Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tâm sự của một người làm báo

Làm báo cho tôi cái nhìn đầy đủ và toàn diện hơn về cuộc sống. Nhờ nghề báo, tôi đã mang niềm vui đến cho nhiều số phận. Đó chính là hai trong nhiều thứ mà tôi có được nhờ nghề báo.
Vâng! Tôi vốn là một sinh viên đại học sư phạm. Ra trường với tấm bằng Cử nhân khoa Ngữ văn, tôi cùng với một số bạn học đồng niên may mắn có thêm cái chứng chỉ về nghề báo mà Trường Đại học sư phạm Huế đã nhanh nhạy và tháo vát lắm mới đầu tư được cho chúng tôi - những sinh viên ra trường vào thời buổi tìm việc cực kỳ khó khăn lúc bấy giờ.
Ấy là thời điểm của những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước. Khi mà tỉnh Quảng Trị vừa trở về với tên gọi cũ được vài ba năm. Tôi và rất nhiều sinh viên sư phạm khác ra trường đã không tìm được nơi chốn để gửi gắm niềm say mê của mình. Không được đứng trên bục giảng. Ra trường, chúng tôi gần như trở thành kẻ thất nghiệp. Và tấm giấy chứng nhận “Đã qua lớp kỹ năng báo chí” chính là cứu cánh cho tôi lúc bấy giờ.
Bước chân đi làm báo, Đài PTTH tỉnh là nơi chốn đi về của tôi. Từ đó, tôi đã đi nhiều nơi, lên rừng xuống biển, tiếp xúc với nhiều đối tượng, nhiều tầng lớp người khác nhau. Cuộc sống rộng mở trước mắt tôi - một nữ sinh vừa rời ghế nhà trường, ngơ ngác trước ngưỡng cửa cuộc sống - được hiểu thêm nhiều điều mới lạ. Tầm mắt như khoáng đạt hơn lên.
Lần đầu tiên đi viết bài, đối tượng tác nghiệp của tôi là nhà giáo Nguyễn Thị Nhuận - Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Tôi không chỉ được tiếp xúc thân mật với một nhà giáo yêu nghề, tâm huyết mà chính chị tiếp cho tôi sức mạnh, cho tôi niềm tin vào sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống - thứ thuốc mầu nhiệm cho những sinh viên vừa ra trường trong thời buổi tìm việc làm vô cùng khó khăn như chúng tôi.
Tôi nhớ sâu sắc lần cùng đoàn đại biểu quốc hội do lão Đại tướng Đoàn Khuê (lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) dẫn đầu, đi tiếp xúc cử tri tại huyện miền núi Hướng Hoá. Tôi được tận mắt chứng kiến sự đổi thay của một vùng đất mà tôi mới chỉ được nghe nói tới trong thơ của Ngô Kha về một “miền đất quả vàng”. Ở đó, tôi cũng đã được chứng kiến cả cảnh sống khốn khó của đồng bào dân tộc khi đất nước còn trong khó khăn, và cả sự vươn lên làm thay đổi cuộc sống bằng những vườn cà phê, bơ, những ruộng lúa nước ở miệt Tân Long, Tân Độ hay Hướng Lập, Hướng Tân…Và cũng chính trên đường tác nghiệp bên Đại tướng Đoàn Khuê, tôi nhìn thấy chân dung của một con người Quảng Trị chân chất giản dị và chân dung của một vị lãnh đạo nghiêm khắc, sắc sảo trong công việc nhưng gần gũi gắn bó với nhân dân, với đồng bào, đồng chí...
Và biết bao mảnh đời khó nhọc, nhờ sự quan tâm của Đảng, đang vươn lên làm thay đổi cuộc sống, sau ngày tỉnh nhà được tái lập, mà tôi chứng kiến, giúp cho tôi yêu hơn mảnh đất mình đang sống, nghề nghiệp mà mình theo đuổi. Và từ lúc ấy, chẳng có gì khó khăn, nghiệt ngã trong cuộc sống cản trở được nhiệt huyết của tôi.
Vì những lý do khách quan tôi phải chuyển đổi đơn vị công tác. Rời đài PTTH, tôi đầu quân vào lực lượng Công an Quảng Trị. Vẫn đi khắp các vùng miền trong tỉnh với đôi chân người làm báo nghiệp dư. Cũng như nhiều anh chị em trong đơn vị, tôi không là một phóng viên chuyên nghiệp, nhưng những gì tôi làm cho dù rất nhỏ, đã đóng góp một phần cho sự bình yên của quê hương, cho sự an vui cho mỗi căn nhà, góc phố, góp thêm tiếng nói chung trong hành trình phát triển của mảnh đất Quảng Trị yêu thương.
Tôi nhớ những lần theo chân đồng đội đi gặt lúa giúp dân vùng Đông Hải Lăng. Hàng trăm cán bộ chiến sỹ Công an Quảng Trị, từ mười tám đôi mươi đến bốn, năm mươi tuổi đều dầm mình trong nước lũ, để giúp nhân dân thu hoạch mùa. Hình ảnh ấy cứ lặp đi lặp lại hết mùa này sang mùa khác, hết năm này sang năm khác, khắc sâu trong lòng nhân dân về nghĩa cử của người chiến sỹ công an vì dân. Tôi đã ghi lại những hình ảnh ấy trong tâm thức mình như là một hành động tự giáo dục, rèn luyện.
Tôi đã cùng đồng đội đến với vùng rốn lũ Hải Lăng. Những “Càng” Hải Tân, An Nhơn, Câu Nhi…người dân sống dập dềnh trong nước lũ. Ở đó có người công an thôn Nguyễn Tu, mà mỗi hành động, lời nói, việc làm của anh làm sáng lên tinh thần “vì dân phục vụ”. Tôi nghe giọng nghẹn ngào của một ông lão “Không có chú Tu nhà tui chết lâu rồi!” mà cảm nhận được hết sự san sẻ khó khăn, sự đùm bọc chắt chiu cùng dân làng trong hành trình xây dựng quê hương của anh. Nghe kể, cách đây vài năm, thằng cháu ông lão ốm liệt giường, nhà chỉ có hai ông bà già nên chính anh Tu đã kịp thời đưa cháu ông lão đi bệnh viện, rồi bà lão cũng ốm, ông lão không còn sức lo toan, chính gia đình anh Tu đã giang tay giúp đỡ. Vì vậy mà khi gặp và nghe chúng tôi hỏi thăm, ông lão đã không kìm được niềm xúc động. Ở đó, Nguyễn Tu trở thành nơi gửi gắm niềm hy vọng của những người dân nghèo. Từ chuyện giúp dân giống sản xuất, chăn nuôi, hướng dẫn bà con về kỹ thuật, đảm bảo về an ninh trật tự để nhân dân yên tâm sản xuất, đến cả chuyện ốm đau, bệnh tật của mọi người trong Càng cũng một tay anh lo liệu. Vùng Càng vốn thấp hơn mực nước biển, nên cứ lũ lụt tràn về là con đường bộ trở nên vô cùng khó khăn. Đây lại là vùng quê nghèo nên mọi thứ đều ngặt nghèo. Tác nghiệp ở một địa bàn như vậy, giúp chúng tôi hiểu hơn về đời sống nhân dân, về trách nhiệm của người cầm bút trước công việc, trước nhân dân…
Không chỉ được mở rộng tầm mắt để hiểu được lẽ đời, hiểu được nhân tình thế thái, nghề làm báo đã đưa tôi gặp những mảnh đời bất hạnh, khó khăn, những mảnh đời bị khuất lấp do những toan tính thiệt hơn, để khơi dậy trong họ tình yêu cuộc sống, giúp họ được cảm thông chia sẻ.
Tôi đã cùng đồng đội đến nhiều nơi trong hành trình làm việc thiện. Một vùng quê miền núi khó khăn Vĩnh Ô (Vĩnh Linh) được Công an Quảng Trị nhận lãnh trách nhiệm giúp đỡ đã thực sự đổi thay với những ngôi nhà mới, những giếng nước mới xây hay những con đường được phong quang sạch sẽ. Một vùng quê của chiến khu Ba Lòng xưa, với hình ảnh của những người chiến sỹ Công an cấp phát thuốc cho dân, tắm gội cho các em nhỏ, tặng quà cho đồng bào nghèo…thắp sáng trong lòng tôi tình yêu quê hương đất nước và trách nhiệm bảo vệ.
Tôi nhớ về lần tiếp xúc với một con người của lịch sử - Thượng uý Lê Thế Tri – nguyên Đồn trưởng đồn Công an nhân dân vũ trang Hiền Lương trong chiến tranh. Con người một thời dọc ngang lừng lẫy ấy về già sống kham khổ và bệnh tật, thiếu cả một căn nhà che nắng che mưa. Từ thông tin bài báo của tôi mà bao người đã nhớ đến ông. Báo Nhân dân đã tặng ông 25 triệu đồng để xây dựng nhà. Bộ tư lệnh Biên phòng và hàng chục đoàn khách, các phóng viên Đài, báo Trung ương và địa phương đã tìm về với ông, động viên ông sống những ngày cuối của cuộc đời an bình và vui vẻ.
Tôi nhớ hình ảnh của một đôi vợ chồng nhà giáo ở phường 5 thị xã Đông Hà. Người chồng bị bệnh úng thuỷ não, người vợ là cô giáo Nghĩa bị một căn bệnh về xương khiến bị liệt nửa người. Cuộc sống tưởng như không còn lối thoát. Khi những thông tin ấy được phát đi, nhiều nhà hảo tâm đã giang tay giúp đỡ. Vợ chồng cô Nghĩa đã được y học can thiệp. Khi nghe cô Nghĩa báo tin cho tôi về việc được các bác sỹ của Pháp đề nghị phẫu thuật, tôi mừng ứa nước mắt. Vậy là thêm một số phận không may đã được kịp thời quan tâm…
Có thể những việc mà một nhà báo nghiệp dư như tôi làm sẽ không là gì so với nhiều những người làm báo chuyên nghiệp. Nhưng tôi nghĩ, cho dù là một chút bé mọn của lòng từ bi, sự yêu thương, cũng giúp con người ta hướng thiện và mong muốn hướng thiện. Những gì tôi gián tiếp mang đến cho những cuộc đời không may mắn như ngọn lửa thổi bùng lên nhiệt huyết được cống hiến trong tôi.
Tôi đã không cảm thấy ân hận khi quyết tâm đi theo nghề Báo. Và bây giờ khi nhìn lại quãng đường 15 năm tham gia làm báo của mình, tôi có quyền tự hào và yêu quí hơn nghề báo - nghề đã đem đến cho tôi sự năng động sáng tạo, lòng nhiệt tình, tình yêu thương đối với những số phận… Và hơn hết, nghề báo đã giúp tôi làm tốt nghĩa vụ công dân, nghĩa vụ của một người chiến sỹ Công an hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Nghề báo giúp tôi trưởng thành. Tôi sẽ tiếp tục làm công việc ấy với tất cả tâm hồn và nghị lực trong hành trình phát triển của quê hương.
           k.h
Khánh Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 177 tháng 06/2009

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground