Quê tôi ở cuối tỉnh Phú Thọ. Làng tôi nằm dọc sông Hồng và có đường sắt Hà Nội - Lào Cai chạy qua. Đường tàu hỏa sẻ đôi cái xã tôi làm hai làng, người ta cứ gọi là làng trong và ngoài làng. Xóm nhà tôi ở ven đường sắt. Tiếng còi tàu in vào tôi từ thủa lọt lòng. Đêm đêm tàu hỏa chạy qua xập xình, tiếng còi tu tu cứ như ru giấc ngủ tôi. Nếu một hôm nào đó chuyến tàu đêm khuya mà bị chậm vì lí do nào đấy là ngày hôm sau ra đồng bà con hỏi nhau: đêm qua tàu ngược bị chậm các bủ ạ.
Cái xóm nhà vùng quê xa hút như làng tôi thời kháng chiến chống Pháp vui lắm. Bố tôi bảo thế. Đã từng có một đận Hội Nhà văn trung ương ở xã vài tháng rồi chuyển xuống Gia Điền - Xuân Áng. Bố tôi đã từng được học hát với các ông Hoàng Lê Vân, Bùi Công Kỳ hướng dẫn. Có con đường cái quan giữa làng cắt ngang đường tàu hỏa nơi ấy là một thị tứ. Đủ hết, nào là bác thợ khâu giầy, bác hàng bạc kéo cái bễ ngọn lửa xanh lè tí xíu, bác thợ nhuộm hai bàn tay lúc nào cũng nâu nâu đỏ đỏ. Ông thương binh khập khễnh cái nạng gỗ cắt tóc và kiêm cả chữa đèn pin. Rồi lại cả bà hàng nước mắm cá khô, mùa nào thức ấy. Thuốc lá thì Thăng Long, Hoàn Kiếm, Bông Lúa. Khoái nhất là hàng rượu (không hiểu sao hồi bé đã thích hàng bán rượu!) giờ tôi nhớ lại vẫn thấy sướng mỗi chiều cầm tờ một hào - tiền 1958 - đi mua rựợu. Chúng tôi cứ chiều đến là đi mua rượu cho ông hoặc cho bố. Chỉ mua một hào thôi và hôm sau lại một hào. Cái xóm nhỏ nhà tôi thời mới hòa bình bước vào đoạn gia nhập hợp tác xã sao mà thanh bình thế.
Nhưng tôi muốn kể chuyện nhà bác thợ rèn. Đó là bác Hào Thiết. Cái lò rèn hành nghề ở một vùng toàn đồng rừng như quê tôi đương nhiên là đông khách. Hai bác hái ra tiền. Ba mẹ con chỉ phụ việc còn bác Hào thì xoay trần từ sáng tới đêm. Lúc nào lò bễ cũng rừng rực phì phọp. Nhiều tiền thì vợ con được nhờ chứ cái nghề lò rèn này độc lắm. Bác chủ lò tên Hào ngày càng hom hem vì khói than và lao lực vì làm quá sức. Một ngày kia lò đóng cửa. Vẫn thấy bác Thiết và chị em con Tồ, con Tít dắt thằng Phúc bé tí sang hàng phở. Một đêm mùa đông làng xóm kêu thất thanh nhà lò rèn cháy. Tôi chạy ra cổng ngồi thu lu ở gốc nhãn nhìn sang ngôi nhà cháy đùng đùng sáng rực cả góc trời. Dân làng dập được ngọn lửa thì cũng là lúc họ kéo xác bác thợ rèn co quắp ra khỏi đám khói. Bác Hào bị lao. Ngày ấy bệnh lao là tứ chứng nan y sợ lắm. Đêm đêm vợ con đi ngủ nhờ, sợ lây bệnh. Trời rét bác Hào nằm một mình bên cái lò than. Thế là cháy. Người ta bảo bác tự tử. Chả ai tìm hiểu ra sao chỉ thấy ngày hôm sau đám ma bác thợ rèn quê gốc Đình Bảng lèo tèo vài người. Họ sợ bệnh lao.
Đến thời máy bay đánh phá vào xóm tôi năm 1966 thì nhà bác Hào lò rèn lại di vào trong gò ở cạnh nhà tôi. Hai quả đồi liền nhau vẫn tối lửa tắt đèn có nhau. Con Tồ lớn lên đi học công nhân dệt, con Tít ở nhà làm xã đoàn thanh niên. Thằng Phúc con trai duy nhất được cưng chiều thì hát hò cả ngày. Bên nhà tôi suốt ngày nghe bà Thiết réo ối Phúc ơi mày mang dạ về đây.
Ngày tôi đi đại học thằng Phúc mới học lớp tám. Một lần tôi ở Bắc Thái về nghỉ giữa kỳ thấy nhà bà Thiết sáng trưng đèn đóm. Hỏi ra thì biết thằng Phúc sáng mai tòng quân. Bên nhà vẫn đang liên hoan mà tôi lại thấy bà Thiết réo váng lên: Phúc ơi, mày có về khô… ông? Cả nhà đợi đây này...
Ra thằng Phúc chạy đi đâu đó, chắc là gặp người yêu trong khi khách khứa đang chờ đầy nhà.
Thằng Phúc đi bộ đội rồi, bà Thiết không còn réo váng làng nước mỗi buổi chiều nữa. Bà Thiết cặm cụi vườn khoai, nương sắn. Hai đứa con gái đi lấy chồng, bà không ở với đứa nào cứ ở trong ngôi nhà ấy đợi thằng Phúc. Nhưng thằng Phúc không về. Nghe nói Phúc vào Sư đoàn 304 đánh giặc ở Quảng Trị. Nghe người cùng đơn vị về kể, nó đánh giặc hăng lắm, đuổi giặc qua sông Mỹ Chánh rồi chốt lại. Phúc hy sinh đúng ngày sinh nhật nó. Ngày 20/5/1972 lúc ấy nó 19 tuổi. Chịu chả ai biết mộ phần ở đâu? Hai chị gái kiến giả nhất phận, một bà già gần đất xa trời biết đâu mà lần. Cuộc chiến tranh cứ như cái dằm trong bàn tay người nông dân lúc không làm gì lại nhoi nhói đau, lúc quên đi thì thôi. Nó cứ nằm đấy cồm cộm day dứt.
Tôi cũng nhập ngũ năm ấy rồi vào Tây Nguyên chiến đấu. Ngày trở về nghe mẹ tôi nói thằng Phúc con bà Thiết chết ở trong Quảng Trị. Tôi hình dung ra ngày mình trở về đi qua một vùng như hoang mạc toàn những vỏ bom vỏ đạn và xe cộ cháy trơ xác hoen rỉ. Một vùng mà làng tôi có tới dăm bảy người nằm lại đó chứ chả riêng gì thằng Phúc. Sau năm 1980, lúc ấy đói kém lắm thế mà bà Thiết bán con lợn nái lận lưng chút tiền còm đi vào tận Hải Lăng. Bà Thiết nghe đồng đội của Phúc chỉ đường, bà qua sông đến cánh đồng mà người ta bảo đơn vị Phúc bị xe tăng tấn công. Dân ở đó kể, các anh ấy chiến đấu dũng cảm và hy sinh cũng nhiều. Họ còn bảo toàn là các anh xinh trai. Bà Thiết gạt nước mắt, vâng vâng đúng đấy thằng Phúc nhà tôi xinh trai lắm. Bà ra bờ sông gói một gói đất mang về. Bà làm một cái hòm nhỏ cho túm đất Mỹ Chánh vào rồi chôn ở góc vườn, chỗ mà bà vẫn ngồi tránh nắng mỗi khi làm cỏ sắn. Bà lấy lá cọ lợp lên trên ngôi mộ đất Mỹ Chánh ấy thành một cái lán. Người làng tôi kể từ hôm ấy tối nào con chó nhà bà Thiết cũng nằm phục ở bên ngôi mộ đất của thằng Phúc.
Ảnh: Cáp Lộc Hàn Vũ
Vài năm sau. Tôi lại về quê. Trên cái nền nhà bà Thiết lợp lá cọ ngày nào bây giờ là một ngôi nhà tường gạch xây nho nhỏ lợp prô xi măng nóng như hun. Hóa ra là nhà tình nghĩa mà xã làm cho bà Thiết. Nhưng nóng quá, ngày hè bà chống gậy còng lưng làm cỏ sắn, nghỉ trưa ngoài ngôi mộ đất. Tối nguội nắng mới chui vào nhà. Đêm khuya, mát mẻ hơn rồi bà phe phẩy cái quạt lá cọ giữa cửa bà gọi Phúc ơi, ới Phúc ơi là Phúc ơi. Bên nhà tôi nghe bà gọi con mà não ruột. Lâu rồi thành quen. Cứ đêm đêm bà gọi Phúc ơi là mẹ tôi bảo bà ấy ăn cơm rồi. Nhưng có đêm không thấy bà Thiết gọi ời ời... Phúc ơi ới Phúc ơi là mẹ tôi giật mình xách cái đèn bão đi sang. Khuya mẹ tôi về nói bà Thiết cảm mà không biết, may quá cho bà uống thuốc cảm vã được mồ hôi rồi.
Càng ngày lưng bà càng rạp xuống. Ngôi nhà tình nghĩa xóm làng đã phải sửa lại đôi lần. Mẹ tôi đã mất. Tôi về quê, đêm đêm nhìn đom đóm lập lòe bên vườn nhà bà Thiết chẳng thấy tiếng gọi thằng Phúc ời ợi. Chỉ có tiếng con chó dé nhà bà sủa ong óc mệt nhọc. Khổ thân con chó. Nó đói thì sủa to làm sao được.
Gần chín mươi tuổi rồi, bà Thiết vẫn sống và đêm nào cũng gọi Phúc ơi. Chỉ có điều tiếng gọi của bà bây giờ phải đứng áp vào trong hiên nhà bà mới nghe tiếng.