Ngày 27 – 7
Bàn giao chốt cho đơn vị bạn, chúng tôi hành quân vào thị xã Quảng Trị lúc nửa đêm. Trăng lúc mờ lúc tỏ, thị xã hiện lên mờ ảo phảng phất những gì xa xưa huyền bí. Không! Thị xã có ngôi thành cổ và những chiếc hầm bí mật mà tôi đã gọi là xa xưa huyền bí được sao? Thị xã không phải là thành quách của các vị thần trong thần thoại Hy Lạp; không phải thành có cây đèn thần mà Ala đin đang đi đến! Thị xã là hiện tại, là sự thật. Sự thật là chúng tôi đang đi vào kiên cường đứng chốt. Sự thật là bom đạn Mỹ ngày đêm xối xả dội vào thị xã để hủy diệt nó, biến nó thành đống gạch tàn.
Đường chúng tôi vào chỉ là những đống gạch vụn ngổn ngang và khét lẹt thuốc bom thuốc pháo của trận oanh tạc vừa qua. Cả thị xã, lúc này chìm đi trong im lặng. Sự im lặng của lòng kiên cường, của thử thách. Và, phải chăng đó là sự im lặng man rợ của thần chết như con rắn độc đang cố tình ám hại chúng tôi…
Ngày 28 – 7
Tôi hay đi. Không! Tôi không phải là người vô tổ chức. Nhiệm vụ kiêm anh lính liên lạc đã cho phép tôi, hay nói đúng hơn là phải đi lại giữa chiến trận ác liệt suốt ngày đêm không ngưng tiếng bom đạn này. Đêm qua, do nhận nhiệm vụ gấp nên chúng tôi chưa chuẩn bị đầy đủ, tôi được phái đến đơn vị bạn vay ít gạo về nấu bữa cơm trưa.
Trận địa chúng tôi đặt tại ngôi nhà số 137 phố Trần Hưng Đạo. Từ đây dọc theo đường phố, tôi men theo vỉa hè đi sâu vào thị xã. Chân bước đi, mắt không ngừng lia ngang lia dọc “chụp” cảnh đổ nát của thành phố trong chiến tranh, nhưng tai lại như chiếc ra–đa sẵn sàng bắt mục tiêu những quả pháo kích bất ngờ.
Các ngôi nhà dọc phố đều sứt mẻ đổ nát. Có những đoạn ở ngã ba ngã tư chỉ còn là đống gạch tàn. Hố bom hố pháo chồng lên nhau. Bên cạnh những hố bom hố pháo đất xám là những hố bom hố pháo đất mới khét lẹt mùi thuốc. Đường phố ngổn ngang mảnh tôn, sắt thép, dầm gỗ, gạch vụn, dây điện đứt và lỗ chỗ lổ thủng do bom đạn. Những cột điện vô tri nhằng nhịt vết thương, các đoạn dây đứt rả xuống trông như những tà áo rách tả tơi. Tôi đi qua ngôi nhà thờ nhỏ trên đường Phan Châu Trinh. Trong nhà thờ bàn ghế cầu nguyện trúng pháo địch gãy ngổn ngang, tranh ảnh Chúa rách nát rơi rụng. Chắc chúa Jesu lại bị bom đạn Mỹ hành hình, trên thân thể người vẫn đang rỉ máu! Và trái tim đức Mẹ bị mảnh bom mảnh pháo Mỹ như những mũi kiếm xâu xé…
Tôi đang đi thì bỗng quả pháo “xoẹt” qua đầu. Theo bản năng tự vệ sẵn có của người lính, tôi vội nằm xuống. Chắc lại có đợt pháo đây! Tôi lao nhanh vào căn hầm trong nhà gần đó thì những quả tiếp theo nổ chát chúa xung quanh. Mảnh pháo văng tứ tung trên các miếng tôn, các nóc nhà làm phát ra những âm thanh ghê người. Có mảnh víu víu, xoèn xoẹt rồi làm đánh “xoảng” xuống cái tủ kính. Khói đạn, khói gạch đá vôi vữa bay mù mịt. Ngồi trong hầm tôi bịt tai lại, chẳng thèm nghe tiếng rú, tiếng nổ cuồng loạn của những thứ giết người đó.
Ngừng đợt pháo, tôi ra khỏi hầm và ngó nhìn ngôi nhà này. Nhà có mấy phòng nhỏ nhưng đã sập một góc bên trái. Có đến ba cái tủ, nhưng quần áo, chăn gối, giầy dép, sách vở… vứt lung tung trên giường dưới đất. Lẫn trong đó tôi cầm lên một quyển an bum ảnh. Chú ý nhất là hai tấm ảnh. Một ảnh ghi hình anh lính cộng hòa ngồi nghiêng, mắt nhìn xuống lặng buồn vẻ nghĩ ngợi xa xăm. Hỡi anh lính cộng hòa! Giữa vùng rừng núi trập trùng âm u hiu quạnh; hay ở vùng đồng bằng Cửu Long mênh mông trắng nước, anh nghĩ gì?! Thì quê nhà anh đây – Thị xã Quảng Trị - chỉ còn là đống gạch tàn dưới bom đạn Mỹ! Còn gia đình anh tan tác biết sống chết nơi đâu! Tấm ảnh thứ hai chụp người thiếu phụ còn trẻ ôm một cháu nhỏ. Cặp mắt chị mở to, như dõi theo một cái gì vô hình với vẻ tuyệt vọng. Bất giác trong tôi trào lên một nỗi chua xót đắng cay… Ôi! Chiến tranh! Chiến tranh đã hủy diệt tuổi trẻ, tàn phá đất Việt thân yêu! Chiến tranh là ngu xuẩn! Và chiến tranh đã làm biết bao tâm hồn người thiếu phụ mang linh hồn núi Vọng Phu…
Đến gần trưa tôi mới mang về bao tượng gạo. Chúng tôi nấu cơm ăn. Ăn xong, tôi ra cửa hầm kèo ngồi cảnh giới. Bầu trời xanh lồng lộng, vài áng mây bông lững thững trôi. Bỗng có tiếng ầm ì nặng nề và ba vệt trắng hiện lên trên trời hướng từ biển tới. Và khi ba vết trắng bẻ cong lại, thì cũng là lúc ở mặt đất từ Thành Cổ qua sông Thạch Hãn bùng lên những tia chớp liên tiếp nhau, một dàn tiếng nổ inh tai chát chúa, và rồi dựng lên bức tường lửa lẫn đất đá, gạch nước mịt mù cuồn cuộn. Bom B52! Tôi đã vào hầm rồi, nhưng vẫn bị sóng xung kích làm cho nghiêng ngả.
Ngày 29 – 7
Đánh thức chúng tôi là đợt pháo kích dai dẳng. Tiếng pháo “oành… oành! Ục… ục…” không ngớt. Rồi mảnh pháo văng trên các mảnh tôn “xoang… xoảng” tạo nên âm thanh rợn người, khó chịu. Ngồi trong hầm tai tôi ù đặc bởi âm thanh chát chúa đó.
Ngưng đợt pháo, tôi lao lên định nấu cơm thì lại đợt pháo khác ập đến. Lần này, không những pháo sát thương mà pháo khoan, pháo hóa học ngoài hạm Mỹ câu vào. Tiếng pháo nổ đánh “ịch” rồi dựng lên cột đất lẫn gạch đá cao đến mười mét. Một màn khói đùng đục, cay nồng tạo tức ngực khó thở là là mặt đất. Ngồi trong hầm kèo mà chúng tôi cay xè mắt, tức thở, người cứ lảo đảo bềnh bồng.
Dứt đợt pháo thì lại đến đợt bom. Các loại máy bay bâu đến như đàn nhặng. OV.10 lượn tít trên cao, thi thoảng “chíu… ọp” những quả pháo khói, pháo đinh. Rồi F.4 gầm rít kinh người, lao xuống quẳng những quả bom đen trùi trũi. Còn AD.6, T.28 dai dẳng như đỉa đói, cắt bom từng quả một.
Thị xã hôm nay như chìm đi trong mưa bom bão đạn. Những cột đất gạch đá, những mảnh tôn lẫn sắt thép, những thân cành cây xác xơ cứ dựng lên liên tiếp. Và khói! Khói cay xè, dày đặc, mù mịt, khét lẹt. Chúng tôi đang sống trong khói lửa!
Đến gần trưa, những đợt bom đợt pháo mới thưa dần. Chúng tôi tranh thủ củng cố trận địa và nấu cơm. Măc dù phải sống trong bom đạn nhưng vẫn có cơm ngon canh ngọt đàng hoàng. Bữa nay có món thịt bò muối kho và xào rau hẳn hoi. Cảm ơn anh Sán nhé
Nhưng đến chiều thì pháo địch lại ập xuống như giã gạo. Chập choạng tối, tranh thủ phút ngắn ngủi giữa hai đợt pháo, Thịnh đeo máy thông tin 2 oát xuống để giữ liên lạc giữa chúng tôi với tiểu đoàn. Lâu ngày không gặp, bao nhiêu câu hỏi cứ đặt ra giữa tôi và Thịnh. Thịnh hỏi: cậu đã dùng hết gói B1 rồi hả. Tôi gật đầu. Thịnh mở ba - lô lấy ra lọ nhựa nhỏ: “tớ chỉ còn ngần này. Cậu một nửa tớ một nửa”. Đấy là những viên B1 mà chị gái Thịnh cho trong buổi chia tay tại ga Hàng Cỏ. Thịnh bảo “tớ trên trung đoàn tớ biết. Cánh lính sinh viên chúng mình chiến đấu cũng dũng cảm ra phết. Chỉ tiếc rằng có mấy thằng đào ngũ. Hiện nay ở D4 còn Toan, Huyễn, Sinh, ở D5 còn Thái và cậu.”
Đêm. Trong hầm kèo, Thịnh và tôi nằm quay đầu trở ra tâm sự; cũng là để cảnh giới và Thịnh tiện theo dõi tính hiệu bắt liên lạc. Mặc cho pháo kích gầm rít xung quanh, chuyện của chúng tôi vẫn miên man đậm đà, thỉnh thoảng nở nụ cười “coi đời bằng nửa con mắt”. Nhưng mệt quá, sau một ngày căng thẳng, tôi thiếp đi lúc nào không biết…
Anh Chỉ vỗ vỗ nhẹ vào vai tôi gọi đổi gác. Có lẽ hơn hai giờ sáng. Bầu trời Thị xã yên ắng một cách kỳ lạ. Đứng gác trước cửa hầm, ngôi sao mai lấp lánh như muốn sà xuống đậu bờ vai. Và, văng vẳng xa xa, tiếng sông Thạch Hãn vỗ rì rào, rì rào như xoa dịu nỗi nhọc nhằn đầy căng thẳng của chúng tôi…
Ngày 30 – 7
Đơn vị tôi đã vào hết Thị xã, hình thành trận địa chốt chặn. Tôi như con thoi dẫn đường, mãi đến gần năm giờ sáng mới hoàn thành nhiệm vụ.
Trận pháo kích và trận bom khủng khiếp ngày qua làm bầy gà ở đâu dạt về. Tôi mang khẩu cạc – binh ra bắn. Bắn được hai con thì pháo địch lại dội đến. Chúng tôi phải vào hầm.
Bữa cơm sáng nay “lịch sự” lắm! Ngoài món thịt bò muối, chúng tôi còn có thịt gà luộc hẳn hoi. Thịnh và tôi ngồi bên nhau, Thịnh vẫn còn giữ chiếc thìa Mỹ mà tôi cho khi đánh cao điểm 49. Ước gì bữa nay ở Hà Nội, Thịnh nhỉ!
Thịnh đã liên lạc với tiểu đoàn. Lệnh của thủ trưởng Minh: Chuẩn bị bắn ba mươi quả đạn cối về phía địch. Tôi vội lao nhanh về khẩu đội.
Nói là khẩu cối 82, nhưng thực ra chỉ còn có nòng pháo. Càng và bàn đế đã bị hỏng trong những trận đánh ác liệt vừa qua. Khẩu đội chỉ còn có ba người: anh Hòa trung đội trưởng kiêm khẩu đội trưởng, Tháp số ba kiêm thả đạn, và tôi – liên lạc kiêm pháo thủ số một.
Bọn tôi gần địch lắm, khoảng một trăm mét chim bay. Nếu là bộ binh thì rất gần, cực kỳ gần. Ta, địch cách nhau một con phố. Khẩu đội đặt trong căn nhà chỉ còn trơ ra bốn bức tường nham nhở, phần mái lợp tôn bay đi từ hồi nào. Bọn tôi đào công sự giữa nhà, đường kính khoảng hai mét, sâu khoảng 0,6 mét mà đã lênh láng nước. Không bàn đế, dùng ba cái chăn vừa dạ vừa len đem gấp lại thay bàn đế. Không có càng, phải bắn ứng dụng thôi!
Địch rất gần, tôi bàn với anh Hòa cắt đi một phần ba liều chính, và dùng các cuộn dây cao su quai dép quấn nhiều vòng quanh đầu nòng để giảm tiếng đề - pa. Anh Hòa phân công tôi vừa chỉnh hướng, vừa chỉnh tầm ở tư thế: hai tay giữ nòng chếch hướng ban đầu khoảng 75o đến 78o độ; chân phải choãi ra phía sau, chân trái chếch lên phía trước để tỳ sát nòng pháo vào đùi. Còn Tháp lo thả đạn.
Khoảng sáu giờ ba mươi phút – muộn hơn sáng hôm qua – pháo địch mới ập xuống. Thoạt đầu là pháo hạm, tiếp theo là pháo ở Đồng Lâm và pháo đi cùng của bọn thủy quân lục chiến. Dứt pháo là bom. Bom sát thương, bom khoan của tụi T – 28. Tiếp theo nữa là pháo khói của bọn OV.10, L.19 chỉ điểm cho AD – 6 cắt bom dù. Ba cái dù trắng - đỏ - vàng đỡ quả bom tấn đen trùi trũi từ từ… từ từ rơi xuống phía Thành Cổ. Rồi “u… ỳ… n…h”. Cả Thị xã, cả muôn vật, kể cả vật vô tri cũng phải nghiêng ngả bởi tiếng nổ khủng khiếp đó.
Bom ngưng, pháo chuyển làn. Nhưng ngay sau đó là pháo khoan: “huỳnh… uỵch…” khoan sâu vào lòng đất, như đánh bật chúng tôi lên khỏi hầm. Mặt đất lại rung lên, rung lên từng đợt.
Vừa tạm lắng tiếng pháo thì cũng là lúc lệnh của tiểu đoàn cho khẩu đội bắn. Lũ thủy quân lục chiến lấn chiếm đây! Anh Hòa hô khẩu lệnh bắn năm quả hiệu chỉnh. Bỗng Thịnh hét: “tiểu đoàn khen bắn chính xác. Bắn cấp tập hai mươi lăm quả để bộ binh xung phong!”
Bắn ứng dụng ba mươi quả liên tục làm tai tôi ù đi, không còn nghe rõ được nữa. Hai tay và đùi trái nóng rát. Rất khẩn trương, anh Hòa lệnh cho chúng tôi nhanh chóng chuyển nòng pháo vào hầm, e rằng địch phản pháo đến nơi. Tháp vừa kịp vào hầm, còn tôi đang lom khom thì bỗng ở bên trái lóe lên một vầng lửa. Pháo địch! Tôi chưa kịp nằm xuống thì mảnh đá “chíu… chíu…” qua người. Tôi thấy ran rát ở dưới hàm trái, ở hố nách trái và ngón tay giữa bàn tay phải. Tôi đưa tay trái sờ hàm thì máu túa ra đầy tay, loang lổ cả trên áo. Tôi lao vụt vào hầm và nói nhỏ: “em bị thương rồi”.
Anh Ngụ đỡ lấy tôi, rối rít gọi y tá. Y tá vừa thở hổn hển, vừa xé băng băng cho tôi. Máu ra nhiều quá, băng hai lần rồi mà chưa cầm được. Anh Hòa dùng bông “nút” lấy miệng vết thương ở hố nách rồi băng lại. Lần này mới cầm được máu.
Tôi ngồi dựa vào vai các anh, da tái xám vì mất máu, mắt lim dim. Tôi khá mệt. Lúc này trong tôi có những cảm xúc lạ, như đang chơi vơi trong khoảng không rỗng tuếch. Tôi tưởng như sắp phải lìa xa thế giới này?! Hình ảnh gia đình, đồng đội và H nữa cứ hiện lên, hiện lên rất thực trong tôi. Thôi nhé! Chào H! Hôn em với đôi môi giá lạnh. Và, các anh! Chúc các anh chiến đấu dũng cảm, trả thù cho đồng đội đã ngã xuống.
Nhưng, nào đâu tôi có chết! Tôi vẫn sống, vẫn sống giữa lòng Thị xã máu lửa sục sôi này. Bom đạn làm sao cướp được tôi của H…
Tôi tỉnh dậy nhanh chóng sau bát sữa đặc của các anh pha cho. Tôi ngồi tựa lưng vào vách hầm. Xung quanh, ánh mắt đồng đội nhìn tôi trìu mến. Một làn gió nhẹ thoảng qua. Rồi bom pháo địch lại dội xuống. Thịnh đã liên lạc với chỉ huy tiền phương. Khoảng cuối chiều, tranh thủ lúc tạm ngưng tiếng súng, đồng đội dìu tôi rời trận địa.
Ngày 01 – 8
Sau chặng đường gian nan được đồng đội nâng dìu, tôi về đến bệnh viện dã chiến trung đoàn. Hầm cấp cứu khá rộng nằm trong lòng quả đồi, sâu khoảng mét rưỡi, trên lợp tăng ni lông và ngụy trang kín đáo. Hệ thống giao thông hào nối với các hầm kèo cho thương binh ở. Kiểm tra vết thương cho tôi, ông bác sĩ quân y bảo: “Cậu may đấy, chỉ dính cối M – 79. Cần mổ gắp mảnh pháo ở hố nách trái, còn mảnh ở hàm bằng non nửa hạt ngô, mổ lấy ra để lại vết sẹo thì xấu trai lắm”.
Vết thương còn đau nên không ăn được cơm, phải ăn cháo. Cháo trắng với đường. Ba ngày thay băng một lần. Thuốc chủ yếu là kháng sinh, B1 và C. Trên đường dẫn tôi về hầm thương binh, anh y sĩ điều trị nói ngắn gọn: “Yên tâm. Sau một tuần có thể về đơn vị chiến đấu”.
Ngày 09 – 8:
Chúng tôi về tiểu đoàn thung dung bồi dưỡng sức khỏe mấy ngày, sau đó trở lại đơn vị. Tổ gồm năm người, trong đó có bốn thương binh và người dẫn đường. Đi một đoạn khá dài thì gặp ngay đợt pháo kích. Những tiếng hú ghê rợn bay qua đầu rồi nổ đánh “oành” phía dãy núi trước mặt. Thực tế chiến trường cho tôi kinh nghiệm: nghe tiếng hú thì đạn nổ ở xa. Chúng tôi bình thản bước đi.
Đang đi thì trời bỗng đổ mưa. Mưa bóng mây làm da thịt tôi nhớp nháp dưới cái nắng cay nồng cuối hạ. Chỉ ít phút sau trời lại tạnh. Cái nắng chính ngọ ở Quảng Trị mới gay gắt làm sao? Mặt trời chiếu thẳng đỉnh đầu như thiêu như đốt làm chúng tôi tức thở, bước loạng choạng, mặt phừng phừng.
Xế chiều chúng tôi về đến ngã ba Cùa. Ở đây đã có bóng người, gặp mấy bà mấy chị quẩy thùng gánh nước, thấy mấy cháu nhỏ thơ thẩn chơi quanh các ngôi nhà đổ sập mới dựng tạm còn trống hoác trống huơ.
Chúng tôi phải dừng lại trước một cảnh đau lòng. Một thiếu phụ chừng 28 – 30 tuổi đang được mấy bà xúm lại dỗ dành. Chân đất, đầu tóc rối bù rũ rượi, hai mắt sưng húp và miệng luôn lảm nhảm mà tôi nghe không rõ. Có bà cho hay: “chồng nó là lính sư Một ngụy chết trận, cách đây một tuần bom B52 giết chết hai mươi hai người, trong đó có hai con nhỏ của nó. Giờ nó bị điên”.
Được sự giúp đỡ của du kích địa phương, chúng tôi tạm nghỉ đêm trong ngôi nhà gần đường có chiếc hầm kèo chắc chắn. Một bà má ra đón với vẻ xởi lởi chân thành. Tôi hỏi mượn chiếc nồi nấu cơm thì bà bảo: “các chú yên trí, ráng chờ chút nữa sẽ có cơm ăn”. Mà đúng thật, chỉ loáng sau một chị đã dọn cho chúng tôi bữa ăn khá đàng hoàng: rá cơm đầy nghi ngút khói, soong canh sắn tươi nấu với lá kiệu, đĩa lá sắn non muối dưa chắc chắn khi ăn cho ta cảm giác dôn dốt bùi bùi, và một bát ruốc bông của người lính chiến.
Chúng tôi ăn xong thì trời đã tối. Mảnh trăng non hình nửa vành khuyên cong vút, mỏng mảnh. Trăng úa lá thu vàng. Bên ngoài gió thổi mạnh, thi thoảng vang lên tiếng: “Ai! Đi mô đó” của nữ du kích đứng gác. Xa xa, ì oàng tiếng pháo Mỹ và tiếng ầm ì của máy bay. Trong nhà, dưới ánh đèn dầu tù mù, chúng tôi ngồi quây quần bên bà má và mấy người dân. Tôi hỏi về vùng này. Bà bảo: - Vùng Cùa đấy! Vùng đất đỏ nắng thì bụi, mưa thì lầy, bốn bề núi đồi giăng giăng bao bọc. Và bà cười bỏm bẻm: Ai ơi! Chớ lấy trai Cùa/ Quanh năm quần cụt, bốn mùa áo tơi.
Vùng Cùa này nghèo lắm. Chắc vậy! Vì họ vừa cho chúng tôi thưởng thức món ăn “đặc sản” sắn. Đất ba – zan cực tốt, người dân sẽ khá giả nếu trồng cây công nghiệp: Cao su, cà phê, tiêu, chè (tôi đã học môn thổ nhưỡng mà). Nhưng chiến tranh đã tàn phá vùng này. Dây thép gai, mìn, bom, pháo chắc chắn còn nhiều hơn cả sắn khoai.
Lúc sau, bà bồi hồi kể về gia đình mình. Bà có bốn người con, còn ông mới mất cách đây một tuần bởi bom B52 tàn sát. Anh con trai cả là bộ đội giải phóng tỉnh Quảng Trị, người con trai thứ hai bị bắt quân dịch là lính sư Ba ngụy, o Song là con thứ ba, và cậu con trai út lên mười. “Con Song đang học tú tài hai ở Thị xã. May nó về xin tiền đóng học, không thì bị kẹt, giờ không biết sống chết nơi mô”. Tôi chợt để ý đến người con gái nhỏ nhắn đang nép mình bên mẹ. Song có khuôn mặt thon thon da trắng, sống mũi thẳng, làn môi gọn, nhưng đôi mắt lại buồn xa xăm. Mái tóc Song đen mượt, buông nhẹ bờ vai. Và tôi xốn xang liên tưởng đến vẻ đẹp thầm kín, dịu dàng, thanh thiết của bông hoa mai nở muộn ở Cam Lộ hồi nào…
Tôi vẫn lắng nghe. Giọng bà chậm rãi, rầu rầu. Dưới ánh đèn khêu nhỏ leo lét, khuôn mặt bà hiện lên đầy những nếp khắc khổ. Nhưng có lẽ đọng lại trong tâm tưởng tôi là ánh mắt của bà, với cái nhìn đăm đăm âu yếm như trận mưa niềm thương nhớ hơn một lần dồn hết cho các con.
Ngày 10 – 8
Về đến hậu cứ Sư đoàn, tôi gặp ngay anh Pẩu. Được tin về đây, anh vội vã tìm tôi. Anh em gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Anh không ngờ rằng tôi trụ lại được cho đến hôm nay.
Anh kéo tôi ra bờ suối ngồi tâm sự. Suối đá cạn phong rêu ru hồn chiều muộn như gợi nhớ cho anh em tôi bao nỗi buồn vui, nỗi nhọc nhằn gian khổ, nỗi chịu đựng nơi chiến trận. Anh vẫn dành cho tôi bao thuốc lá Tam Đảo. Ôi! Tôi hút không thèm nhả khói. Tôi chợt nhớ hồi ở Mỹ Chánh, đói thuốc thiếu muối, tôi cuộn lá sim lá mua khô làm thuốc hút, để có chút khói chờn vờn lâng lâng…
Ngày 14 – 8
Chiều nay, chúng tôi chuẩn bị vượt sông Thạch Hãn. Bến vượt ở làng Tích Tường, được anh em C17 công binh làm khá chắc chắn và kín đáo. Những cây song to bằng cổ tay em bé nối với nhau căng qua sông, neo chắc hai đầu. Các đoạn dây dù liên kết mảng cây chuối với sợi dây song chống trôi. Ở đầu mảng có đoạn dây dù khá dài để người vượt sông quàng qua vai, vừa bám dây vừa kéo mảng chở vũ khí gạo muối sang sông.
Hơn bốn giờ chiều, anh Pẩu và tôi được chính uỷ Hoà - chỉ huy tiền phương - gọi lên giao nhiệm vụ. Đã lâu, kể từ ngày ở Hương Đô – Hà Tĩnh, nay tôi mới gặp lại ông. Ông có già đi, nét mặt đầy ưu tư, mái tóc gần như bạc hết. Nhưng ánh mắt ông vẫn ánh lên những tia sáng quả quyết, cương nghị và tinh tường. Ông nói: “Các đồng chí trở lại Thành Cổ là quý rồi. Anh em tân binh đang sung sức nhưng kinh nghiệm chiến đấu chưa có, dễ tổn thất lắm. Lệnh của Mặt trận: quyết tâm giữ Thành Cổ. Tôi tin ở các đồng chí”.
Tất nhiên, chúng tôi hiểu. Chiến tranh là tàn khốc, là mất mát. Thế nhưng, khi mà cả dân tộc đứng lên bảo vệ Tổ quốc, thì những người con trung hiếu lúc nào cũng sát cánh bên nhau, đi ra trận với trái tim nồng cháy. Ngọn lửa chiến trường sẽ đốt cháy những tâm trạng lạc lõng cô đơn. Chính uỷ yên tâm, chúng tôi sẽ làm tròn nhiệm vụ.
Thời điểm vượt sông là lúc trời chạng vạng tối. L.19 và OV.10 không nhìn rõ mặt đất, pháo địch cũng chưa phát huy tác dụng. Mọi thứ mang sang đều cho vào ba - lô. Các ba - lô đạn cối 82, đạn AK cho vào một túi ni lông; gạo muối, lương khô, thịt hộp cho vào một túi ni lông đều buộc chặt rồi xếp lên mảng và nguỵ trang kín mít. Anh Pẩu phân công tôi đi trước, Hoàn, Chung (lính mới bổ sung quê Hải Hưng) bám mảng đi giữa, còn anh đi sau yểm trợ.
Tôi từ từ trườn xuống. Mưa thượng nguồn làm nước sông đục nhưng chưa chảy xiết. Nước lóc lách xô sóng quanh chúng tôi, quanh mảng và đung đưa nhẹ nhàng những bóng pháo sáng vàng ệch. Cứ vậy, chúng tôi lặng lẽ vượt sông, mặc cho tiếng pháo địch gầm rú vút qua và tiếng máy bay vè vè trên đầu.
Chúng tôi vượt sông an toàn. Anh Hoà và Tháp ra đón ngay đầu bến. Anh em gặp nhau mừng quá, ánh mắt rưng rưng. Về đến hầm chiến đấu, anh Hoà ghé vào tai tôi nói nhỏ, giọng nghèn nghẹn nặng trĩu nỗi buồn: “Anh Chỉ và Thịnh hy sinh rồi. Thương nhất là Thịnh. Hầm thông tin của nó trúng pháo khoan”.
Tôi ngồi bó gối chết lặng. Bỗng tôi rùng mình, cảm thấy như có ai nhìn xoáy vào phía trước mặt. Tôi kinh ngạc nhận ra: đúng Thịnh rồi, Thịnh ơi! Thịnh đứng đó, chững chạc trong bộ quần áo Tô Châu mới tinh, mặt mày rạng rỡ hàm răng trắng loá, một nốt ruồi bé xíu xinh xinh đậu trên bờ môi phải, và đôi mắt sáng hút hồn như vẫy gọi tôi. Tôi cảm thấy cái nhìn đăm đăm xa xôi, nhưng vô cùng âu yếm của Thịnh như phủ lên tôi màn mưa thương nhớ sau những ngày xa cách, nay hơn một lần trả hết cho nhau. Và tôi lại thấy có cả anh Chỉ nữa, cao lớn, nước da ngăm ngăm, mặc bộ quần áo như dệt bằng rêu rừng. Anh cất tiếng hát. Tiếng hát anh vang lên, đu đưa trầm bổng như hải âu trên đầu sóng: “… ngồi đây ta gõ ván thuyền. Ta ca trái đất còn riêng ta…”
Tôi muốn lao ra ôm lấy Thịnh, ôm lấy anh Chỉ mà không sao bước nổi. Đến khi anh Hoà vỗ vỗ nhẹ vào vai, tôi mới bừng tỉnh. Ôi! Những đồng đội thân yêu của tôi, các anh không bao giờ bị lãng quên, không bao giờ lạnh lẽo dưới nấm đất chẳng hạn! Có chúng tôi đây! Chúng tôi luôn ở bên các anh, dù là khoảng cách vô định. Con tim tôi cứ rung lên từng đợt, từng đợt những ký ức không thể phai mờ về Thịnh thân yêu…
Ngày 17 – 8
H ạ! Cuộc chiến giữ Thành Cổ và vùng phụ cận mỗi ngày một khốc liệt, có lẽ rồi đây sẽ không có thời gian để tôi ghi nhật ký nữa. Những đợt bom đợt pháo như những trận mưa ràn rạt xối xả ngày đêm dội vào Thị xã, để tàn phá dã man mảnh đất này.
Trung đội chỉ còn sáu anh em, chia thành hai khẩu đội. Anh Hoà, Tháp, Chung thành một khẩu đội, pháo còn nòng và càng. Anh Pẩu, Hoàn và tôi thành một khẩu đội, chỉ có nòng pháo duy nhất. Chúng tôi bắn ứng dụng, bắn xong phải di chuyển ngay, nếu không sẽ “dính” địch phản pháo.
Địch đã thay quân. Bọn này khá hung hăng và liều lĩnh. Mới sáng sớm, sau đợt pháo dữ dội, tên chỉ huy thổi còi thúc lính xông lên. Chúng bò lổm ngổm như cua, duy nhất có một thằng ngông nghênh cắp AR - 15 đi thẳng. Anh Pẩu rê AK bám nó. Còn khoảng sáu mươi mét. “Pằng pằng”. “Đù, mẹ! Việt cộng bắn chết tau rồi bay ơi!”. Rồi nó ngã vật ra, thẳng cẳng. Cùng lúc đó anh Ngụ hô: “Bắn!”. Mỗi khẩu đội bắn ứng dụng mười quả rồi rút ngay vào hầm. Chúng tôi vội cầm AK lao ra hào, phối hợp với bộ binh đẩy lùi quân địch.
Địch bị chúng tôi đẩy lùi thì lập tức bom pháo các cỡ dội xuống. Điệp khúc chiến trận lại tiếp tục bắt đầu.
Ngày 24 – 8
Tờ mờ sáng, trận pháo kích kéo dài đến hai tiếng đồng hồ. Mở màn là pháo dàn, pháo bầy từ Đồng Lâm và “vua chiến trường” pháo tự hành một trăm bảy lăm ly – đi cùng bọn thuỷ quân lục chiến bắn ra. Tiếp theo là pháo hạm từ biển bắn vào. Pháo sát thương, pháo khoan, pháo hoá học rồi đến pháo chụp. Pháo chụp nổ lưng chừng, để từ đó phóng ra vô số những mảnh kim loại ác độc. Ngừng pháo là bom. Bom đủ loại. Bom phá, bom bi, bom khoan. Phía Thành Cổ là bom tấn được điều khiển từ xa, tiếng nổ lớn nhưng trầm đục và man rợ vô cùng. Tạm ngưng tiếng bom là bọn thủy quân lục chiến lấn chiếm. Khi bị ta đẩy lùi thì nó lại gọi L19, OV10 chỉ điểm bằng pháo khói, pháo đinh. Và pháo bom lại ập xuống như mưa. Và bọn địch lại bò lên. Rồi lại bị chúng tôi đẩy lùi. Cứ như vậy, bom đạn Mỹ ép chúng tôi vào hầm, chúng tôi lại rời hầm xông lên chiến đấu, ra hầm rồi vào hầm. Thật đúng, hầm đã che chở chúng tôi. Sống tồn tại và chiến đấu, chúng tôi ở hầm hà hơi trong đất. Đất Quảng Trị nuôi chúng tôi bằng hơi ấm nồng nàn, ngai ngái và dịu ngọt như hơi ấm của Mẹ. Mẹ toả hơi ấm nâng đỡ chúng con…
Có lẽ không sai khi tôi cảm nhận được rằng: Quảng Trị là vùng đất cháy. Cháy trong nắng trong gió. Cháy trong bom trong đạn. Cháy trong sự sống, cháy trong tồn tại và cháy trong mất mát đau thương. Quả thật, hôm nay là ngày vô cùng khốc liệt đối với mỗi người lính chúng tôi!
Ngày 28 – 8
Mặt trận có lệnh: đơn vị tôi bàn giao vị trí chiến đấu lui về tuyến sau để củng cố và bổ sung lực lượng.
Mấy hôm nay trời Quảng Trị mưa lớn. Sông Thạch Hãn nước dâng cao ào ào chảy xiết. Nào những vòng sóng quẩn, nào những vòng xoáy sủi bọt. Dòng sông như con thú dữ sổ lồng gầm gào lao ra biển. Dọc dòng sông, nhất là phía hạ lưu giáp Thành Cổ, địch liên miên oanh kích, những giọt bom giọt pháo như những giọt mưa bất luận thời gian vẫn xối xả dội xuống Thị xã.
Chập choạng tối, sau khi bàn giao trận địa cho đơn vị bạn, tranh thủ lúc tạm ngưng bom pháo, anh em tôi lặng lẽ vượt sông. Nước sông lạnh làm tôi rùng mình. Bật giác trong tim tôi rung lên, rung lên từng đợt những ký ức không thể phai mờ. Thị xã có ngôi thành Cổ huyền thoại, có thánh đường mà tượng chúa Jêsu vỡ nát, có những dãy phố hoang vụn, có cây cầu sắt đổ gục, và có dòng sông thấm đẫm thương đau. Mảnh đất mà mỗi khi ta chụm tay vốc đất lên, có vô vàn mảnh bom mảnh đạn dã man. Và biết bao máu xương đồng đội tôi đã âm thầm hoà nhập vào mảnh đất này…
Chẳng phải bình thường đâu khi ta bơi qua sông bằng đôi tay mệt mỏi rã rời và nỗi buồn nặng trĩu. Cũng tại bến vượt Tích Tường, chúng tôi trở lại hậu cứ trong niềm thương nhớ đồng đội khôn nguôi… Nhưng thật tiếc, dòng sông hung dữ đã cướp đi nòng cối 82 ly gắn bó với tôi suốt thời gian chinh chiến. Nó đã vĩnh viễn nằm lại đáy sông Thạch Hãn đang giao mùa hung hãn.
Lên đến bờ, tôi thẫn thờ quay lại. Vùng cháy khốc liệt Thành Cổ và sóng quặn đau Thạch Hãn hắt vào lòng tôi khúc tráng ca bi hùng bất diệt.
Ngày 6 – 9 – 1972
Cũng ngày này hôm nay, cũng độ thu này của năm trước, H đến sân trường tiễn tôi đi, và ghi nhận ngày đầu tôi bước vào đời lính. Ô tô nổ máy rồi mà H và tôi vẫn chưa nói cho được câu chuyện của tình yêu. Ô tô rời khỏi cổng trường, tôi ngoái lại tìm H, vẫn thấy H đứng đó như cột đèn đường vô tri ngóng đợi.
Cho đến hôm nay thì đã đúng một năm tròn. Một năm, tôi thực hiện bước đăng trình trên mảnh đất Quảng Trị. Một mảnh đất mà phía trước mặt là biển Đông lồng lộng ánh bình minh, phía sau lưng là dãy Trường Sơn tím sẫm ẩn bóng hoàng hôn. Một mảnh đất mang nặng nỗi đau chia cắt. Một mảnh đất nắng gió: rát rạt, bom đạn: chát chúa. Một mảnh đất mà bom pháo Mỹ còn nhiều hơn sắn khoai khô…
Hôm nay, dưới tán rừng gần vĩ tuyến 17 có mắt nắng đong đưa cánh võng, tôi bình tâm đốt điếu thuốc lá để nhìn lại và cảm nhận chặng đường đã đi trong một năm qua. Một năm, tôi chưa kịp học để làm anh kỹ sư nông nghiệp, nhưng đã kịp là người lính bình thường bảo vệ Tổ quốc. Một năm, chiếc áo lính của tôi bạc màu vì nắng gió, sờn vai vì vác pháo, lỗ chỗ lổ thủng của bom đạn, và đã từng nhuốm máu. Bước đăng trình của tôi qua những con sông đất nước. Từ sông Hồng đỏ nặng phù sa với đôi bờ nương dâu xanh mướt và những cánh buồm nâu no gió mà tôi lớn lên. Tôi về đây với sông Thương xanh biếc. Dòng sông như một cô gái nhu mỳ có đôi mắt long lanh ngẩn ngơ dõi bóng chàng sinh viên chăm chỉ luyện tập, đôi khi buồn hát khúc Trương Chi. Tôi hành quân qua sông Lam vào buổi chiều hoàng hôn, khi có đàn hạc trắng mải miết bay qua. Dòng sông như một chàng trai lãng tử để tâm hồn mình phiêu diêu chốn biển khơi. Tôi lội qua sông Bến Hải – dòng sông chở nặng nỗi đau chia cắt. Nước sông dùng dằng quấn lấy chân, tôi úp mặt xuống lắng nghe tiếng nức nở của mười tám năm chờ đợi. Tôi về đánh giặc bên sông Thạch Hãn – dòng sông Huyền thoại. Huyền thoại xa xưa về dòng sông đá hung dữ tôi không thể biết; nhưng huyền thoại hôm nay là dòng sông máu lửa dâng đầy chiến công luôn khắc sâu trong tâm khảm tôi. Và huyền thoại mai sau, tôi cầu mong sẽ là dòng sông hoa lửa để đồng đội đã ngã xuống không phải cô đơn. Ôi! Dòng sông! Những dòng sông tôi đã đến. Và cũng là chặng đường tôi đã đi trong một năm qua…
H ạ! Đây là trang viết cuối cùng trên trang giấy cuối cùng của quyển sổ H tặng. Bước đăng trình của tôi đâu đã dừng lại. Nó vẫn dài theo chiều dài của cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại. Và, nếu một ngày kia, hoa rừng có thể phủ kín trái tim tôi, tôi chỉ mong: quyển Nhật ký này nói lên tất cả. Chiến tranh rồi sẽ qua đi, tình yêu sẽ là mãi mãi…
N.T.L