Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Rú của làng tôi

Ai về Vĩnh Tú mần chi, ruộng nương thì ít, rú ri thì nhiều. Từ khi còn bé tẹo, chúng tôi đã được nghe người lớn ngâm nga câu ca này. Bởi lẽ giản đơn ở quê tôi, rú bao quanh xóm làng từ bốn phương, tám hướng, bước chân ra khỏi đường làng là gặp ngay các rú: rú Cấm, rú Hàn, rú Trẹc, rú Trù, rú Khe Mói. Gọi là rú vì những khu rừng nguyên sinh bao bọc quanh làng đều có diện tích nhỏ, thảm thực vật chủ yếu là những lùm cây che phủ đan xen, không có nhóm cây gỗ lớn. Từ bao đời nay, rú là một phần quan trọng gắn liền với đời sống của người dân quê tôi, là tuổi thơ nhớ nhung khắc khoải của những đứa con sống xa quê hương. 

Gần gũi và thân thuộc nhất với chúng tôi là rú Cấm, dãy rừng nguyên sinh nằm ở phía tây của làng, kéo dài từ Vĩnh Nam ra giáp tận Vĩnh Chấp. Rú Cấm là báu vật quý giá nhất mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân Vĩnh Tú. Nó không chỉ là nguồn sống, là lá phổi xanh để thanh lọc bầu không khí trong lành, mà còn là vành đai chắn gió, chắn cát, bao bọc, bảo vệ xóm làng vô cùng hiệu quả. Với thảm thực vật ken dày, cây chủ đạo của rú Cấm là cây tràm bù (tiếng địa phương), loại cây cao tầm 2 đến 3 mét, cành lá sum suê, mọc thành từng lùm, độ che phủ rộng. Xung quanh lùm tràm bù, các loại cây khác như dầu ve, lá đẻ, chạc chìu, hoa dẻ, mù tru, móc, sim, mua, làm thành một thảm thực vật khăng khít chung sống hoà bình. Cây cối dựa vào nhau để sinh tồn, phát triển, đồng thời làm chỗ ẩn nấp, nuôi dưỡng rất nhiều muông thú như thỏ, chồn, chim chóc, sóc, ong mật, nguồn thức ăn động vật phong phú, nguồn tài nguyên thiên nhiên mùa nào thức đó ban tặng cho người dân quê tôi. Từ xa xưa, thời tổ tiên, ông bà, cha mẹ chúng tôi đã nhận thức rất rõ về vai trò quan trọng của rú Cấm nên rất nghiêm ngặt trong việc giữ gìn rú, thường xuyên cắt cử người trông coi. Hồi đó cuộc sống rất khó khăn thiếu thốn, nhưng không ai dám chặt phá rú, nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng, có lẽ vì thế mà tên gọi rú Cấm ra đời như một quy định bất thành văn, cứ tồn tại, lưu truyền hết thế hệ này sang thế hệ khác. Các thế hệ con cháu nối tiếp nhau bảo vệ, trân trọng, nâng niu báu vật của làng. Cứ thế, trải qua bao đời, rú Cấm làng tôi vẫn ngày một xanh, vững chãi như bức tường thành bao bọc, che chở làng quê.

Quả tràm bù - Ảnh: T.T.H

Quả tràm bù - Ảnh: T.T.H

Vào mùa thu, chúng tôi thường chui vào dưới các lùm cây cào lá tràm bù về đốt lấy tro làm phân bón cho dưa. Loại phân này bón cho dưa, có tác dụng làm cho dưa có ruột đỏ tươi, ngon ngọt đặc trưng và góp phần làm nên thương hiệu của dưa Vĩnh Tú. Những quả dưa to tròn, có hàng trăm con quạ chui vào, “bắt bọp” (giết) mãi không hết trong câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Mùa thu cũng là mùa của các loại nấm: nấm mối, nấm đai đất (một loại nấm thân mập chắc, tai nấm to, mọc từng khoang trong rú). Cứ mỗi lần đi chăn bò, lùa bò vào rú, cho bò thong thả gặm cỏ, ăn lá cây, chúng tôi đứa nào đứa nấy căng mắt lò dò chui vào từng gốc cây tìm nấm. Đến trưa lùa bò về, trên tay đứa nào cũng có một xâu nấm lủng lẳng, đem về nhà mạ nấu với bột lọc và lá ném, ăn một lần là nhớ mãi, không bao giờ quên được vị ngọt thanh tao, mùi thơm nức mũi của món ăn dân dã này. Sang đông là mùa quả tràm bù chín, những cành tràm bù trĩu quả chuyển sáng màu mun là lúc chúng tôi lũ lượt kéo nhau ra rú Cấm, leo trèo hết cây này đến cây khác, vừa hái vừa ăn nhồm nhoàm, chuyện trò cười đùa râm ran, gọi nhau í ới.

Có lần mấy đứa tìm được một cây tràm bù quả to và chín mọng, cả bọn hăng hái trèo lên. Lũ trẻ chúng tôi ăn say sưa, gật gù khen cây này ngọt nhất, ăn xong mới phát hiện ra dưới gốc cây, ai đã để lại một đống phân to đùng. Lúc đó cả bọn mới hét lên, nhạy vọt từ trên cây xuống, tháo chạy thật xa, đứa nôn, đứa ôm bụng cười nghiêng ngả. Rút kinh nghiệm những lần sau, trước khi trèo lên cây, chúng tôi phải đi một vòng quanh kiểm tra, không có gì mới yên tâm ngồi ăn chễm chệ trên cây. Mùa tràm bù kết thúc vào đầu xuân, rú Cấm bắt đầu thay lá mới, những chùm lá tràm bù xanh nõn nà, mướt mát rũ xuống, đong đưa trong làn gió dịu nhẹ, hoà cùng với tiếng chim chào mào, chim sáo gọi bạn… Mùa xuân rú Cấm đẹp như một bức tranh, chỉ muốn ngắm mãi mà chẳng chịu rời. Mùa hè, cả rú Cấm thơm nức mùi hoa dẻ, ngào ngạt, ngất ngây. Mỗi ngày đi học về ngang qua rú, đứa nào cũng muốn ngó nghiêng, lần theo mùi hương hoa dẻ, hái một vài bông màu vàng tươi, thơm lừng, ép vào trang vở, định bụng sẽ tặng cho ai đó, loại hoa này cứ thế thơm mãi cùng với tình yêu tuổi học trò.

Nếu rú Cấm chắn cát, chắn gió ở phía tây, thì rú Hàn, rú Trù lại án ngữ phía đông, chắn cát từ động Ông Voi, chắn gió từ biển thổi vào. Rú Hàn cơ bản thảm thực vật tương đồng như rú Cấm, ngày xưa ông cha chúng tôi cũng nghiêm cấm việc chặt phá rú Hàn, nhưng thật buồn, qua một cuộc sáp nhập vào hợp tác xã bậc cao của những năm cuối thế kỷ 20, rú Hàn đã bị triệt phá hoàn toàn, đó cũng là một trong những nguyên nhân Bàu Thủy Ứ bị cát vùi lấp biến dạng như bây giờ. Cùng chung số phận với rú Hàn là rú Trù tiếp giáp với Vĩnh Trung. Ngày xưa, rú Trù có cây cối tốt tươi trù phú nhất, phía đầu nguồn có một giếng mội trong veo, đường kính rộng hơn hai mét. Đây được coi là long mạch của làng, nguồn nước cung cấp cho Bàu Thủy Ứ. Trưa hè nắng chang chang, lũ trẻ chúng tôi sau khi đã lùng sục hết đồi sim, ăn không biết bao nhiêu thứ quả trong rú, lại rủ nhau ra giếng mội tắm. Từ trên cao, cả bọn nhảy ào xuống miệng giếng mà không hề sợ hãi, vì nguồn nước mạch phun lên rất mạnh. Nguồn nước mát trong lành này đã một thời tưới tắm tuổi thơ, nuôi dưỡng tâm hồn chúng tôi lớn lên chẳng khác gì dòng sữa mẹ, nhưng bây giờ rú Trù không còn trù phú như tên gọi ngày xưa, thay vào đó là những vạt cao su, vườn tiêu, trang trại nuôi lợn gà. Giếng mội cũng đã bị vùi lấp gần hết. 

Rú Cấm - Ảnh: T.T.H

Rú Cấm - Ảnh: T.T.H

Cách xa làng khoảng hai, ba cây số về phía bắc là rú Trẹc, khác với rú Cấm, rú Hàn, rú Trù, rú Trẹc có diện tích nhỏ hơn, đa phần cây cối mọc dưới nước hoặc nơi ẩm ướt, như cây me, cây dứa dại, có những chỗ trũng sâu, bập bềnh như đầm lầy. Nguồn nước ngầm ở đây gần như không bao giờ vơi cạn, tưới tắm cho cả vùng ruộng đồng trồng lúa, hoa màu của quê tôi. Để bảo vệ, điều hoà nguồn nước quý giá này, cha ông ngày trước đã đắp một con đê ngăn nước, nay còn gọi là đập thanh niên. Ngoài việc cung cấp nước để trồng lúa và hoa màu cho cả vùng đồng ruộng, hồ nước này còn có nguồn thuỷ sản khá phong phú. Có rất nhiều loài cá tự nhiên sinh sống: cá thác lát, cá diếc, cá tràu dồi dào không khác gì cá ở Bàu Thủy Ứ. Ở phía trong rú Trẹc chủ yếu là cây sắn (tên gọi địa phương), một loại cây thân thẳng đứng, có quả nhỏ, khi chín màu đen, ăn rất ngọt và thanh. Mỗi lần đi nhặt phân bò, bọn trẻ chúng tôi thường tranh thủ lội bì bõm vào rú, tìm quả sắn để ăn, khổ nỗi cây sắn có rất nhiều kiến càng, phải can đảm lắm mới dám trèo. Trèo lên cây sắn, không thể ung dung ngồi nhấm nháp từng quả như cây tràm bù, mà phải bẻ nhanh từng cành thả xuống nước, rồi nhanh chóng rời khỏi cây ngay, nếu không muốn làm mồi cho lũ kiến càng. Có một điều đặc biệt, nước lạnh ở đây, uống vào không hề đau bụng. Mùa hè mỗi khi khát nước, chúng tôi chạy ngay vào rú, tìm một chỗ nước trong, lấy cái nón lá đang đội trên đầu, đặt nhẹ xuống mặt nước, lọc nước bên ngoài lọt vào nón, rồi bưng lên uống ngon lành.

Cứ thế, chúng tôi sinh ra và lớn lên trong thời bao cấp nghèo khó, thiếu thốn, tuổi thơ chỉ biết đến những loại quả dại, uống nước lã nhiều hơn nước đun sôi, ngắm hoa tự nhiên trong rừng rú quê nhà, chơi những trò chơi dân dã, không điện thoại, tivi, nhưng cuộc sống vẫn đầy ắp tiếng cười hồn nhiên, trong trẻo, để rồi trưởng thành ra đi, hành trang mang theo là cả một ký ức ngọt ngào về quê hương, chẳng thể phai mờ trong trí nhớ. Xa quê đã quá nửa cuộc đời, giờ nhắm mắt lại vẫn có thể hình dung trước mặt con đường làng, từng góc rú, ngọn cây, cảm giác sung sướng khi tìm được khoang nấm mối, nấm đai đất, cảm nhận vị ngọt ngon, chua, chát của từng loại quả dại. Quê hương giờ đổi thay khá nhiều, qua không ít thăng trầm, biến động, có những giá trị lớn lao đã mất đi không thể nào lấy lại được, nhưng cũng thấy vui mừng vì những mảnh rú còn lại như rú Cấm, rú Trẹc đang được thế hệ con cháu bảo vệ, giữ gìn như một sự tri ân, tưởng nhớ tổ tiên. 

Một ngày hửng nắng, cô em gái điện: Chị ơi, về quê ăn tràm bù, chín rồi. Ừ nhỉ, bao lâu rồi chưa đặt chân vào rú, chưa đi hái nấm, chưa được tận tay hái trái tràm bù, trái mốc, mù tru? Quá nửa đời người, tự nhiên khao khát trở về tuổi thơ. Vậy còn chần chừ gì nữa, về quê thôi, mùa xuân ấm áp về rồi…

Bút ký của TRẦN THỊ HƯƠNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 329

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground