Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Qua thị trấn Bến Quan

Những ngày đầu Quảng Trị giải phóng (tháng 5/1972), cả Vĩnh Linh nói chung và vùng núi phía Tây của Vĩnh Linh nói riêng xơ xác, dấu vết đạn bom huỷ diệt nhức nhối mắt người. Không ai có thể ngờ rằng: “những vùng đất bị chiến tranh cày xới ấy lại hồi sinh qua năm tháng theo ý chí mãnh liệt của con người. Nông trường Quyết Thắng là một địa danh nối vùng đồng bằng với với các xã miềm núi của huyện Vĩnh Linh đã từng bị bom, đạn chà xát dần dần hồi sinh như những cánh rừng cao su bật mầm xanh từ gốc bị bom cứa ngang vẫn nuôi sự sống từ lòng đất để vươn lên từng ngày”.
Mới đó mà đã 15  năm thị trấn Bến Quan được thành lập. Toàn bộ dân cư thuộc Nông trường Quyết Thắng và một số hộ xâm cư thuộc hai xã miền núi Vĩnh Khê, Vĩnh Hà được quần tụ trong một địa danh mới của huyện Vĩnh Linh: Thị trấn Bến Quan - một thị trấn miền núi phía tây Vĩnh Linh. Cũng như những xóm làng ở vùng đất “tuyến lửa Vĩnh Linh”, thị trấn Bến Quan đã đi qua một chặng đường hồi sinh với bao cam go, vất vả. Cả một vùng quê heo hút, lạnh lẽo ấy đã có một thời con người không mơ tưởng đến, bởi vì không ai lại chọn chốn hoang sơ, thăm thẳm thuỷ tận sơn cùng để sinh cơ lập nghiệp. Những dấu đường dọc ngang vùng đất cũng chỉ mờ ảo theo những đoàn sơn tràng, hoặc những đoàn người từ miền xuôi lên khai thác bổi, củi trong những ngày nam nắng mà thôi. Một thị trấn ra đời tại một vùng miền núi nghe như là hoang tưởng. Thế nhưng... cái địa danh ấy dần dần in rõ thêm trong suy nghĩ của mọi người. Vì nét đẹp của đô thị ngày càng hiện ra, cũng giống như cô gái  đã đến tuổi dậy thì làm xao lòng nhiều chàng trai xứ lạ... Thị trấn phía tây Vĩnh Linh mỗi ngày thêm đổi mới, tạo sự chú ý của nhiều người, kể cả những nhà kinh tế.
Tiềm năng của vùng đất là nổi khát khao của nhiều nơi. Cây cao su, cây lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc là thế mạnh của Bến Quan. Khi mọi người hiểu ra điều ấy thì cư dân ở đây đã đi vào nề nếp làm ăn theo tư duy của cơ chế thị trường, bởi một lẽ: Nơi đây tập trung đông con em nhiều vùng quê trong nước đến với Nông trường quốc doanh Quyết Thắng, họ từng chiến đấu, sản xuất trong những năm chiến tranh ác liệt, rồi sinh cơ lập nghiệp, bám trụ kiên cường, họ hiểu vùng quê này hơn ai hết. Và chính họ tạo dựng cuộc sống từ đất đai, từ đổ nát của chiến tranh, họ phải biết phải làm gì để thay đổi cuộc sống. Không phải cứ chốn đô hội mới ăn nên làm ra. Ngay tại thị trấn miền núi này, hàng loạt gia đình cứ lặng lẽ làm ăn, hàng ngày đếm tiền triệu qua thu nhập mủ cao su, gia súc, gia cầm và các loại cây trồng khác... Cho đến bây giờ, mọi người mới hiểu vì sao con em ở đây dù đi đâu cũng về lại với nơi này để định cư lâu dài. Sức hấp dẫn của vùng đất như nét duyên mà ai chú ý mới thấy được vẻ đẹp và sự quyến rũ ẩn chứa từ bên trong...
Đường Hồ Chí Minh đi qua đã làm cho thị trấn Bến Quan gần gũi với mọi người. Từ quốc lộ 1A, theo tỉnh lộ 7 sẽ đến với thị thị trấn Bến Quan. Nếu từ Bắc vào hay từ Nam ra, muốn đến với thị trấn Bến Quan thì cứ dọc theo đường Hồ Chí Minh. Lợi thế này sẽ là một tiềm năng mới của thị trấn trong việc giao lưu buôn bán, du lịch, không dễ gì nơi nào cũng có. Nói là thị trấn miền núi nhưng nét văn minh đô thị đã hiện hữu, có thể sánh ngang với các đô thị thuộc huyện ở đồng bằng. Nét đẹp văn hoá nhiều làng quê trong nước theo cư dân đến sinh cơ lập nghiệp đã làm phong phú thêm bản sắc văn hoá của vùng đất này. Với diện tích tự nhiên trên 421 héc ta, nhưng thị trấn Bến Quan có gần 1.000 hộ sinh sống tại mười hai khóm, thôn. Đồng bào Kinh và đồng bào Vân Kiều chung sống từ muôn đời nay, đã tạo nên một mái nhà chung trong mối tình đoàn kết thuỷ chung miền xuôi - miền ngược. Sự đùm bọc, cưu mang, che chở nhau đã trở thành nét đẹp truyền thống của người dân. Ngay như chuyện làm ăn, mọi người đều bày vẽ cho nhau để cùng vươn tới. Sự chênh lệch giàu nghèo không còn quá xa như nhiều nơi khác. Cả thị trấn chỉ còn ba mươi ba hộ nghèo. Ở Vĩnh Linh, thị trấn Bến Quan là đơn vị có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện. Nếu không bắt nguồn từ nội lực của mỗi gia đình thì làm sao thị trấn có được những đổi thay về kinh tế, chỉ còn một tỷ lệ hộ nghèo không đáng kể, làm cho nhiều địa phương khác phải kính nể!
Nói như chị Lê Thị Noa - Bí thư Đảng uỷ thị trấn Bến Quan: Số hộ giàu và khá ở Bến Quan nhiều lắm, nếu kể ra hết thì có một danh sách rất dài. Chuyện thu nhập mỗi năm từ năm mươi triệu đồng trở lên mỗi hộ đã trở thành bình thường với người dân nơi đây...
Theo lời kể của Bí thư Đảng uỷ thị trấn, chúng tôi đến với những khóm phố san sát nhà xây thấp thoáng trong màu xanh của cao su và những triền cây lâm nghiệp. Một vẻ đẹp vừa mang dáng dấp nông thôn, lại vừa mang dáng vẻ của đô thị cuốn hút sự chú ý của mọi người, nhất là những ai lần đầu đến đây. Những con đường rộng rãi được đổ cấp phối thông thương từ nơi này đến nơi khác. Nói là thị trấn nhưng không có sự ồn ã náo nhiệt, mà nó giữ được nét tĩnh lặng hầu như nguyên sơ của miền quê dân dã vùng đồng bằng. Ngay ở khóm Ngã Tư trung tâm thị trấn với sự hội tụ của khách thương xa gần vẫn giữ được cốt cách của miền sơn cước. Hầu hết những gia đình ở đây đều tập trung buôn bán những vẫn có cao su và cây lâm nghiệp làm kinh tế chủ đạo. Hai vợ chồng anh Sơn, chị Hoa ở khóm Ngã Tư buôn bán tạp hoá, thu nhập không nhỏ nhưng vườn cao su của họ cũng thu về ít nhất một trăm triệu đồng mỗi năm. Chúng tôi chứng kiến nhiều gia đình sống sung túc nhờ phát triển cao su và cây lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc. Gia đình vợ chồng chị Huệ, anh Thắng, vợ chồng chị Chỉnh, anh Lợi ở thôn 4, vợ chồng chị Phúc, anh Lý ở thôn 3... là những điển hình làm ăn giỏi, đời sống ngày càng đi lên, thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên mỗi năm đã là chuyện bình thường. Nói đến nghề trồng và khai thác mủ cao su thì Nông trường Quyết Thắng ngày xưa là chiếc nôi của nghề này. Người dân của thị trấn Bến Quan chính là công nhân Nông trường Quyết Thắng và con em của họ sinh ra kế tiếp nghề truyền thống của mẹ cha. Cho nên nghề “vàng trắng” này đã trở thành quen thuộc và thuần thục của người dân thị trấn Bến Quan. Cả thị trấn có gần 1.400 héc ta cao su, trong đó gần 900 héc ta cao su tiểu điền của hộ dân. Sự giàu có của vùng quê này bắt nguồn từ nông nghiệp mà cây cao su đứng đầu.
Mấy mươi năm trước, đến với vùng đất này, người ta có cảm giác buồn bả trước quang cảnh núi rừng cô quạnh, không ai muốn ở lại chốn thâm u, thưa thớt người lại qua. Giờ đây, đến với xứ sở này, quang cảnh tươi đẹp cuốn hút sự khám phá của khách, mặt khác ở đâu cũng thấy con người đang hối hả làm lụng trên đồi nương từ sáng đến chiều. Bức tranh miền núi cứ sáng đẹp lên trong suy nghĩ của những ai đã từng đến đây. Thị trấn không rộng, nhưng đi cho hết cũng thấy bồn chồn bước chân. Cứ đến trung tâm khóm hay thôn, ở đâu cũng thấy có nhà văn hoá, sân bóng chuyền, cổng chào, bảng tin. Đời sống tinh thần của thị trấn miền núi thực sự khởi sắc. Cứ chiều đến, nam nữ các khóm thôn rộn ràng trong những trận thi đấu bóng chuyền. Nhất là những dịp lễ hội, cả thị trấn náo nhiệt từ sáng đến đêm. Ở đây có đội văn nghệ bán chuyên nghiệp của thị trấn, chuyên phục vụ nhân dân các khóm phố khi có hội lễ của cộng đồng. Đội văn nghệ mang tên “Bến Tiên” đã làm cho nhân dân thị trấn cũng như khách bạn gần xa phải tấm tắc khen ngợi bởi những làn điệu dân ca được tập luyện công phu chẳng kém gì văn công chuyên nghiệp. Đã có những đoàn cán bộ huyện, tỉnh đến thăm thị trấn Bến Quan, được thưởng thức chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn của đội văn nghệ mà cứ ngỡ thị trấn mướn đội văn công từ nơi khác đến biểu diễn đón khách quý...
Xưa kia, Bến Quan cũng như các xã miền núi phía tây Vĩnh Linh trập trùng đồi núi, cuộc sống người dân túng thiếu, quanh năm lo cái ăn, cái mặc oằn nặng hai vai. Từ khi có chủ trương đổi mới của Đảng, người dân miền núi được tiếp cận nhanh chóng với nền kinh tế thị trường, được Đảng, Nhà nước chăm lo đầu tư nhiều dự án đồng bộ nên cuộc sống vật chất, tinh thần của đồng bào thay đổi nhanh chóng qua từng năm. Với thị trấn Bến Quan, người dân không được hưởng lợi các dự án như đồng bào miền núi, nhưng họ đã từng là cán bộ, công nhân, con em của Nông trường Quyết Thắng nên có tư duy làm ăn hoà nhịp nhanh chóng với nền kinh tế hàng hoá. Chính người dân thị trấn Bến Quan đi trước một bước về phát triển nghề trồng cao su và cây lâm nghiệp so với các địa phương trong huyện.
Đến thị trấn miền núi ở phía Tây huyện Vĩnh Linh, người ta còn ghi nhận thêm một điều, đó là việc bảo vệ tài sản của người dân được chăm lo từ nhiều năm qua. Do thực tế của địa bàn, thị trấn đã thành lập những câu lạc bộ “Liên kết bảo vệ tài sản”, “Liên kết bảo vệ an ninh trật tự”, tạo ra trách nhiệm của mỗi thành viên trong câu lạc bộ. Đây là những mô hình được nhân rộng ra toàn huyện, toàn tỉnh. Bến Quan là địa hình miền núi phức tạp, xa trung tâm huyện nhưng tình hình trị an khóm, thôn lại bảo đảm so với một số địa phương ở đồng bằng. Sức mạnh cộng đồng đã tạo ra nét đẹp về sự đoàn kết của nhân dân trong mọi hoạt động. Thị trấn Bến Quan được coi như là một mắt xích nối với miền núi, trung du và đồng bằng ở Vĩnh Linh. Hơn thế, thị trấn này còn là một điểm nằm ngay bên đường Hồ Chí Minh, rất có lợi thế giao lưu với các nơi trong và ngoài tỉnh.
Đến thị trấn Bến Quan vào buổi sáng, người ta sẽ thấy rất rõ màn sương đêm mờ ảo còn sót lại trên những xóm làng, gợi nhớ đến những bản xa ở một tỉnh miền núi phía Bắc. Nét đẹp thuần khiết của miền rừng núi càng làm cho thị trấn thêm thơ mộng và quyến rũ.
Ngắm thị trấn vào buổi chiều, nghe tiếng vọng của ô tô, xe máy trong các khóm thôn, cùng với tiếng nói, tiếng cười trong những vườn đồi, mọi người cảm thấy sự rộn ràng của một miền rừng núi, cũng như vẽ đẹp của bức tranh đô thị đang mở ra niềm vui mới.
Đến với thị trấn Bến Quan, mọi người sẽ thấy được tiềm năng của đô thị này còn rất lớn, đó là: tiềm năng phát triển kinh tế từ đất đai, từ cây trồng, từ gia súc, từ chế biến lâm sản, từ dịch vụ... Nhiều nơi đang khát những tiềm năng như thế. Vẫn biết rằng hiện tại, cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng ở Bến Quan còn thiếu, nhưng với một thị trấn mới ra đời 15 năm tại một huyện bị chiến tranh huỷ diệt tàn khốc, phải bắt tay xây dựng lại từ đầu thì chắc chắn sẽ được sự cảm thông chia sẽ của mọi người.
Thị trấn Bến Quan đang hứa hẹn những đổi thay, những bước chuyển động dài trong tương lai. Đó là một thực tế đang ấp ủ trong tư duy của con người, trong hương đất rạo rực nồng nàn - như hạnh phúc ngày càng đắm say, tươi mới. 
                                                                                        Tháng 8/2009
                                                                            L.N.H
Lê Nguyên Hồng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 179 tháng 08/2009

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

15 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

21 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground