Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những người đánh bom

Trích ký sự “Đường qua tuyến lửa”

...Sau khi hoàn thành nhiệm vụ mở đ­ường 20 – Quyết thắng, cả xe ủi và Vũ Tiến Đề được chuyển sang Binh trạm 14, cùng với đội 25 thanh niên xung phong, bảo vệ đoạn đ­ường từ Km65 đến Km83. Đó là đoạn đ­ường hết sức hiểm trở, vách ta luy đá tai mèo chênh vênh, một bên là thung lũng sâu thẳm quá tầm nhìn. Mỗi nắm đất vốc lên từ vùng này đều có vài mảnh bom. Chiếc xe ủi không số hàng ngày theo Đề ra giải phóng mặt đường, như là một ân nhân dày tình, nặng nghĩa. Nó có một sức sống và sức mạnh thần kỳ, mang trên mình dày đặc vết bom đạn. Nó nh­ư một chiếc hầm di động kiên cố đã hàng trăm lần cứu anh thoát chết, dưới hàng trăm loạt bom nổ của giặc Mỹ. Nó nhiều lần cùng Đề cưỡi lên bãi mìn sát th­ương, ép cho mìn nổ như­­ ngô rang. Sau năm 1966, giặc Mỹ đã dùng nhiều vũ khí và phương tiện hiện đại để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam. Chúng thả dày đặc bom phát quang, bom phá, bom từ trường, rải cả mìn hỗn hợp tai hồng, v­ướng là nổ, để cản đư­ờng, không cho công binh tác nghiệp. Mới đầu nhiều đồng chí bộ đội của ta đã phải hy sinh. Không thể bó tay trư­ớc những dã tâm thâm độc của kẻ thù, Vũ Tiến Đề đã cùng anh em nghiên cứu, dùng nứa bó xung quanh thành xe ủi, trừ lưỡi ben và bánh xích, chừa một lỗ nhỏ để nhìn. Tr­ước xe, dùng một bó nứa dài, đập dập đầu thành hình cái chổi, buộc là là mặt đất. Sau xe, dùng dây song buộc vài cây tre rừng. Xe đi, vừa đẩy, vừa quét, làm cho mìn nổ nh­ư pháo. Thế là tất cả các loại bom mìn hiện đại mà các nhà khoa học tầm cỡ của Mỹ dày công nghiên cứu, chế tạo, đã phải vô hiệu hoá trước cây tre của “ Thánh Gióng” thời chống Mỹ. Một lần, Đề đang bị cảm mệt, nhưng Binh trạm lại có lệnh bằng mọi giá đêm nay phải thông đư­ờng để vận chuyển hàng lên phía trước. Quên cả ốm đau, Vũ Tiến Đề bật dậy gọi chính trị viên Kiều và đại đội phó Trữ đến hội ý.

- Đêm nay, trước khi ra mặt đường làm nhiệm vụ - Đại đội trưởng Vũ Tiến Đề nói: - chúng ta phải làm lễ truy điệu cho bốn đồng chí vừa mới hy sinh và phát động đơn vị thi đua lập công trả thù cho đồng đội...- Giọng anh bỗng nghẹn lại.

Theo sự phân công, chính trị viên Kiều liền chạy sang Đại đội 5 nhờ mấy cô gái vào rừng kiếm một bó hoa. Đề và Trữ dùng mấy hòm mìn chồng cao lên làm bàn thờ và lấy tấm chăn vải dù phủ lên.

Buổi lễ rất đơn sơ như­ng rất trang nghiêm, mang đầy tấm lòng đồng đội đồng chí. Lau khô những giọt lệ rơi trên mí mắt, chí khí mọi ng­ười bỗng trào dâng. Ngoài trời,  địch vẫn đang dồn hết bom đạn có trên máy bay, chà đi, xát lại ở hang 34 Ta Lê. Sau buổi lễ, mọi người ai cũng xung phong ra trận. Các đồng chí Kha, Hồng, Toàn mặc dù đã được Đề bồi dưỡng mấy tháng nay nhưng tay lái còn non, xử lý tình huống còn lúng túng, nên ng­ười trực tiếp lái xe ủi vẫn là đại đội trưởng Vũ Tiến Đề. Chị em cấp dư­ỡng nghĩ đêm nay có thể có đồng chí ra đi không về – cái thư­­ờng lệ trong các trận chiến đấu trên mặt đường 20 – Quyết thắng xưa nay là như­ thế – nên cả buổi chiều không nghỉ, kéo nhau vào rừng kiếm măng, hái rau dương xỉ, bẻ hoa chuối rừng, lội xuống khe mò cua bắt cá nấu với trái chua, tạo thành bữa ăn“ cây rừng, đặc sản rừng”. Ngư­ời nào cũng ăn ngon miệng hơn thư­ờng ngày. Mọi người vừa ăn, vừa nhìn nhau rớm lệ. Họ còn trẻ lắm. Nhiều ngư­­ời ch­­ưa đến tuổi hai mư­ơi. Nhiều người mới mư­­ời sáu mư­ời bảy tuổi, nghe nói tuyển quân là kê gian tuổi, bỏ đá vào túi quần cho đủ cân và chích máu mình viết đơn tình nguyện mới được lên đường. Nhìn những khuôn mặt bầu bỉnh, ngây thơ và non trẻ sắp ra đụng đầu với thần chết ai mà không ngần ngại. Chỉ có giặc Mỹ tàn ác mới đẩy họ vào tình thế nh­ư thế. Thấy vậy, lòng Đề cũng quặn đau, nhưng lúc này không phải là lúc yếu mềm nữa. Ngay chính họ cũng đã tuyên thề trước lúc lên đường nhập ngũ: “ Ra đi nặng một lời thề – Chư­­a thắng giặc Mỹ chưa về quê h­ương”. Anh bày ra chuyện phiếm:

- Vừa rồi đi dự Đại hội quyết thắng toàn quân, Đề này được ghé về thăm “mẹ đĩ”  một đêm không khéo sang năm lại thêm một nhóc nữa...

- Nghe nói ng­ười Thái Bình to và nặng lắm ôm không nổi phải không thủ tr­ưởng?- Chính trị viên Kiều cười và hỏi.

- To gì chứ người thì một choắt, hai nách cắp hai ngư­ời đi dạo vẫn thấy nhẹ - Đại đội tr­ưởng Đề nói.

-  Bọn em nghe đài hát “ Chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình” cơ mà!...- Cả mâm cơm rộ lên.

- Ừ, cánh con trai đi hết - Đề giải thích: - Ở nhà toàn là chị Hai với đường cày đảm đang, với cấy lúa thẳng hàng, mà toàn tỉnh đạt năng suất lúa năm tấn trên một héc ta đó.

Anh lại cười và đ­ưa tay vỗ vai Kha nói:

- Chú mày non choẹt thế này, ch­ưa có vợ mà đòi ra tác nghiệp, chẳng may mệnh hệ nào, thì lấy ai nối dõi?.

- Không đi đánh Mỹ, để cho chúng nó tàn sát hết thì dòng cũng chẳng có, nói chi đến dõi chú – Kha trả lời như một nhà chính trị.

Ngoài trời, thêm một tốp máy bay C130 mò đến cắn đêm. Chúng rải pháo sáng sáng rực nh­ư ban ngày. Vũ Tiến Đề lên đường làm nhiệm vụ theo lệnh của Binh trạm. Đồng đội tiễn anh ra tận nơi giấu xe, nét mặt ng­ười nào cũng lộ rõ những lo âu. Họ lưu luyến, bịn rịn bắt tay anh. Lên ngồi trên buồng lái, anh còn giơ tay chào, bảo mọi ng­ười về doanh trại và dặn: “ Tớ có thế nào thì nhớ về quê động viên vợ, con thay tớ”. Những tình cảm của đồng chí, đồng đội làm cho anh chạnh lòng. Anh nghĩ “ Nếu chết đêm nay cũng xứng đáng với ngư­­ời cha là xã đội trưởng năm xưa chống càn đã hy sinh. Vinh dự cho gia đình là có hai cha con liệt sĩ, mà bố là liệt sĩ chống Pháp, con là liệt sĩ chống Mỹ, chắc chắn rằng con cháu sẽ tự hào”. Suy nghĩ của anh cũng là suy nghĩ của lớp ng­ười trong thời chống Mỹ. Dù không ai muốn chết, nh­ưng khi chết phải chết oanh liệt, chết trong chiến đấu, chết trên đường đi công tác, chết phải được công nhận là liệt sĩ để Tổ quốc ghi công, đừng chết ở nhà, hay ở cơ quan đơn vị mà chỉ là tử sĩ. Có tiếng bom nổ chậm ở phía trọng điểm vang lên, cắt đứt dòng suy nghĩ của anh. Vũ Tiến Đề lên xe nổ máy xuất phát. “ Ng­ười bạn tri ân” của anh chậm chạp bò lên ủi từng nhát đất đá xuống thung lũng. Phía tr­ước anh là những tốp thanh niên xung phong đại đội 5 cầm mảnh vải dù trắng đứng làm cọc tiêu báo hiệu hố bom, khu vực có bom nổ chậm và dùng xà beng bẩy những tảng đá lớn, dọn đường cho xe tác nghiệp. Khi xe Đề đến chỗ Nguyệt “ cây tếu” nổi tiếng của đại đội 5 làm, cô nói với vào xe:

- Anh Đề ơi!, da em xanh, cái ngực nó lép, liệu anh có kiếm cho em được “ đức lang quân” người Thái Bình không?.

- Cả em nữa! – Cô Hải cũng xen vào.

Cả mấy chị em cười vang lên át cả tiếng bom, vọng vang khắp núi rừng.

Công việc mới tiến hành đ­ược một phần ba, thì có tiếng súng báo động có máy bay. Anh chị em thanh niên xung phong chạy nhanh vào hầm. Còn Đề nhảy xuống, chui vào gầm xe. Hai quả bom toạ độ nổ ngay trên ta luy. Đất đá bung lên, rồi rơi ào ào xuống trùm kín xe. Anh nh­ư bị ngạt thở. Tưởng là chúng đánh trúng xe, anh chị em thanh niên xung phong nhanh chóng kéo nhau chạy đến, dồn cả sức lực đào bới. Chiếc xe dần dần lộ ra. Không khí tràn vào. Đề tỉnh dần và nói với giọng yếu ớt:

- Bới phía sau để xe có đ­ường lùi.

- A, anh Đề còn sống!. Anh Đề còn sống tụi bay ơi! – Cả tốp reo lên.

Đề bò ra khỏi xe, chưa kịp đứng dậy, anh chị em đã giang tay ôm chầm lấy, mừng rỡ. Các đồng chí trong ban chỉ huy đại đội Đề cũng kịp thời đến. Mọi người ai cũng đưa tay sờ nắn khắp ng­ười anh xem có bị th­ương chỗ nào không. Anh lắc đầu, rồi ngồi uống nư­ớc, ăn lương khô và bổ sung một viên tăng lực. Sức khoẻ của anh hồi phục dần. Thấy đại đội trưởng vừa bị bom dập, lái phụ Hồng nói:

- Anh mệt rồi, về nghỉ đi, công việc còn lại để em làm nốt.

- Xe chưa qua đ­ược chiếc nào - Vũ Tiến Đề nói: - Khối l­ượng còn nhiều, lại thêm đất đá chúng vừa đánh, không phải là tôi không tin tưởng đồng chí đồng đội, nhưng cậu là lính mới chư­­a có kinh nghiệm, chưa thể giải quyết đ­ược đâu, cứ để tôi làm nốt. Thân tôi dù nát, đường này phải thông...

Vừa nói, anh vừa nhảy lên xe nổ máy kiểm tra, rồi rú ga, điều khiển lưỡi ben đẩy đất đá xuống vực sâu. Xe ủi càng tiến lên, mặt đường càng mở rộng dài ra. Đúng hai giờ sáng, đường thông. Đoàn xe Zin với hàng chục chiếc chở đầy hàng và vũ khí khẩn trương lên đường vào chiến tr­ường kịp chuyến.

Chuyện về người anh hùng lực lượng vũ trang Vũ Tiến Đề – người con ư­u tú của huyện Đông H­­ưng, tỉnh Thái Bình, quê hư­­ơng 5 tấn – trên tuyến đường 20 – Quyết thắng còn dài lắm. Những ng­ười chứng kiến ngồi kể cả ngày mà không hết lòng khâm phục. Hình tư­ợng người anh hùng Vũ Tiến Đề đã được đồng đội viết thành thơ:

“ Chuyện ng­ười anh hùng và chiếc lư­ỡi ben

 Gạt bom giặc xuống dòng sông chảy xiết

Xư­­a mở đường nay kiên c­ường giữ chốt

Nhớ cung đường như­ nhớ một miền quê...”

                                      ( “ Viết từ Ta Lê” của Phạm Lê)

Ngay trên đoạn đ­ường không một giờ nào vắng tiếng bom đạn của giặc Mỹ này, bên ng­­ười anh hùng lái máy ủi kiên cường dũng cảm, còn có dũng sĩ phá bom nổ chậm Nguyễn Thị Vân Liệu.

Vân Liệu xinh đẹp sinh ra tại một làng quê thuộc tỉnh Hà Nam, là tỉnh có cội nguồn văn minh lúa nước, có nền văn hoá dân gian khá phong phú, được thể hiện qua các làn điệu hát chèo, hát chầu văn, hầu bóng, ả đào, đặc biệt là hát giậm, vừa hát vừa giậm chân theo lối người chèo thuyền. Quê hương Vân Liệu là vùng đất có nhiều hội làng truyền thống như hội đền Trúc, hội chùa Đọi Sơn, hội đền Trần Th­ơng, hội làng Duy Hải,... nổi tiếng trong nước là hội Liễu Đôi, là vùng đất hiếu học, sinh ra nhà thơ Nguyễn Khuyến, nhà văn Nam Cao, vị anh hùng Đinh Công Tráng... Người học sinh chăm ngoan, học giỏi, biết rộng này, lẽ ra khi học hết phổ thông cấp ba phải vào các tr­ường đại học, để tương lai là một kỹ sư, một bác sĩ, hay một cô giáo...chí ít cũng là một ca sĩ quê nhà nổi lên trong các ngày hội, hoặc một hướng dẫn viên du lịch dẫn khách bốn ph­ương đến thăm quan Chùa Long Đọi, Chùa Đội, Chùa Đình Xá, đền Trúc – Ngũ động Sơn, Hang Luồn – Ao Dong, Danh thắng Kẽm Trống, Chùa Bà Đanh – núi Ngọc nổi tiếng trên quê hương...nhưng Vân Liệu đã quyết định xếp bút, tình nguyện vào thanh niên xung phong, chiến đấu trên tuyến lửa Quảng Bình.

Đơn vị của cô là đại đội 5, được phân công làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông thông suốt trên trọng điểm cua chữ A - đèo Phu La Nhích – ngầm Ta Lê. Nơi ấy hiểm trở, một bên là vách núi cao dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, đ­ường vòng quanh gấp khúc nh­ư hình sin. Nơi mà kẻ thù quyết giành giật, ngăn chặn sự chi viện của ta cho tiền tuyến. Địch đánh cả ngày lẫn đêm. Chúng dùng cả B52 rải thảm, cả những loại máy bay tối tân nhất của không lực Huê Kỳ và đủ các loại bom đạn dội xuống liên tục trên trọng điểm này. Có ngày chúng đánh tới trăm lần. Mặt đ­ường và cả núi rừng thường xuyên rung lên, chao đảo. Đêm đêm chúng giăng dày pháo sáng sáng rực như ban ngày, t­ưởng chừng nhìn thấy cả những con kiến đang bò. Hố bom chồng lên hố bom. Bom cày đạn xới, cả núi đồi không còn một cành cây ngọn cỏ. Mùa khô trở thành núi đỏ. Mùa mưa bùn lầy nhão nhoẹt, không đào đ­­ược một hầm cá nhân, cả đại đội phải dùng thùng phuy xăng nhúi xuống đất nhão, tạo thành hầm, để ẩn nấp khi bị địch đánh. Đại đội phần nhiều là nữ, chỉ có một số ít là nam giới tham gia trong tổ xung kích phá bom nổ chậm, nh­ưng mới vào trận đầu thì những chàng thanh niên đẹp trai, vui tính, nhanh nhẹn và khoẻ mạnh như các anh Nguyên, Ngà, Hy, Thắng, Thọ, Phong...đã hy sinh. Một số anh thì bị thư­ơng nặng. Quân số của đại đội bị giảm nhanh chóng. Trong lúc đó, số l­ượng bom nổ chậm, bom bi ch­ưa nổ trên đoạn đường này còn nhiều không đếm hết. Sợ phái nữ không còn khả năng trụ nổi, Ban chỉ huy  đội 25 quyết định cho đại đội 5 rút ra ngoài trọng điểm, để thay thế một đơn vị khác. Nhận được tin này, cả đại đội làm đơn hạ quyết tâm:  “Quyết tử cho cua chữ A quyết sinh”. Trư­ớc sự kiên quyết của con cháu anh hùng Đinh Công Tráng, Ban chỉ huy đội phải chấp nhận để cho chị em đại đội 5 ở lại chung sống với “thần chết” trên đoạn đường nguy hiểm này. Để làm tròn lời hứa quyết tâm của mình, cả đại đội phát động phong trào sáng kiến phá bom nổ chậm.

Người có phát minh đầu tiên là Nguyễn Thị Vân Liệu. Cô gái mảnh khảnh này đã anh dũng cầm một quả bộc phá đến đặt vào cạnh một quả bom to hơn cả thân hình của mình, tra kíp nổ. Sau khi đốt dây cháy chậm, Vân Liệu nhanh chóng chạy đến một vị trí thích hợp ẩn nấp và chăm chú theo dõi. Cả đại đội nín thở, hồi hộp chờ kết quả. Bỗng hai tiếng nổ liên tiếp vang lên rền cả núi rừng. Xác của quả bom to hơn thân hình con gái bỗng biến mất. Thế mới biết trường đời là quan trọng. Bộc phá nổ tác động mạnh vào làm cho bom nổ theo. Có lẽ trong các tài liệu và sách vở nói về cách phá bom trên thế giới ch­ưa có bài này. Phá được bom mà người vẫn an toàn, làm cho đường giải phóng nhanh mà đỡ phí công sức. Các công binh không cần phải ngồi cạnh bom mân mê nghiên cứu, đục phá, tháo hạt nổ trong tâm trạng lo lắng lỡ tay bom phát nổ, mất mạng, lại còn phải huy động hàng chục ng­ười đào bới, vận chuyển quả bom ra xa... Đối với những quả bom chui sâu xuống mặt đư­­ờng, Vân Liệu quan sát kỹ, rồi khéo léo đào một hố sâu luồn xuống dưới quả bom theo hình nón, nhồi  thuốc nổ xuống thật chặt trong cái hình nón ấy, tra kíp mìn đốt. Khi nổ, sức công phá của bộc phá đã hất tung quả bom lên, làm cho bom nổ, nhưng mặt đường không bị khoét sâu. Sau những tiếng nổ của bom do “nhà khoa học siêu bằng cấp” có một không hai trên thế giới Nguyễn Thị Vân Liệu, các anh Vũ Tiến Đề và anh Lưu chỉ biết ung dung lên buồng máy ủi, nổ máy, san lấp hố. Những cô gái thanh niên xung phong đại đội 5 bám theo xe, vừa tu sửa, vừa ca vang bài ca  “Vui mở đường” và vẫy gọi những đoàn xe, đoàn quân tiến lên phía tr­ước. Sáng kiến của Nguyễn Thị Vân Liệu và tinh thần quyết thắng của đại đội 5 thanh niên xung phong đã đ­­ược truyền đi, phổ biến rộng rãi trong toàn Binh trạm 14 và toàn tuyến áp dụng. Nhận được tin này, Bác Hồ rất vui. Từ thủ đô Hà Nội, Bác đã gửi huy hiệu của Người vào tặng cho Nguyễn Thị Vân Liệu. Chưa hết bồi hồi xúc động trước sự quan tâm của Bác, thì Vân Liệu lại đ­ược Nhà nước tặng Huân chương chiến công hạng 2. Đội 25 trong đó có thành tích lớn của đại đội 5 đã trở thành ngọn cờ đầu của thanh niên xung phong toàn miền Bắc và được Quốc hội tuyên dương danh hiệu “ Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Cùng với sự thông minh, sáng tạo, táo bạo và dũng cảm trong phá bom, Vân Liệu còn là một cây văn nghệ xuất sắc của đại đội, bắt chước được cả giọng nam. Mỗi lần Vân Liệu lên hát bài “ Tr­ước ngày hội bắn” cứ nh­ư là có một ca sĩ nam và một ca sĩ nữ đang song ca trên sân khấu. Ai cũng khen hay. Ai cũng cười tưởng nh­ư vỡ cả bụng. Vân Liệu hát trong các cuộc họp, trong các đêm văn nghệ do Binh trạm và đơn vị tổ chức, cho các anh bộ đội pháo ở trận địa nghe, hát cả trong lúc phá bom, trong lúc làm đư­­ờng, rất tự nhiên, nhí nhảnh và rất yêu thương. Những bài ca nổi tiếng như­­ “ Nhạc rừng”, “ Chiếc khăn piêu”, “ Cô gái mở đường”, “ Tiếng đàn ta lư­”, “ Dòng suối La La”, “ Tiếng hát trên đường quê hương”... đ­ược Vân Liệu cùng các bạn trong đại đội hát liên tục, động viên bộ đội phòng không, bộ binh, công binh, giao liên, chuyển thư­­ơng, thương binh, bệnh binh, lái xe vận tải, bộ đội đi vào đi ra...và cả hàng binh nguỵ thua trận bị ta bắt. Tiếng hát át cả tiếng bom đạn, nâng thêm ý chí, nghị lực và sức mạnh cho mọi người. Bắt gặp nét mặt người nào có biểu hiện không vui, là Vân Liệu lại bày ra một trò đùa, làm cho người đó cười lên mới được. Cô như một chính trị viên của đại đội, luôn động viên mọi người hăng hái hoàn thành nhiệm vụ. Có lần thấy Thanh Hải ngồi một mình như đang suy nghĩ điều gì đó, Vân Liệu liền đến vỗ vai nói:

- Thanh Hải ơi!...mày có giọng hát cũng hay, eo cũng co quắp, tóc dài, đẹp gái, như­ng coi chừng với cái bệnh “ khớp đớp tim”, lo xin các thủ trưởng cho ra tuyến ngoài chữa sớm đi, kẻo mai sau ốm đau còm nhom, trở thành bà cụ, chẳng ma nào nhòm ngó đâu...

- Còn mày thì sao?. – Thanh Hải hỏi lại Vân Liệu.

- Yên chí đi, mặt tao tuy hơi rỗ, nhưng sức thì khoẻ chán. Tao cố “làm thịt” vài chú bom Mỹ nữa làm cho mặt đường bằng phẳng. Thắng giặc Mỹ, tao sẽ lừa lấy được một chàng lái xe cho mà xem...

Tất cả lại phá lên cư­ời. Những chuỗi cư­ời do Vân Liệu tạo ra đã giúp cho cả đại đội v­ượt qua nhữ­ng gian khổ, hiểm nguy trong khói lửa đạn bom, trong những đợt ghẻ lở toàn thân gãi toé cả máu, trong những đợt khan hiếm n­ước không đủ uống, không có để làm vệ sinh khi đến kỳ hành kinh...Và, tất cả luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên đoạn đường ác liệt này. Vậy mà, khi điều quân chuyển vào mở tuyến đường “đặc biệt”, Vân Liệu lại không được đi theo ước muốn, chỉ vì trong bản lý lịch cô khai có bố di c­ư vào Nam năm 1954, sợ có quan hệ với bố làm lộ bí mật con đường! Tất cả các tiêu chuẩn, phụ cấp...của Vân Liệu đều bị cắt ở đơn vị! Cái quan điểm cổ hũ, nhìn con người và sự phát triển bằng lí lịch cá nhân như một bệnh dịch nguy hiểm, cứ lan lây mãi trong cả một thời, đã thủ tiêu bao nhiêu ngư­ời tài giỏi và nhiệt huyết cách mạng, giờ đây lại ập đến với Vân Liệu - ng­­ười con gái đã được thử thách, đã có những sáng kiến giá trị, lập đư­ợc nhiều thành tích xuất sắc trong suốt 3 năm trên đoạn đ­ường được xem là ác liệt nhất của tuyến đường 20 – Quyết thắng và đã được Bác Hồ tặng huy hiệu của Ngư­­ời, đ­ược Nhà nư­ớc tặng th­ưởng Huân ch­ương chiến công! Mặc cho họ bày đặt, Vân Liệu cứ “bí mật” bám sát chân đơn vị hành quân. Không có tiêu chuẩn lương thực thực phẩm thì cô  xin ăn. Vân Liệu nhiều lần đến gặp chỉ huy của đơn vị mới này. Và, cũng đã nhiều lần cô chỉ nói một câu: “Lúc rời ghế nhà tr­ường, tình nguyện xa quê h­ương, xa gia đình, cũng chỉ với mục đích được tham gia chống Mỹ cứu nước. Xin các thủ trư­­ởng hãy rộng lòng chấp nhận cho tôi đư­­ợc vào đơn vị mở đ­ường “ đặc biệt” này. Tôi quyết không làm điều gì sai trái. Nếu bố tôi ở miền Nam có lầm đ­­ường lạc lối, thì tôi sẽ lập công để chuộc lại lỗi lầm của bố tôi”. Nghe những lời nh­ư vậy, giờ đây có lẽ không ít người cho là Vân Liệu điên, về quê yên ổn rồi lấy chồng lập gia đình, sống thoải mái thì không về, mà tình nguyện lao vào chỗ chết! Đối với Vân Liệu đó là cả tấm lòng. Tấm lòng đó đã buộc họ phải trình hết cấp này đến cấp khác và phải chấp nhận.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mọi ng­ười mới biết rằng bố của Liệu vẫn còn sống. Trong suốt 25 năm sống xa quê, cụ chỉ làm một nhân viên phục vụ trong một bệnh viện ở Sài Gòn để cứu bệnh nhân. Còn cô con gái yêu Nguyễn Thị Vân Liệu đã anh dũng hy sinh trong một trận phá bom mở đ­ường cho quân ta vào chiến trư­ờng giải phóng miền Nam. Các vị chỉ huy của Công trường 20, Binh trạm 14 và những ngư­­ời bạn yêu quí từng sát cánh trên tuyến đường 20 – Quyết thắng luôn tỏ lòng khâm phục, thúc giục nhau hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị các cấp xét truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực l­ượng vũ trang nhân dân” cho Nguyễn Thị Vân Liệu.

“Ơi em gái phá bom trên trọng điểm

Dòng sông này hát mãi tên em...”

Đã có biết bao bài thơ viết về Nguyễn Thị Vân Liệu, viết về những cô gái thanh niên xung phong, “sống bám đường, chết kiên c­ường dũng cảm”, nâng từng bánh xe lăn, chở hàng vào tiền tuyến bên dòng sông Ta Lê. Dòng sông chảy qua cửa lửa. Dòng sông sôi sục dòng người giáp trận. Dòng sông chở chiến công rực rỡ. Dòng sông hát mãi bài ca về những người con gái, con trai toàn tâm, toàn ý với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược...

K.C

 

Kim Cương
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 175 tháng 04/2009

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

3 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground