Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhật ký chiến trường

Ngày 07/5

Đường vào không đợi mùa trăng

Hành quân dưới ánh sao băng giữa trời.

Chạng vạng tối, lệnh rời hậu cứ nhằm hướng Tây Nam thẳng tiến. Lúc này trên trời đủ loại máy bay Mỹ quần đảo. Lũ AD6, A37 được  L19, OV10 chỉ điểm gầm rít lao xuống cắt bom, làm bùng lên những đám lửa khói rờn rợn. Mất Quảng Trị, chúng như một đám thú dữ cắn càn bậy bạ.

Cuộc hành quân tăng tốc rất nhanh. Dải đồi bát úp lùi hẳn lại phía sau, cánh rừng già sừng sững như mở vòng tay chào đón. Dốc đứng, đá tai mèo dây leo nhằng nhịt, đường mòn gập ghềnh suối đá chênh vênh. Đường mỗi lúc khó đi, làm mỗi người lính như một dấu hỏi lớn úp mặt xuống con dốc cheo leo. Tôi vác nòng pháo còn dễ đi hơn, thương nhất anh Cử vác càng, anh Cường vác bàn đế. Dưới đất khấp khểnh những mỏm đá nhọn hoắt trơn truội, trên đầu dây rừng dùng dình vướng víu làm họ nhiều lần liêu xiêu ngã rụi. Trời lại tối mịt mùng, chúng tôi phải căng mắt nhớ tìm bóng người đi trước. Lên xuống, xuống lên. Lúc dọc bờ suối lúc ngược sườn đèo, bước đăng trình của chúng tôi mãi đến gần sáng mới tạm dừng chân.

Ngày 10/5

Chiều nay chúng tôi vượt sông Ba Lòng. Có lẽ sau quãng đường chảy quanh co lắm thác ghềnh, sông chảy qua đoạn này chững lại, êm xuôi như lưu luyến đôi bờ. Mặt sông phẳng lặng phô ra bãi sỏi cuội trơn như đổ mỡ. H ơi! H còn nhớ hình ảnh chị lái đò trong thơ Lương An không:

“Thuyền em lên xuống Ba Lòng

Chở người cán bộ qua vùng chiến khu…”

Hôm nay tôi tới Ba Lòng không có bóng dáng chị lái đò, và không có người bản xứ để tìm hiểu ý nghĩa cái tên. Chị lái đò ngày ấy bấy giờ có thể là bà mẹ, nhưng vẫn vững tay chèo và giọng hò vẫn ngọt ngào đằm thắm trong tâm tưởng tôi; khi chúng tôi cứ men theo dòng sông tiếp bước viễn chinh. Tiếng lạo xạo của sỏi đá, tiếng róc rách của dòng chảy như thì thầm hát cho tôi nghe: “Sông Ba Lòng bay bổng lời ca….” của các cô du kích tiếp lương tải đạn.

Chúng tôi nghỉ chân ba ngày sau cuộc hành quân vất vả. Tôi bừng tỉnh dậy sau giấc ngủ ngon lành. Đêm rất khuya bóng trăng ngang mặt võng. Mảnh trăng hạ huyền đẹp như hàng mi H cong vút. Xốn xang nhớ H mà H có biết không?!

Ngày 14/5

Đêm qua, đường dài dốc đứng đã làm cả trung đội bị lạc. Trời tối đen như mực, rồi đá trơn đá nhọn đá gập ghềnh đã làm tôi trượt ngã liên tục và bị sái gân bàn chân phải. Tôi cố lết theo trung đội nhưng không kịp, phải tụt lại một mình. Tìm một hốc đá ven bờ con suối cạn, đặt gánh đạn kề bên, lưng vẫn đeo ba lô, ôm khẩu AK đã lên đạn trọn trong lòng; tôi ngồi bần thần hướng mặt ra suối. Tiếng chim “trót… bóp…” khắc khoải, tiếng côn trùng rả rích, tiếng B52 rền rĩ xa xa, tiếng pháo kích phản âm dãy núi làm tôi nặng trĩu nỗi trống trải cô đơn. Đồng đội ơi! Các anh ở đâu? Ở đâu?

Ước gì tôi mơ. Tôi mơ được bước đi bên H giữa ánh sáng chan hòa, thanh thanh dìu dịu như rắc phấn để cùng nhau đến với lâu đài tình yêu. Tôi mơ được ngã vào lòng mẹ, để mẹ âu yếm xoa dịu nỗi cô đơn. Cuộc đời được mấy giấc mơ… Hãy mơ đi để mà quên nỗi gian nan, nỗi cô đơn đêm nay…

Một tiếng nấc tôi cố cầm nén bỗng bật ra khỏi lồng ngực. Trời ơi! Khóc ư! Sao ta lại yếu hèn như thế này!

Không gian như bị chẻ vụn làm tôi không lúc nào chợp mắt và để có giây phút yếu mềm này. Đời người ai biết trước được đáp án phải không H? Vả chăng đêm qua tôi mới thực sự hiểu trọn cuộc đời người lính!

Đồng đội không bỏ rơi tôi. Mới tờ mờ sáng, anh Hòa và Bảo quay lại tìm tôi rồi dìu về hậu cứ.

Ngày 16/5:

Chúng tôi được lệnh chốt trên một điểm cao để khống chế đôộng Ông Do và cao điểm 367 đề phòng địch đổ bộ đường không... Sáng nay chúng tôi lên đào công sự pháo. Từ trên cao nhìn xuống: Ồ! Đồng bằng! Những thửa ruộng lúa chín vàng không kịp gặt. Kìa! Dòng sông Mỹ Chánh như một dải lụa bạc lững lờ trôi ven theo những quả đồi rung rinh những lùm cây xanh thẫm. Và kìa! Lấp ló những mái nhà lợp tôn trắng nhờ ẩn sau những mảng xanh thôn quê. Cảnh đẹp thế mà tuyệt nhiên không có bóng dáng các nàng thôn nữ thướt tha. Ừ nhỉ! Chiến tranh đã biến vùng này thành chốn hoang liêu cô tịch mất rồi…

Chúng tôi lặng lẽ đào hầm dưới cái nắng cháy và gió Lào rát rạt. Nắng gió quyết liệt tung cái nóng khô kiệt vào mặt, làm chúng tôi mệt mỏi loạng choạng như say rượu.

Ngày 20/5

Thế là đợt Hai của chiến dịch giải phóng Trị - Thiên sắp mở. Chúng tôi rời chốt vượt sông Mỹ Chánh để thực thi nhiệm vụ: đánh địch ở cao điểm 35 – Hồ Lầy – Câu Nhi.

Bắt tay vào làm hậu cứ chắc chắn.

Và rồi trận chiến trên mảnh đất cuối Quảng Trị đầu Thừa Thiên chuẩn bị bắt đầu. Hãy cảm nhận những gì tôi ghi lại, H nhé!

Ngày 23/5

Có lẽ gần hai tháng, hôm nay trung đội mới có buổi sinh hoạt chung. Đơn thuần không chỉ là buổi bình công và kiểm điểm những tồn khuyết trong chiến đấu, mà tôi nghĩ có một chút ngưng đọng của thời gian để mỗi chúng tôi nhìn lại chính mình. Khuôn mặt có phần hốc hác nhưng rắn rỏi pha chút phong trần. Áo sờn vai, đôi giầy sắp há mõm nhưng vẫn bền bỉ bước viễn chinh. Tiếng pháo, tiếng bom, tiếng súng như những hồi chuông thức tỉnh, làm chúng tôi cảnh giác, tỉnh táo và thanh thản hơn. Ừ! Cần phải “làm dáng” cho nhau chứ! Cũng may anh Sán có sẵn cái kéo để anh Chỉ và tôi có đất dụng võ: cắt tóc cho mọi người. Anh Hòa sắp lên trung đội phó, tóc lại thưa nên tôi cắt tỉa khua kéo tanh tách làm anh phì cười: “Cậu chỉ giỏi múa kéo, chả có mớ tóc nào rơi cả”. Anh Sán phải ưu tiên rồi, cắt ngắn gọn gàng để không bị vướng víu khi nhóm bếp nấu cơm.  Khuôn mặt Bảo tròn, trắng trẻo nên tôi cắt tóc kiểu ba phân. Còn tôi anh Chỉ cắt cho, anh bảo: “Khuôn mặt cậu thon nhỏ, tóc lại rễ tre nên tớ húi cua cho khỏe”. Tôi cười nhộn nhạo: “Anh làm mất vẻ thư sinh của em rồi. Nếu có về nhà, người yêu em không nhận ra thì gay quá”…

Nửa buổi sáng, đại đội trưởng xuống kiểm tra và giao nhiệm vụ. Anh có tên rất con gái: Hiền Yên. Dáng anh dong dỏng cao, khuôn mặt rạng rỡ, đôi mắt đen thẫm nheo nheo như lúc nào cũng vẫy gọi. Ngồi bên tôi Bảo thì thầm: “Ông ấy người Hà Tây, lính 65 đấy. Trước khi đi bộ đội là thầy giáo cấp II, chiến dịch Đường 9 – Nam Lào được thưởng Huân chương chiến công hạng Ba”. Quả thật trong những ngày qua, anh chỉ huy quyết đoán chính xác và rất thương lính trong các đợt hành quân gian khổ. Anh nói: “Cuộc chiến đấu sắp tới sẽ ác liệt, vì đơn vị ta là mũi thọc sâu, xa sự chi viện của trung đoàn và sư đoàn. Các đồng chí phải làm trận địa chắc chắn” Anh công bố: anh Hòa là trung đội phó, điều anh Nhất về làm tiểu đội trưởng.

Nửa vầng trăng chênh chếch đằng đông đã lên gần đỉnh đầu. Gọn gàng từ đầu đến chân, chúng tôi xuất kích.

Ngày 24/5

Chốt trên cao điểm 52

Ngày 26/5

4 giờ 20 phút. Cả trận địa bắn chi viện cho bộ binh tiêu diệt một đại đội địch lấn chiếm cao điểm 35.

Ngày 28/5

Sốt cao. Anh Pẩu phải dìu về hậu cứ. Có lỗi với anh Nhất.

Ngày 31/5

Ngày mai lên trận địa. Một nỗi buồn vô cớ. Viết tặng H bài thơ:

H hãy nhận

Tôi không muốn gửi H “Khúc hát Thiên Nga”

biết gửi em những gì

khi ngày mai ra trận.

H ơi! Em hãy nhận

những di – bảo cuối cùng

tôi gửi cho em.

Những trang đời không thể nào quên

tôi viết vội giữa hai đầu chiến trận.

Gian khổ,

Chiến công,

Đau thương,

Và nỗi nhớ em vô hạn.

H ơi! Em cứ nhận

Nó kể em nghe Nhật ký một con người.

Tôi gửi cho H một đôi giầy

đã sờn rách và đầy bùn xứ sở.

Đôi giầy ấy hơn một lần chọn lựa

cùng tôi qua những cánh rừng,

đến những hương thôn.

H hãy nhận đi

nó kể em nghe tuổi đôi mươi

chẳng chơi vơi

trong những cuộc hành quân gian khổ.

Tôi gửi cho H chiếc bi - đông

ở bên tôi như hình với bóng.

Ôi! Những giọt nước

chắt chiu từ gió khô cát bỏng,

đã cho tôi mãn nguyện biết bao lần.

Nhận lấy đi em

nó sẽ kể H nghe đời chinh nhân

triền miên

qua từng cơn khát…

 

Và tôi gửi cho H

những tháng những ngày

chưa trọn ước mơ

nhưng sáng niềm hy vọng.

Những tháng những ngày

dùng mũi súng

tôi gõ cửa cuộc sống.

H hãy nhận đi

một đêm nay

và ngày mai

tôi có thể ngã xuống

để Đất Nước tồn sinh.

 

Ngày 02/6

Sáng sớm, nắng đã đốt cháy mặt đất hắt không khí ngột ngạt vào chúng tôi. Trên cao, chiếc L. 19 đã vè vè đảo lên lượn xuống rồi xoay tròn xung quanh khu vực Mỹ Chánh. Tôi đang cùng Bảo lau máy ngắm thì anh Nhất gọi: “Lợi cùng hai đồng chí của A2, A3 về hậu cứ nhận đạn”.

Chúng tôi luồn rừng men dọc con suối cạn xuôi về hậu cứ. Đi được một lúc thì có tiếng pháo kích của địch. Lúc đầu còn thưa, chỉ nghe  tiếng rít qua đầu. Nhưng chỉ vài giây sau, pháo hạm, pháo dàn ở Đồng Lâm bỗng xối xả dội xuống. “Pháo tọa độ!” tôi kêu lên và như một con chim cắt lao xuống hố bom cũ ven đồi, thì con suối trước mặt đã là bức tường lửa. Đất đá rào rào, cành cây răng rắc, khói thuốc khét lẹt bao trùm lấy chúng tôi. Chợt có tiếng rên rỉ, tôi quay sang trái thấy Ninh A3 nằm sõng soài trên miệng hố bom. Tôi lao đến kéo Ninh xuống. Ninh bị mảnh pháo găm vào bụng máu chảy đầm đìa. Hội A2 và tôi vội xé băng cá nhân băng cho Ninh.

Pháo địch chuyển làn nhưng vẫn không ngớt dội xuống. Hội và tôi vội vã dìu Ninh thoát ra khỏi vùng tọa độ. Đường cực kỳ khó đi, cành cây đất đá ngổn ngang chắn lối. Mãi lúc sau chúng tôi mới gặp bộ phận vận tải. Giao Ninh cho họ, chúng tôi cắt rừng lần tìm về hậu cứ. Vừa về đến nơi, anh Gụ chính trị viên đại đội hai mắt đỏ hoe, giọng rầu rầu: “Pháo địch đánh trúng trận địa. Anh Yên, anh Nhất và Bảo đã hy sinh. Còn bốn anh em khác bị thương”.

Tôi bàng hoàng chết lặng. Một nỗi đau bóp nghẹt con tim. Tôi lặng lẽ đi vào hầm ngồi sụp xuống chỗ Bảo và tôi thường nằm ngủ với nhau. Sao nhanh thế Bảo ơi!

Tôi miên man thì anh Sán đến. Anh đưa cho ăng–gô cơm. “Ăn sao được anh ơi!”. Anh vỗ nhẹ vào vai tôi: “em ăn đi mà lấy sức. Đêm nay lên trận địa đưa anh Nhất và Bảo về”.

Đêm. Dưới sự chỉ huy của anh Cán trung đội phó B3, gồm có anh Sán, tôi, và ba anh em C25 lên trận địa. Có lẽ cuối tháng nên trăng muộn. Trăng nhú lên hình con vàng lững thững leo lên đỉnh tán cây xơ xác. Không gian ngột ngạt khét lẹt, không lửa, không tiếng động, chỉ có bầu trời vàng úa. Chúng tôi lặng lẽ lê từng bước về trận địa đã bị tàn phá xác xơ. Tôi bàng hoàng nhận ra khẩu đội tôi bị pháo địch đánh trúng. Tôi định lao đến thì anh Sán ấn mạnh vai ghìm xuống: “Địch trước mặt”. Tôi nhìn xéo thấy lố nhố một tốp lính ngụy cầm AR – 15 đi đi lại lại trên đỉnh đồi đối diện. Chúng tôi trườn lên thì gặp anh Nhất ngồi tựa lưng vào vách công sự, hai tay dang rộng để trên mặt đất. Áo ngực anh đen bầm một mảng máu khô. Dưới ánh trăng, khuôn mặt anh trắng bệch nhưng thánh thiện, hai mắt khép hờ và đôi môi hơi mở như gửi lời nhắn nhủ. Anh Sán, tôi từ từ nâng anh nằm xuống, cùng xoa bóp mạnh để chân tay anh thẳng, lưng không còng. Tôi quay sang tìm Bảo. Tôi rùng mình, thấy chỗ Bảo và tôi vẫn đứng bắn chỉ còn là hố sâu hoắm đen sì khói đạn. Tôi cảm thấy như có ánh mắt Bảo nhìn xoáy vào tôi. Tôi ngoảnh lên và bàng hoàng nhận ra mảnh áo lính thủy của Bảo lất phất trên cành cây xơ xác. Trời ơi! Bảo ơi! Thi thể Bảo đã tan vào lòng đất miền cháy này rồi sao? Chúng tôi cẩn thận cố gắng lần tìm, nhưng còn được bao nhiêu, Bảo ơi!

Cuộc hội ý xẩy ra rất nhanh, gay gắt và quyết liệt. Anh Sán và tôi kiên quyết đưa anh Nhất về hậu cứ. Còn ông Cán và ba người kia thì mai táng anh tại chỗ vì địch quá gần. Nhìn ánh mắt đỏ khô dài dại của tôi, thấy tôi từ từ nâng nòng AK, anh Cán gằn giọng: “chấp hành lệnh!”. Rồi rút chiếc khăn mặt trên cổ phủ lên khuôn mặt anh Nhất. Lòng quặn thắt, tôi và anh Sán dùng tấm vải võng phủ lên người anh. Chúng tôi khẽ khàng rải từng xẻng đất. Vừa làm vừa lấy tay gạt nước mắt, tôi cảm giác như từng viên, từng viên sỏi đất rơi vào tim mình…

Quảng Trị ơi! Tổ quốc Việt Nam cong cong hình chữ S, mẹ Quảng Trị mang hình dáng lưng còng một nắng hai sương gánh nặng nỗi đau đất nước. Đất mẹ đã bao năm rồi có bao giờ im tiếng súng. Chiếc áo Mẹ mặc lại tả tơi thêm bởi bom đạn quân thù. Và máu! Máu của lần trước chưa kịp khô đi, thì máu của lần sau lại bầm tươi trên áo Mẹ. Và nước mắt! Mẹ đưa vạt áo thấm ngang những giọt nước mắt đắng cay, thì nước mắt sau lại lặng lẽ rơi trên gò má xanh xao của Mẹ. Mẹ ơi! Dòng đời vẫn chảy, nhưng dòng nước mắt Mẹ lại chảy vào tim. Mẹ là huyền thoại của chúng con.

Nước mắt. Trong cuộc chiến khốc liệt này, chúng tôi sợ những giọt nước mắt. Nước mắt dễ làm yếu mềm tâm hồn người lính trẻ. Song, đôi khi chính bởi những giọt nước mắt lại là động lực nâng quyết tâm của người lính cao hơn, quyết liệt hơn. Sự hy sinh của các anh, của đồng đội tất cả vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, và là nỗi đau của các mẹ, của người vợ, của người yêu ở chốn quê nhà…

Vĩnh biệt Bảo nhé! Bảo ơi!

Vĩnh biệt các anh; Hiền Yên, Thống Nhất!

Ngày 18/6

H ạ! Tháng này ở sân trường mình chắc hoa phượng nở rộ. Hoa phượng đỏ ối trên đường H đi. Hoa phượng thắm tươi trên trang giấy học trò. Hoa phượng xao xuyến trước mắt ai. Và hoa phượng lung linh với bao ước mơ và tương lai hứa hẹn…

Hôm nay, có giây phút bình yên nơi chiến trận, tôi bâng khuâng với mùa hoa phượng mà nhớ tới H. “Mùa hoa phượng vỹ như máu con tim…” Ru hồn tôi về ngày hè năm trước, quên đi giây phút căng thẳng nơi chiến trận ác liệt này.

Ôi! Mùa hè năm trước… Ngày ấy tôi đã tốt nghiệp lớp 10. Tương lai tươi đẹp như những bông phượng đỏ thắm đang vẫy gọi. Một lần gặp nhau dưới gốc phượng cổng trường, vào lúc vắng người ấy, H cài bông phượng lên túi áo tôi và mong tôi gặp may khi thi vào đại học. Sau ba ngày thi cử, tôi trở về với kết quả trong tay. Ngày sau H đến. Tôi tặng H một tập thơ chép tay được trình bày khá đẹp. Những bài thơ tình nổi tiếng của các thi sỹ: Xuân Diệu, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Hữu Loan… Rồi H đọc trong đó bài thơ:

Nhà em cách bốn quả đồi

Cách ba ngọn suối cách đôi cánh rừng.

Nhà em xa cách quá chừng

Em van anh đấy! Anh đừng yêu em.

Tôi say sưa nói về cách sử dụng luật xa gần của nhà thơ Nguyễn Bính. Quả là tài tình. Bốn quả đồi, ba ngọn suối, đôi cánh rừng, đâu gần đâu xa? Nhà thơ mượn xa gần của địa lý để nói gần xa của tình yêu. Nhà người con gái ấy xa mà lại gần, nhưng gần mà lại xa. Một thử thách với người con trai. Van anh đừng yêu em, nhưng con tim em mách bảo: Yêu anh mất rồi… H còn nhớ không? Bốn mắt chúng mình nhìn nhau bối rối, như để nhung nhớ hơn một lần cho nhau. Và tiếng ve! Tiếng ve râm ran như vỡ òa trong mối tình thầm kín, xao xuyến mà vụng khờ của tuổi học trò…

Lúc này, văng vẳng bên tai tôi: “Người ơi! Biết đâu mà tìm…” Mùa hoa phượng năm nay, tôi mang mùa hoa phượng năm ấy theo bước đăng trình.

Ngày 22/6

Trên đường hành quân, bất ngờ tôi gặp Thái. Thái khoe: “hôm qua bọn tao bắn tan xác một thằng UH-1A của bọn sư dù”. Đang vui bỗng giọng Thái chùng xuống rầu rầu: “Thằng Tầm, Thằng Sơn chuồn rồi mày ạ!”. Hai chúng tôi lặng đi. “Thôi kệ chúng nó. Ngọn lửa chiến tranh sẽ đốt cháy những thằng hèn yếu. Đi nhé!”

Tôi dõi theo bóng Thái vác nòng 12 ly 7 bươn bả lên dốc mà cảm thấy ấm lòng.

Ngày 28/6

Sau cuộc chiến đấu ở Cái Mương, tôi được phân công kiêm liên lạc đại đội. Đời lính của tôi đã trải qua gian nan thử thách, đau thương và nguy hiểm; nay chắc được mọi người chú ý. Sự chú ý ở đây đánh dấu chặng đường tôi đi, xác nhận sự trưởng thành của tôi trong chiến đấu.

Tôi vẫn gắn bó với nòng cối 82 ly. Bởi nòng pháo ấy thấm đẫm máu đồng đội tôi, đượm một vị mặn mòi của mồ hôi và nước mắt.

Ngày 14/7

Đây là lần đầu tiên tôi được trinh sát địch. Cấp trên giao nhiệm vụ cho đại đội phối hợp với bộ binh tiêu diệt địch đóng quân tại làng Thụy Nguyên (trong bản đồ tác chiến nó được ký hiệu 9K). Anh Ngụ đại đội trưởng và tôi đã chuận bị sẵn sàng. Trinh sát đi trước, chúng tôi bám theo sau.

Trời tối đen, tôi có cảm giác những đám khói mỏng nhẹ lướt trên đầu. Những ngọn đồi in mảng hình cong khum khum như khuôn ngực thiếu nữ. Xa xa, những đám cháy như những lưỡi lửa đỏ liếm vào bầu trời đen kịt. Chúng tôi đi không một tiếng động, lúc thẳng đứng, lúc lom khom, lúc trườn bò, lúc dừng lại nghe ngóng. Truyền lệnh bằng tiếng huýt gió khe khẽ, hoặc bằng cục đất nhỏ ném đi ném lại.

Chúng tôi đi qua nơi mà cách đây hai hôm, tiểu đoàn tôi diệt gọn một đại đội địch. Mùi khăm khẳm theo làn gió lướt qua làm tôi rùng mình. Ngay lúc đó, bên phải lờ mờ hiện ra xác lính ngụy chết gục, đầu vẫn đội mũ sắt, lưng vẫn dính chiếc ba lô. Đi một lúc chúng tôi đến mép bờ con sông nhỏ. Mùa nước cạn, nước chỉ đến ngang đùi. Một con đường tăng của địch xuyên qua, được đánh dấu bằng những cọc sơn màu trắng đỏ. Vượt sông, đi tiếp theo trên con đường mòn đã cũ. Đi được một quãng thì bỗng tiếng AR-15 và M79 nổ “đốp… đốp… toóc… oành…” phía trước mặt. Chúng tôi vội nằm xuống và sẵn sàng chiến đấu. Ít phút sau tiếng súng địch im bặt.

Men theo chân hai quả đồi nữa, chúng tôi tụt xuống một khoảng đất in những luống cày. Lội qua con mương nhỏ, chúng tôi gặp ngay cánh đồng cỏ dại mọc um tùm và hàng rào dây thép gai bùng nhùng. Chúng tôi phải dừng lại, bởi cái làng Thụy Nguyên đã ở trước mặt, chỉ cách khoảng 150 mét. Tổ trinh sát tiếp tục thọc sâu vào làng. Anh Ngụ ghé vào tai tôi thì thầm: “Chú nhớ kỹ đường. Phải đưa pháo vào sát mục tiêu bắn mới hiệu quả”. Tôi căng mắt quan sát.

Làng Thụy Nguyên khá rộng. Nó bám dọc theo đường Một và dài đến hơn một cây số. Mặc dù đêm tối nhưng tôi vẫn nhận ra những mái nhà lợp tôn ẩn hiện sau những khóm tre, cây mít, bụi chuối quanh làng. Không một tiếng “ầu… ơ”, không tiếng gà gáy điểm canh, không tiếng chó sủa ngáp sao… Làng như chìm sâu trong không gian xám xịt và cảnh cô quạnh của chiến tranh tàn phá. Ôi! Làng quê Việt của mảnh đất Trị - Thiên máu lửa…

Trinh sát bám địch đã về. Họ cho biết địch sang bên kia đường Một cố thủ. Các đồng chí cán bộ chụm lại hội ý tác chiến. Cuộc trinh sát tìm địch mà diệt kết thúc. Chúng tôi rời vị trí, nhẹ nhàng luồn về hậu cứ để chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới.

Ngày 22/7

Bước đăng trình của tôi đâu đã dừng lại. Nó vẫn dài theo thời gian, theo chiều dài đất nước, và tôi vẫn đang chinh chiến trên mảnh đất Quảng Trị sục sôi máu lửa này.

Sau những ngày đánh địch ở khu vực Mỹ Chánh, cao điểm 49, rồi về chốt khu vực 105, hôm nay chúng tôi về đánh địch vùng Thị xã Quảng Trị. Đã bao ngày ở vùng rừng núi, ngày đêm làm bạn với rừng, lắng nghe tiếng chim hót va tiếng suối chảy thầm thì. Rồi những ngày chốt trên mỏm đồi thấp, tôi ngắt bông hoa mua cài bên nòng pháo. Trong mỗi lần gác đêm, tôi lặng lẽ nhai những chùm sim tím sẫm mà nghĩ viễn vông.

Hôm nay hành quân về giữ làng giữ đất, lòng tôi xao xuyến một cách kỳ lạ. Chân bước nhanh mắt lại như ống kính máy ảnh thu những cảnh đang trải rộng mông lung.

Chúng tôi hành quân về làng Tích Tường vào buổi chiều tối. Khoảng hai mươi giờ mới vào đến đầu làng. Trăng giữa tháng sáng vằng vặc soi bóng đoàn quân đi. Chúng tôi đi trên con đường cái rộng trước làng, mà bên trái là sông Thạch Hãn lững lờ trôi xuôi. Dòng sông dùng dằng chở trăng ra biển. Ánh trăng lấp lóa mặt sông. Nhưng hỡi ôi! Cái làng ven sông này đâu có còn nguyên vẹn nữa! Bom đạn Mỹ đã tàn phá nó, hủy diệt nó. Ven đường chi chít những hố bom sâu hoắm. Những khóm tre, cây mít, bụi chuối đổ gục xác xơ. Những cây dừa thân đen sạm lỗ chỗ mảnh pháo, lá tả tơi như những manh áo rách tiều tụy. Những ngôi nhà đổ sập, trơ ra những hàng cột xiêu vẹo ngổn ngang. Thật hiếm còn ngôi nhà nguyên vẹn. Trong làng không bóng người dân, không ngọn đèn dầu. Tất cả chìm đi trong bầu im lặng – sự im lặng sau những đợt tàn phá của chiến tranh…

Khoảng hai mươi hai giờ, chúng tôi vào đến vị trí. Súng đã lên đạn, tôi đi thẳng vào ngôi nhà chưa bị đổ nát. Có tiếng chân người, con chó con trước nhà “nhách… nhách…” vài tiếng rồi chui biến đi đâu mất. Ở góc sau nhà, con lợn choai choai “ủn… ỉn…” rồi cũng nằm im. Trong nhà bàn ghế, giường tủ, sách báo, soong chậu ngổn ngang. Tôi đặt ba - lô xuống chiếc ghế, cầm chiếc đèn pin đã thu nhỏ ánh sáng bằng hạt ngô dọi vào căn hầm giữa nhà. Căn hầm rộng, lát gỗ và trải chiếc chiếu ni - lông sặc sỡ. Trên chiếu còn để lại chiếc gối, bộ ấm trà, vài cái cốc nhựa và cây nến đã cháy già nửa. Trong hầm còn có hai cái thùng phi, một cái va - li. Tôi ngỡ trong hầm còn có người ở. Nhưng không, họ di tản hết rồi!

Nghỉ một lúc, chúng tôi bắt tay đào công sự pháo. Trên đường, tôi không ngờ tìm thấy quả mít đã chín vùi trong đống rơm con con. Ồ! Mít. Đã mấy tháng nay không được ăn mít. Chà! Thật tuyệt. Những múi mít thơm lựng, ngọt ngào làm tôi chợt nhớ về quê hương với hương vị đậm đà và thân quen này…

Ngày 23/7

Theo thói quen của người lính, tôi dậy rất sớm. Bước ra khỏi hầm, tôi khoan khoái vươn vai hít thở không khí gần gũi trong lành của thôn quê. Chắc giờ này ông mặt trời vẫn ngủ, phương đông chỉ là một dải hồng tía. Những làn gió mát nhẹ từ sông Thạch Hãn đưa về mơn man trên da thịt…

Tôi bàng hoàng đứng nhìn cảnh đổ nát của làng. Nhưng bom đạn Mỹ không thể hủy diệt hoàn toàn sự sống ở đây. Vẫn còn những cây bưởi cây cam sum suê ôm những trái quả tròn nặng đong đưa. Vẫn còn những cây mít đầy quả căng tròn. Vẫn còn những vườn ớt chín đỏ ối. Và ven sông trên cánh đồng cỏ, đàn bò đông đúc vẫn gặm cỏ ngon lành.

Một làn gió mạnh thổi qua làm đống giấy má bay tung tóe. Bỗng tôi chú ý đến một cuốn sổ màu xanh in hai chữ “gia đình” đậm nét. Tôi nhặt nó lên và được biết đây là gia đình bà Nguyễn Thị Tâm ở làng này – làng Tích Tường, xã Hải Lệ, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Chồng bà đã chết và chỉ có ba người. Bà, cô con gái đầu 17 tuổi, cậu con trai 14 tuổi. Chắc chẳng ai được học hành tử tế, bởi thay bằng chữ ký là những dấu vân tay điểm chỉ.

Các chiến hữu của tôi đã thức dậy. Với cái tính hay đi hay tìm hiểu, tôi khoác AK rủ anh Hòa đi kiểm tra quanh trận địa cùng mục đích tìm kiếm ít rau tươi. Hai anh em đi vào mấy căn nhà đổ mà chỉ thấy bàn ghế, quần áo, bát đĩa ngổn ngang. Ở mấy mảnh vườn, góc thì giấu chiếc xe máy Honda đỏ chót, góc thì giấu mấy cái quạt điện, chỗ thì giấu chiếc máy khâu và vài ba cái xe đạp. Nhưng nhà nào cũng vậy, có mấy chiếc thùng phi cỡ lớn trong đựng toàn khoai lang khô và bột ớt. Bí xanh, bí đỏ thì khá nhiều. Bí lổn nhổn trong nhà ngoài vườn. Bí lăn lóc xó bếp  góc sân. Vô tình tôi tìm được thùng mỡ Mỹ nặng đến 2,5 kg. Chà! Bữa nay có món bí xào mỡ!

Đến gần trưa đợt pháo kích địch bắn dọc theo con đường trước làng. Chắc lại có vài chú bò bị trúng pháo đây! Mà đúng thật. Ba con bò bị thương nằm sõng soài kêu lên “be… be…” thê thảm. Chúng tôi được bữa thịt tươi.

Ăn trưa xong, tôi lại tiếp tục cuộc “trinh thám”. Vào một ngôi nhà khá to, nhặt một cuốn sổ bìa màu hồng bầm đã nhàu rách, tôi nhận ra đây là nhà tên xã trưởng. Góc nhà, sổ sách giấy má vô số. Có đống còn gói trong bao tải, có đống đứt dây xổ ra tung tóe, tôi xem thì đó là giấy tờ của thiết đoàn 17 ngụy. Ở giữa nhà, lù lù một đống phủ đất to tướng. Tò mò, tôi dùng cái cọc nhọn bẩy bẩy. Mấy hộp sữa nhãn hiệu Kim Cương lòi ra. Chúng tôi khai quật nó và thu được gần trăm hộp sữa, ba két thịt hộp Mỹ.

Tôi thích sống ung dung, mặc dù đang đứng trên ranh giới giữa cái sống và cái chết. Căn hầm của chúng tôi nằm dưới khóm tre, lúc nào cũng râm mát. Trong hầm gọn gàng, sạch sẽ. Có chiếu trải, có lọ hoa, có ngọn đèn dầu. Tôi khệ nệ vác về cái bàn và mấy cái ghế. Bàn dùng để ăn cơm, uống trà trong lúc ngưng bom đạn. Chúng tôi có đủ bộ ấm trà, phin pha cà phê. Ung dung thật! Sáng uống sữa, nhấm nháp tách cà phê. Sau mỗi bữa cơm ngồi uống trà sông Hương, hút thuốc lá Rubi Quyn hoặc Bát tô. Ung dung quá!

Ngày 26/7

Chúng tôi được lệnh phối hợp với đơn vị bạn chặn đánh địch ở khu vực La Vang. Khoảng bốn giờ chiều, anh Ngụ và tôi được trinh sát dẫn đường đi tìm vị trí!

Chúng tôi đi về cuối làng Tích Tường. Từ xa tôi đã nhận ra Thị xã Quảng Trị. Chiếc cầu sắt bắc qua sông gãy gục. Ba chiếc AD – 6 thay nhau cắm đầu cắt bom, làm bốc lên những cột lửa khói cuồn cuộn. Đi qua căn cứ pháo binh Gia Long. Phải đến 7 – 8 hàng rào dây thép gai bùng nhùng. Nhà bọn lính, trận địa pháo như nằm gọn trong lòng các quả đồi. Toàn bộ căn cứ bị pháo ta đập nát tan tành. Xác nhà, xác xe, xác pháo và hàng đống cát – tút đen xỉn, ngổn ngang.

Vượt qua bãi nghĩa địa lô nhô thập ác, chúng tôi vào cái làng trước mặt. Hỏi anh em trinh sát thì được biết đây là làng Như Lệ - một làng “kiểu mẫu” của ngụy ở tỉnh Quảng Trị. Dân công giáo toàn tòng và là người xứ Bùi Chu, Phát Diệm di cư. Đến chạng vạng tối chúng tôi mới tới La Vang tả. Ngay lúc đó tôi quay về hậu cứ dẫn đường cho trung đội lên chiếm lĩnh trận địa.

Trận địa đặt trên sườn một quả đồi cao nhất trong dãy đồi bát úp. Toàn sim mua và thành hào. Đất đá ong cứng khô khốc làm chúng tôi phồng cả tay. Tuy nhiên, đây là vị trí chốt chặn quan trọng, khống chế nơi hiểm yếu. Phía trước mặt là ngã ba từ đường Một đi vào Thị xã. Phía tay phải là ngã ba đi vào khu vực nhà thờ La Vang, mà bây giờ chỉ còn một bức tường nham nhở gắn với tháp chuông đổ nát. Phía sau lưng là dòng Thạch Hãn trôi xuôi.

 

Không hiểu tại sao, mới hơn chín giờ tối bỗng im tiếng súng, tiếng pháo, tiếng máy bay Mỹ gầm gào. Yên ắng một cách kỳ lạ. Và, thật bất ngờ trăng sáng quá! Đã lâu rồi tôi không nhớ ngày âm lịch, nhưng chắc chắn đêm nay là đêm qua rằm. Trăng tròn treo hờ hững trên bầu trời lấp lánh ánh sao. Trăng mười sáu như bỏ ngỏ tình yêu cho anh lính trẻ. Bất giác tôi lặng lẽ quay mặt hướng về dòng Thạch Hãn. Sông như cởi yếm để lộ cái khuôn vàng huyền ảo của trăng. Gió mát rượi đắm đuối trên da thịt. Giá mà có H… Ôi! Không thể! Tiếng ầm ì nặng nề của lũ B52, ba loạt bom tọa độ vang rền dãy núi phía Tây, và hàng loạt tiếng gầm rú của pháo dàn dội xuống thị xã đã phá đi tất cả, xóa đi tất cả giây phút mộng mơ chợt đến trong tôi…

(Hết phần II) 

N.T.L 

Nguyễn Thiện Lợi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 212 tháng 05/2012

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

3 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground