Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhen lửa nướng khoai

         Những chớm gió đông khe khẽ lướt qua làng. Buổi chiều thường hay rắc vài hạt mưa như cốm trời toả xuống. Ấy là vào độ cuối tháng mười âm lịch. Dường như chính cái sắt se của buổi đất trời vào đông đã cối lại nơi tôi một nốt thắt đáng nhớ.

1.

Trên bãi đất cồn, lũ trẻ chăn trâu bắt đầu bày trò để chơi. Vào độ này, chúng tôi thường nhen lửa nướng khoai. Phía bên cồn có một bãi đất nhỏ, ở đây người ta trỉa rau cải vào mùa xuân, trồng ớt vào mùa hè, sau đó thì đến khoai, cứ xen nhau như vậy. Độ cuối tháng mười thì khoai có củ. Các bác ở làng nói mấy đứa cố gắng đừng để trâu bò ăn kẹ ăn lá thì đến khi khoai có củ cứ thế mà moi, không cần xin phép. Một đứa chạy qua bãi đất thọc tay moi vài củ khoai to nhất. Muốn biết gốc nào có củ to rất dễ. Chỉ cần sờ vào cọng khoai, thấy nó cứng là biết ngay gốc khoai đã già.

Nhiên liệu để nướng khoai không phải củi mà là phân bò khô - một thứ chất đốt quê mùa nhưng rất đượm lửa than. Ở xứ Nga, những loại chất đốt như thế này được gọi bằng một cái tên chung là ki-giắc (кизяк). Có một lần trên đường ra sân bay Minsk, khi xe chạy qua thảo nguyên, tôi đã nhìn thấy rất nhiều ki-giắc vương vãi trên cỏ. Chợt như trước mắt tôi, hình ảnh cô bé Antưnai trong tiểu thuyết của Aitmatov đang hiển hiện; nàng khom lưng cõng một túi ki-giắc nặng trĩu lê bước vào hoàng hôn.

Chúng tôi gom phân bò lại thành một đống nhỏ, châm lửa đốt và lăn những củ khoai vào trong đó. Ngồi đợi. Những đốm lửa bắt đầu bén từ dưới lên. Phân bò khô chín lại màu da bò, rồi rực rỡ và bắn ra vài tia lửa nhỏ cùng với những tiếng lép bép. Có một nguyên lý chung của chất đốt, đó là hễ thứ nào càng khô thì tiếng nổ càng mảnh.

Mùa này, buổi chiều lạ lắm! Như thể có một ai đó vừa quết bột hồ và phết lên trên nền trời, nó vừa trắng đục vừa dẻo và sánh lại. Một thoáng gió mang hương cỏ tràn vào tâm hồn trẻ thơ. Sau này, có nhiều lần tôi về lại nơi bãi đất cồn Mai ấy, và cảm giác những hồn hoa khi xưa chưa hề cũ đi, cũng không hề mới lên, cứ như thế mãi mãi… Tôi biết, kỷ niệm của quãng đời ấu thơ vẫn nguyên vẹn nằm lại nơi làng quê của mình.

Khói phân bò không ngồm ngộm như khói rơm rạ, nhưng nó bay lên đủ để bùi ngùi một buổi chiều. Tôi cảm nhận được sự yên bình mỗi khi nhìn ngọn khói ở quê nhà. Có lẽ, ngay từ buổi đầu hình thành nên ngôn ngữ, người Việt đã mượn một ngọn khói (yên) để viết vào cuốn tự điển của mình hai chữ bình yên. Thôi Hiệu nói "Yên ba giang thượng sử nhân sầu" là ngọn khói trên sông gợi cảm giác buồn. Còn với tôi, "Yên túc thảo vi cảm hoài" - là ngọn khói đậu trên búp cỏ khiến người ta phải nhớ thương. Mùa khói hôm xưa cứ thắc thỏm trong tâm hồn tôi, bao giờ cần yên tĩnh thì lấy ra mà ngắm. Do đó tôi nghĩ rằng, sự yên bình vốn là một khái niệm thuộc về cõi lòng chứ không phải môi trường bên ngoài.

Những đứa trẻ làng như tôi ngày ấy đã từng thích thú vô cùng với khói. Lửa nhúm, khói vừa len lẻn lên thì đứa mô đứa nấy reo cười. Ôi, phải chăng chính khói là cội nguồn đánh thức niềm vui an lạc? Chẳng thế mà Ngô Phù Sai sau bao lần tìm cách mua vui cho Tây Thi nhưng thất bại, cuối cùng vua ra lệnh đốt khói yên đài và thế là mỹ nhân đã bật cười. Nếu một ngày nào đó có người con gái đến với tôi, nàng cũng đẹp như Tây Thi nhưng ít cười, thì chắc chắn tôi sẽ dắt nàng về bãi đất làng mình và cùng nhau nhen lửa đốt khói, để cho nụ cười được tươi lên trên khuôn mặt ấy.

2.

Chị hơn tôi mười tuổi. Vâng, người chị hồng nhan bạc phận ấy đã ám ảnh tôi từ bấy đến giờ, và có thể sẽ dư âm cho đến cuối đời. Chị trở thành nhân vật của tôi. Có một buổi chiều, tôi ngồi nướng khoai với chị trên bãi đất làng. Gió se buồn. Hai chị em vừa khều khoai vừa nuốt nước bọt vì đói. Tôi nói sau này nếu có tiền, em sẽ đưa chị đi tới một quán ăn thật sang trọng. Chị mỉm cười nhẹ. "Thôi, không cần. Mi mua cho chị một rổ khoai là được rồi. Để tiền mà nuôi vợ."

- Em không lấy vợ. Em sẽ ở với chị suốt đời.

Chị cú vào đầu tôi. "Ngốc lắm em ạ! Đàn ông gì yếu ớt như mày sau này con gái nó ăn hiếp đấy!". Và quả thế thật. Sau ngày chị mất. Tôi đã nhút nhát đi nhiều, tôi tránh gặp con gái. Dường như ngoài chị ra, không còn người con gái nào đủ cho tôi tin cậy nữa!

Sum là một người bạn ở làng khiến tôi rưng rưng mỗi khi nhớ về. Đã không biết bao nhiêu lần hai đứa thả bò trên cồn và cùng nhau nướng khoai. Sum gầy, nhưng mạnh mẽ, con trai làng tôi đứa mô cũng dồi dào sức khoẻ. Có lần Sum nói, khoai là phải nướng và nướng bằng phân bò mới ngon! Không biết cái kinh nghiệm ấy ai bày cho hắn, nhưng đến khi hắn thốt ra thì y như đóng đinh một triết lý. Rồi cũng chính nơi bãi đất cồn nhỏ bé nhưng nhiều cỏ ấy, tôi và Sum đã có một buổi chiều dầm mưa bụi lất phất, cùng ngồi với một ngọn lửa ấm tình bằng hữu. Năm ấy hai đứa mười tám tuổi, ở làng tuổi đó được coi là già lắm rồi. Sum buột miệng: "Ở đời được sống thì dễ, nhưng sống được mới khó!". Tôi im lặng một chút rồi nói vui, như để xoa dịu cái trăn trở của bạn.

- Những thằng ăn khoai nướng nặc mùi phân bò đôi khi lại chín chắn sớm hơn, hè?

Không biết nữa. Nhưng có một điều chắc chắn là bất cứ ai sinh ra và lớn lên nơi một làng quê nghèo thì đều già trước tuổi. Đó là một quy luật tất yếu, một thứ đòi hỏi của cuộc sống. Bởi những gian truân nắng mưa buộc trẻ con chúng tôi phải sớm biết lo liệu và chịu đựng. Ấy là trải nghiệm bằng cuộc đời thực chứ không phải kiểu sách vở. Như Sum cũng vậy, chữ nghĩa chỉ đủ dùng thôi, nhưng nói về những kinh nghiệm lao động và ứng xử thì hắn thuộc dạng thầy của những đứa khác. Chính nhẽ đó mà tôi luôn trân trọng những người bạn ở làng.

3.

Khoai chín là lúc lớp vỏ nứt ra mấy kẽ hở và để lộ những thớ ruột màu vàng hươm. Vỏ khoai cháy thành một màng cưng cứng. Mùi khoai thơm trộn với mùi khói phân bò tạo thành một hương vị quê kiểng. Hầu như ở làng, tất cả những chất đốt đều có chung mùi này, chẳng hạn như mùi rơm vào mùa đốt đồng sau vụ gặt, hay là mùi lá sắn khô. Riêng mùi phân bò lại có một chút khai khai nhẹ. Thật ra, phân bò khi còn tươi thì rất bẩn, nhưng qua vài nắng, tất cả những chất đạm ni-tơ đã bay đi gần hết, chỉ còn lại cái chất xơ tạo thành những miếng như bánh xốp. Bò ăn cỏ, nên phân bò khô thì cũng chả khác chi là cỏ phơi khô. Đó là nguyên tắc khiến ta dùng phân bò làm chất đốt mà không dùng phân người.

Khoai vừa khều ra, mỗi đứa nhón một củ đương nóng, vừa cầm vừa lăn chuyền qua về hai tay. Hơi nóng của khoai ủ vào đôi bàn tay, ấm lại ngày chớm gió. Sau đó bóc vỏ một cách từ tốn. Cái khác biệt của khoai nướng và khoai luộc là ở chỗ bóc. Khoai luộc có thể ăn ngang, không cần bóc vỏ. Còn khoai nướng thì phải bóc chừng nào ăn chừng nấy, để cái mùi thơm của khói được toát ra từ từ. Đấy, riêng cái chuyện ăn khoai thôi cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Cái ngon ở đời đôi khi không phải sơn hào hải vị, mà ở chỗ biết cách ăn như thế nào.

Cưng lớn hơn tôi một tuổi, người nó chắc nịch và nụ cười rất đáng yêu. Cưng lanh lợi, tháo vát nhiều việc. Nó được xem như một "bác sĩ đồng quê" bởi những phương thức chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ rất đơn giản mà hiệu quả. Ví như chuyện ăn khoai nướng, nó bảo là rất tốt cho đường ruột. Thứ nhất, mùi vị khoai nướng có chức năng trừ giun sán. Thứ hai, ăn khoai thì không lo bị bệnh táo bón, hơi nóng của khoai làm thông các ống ruột. Nghe rất phù hợp! Tôi lại ngộ ra một điều rằng, những kinh nghiệm dân gian sẽ rất dễ lưu truyền nếu như có một cơ sở lý luận giải thích. Và không nhất thiết phải người lớn tuổi, chính trẻ con cũng có một phương pháp luận của riêng mình.

Vừa ăn khoai nướng, chúng tôi vừa trò chuyện tếu táo. Những chiếc răng chưa hết mùi sữa cứ thế cười ra với cánh đồng. Trong những câu chuyện hôm xưa, nhất quyết tôi phải kể lại cho bạn nghe chuyện này. Cố nội nhà tôi mỗi lần luộc khoai xong thì đổ ra rá. Đứa nào cầm khoai lên mà thả xuống lại thì Cụ cố đặt riêng củ đó một bên, lát nữa không cho chọn lại. Cụ cố dạy: "Đến củ khoai mà còn chê thì mần răng biết quê hương là chi?" Đấy là bài học đáng nhớ, bài học theo chân tôi xuyên suốt hành trình làm người.

Trên hoang-thảo-miền của tôi, người làng cứ đi qua, in lên đó bao nhiêu dấu chân hình trái bí đao. Nhưng cỏ thì ngàn năm vẫn xanh, như buổi chiều đã xưa lắm rồi mà kỷ niệm còn tươi mới. Tôi sẽ về nhặt lại, một củ khoai còn sót dưới chân cỏ dĩ vãng, một nhúm phân bò khô trong hanh nắng thời gian, một cọng khói ngủ quên trên khung trời cố xứ. Và chắc chắn là khói sẽ làm mắt tôi cay!

H.C.D

Hoàng Công Danh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 196 tháng 01/2011

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

48 Phút trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground