Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những người chắt nước cứu đồng

Chưa tới 6 giờ, trời đã chang chang nắng. Tiếng người í ới gọi nhau ra đồng đầy hân hoan bởi hôm nay được tin báo rằng Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị cho máy xúc và huy động công nhân để nạo vét một đoạn của lòng sông Cánh Hòm để lấy nước cho trạm bơm Bến Ngự. Công trình thủy lợi xi phông chảy ngầm dưới đáy sông Cánh Hòm được hoàn thành vào năm 2002 với mục tiêu là tưới cho 80 ha đất nông nghiệp, cũng đang trong tình trạng “ngắc ngoải” vì hạn hán. Bà Trần Thị Sáu, người dân ở xã Gio Thành đang hối hả lùa hai con trâu ra gặm cỏ trên miếng đất vốn là lòng sông Cánh Hòm. Bà Sáu cho biết, mấy chục năm rồi mới hạn hán đến mức lội qua rào được. Rồi bà cười chỉ tay về phía trạm bơm Bến Ngự cho biết, nghe mấy chú thủy nông báo sáng nay sẽ có nước về nên vội vàng lùa trâu ra rào hi vọng có tí nước cho trâu tắm. Đồng ruộng có nước hay thiếu nước là ở mấy chú đó hết.

                                          

Câu chuyện nông dân trông chờ thủy nông viên “thay trời” điều tiết nước là câu chuyện đặc biệt diễn ra ở đồng đất Việt Nam bởi kết cấu nền nông nghiệp nước ta vẫn còn nhỏ, lẻ và chưa chủ động hoàn toàn về nguồn nước để tưới tiêu cho đồng ruộng. Cái điệp khúc “mùa khô chắt nước để cứu lúa, mùa đông đi chống lũ lụt, chống ngập úng” cứ lặp đi lặp lại nhiều năm như cuộc đời của người làm công tác thủy nông cũng gói gọn vui buồn trong đó. Dù nghề này đã hình thành từ rất lâu nhưng mấy ai biết hết những nỗi cực khổ, vất vả và lo toan của họ. Thiếu nước cũng khổ mà thừa nước cũng khổ, chỉ có khi nào điều tiết nguồn nước hài hòa, nông dân trúng mùa thì khi đó, nụ cười mới nở ra tươi rói trên gương mặt các thủy nông viên.

“Chắt” nước cứu lúa

Sáng ngày 11/7/2020, Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị huy động cả hệ thống trạm bơm khu vực huyện Gio Linh đến trạm bơm Bến Ngự để cùng “chắt nước” cứu lúa... Trạm bơm Bến Ngự đóng tại thôn Nhĩ Trung, xã Gio Thành có nhiệm vụ cấp nước tưới phục vụ sản xuất cho hai xã Gio Thành và Gio Mỹ. Trong đợt nắng hạn kéo dài vừa qua, trạm bơm luôn hoạt động hết công suất. Trần Văn Tính, sinh năm 1987, quê ở huyện Vĩnh Linh làm việc ở trạm bơm Thủy Khê, được điều động chi viện cho trạm bơm Bến Ngự. “Chúng tôi không ngại việc làm thêm giờ, làm đêm mà chỉ sợ không có nước để bơm về tưới đồng ruộng cho bà con” - Tính chia sẻ về công việc gắn bó 10 năm qua.

Chú Lê Văn Phúc vừa chỉ huy lực lượng của Công ty để nạo vét lòng sông vừa chia sẻ cho chúng tôi biết câu chuyện vất vả, khó nhọc mà thú vị của người làm công tác thủy nông viên. Dáng người cao, chắc đậm, kiệm lời nhưng khi được hỏi về công việc 39 năm gắn bó, chú Phúc trở nên sôi nổi hẳn. Năm 1983, chú bắt đầu tham gia công việc này tại xí nghiệp thủy nông Bến Hải và sau đó Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị. Chú chia sẻ: “Từ xưa đến giờ, người thủy nông chỉ có một tên chung là: ông thủy nông. Cứ có gì là dân réo: Ông thủy nông ơi cho nước để mai sạ lúa. Ông thủy nông ơi ruộng tui đầy nước rồi… hoặc thương quá thì ông thủy nông ơi vô ăn cơm với gia đình tui. Ông thủy nông ơi, tui gửi cho con vịt ăn mùng 5 (tục ăn vịt vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch của người Quảng Trị - người viết)… Công việc chính của chúng tôi là dẫn nước vào đồng ruộng nên gắn liền với những buồn vui của nông dân. Nhìn đồng đất trơ nứt nẻ, không có được một giọt nước để tưới, nông dân chưa khóc mình đã rơi nước mắt trước. Thậm chí mất ngủ nhiều đêm”.

Có lẽ, trong bất cứ công việc nào cũng vậy, nếu ai có đam mê với công việc sẽ tìm thấy niềm vui ở đó. “Chúng tôi tìm thấy niềm vui ở công việc bám sát và gắn bó với người dân” - chú Phúc bộc bạch. “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, từ xưa đến nay, nước luôn chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, quyết định năng suất cây trồng, đời sống kinh tế mỗi gia đình. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Ngày Nước Thế giới hay Ngày Nước sạch Thế giới được tổ chức vào ngày 22 tháng 3 hàng năm. Ngày lễ quốc tế này được Liên Hiệp Quốc chọn từ năm 1993 trong Nghị quyết A/RES/47/193 của Đại hội đồng. Thiếu đất cây vẫn có thể sống - nhưng thiếu nước thì cây không thể sống. Cũng giống như cây, không có thức ăn con người có thể sống vài tháng, nhưng không thể sống mà thiếu nước. Trên trái đất, nước chiếm 70% diện tích bề mặt, trong đó nước ngọt chỉ chiếm 3% (2/3 tồn tại dưới dạng sông băng ở các cực) còn lại 97% là nước muối. Nước có thể sử dụng trong sinh hoạt, giải trí hay trong hoạt động nông nghiệp, công nghiệp mà hầu hết các hoạt động này đều sử dụng nước ngọt. Nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp vẫn là bài toán khó của tỉnh Quảng Trị có lẽ từ khi mảnh đất này mới hình thành.

“Nếu nói về nguồn nước tưới cho đồng ruộng thì người dân ở Gio Linh, Vĩnh Linh vẫn là khó khăn nhất. Thông thường 1 trạm bơm có 2 người để trực điều tiết nước. Công trình thủy lợi ở hệ thống sông Cánh Hòm cấp nước tưới cho 80 ha ruộng lúa nhưng năm nào cũng thiếu nước. Năm 2019 cũng khô nước ở sông Cánh Hòm. Hệ thống nước ở đập Hà Thượng xả về cũng không đủ. Thậm chí, không còn nước ở sông để cứu. Khi đó, nhìn ra đồng mà lòng quay quắt…” - chú Lê Minh Phúc trầm tư.

Ở thời điểm giữa tháng 7/2020, nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất lên tới 40,5 độ C và diễn ra liên tục trong thời gian qua đã gây ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn toàn huyện Gio Linh. Nguồn nước ở các hồ và sông Cánh Hòm đã cạn kiệt, nhiều trạm bơm ngừng hoạt động. Để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây lúa trong giai đoạn làm đồng, đẻ nhánh và hạn chế thấp nhất diện tích khô cháy, mất trắng, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị và các đơn vị liên quan triển khai ngay các giải pháp chống hạn như điều tiết nước, đắp đập, nạo vét kênh mương…

Bà Nguyễn Thị Hồng, bí thư chi bộ thôn Nhĩ Trung có mặt từ sáng sớm bởi niềm vui chờ đợi nước về tưới cho cánh đồng. “Dân chỉ trông chờ vào việc vét sông, hi vọng có tí nước để máy bơm hoạt động chứ không bao nhiêu tiền của đầu tư cho đồng ruộng coi như mất trắng. Rồi biết lấy gì ăn cho mùa vụ tới?”…

Tại Cụm thủy nông La Ngà (huyện Vĩnh Linh), không kể chủ nhật hay thứ bảy, có phiên là công nhân phải trực trên mặt ruộng. Những ngày nắng hạn này, gần 300 cán bộ thủy nông luôn ứng trực để điều tiết hơn 1.000 cửa van, cống dẫn nước, giúp người dân cứu lúa, nhất là vào thời điểm ban đêm.

Nhọc nhằn thủy nông viên

Ngày 8/8/2020, khi báo điện tử VnExpress đăng tải clip hàng chục công nhân xí nghiệp nước sạch TP Đông Hà đào mương, đắp đập để dẫn nước về họng bơm nhà máy sản xuất nước, nhiều người đã bình luận một cách phê phán rằng: “Máy cơ giới đâu mà sử dụng sức người vậy vừa tốn tiền của vừa không đạt hiệu quả”, “Năm nay là năm nào rồi mà vẫn thấy công nhân đào thủ công như vậy”, “Thời đại 4.0 rồi mà cứ cuốc cày như thế này”, “Máy xúc, máy đào để đâu mà toàn dùng sức người thế này?”, “Xe múc đâu? Thời này còn dùng sức người khi nào mới phát triển được”, “Huy động trên 100 người trong công ty để nạo vét. Sao không sử dụng máy xúc nhỉ? Chắc nhân viên công ty rảnh rỗi không có việc làm”… Duy nhất chỉ có một bình luận rằng: “Cầu cho mưa sớm để Quảng Trị quê tôi bớt khổ”… Tôi tò mò đoán rằng, có lẽ người bình luận này từng sống ở Quảng Trị và từng chứng kiến công việc của các thủy nông viên thế nên những hình ảnh đi đào mương, đào đất để chắt ra từng giọt nước chống hạn đã chạm vào những ký ức rưng rưng của họ. Và tôi cũng tò mò đoán rằng các “anh hùng bàn phím” giỏi chỉ trích trên cũng thiếu kiến thức để hiểu rằng, tình trạng thiếu nước đang ảnh hưởng đến mọi quốc gia và vùng lãnh thổ đang ở mức cảnh báo. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2015, thiếu nước được liệt kê là một trong các rủi ro lớn nhất mà loài người phải gánh chịu trong 10 năm tới. Hai phần ba dân số thế giới (4 tỷ người) trong tình trạng thiếu nước ít nhất 1 tháng mỗi năm. Nửa tỷ người đối mặt với tình trạng thiếu nước quanh năm. Một nửa các thành phố lớn trên thế giới phải trải qua tình trạng thiếu nước.

Tất nhiên, công việc của công nhân xí nghiệp nước sạch xem ra vẫn còn nhàn nhã hơn thủy nông viên rất nhiều. Làm thủy nông không đơn thuần dẫn nước đến ruộng mà phải biết điều tiết nước hợp lý. Rồi việc dẫn nước xuống các kênh, mương nhỏ, các luồng lạch... thì không có máy móc nào có thể làm thay con người. Khi cánh đồng này chưa đủ nước thì đồng khác khô, vì thế, các tổ thủy nông luôn phải bám ruộng. Mùa lũ, lụt thì lo phòng, chống gia cố công trình, khơi thông dòng chảy. Nhiều lúc rác dồn về kênh, nếu không vớt rác kịp sẽ nguy cơ vỡ đê. Do đó, nghề thủy nông đòi hỏi lòng dũng cảm, sức khỏe và sự dẻo dai. “So với mấy chục năm trước, người làm công tác thủy nông bây giờ có đỡ hơn ngày xưa là có lương kịp thời, thời tiết đã có hệ thống dự báo sớm hơn nhưng về công việc thì vẫn… cực như nhau” - chú Lê Văn Phúc bộc bạch.

Theo lịch công tác mỗi cụm luân phiên nhau 6 ngày mở nước, 6 ngày đóng nước. Công nhân thủy nông phải thường xuyên kiểm tra van đóng mở ở các kênh, vừa theo dõi cống xả ra các sông để ngăn chặn tình trạng này. Nhiều van lớn phải ba đến 4 người mới điều khiển được. Và quãng đường họ đi kiểm tra đồng ruộng, hệ thống tưới không dưới 10km/ngày. Thủy nông viên là một công việc đặc biệt ở Việt Nam bởi độ tuổi làm việc trải dài và nhiều công việc phải lao động bằng chân tay chứ khó có máy móc hay thiết bị công nghệ trợ giúp được. Tôi nhớ ra mình đã đọc thông tin trên một bài báo rằng, tại tỉnh Bình Định có cụ Nguyễn Thị Điểu bước sang tuổi 84, với 40 năm trong nghề thủy nông vẫn miệt mài với công việc chăm lo cánh đồng rộng 18 ha. Thức dậy từ sáng sớm, cụ lao vào việc dẫn nước cứu lúa cho đến khi tối mịt mới về nhà, có hôm phải ở lại ngủ tạm bợ ngoài ruộng canh nước… nhưng đồng tiền công rất ít ỏi. Mỗi ngày cụ lội bộ hơn 10 km để làm công việc “dẫn thủy nhập điền” - dẫn nước vào ruộng lúa. 

Tại Quảng Trị, nhiều gia đình có hai thế hệ cũng làm công tác thủy nông. Trong đó, có rất nhiều nữ. Tại Cụm thủy nông N3, chị Đoàn Thị Diệu Thủy, sinh năm 1980, có thâm niên 18 năm trong nghề hay ở Cụm thủy nông La Ngà (huyện Vĩnh Linh), cũng có chị Hoàng Thị Thúy làm công nhân thủy nông. Đêm nào chị cũng đi kiểm tra, điều tiết nước trên mặt ruộng. Chị cho biết, bản thân có con nhỏ nhưng vẫn cố gắng sắp xếp việc gia đình để trực chống hạn từ 7 giờ cho tới 12 giờ đêm.

Anh Lê Minh Tuấn, công nhân của Công ty cho biết, cực thì công nhân địa bàn là cực nhất. Hạn hán này là phải bơm nước từ mương vào từng ruộng. Thiên tai hạn hán mưa lũ người ta trốn thì thủy nông phải ra chống. Nắng cũng ra đồng, mưa cũng ra đồng. Lũ lụt phải trực 24/24. Tiền công hay lương - như chú Lê Văn Phúc chia sẻ là được trả kịp thời nhưng so với thu nhập chung vẫn là thấp. Từ năm 2013 đến nay định mức cấp bù thủy lợi phí của Nhà nước không thay đổi và diện tích tưới tiêu của công ty tăng không nhiều. Trong khi đó do biến động giá cả, tiền lương, vật tư nhiên liệu tiền điện bơm tưới hằng năm đều tăng nên từ năm 2016 đến nay nguồn thu không đủ để chi thường xuyên. UBND tỉnh chỉ giao kế hoạch các khoản chi gói gọn trong tổng doanh thu của công ty nên không có kinh phí để chi trả cho người lao động, nhiều khoản chi bị cắt như: Tiền trực đêm bảo vệ công trình, bảo vệ nước, làm thêm giờ vào các ngày nghỉ lễ…

Tuy khó khăn là vậy nhưng các thủy nông viên vẫn luôn một lòng gắn bó, tâm huyết với nông dân, trách nhiệm với công việc. Họ thuộc lòng đặc điểm từng mảnh ruộng, ruộng nào khô cần ưu tiên tưới trước, ruộng nào nhiều nước hoặc vừa rải phân, phun thuốc thì tưới nước sau. Ngày 30 tết còn ở ngoài đồng điều tiết nước về các tuyến kênh để tổ thủy nông ở hợp tác xã sản xuất nông nghiệp dẫn nước tưới ruộng. Chiều 30 tết mới rửa sạch đôi chân bùn, sáng mồng 3 lại tiếp tục ra đồng. Thế nên, tình thương mến của nông dân dành cho các thủy nông viên là điều có thể cảm nhận rõ nét nhất. Khi thủy nông viên phải làm đêm làm hôm, người dân hay đem cháo với nấu cơm đem cho ăn ngoài đồng để bồi bổ sức hoặc cùng tham gia để phụ công việc bởi họ biết so với khoản tiền mà các thủy nông viên nhận được rất thấp so với công sức họ bỏ ra cho đồng đất này. Nhiều người dân tự nguyện nấu cơm bới ra hoặc nấu cháo gà đem cho công nhân trực bơm. Đến mùng 5 tháng 5 (âm lịch), trong nhà chỉ có vài con vịt nuôi, họ gói ghém đến treo trên xe của các thủy nông viên. Có người hết giờ bơm nước trên đồng, ra dắt xe đã thấy 20 con vịt treo lủng lẳng trên đó. Còn ngày tết nguyên đán thì nông dân nhìn thủy nông viên… cười trừ bởi giờ đó, lúa trên đồng vừa mới lên, nhà cũng không chăn thả được gì để tặng.

M.A

MINH ANH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 312 tháng 09/2020

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground