Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sách cũ mang đến những bất ngờ

Những món đồ xưa, đồ cũ, đồ cổ thường được gắn với mác đồ “bãi”. Thoạt đầu đấy chỉ là những món không dùng nữa, người ta vứt ra bãi, rồi lại có người khác thấy còn có thể tận dụng mang về lau chùi chỉnh sửa. Trong những cái đồ bãi ấy thỉnh thoảng lại có những món rất cổ, rất quý hiếm. Lại nữa, dân mình sính ngoại, từ hàng dân dụng Liên Xô, xe đạp Pháp cho đến đồ điện tử, gốm sứ Nhật Bản... Ở những xứ ấy đều có các chợ chuyên buôn bán những mặt hàng đã qua sử dụng, hàng hóa đồ dùng được bày ra giữa nền giữa bãi, ấy vậy mà có từ “hàng bãi”.

Hàng bãi nhưng mang về xài cũng rất tốt, có những cái đồng hồ quả lắc tràng hạt Nga, máy cát-xét Nhật, đúng thật ba mươi năm vẫn chạy tốt. Thôi thì cũ người mới ta. Khi thị trường đầy rẫy hàng nhái, hàng sản xuất ồ ạt kém chất lượng, thì những món đồ bãi thành thứ được săn lùng. Mới hay, chất lượng và thị hiếu đôi khi không phải là thứ tân thời!

1. Sách cũng thế, càng ngày người ta càng tìm đọc lại những cuốn sách xưa, sách cũ. Các nhà làm sách có thể bị cuốn vào vòng quay thị trường, nhưng người đọc sách thì không, họ luôn tỉnh táo để tìm những giá trị thực.

Nhớ cách đây chừng hai mươi năm, thời máy vi tính còn xa xỉ và Internet vẫn còn mới mẻ. Sinh viên chúng tôi khi ấy coi sách là phương tiện tiếp nhận tri thức chủ yếu, là món giải trí phổ biến. Ở Huế lúc bấy giờ ai cũng biết đến hai cửa hàng chuyên bán sách cũ là Hoàng Thổ và Cảo Thơm. Không biết chủ nhân đặt tên quầy Hoàng Thổ với ý gì, nhưng theo suy đoán của tôi, nôm na nó có nghĩa là “đất vàng”, ngụ ý sách dẫn ta đến vùng đất trù phú. Cái tên ấy cũng mang vẻ xưa xưa nghèo nghèo, phù hợp với món hàng bày bán ở đấy. Cảo Thơm thì rõ ràng lẩy ra từ câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: Cảo thơm lần giở trước đèn, niềm sung sướng khi đọc lại được một trang sách hay. Khen cho những người buôn sách thuở ấy đã chọn được những cái tên xứng đáng và xứng tầm với sách vở.

Sinh viên chúng tôi thường lân la hai quầy sách cũ đó để tìm giáo trình tài liệu, kiếm những cuốn sách quý mà giá chỉ là... ước lượng của người bán. Chọn xong một chồng sách đem đến chỗ tính tiền, chủ quán cầm từng cuốn lên, lật qua lật lại xem rồi định giá tiền. Nếu người mua đồng ý thì gật đầu. Nếu thấy giá cao quá thì không mua nữa. Đi mua sách giống như đi chợ, cầm lên đặt xuống, nhưng người mua người bán đều vui vẻ.

Cố đô Huế buổi ấy là môi trường đại học lớn của miền Trung. Cây xanh phủ bóng rợp mát các ngôi trường và những con đường. Dưới bóng mát ấy, luôn có thể gặp những điểm bán sách vỉa hè hoặc trong công viên. Người ta trải một tấm nylon rồi bày sách lên từng chồng, từng lớp. Người mua sách tấp vào lề đường, thoải mái xới tung đống sách cũ lên mà chọn, rồi người bán lại đặt lên cái cân tiểu li để tính tiền. Sách ấy đúng thật sách “bãi”, bày ngổn ngang bừa bãi ra giữa bãi.

Sinh viên buổi ấy đều khó khăn nhưng phòng ai cũng đầy sách cũ mua từ những quầy quán và vỉa hè. Chuyền tay nhau những cuốn sách cũ mèm để cùng đọc. Có khi nợ tiền bạn không trả, lại ôm sang một chồng sách cũ mà gán nợ.

Đọc một cuốn sách cũ cũng có cái thú vị riêng. Ngoài câu chuyện trong sách, ta có thể ngửi được mùi giấy, mùi không gian quyện trong sách. Cuốn mua ở nhà sách cũ có mùi keo dán gáy do ông chủ phục chế. Cuốn mua ở vỉa hè có vài chiếc lá phượng nhỏ xíu khô tiu. Đôi khi là mùi của lá đinh lăng thơm vị thuốc Nam một cô nàng nào đó ép vào trang sách.

Trước cổng các ngôi trường đại học đều có những quầy in sao và đóng gáy sách. Những cuốn giáo trình hiếm hoi được tháo chỉ, đưa từng trang vào máy photocopy. Bản sao có thể đóng gáy bằng đinh ghim, nhưng bản gốc thì ông thợ phải khâu lại bằng chỉ đúng như hiện trạng ban đầu. Ông thợ tỉ mỉ luồn xâu những mũi kim đường chỉ qua về mấy cái lỗ tí xíu, ngắm từng động tác cẩn trọng tưởng chừng đang xem một nghệ nhân.

Ông thợ đóng sách ấy cũng làm luôn công việc phục chế sách bãi. Những cuốn sách cũ giấy ố vàng, ngả xám đen, đường chỉ đứt mục qua bàn tay thợ sẽ được ngay ngắn chỉn chu. Nếu mất bìa, người thợ lại kẹp một bộ bìa cát-tông rồi dán gáy sách bằng vải. Nói đơn giản thế nhưng để phục chế sách bãi thành một cuốn sách coi được mắt không phải dễ.

Buổi trưa, ngoài đường thường có những người đàn bà đạp xe lọc cọc vừa rao: “Ai dôm dép dựa bán không?”. Đấy là mấy người buôn đồ đồng nát, thu mua hàng phế thải. Chính vì tiếng rao này mà họ được gọi chung bằng cái tên là mấy bà “dôm dép dựa” (tức nhôm đồng sắt, giày dép, đồ nhựa). Ngoài những thứ đó, họ cũng mua luôn cả giấy loại, và tất nhiên là cả sách vở cũ. Bà “dôm dép dựa” lọc ra những cuốn sách mang đến cung cấp cho các nhà sách cũ, hoặc chính họ lại bày ra vỉa hè để bán.

Lúc bấy giờ không phải người ta không biết đến việc tái chế giấy cũ thành giấy mới, mà bởi quý sách, thấy còn dùng được thì tận dụng, tránh uổng phí.

2. Khi học xong về quê, những lần vào chợ Đông Hà tôi bắt gặp lại cảnh buôn sách cũ này. Một chỗ ở ngay bên lối đi chính vào chợ và một chỗ ở tận cuối chợ. Không có quầy quán mà chỉ là một cái kệ gỗ, rồi cứ thế người ta xếp chồng lên nhau những liếp báo đã đọc, những chồng sách cũ. Có lẽ họ chỉ chủ ý bán báo cũ để gói hàng, nhưng kèm thêm tạp chí cũ và sách cũ để bán hú họa. Chính ở hai gian bán sách báo bãi này tôi đã mua được một vài cuốn sách bổ ích, rất nhiều cuốn tạp chí văn nghệ địa phương.

Quầy bán báo cũ ở chợ Đông Hà - Ảnh: T.H

Quầy bán báo cũ ở chợ Đông Hà - Ảnh: T.H

Có những cuốn sách lật bìa ra vẫn thấy còn nguyên chữ ký tác giả đề tặng một ai đó. Cả tác giả và người được tặng đều không phải những người mình quen biết, nhưng tôi vẫn có một cảm giác khó chịu, áy náy. Đành nghĩ rằng chắc sách ấy không phải do người được tặng bỏ đi, có thể ai đó mượn về, rồi vô tâm khi dọn nhà thì đưa ra luôn cho các bà “dôm dép dựa” mà quên mất việc xé tờ bìa lót ấy đi. Nghĩ thế cho nhẹ nhàng rằng chỉ là sự vô tình chứ không phải do sách dở! Và quả thực, bỏ qua cái áy náy ban đầu ấy rồi thì những cuốn sách trôi nổi đôi khi khiến ta bất ngờ. Những câu chuyện trong sách cũ ở chợ Đông Hà không hẳn đã cũ, nếu không muốn nói là rất mới mẻ, nhất là về cuộc sống con người chính ở vùng đất quê hương mình.

Tôi mang theo cái sự thú vị ấy và lần nào đi chợ Đông Hà cũng tìm đến hai gian bán báo cũ để mong muốn kiếm được thứ gì đó. Sách cũ đôi khi cho mình cảm giác hồi hộp bởi săn được hàng độc đáo từ nơi bán hàng đồng loạt như chợ búa. Giữa cái chợ trăm người bán vạn người mua, nhưng sách thì chỉ đôi người bán dăm ba người mua.

Bây giờ cái gian báo cũ ở cổng chính đã nghỉ, còn lại duy nhất một chỗ bán ở cuối chợ, nhưng mới đây tôi vào xem thì người ta cũng chỉ còn bán báo cũ để làm giấy gói, không có sách nữa. Lại có chút ngậm ngùi thương nhớ xa xăm. Đành tự trách mình là người hoài cổ.

Nhưng tôi không quá buồn, bởi thời thế biến đổi thì thú chơi sách cũng biến đổi theo. Có những cuốn sách xưa sách cũ không còn được tái bản, không thể tìm thấy trên thị trường thì rất có thể nó đã được số hóa trên mạng. Khá nhiều các diễn đàn sách xưa được lập ra trên không gian Internet, ở đó những cuốn sách cũ được chụp quét lên nguyên bản. Sách cũ đã được phân phối trong phương thức mới, song vẫn giữ nguyên màu sắc ố vàng thời gian của giấy, cả những chỗ thủng do côn trùng gặm nhấm, những nếp mòn mép giấy. Thậm chí khi kích chuột trên máy tính, hay vuốt tay trên điện thoại thì từng trang sách được chuyển động lật mở kèm âm thanh sột soạt như ta lật tờ giấy.

Sáng lập và điều hành các diễn đàn ấy cũng là những người còn rất trẻ, họ giỏi về công nghệ, nhiệt tâm với sách cũ và lan tỏa tình yêu sách đến cùng mọi người. Nên sách cũ tuy là đồ cũ, đồ xưa, nhưng nó không phải chỉ dành cho người già. Điều đó cũng đúng khi nhìn rộng ra các món đồ chơi khác, người trẻ đang có xu hướng sưu tập đồ xưa, đồ thời bao cấp, gốm xưa Nam Bộ, và tất nhiên là cả sách xưa trong niềm hoài cổ sâu sắc. Mà sự hoài niệm, cũng là một cách trân trọng quá khứ, tôn trọng các giá trị sáng tạo của người đi trước.

Ngay ở thành phố Đông Hà, có lần vào quán cà phê Mbook ở đường Đoàn Khuê, tôi bất ngờ trong một không gian nhẹ nhàng yên tĩnh, ép sát mấy bức vách là những tủ sách xếp đặt gọn gàng, toàn sách văn học và lịch sử. Chủ nhân của quán mới ba mươi tuổi, điều hành một công ty kiến trúc xây dựng. Tình yêu với sách có từ thời sinh viên và chàng mang những cuốn sách ấy từ Sài Gòn về, khi mở quán cà phê liền bố trí vào vừa trang trí vừa giúp khách đến có thêm cảm giác thư giãn bổ ích.

Không gian thưởng thức cà phê và đọc sách ở Mbook cafe, 30 Đoàn Khuê, Đông Hà - Ảnh: T.H

Không gian thưởng thức cà phê và đọc sách ở Mbook cafe, 30 Đoàn Khuê, Đông Hà - Ảnh: T.H

3. Nhân nói về sách cũ lại nhớ một chuyện vui. Có lần cô Kim Quý bảo tôi đến nhà cô lấy sách về mà đọc. Hai vợ chồng cô đều là nghệ sĩ nhân dân nay đã cao tuổi, sống giản dị trong ngôi nhà nhỏ ở thành phố Đông Hà. Tôi đến chơi, cô chỉ tay vào một chồng sách cũ xếp ngay ngắn rồi bảo cứ lấy hết về đi, đấy là sách từ thời chồng cô (đạo diễn Xuân Đàm) đi học rồi mang từ Liên Xô về, nay chẳng đọc nữa. Những cuốn sách bìa da, bìa cứng, in từ thập niên sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước. Tôi mang về mở ra xem, toàn là sách lý luận nghệ thuật chuyên ngành sân khấu bằng tiếng Nga. Lật một lát thì gặp tờ tiền kẹp ở giữa, lật tiếp cuốn khác lại gặp tiền.

Hôm sau mang tiền đến trả lại cho cô Kim Quý, tôi nói vui rằng cô cho sách chứ không cho tiền, nên cháu trả lại. Cô thì cứ tưởng tôi... trả tiền mua sách nên cứ một hai không lấy. Rồi cô thoáng chút giận dỗi, bảo “cháu giả vờ vậy để cho cô tiền, chứ làm sao có nhiều tiền như thế ở trong những cuốn sách cũ”. Một hồi sau khi tin rằng tiền kẹp trong sách thật cô mới chịu nhận lại. Có thể ông Xuân Đàm đã lấy tiền kẹp vào để nhắc nhớ chỗ đã đọc tới, giống như cái bookmark đánh dấu trang mãi sau này các nhà sách mới làm.

Đôi khi từ những cuốn sách bãi, ta bắt gặp điều thú vị ấy. Không chỉ là những câu chuyện, sách cũ còn mang đến những bất ngờ.

T.H

Bút ký của THIÊN HÀ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 343

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground