Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phù sa ánh sáng

Á

nh sáng mà tôi nhắc đến ở thiên hồi ký này - Ánh sáng của một thời chưa xa chính là ánh sáng Cách mạng tháng Mười Nga và phù sa của ánh sáng ấy (chữ dùng của thi hào Chế Lan Viên) thì tôi tìm thấy ở Làng Mai Xá, huyện Do Linh ngôi làng hẻo lánh như mọi làng quê Việt Nam khác trong những năm tháng Nguyễn Aí Quốc ra đi tìm đường cứu nước. Mùa đông lạnh lẽo, gió bắc mưa dầm, con đom đóm lập lòe trong ngõ tối. Đêm đêm, tiếng "uệnh oạng" kêu than, kêu chi mà thống thiết não nề! Nhưng rồi dưới ánh sáng ấm áp của mùa xuân đất trời và cách mạng, mai vàng nở rộ - để có một tờ báo làng mang tên "Xuân làng Mai", Có một vườn đào tụ nghĩa cũng được gọi tên " Mai vàng tụ nghĩa"...

MAI VÀNG TỤ NGHĨA CẦN VƯƠNG

Đó là những năm tháng đầy biến động ở kinh thành Huế: Nhất giang, lưỡng quốc, nan phân giải/ Tứ nguyệt, tam vương, triệu bất tường (một sông hai nước, lời phân giải/ Bốn tháng, ba vua, việc chẳng lành!). Sau này các đồng chí Trần Hữu Dực, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị năm 1936 và Nguyễn Quang Xá, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị năm 1949 nhớ lại: Bấy giờ vua Thành Thái và vua Hàm Nghi đã bị thực dân pháp đày qua châu phi sống nơi tha hương, viễn xứ. Canh cánh bên lòng, ngày đêm Vua Duy Tân lo vận nước. Cứ đến mùa hè, Vua Duy Tân cùng mẫu hậu là bà Nguyễn Thị Định ra nghỉ mát ở nhà Thừa Lương, bãi tắm Cửa Tùng. Nghỉ mát có mẹ đi theo là lấy cớ che mắt thực dân pháp, chứ thực ra Vua ra Cửa Tùng để cùng các môn đệ thân tín ở Quảng Trị họp mặt, bàn việc cứu nước, hạ chiếu Cần Vương. Nhờ vậy mà ở Quảng Trị bấy giờ có sáu vườn đào tụ nghĩa. Bốn vườn đào ở huyện Triệu Phong, Đó là vườn đào Tường Vân của cụ Lê Thế Vĩ, thân phụ của Lê Thế Hiếu, Lê Thế Tiết; vườn đào Linh Yên của cụ đề đốc Nguyễn Thanh Đốc "bình Tây sát tả" về sau bị quân pháp xử trảm ở bãi bồi Nhan Biều; vườn đào Bồ Bản của cụ Ấm Muộn; Vườn đào Bích Khê của cụ Hoàng giáp Hoàng Hữu Bính. Ở Cam Lộ có vườn đào của cụ Nguyễn Khóa Bảo, người Thừa Thiên, cư trú ở Cam Lộ và vườn đào Mai Xá, huyện Do Linh của cụ tú tài Trương Quang Cung.

Thực tình là tôi chưa rõ năm trong số sáu vườn đào tụ nghĩa kia ở Quảng Trị có những hoạt động gì trong bối cảnh thực sự  là bí mật, thậm chí "thâm cung bí sử". Chỉ biết ở vườn đào Mai Xá của cụ đồ Trương Quang Cung, theo lời kể của đồng chí Trương Quang Phiên, hai lần làm chủ tịch Uỷ ban Hành chính kháng chiến tỉnh Quảng Trị vào năm 1948-1949 và 1951-1953 kể lại từ vườn đào Mai Xá có họp mặt hai lần một lần ở Bến Đục Hà Trung; một lần ở Lòi Mai Xá. Vị trí họp mặt lần thứ hai ở Lòi Mai Xá chính là nơi dân làng sau này chọn xây lăng mộ cụ đồ Trương Quang Cung, thủ lĩnh "Mai vàng tụ nghĩa Cần Vương", niềm tự hào muôn đời về sau của con dân làng như là di tích lịch sử (tiếc rằng trong cuốn di tích lịch sử Quảng Trị chưa thấy thống kê, xếp hạng sáu di tích vườn đào tụ nghĩa này). Cũng theo lời đồng chí Trương Quang Phiên, trong hai lần họp mặt các chiến sĩ Cần Vương quán triệt Hịch Cần Vương (như chúng ta quán triệt Nghị Quyết bây giờ) để hiến kế, cùng nhà vua tìm đường cứu nước. Xin trích lại một vài nội dung cực kỳ quan trọng trong "Hịch Cần Vương" một tuyên ngôn hệ trọng đến vận mệnh quốc gia dân tộc. Xin trích lại đây đôi đoạn đầu bạn đọc: "Pháp lăng sa mượn tiếng Vua. Ban đầu nói làm việc nghĩa. Sau làm lợi riêng. Đó là những con người hai dạ, hai lòng...

Kẻ thù đắc chí. Triều đình nhu nhược. Vua Thành Thái Vua Hàm Nghi, Vua Duy Tân là những đấng trượng phu, bỏ ngai vàng đi theo bách tách. Lấy ân mua được lòng người, lấy lễ đúc rèn ý chí.

Nay ta, văn thân nhà Nguyễn, Tôn đại thần phò Vua ra khỏi triều nội, hạ chiếu Cần Vương. Dân nước Nam đời đời tôn đợi ơn Vua. Trí năng chưa mất. Tình cảm vẫn còn. Không thể để mất lương tâm, bỏ Vua thua giặc. Ai có thể xưng lên tiết nghĩa, nhóm họp các người đồng tâm, đồng chí, ra sức trừ diệt quân thù. Tổ  quốc hát khúc hoàn ca. Sa trường dâng lên công trạng...

Cách làm trước tiên là bí mật tụ nghĩa. Khéo che đậy không khi nào không thắng, vụng che đậy không khi nào không thua. Các cụ, các ông hãy khuyên bảo hào mục, lý hương nhóm họp hương binh chờ đợi... Thế nước như trứng chồng, chỉ có hợp quần sức mạnh mới lên!"...

Ngoài việc học rộng, hiểu sâu, cụ đồ Trương Quang Cung là một chí sĩ yêu nước, hết lòng vì nước vì Vua nên ngoài việc nhóm họp những người đồng tâm cụ còn kết thân với "vườn đào tụ nghĩa Bích Khê" của cụ Hoàng Giáp Hoàng Hữu Bích. Cụ đồ Cung có người con trai tên là Trương Quang Dự khôi ngô tuấn tú, chưa đầy mười tám tuổi đầu đã thi đỗ "học sinh", được cụ Hoàng Giáp Bích Khê yêu quý như con và từ đó ra sức bồi bổ, truyền thụ kiến thức. Từ một nghĩa cử không chỉ lưu danh tiết nghĩa cho đời sau mà hai cụ ở hai vườn đào tụ nghĩa khi đã là người đồng tâm, cùng chí hướng còn tiến xa thêm một bước nữa trong tình thâm giao. Đó là việc cụ Hoàng Giáp Bích Khê cho người con gái đầu lòng là bà Hoàng Thị Đường về làm dâu cụ đồ Mai Xá, sánh duyên cùng Trương Quang Dự. Từ tình đồng chí, nay hai cụ ở hai vườn đào tụ nghĩa thêm tình thông gia.

Mối lương duyên cao đẹp là thế nhưng cuộc đời thật cay nghiệt làm sao! Bà Đường chung sống với chồng mới được mười hai năm thì chồng bà đột ngột qua đời năm ba mươi tuổi (Canh Tuất - 1910) khi bà đang mang thai cô con gái út. Giữa đường đứt gánh, giông tố bão bùng, bà Hoàng Thị Đường một người thiếu phụ mảnh mai trước số phận đắng cay chèo chống sao đây để nuôi năm người con côi cút! Kể đến đây, nghệ sĩ Tân Nhân, cháu ngoại của bà Đường không giấu được nỗi xúc động bật khóc: "Ông ngoại chúng tôi mất sớm quá, đã rút ngắn tuổi thọ của cố. Cố mất ngày 16 tháng 10 âm lịch, hưởng thọ 64 tuổi".

Cụ đồ thương con dâu lắm mới có hai câu thơ: Không trung nhất phiến nguyệt/ Quả phụ độc miên thời (Mảnh trăng treo trên không/ Tựa người quả phụ đơn chiếc!). Cũng theo lời nghệ sĩ Tân Nhân khi nhắc đến bà ngoại của mình: - "Chúng tôi nghĩ cụ cố thương bà ngoại mình như mảnh trăng treo trên trời, còn chúng ta thương bà ngoại mình như cây xương rồng dưới đất".

Vâng, cây xương rồng là cô dâu đằng xa về cắm xuống làng Mai Xá chịu cái nóng của nắng hè dội xuống, cái nóng của gió lào xuyên ngang, nóng từ cát bốc lên, cây xương rồng vẫn xanh rờn từ gốc đến ngọn, mặc dù sức sống cũng như sự cay nghiệt của số phận cuộc đời đã hút đi những giọt nước cuối cùng. Nhưng người con gái họ Hoàng tựa cây xương rồng của quê hương xứ sở đứng thẳng lên, moi từ lòng đất để giành lại màu xanh cho cuộc sống.

Bà đã làm tròn nghĩa vụ cô dâu thảo của mối lương duyên cao đẹp giữa hai vườn đào tụ nghĩa. Dù sao thì tình đồng chí, nghĩa đồng đạo giữa cụ đồ Trương Quang Cung và Hoàng Giáp Hoàng Hữu Bích cũng đã kịp để lại cho đời những hạt giống đỏ làm rạng danh cho con dân làng Mai Xá.

BA HẠT GIỐNG ĐỎ.

Theo lời kể của ông Trương Khắc Trại thì ba vị tiền bối cách mạng ở làng Mai có học vấn cao trong làng: cụ Trương Khắc Khoan đỗ tú tài Hán học.

Cụ Trương Quang Côn đỗ khóa sinh Hán học.

Cụ Trương Quang Phiên (con trai duy nhất của bà Hoàng Thị Đường) sau bảy năm học chữ Nho, chuyển sang học trường Pháp - Việt Quảng Trị (Primaire Complémentaire) và Trường Sư phạm Huế (École Pedangue).

Ba cụ đều thông thạo Hán văn, trước khi chuyển sang học Quốc văn và Pháp văn. Đó là một chuyển biến mới về nhận thức, xu thế của thời cuộc lúc bấy giờ. Với sự chân thành và sự say mê của tuổi trẻ ba cụ tham gia cách mạng từ những năm 1926 - 1927, thời kỳ mà bao cuộc nổi dậy chống Pháp thất bại, bao xu hướng chính trị đảng phái ra đời, bao nhà tù mọc lên khắp nước, kể cả bọn mật thám ngụy trang, trá hình, trà trộn trong hàng ngũ cách mạng để phá cách mạng từ trong trứng nước phá ra. Ba cụ đã trải qua nhiều trăn trở, để tìm hướng đi, tìm ánh sáng, chân lý.

Ba cụ đã tìm sách báo tiến bộ đương thời của các nhà xuất bản Nam Cường (Sài Gòn), Nam Đồng thư xã (Hà Nội) và Quan Hải Tùng Thư (Huế). Những huyết lệ thư của Phan Bội Châu, một bầu tâm sự của Trần Huy Liệu đau xót như mũi kim châm đã tác động sâu sắc đến lòng yêu nước của các cụ. Hai cụ "Hán học" tìm hiểu tư tưởng phương Đông: Học thuyết "Đại đồng" của Khổng Tử "Đại đồng thư" của Khang Hữu Vi, Luận điểm Lương Khải Siêu, Nhân học của Đàm Tự Đồng. Cụ Trương Quang Phiên "Tây học" tìm hiểu tư tưởng phương Tây: Dân ước (Contratsocial) của Lư Thoa (Rousseau), Vạn pháp định lý (Exprit des lois) của Mạnh Đức Tư Cưu (Montesqiér)... Nhờ sự nghiên cứu tư tưởng Đông, Tây này đã giúp các cụ nhìn ra thế giới, suy luận, tìm ra chân lý, tìm ra ánh sáng trong cái đêm dài "trung cổ" ấy.

Cách mạng tháng Mười Nga ở xa, lại bị thực dân Pháp che kín mít. Thậm chí bấy giờ khi học môn địa lý thế giới mà chúng cũng cắt đi một phần đất bao la là nước Nga: Châu Âu trừ Nga, Châu Á trừ Nga (L'urope moins l'urope Russe, l'asie moins l'asie Russe). Cái nước Nga thế nào đây mà bọn Pháp sợ và ghét đến thế?. Tìm gặp lớp học trò cũ của cụ Trương Quang Phiên như ông Trương Khắc Kỷ (nghỉ hưu tại Đông Hà), Trương Văn Bột (nghỉ hưu tại Do Bình, Do Linh) có cho chúng tôi biết bấy giờ ở Mai Xá đã có ba tủ sách lớn. Đó là tủ sách "Tiên Việt" của thầy Trương Quang Phiên, tủ sách "Mai Quang" của Trương Quang Phỉ và tủ sách "Trương Công" của Trương Công Hốt. hay những lúc về làng còn nghe được nhiều câu ví đáng để tự hào: "Sách Trợ Phiên, Tiền mụ Đạc, bạc thông Hy" "Trương Quang ông Trợ thơ trăm cuốn"... Bản thân ông Kỷ lúc học ở "gia đình học hiệu Tiên Việt" cũng đã được thầy Phiên cho đọc nhiều sách báo tiến bộ như báo Lao Động (Le Travo), Báo Dân và các loại sách hồng (Livere, Roze). Chính nhờ vào sự nỗ lực tìm kiếm khôn nguôi này mà ánh sáng cách mạng Nga có một sức mạnh chọc thủng dần màn đêm để đến với các làng quê Việt Nam xa xôi hẻo lánh.

Nhưng phải đến năm 1927, khi chi điếm "Hưng Nghiệp Hội xã" của cụ Lê Thế Hiếu được thành lập ở thị xã Quảng Trị(1) thì các cụ mới biết thêm một tổ chức chính trị lấy tên là "Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội", tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Bác Hồ sáng lập. Bề ngoài của Hưng Nghiệp Hội xã là cửa hàng kinh doanh; bên trong là nơi gặp gỡ của những người yêu nước trong tỉnh. Các cụ tích cực hoạt động cho Hội và cuối năm 1927 cụ Trương Khắc Khoan được kết nạp vào Hội. Dự lễ kết nạp có hai cụ Nguyễn Xuân Luyện và Hoàng Hữu Đàn, đại diện Ban chấp hành "Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội". Đầu năm 1928, cụ Trương Khắc Khoan và Phạm Ngọc Liễn giới thiệu cụ Trương Quang Côn và Trương Quang Phiên vào Hội. Từ đó làng Mai Xá đã có ba hạt giống đỏ, sinh hoạt trong chi bộ ghép Do - Vĩnh do thầy Đạm (tức Phạm Ngọc Liễn) làm thư ký. Sau chi bộ ghép tách thành hai chi bộ riêng Do Linh và Vĩnh Linh. Cụ Trương Quang Phiên được chỉ định là thư ký chi bộ Do Linh, gồm có các cụ: Trương Khắc Khoan, Trương Quang Côn, Trương Khắc Phò, Trần Đàn, Nguyễn Văn, Trần Duật, Nguyễn Quỳnh...

Sau vụ rải truyền đơn của Tân Việt đảng, các tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội cấp tỉnh và huyện đều bị khủng bố. Có người khai báo làm phản nên các Ban chấp hành tỉnh, huyện đều bị bắt. Trong tù, ba cụ sinh hoạt với các đồng chí cộng sản như Trần Hữu Dực, Nguyễn Ngung, Phạm Ngọc Liễn; Các cụ có điều kiện nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin. Các cụ tham gia nhiều cuộc tranh luận về chủ nghĩa quốc gia hay chủ nghĩa quốc tế trong khu chính trị phạm. Chính từ những cuộc tranh luận ấy đã trực tiếp giúp các cụ tìm ra được, từ trong đám mây mù tăm tối, cái ngõ đi vào cuộc đời thực tại một cuộc đời rất đáng sống để đấu tranh vì nó và khi cần đáng hy sinh để bảo vệ nó: Giành độc lập cho đất nước và giành tự do, hạnh phúc cho nhân dân mà Chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ ra. Qua những cuốn sách lên án chủ nghĩa thực dân Pháp bí mật đưa vào nhà lao, các cụ cũng như các bạn tù tìm thấy tiếng nói của thời đại, tiếng nói của nhân nghĩa, tiếng nói của nhà hiền triết Mác-xít phương Đông Nguyễn Ái Quốc.

Từ tháng tám năm 1929 đến tháng chín năm 1934, các cụ bị thực dân Pháp kết án ba năm tù giam, giam tại Lao xá Quảng Trị và khi ra tù bị quản thúc tại làng hai năm. Thế nhưng ba cụ đã đạt được mục đích lý tưởng của mình. Ba hạt giống đỏ đầu tiên của làng Mai Xá mang trách nhiệm truyền đạt, giáo dục lý tưởng yêu nước, lý tưởng cách mạng cho thanh niên, học sinh như các ông Trương Khắc Tá, Trương Văn Cáo, Trương Quang Thiện, Trương Khắc Hoằng, Trương Công Đồng, Bùi Kiểu và nhiều anh chị em khác.

Năm 1984, nhân mừng thọ cụ Trương Quang Phiên tám mươi tuổi, ông Lê Đình Quế có mấy câu thơ chân tình và xúc động, nói lên niềm tự hào của quê hương đối với ba cụ:

Ba mầm giống đỏ đầu tiên

Dân làng kính phục, quan trên kiêng dè

Sớm đem chủ nghĩa Mác-Lê

Về làng gieo cấy, phủ phê lá cành.

Viết đến đây tôi đã có ý định ngừng bút nhưng còn nuối tiếc một vài chi tiết có giá trị thông tin nên xin được có phần thêm: Cụ Trương Khắc Khoan húy Trương Khắc Hoạt do đỗ tú tài Hán học nên từng được bổ nhiệm làm thừa lại ở các huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) và Hương Thủy (Thừa Thiên). Sau khi giác ngộ cách mạng thì bị thực dân kết án ba năm tù giam và hai năm quản thúc. Về quê cụ làm ruộng, làm thuốc bắc, hoạt động cách mạng cho đến khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi. Sau cách mạng tháng Tám, cụ được cử làm trưởng ban Tư pháp huyện Do Linh rồi Trưởng ban Tư pháp tỉnh Quảng Trị.  Tháng 5/1948 cụ hy sinh trong trận càn của Pháp vào chiến khu Ba Lòng, hưởng thọ 65 tuổi, thi hài cụ đến nay chưa tìm ra. Trong khi cụ Trương Quang Côn bị kết án hai năm tù giam và ba năm quản thúc. Về quê cụ làm ruộng, tiếp tục hoạt động cách mạng nhưng chế độ lao tù làm cụ kiệt sức, bị đau gan nặng từ năm 1944. Sau cách mạng tháng Tám, cụ chỉ giữ chức Chủ nhiệm Việt minh xã một thời gian ngắn. Do sức khỏe yếu, cụ nghỉ công tác chữa bệnh và từ trần năm 1948, hưởng dương 49 tuổi, an táng tại nghĩa trang quê nhà. Tương tự, cụ Trương Quang Phiên lãnh án ba năm tù giam, ra tù về quê chịu quản thúc thêm hai năm nữa. Ngoài việc làm ruộng, cụ Phiên dạy học và tiếp tục hoạt động cách mạng, đó là việc lo kinh doanh tài chính cho Tỉnh ủy Quảng Trị. Sau cách mạng tháng Tám làm Chủ tịch UBHCKC tỉnh Quảng Trị (tháng 5/1946 - 4/1948 và tháng 5/1951 - 12/1953). Giám đốc Sở Tài chính Liên khu Bốn (1954), về tiếp quản Thủ đô Hà Nội làm Cục trưởng Cục quản lý muối Bộ Tài chính, Bộ Nội thương sau này là Bộ Công nghiệp Nhẹ (năm 1954-1966). Trước giải phóng hoàn toàn miền Nam, cụ đã nghỉ hưu, mất năm 1989, hưởng thọ 85 tuổi.

Riêng cuộc đời hoạt động của cụ Trương Quang Phiên, tôi sẽ có dịp trở lại phần sau của thiên hồi ký này là sự nghiệp giáo dục, tức cái "Gia đình học hiệu Tiên Việt" của ông và rất nhiều bài thơ, câu đối xướng họa tài danh của ông mà âm vang đọng lại mãi cho đến tận bây giờ. Con người đích thực là phù sa của ánh sáng cách mạng tháng Mười Nga.

Cuối cùng có một chú thích nhỏ về cụ Lê Thế Hiếu trong bài là con trai cụ Nguyễn Thế  Vĩ ở vườn đào tụ nghĩa Tường Vân. Sau cách mạng tháng Tám, cụ là Đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời cụ cũng là vị Chủ tịch đầu tiên của UBND Cách mạng tỉnh Quảng Trị.

Y.T

Y Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 121 tháng 10/2004

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground