Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ở thung lũng Cù Bai

Vượt đèo Sa Mù cheo leo quanh năm mây phủ, tôi đến thung lũng Cù Bai khi mặt trời bắt đầu khuất dần sau dãy núi xa xanh hình cánh cung như vòng tay khổng lồ vững chãi ôm lấy những bản làng hiền hoà bình yên náu mình dưới tán rừng của đại ngàn Trường Sơn. Nhấp nhô trên quãng đồi mượt xanh rừng trồng, từng đàn trâu đủng đỉnh trở về bản trong tiếng mõ khua lốc cốc cõng trên mình chú bé đen nhẻm đầu trần, tóc vàng hoe vì sém nắng ngồi vắt vẻo như bước ra từ bức tranh “Mục đồng” của làng tranh Đông Hồ chỉ thiếu chiếc lá sen cùng cây sáo. Thung lũng Cù Bai bắt đầu vào đêm. Sau bữa cơm đón khách, tôi có phút thư thái chuyện trò cùng các chiến sĩ của Đồn Biên phòng 605. Khi biết tôi có ý định viết về mảnh đất, con người ở nơi đây, các anh bảo rằng muốn viết thật hay, thật sinh động phải lội bộ vào đến bản Cuôi, Tri, Xa Lỳ, A Xóc, Xê Pu, Tà Păng là bản xa nhất xã Hướng Lập hay đến bản Xà Là, Trăng, Xa Đưng, Cà Tiêng, Tà Rùng của xã Hướng Việt (huyện Hướng Hoá) để tận mắt nhìn thấy người dân ngăn suối làm thủy điện nhỏ. Không vào rừng chặt phá mà lên đồi trồng cây bời lời, xoan đỏ, trầm gió cho núi rừng thêm non tơ màu xanh. Bước qua lời nguyền của Giàng làm lúa nước để có được hạt cơm dẻo thơm hương lúa mới mà thoát cảnh thiếu đói quanh năm. Sáng sớm khi núi rừng còn ngái ngủ trong làn sương mờ ảo chưa kịp tan bởi ánh nắng bình mình vàng nhạt cùng cơn gió an lành khoáng đạt thổi về từ rừng xa, tôi đã đánh thức anh bạn đồng nghiệp trở dậy lên xe vào bản Cù Bai gửi xe lại bản rồi sau đó lội bộ qua ba ngọn đồi, bốn con suối vào bản Tà Păng. Đón tôi ở chân cầu thang ngôi nhà sàn vững chãi nằm ở đầu bản là Đại uý Phạm Văn Nhiên (Đồn Biên phòng 605) cùng già làng Hồ Văn Khai. Già làng Hồ Văn Khai không vồn vã bắt tay tôi như anh Nhiên mà cứ cười cười nhả làn khói xanh lam từ chiếc tẩu thuốc ngậm chệch bên miệng rồi nhìn tôi từ đầu đến chân sau đó mới chậm rãi.
- Nhà báo à. Đến bản Tà Păng có việc chi không?
- Dạ cháu muốn đến để viết bài về bản ta.
- Tốt. Lặn lội lên được với bản miềng là quý lắm rồi. Đây là lần đầu tiên có nhà báo ở tỉnh lên thăm bản miềng đó. Chút nữa cùng dân bản miềng bàn bạc chuyện trồng rừng luôn nghe.
Ngồi chưa ấm chỗ trong nhà già làng Hồ Văn Khai đã thấy dân bản bắt đầu kéo đến. Phụ nữ đìu con trên lưng ngồi bên bậc cửa còn nam giới thì xếp bằng ngồi thành vòng tròn giữa sàn nhà. Già làng Hồ Văn Khai hắng giọng.
- Lâu nay, dân bản miềng cứ cần cái cột, rui kèo làm nhà hay củi để thổi cơm cứ việc vào rừng mà chặt. Bốn phía bản là rừng có thiếu chi cây rừng mà phải nhọc công trồng rừng như dưới xuôi. Vừa rồi, nghe cán bộ Nhiên là con của bản miềng nói nên bụng miềng mới hiểu ra, mắt miềng mới sáng lên. Thì ra, cứ chặt phá rừng mãi rồi rừng cũng cạn mà lùi xa dần nhường chổ cho đất trồng, đồi trọc. Không có rừng dân bản miềng biết dựa vào đâu mà sống. Phải trồng lại rừng thôi.
Chờ già làng Hồ Văn Khai nói xong, Đại uý Phạm Văn Nhiên chỉ ra mấy ngọn đồi trọc phía trước bản như để minh họa cho lời nói.
- Thưa các mẹ, các bố, hiện tại bản mình đang có nhu cầu trồng rừng thì bọn con sẽ chịu trách nhiệm giúp về kỹ thuật chăm sóc cây còn giống cây thì các bố, các mẹ đến mua tại vườn ươm của anh Hoan ở bản Cù Bai (Hướng Lập). Theo con thấy thì giống cây thích hợp để các bố, các mẹ chọn trồng là giống cây bời lời, xoan đỏ, trầm gió...bởi các giống cây này thích hợp với đất đai, thổ nhưỡng vùng này lại có thể bán được nhiều tiền.
Một ngày theo chân Đại uý Phạm Văn Nhiên băng hết ngọn đồi này sang ngọn đồi khác chỉ để tìm đất trồng rừng cho dân bản Tà Păng, tôi nhảy tùm xuống con suối có làn nước xanh trong chảy qua trước bản để gột rửa cảm giác mệt mỏi. Ngồi trên tảng đá giữa suối, thầy giáo cắm bản Hồ Văn Ninh chia cho tôi mẩu xà phòng nhỏ như đầu chiếc đũa rồi nửa đùa, nửa thật bảo tôi chỉ cần lội ba bước sang phía bên kia suối sẽ thành “Việt kiều” Lào ngay. Tôi không dám “mạo hiểm” lội qua phía bên kia suối bởi biết đâu có cô gái Lào chiều ra suối rửa tay nhìn thấy “bản mặt” đen nhem nhẻm của tôi mà “ưng cái bụng” mang tôi về bản của cô trên đất Lào thì không khéo “anh bạn đồng nghiệp” cùng đi với tôi đến bản Tà Păng than vắn, thở dài “đơn thương, độc mã” băng hai trăm cây số về lại thị xã Đông Hà thì khổ. Mặc vội áo quần, tôi cùng thầy Ninh rảo bước quay về nhà già làng Hồ Văn Khai đã thấy mấy thanh niên trong bản “hoá kiếp” xong con lợn kẹp nách (giống lợn bản) bày biện lòng, thịt ra mâm. Rượu mang lên được già làng Hồ Văn Khai đong đầy từng chén. Trước khi nhập tiệc, già làng Hồ Văn Khai ngồi quay lưng lại bàn tiệc hướng về phía bàn thờ tổ tiên khấn điều gì đó bằng tiếng Vân Kiều nên tôi không hiểu. Thấy tôi ngơ ngác, anh Nhiên ngồi cạnh tôi rỉ tai là già làng đang mời Giàng, mời tổ tiền về nhập tiệc cùng con cháu. Cầu tổ tiên phù hộ cho Nhà báo đến bản được “chân cứng, đá mềm” để lần sau còn nhớ đường, nhớ người Vân Kiều ở bản Tà Păng mà sớm quay lại bản. Tôi rưng rưng trước tấm lòng của già làng Hồ Văn Khai nên chén rượu trên tay cũng run run. “Mành xoành...Mành xoành” câu cửa miệng mừng sức khoẻ nhau của người Vân Kiều kèm theo lách cách tiếng chạm ly mang tôi vào đêm. Đang mặn chuyện với anh Nhiên cùng mấy trai bản, tôi chợt sửng sốt khi thấy ánh điện bật sáng rực rỡ. Thấy tôi buông ly rượu hết ngước nhìn lên trần nhà lại nhìn sang anh, anh Nhiền sảng khoái cười to rồi đưa mắt về phía già làng Hồ Văn Khai nháy nháy như có ý bảo già làng nói thay anh. Hiểu ý anh Nhiên, già làng Hồ Văn Khai chỉ lên bóng điện rồi từ tốn.
- Điện có từ con suối trước bản miềng đó. Bản miềng chỉ có vỏn vẹn mười bảy nóc nhà lại nằm sâu trong rừng nên Nhà nước không thể bỏ vốn nhiều để dựng cột, kéo dây mang điện vào bản miềng được bởi như thế thì tốn kém cho Nhà nước lắm. Cách đây hai năm (năm 2006), cán bộ Nhiên thấy bản miềng cứ “làm bạn” với cây đèn dầu leo lét mà thương nên về bàn với lãnh đạo Đồn Biên phòng 605 hỗ trợ cho bản miềng mô tơ phát điện, dây điện còn bà con dân bản góp công ngăn suối làm thủy điện nhỏ. Từ ngày có điện dân bản miềng được xem ti vi mà biết được tình hình của đất nước và học được cách làm ăn trên ti vi nên đời sống cũng khá lên nhiều. Con em trong bản chăm học hơn vì chúng thấy “sướng con mắt” khi được học dưới ánh điện. Có điện “cái đầu” dân bản miềng sáng ra nhiều điều lắm.
- Trước đây, bản Tà Păng được trang bị một máy phát điện nhưng do giá xăng dầu cao với lại muốn mua xăng dầu phải ra đến trung tâm xã Hướng Lập mới mua được nên hầu như máy chỉ để nằm kho. Máy không hoạt động đồng nghĩa với việc chiếc ti vi Đồn Biên phòng 605 trang bị cho bản cũng “mốc meo” theo thời gian vì không sử dụng. Thấy bà con khao khát có điện trong khi ngay trước bản có con suối chảy qua rất thuận lợi cho việc làm thuỷ điện nhỏ nên mình về Đồn xin các Thủ trưởng hỗ trợ mô tơ, dây điện để cùng bà con ngăn suối làm thủy điện nhỏ. Làm xong, đêm đầu tiên cả bảnTà Păng từ già đến trẻ cứ ngồi uống rượu mừng có điện đến sáng.
Tiệc rượu tàn, tôi chánh choáng theo thây Ninh về phòng dành cho giáo viên tăng cường lên bản. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi vẫn nghe loáng thoáng mấy lời tâm sự “gan ruột’ của thầy Ninh. Rằng ngày thầy nhận quyết định lên đây dạy học (đầu năm 2006), đêm đầu tiên ngủ ở bản, trời tối một lúc là cả bản đã yên ắng chìm dần vào giấc ngủ. Đêm ấy, thầy không tài nào ngủ được, cứ nằm yên trên giường nghe con mang tác văng vẳng phía rừng xa mà lòng dâng lên nỗi buồn đến nghẹt thở. Bây giờ có điện, thầy cùng dân bản xem ti vi đến khuya nên đỡ cô quạnh và cảm thấy muốn gắn bó lâu dài với mảnh đất này.
Mấy chén rượu chia tay hẹn ngày quay lại bản, tôi thành “đại hiệp chăn dê” bất đắc dĩ khi cùng Đại uý Nhiên khó khăn lắm mới kéo được con dê mà anh mua về cho Đồn làm giống qua từng ấy ngọn đồi, con suối trở ra bản Cù Bai. Mệt nhoài đến rời rã, tôi thả mình xuống chiếc giường của Đại uý Lê Đức Thắng một lúc mới đi ra giếng rửa chân tay, mặt mũi bám đầy bụi. Từng giọt nước mát khoả lên mặt làm tan chảy mệt mỏi. Đang định bụng đi ra chỗ con ngựa già nua, nhỏ thó cột dưới góc cây trước Trạm Biên phòng (Đồn Biên phòng 605) đóng ở bản Cù Bai để chụp vài kiểu ảnh về khoe với bạn bè nhưng khi bước qua phòng khám bệnh của Trạm, chân tôi chợt chựng lại.
- Mẹ đau cái bụng lắm cán bộ Thắng à. Hai ngày rồi không ăn uống được gì. Con cho mẹ cái thuốc chi uống vô nhanh khỏi ấy.
- Thuốc đây, mẹ cầm về uống. Mẹ nhớ ngày uống hai lần vào buổi sáng với buổi chiều sau khi ăn xong nghe mẹ.
- Cảm ơn con. Mẹ về đây
Thấy tôi bước vào, Đại uý Lê Đức Thắng chỉ bà mẹ mặc chiếc váy thổ cẩm cầm mấy viên thuốc anh đưa đi về phía cuối bản Cù Bai.
- Người dân ở đây trước kia cứ đau ốm nặng nhẹ gì cũng mời thầy mo về cúng ma, cúng Giáng từ ngày này sang ngày khác đến nổi nhiều bệnh nhân khi mang đến Bệnh viện đã biến chứng nặng hơn hoặc tử vong trên đường đi cấp cứu. Mấy năm gần đây, các cán bộ chiến sĩ của Đồn Biên phòng 605 phải thay phiên nhau đến từng bản vận động già làng, trưởng bản bảo bà con đau ốm nên uống thuốc chứ đừng tin lời thầy mo. Ban đầu nhiều người không tin nhưng sau khi uống thuốc khỏi bệnh mới bắt đâu tin. Người này nói cho người khác biết “thuốc của các con Biên phòng uống khỏi bệnh chứ không như thầy mo chỉ biết cúng con ma núi, ma rừng, cúng Giàng mà bệnh không khỏi lại tốn bò, tốn heo”.
Dùng xong bữa cơm trưa đạm bạc với Đại uý Thắng cùng anh em ở Trạm Biên phòng, tôi ngược ra Đồn Biên phòng 605 thì trời đã xế chiều. Đang hào hứng chuyện phiếm về hai hôm lặn lội trong bản thì ngoài sân tiếng nổ giòn giã của chiếc Win lấm lám bụi đỏ vừa trờ tới. Bước xuống xe là người đàn ông có dáng vẻ “bụi bặm” của gã giang hồ thích phiêu bạt. Bắt tay một lượt, người đàn ông ngồi xuống góp chuyện như đã thân quen lắm với các anh ở Đồn Biên phòng 605.
- Đây là Lê Đình Hoan từng là cựu lính Biên phòng Đồn Biên phòng 605 nay đang là chủ vườn ươm tại bản Cù Bai chuyên cung cấp giống cây bời lời, xoan đỏ, quế, trầm gió cho bà con dân tộc Vân Kiều các bản của hai xã Hướng Việt, Hướng Lập. Bà con ai không có tiền đầu tư trồng rừng, anh Hoan hỗ trợ tiền, giống cây, kỹ thuật trồng với giao ước khi rừng đến thời kỳ thu hoạch, anh được hưởng 50% diện tích (sau đó rừng tái sinh hoàn toàn thuộc về bà con). Hộ nào có nhân lực nhưng không có tiền thì anh sẵn sàng bán cây giống, phân bón cho trả góp dần dần. Khi nhận, mua cây giống của anh nếu trong qua trình trồng mà cây chết anh sẽ cung cấp lại cây giống không lấy tiền. Bằng phương thức trên đến nay đã có gần năm trăm ha được phủ xanh trên đất trống, đồi núi trọc của hai xã trên.
- Có gì đâu. Vốn trước đây tôi là lính Biên phòng sau đó xuất ngũ từng có thời gian mưu sinh bằng nghề buôn bán phế liệu chiến tranh nên có dịp sống gần bà con dân tộc Vân Kiều vùng này. Cũng chính tháng ngày cùng ăn, cùng ở với dân bản, tôi mới thấu hiểu hết cái khó, cái khổ của người Vân Kiều (sự no đói dường như đều dựa chủ yếu vào núi rừng, nương rẫy). Năm 2001, khi thấy bà con bắt đầu quan tâm đến việc trồng rừng, tôi bán mảnh vườn được một trăm triệu đồng cùng với số tiền hưu trí năm mươi triệu của bố tôi cho vay để đầu tư cho bà con trồng rừng.
Một đêm nữa lại trôi qua bằng giấc ngủ an lành trong căn phòng mát lạnh gió núi, hương rừng ở Đồn Biên phòng 605. Tôi đón ánh ngày bằng cuộc chia tay “dùng dằng” đi ở với những người lính Biên phòng trấn giữ miền biên ải luôn mang trong mình bầu máu nóng “thức cho dân ngủ”. Cơn mưa giông bất chợt đổ xuống làm núi rừng âm u thêm dưới bầu trời phủ mây sám bạc như muốn níu giữ bước chân tôi. Tôi vội vàng vào UBND xã Hướng Việt trú mưa sau đó cuốc bộ vào bản Xà Là tìm gặp mẹ Hồ Thị Oi, người dám bước qua lời nguyền của Giàng rằng trồng lúa nước là làm bẩn hạt ngọc của trời. Tôi đến nhà mẹ Oi bằng từng bước chân khó khăn lắm mới nhấc lên được bởi chất đất ba zan màu mỡ sau mưa cứ dính bết vào đế giày. Đón tôi bằng nụ cười đậm chất núi rừng của “người trên ni” và bảo tôi rằng muốn mẹ kể chuyện trồng lúa nước thì phải uống với mẹ ly rượu.
- Chuyện mẹ làm lúa nước bắt đầu từ năm 1960 khi mẹ nhận chức chủ nhiệm Hợp tác xã Xà Là. Nhận chức chủ nhiệm Hợp tác xã rồi thì phải có trách nhiệm lo cho đời sống xã viên Hợp tác xã mà lúc ấy, chuyện thiếu đói, đứt bữa của bà con dân tộc Vân Kiều ở Hợp tác xã Xà Là cứ xảy ra như “cơm bữa”. Nhiều lần xuống công tác ở Đặc khu Vĩnh Linh mẹ thấy bà con làm lúa nước hay lắm. Thương bà con đói, mẹ đi vận động bà con dân bản trồng lúa nước. Khó mà nói hết khó khăn, gian khổ của những ngày đi vận động bà con trồng lúa nước. Hồi đó, nhiều người dân bản Xà Là nghe đến chuyện trồng lúa nước cứ như nghe chuyện trên trời. Nhiều người già trong bản giận dữ bảo mẹ là “miệng còn hôi sữa” đã lên mặt dạy già làng. Muốn trồng lúa nước thì mẹ phải mổ hai con trâu cúng bản, cúng Giàng mới được trồng vì từ xưa đến nay có ai trồng lúa mà bón phân làm ô uế hạt cơm của Giàng bao giờ. Ai nói mặc ai, mẹ quyết tâm làm thử và chỉ vài tháng sau ruộng lúa của mẹ lúc lỉu những bông lúa vàng ươm, trĩu hạt hứa hẹn mang lại hàng trăm a choi lúa. Nhiều người bảo nhau sao không thấy mẹ bị Giàng quở phạt gì mà còn được ăn cơm mới giữa tháng tư. Sau vụ trồng lúa nước thành công ấy, bà con dân bản tin tưởng mẹ lắm. Không ai bảo ai, họ kéo đến nhà mẹ nhờ mẹ chỉ cho họ cách trồng lúa nước. Bây giờ con thấy đó, chỉ riêng xã Hướng Việt đã có bốn mươi ha lúa nước cho năng suất hai tấn/ha/vụ. Đời sống của bà con Vân Kiều đã hết cảnh thiếu đói quanh năm rồi.
Niềm vui ánh lên trên khuôn mặt mẹ Oi trong câu chuyện đưa mẹ trở về thời con gái, thời còn Chủ nhiệm Hợp tác xã Xà Là gan góc bước qua lời nguyền đeo đẳng một cách bí ẩn như cánh rừng ma mà suốt bao thế hệ người Vân Kiều có đói cũng chỉ đốt rừng làm rẫy chờ mưa tra hạt lúa, hạt ngô lưa thưa hạt không đủ bữa no qua mùa giáp hạt. Chia tay mẹ Oi, chia tay thung lũng Cù Bai đang khoác lên mình diện mạo mới, tôi trở ra thị trấn Khe Sanh khi cơn mưa trắng trời vừa dứt. Xe lên đến đỉnh đèo Sa Mù, tôi dừng lại để thêm lần nữa được phóng tầm mắt chiêm ngưỡng thung lũng Cù Bai từ trên cao. Dưới kia dòng sông Sêbănghiêng tựa mái tóc dài thiếu nữ Vân Kiều cứ quấn quýt ôm lấy bản làng ấm no viên mãn bằng sắc ngói đỏ tươi quyện màu xanh rừng trồng trên đồi, núi ngày xưa là sỏi đá.
 
                                                                                       H.T.S 
Hoàng Tiến Sỹ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 171 tháng 12/2008

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

4 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground