở Hà Nội nhân kỷ niệm ngàn năm định đô.”
            Tuổi “thất thập cổ lai hy” có thể là “lão giả an chi” với ai đó, nhưng với Ngô Thảo, mùa xuân thứ 70 của cuộc đời mà ông cứ hết ngược Bắc lại xuôi Nam. Mấy hôm nay gọi điện hỏi thăm , ông lại bảo đang lang thang tận miệt Cà Mau , Đồng Tháp để săn sóc cho bộ phim “Cánh đồng bất tận”-tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã được công ty BHD mua bản quyền để chuyển thể kịch bản. Và hy vọng “Cánh đồng bất tận” lại gây sóng gió trong lòng khán giả như những phim mà BHD đã từng sản xuất!
            Cái con người hành động như Ngô Thảo nếm trãi cũng đủ đầy hương vị chua cay mặn ngọt của cuộc đời, ấy vậy mà hỏi ông về gia tài quý nhất của mình, ông bảo: “Ngô Thảo và vợ có bạn bè khắp cả nước, đó là tài sản quý  nhất của cả cuộc đời Ngô Thảo.”
L.Đ.D
Lê Đức Dục
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 185 tháng 02/2010

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground