"Ủ mầm thật sâu để cựa mình thật mạnh, sự sống của loài người vẫn đẹp bất tuyệt"
Nói là dành cho vườn, nhưng đôi khi mình không làm gì cả. Chỉ ngồi thật im lặng. Nhìn đôi bông hoa vừa hé. Ngó bâng quơ con chim nhỏ lách chách trên đọt cau. Thế thôi. Và nghĩ về lòng biết ơn cuộc đời! Hẳn nhiên, cuộc đời này, mỗi người sinh ra một số phận. Ngọt ngào hay đắng cay, bùn hay lụa, nhung gấm hay tầm gai... không phải bởi đẳng cấp, vị thế, gia tộc... mà ở chính mỗi ngôi sao người đó nhận lãnh.
Cô bé lọ lem vẫn thành hoàng hậu. Nàng công chúa út vẫn cứ phải đi dệt tầm gai! Những bông hoa trong vườn mình, trời thuận mát nở bông tròn trịa, trời gắt gỏng rét nhức nở bông khắt khe, đôi khi, con sâu tham lam còn gặm mất nửa... Vậy mà, cách này hay cách khác, chúng vẫn nở thành hoa, vẫn tỏa hết hương cho người đi qua hít hà thơm mát. Rồi lại tàn. Cách này hay cách khác, hoa vẫn sống đời hoa. Cách này hay cách khác, người vẫn đi qua một kiếp người!
Vậy hà cớ chi mình không nhận ra ân sủng cuộc sống đã dành cho? Như câu chuyện “Totto-chan bên cửa sổ” mình đọc với bọn trẻ con. Thầy hiệu trưởng nói sao? Có mắt mà không nhìn thấy bông hoa, có tai mà không nghe âm nhạc, có trái tim mà...
Có trái tim mà... sao?
Có trái tim mà không biết yêu thương thì thật buồn.
Sợ trái tim ở nhà lâu sẽ vắng bóng yêu thương, nên chiều mình rủ con cùng lên phố, qua mấy góc quen, tìm mấy bạn già trước đây thường hay gặp mỗi cuối tuần mình đưa con đi nhà sách. Phố trở lành lạnh se se. Những dáng ngồi lúp xúp cam chịu. Những chiếc nón tả tơi nghiêng mặt. Ngồi sau lưng con, mình liên tục vỗ vai nó, dừng dừng dừng, mỗi khi gặp một bóng dáng quen đang ẩn trong góc tối, hoặc lúc lắc lầm lũi chiếc xe đơn độc trên con phố đìu hiu ít người lại qua.
Phút gặp nhau ngắn ngủi. Chú nói, tui nhận ra cô, dù cô bịt khẩu trang. Mình thì thào sao chú nhận ra con tài vậy? Đôi mắt chú nhìn mình ngấn lệ, giọng cô lạ lắm, không lẫn lộn với ai được mô! Mình hỏi thăm những người tối nay vắng không thấy. Chú kể giọng ngấn nước, mụ nớ rứa rứa rứa, ôn nớ rứa rứa rứa... Mình gửi chú đem về giùm. Chú không còn đôi tay để cầm, hai khuỷu áo lập bập trong gió.
Mình chạy đi tìm hai mệ già hay ngồi nơi cửa ra vào nhà sách. Nhưng không ai biết hai mệ ở đâu. Hỏi nhân viên nhà sách, các em cũng không biết! Bần thần nghĩ về hai mệ, không biết những ngày này, ăn làm răng, sống làm răng?
Trên đường về, phố vội người đi lắm, nhưng thi thoảng mình thấy trong những chiếc giỏ xe rách nát là đùm mì tôm, đùm thức ăn. Dừng lại hỏi, nghe kể, thỉnh thoảng cũng có người đem đến cho mấy thứ đó, nên cũng đỡ cô ơi!
Người mình đó. Thương mấy cũng không hết!
Và những ngày liên tiếp tin tức về dịch bệnh, loài người đầy âu lo, những gương mặt mệt mỏi, những xốn xang về tin không tốt lành. Mình vẫn ngồi im dưới tán cây trong vườn, lặng nhìn cuộc sống thật chậm đang trôi qua. Và nhận ra, mọi thứ đến trong đời, là ý trời muốn vậy.
Cũng như một sáng kia chạy ra chợ, mua bông trái cúng rằm, có anh nọ khều khều, nói, cô thương cô cho ít đồng mua cơm ăn! Mình nghe vậy lật đật tìm trong túi, kiếm hết tiền lẻ đưa cho ảnh. Không nói chi mà nghe lòng cũng xót. Ảnh cúm rúm chắp tay lia lịa ơn cô ơn cô! Rồi bỏ đi. Ảnh đi cái, mấy anh dân phòng đứng đó vùng dậy. Mình thất kinh! Mấy anh dân phòng trợn mắt chỉ tay, kêu: cô ngó đi ngó đi! Hắn to cao khỏe mạnh rứa mà đi ăn xin!
Mình nghe theo lời các anh, phân bua về việc cho nhầm người. Nhưng tâm trí mình vẫn in gương mặt thiểu não của ảnh, in bàn tay cúm rúm chấp lia lịa ơn cô ơn cô. Mình quay sang cười nhẹ nhàng nói với mấy anh dân phòng: mỗi người sinh ra đời này là một mệnh, và những gì xảy ra với họ là duyên nghiệp trần đời, nên mấy anh đừng nói người ta tội.
Mọi sự đến và đi ở cõi này, là duyên đưa nghiệp đẩy!
Cũng như khi mình đang vừa bắc ghế vừa trèo phía ngoài vườn vừa nói. Nói to, cho mình nghe, cây nghe, như một lời độc thoại nội tâm: Mình nghĩ, trong đời sống này, người ta có thể lựa chọn cách sống, hoặc hồn nhiên sống. Người lựa chọn cách sống, là con đường đi của những triết gia, học giả. Di sản để lại là những phát kiến, tư tưởng có thể đổi núi dời sông. Người hồn nhiên sống, là hoa lá cỏ cây. Không vì tuyết lạnh mà giận, không vì nắng gắt mà hờn, không vì mưa bên này hạn bên kia mà lẫy... chỉ cần lúc nào bật lên được sự sống. Cây lại nở hoa. Và thật đáng tiếc cho những ai, khi cả một đời mình, không để mắt mình ngắm nhìn những bông hoa dễ mến!
Mỗi sáng, thức dậy bằng đôi mắt biết ngắm nhìn những bông hoa. Rằng quen, những khoảnh khắc thoát ra khỏi xô bồ nhân gian, để mỉm cười, trò chuyện với tiếng nói bên trong của mình. Con người thường sợ cô đơn. Bởi sự cô đơn thường vây bủa trái tim mỗi người bằng cái lạnh lùng và đôi khi cả tàn nhẫn. Nhưng đơn độc thì không. Đơn độc là sự giàu có trong tâm hồn mình. Để mình được rong rêu với chính mình, hát ca với đời mình, yêu thương cả vết sẹo, trân trọng cả nỗi đau, bao dung với lỗi lầm, thứ tha với bất cẩn... của chính mình. Đơn độc. Là lúc ngồi trong vườn, đá lông nheo, tinh nghịch, cười với hạt nắng đang đợi trên cao chờ lúc gió lao xao để rơi xuống giọt hoa đang cựa mình thức giấc. Đơn độc bấy giờ là một món quà Thượng đế mang đến cho mỗi người trong đời sống.
Và những tháng ngày đang qua mùa COVID-19, mùa của lặng yên, nhưng mình tin, ủ mầm thật sâu để cựa mình thật mạnh, sự sống của loài người vẫn đẹp bất tuyệt như những bông hoa Chantai mình chưa một lần được ngắm nhưng luôn sáng bừng tâm tưởng trên ngọn đền xa thẳm dãy núi Himalaya xanh ngời.
Đ.H