Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhớ thương đằng đẵng

N

gười đàn bà Quảng Trị đối diện qua cái bàn nước con con hồn nhiên kéo tôi về thực tại:

- Bác biết không, ngày nào em cũng chỉ ngồi đây mà thu nhặt được cả nắm đô la. Mới tinh bác ạ! Toàn tờ một trăm. Hồn thiêng các anh dưới suối vàng chắc tiêu không hết.

Chị vô tâm. Còn tôi thì son sót. Bên tai vang lên lời ca từ nửa thế kỉ trước: Súng reo trên ngã tư Sòng, rằng ta diệt hết tiểu đoàn Trâu Điên, Đầu Mầu trận đánh công kiên… Ngã tư Sòng kia, có cách tới ngàn mét hay không, xe cộ rầm rập từ Nam ra Bắc và từ Bắc vô Nam. Những chiếc xe hộp nhỏ nhanh lượn vun vút. Những xe chở khách đủ loại chật kín người. Xe giường nằm kềnh càng trôi đi trôi lại thỉnh thoảng bóp lên hồi còi oai linh khoe mẽ. Xe chở congtenlo hùng hổ như cậy mình là chúa tể vừa chạy vừa dằn mặt lòng đường. Tôi nâng li cà phê nhấm nháp và ngồi im chìm trong suy tưởng.

Một ngày cuối năm 2010, tôi bỗng nhận được bức điện từ Thanh Hóa. Người đầu dây đằng kia cho biết mình là em ruột liệt sĩ Nguyễn Văn Hoàng muốn đi tìm hài cốt người anh. Bốn mươi năm trôi qua. Làm sao tôi quên được Nguyễn Văn Hoàng cho dù anh hi sinh quá sớm, sống và cùng chiến đấu với nhau không mấy thời gian. Đó là buổi chiều ngày 31 tháng 7 năm 1966 tại chân điểm cao 333 gần Cù Đinh. Cùng hi sinh ngày hôm đó có Nguyên Thành Bang, Trần Quang Phiệt, và vài anh em khác bị thương. Và từ chân điểm cao ấy trôi xuống gần trảng rộng Baze có đồi không tên, trong trận đánh càn Porreri 2 ngày 28 tháng 2 năm 1967, khi lính thủy đánh bộ Mỹ tràn ra vùng yên ngựa đồi Con Thỏ, Nguyễn Văn Yên đã dũng cảm vươn người thả đạn cối vào nòng trong lúc máy bay địch lao xuống cắt bom và đạn pháo thù cấp tập phóng tới. Anh nằm vật ra, máu tràn thân áo, bình thản gọi y tá và nói với tôi: Em… bị rồi… các anh ở lại…

Biết bao người con ưu tú của các gia đình và của đất nước đã ngã xuống nơi đây, lớp lớp, trùng trùng. Người phụ nữ ngồi trước mặt lại hỏi:

- Bác đi tìm đồng đội hay người nhà? Tôi thẫn thờ đáp:

- Cả đồng đội và cả người nhà. Chị vẫn hỏi:

- Với bác là thế nào, ý em muốn hỏi quan hệ của bác với liệt sĩ ấy?

Một chiếc ô tô 12 chỗ ngồi từ phía ngoài vào cắt ngang câu chuyện và làm tôi bồn chồn xao xuyến. Phía trước xe có bằng Tổ quốc ghi công sau kính chắn gió. Bên dưới là hàng chữ lớn nổi trên băng đỏ: Xe rước hài cốt liệt sĩ. Qua chỗ chúng tôi ngồi xe rẽ vào cửa hàng ăn liền với nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ của sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Quảng Trị. Mọi người nhanh bước xuống, đứng tuổi có, trẻ tuổi có, nam có, nữ có, dường như từ xa tới và lúc này đã quá trưa nên hai bàn ăn được ghép lại một bàn dài rất nhanh chóng. Tôi đi theo. Cùng cảnh nên muốn nân na. Thấy một ghế trống ở phía đầu tôi vừa định ngồi thì bị một người đàn ông chặn ngay lại bằng động tác rất mạnh mẽ. Rõ ràng người ta không cho phép tôi kịp đặt mông vào mặt ghế:

- Không được! – Người đàn ông nói – Chỗ này của liệt sĩ!

Tôi vội lùi lại. Thấy ngay rằng mình có lỗi. Mặt bàn, sát với ghế trống đó, đã bày bát, đũa, cốc. Và người ta rót bia đầu tiên vào chiếc cốc ấy để mời hương hồn người đã hy sinh.

- Nhưng mà!... Tôi băn khoăn – Xe từ ngoài vào?... Người đàn ông vui vẻ:

- Đúng thế! Chúng tôi từ Hà Tây vừa tới.

- Thế còn liệt sĩ?... Tôi vừa nói vừa nghĩ. Chỉ sợ có điều gì sơ suất.

- Đã xác định được vị trí! – Người đàn ông trả lời – Chúng tôi đưa gia đình vào bốc cất có thầy đi cùng…

Ông chỉ vào một nguồi đàn ông khác trẻ hơn chút ít. Tôi liền lấy giọng cầu xin, kính cẩn:

- Thưa thày… tôi cũng đi tìm… - Em ruột bác à?... - Vâng, đúng, hồ sơ đây…

- Không! – Thày nói – Bác cứ đi tìm. Sau này cần, về nhà, đến chỗ tôi, còn phải thắp hương cầu xin, để hương hồn liệt sĩ nhập vào ai đó…

Tôi hiểu ngay mình lau tau hồ đồ liền lui vào góc quán với li nước trà nóng cho trôi đi những phiền muộn. Và hình ảnh em trai tôi hiện về. Và hình ảnh cha tôi hiện ra. Ngày ấy, tôi đang ở chiến trường, nơi Trần Quang Phiệt, Nguyễn Thành Bang, Nguyễn Văn Yên, Nguyễn Văn Hoàng… và bao người con ưu tú của dân, của nước ra đi, thì em tôi lên đường. Chúng tôi không được giáp mặt để chia tay nhau. Năm 1975 trở ra em không còn nữa. Cả nhà tôi mong đợi. Gia đình ở trên gác hai và cứ nghe tiếng bước chân ai đó gõ nhẹ trên cầu thang gỗ là tất tả chạy ra ngóng xuống. Khi thì một người quen. Khi là một người lạ. Hình ảnh đứa em trong bộ quân phục bạc màu và cái ba lô to xù xụ phía sau chỉ có trong cơn mê, trong tưởng tượng. Cha tôi đã tám mươi. Người càng ngày càng sống trong lặng lẽ. Hai má người hóp lại và đôi mắt trũng sâu. Người ngồi mép giường. Và chỉ một chỗ ấy. Từ sáng đến trưa. Từ trưa đến tối. Để dễ nhìn ra đầu cầu thang. Dường như đêm ngủ cũng nằm nghiêng nhìn được ra phía cửa. Mỗi lần người trở mình tôi thức giấc nhìn sang đều thấy người nằm như vậy. Mẹ tôi lo xa hơn, lấy cái cuống chổi làm ghế kê ngồi ngay đầu cầu thang, để nhìn xuống nhanh hơn và dễ hơn. Những tiếng bước chân hồi hộp lòng người cùng với những phút giây ngỡ ngàng, trống vắng, cứ được lặp đi lặp lại, ngày ngày, qua những đêm dài hun hút. Đến một buổi chiều cuối năm 1975 lê thê ấy, có tiếng bước chân, dồn dập từ phía dưới. Mẹ tôi ném nhanh cái chỗi nhào xuống. Cha tôi lập chập chạy ra. Mấy chị em chúng tôi bổ nhào tới. Người chị bật ngay cái đèn cầu thang để nhìn cho tỏ. Không có ai là em tôi cả. Ông Chủ tịch phường trịnh trọng cúi người:

- Chào ông bà! Chào cả gia đình!

Những người đi cùng cất tiếng chào. Cả nhà t ôi òa lên. Mẹ tôi gào một tiếng to rồi ngất lịm. Tôi cố kiềm chế, vội vàng đỡ mẹ và cùng các chị em đưa bà vào giường. Cha tôi đứng im, không nói, không rằng, và người lau đánh loáng hạt lệ cực lớn vừa hiện ra trên khóe mắt. Gia đình tôi biết có sự kiện này và đón đợi khi bao người con của các gia đình khác trở về hay có thư từ nhưng vẫn cứ bất ngờ quá, đau đớn quá. Tôi pha nước mời khách, song chả ai ngồi, vì cha tôi vẫn đứng. Người lặng đi như thân gỗ, rồi mãi mới từ từ ngồi xuống mép giường, để nhìn ra đầu cầu thang. Hình như người thoáng quên thực tại và cho rằng, ông Chủ tịch phường và những người cùng đi đến đây không phải thông báo tin buồn mà là thăm thú hay có việc gì đó. Người cứ ngồi lặng như thế và tôi thay mặt gia đình tiếp khách. Tối nay phường làm lễ truy điệu! – Vâng ạ! Bằng Tổ quốc ghi công sẽ trao vào lúc đó! – Vâng ạ! Tiêu chuẩn gia đình liệt sĩ cũng nhận vào lúc đó! – Vâng ạ!... Khách về, tôi lấy ảnh em ra, lúc này cha mới lên tiếng trong nước mắt giàn giụa và bàn tay run run vẫy nhẹ: Cất đi anh! – Người gọi tôi như vậy – Thày xúc động lắm! Đừng để thày nhìn thấy lúc này!... Và người ngồi im, lặng lẽ, như thân hình đã hóa đá…

Tôi có lỗi với người và có lỗi với em là đã không sẵng sái kiếm tìm hài cốt từ những ngày cha mẹ còn sống. Nhưng khó khăn trăm bề của mưu sinh. Em tôi ngã xuống trong chiến dịch Lam Sơn 719 ở Nam Lào mà lúc đó đi lại đâu có như hôm nay. Lại còn hộ chiếu. Lại còn vida. Vả trong lòng mình, tôi cũng muốn khép lại. Quá khứ mà! Rồi càng ngày càng thấy rằng không thể nào dễ dàng quên được. Cuộc sống nay đầy đủ càng nghĩ đến em. Ăn miếng ngon nghĩ đến em những khi đói khổ. Nằm ấm nghĩ đến em những đêm rét buốt không chăn. Ngồi trên máy bay tới những vùng trời xã lạ nghĩ đến em chưa bao giờ có cái xe đạp để đi… Thời gian càng lùi xa nhớ thương càng đằng đẵng. Tôi không yên lòng, và giờ đây, dù đã bẩy mươi ba tuổi đầu, nhất quyết lên đường tìm kiếm…

Một chiếc xe chở khách mười hai chỗ ngồi khác đến. Băng đỏ phía trước xe vẫn thế: Tổ quốc ghi công – Xe rước hài cốt liệt sĩ. Họ vào quán ăn để lát nữa vào nhà đón tiếp chỉ cách một bước chân kia. Những người này có vẽ mệt mỏi. Quần áo xộc xệch và bụi đất nham nhở. Tôi nân na: Kết quả thế nào, chị ơi! - Chưa thấy chú ạ! - Vào mấy ngày rồi? - Ba ngày! - Có thày tâm linh đi cùng không? Có, thày kia! - Đoàn của chị ở đâu tới? - Hải Dương! - Huyện nào? - Gia Lộc! - Tôi cũng người Gia Lộc đây… Lại hai xe mười hai hay mười sáu chỗ ngồi chạy qua, phía trước đều có băng đỏ ghi rõ là xe rước hài cốt liệt sĩ. Ở mỗi xe đều có một người ngồi bên phải, ghế trước, cạnh người lái, thò đầu và tay ra ngoài, rắc tiền vàng và những tờ tiền âm phủ ấy bay bay… Chị bán cà phê cạnh quán ăn vừa nãy vô tư nói chuyện với tôi lại hồn nhiên kêu lên: May quá! Họ tìm được rồi!

Tiếng reo ấy ngẫm sao mà chua chát. Chết sao lại gọi là may? May quá anh ấy nguyên vẹn trở về hay may quá anh ấy chỉ bị thương nghe có lí hơn. Chứ sao lại may quá anh ấy hi sinh cho dù sự hi sinh là vô cùng cần thiết và không thể tránh khỏi. Sáng ra tôi thấy năm xe đỗ trong sân nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ và xe nào cũng có biển đỏ như nhau. Chắc chắn không có hẹn hò, không có ai qui định thống nhất, nhưng biển nào cũng như biển nào, hàng chữ như thế, kích cỡ như thế, trước mũi xe trang trọng như thế. Có xe còn cắm Quốc kỳ. Đây là sự gặp nhau trong cõi tâm linh, trong hồn thiêng nỗi nhớ. Tôi lững thững bước. Con đường đang đặt chân mà cứ như là xa vắng chứa chan. Một nỗi lòng xao xuyến mênh mông. Từ đâu về cầu Đông Hà chừng hai cây số với ngàn ngàn xe cộ qua lại mỗi ngày có bao nhiêu xe tìm rước hài cốt liệt sĩ? Các gia đình tự lo, tự tìm, và đa phần dựa vào tâm linh ngoại cảm. Ít ai nghĩ đến thử ADN vì biện pháp khoa học chuẩn xác này với họ dường như xa xôi cách trở, chả bằng ông thày, chỉ cần lòng thành, chỉ cần lễ bái cầu xin linh hồn liệt sĩ thiêng liêng phù trợ… Ở Hà Nội tôi đã nghe tin có gia đình đưa hài cốt liệt sĩ về mai táng thì sau đó phát hiện ra liệt sĩ người thân gia đình mình chỗ khác kia, thế là lại đưa thêm về, xây hai ngôi song song, và thành kính khói hương, chỉ mong  sau này gia đình nào đó phát hiện ra thân nhân để mà tìm đến…Tâm linh dường như đang làm yên lòng bao gia đình đau đớn nhưng độ chuẩn xác tới đâu thì chỉ có các ông thày mới dám khẳng định. Lậy giời đúng sai! Nhưng làm sao có thể tin là tuyệt đối? Nếu chiếc xe chở hài cốt liệt sĩ có tiền vàng rải trên đường kia lại không phải thân nhân của những người ngồi cùng thì thế nào đây?...

Tôi gạt nhanh ý nghĩ ấy của mình. Tôi sợ sự xúc phạm hồn thiêng người ngã xuống vì dân vì nước và xúc phạm vào gia đình ai đó. Ngay chiều hôm ấy tôi vượt cửa khẩu Lao Bảo trong tay có thư của Ban chính sách Sư đoàn hai Bộ binh và sơ đồ mộ chí do bạn chiến đấu của em tôi vẽ lại theo trí nhớ. Đội qui tập hài cốt liệt sĩ tỉnh Quảng Trị đang làm việc bên đó. Người ta cho biết thời gian qua đã tìm đưa về nước bao nhiêu ngôi, bao nhiêu ngôi có tên vào bao nhiêu ngôi không tên. Anh công an cửa khẩu mở quyển hộ chiếu chuẩn bị đóng dấu và hỏi:

- Bác sang Savannakhet có việc gì?

- Tôi tìm hài cốt chú em là liệt sĩ.

- Xin chúc bác gặp nhiều may mắn

Anh ta đóng dấu. Ngồi xe vài chục cây số tôi tụt xuống dọc đường dừng lại ở Sepon. Điểm cao 660 sừng sững kia. Tôi bâng khuâng nhìn quanh. Hình ảnh cha tôi, mẹ tôi, và gia đình một ngày cuối năm 1975 hiện ra. Người vẫn ngồi góc giường nhìn về phía cầu thang mong đợi. Người vẫn ngồi đau đáu trên cuống chổi rơm ngóng trông. Cả nhà nín thở nghe tiếng bước chân gõ trên bậc cầu thang gỗ… Và đoạn đường phố Quang Trung nhỏ nhoi đầy cây bàng ấy.. Và đoạn đường số một từ Đông Hà tới ngã tư Sòng… Tất cả vẫn là hiển hiện, vẫn là xa xăm, dằng dặc nỗi buồn thương nhớ. Được biết đội qui tập liệt sĩ mắc võng trong cánh rừng phía sau bản Đông thuộc huyện Sepon, tỉnh Savanakhet. Một sợi khói sương mỏng mảnh, ngoằn ngoèo, vượt rừng trôi ngược lên nền trời đầy mây lửng lơ buông tỏa. Tôi, ông già hơn bẩy mươi tuổi, lòng những ưu tư, sau bốn mươi năm lại ba lô trên vai, lặng lẽ bước đi.

 

T.Đ.C

 

Tô Đức Chiêu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 200 tháng 05/2011

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

12 Phút trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

1 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground