Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tản mạn đôi điều về nước Mỹ

Chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Korean Air nhẹ nhàng hạ cánh xuống sân bay quốc tế John F Kennedy bên bờ biển phía đông nam thành phố New York, mở đầu chuyến công tác của Đoàn cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh tham dự Khóa học “Nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý” theo Đề án 165 trên đất Mỹ.

Nguồn gốc sức mạnh của nước Mỹ

Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (United States of America) thành lập năm 1776 đến nay gồm 50 bang và đặc khu Columbia (District of Columbia hay còn gọi là Thủ đô Washington D.C) với diện tích 9.159.123 km2 (đứng thứ tư thế giới sau Nga, Canada và Trung Quốc), dân số gần 325 triệu người. Chiều dài bờ biển gần 20.000 km và nhiều vùng lãnh thổ thuộc Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương và vùng Caribe. Hoa Kỳ hội tụ nhiều yếu tố để giữ vững vị trí là nền kinh tế số 1 thế giới và chi phối các vấn đề toàn cầu.

Nguồn gốc sức mạnh Hoa Kỳ đầu tiên có thể kể đến là sự ổn định về chính trị. Hiến pháp Hoa Kỳ được thông qua năm 1787, có hiệu lực từ năm 1789, cùng với Tuyên ngôn Độc lập năm 1776, Hiến pháp 1789 đã thể hiện tinh thần khoa học, tiến bộ và nhân văn, là hình mẫu của cấu trúc Nhà nước cộng hòa trong lịch sử cận đại được nhiều quốc gia tham khảo học tập. Thủ tướng Vương quốc Anh William Ewart Gladstone (1809 - 1898) đã mô tả Hiến pháp này là “tác phẩm tuyệt vời nhất từng được sản sinh ra vào một thời điểm nhất định bởi trí óc và mục đích của con người”.

Suốt 230 năm, trải qua 45 đời tổng thống, Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ chỉ sửa chữa một số điều nhỏ, từ năm 1992 đến nay chưa có tu chính án nào được thông qua, theo các chuyên gia pháp luật của Học viện Hành chính công Hoa Kỳ thì ít ai đề cập đến việc sửa đổi Hiến pháp, đơn giản là vì nó đã hoàn hảo, đảm bảo cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vận hành thể chế hợp lý và suôn sẻ.

Hệ thống chính quyền Hoa Kỳ chia thành 3 cấp: Chính quyền liên bang, Chính quyền tiểu bang và Chính quyền địa phương. Việc phân cấp quyền hạn dựa trên 8 nội dung chính: tài chính, môi trường, tư pháp hình sự, phúc lợi xã hội, giao thông vận tải, công viên, nhập cư và đối ngoại. Chẳng hạn việc phân chia nguồn thu thuế: Chính quyền liên bang thu thuế thu nhập cá nhân (là khoản thu lớn nhất), chính quyền các tiểu bang thu thuế doanh thu trên doanh thu bán hàng hóa dịch vụ, chính quyền địa phương thu thuế đối với tài sản bất động sản (thông thường khoảng 1%/năm). Chính quyền các cấp có quyền ban hành luật để phục vụ thẩm quyền được phân cấp. Tại thời điểm đoàn Việt Nam sang, thuế doanh thu tại Bang Ohio 4%, Bang Virginia 6%, Bang Washington 10%, nhưng Bang Delaware miễn thuế doanh thu để thu hút khách du lịch.

Lý giải về nguyên tắc “kiểm soát và cân bằng” giáo sư Jerry Mitchell cho biết: nguyên tắc này đã thành nếp sống của người Mỹ, một trường phổ thông có học sinh sử dụng súng lập tức chính quyền bang quy định cho phép giáo viên đem theo súng khi lên lớp. Thành phố New York có 8,6 triệu dân, trong sơ đồ tổ chức bộ máy của thành phố, quận trưởng chỉ làm nhiệm vụ tư vấn chính sách và giám sát, không điều hành trực tiếp bộ máy hành pháp, dưới quận không có cấp chính quyền cơ sở. Toàn bộ hoạt động của bộ máy hành pháp thành phố do Thị trưởng điều hành trực tiếp thông qua 93 đầu mối cấp sở (Thị trưởng quản lý 36 đầu mối, 3 Phó Thị trưởng điều hành trực tiếp 32 đầu mối), một số sở, ngành quan trọng còn có chức danh trung gian giúp cho Thị trưởng như trên Sở Giáo dục có chức danh Đại Pháp quan (như trợ lý thị trưởng). Có rất nhiều tổ chức làm nhiệm vụ tư vấn và giám sát. Thành phố New York có 59 Ban cộng đồng làm nhiệm vụ giám sát.

Nước Mỹ đề cao các giá trị của đạo đức, tại thành phố New York và thủ đô Washington D.C nơi chúng tôi đến không có các hộp đêm hay phố đèn đỏ như châu Âu. Vai trò của thực hành đạo đức trong các tổ chức công đặc biệt được đề cao. Duy trì các chuẩn mực đạo đức được coi là trách nhiệm quản trị quan trọng nhất của người đứng đầu. Trong bộ máy chính quyền thành phố New York có Ban cố vấn về vấn đề đạo đức.

Tuy giàu có nhưng người Mỹ nổi tiếng về thực dụng. Hệ thống vỉa hè tại các thành phố lớn như New York, Washington D.C phần lớn được lát bằng các tấm bê tông đúc sẵn, khu nhà ga làm thủ tục sân bay quốc tế Washington Dulles - một trong 10 sân bay rộng nhất trên thế giới với tần suất 1.800 - 2.000 chuyến bay/ngày thậm chí không được sơn quét sau khi tô trát nhưng vẫn giữ được vẻ lịch lãm và sạch sẽ. Tại một nhà hàng tự chọn trên đại lộ Lexington ở New York giá cả được tính trên trọng lượng thức ăn, đồ uống, cứ 100g thức ăn là 1,5 USD, không có chuyện buffet “bao bụng” như Việt Nam.

Trong thời gian đoàn tham gia các chương trình tại Đại học BARUCH - một trong những trường đại học lâu đời nhất tại thành phố New York với trên 18.000 sinh viên từ 170 quốc gia theo học, các giáo sư hàng đầu về kinh tế đều khẳng định yếu tố sáng tạo, phát minh, công nghệ nguồn, đi trước là những nguyên nhân chính tạo nên sự phát triển bền vững của Hoa Kỳ. Người Mỹ không giỏi về công nghệ chế tạo như người Đức, không giỏi buôn bán như người Trung Hoa, nhưng nhờ phần lớn các phát minh của thế giới, các công nghệ đều xuất phát từ nước Mỹ và người Mỹ biết sử dụng làm công cụ để dẫn dắt nước khác, thu hút nước khác phục vụ mình, hưởng lợi lớn nhất trong phân khúc chất xám (chẳng hạn trong giá bán 1 chiếc điện thoại thông minh iPhone, nhà sản xuất từ Trung Quốc và các nước chia nhau 48% từ phần cứng, 52% còn lại là bản quyền và công nghệ thuộc về người Mỹ). Chính các phát minh từ nước Mỹ đã mở đầu cho các cuộc Cách mạng công nghiệp, trừ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra ở Anh trước đó.

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từng nhận xét: “Trung Quốc sẽ bắt kịp Hoa Kỳ về GDP tuyệt đối nhưng sức sáng tạo của họ thì có thể chẳng bao giờ sánh được với Hoa Kỳ, bởi vì nền văn hóa của họ không cho phép có sự trao đổi và cạnh tranh các ý tưởng một cách tự do. Còn cách giải thích nào khác cho thực tế rằng một đất nước có số dân đông gấp 4 lần Hoa Kỳ và được cho là có số người tài đông gấp 4 lần lại không hề có những đột phá về công nghệ?” “Về mặt lịch sử Hoa Kỳ đã chứng tỏ được khả năng đổi mới và tồn tại rất mạnh mẽ. Sức mạnh của nước Mỹ không phải chỉ có lối tư duy đã thành nếp mà là ở khả năng bao quát, sáng tạo và thực tiễn; sự đa dạng của những trung tâm xuất sắc có khả năng cạnh tranh trong việc phát minh và tiếp nhận những ý tưởng và công nghệ mới, một xã hội thu hút được nhân tài từ khắp nơi trên thế giới và đồng hóa họ thành người Mỹ một cách dễ dàng” “Tinh thần đổi mới của nước Mỹ sẽ cho phép họ đương đầu được với những vấn đề cốt lõi của mình” “Mỹ là một quốc gia vĩ đại không chỉ nhờ sức mạnh và sự giàu có của mình mà chủ yếu vì đây là một quốc gia đi lên từ những ý tưởng tuyệt vời” “Chừng nào Mỹ vẫn đi đầu trong đổi mới và công nghệ thì cả liên minh châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc đều không thể thay đổi được vị trí hiện nay của Hoa Kỳ”.

Có thể nói lịch sử nước Mỹ hiện đại được viết nên bằng các doanh nghiệp. Hoa Kỳ là xã hội năng động nhất trong việc đổi mới, khởi nghiệp để biến những phát minh, sáng chế thành hàng hóa, tạo ra của cải vật chất mới. Các doanh nhân thành đạt ở Mỹ, rất nhiều người đã phải thử sức nhiều lần mới thành công. Rất nhiều người đã thành công vẫn tiếp tục sáng tạo và khởi nghiệp những công ty mới. Đây chính là tinh thần tạo ra một nền kinh tế năng động. Ở Mỹ các quỹ đầu tư mạo hiểm được chính phủ tài trợ, là bệ đỡ cho các doanh nghiệp thực thi các ý tưởng sáng tạo. Khác biệt cơ bản giữa văn hóa Mỹ và văn hóa phương Đông là vị trí cá nhân trong xã hội. Trong văn hóa Mỹ mối quan tâm của một cá nhân là quan trọng nhất. Điều này làm cho xã hội Mỹ cạnh tranh quyết liệt hơn, sắc bén hơn và thành tích cao hơn. Tuy nhiên trong thực tế một số quyền thái quá của cá nhân cũng làm ảnh hưởng đến cộng đồng, tội phạm thường xuyên thoát khỏi sự trừng phạt vì pháp luật bảo vệ quyền con người một cách thái quá.

Tương lai cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Trong thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ, Trung Quốc chiếm khoảng 46%. Tuy nhiên đây không phải là nguyên nhân chính. Theo giáo sư Robert Schiffer có 3 lý do chính Tổng thống Donald Trump và giới diều hâu Mỹ quyết tâm “xử” Trung Quốc đó là: (1) Trung Quốc “chơi không đẹp”, như sử dụng chính sách tỷ giá thấp hoặc trợ cấp cho các công ty khi bán hàng sang Mỹ. (2) Ăn cắp hoặc ép buộc các công ty Mỹ và phương Tây tiết lộ bí quyết công nghệ, sử dụng cả tình báo để ăn cắp công nghệ. (3) Sáng kiến “Vành đai con đường” và thông điệp từ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 thách thức vị trí của Mỹ và đồng minh.

Chiến lược “Made in China 2025” Trung Quốc công bố năm 2015 hướng tới mục tiêu đến năm 2025 đưa Trung Quốc thành quốc gia tiên phong trong lĩnh vực công nghệ cũng khiến Tổng thống Donald Trump hết sức lo ngại. Chiến lược này muốn Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực: tin học, viễn thông, vũ trụ, rô bốt, ôtô điện, năng lượng sạch, dược phẩm và trí tuệ nhân tạo. Đây là những vấn đề liên quan lợi ích cốt lõi của cả Mỹ và phương Tây, vì vậy các nước Canada, EU, Nhật Bản đã đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến. Bên cạnh việc đưa ra các gói tăng thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đầu tháng 6/2018 Mỹ đã cấm công ty công nghệ cao ZTE của Trung Quốc mua sản phẩm của Mỹ, buộc nộp phạt 1,3 tỷ USD và chấp nhận thay người Mỹ vào một số vị trí của công ty tại Mỹ, cấm công ty China Mobile triển khai hoạt động kinh doanh tại Mỹ. Tổng thống Donald Trump còn dự định hạn chế visa cho sinh viên Trung Quốc, kiểm soát người Hoa sinh sống và làm việc tại Mỹ.

Như vậy, thông qua cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Mỹ muốn ngăn chặn Trung Quốc tiến đến mục tiêu dẫn đầu thế giới về lĩnh vực công nghệ cao, thách thức vị trí thống trị hiện nay của Mỹ và là nguồn cơn không chỉ sức mạnh kinh tế mà cả sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ. Theo nhận định của giới phân tích cuộc chiến này sẽ không thể kết thúc ngày một ngày hai mà sẽ còn kéo dài nhiều năm, thậm chí 10 - 15 năm. Rất có thể bước tiếp theo của chính quyền Tổng thống Donald Trump là sẽ truy quét đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ và các giao dịch của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao như rô bốt, ô tô điện; giới hạn quyền sở hữu của các công ty Trung Quốc trong một số lĩnh vực, cấm xuất khẩu sang Trung Quốc một số thiết bị, công nghệ.

Theo giáo sư Robert C. Randolph, trong các cuộc chiến tranh thương mại, kẻ yếu thế hơn tất phải nhượng bộ nếu không sẽ bị tổn thất nặng nề hơn đối thủ, “Tập Cận Bình không phải là đối thủ xứng tầm của Donald Trump, trong lĩnh vực kinh tế ông ấy là con gấu mẹ”. Trên trang Twitter cá nhân Donald Trump đã viết “Các cuộc chiến thương mại là tốt và dễ thắng”.

Trung Quốc đã qua thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao, đang chuyển hướng cơ cấu kinh tế, trong đó lĩnh vực công nghệ cao và dịch vụ được xác định là chủ đạo. Các cú ra đòn của Mỹ vừa qua đã làm Trung Quốc choáng váng. Trong lúc Mỹ vẫn duy trì được các chỉ số kinh tế “đẹp” như tăng trưởng quý II/2018 đạt 4,6%, thị trường chứng khoán ổn định (gấp đôi quý I/2018), lạm phát dưới 2%, thất nghiệp 3,8% (thấp nhất kể từ năm 1969), tỷ lệ tái đầu tư và đầu tư nước ngoài vào Mỹ tăng, Cục dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thì Trung Quốc đã phải bơm 107 tỷ USD từ quỹ dự trữ quốc gia cho hệ thống ngân hàng, nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản tăng 1,5%, cổ phiếu tập đoàn ZTE ngày 16/4/2018 đang là 31,3 nhân dân tệ (NDT) thì ngày mùng 3/7/2018 giảm xuống còn 13,8 NDT. Nếu Trung Quốc tiếp tục giảm tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu thì dòng vốn đầu tư sẽ rút chạy và có thể mất khả năng kiểm soát tỷ giá, vì vậy Trung Quốc chắc chắn không dám mạo hiểm. Nếu xuất khẩu khó khăn thì tình trạng vỡ nợ trái phiếu sẽ tăng lên, cả đối với các công ty tư nhân. Trung Quốc đã dọa bán trái phiếu Mỹ (hiện Trung Quốc sở hữu trên 1.000 tỷ USD trái phiếu Hoa Kỳ), Donald Trump đáp trả rằng trước khi Trung Quốc bán Mỹ sẽ phá giá đồng USD. Vì vậy, sử dụng các biện pháp kỹ thuật về tiền tệ sẽ không phải là lựa chọn của Trung Quốc.

Trung Quốc hiện đang sử dụng các hàng rào kỹ thuật gây khó cho hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ như làm chậm quá trình thông quan, dọa kiện Mỹ ra Tổ chức thương mại thế giới WTO (đáp lại Donald Trump cho biết Mỹ có thể rút khỏi WTO), đánh thuế mạnh vào các sản phẩm nông nghiệp sản xuất tại các bang ủng hộ Đảng Cộng hòa nhằm gây áp lực lên Tổng thống Donald Trump trong bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ vào tháng 11 tới.

Để đối phó với những bất ổn có thể xảy ra ở trong nước, Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đạo tập trung thực hiện 6 ổn định (ổn định công ăn việc làm, ổn định tài chính, ổn định ngoại thương, ổn định đầu tư nước ngoài, ổn định đầu tư…). Đây là những vấn đề cốt tử Trung Quốc phải làm trong lúc này nhưng làm được là điều hoàn toàn không dễ.

Một loạt các nước tham gia nguồn cung hoặc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Brazil, Nam Phi... sẽ buộc phải tính toán lại chiến lược của mình một khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được dự báo là sẽ kéo dài.

Tờ Wall Street Journal ngày 16/9 dẫn lời một quan chức Trung Quốc nói, Trung Quốc sẽ không đàm phán ở tình thế “bị dí súng vào đầu”. Hình ảnh đang bị “dí súng vào đầu” cho thấy khó khăn hiện nay của Trung Quốc trước thềm các hiệp đấu mới.

So sánh Donald Trump và Barack Obama

Các giảng viên tại Học viện Hành chính Quốc gia Hoa Kỳ đã nói nhiều về sự khác biệt giữa Donald Trump và Obama. Tổng thống Barack Obama là người luôn tôn trọng các nguyên tắc, luật lệ, điều hành công việc khoa học và bài bản, dân chủ nhưng quyết đoán, biết tôn trọng và tranh thủ thuộc cấp.

Giáo sư Tiến sĩ Carla Anne Robbins, cựu Phó Tổng biên tập Tạp chí New York Time, giáo sư lâm sàng (giáo sư thỉnh giảng) dẫn ví dụ về vụ tiêu diệt Bin Laden năm 2011. Tháng 8/2010 khi CIA báo cáo phát hiện “người đi bộ” trong khu biệt thự gần học viện quân sự Pakistan giống Bin Laden, lập tức Obama yêu cầu phải giám sát chặt chẽ. Hàng tháng trời sau “con mồi” không xuất hiện trở lại để nhận diện. Có đúng là Osama bin Laden không, bắt sống hay tiêu diệt, có nên tin tưởng và phối hợp với Pakistan hay chỉ lực lượng đặc nhiệm Mỹ ra tay, các vấn đề liên quan sau vụ việc… hàng loạt câu hỏi đưa ra trong các cuộc họp kín luôn nhận được các ý kiến trái chiều. Cuộc bỏ phiếu cuối cùng ngày 28/4/2011 trước khi hành động cả Phó Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đều bỏ phiếu chống, Obama vui vẻ kết luận “tiến hành thôi”. Kết cục là vụ việc đã diễn ra suôn sẻ.

Tổng thống Donald Trump thì hoàn toàn ngược lại, Donald trump rất ít khi có mặt tại văn phòng, rất ít tổ chức và tham gia các cuộc họp, rất ít xem và bút phê các văn bản gửi đến Nhà Trắng, dựa vào trực giác hơn là kết quả phân tích, rất ít khi tham vấn ý kiến của các tướng lĩnh và thuộc cấp. Ngay trước cuộc gặp với Chủ tịch Kim Jong-un ngày 12/6/2018, Donald Trump cũng không hề tham vấn trước nội dung với Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao. Một số kết quả sau cuộc họp như Hoa Kỳ tuyên bố hủy tập trận chung với Hàn Quốc, trước đó cũng không được Donald Trump trao đổi với Bộ Quốc phòng Mỹ và phía Hàn Quốc. Việc Tổng thống Donald Trump sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng chỉ được biết bằng dòng viết trên Twitter cá nhân. Donald Trump thích những người mạnh mẽ như Tập Cận Bình hoặc Kim Jong-un, nhưng là người thường xuyên thay đổi chính kiến. Donald Trump đặt câu hỏi tại sao Hoa Kỳ phải chi tiền để đảm bảo an ninh cho nước khác? (các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, Nhật Bản…) nhưng khi một quan chức Đức nhẹ nhàng: được thôi, chúng tôi sẽ phát triển vũ khí chiến lược để tự vệ, lập tức Donald Trump bỏ ngay ý định này và phê duyệt khoản kinh phí lên đến 716,4 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng năm 2019. Người Mỹ hiểu rằng Đức thừa sức phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa vượt đại dương, đồng minh theo kiểu thực dụng của người Mỹ là như vậy. Trong số 1,3 triệu quân Mỹ thì có đến 150.000 quân đồn trú ở nước ngoài: Nhật 45.000, Đức 35.000, Hàn Quốc 27.600, Ý 12.000… Khoản chi phí quân sự khổng lồ trong bối cảnh thế giới đơn cực chính là vì sự bình yên của nước Mỹ.

Khác với Tổng thống tiền nhiệm, Donald Trump tỏ ra không thân thiện với báo giới. Donald Trump coi báo chí viết về những điều mình không thích là “tin tức giả”. Trên trang Twitter cá nhân Donald Trump viết “truyền thông tin tức giả là đảng đối lập, điều đó rất tệ cho đất nước vĩ đại của chúng ta”, gần 350 tờ báo đã đồng loạt lên tiếng phản bác Donald Trump “Sự vĩ đại của nước Mỹ phụ thuộc vào vai trò của tự do báo chí và nói lên sự thật”.

Khi được hỏi vì sao Donald Trump thắng cử, giáo sư Robert C. Randolph trả lời ngay đó là do nền dân chủ mà không dân chủ của nước Mỹ, cử tri nước Mỹ không bầu trực tiếp cho Donald Trump, ông ta thắng cử vì phiếu đại cử tri. Trong lịch sử nước Mỹ 18 năm trở lại đây Donald Trump là trường hợp thứ 2 sau Bus đắc cử bằng hình thức này.

  Cách mạng công nghiệp 4.0 và tương lai nước Mỹ

John Chambers - Chủ tịch tập đoàn Cisco Systems nhận xét: “Có hai thứ cân bằng trong cuộc sống, Internet và giáo dục. Lý Quang Diệu là nhà lãnh đạo thế giới hiểu rõ điều này và sử dụng sức mạnh của Internet để định vị cho sự tồn tại và thành công của Singapore trong một nền kinh tế Internet”. Người Mỹ hiểu rõ sức mạnh của Internet và nhanh chóng định hướng sự phát triển dựa trên nền tảng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ở Mỹ các tập đoàn vốn hóa lớn nhất đều hoạt động chủ yếu trên không gian số: Apple InC (851 tỷ USD), Alphabet Inc (717 tỷ USD), Microsoft (703 tỷ USD), amazon.com (701 tỷ USD) (trước đây các doanh nghiệp hàng đầu thường là các tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, dầu mỏ…). Năm 2004, tôi lần đầu qua Mỹ, các giao dịch trong lĩnh vực viễn thông không khác mấy Việt Nam, gọi điện thoại về Việt Nam phải mua card và ra hộp điện thoại công cộng, thì nay đã khác rất nhiều. Khi xuống sân bay làm thủ tục nhập cảnh không còn cảnh phát tờ khai, hành khách xếp hàng làm thủ tục kê khai điện tử, áp hộ chiếu và vân tay vào máy và tự động kê khai trên máy, có phần mềm bằng tiếng Việt. Hầu hết người Mỹ đều sử dụng điện thoại thông minh để khai thác các tiện ích từ internet và mạng xã hội. Cửa hàng bán sản phẩm của hãng Apple tại Outlet christiana mall, nhân viên bán hàng chỉ với chiếc điện thoại iPhone 8X trên tay vừa giới thiệu sản phẩm cho du khách, trả lời các câu hỏi với các ngôn ngữ khác nhau, vừa quẹt thẻ thu tiền bán hàng, mỗi ca bán hàng doanh thu cả trăm ngàn USD từ đủ loại thẻ ngân hàng phát hành từ nhiều nước. Các tài xế Uber sử dụng thông thạo phần mềm Google dịch từ giọng nói để trả lời du khách. Chỉ cần trả lời được câu hỏi tiếng Anh: Where are you from? (bạn từ đâu đến?), tài xế bật ngay phần mềm dịch song ngữ và du khách có thể trò chuyện với tài xế nhờ phiên dịch viên là chiếc điện thoại thông minh. Thương mại điện tử đang gia tăng nhanh chóng thị phần, hôm chúng tôi ở Washington D.C, một thành viên trong đoàn nhận được tin nhắn “Bố ơi! con muốn đôi giày đá bóng kiểu Ronaldo màu hồng”, được sự trợ giúp của “Giáo sư Google” hai hôm sau đôi giày đã được chuyển đến khách sạn nơi đoàn đang ở. Ở Mỹ người ta nói nhiều đến cuộc đua giữa công nghệ và thể chế, đến sự phát triển quá nhanh của trí tuệ nhân tạo, đến sự lan tỏa cấp số nhân của kinh tế chia sẻ. Cũng như ở Việt Nam, taxi công nghệ Uber và Grab đang chiếm thế thượng phong so với taxi truyền thống. Dịch vụ cung cấp phòng trọ qua mạng của công ty Airbnb (Mỹ) sau một thời gian hoạt động đã được định giá lên đến 30 tỷ USD. Với nguyên lý tận dụng các nguồn lực dư thừa trong xã hội cả về tài sản và thời gian rảnh rỗi để tạo thêm việc làm và thu nhập dựa trên nền tảng số, kinh tế chia sẻ đã khẳng định xu hướng tất yếu và có tác động tích cực đến cả môi trường. Không chỉ trong lĩnh vực dịch vụ hàng hóa, nhiều người Mỹ còn nhìn nhận lạc quan về tương lai của đồng tiền ảo Bitcoin và hoạt động cho vay ngang hàng (Peer to Peer Lending).

Việt Nam dưới góc nhìn của giới tinh hoa Mỹ và triển vọng của quan hệ Việt - Mỹ

Giáo sư Robert Schiffer, người đã nhiều lần sang Việt Nam, từng là phụ tá cao cấp đại sứ Pete Peterson dưới thời Tổng thống Clinton thừa nhận, tháng 8/1964 Johnson dựng nên sự kiện Vịnh Bắc Bộ để tấn công Việt Nam, đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam là một trong những sai lầm lớn nhất của nước Mỹ, việc này lúc đó cũng không được Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn. Lý do chính khiến Tổng thống Johnson hành động mau lẹ là vì lo sợ cộng sản mở rộng phạm vi ảnh hưởng xuống khu vực phía Nam. Càng về sau Hoa Kỳ hiểu rằng Việt Nam là nước xã hội chủ nghĩa nhưng đi theo con đường riêng của mình, coi trọng độc lập dân tộc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gần đây còn khuyến cáo Triều Tiên học tập “mô hình Việt Nam” - một đất nước đang thành công trong cải cách dân chủ và thị trường hóa.

Kể từ năm 1995 đến nay, hai nước đã có những bước tiến đáng kể trên con đường hợp tác “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Hai nước đã đưa mối quan hệ hợp tác phát triển lên cấp độ đối tác toàn diện từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư KH-CN, giáo dục đến quốc phòng, an ninh. Đặc biệt với chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Mỹ đã chính thức công nhận thể chế chính trị của Việt Nam, khép lại giọng điệu lạc lõng của những thế lực thù địch và đưa Việt Nam bước vào vị thế mới trong quan hệ hai nước. Các giáo sư Đại học Baruch nhìn nhận Việt Nam đã thể hiện chiến lược ngoại giao khôn khéo. Tháng 5/2017 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Thủ tướng đầu tiên của các quốc gia Asean thăm Hoa Kỳ sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Chuyến thăm của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đến Mỹ từ ngày 25 - 27/6/2018 vừa qua, có gần 30 cuộc tiếp xúc với chính giới và doanh nghiệp Hoa Kỳ đã làm dịu đi các quan ngại về phản ứng của Tổng thống Donald Trump trước việc chênh lệch cán cân ngoại thương Việt Nam - Hoa Kỳ quá lớn (năm 2017 Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trên 40 tỷ USD trong lúc kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ chỉ vào khoảng 8,4 tỷ USD). Các động thái của Bắc Kinh vừa qua phá vỡ lời hứa với Tổng thống Obama năm 2015 về việc không quân sự hóa các đảo nhân tạo của nước này ở Biển Đông buộc Mỹ và đồng minh tăng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Với vị trí chiến lược và vùng lãnh hải rộng lớn ở Biển Đông, Việt Nam là quốc gia biển có vai trò quan trọng nhất ở khu vực Asean dưới con mắt của chính giới Hoa Kỳ. Việc tàu sân bay USS Carl Vinson đến Đà Nẵng tháng 3/2018 cùng việc phía Hoa Kỳ bàn giao cho cảnh sát biển Việt Nam tàu tuần tra lớp Hamilton (được hoán cải từ tàu tuần duyên cỡ lớn, có độ giãn nước lên đến 3.250 tấn, có khả năng dự trữ hành trình 45 ngày, kíp sỹ quan và thủy thủ lên đến 160 người) để nâng cao năng lực chấp pháp trên biển cho Việt Nam đã nhận được sự đồng thuận trong chính giới Mỹ. Sắp tới Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác  và hỗ trợ nhiều hơn cho Việt Nam trong việc nâng cao năng lực quản lý vùng lãnh hải và góp phần đảm bảo an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông. Việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Việt Nam trước mắt còn vướng một số vấn đề về kỹ thuật nhưng trong tương lai sẽ diễn ra thuận lợi. Hoa Kỳ cũng không ngăn cản việc Việt Nam tiếp tục mua vũ khí từ Nga.

Việc Trung Quốc sử dụng “chính sách ngoại giao bẫy nợ”, cho vay đầu tư các dự án trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) ở các quốc gia Asean có biển nhất là các cảng biển chiến lược đã dấy lên quan ngại trong chính giới Mỹ (tháng 6/2018 chính phủ mới ở Malaysia đã dừng các dự án đầu tư của Trung Quốc tại nước này lên đến 22 tỷ USD, chính phủ Pakistan cũng đang xem xét lại dự án mở rộng cảng biển Gwadar từ nguồn vốn Trung Quốc). Chính phủ Mỹ đang có kế hoạch thành lập một công ty tài chính quốc tế để hỗ trợ các nước trong đầu tư nhằm ngăn chặn chính sách ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc. Theo các chuyên gia Học viện Hành chính công Hoa Kỳ, quỹ này nếu được thành lập thì Việt Nam là một trong những quốc gia có thể hưởng lợi.

Ở Mỹ, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao được quyền quyết định chi cho các hoạt động đối ngoại bên ngoài lãnh thổ Mỹ trong khoản ngân sách khổng lồ hàng năm được quốc hội phê chuẩn (đối với Bộ Ngoại giao khoảng 40 tỷ USD/ năm). Đối với Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ giải quyết các vấn đề chiến tranh để lại như rà phá bom mìn và chất độc da cam. “Quảng Trị” là từ khóa đã được USAID và nhiều cơ quan hỗ trợ nước ngoài khác của Mỹ biết đến. Hướng đến kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ hai nước (năm 2020), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế các hoạt động, giới chức Mỹ hy vọng đây sẽ là cột mốc mới trong quan hệ hai nước.

Theo Phó Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Hùng Tâm, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hiện nay đang diễn ra hết sức tốt đẹp, người tiêu dùng Mỹ dành nhiều thiện cảm đối với hàng hóa “Made in VietNam”, ngoài các sản phẩm may mặc, giày dép, đồ gỗ, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam cũng được thị trường Mỹ đón nhận, đây là phân khúc thị trường còn nhiều dư địa, trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp thì cơ hội cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường Mỹ là rất lớn.

Hôm đến Washington D.C đoàn Việt Nam có ghé chợ EDEN của người Việt, ở đó có siêu thị bán các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, nhà hàng, quán karaoke, quầy băng đĩa... Hội sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ đang thu hút cả người Việt Nam tại bản địa (hiện Việt Nam có trên 30.000 sinh viên đang theo học tại Hoa Kỳ). Cùng với những bước tiến và xu thế mới đang mở ra trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, người Việt ở Mỹ cũng đang hướng về tương lai với niềm tin và góc nhìn mới.

 H.Đ.N

Hồ Đại Nam
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 291 tháng 12/2018

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

9 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

9 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

9 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

9 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground