Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sakura rực rỡ

Khi còn là học sinh cấp ba Vĩnh Linh Quảng Trị, tôi đã được biết về truyền thuyết Sakura:
“Ngày xưa đất nước Nhật chưa có Sakura, cạnh núi Phú Sĩ có một em bé, khi mới được sinh ra đã rất khôi ngô, tuấn tú. Một đạo sĩ ghé thăm thấy vậy tặng một thanh sắt dặn rằng khi đứa bé mười bốn tuổi hãy trao cho nó. Năm đứa bé lên mười bốn, cha đã chết, người mẹ thay cha trao thanh sắt cho con. Hiểu rằng đây là một thanh sắt quý, đứa bé rèn thành một thanh gươm, tìm một võ sĩ Samurai thụ giáo kiếm thuật, với quyết tâm trở thành một võ sĩ đạo. Năm mười tám tuổi cậu bé trở thành một Samurai lừng danh. Mẹ và thầy chết, cậu sống với người yêu là con của thầy. Có tài nhưng cậu chưa thể tung hoành bốn phương vì thanh kiếm chưa được tắm máu để trở thành một thanh bảo kiếm. Đất nước không có chiến tranh, không có võ sĩ thách đấu, không có kẻ cướp vì vậy chàng không có điều kiện tắm máu cho lưỡi kiếm. Người yêu của chàng không thể cầm lòng được khi thấy chàng sống triền miên trong buồn bã và đau khổ, một hôm nàng quyết tâm lấy máu của mình tắm cho lưỡi kiếm. Nàng đâm kiếm vào trái tim mình và chết. Chàng trai thương xót khóc than, chôn cách người yêu rồi lên đường hành nghiệp, nhưng vì chàng đeo bảo kiếm đổi bằng cái chết của người yêu nên không một võ sĩ nào thách đấu hoặc làm quen. Mọi người dân từ già, trẻ, trai gái đều xa lánh, chàng sống trong cô độc. Vì ân hận và thương người yêu, chàng về bên ngôi mộ nàng rạch bụng tự vẫn. Thanh kiếm cắm sâu vào ngôi mộ, đêm ấy tuyết phủ trùm tất cả. Sáng hôm sau, phía trên ngôi mộ mọc lên một cây lạ, đến mùa xuân hoa nở rất đẹp. Không ai biết là loại hoa gì, người ta đặt tên là Sakura, tiếng Việt có nghĩa là hoa Anh đào.”
Từ một cây, một loài ở núi Phú Sĩ, qua hàng ngàn năm, hoa Anh đào đã có mặt trên khắp đất nước Nhật, phát triển thành nhiều loài và có ba màu: trắng, hồng, đỏ, nhiều loài mọc hoang dại trên núi, và nhiều loài được lai tạo kỳ công qua nhiều đời, làm cho quốc hoa ngày càng phong phú và rực rỡ.
Sakura có sáu loài phổ biến:
Oyamasakura: Thường mọc ở phía bắc Honshu, màu hồng đậm, lá và hoa to hơn nhiều loại Sakura khác.
Yamasakura: Thường mọc phía nam Honshu, hoa có màu trắng hoặc màu hồng nhạt, mùi hương khá đậm, cùng lúc hoa nở là lá đâm chồi nẩy lộc.
Keyamasakura: Mọc rải rác ở các vùng núi, hoa và lá có lớp lông tơ mỏng phủ lên, khi hoa nở chuyển dần từ màu trắng sang hồng.
Edohigan: Thường mọc ở vùng núi Honshu, Shikoku và Kyushu. Trước khi lá đâm chồi nẩy lộc thì hoa đã vươn mình khoe sắc đầy cành, chuyển dần từ trắng sang màu hồng nhạt.
Oshimasakura: Mọc nhiều ở bán đảo Iru, lá và hoa nở cùng một lúc, mùi hương khá thơm.
Someyoshino: Khi hoa nở rồi tàn lá mới đâm chồi nảy lộc. Cánh hoa khá to có màu hồng nhạt nhìn có vÎ kiêu sa hơn. Loài hoa này được trồng nhiều nhất vì vÎ đẹp vượt trội của nó và vì sự sinh trưởng nhanh. Chỉ mười năm loài hoa này đã phát triển thành một cây cổ thụ lớn.
Hoa Anh đào được tôn là quốc hoa vì gắn liền với truyền thuyết đẹp của tình yêu đôi lứa, nhưng trước hết vì vÎ đẹp rực rỡ, mê hồn và hương thơm đầy quyến rũ của nó. Một bông hoa Anh đào còn được ví như cuộc đời của một võ sĩ đạo Samurai, giới võ sĩ được tôn vinh bậc nhất ở Nhật và đã nổi tiếng ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Hoa Anh đào thoắt nở, thoắt tàn, nó tồn tại trung bình khoảng bảy ngày, khi bông hoa rụng xuống vẫn còn tươi nguyên và thoảng mùi hương. Giới võ sĩ đạo Samurai lấy đó làm cách sống của mình, khi cần tự rạch bụng ngã xuống trong nụ cười bình thản, vì sự nghiệp có thể chết bất cứ lúc nào, nhẹ nhàng như một bông hoa Anh đào rời cành về với đất.
***
Nhiều năm trôi qua, tôi ước ao một ngày nào đó được chiêm ngưỡng một bông hoa Anh đào đang đậu ở trên cành, được ngửi mùi hương ngất ngây của nó. Dịp may đến, những ngày cuối đông vừa qua tôi được qua Nhật công tác. Tôi và đồng nghiệp được sống trong thành phố Tokyo, áp lực công việc khiến chúng tôi không còn mấy thời gian rỗi. Từ chỗ ở đến chỗ làm việc chúng tôi đi và về dưới những hàng cây cổ thụ không hoa, không lá, trông như những cây đã chết, có cảm giác lạnh lẽo như mùa đông nước Nga.
Rồi một ngày tôi nghe các phương tiện thông tin đại chúng, truyền hình, báo chí... đều báo tin hoa Anh đào bắt đầu nở ở phương Nam và lịch hoa nở trải dài theo đất nước từ Nam xuống Bắc theo sự ấm dần lên của khí hậu. Người Nhật như trẻ ra, mọi khuôn mặt đều hân hoan, họ nói cười nhiều hơn, vui vẻ hơn, những ánh mắt cứ hướng về cây cổ thụ trụi lá, họ đổ về các siêu thị, tấp nập mua sắm đồ ăn, quần áo, giày mới, mũ mới cả những chiếc khăn choàng mới... trông rộn ràng, hoan hỉ như người Việt chuẩn bị tết Nguyên đán. Nhiều người đáp tàu về phương Nam đón hoa Anh đào nở. Tôi hỏi một bà cụ: - Ở đây không có hoa Anh đào sao? - Có đấy. - Cụ nói - Con hãy chờ, có rất nhiều nhưng hoa chỉ nở và tàn trong khoảng một tuần hặc lâu hơn chút đỉnh nên nhiều người vào Nam ra Bắc đuổi theo hoa nở để được thưởng ngoạn lâu hơn, (hoa nở vào đầu tháng giêng ở phía Nam và kết thúc vào giữa tháng năm ở cực Bắc). Thế mới biết người Nhật yêu hoa Anh đào đến cỡ nào. Tình yêu ấy càng dâng cao sự náo nức đợi chờ của tôi nhiều hơn nữa.
Một buổi sáng ấy tôi ngủ dậy, dù đã được báo trước nhưng tôi vẫn ngỡ ngàng như mình mộng du ở xứ thành tiên cõi trời, cả thành phố rực rỡ hoa, ngất ngây hoa. Những câu cổ thụ xơ cành hôm nào đột nhiên xoè nở vô vàn hoa trắng, hai bên đường đi, ven sông, công viên, trường học, công sở, ven đường sắt, trước nhà dân, đâu đâu cũng bung nở những cánh hồng, trắng, đỏ. Tôi nhìn ra bốn phía ngỡ như cả đất nước Nhật bao phủ bởi những đám mây hoa. Cánh hoa bay trong không trung như mưa hoa, như ngàn vạn bông tuyết lượn múa. Cả thành phố đổ ra khỏi nhà với muôn màu sắc của hoa và của chính họ. Bọn trẻ con chạy nhảy reo hò. Thanh niên nam nữ từng tốp lượn hết vùng này qua vùng khác, các loại xe chạy chậm cho du khách được ngắm hoa dọc đường, người đầy các du thuyền thả trôi lững lờ theo dòng nước soi bóng ngập tràn hoa là hoa. Các bà mẹ già yếu không đi được và các em thơ được đẩy chậm trên xe. Những người tàn tật cũng ngồi xe lăn về phía các gốc hoa. Dưới gốc hoa, nhiều người đủ mọi lứa tuổi và giới tính, tập hợp lại từng tốp hoặc là bạn bè, hoặc là cùng đại gia đình, trải thảm quây quần cùng ăn bánh Sakura và uống rượu Sakê, cùng thưởng ngoạn hương hoa, ngâm thơ, múa hát. Mỗi làn gió nhẹ thổi qua, nhiều cánh hoa rời cành xoay múa hàng ngàn vũ điệu. Phố phường nước Nhật sạch tới mức không thể tìm thấy một cái rác bẩn ngoài đường, công viên, hè phố, công sở, vườn nhà, khi những cánh hoa Anh đào rơi xuống lại dệt thành một tấm thảm hoa mênh mông và lộng lẫy. Mọi người để yên thảm hoa như vậy để ngắm và mặc cho gió thêu dệt biến đổi. Những lối đi công cộng, để khỏi xéo lên hoa người ta nhặt lấy, chia nhau mang về để hương hoa tô điểm thêm cho căn nhà trong mùa hội.
Lối sống cộng đồng của người Nhật rất cao và rất văn minh, dù hoa Anh đào nở hoang dại ở các vùng núi, hay trồng ở chỗ ít người qua lại trong thành phố cũng không có một người nào bẻ cành, vặt hoa.
Để ghi lại những khoảnh khắc này tôi chụp vài phô ảnh kỷ niệm. Đặt máy từ xa tôi chạy đến dưới một gốc hoa, với tay vin vào một cành hoa. Hàng bao cặp mắt đổ dồn về phía tôi lo lắng. Họ biết tôi là người nước ngoài nên chưa vội nói nhưng tất cả đều lo tôi sẽ bẻ cành. Đến khi máy ảnh tự động chớp sáng, tôi hạ tay xuống mọi người mới thở phào. Mấy chị lớn tuổi đi về phía tôi, chắp tay, hơi cúi đầu chào, nói: “Cảm ơn bạn đã không hái hoa”, lời cảm ơn ấy bao hàm cả một sự nhắc nhở tế nhị, vì thế mà tôi nhớ mãi và hằn sâu một nếp sống của xứ bạn: văn minh cộng đồng, luôn tôn trọng người khác. Dưới gốc Anh đào cũng là nơi các gia đình tiếp đãi bạn bè vào dịp xuân đến. Chính quyền các địa phương cũng tiếp đãi khách bằng cách đó. Các đời Thủ tướng Nhật cũng tiếp đãi khách nước ngoài dưới vườn thượng uyển Shin JuKu Gyoen ngập tràn hoa Anh đào. Một ai đó được một cánh hoa Anh đào rơi vào rượu sẽ lấy làm mừng vì đó là điềm báo sẽ gặp nhiều may mắn.
Với người Nhật hoa Anh đào còn tượng trưng cho hoà bình và tình hữu nghị, người Nhật yêu hoa Anh đào và muốn cả thế giới cũng có hoa Anh đào nên khi có điều kiện là họ tổ chức lễ hội hoa Anh đào ở các nước hoặc tặng cây giống cho các nước trồng. Năm 1912 chính phủ Nhật tặng Hoa Kỳ 3000 cây Anh đào, năm 1956 lại tặng thêm 3800 cây, từ đó người Mỹ nhân giống thêm và đã trồng thành công ở nhiều nơi trên đất Mỹ, đặc biệt hoa Anh đào đã ngập tràn công viên West Potomac ở Washington, đó cũng là nơi tổ chức hội hoa Anh đào hàng năm ở Mỹ. Cũng nhờ cách đó bây giờ Canada, New Zealand... và nhiều nước khác đã có hoa Anh đào. Song có điều lạ là hoa Anh đào có thể trồng thành công ở nước ngoài có đới khí hậu gần giống Nhật, hoa đẹp nhưng gần như không có hương thơm.
Chính phủ Nhật cũng đã tặng Việt Nam một số cây Anh đào nhằm thắt chặt tình hữu nghị hai nước, những cây hoa này được trồng tại Đại Sứ Quán Nhật trên đường Liễu Giai Hà Nội và ở Sa Pa nhưng do khí hậu không hợp nên không mấy thành công.
Tháng 3 - 2009 Lễ hội hoa Anh đào Nhật được tổ chức tại phố Văn Cao. Trước giờ mở cửa Lễ hội hơn một giờ người đến xem đã đông đặc hè phố và lòng đường. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Phạm Gia Khiêm, đại sứ Nhật tại Việt Nam và nhiều quan khách hai nước cùng đến dự, cùng mở rượu Sakê khai mạc lễ hội hoa Anh đào. Tại lễ hội này chỉ trưng bày năm cây hoa Anh đào tươi, thật, số còn lại là cây Anh đào giả. Vậy mà việc bảo vệ những cây hoa Anh đào này khá chật vật và vất vả. Cứ mỗi góc hoa Anh đào thật có năm mươi người bảo vệ, các cây hoa Anh đào giả đều có cảnh sát túc trực, thì quả là Hà Nội ta cần xem lại nếp sống văn minh đô thị ngàn năm văn hiến.
Hoa Anh đào đã thực sự được người Việt Nam yêu thích, tình cảm đó đã lan toả ra những hoạt động xã hội khác. ë Hội An, những năm gần đây đã có những cuộc thi người đẹp hoa Anh đào thường niên. Các mỹ nữ mặc áo dài và áo Kimono biểu diễn lễ hội.
Một số nước trên thế giới cũng có hoa Anh đào mọc tự nhiên. Ở miền bắc Trung Quốc cũng có nhiều hoa Anh đào nhưng biểu tượng của nó không lớn đối với người dân Trung Quốc. Họ yêu hoa mai hơn hoa Anh đào. Hàn Quốc có cùng đới khí hậu với Nhật Bản, hao Anh đào cũng có mặt khắp nơi nhưng người dân Hàn Quốc không có tình cảm với hoa này như người Nhật, Họ yêu quý hoa hồng Saron hơn và tôn làm quốc hoa.
Người Nhật đắm say và tôn vinh hoa Anh đào không phải là ngẫu nhiên, đời này qua đời khác, thế hệ này qua thế hệ khác họ bền bỉ giữ gìn, lai tạo, nhân giống, phát triển, tuyên truyền và giáo dục. Ở góc độ này lòng yêu hoa cũng gần giống với lòng yêu Tổ quốc, biết thụ hưởng nhưng phải hết mình chăm sóc, bảo vệ. Tổ quốc, người và hoa gắn bó keo sơn không thể thiếu vắng, bổ sung cho nhau, cùng làm đẹp cho nhau.
       ***
Sau một thời gian công tác tại Nhật được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mª hồn của cả một nền văn hoá Anh đào Nhật Bản tôi lên máy bay về nước. Nhìn muôn trùng mây mềm mại, uyển chuyển sắc màu dưới cánh máy bay tôi như thấy hàng ngàn vạn bông Sakura hội tụ đang vẫy chào lưu luyến tiễn đưa khách.
Ngồi trong máy bay suy nghĩ miên man, tôi muối nói với các bạn Nhật rằng: Đất nước tôi, cũng qua chiến tranh tàn khốc và đổ nát, chỉ một Thành Cổ Quảng Trị thôi đã phải hứng chịu một lượng chất nổ dội xuống bằng bảy quả bom nguyên tử đã dội xuống nước bạn, bây giờ cũng đang đổi mới, đứng lên. Đất nước tôi, bốn mùa cũng có hoa, đâu đâu cũng có hoa, bát ngát những cánh đồng Sen Nam Bộ và một trời hoa ở Đà Lạt quanh năm rực sắc màu.
          L.T.T.H
Lê Thị Thu Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 181 tháng 10/2009

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

12 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

13 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

13 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

13 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground