Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những đứa con ngược Bắc tìm cha

Họ là những giọt máu được hoài thai từ mối tình đẹp giữa các chiến sĩ giải phóng quân cùng cô gái làng nơi dừng chân trú quân trên đường tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Ba mươi ba năm sau chiến tranh, trong dòng người xuôi, ngược đi kiếm tìm thi hài các liệt sĩ là thân nhân của họ hy sinh trên chiến trường miền Nam vẫn còn đó những đứa con âm thầm ngược Bắc tìm cha.
NGƯỢC BẮC TÌM CHA
Cách đây ba sáu năm (năm 1972) trên đường tiến quân vào giải phóng miền Nam, Tiểu đoàn 18 (thuộc Trung đoàn 275, Sư đoàn 367) đóng quân gần hai năm (năm 1972-1973) tại làng Hà Tây (xã Triệu An, Triệu Phong). Chính trong quảng thời gian đó, ông Nguyễn Quốc Phái (là chiến sĩ của Tiểu đoàn 18) làm quen rồi yêu bà Nguyễn Thị Luyến. Kết quả của mối tình đẹp ấy, bà Luyến mang thai và âm thầm chờ đợi tin tức người yêu cho đến ngày bà lâm trọng bệnh qua đời tại quê nhà. Ba ba năm sau (năm 2006), người con có tên là Nguyễn Thanh Tâm nhờ người ra Bắc tìm cha. Biết con mình còn sống ở miền quê ông từng đóng quân, ông Phái vội vã cùng vợ vào nhận mặt con mình. Ngày gặp lại, cha, con chỉ biết nhìn nhau trong ngẹn ngào nước mắt...
CỨ TƯỞNG CHA ĐÃ HY SINH
Ngồi trong căn nhà khang trang nằm sát đoạn sông hợp lưu giữa hai con sông Hiếu, Thạch Hãn trước khi đổ ra biển Cửa Việt của mình, anh Nguyễn Thanh Tâm cứ ngân ngấn nước mắt khi kể cho tôi nghe câu chuyện gặp lại cha mình sau quảng thời gian ba lăm năm đằng đẵng không biết cha mình còn sống hay đã hy sinh trên đường tiền quân vào giải phóng miền Nam. Anh ngậm ngùi kể: Năm 1985, lúc ấy anh khoảng 11 tuổi (anh sinh năm 1974) sau thời gian dài làm lụng vất vã nuôi anh, mẹ anh mắc phải căn bệnh ung thư rồi qua đời. Phút hấp hối, mẹ anh chỉ kịp trăn trối với anh là cha anh tên Phái hình như quê ở tỉnh Hà Bắc (cũ). Trước đây là chiến sĩ của một đơn vị về đóng quân tại làng. Rồi dặn anh rằng phải cố gắng nương tựa hàng xóm láng giềng để sống chờ ngày cha quay lại tìm con. Chỉ chừng đó thông tin về người cha mà anh chưa từng gặp mặt. Thời gian trôi qua nhanh mà bóng dáng người cha vẫn “bặt vô âm tín”. Nhiều lúc, anh tự an ủi mình có thể cha anh đã hy sinh tại chiến trường miền Nam thì làm sao mà về tìm anh được. Mãi đến năm 2005, từ bức thư của ông Bùi Văn Long (thôn Mục, xã Trường Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) nguyên trước đây là chiến sĩ Đại đội 6 (Tiểu đoàn 18, Trung đoàn 275, Sư đoàn 367) gửi con gái tên Nguyễn Thị Bé (có hoàn cảnh giống như Nguyễn Thanh Tâm sẽ được đề cập đến trong bài sau), anh nhờ Bé gửi thư ra hỏi ông Long tin tức của cha mình. Ngày 25/6/2005, ông Long trực tiếp gửi thư vào cho anh và cho anh biết cha anh hiện đang sống ở thôn Dùm (xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, Bắc Giang). Tháng 8/2005, trong lần về quê của bạn anh tên là Sâm (quê ở Bắc Giang), anh nhờ bạn tìm về tận thôn Dùm để biết thêm hoàn cảnh của cha anh hiện tại. Qua lời kể của cha anh với người bạn, anh được biết cha anh tên họ đầy đủ là Nguyễn Quốc Phái hiện đã có gia đình và có bốn con là Nguyễn Quốc Đoàn, Nguyễn Quốc Viên, Nguyễn Quốc Việt và Nguyễn Thị Nam. Cuối năm 1972 là chiến sĩ Tiểu đoàn 18 đóng quân gần hai năm (năm 1972-1973) tại thôn Hà Tây sau đó Tiểu đoàn 18 chuyển quân lên đóng tại Cam Lộ. Đến năm 1974, khi mẹ anh sinh anh thì cha anh theo Tiểu đoàn 18 vào đóng quân tại vùng rừng núi A Sầu-A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế) một thời gian rồi nhận lệnh tiến vào giải phóng miền Nam. Năm 1976, cha anh xuất ngũ về quê lấy vợ tên là Nguyễn Thị Cầu (người cùng quê với cha anh). Trước đó, trong thời gian Tiểu đoàn 18 đóng quân tại vùng rừng núi A Sầu-A Lưới, cha anh nhiều lần gửi thư cho mẹ anh nhưng không thấy hồi âm. Cha anh cứ tưởng mẹ anh đã đi lấy chống. Nên khi xuất ngũ về quê, cha anh lập gia đình mà không quay lại miền quê cha anh từng đóng quân để tìm mẹ anh vì sợ sẽ anh hưởng đến hạnh phúc riêng tư của người yêu.  
THƯ GỬI CON TRAI CHỒNG
Sau phút trầm ngâm khi kể cho tôi nghe câu chuyện về hành trình tìm cha của mình, anh lục tủ lấy ra bức thư đã nhàu đưa cho tôi rồi bảo tôi đó là bức thư của người bây giờ trở thành người mẹ thứ hai của anh trong sự kính trọng của anh trước những tình cảm mà bà dành cho anh, đứa con riêng của chồng bà. “Thôn Dùm, ngày 25/9/2005,Hai con cùng cháu yêu thương của mẹ. Qua trang giấy mỏng này, cho mẹ được giải bày đôi dòng tâm sự cùng hai con nhé. Các con biết không?! Ngày mẹ lấy bố con, mẹ không hề biết rằng bố con đã có đứa con tại Quảng Trị mãi cho đến khi sinh em Nguyễn Quốc Đoàn, bố con mới cho mẹ biết sự thật. Có thể, bố con giấu mẹ vì sợ mẹ buồn. Khi biết được tin ấy, mẹ nhiều lần giục bố con gửi thư vào cho mẹ con nhưng mấy lần gửi thư vẫn không thấy hồi âm trở lại của mẹ con. Bấy giờ, do điều kiện đi lại khó khăn nên bố, mẹ không thể vào Quảng Trị để tìm con được. Từ đó, Bố, mẹ bặt tin về con và mẹ con cho đến tận bây giờ. Vừa rồi có anh Sâm, người Bắc Giang là bạn con có ghé qua nhà báo tin cho bố, mẹ biết là con hiện sống ở thôn Hà Tây và vẫn khoẻ mạnh điều đó khiến bố, mẹ mừng đến rơi nước mắt. Cũng qua lời anh Sâm kể lại thì mẹ con sau thời gian dài tần tảo nuôi con đã lâm trọng bệnh qua đời. Biết được chuyện đó, lòng mẹ càng xót xa, đớn đau nhiều. Đêm đêm cứ nghĩ đến mẹ con là mẹ lại rơi nước mắt. Cùng là phận đàn bà với nhau nên mẹ phần nào hiểu được sự cô đơn vò vỏ nuôi con một mình của mẹ con. Sự cô đơn, thiếu vắng, đau đớn càng nhân lên gấp bội khi mẹ con phải chiến đấu với bệnh tật mà không có sự chăm sóc của bố con trong khi mẹ có được hạnh phúc là sống cạnh bố con, được bố con yêu thương, chăm sóc, mẹ càng kính trọng mẹ con cũng như càng thương con hơn. Con hãy thông cảm, tha thứ cho cha con, cho mẹ cùng các em con. Tất cả cũng chỉ tại hoàn cảnh chiến tranh...” 
NƯỚC MẮT NGÀY GẶP LẠI
11 giờ đêm 25/9/2006, sau nhiều lần cha con gặp nhau qua điện thoại, ông Phái cùng vợ vào đến thị xã Đông Hà trên chuyến xe tốc hành xuôi vào Nam. Từ chiều, anh Tâm lên đón ông Phái tại bến xe. Xuống xe, cha con ôm chầm lấy nhau khóc oà. Ông Phái nghẹn ngào nói với con trong nước mắt rằng hãy tha thứ cho ông. Anh Tâm vừa khóc vừa gật đầu mà chẳng nói nên lời. Bà Cầu (vợ ông Phái) đừng cạnh chồng cùng đứa con riêng của chồng chậm rãi đưa tay lau giọt nước mắt lăn xuống má. Đêm đó, mặc trời đổ mưa như trút nước, hai cha con cứ đứng ở bến xe để nói với nhau bao điều giấu kín trong lòng bây giờ mới vỡ oà như những giọt mưa.
BA MƯƠI NĂM MỚI TÌM ĐƯỢC CHA
Chiều ngày 18/8/2001, Trương Xuân Phương cùng người đồng đội của cha mình là ông Võ Văn Hồng lặn lội tìm về xã Nghĩa Thuận (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) trước sự ngỡ ngàng của bà nội, chú, bác cùng họ hàng, làng xóm của Liệt sĩ Trương Xuân Lai. Họ không thể ngờ rằng trước khi hy sinh, Liệt sĩ Trương Xuân Lai kịp để lại trên mảnh đất Quảng Trị giọt máu được hoài thai từ mối tình đẹp với bà Lê Thị Phiên tại nơi đóng quân (thôn Sa Nam, xã Vĩnh Long, Vĩnh Linh). Bà Hồ Thị Được (mẹ Liệt sĩ Trương Xuân Lai) cứ rờ rẫm khắp người cháu nội rồi nghẹn ngào “Lai ơi, con của con tìm về với mẹ đây này. Rứa mà lâu nay mẹ cứ tưởng...Từ nay mẹ có cháu nội rồi... Bái ới... con tới mà nhận cháu đi con, răng còn đứng đó mà nhìn”  
"GIỌT MÁU" ĐƯỢC HOÀI THAI
Bà Lê Thị Phiên, thôn Sa Nam (xã Vĩnh Long, Vĩnh Linh) không dấu được xúc động khi kể cho tôi nghe chuyện tình của bà với liệt sĩ Trương Xuân Lai ngày ông còn đóng quân tại thôn Sa Nam. Lấy khăn lau giọt nước mắt đọng lại trên khoé mắt đầy vết chân chim, bà từ từ kể: Cuối năm 1969, bà trở về quê từ nơi sơ tán là huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) để tham gia du kích xã với nhiệm vụ vừa đánh giặc, vừa tham gia sản xuất nông nghiệp. Trong năm đó, đơn vị của Liệt sĩ Trương Xuân Lai là Đoàn 31 (Mặt trận B5) về đóng quân tại thôn Sa Nam. Chính trong thời gian ấy, bà gặp Liệt sĩ Trương Xuân Lai. Lúc bấy giờ, bà đã có hai con với người chồng trước (đã ly hôn với người chồng trước khoảng ba năm) còn Liệt sĩ Trương Xuân Lai chưa có vợ con gì. Vượt qua tất cả sự mặc cảm, điều tiếng của người đời, Liệt sĩ Trương Xuân Lai thường xuyên lui tới để chăm sóc ba mẹ con bà bằng tình cảm của một người chồng, người cha thực sự. Cảm mến tấm lòng của Liệt sĩ Trương Xuân Lai, bà Phiên đã nhận lời yêu. Sau một năm yêu nhau (năm 1969-1970), Liệt sĩ Trương Xuân Lai báo cáo với đơn vị được xây dựng gia đình với bà Phiên. Được đơn vị đồng ý, Liệt sĩ Trương Xuân Lai viết thư về cho gia đình xin phép cưới vợ tại nơi đóng quân nhưng gia đình không đồng ý bởi trước đó gia đình đã dạm hỏi bà Hoàng Thị Lệ Thành (xã Nghi Hương, Nghi Lộc, Nghệ An) cho Liệt sĩ Trương Xuân Lai. Trước sức ép của gia đình, năm 1971, Liệt sĩ Trương Xuân Lai buồn bã nuốt nổi buồn vào lòng để giã từ bà Phiên về quê cưới vợ. Lúc đó, bà Phiên đã mang thai rồi sinh anh Trương Xuân Phương. Về quê mấy ngày cưới vợ xong, Liệt sĩ Trương Xuân Lai quay lại đơn vị. Năm 1972, Đoàn 31 (Mặt trận B5) nhận lệnh chuyển quân lên vùng rừng núi giáp ranh giữa xã Vĩnh Ô (Vĩnh Linh) với tỉnh Quảng Bình. Ngày 4/5/1972, Liệt sĩ Trương Xuân Lai hy sinh trong một trận máy bay địch oanh kích doanh trại của Đoàn 31. Nhận được tin Liệt sĩ Trương Xuân Lai hy sinh cùng với di vật gồm thư từ, chiếc tăng dù hoa, đồng hồ...từ tay các chiến sĩ Đoàn 31, bà Phiên đau đớn ngất đi. Từ đó, bà Phiên ở vậy nuôi con và ròng rã trong nhiều năm bà Phiên viết thư về quê của Liệt sĩ Trương Xuân Lai nhưng không có hồi âm.
ĐƯỜNG VỀ QUÊ CHA
Ngồi bên bà Phiên, anh Trương Xuân Phương cứ mân mê tấm ảnh cũ đã nhoà nét của Liệt sĩ Trương Xuân Lai trên tay, mắt nhìn đăm đăm ra khoảng sân như hồi tưởng lại ngày anh tìm về quê cha. Anh rưng rưng kể: Từ nhỏ đến lớn, nhiều lần anh hỏi mẹ anh về cha, mẹ anh chỉ cho anh biết cha anh là Liệt sĩ Trương Xuân Lai có quê ở Nghệ An, còn người thân của cha anh còn hay mất thì mẹ anh hầu như không biết. Cuối năm 2000, có ba người từng là đồng đội của cha anh là ông Vũ Thành Chu, Võ Văn Hồng, Nguyễn Xuân Quy trong một lần ghé lên xã Vĩnh Long chơi đã tìm đến thôn Sa Nam thăm nhà mẹ con anh. Qua trò chuyện với mẹ con anh, họ cho mẹ con anh biết toàn bộ thông tin về quê quán, người thân của Liệt sĩ Trương Xuân Lai và bảo anh thu xếp ra thăm quê cha. Trước khi lên đường tìm về quê cha, anh cứ lo lắng không biết người thân cha anh có chịu nhận anh không nên cứ do dự mãi đến ngày 18/8/2001, anh cùng ông Võ Văn Hồng (ở cùng xã với anh) lên đường ra Nghệ An. Sau nửa ngày lặn lội từ thành phố Vinh (Nghệ An) về xã Nghĩa Phương (huyện Nghĩa Đàn), anh và ông Hồng đặt chân lên bậc thềm ngồi nhà nhỏ của bà nội anh là bà Hồ Thị Được (mẹ Liệt sĩ Trương Xuân Lai). Nhìn thấy anh, bà nội và chú ruột anh là ông Trương Xuân Bái ngỡ ngàng như không còn tin vào mắt mình bởi trước mắt họ là một người giống Liệt sĩ Trương Xuân Lai như hai giọt nước. Ông Hồng cho bà nội, chú ruột anh biết về lai lịch của anh và nguyên do anh tìm đến xã Nghĩa Phương. Bà nội anh bỗng oà khóc. Ông Bái cứ đứng lặng nhìn anh vì chưa tin đó là sự thật. Sau phút ngỡ ngàng, bà nội, chú ruột anh ào đến ôm lấy anh rồi cả ba người cùng khóc. Được tin, buổi chiều cùng ngày người thân, hàng xóm, bạn bè của cha anh kéo đến đông đủ tại nhà bà nội anh để mừng cho bà nội anh tìm được cháu. Đêm ấy, hình ảnh của Liệt sĩ Trương Xuân Lai như “sống lại” trong câu chuyện của bà nội anh, chú anh cùng những người thân đến chia vui cùng anh.
BĂNG RỪNG TÌM MỘ CHA
Dừng câu chuyện như để cảm xúc về buổi đoàn viên đầy nước mắt lắng xuống, anh cho biết: Cũng trong lần về tìm quê cha, anh được bà nội trao cho anh lá thư do ông Ngô Tình, thôn Liêm Công Đông (xã Vĩnh Thành, Vĩnh Linh) mà bà anh nhận được từ những năm 1977. Trong bức thư ông Tình có cho biết là trong một lần lên vùng rừng núi Vĩnh Ô chặt củi về bán ở chợ thị trấn Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh), ông thấy hai ngôi mộ liệt sĩ có tên tuổi, quê quán khắc trên tấm gỗ nằm lẻ loi giữa rừng. Đó là các Liệt sĩ Phạm Hữu Đắc, quê huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phú (cũ)) và Trương Xuân Lai, quê xã Nghĩa Phương (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An). Thương các liệt sĩ không có ai hương khói và sau này bị thất lạc nên ông vẻ địa đồ hai ngôi mộ đồng thời viết thư gửi về địa chỉ là quê quán của hai liệt sĩ ghi trên bia mộ. Lúc nhận được thư nhưng do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn nên bà nội cùng chú ruột anh không thể vào Quảng Trị để cất bốc được. Trở về từ quê cha, anh tức tốc tìm gặp ông Ngô Tình sau đó nhờ ông Tình cùng anh đi tìm phần mộ cha anh. Khoảng tháng 6/2001, ông Bái từ Nghệ An vào cùng anh với ông Tình băng rừng tìm mộ cha anh. Buồn rằng, ông Tình đã nhiều năm không trở lại rừng mà mưu sinh bằng nghề khác. Rừng Vĩnh Ô cũng đã thay đổi nhiều nên anh không thể tìm kiếm được mộ phần cha anh. Thắp nén hương cúi xuống cắm lên mảnh đất mà xương thịt cha anh đã hoá thành cây cỏ, anh khấn với cha rằng anh sẽ quay lại tìm cha cho đến khi nào anh tìm thấy.       
“Năm mô tui cũng ra quê cha tui để thắp hương cho ông nội, cha và chăm sóc bà nội tui vài tuần mới vô lại Quảng Trị. Bây chừ ước nguyện lớn nhất của đời tui là tìm được mộ phần của cha tui để mang về Nghệ An. Bà tui già rồi nên mỗi khi nhắc đến cha tui là bà khóc vì thương cha tui phải nằm lại lạnh lẽo giữ chốn rừng sâu” đó là những lời tâm sự của anh Phương khi chia tay tôi. Tôi chỉ biết cầu nguyện cho anh sớm tìm được mộ cha cho thoả ước nguyện của đời anh.
CHÍN BỨC THƯ CHƯA NỐI ĐƯỢC TÌNH CHA CON
"Cha thương yêu của con. Kể từ ngày con nhận được lá thư đầu tiên của cha đến nay đã hơn bốn năm. Trong bốn năm dài dằng dặc ấy con luôn mong cha quay về tìm con nhưng vẫn không thấy bóng dáng cha. Cha không muốn nhận lại đứa con gái tội nghiệp này sao cha?!" đó là một đoạn trong bức thư mà từng con chữ ướt nhòe nước mắt của chị Nguyễn Thị Bé, thôn Hà Tây (xã Triệu An, Triệu Phong) mấy lần định gửi cho người cha (tên Bùi Văn Long, thôn Mục, xã Trường Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang) hơn ba tư năm chưa hề gặp mặt.
CHA SẼ VÀO MẢNH ĐẤT ÂN NGHĨA TÌM CON
Chị Nguyễn Thị Bé bật khóc khi đưa cho tôi đọc bức thư mà chị mấy lần dự định gửi cho người cha hơn ba tư năm qua chị chưa hề biết mặt. Chị lấy khăn lau những giọt nước mắt buồn bã lăn dài trên má rồi kể: Mặc dù chị là người đầu tiên nhận được tin tức cha nhưng đến nay vẫn chưa được gặp cha. Ơ thôn Hà Tây có đến bảy trường hợp có cha là các chiến sĩ từng đóng quân tại thôn rồi có con với các cô gái làng nơi đóng quân và đến nay hầu hết họ đã vào nhận lại con mình. Chuyện chị biết cha mình bắt đầu từ tháng 2/2004. Lúc ấy, cha chị là ông Bùi Văn Long có con gái là Bùi Thị Hồng vào miền Nam làm công nhân giày da. Ngày tiễn con đi vào miền Nam làm việc, ông Long có nhắn với con là khi nào vào đến miền Nam thì gửi cho bà Dương Thị Hoa (thôn Hà Tây, xã Triệu An, Triệu Phong) một bức thư để thăm hỏi sức khỏe và hỏi qua bà Hoa xem bà Liễu hiện còn sống hay đã chết. Từ bức thư của con gái ông Long, chị gặng hỏi mẹ mình mới biết ông Long chính là cha đẻ của mình. Theo những gì mà mẹ chị kể lại thì lúc đó ông Long là chiến sĩ của Đại đội 16 (Tiểu đoàn 18, Trung đoàn 275) đóng quân tại thôn Hà Tây gần hai năm (năm 1972-1973). Chính trong thời gian đóng quân, ông Long gặp rồi yêu mẹ chị. Đến 1974, khi mẹ chị mang thai chị cũng là lúc đơn vị ông Long chuyển lên đóng quân tại Cam Lộ. Biết mình mang thai, mẹ chị đã vượt hơn ba mươi km tìm đến đơn vị ông Long để thông báo cho ông Long biết. Vì nhiệm vụ, ông Long không thể cưới mẹ chị được mà chỉ nói với mẹ chị cố gắng giữ gìn bào thai rồi sinh con chờ ngày hòa bình ông sẽ quay lại tìm mẹ con chị. Từ đó, hai người không còn tin tức về nhau. Biết được cha mình là ai, chị tức tốc gửi thư cho cha theo địa chỉ mà con gái ông Long ghi phía dưới phần hồi âm. Gần mười tháng sau chị nhận được thư của ông Long. Bức thư viết: "Xã Trường Sơn, Ngày 10/12/2004. Nhận được thư con đã lâu nhưng đến hôm nay bố mới gửi thư cho con cũng bởi nhiều lý do mà bố không thể nói ra. Đã bao đêm bố day dứt, nghĩ suy rồi viết thư cho con sau đó lại do dự không giám gửi. Con ơi! bố biết nói thế nào cho con hiểu được lòng bố đây. Đã ba tư năm nay bố bặt vô âm tín trong khi đó mẹ con phải vất vả sớm khuya nuôi con một mình. Con lớn lên, mẹ con lại dựng vợ gã chồng cho con mà chuyện đó lẽ ra phải là trách nhiệm của bố. Chỉ nghĩ đến đó thôi là bố thấy mình có tội với mẹ con, có tội với con rồi con ạ. Bố biết mẹ con sẽ không bao giờ tha thứ cho bố. Bây giờ đây, bố chỉ biết tự an ủi mình rằng đến một ngày nào đó mẹ con có thể thông cảm cho bố để bố được vào mảnh đất ân nghĩa đã từng cưu mang, che chở cho bố cùng đồng đội bố trong những năm tháng chiến tranh để thăm con, thăm mẹ con cùng bà con ở trong đó".
VẪN MONG CHA TÌM CON
Chị Nguyễn Thị Bé thở dài rồi kể tiếp: Sau bức thư cha chị gửi cho chị ấy, sau đó trong hai năm 2005-2006 cha chị còn gửi thêm tám bức thư nữa và nhiều lần hứa với chị sẽ vào thăm mẹ con chị nhưng vẫn không thấy cha vào thăm. Có thể vì lý do tế nhị nào đó nên cha chị không vào thăm và nhận con được. Chị không trách cha mà chị chỉ mong có ngày nào đó cha chị vào thăm chị. Nhiều lần chị muốn ngược ra miền Bắc tìm về quê cha nhưng rồi chị sợ biết đâu sự có mặt của chị sẽ làm đảo lộn hạnh phúc gia đình của cha chị nên lại thôi không đi nữa.
"Bây giờ tui không mong chi ở cha tui hết. Tui chỉ mong các con tui biết được nguồn cội của mình, được nhìn thấy mặt ông ngoại là tui thỏa mãn lắm rồi. Rứa mà bóng cha tui vẫn cứ mờ mịt tận chân trời mô không biết. Tui buồn tủi quá..." đó là tâm sự của chị với tôi trong buổi chiều nhạt nắng ở căn nhà nhỏ nằm nép mình bên triền cát trải dài ra phía biển. Tôi cảm nhận được sự khắc khoải đợi chờ bóng dáng người cha của chị qua đôi mắt đăm đăm hướng về phía chân trời.
H.T.S
Hoàng Tiến Sỹ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 170 tháng 11/2008

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground