Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 17/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tản mạn về một chuyến đi

T

ôi được Tổ chức cho đi tham quan đất nước Trung Hoa cùng một số cán bộ quân đội về hưu. Đây là một sự chiếu cố đặc biệt, ngoài sự mong ước của tôi. Từ ngày rời khỏi quân đội, tôi yên tâm với hai chữ “về vườn”, và tôi về vườn thật với một mảnh đất mà tôi khai phá ở một gốc rừng chồi, một căn cứ cũ trong thời chống Mỹ. Tôi có nghĩ gì đâu đến chuyện tham quan!

Nghe thông báo về chuyến đi, tôi cũng thấy vui về sự quan tâm của Tổ chức, nhưng tôi không thấy háo hức lắm, vì sức khoẻ tôi không bảo đảm cho một chuyến đi xa. Hơn nữa, tôi cũng đã mấy lần qua lại Bắc-Kinh và đã biết một số thành phố lớn trên các nước bạn. Tôi nghĩ: Cũng thế thôi! Đất nước mình cũng có nhiều cảnh đẹp lại mang nhiều truyền thống đấu tranh. Nếu đến được nhiều nơi để hiểu thêm đất nước mình còn hơn là “phóng ngựa xem hoa” trên một đất nước mênh mông như Trung Quốc! Tôi hơi chần chừ. Nhưng có những ý nghĩ làm tôi quyết định “tái xuất giang hồ” khi nhìn thấy sự phấn khởi của vợ tôi…

Không biết duyên nợ gì mà năm xưa “xã” tôi lại “ưng” tôi để chịu khổ làm cái thân “chinh phụ” mấy chục năm trời để chờ một vị “chinh phu” biền biệt không biết ở phương trời nào, với nỗi lòng của người thiểu phụ trong bài “Dạ cổ hoài lang” của Bác Sáu Cao Văn Lầu! Vợ tôi chưa một lần được hưởng niềm vui một cuộc “tham quan”, có chăng là những lần vào tận rừng sâu để thăm cha con tôi! Và mỗi chuyến đi là một lần thử thách! Bà thường ước ao được một lần ra Bắc vào lăng viếng Bác Hồ và thăm các di tích lịch sử tại thủ đô… nếu tôi đi Trung Quốc thì bà sẽ được “bám càng” và thực hiện được các ước mơ đã từng ôm ấp! Vậy là tôi không còn do dự: lên đường làm một cuộc “viễn du”!

*  *  *

Chỉ trong ba ngày, từ một người lính mặc áo nông dân, tôi biến thành một nhà du lịch cưỡi máy bay thẳng hướng Bắc Kinh. Từ trên nhìn xuống, nhà cao tầng tua tủa. Cảnh nầy đối với tôi rất mới, vì trước kia, khi qua thành phố này bằng xe lửa, nó cũng còn nhiều nơi tương tợ như Chợ Lớn của ta ngày xưa. Vậy mà mấy mươi năm gần đây, thành phố đã vói lên được tầm cao như thế. Tôi mừng cho bạn và hy vọng ở ta. Nhờ tranh thủ được hoà bình, Bạn có điều kiện xây dựng. Nay ta cũng có hoà bình, nhứt định rồi ta cũng xây dựng được nhiều thành phố to, đẹp gấp nhiều lần so với ngày nay, như lời khẳng định của Bác Hồ. Càng nghĩ, tôi càng hận bọn xâm lược Pháp, Mỹ. Chúng đã gây chiến tranh và trì kéo nước ta! Có những kẻ còn muốn đưa ta trở về thời kỳ đồ đá. Ôi, đáng nguyền rủa thay cho cái “văn minh” của những kẻ chuyên đi gây thảm hoạ chiến tranh cho các dân tộc để thực hiện âm mưu thống trị hoàn cầu. Nếu không, thì với trí tuệ và bàn tay lao động của mình, Việt Nam ta chắc chắn cũng đã thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Nghĩ đến những cái “cao” của mình, như Cao nguyên, Cao Lãnh, Cao Bằng…, mà còn thấp lè tè, tôi hơi buồn, nhưng vội tự an ủi với ý nghĩ: nhưng mình cũng với tới những đỉnh cao mà thiên hạ đang mơ ước. Đó là nền Độc-lập, Tự-do và chế độ Xã hội chủ nghĩa. Rồi ta sẽ có cả! Đừng nôn nóng. Phải biết chờ đợi, và nhứt là phải biết làm gì.

*  *  *

Đoàn chúng tôi được bạn đón tiếp và đưa đến một khách sạn tại trung tâm thành phố. Người của khác sạn cho biết đây là khác sạn loại “Năm sao”. Tôi đã từng nghe nói đến khách sạn loại nầy, nay vào đây mới thấy rõ được nó sang trọng thật! Nhiều thứ chúng tôi không cần, thì ở đây vẫn có! Có những thứ chúng tôi không dùng đến, mà vẫn phải trả tiền! “Hai Lúa” tôi cảm thấy tiếc tiền, chỉ cần có ăn và ngủ mà bạn đưa làm gì đến một nơi tốn kém như vậy! Nghe vậy, một cán bộ của Đại sứ quán ta bảo: Đối với bạn, đoàn chúng tôi là khách quan trọng, coi như loại “VIP” bên mình. Cho nên việc bố trí ăn ở như vậy là bình thường! Đúng là vậy thật, nhưng đối với một số anh em trong đoàn, tay chân vẫn còn chưa sạch vết phèn nơi ruộng rẩy, thì các “VIP” chúng tôi cảm thấy rất ngại!

Sau một ngày đi dài, với chăn ấm, nệm êm, không khí trong lành, nhạc ru nhè nhẹ, “VIP” tôi định làm một giấc ngon lành, nhưng không sao ngủ được! Dường như cơ thể tôi bị dị ứng với những thứ nói trên. Nhưng không! Không phải! Đây là cái bệnh cố hữu của tôi khi có điều gì suy nghĩ. Mà đêm nay, tôi đang có bao điều trăn trở trong đầu! Nhiều kỷ niệm ngày xưa như lũ lượt kéo nhau về. Nói đến “khách sạn Năm sao”, tôi lại nhớ đến những “khách sạn” trong thời kháng chiến mà sau nầy, chúng tôi gọi đùa là “khách sạn ngàn sao”! Vâng, đúng là “Ngàn sao” thật! Vì ở những “khách sạn” nầy, chúng tôi thường nhìn lên trời đếm những vì sao để thư giãn và chờ giấc ngủ sau những giờ lao động vất vả. Chúng tôi có nhiều “khách sạn” loại nầy lắm:

Có khi đó là bờ kênh. Trong một cuộc hành quân đêm, khi được lệnh dừng chân, chúng tôi chọn một bãi cỏ, trải nóp ra, nằm phơi bụng giữa trời, lúc nào không biết!

Có khi đó là một đống rơm còn thơm mùi nắng, rất êm ái đối với những cái lưng nhà lính, tưởng rằng các bậc đế vương trên đời cũng chỉ được ngủ ngon đến thế là cùng!

Có khi đó là một căn nhà lá rách nát đến nỗi nhìn thấy sao trời, nhưng ấm tình cá nước, yên lành trong căn cứ lòng dân.

Có khi đó là một chiếc xuồng rẽ nước giữa đồng bưng, kẻ chống, người chèo, để cho đồng đội nằm queo, yên giấc!

Có khi đó là một đỉnh đồi trên quê hương miền Bắc. Chúng tôi quây quần nhìn theo ánh trăng mà tìm về miền Nam, gởi cả tâm tình!

Có khi đó là một bãi khách giữa rừng núi Trường Sơn, cây che lớp lớp, nhưng lính ta vẫn theo hướng sao trời mà nhìn về quê hương còn trong lửa khói, mong cho chân cứng, đá mềm, sớm đến ngày giải phóng miền Nam! Vân vân và vân vân…

Tôi không làm sao kể hết được những “khách sạn” mà tôi đã qua trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Những người kháng chiến nói chung đều vậy cả, không riêng gì bộ đội. Ai cũng cực khổ, gian nguy, nhưng trong cái gian nguy, có cái gì đó tạo nên niềm phấn khởi, tự hào.

Tôi luôn trăn trở, tuy chiếc nệm vẫn êm! Lưng càng êm, tôi càng nhớ đến những lúc “nằm gai” trên những tấm vạc làm bằng những cây tràm con cong quẹo, chỗ lồi, chỗ lỏm, chỗ nhọn như chông… Trên những chiếc giường như dành để tra tấn ấy, chúng tôi đã trao đổi với nhau biết bao mơ ước, biết bao chuyện tâm tình, đã hình thành biết bao mộng đẹp cho bản thân mình, và cho cả quê hương. Và, thương nhớ làm sao, trên những chiếc giường của “khách sạn ngàn sao” ấy, nhiều bạn tôi đã nằm ôm những vết thương, mỗi khi trở mình là mỗi lần nhăn mặt khi vết thương va phải những mũi “chông” còn ẩn ở kẹt giường! Cho nên, lưng tôi êm mà đầu tôi bị nhói! Biết bao bè bạn của tôi rất dũng cảm, rất xông xáo nơi trận địa, có mấy người được hưởng những gì của một “VIP” như tôi hôm nay! Tôi ngậm ngùi khi nhớ đến những người đã ngã xuống, và những người tuy vẫn còn đang sống, mà lưng bị còng vì thương tật, vì cuộc sống gieo neo! Tôi bỗng nhớ đến câu “Đồng cam, cộng khổ”! Khổ thì chúng tôi đã “cộng” với nhau quá nhiều, nhưng “cam” thì có mấy khi được cùng nhau chia sẻ!

*  *  *

Đoàn chúng tôi được đến tham quan nhiều nơi ở Bắc Kinh và một số thành phố khác. Một địa điểm đã gây nhiều ấn tượng trong tôi là một căn phố nhỏ ba tầng ở khá xa trung tâm thành phố Quảng Châu. Nơi đây, Bác Hồ đã từng ở và làm việc trong những năm hai mươi của thế kỷ trước. Bác đã triệu tập sang đây nhiều cán bộ để đào tạo thành cốt cán cho cách mạng Việt Nam. Hình bóng Bác Hồ như còn in rõ trong từng căn phòng, nhứt là nơi Bác ngủ, với một chiếc giường nhỏ đơn sơ, trên có một chiếc chiếu, một gối, một chăn và một chiếc quạt tay. Bên cạnh là một chiếc bàn làm việc nhỏ. Nào ai tưởng rằng đây là phòng ngủ và phòng làm việc của một danh nhân văn hoá thế giới, một con người đã làm lay động sào huyệt của bè lũ thực dân… Tôi nhìn chiếc giường của Bác mà cảm thấy như đang đứng trước một vật vô cùng quý giá, vì nơi đây đã nẩy nở biết bao tư tưởng và lời hay, ý đẹp đã trở thành tấm gương đạo đức sáng ngời của dân tộc Việt Nam. Và nơi đây cũng đã hình thành nhiều đường lối, mưu lược đã dẫn đường cho dân ta giành Độc-lập, Tự-do và xây dựng đất nước. Trên chiếc giường nầy, Bác đã mòn lưng trăn trở để dân mình có được cuộc sống hôm nay. Tôi cảm thấy như chiếc giường còn giữ được hương thơm toát ra từ cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Tôi vuốt ve chiếc giường, thầm cám ơn nó đã cố tạo nên những phút yên lành để đưa Bác ta vào những giấc ngủ ngon hiếm có trong đời. Nhìn chiếc giường nầy, tôi lại liên tưởng đến chiếc giường của Bác ở căn nhà sàn tại Phủ Chủ tịch. Đây cũng là một chiếc giường bình thường của giới bình dân, cũng một chiếu, một chăn, một gối, và một quạt tay! Nghĩ mà thương Bác biết chừng nào! Tôi càng thấm thía một điều: Chính cái giản dị đã góp phần làm nên cái vĩ đại đối với những bậc vĩ nhân như Bác!

***

Đoàn chúng tôi còn tiếp tục đi một số nơi. Lại khách sạn Năm sao. Cái lưng tôi vẫn chưa thích nghi với những chiếc giường dành cho “VIP”, vì tôi hiểu rõ hơn ai hết, nó còn chưa ráo mùi phèn! Nhiều lần, tôi tự nhủ: Nếu còn thời gian để phấn đấu, tôi cố biến mình thành một “VIP” trên mảnh vườn mà tôi đang tạo ra trái ngọt hoa thơm như những người mang tên “Hai Lúa”, nhưng thực sự đã có nhiều cống hiến cho đất nước. Được như vậy, chắc là tôi đã đỡ bị trăn trở khi nằm trên những chiếc giường sang trọng thuộc loại Năm sao! Nhưng, xin thú thật: Tôi không “mê” các khách sạn loại nầy. Chúng cao quá! Tôi dùng thang máy không quen nên có lần, do nhầm lẫn mà bị nó đưa lên tới trên trời, rồi hạ xuống sát đất, mà không ngừng lại ở nơi mà mình muốn!

Chuyến đi kết thúc. Tôi chưa làm được điều mà ông bà ta thường nói: “Đi một tấc đàng, học một sàng khôn”! Nhưng tôi cảm thấy cũng có phần văn minh hơn. Tôi thấy nhớ căn nhà vườn, và hình dáng một ông nông dân với bộ đồ phèn còn dấu vết nhà binh. Trông cho mau tới nhà để được lột bỏ cái áo “bành tô” và cái đây “cà ra quách”!...

 H.S

 

 

Hồng Sa
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 163 tháng 04/2008

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

18/04

25° - 27°

Mưa

19/04

24° - 26°

Mưa

20/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground