Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thăm Trường Dục Thanh - Nơi ghi dấu hành trình của Bác

Đ

ến thăm khu di tích Trường Dục Thanh hôm nay, chúng tôi như được gặp Bác, được nghe lời Bác dạy trong những tháng Người đã dừng chân dạy học nơi ngôi trường này. Cảm xúc dâng trào khi được ngồi vào những dãy bàn ghế trong lớp học của học trò Trường Dục Thanh khi xưa, nghe cô hướng dẫn viên Văn Thị Kim Hưng kể về ngôi Trường Dục Thanh và chặng đường lịch sử trong “buổi bình minh” trên hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác.

Trường Dục Thanh – Nơi ghi dấu hành trình của Bác

Tôi đến thăm Trường Dục Thanh vào ngày trung tuần tháng 4/2012. Những ngày này, rất đông các em học sinh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, du khách trong và ngoài nước cũng đang đến thăm Trường Dục Thanh. Đây là ngôi trường mà Nguyễn Tất Thành (tên gọi của Bác Hồ lúc 20 tuổi) đã dừng chân dạy học một thời gian trước khi vào Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước.

Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1907 trên phần đất gia đình cụ Nguyễn Thông, một nhà thơ yêu nước thời bấy giờ ở làng Thành Đức (nay số 39 Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, Tp. Phan Thiết, Bình Thuận).Đây là ngôi Trường Tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ ở tỉnh Bình Thuận lúc bấy giờ, do hai người con trai của cụ Nguyễn Thông là Nguyễn Quý Anh và Nguyễn Trọng Lội sáng lập nhằm truyền bá tư tưởng của phong trào Duy Tân do cụ Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng ở Trung Kỳ.

Thầy giáo Nguyễn Tất Thành đến ngôi trường Dục Thanh cuối tháng 8, đầu tháng 9/1910. Đây là một trong những điểm dừng chân sau khi Nguyễn Tất Thành rời Trường Quốc học Huế vào Bình Định, Phan Rang, rồi vào xứ Duồng (nay là xã Chí Công, huyện Tuy Phong, Bình Thuận). Trường Dục Thanh khi thầy giáo Nguyễn Tất Thành đến dạy học có khoảng sáu mươi học sinh các lớp tư, ba, nhì, nhất và bảy thầy giáo giảng dạy các môn: Hán văn, Pháp văn, Quốc văn… Nguyễn Tất Thành là thầy giáo trẻ nhất (20 tuổi), dạy lớp nhì, chủ yếu là dạy chữ Quốc ngữ và Hán văn... Đặc biệt, ngoài những nội dung được phân công giảng dạy, thầy giáo Nguyễn Tất Thành còn truyền bá cho học sinh lòng yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên qua việc dẫn các em đi thăm những cảnh đẹp ở Phan Thiết như: bãi biển Thương Chánh, động làng Thiềng, đình làng Đức Nghĩa…

Tháng 2/1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã rời trường Dục Thanh vào Sài Gòn rồi sau đó Người xuống Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Trường Dục Thanh sau khi ông Nguyễn Trọng Lội qua đời, ông Nguyễn Quý Anh chuyển vào Sài Gòn, không còn ai phụ trách và vì nhiều lý do khách quan khác nên đóng cửa vào năm 1912. Đến năm 1978 - 1980, Trường Dục Thanh đã được trùng tu, tôn tạo lại nguyên gốc như trước.

Chúng tôi cảm thấy thật ấm áp khi bước vào lớp học nơi ngôi Trường Dục Thanh Bác Hồ dừng chân dạy học năm xưa. Lớp học với mái ngói rêu phong được bao bọc bởi bốn bức tường gỗ giản dị. Phía dưới phòng học là hai mốt bộ bàn ghế của học sinh được bố trí thành ba dãy ngăn nắp. Phía trên lớp học là hai cái bảng đen và bộ bàn ghế của giáo viên, nơi Bác ngồi giảng bài… Phía bên phải gian nhà chính làm phòng học của học sinh Trường Dục Thanh là Nhà Ngư (là nơi để các ngư cụ của gia đình cụ Nguyễn Thông, xây dựng năm 1906) và từ năm 1908 trở đi dùng làm nơi nội trú của thầy giáo và học sinh Trường Dục Thanh. Phía sau phòng học và Nhà Ngư là Ngọa Du Sào, là nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành đọc sách báo, soạn bài khi dạy học ở Trường Dục Thanh.

Đến với khu di tích Trường Dục Thanh, chúng tôi thật cảm động như được gặp Bác, nghe tiếng Bác dạy học ở nơi này khi ngắm nhìn những hiện vật gắn với thời gian lịch sử mà Người dạy học tại Trường Dục Thanh được lưu giữ lại như: bộ trường kỷ Bác ngồi, bộ ván gỗ Bác ngủ mỗi đêm, chiếc án thư, chiếc tủ đứng Bác Hồ để tư trang cá nhân, tráp văn thư, nghiên mài mực, ba cái ly nhỏ, một cái khay. Trong khuôn viên khu di tích Trường Dục Thanh,  còn có cái giếng nước mát lịm được xây bằng gạch ở phía sau Ngoạ Du Sào và vườn cây xanh tươi hoa lá... Trong vườn cây này, có cây khế gia đình cụ Nguyễn Thông trồng cách đây hơn một trăm năm. Trong thời gian dạy học ở Trường Dục Thanh, thầy giáo Nguyễn Tất Thành thường tưới nước chăm sóc cây khế này, nên người dân nơi đây gọi là Cây khế Dục Thanh, Cây khế Bác Hồ… như là sự biết ơn trân trọng với Người và ngôi trường lịch sử này. Cây khế này có hương vị đặc biệt: “Chua nơi đầu lưỡi, nhưng ngọt tận đáy lòng”.

Chị Lê Thị Hoa vượt mấy chục cây số từ huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) lên thăm lại khu di tích Dục Thanh, xúc động cho biết: “Mỗi lần đến đây được xem những kỷ vật Bác Hồ từng sử dụng, làm việc và những bức ảnh tư liệu, bút tích về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác… tôi luôn dâng trào cảm xúc và cảm thấy thật ấm áp trước tình cảm, tình thương bao la của Bác và như được thấy Bác vẫn đang ở nơi này”.

“Bác vẫn đang ở nơi này…”!

Bên cạnh khu Di tích Dục Thanh đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1986, là Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận (khánh thành năm 1986). Khu bảo tàng này hiện trưng bày trên 890 tài liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Những năm qua, khu di tích Trường Dục Thanh và Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận đã đón hàng ngàn học sinh, người dân và du khách đến thăm và tưởng niệm Người.

Thầy Đinh Thế Luật – Tổng phụ trách Đội Trường THCS Hàm Minh (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) cùng 170 em học sinh đang đến thăm Khu di tích Dục Thanh và Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận cho biết: “Đây là một trong những hoạt động dã ngoại nhằm giáo dục truyền thống rất ý nghĩa và thiết thực. Đến khu di tích này, các em học sinh sẽ được thấy, được nghe và hiểu hơn về ngôi trường Dục Thanh và những năm tháng Bác Hồ đã dạy học ở Trường Dục Thanh, cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ. Thầy trò chúng tôi thành kính dâng hương tưởng niệm Bác và hứa với Bác sẽ không ngừng học tập, lao động, rèn luyện thật tốt để xứng đáng với công ơn và tình thương bao la như trời biển của Người…”.

Những cuốn sổ lưu bút khu di tích Dục Thanh mỗi ngày một dày thêm những cảm xúc dâng trào của những người con đất Việt mỗi khi về thăm khu di tích Dục Thanh đang nhớ về hình ảnh thầy giáo Nguyễn Tất Thành và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc… Ông Nguyễn Xuân Mạnh đến từ Công ty Công trình đô thị Tp. Vũng Tàu viết: “Tôi vô cùng xúc động khi được thấy, được nghe lại những câu chuyện kể về Bác Hồ kính yêu. Chúng tôi sẽ luôn cố gắng nỗ lực, phấn đấu hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ của mình, góp phần việc nhỏ bé vào công cuộc xây dựng đất nước ngày càng to đẹp hơn dâng Bác”.

Anh Đinh Trọng Nghiêm (phường 9, quận 8, Tp. Hồ Chí Minh) bồi hồi viết: “Về đây thăm lại mái trường Dục Thanh, nơi đã từng là cái nôi để đồng chí Nguyễn Tất Thành trang bị hành trang chuẩn bị cho một cuộc hành trình đầy gian lao, đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc tự do, độc lập. Chúng tôi, những thanh niên tiếp bước xin hứa trước di ảnh của Bác sẽ sống một cuộc sống có ý nghĩa và đem hết sức mình cống hiến cho Tổ quốc”. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long xúc động viết: “Phong cảnh Dục Thanh ngày càng xinh tươi và đẹp mãi. Chứng tỏ Bác luôn ở trong lòng người dân Phan Thiết... Chúng con như đang nhìn thấy Bác dạy học ở đây. Các nhà giáo chúng con luôn khắc ghi ơn Người và hứa với Người sẽ mãi học tập theo tấm gương Người”.

Thay mặt Ban công tác Phụ nữ Tổng cục Cảnh sát Điều tra tội phạm và Tổng cục Cảnh sát Hành chính Bộ Công an, chị Võ Thị Minh Hồng viết: “Hôm nay, chúng con Phụ nữ Tổng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm và Phụ nữ Tổng cục Cảnh sát Hành chính – Bộ Công an phía Nam, là con của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm và kính viếng Người. Đứng trước tượng đài Bác, chúng con nguyện học tập, rèn luyện để xứng đáng với Người và ra sức tu dưỡng đạo đức và sống, chiến đấu, học tập, lao động theo tấm gương của Bác. Thực hiện nghiêm 6 điều dạy của Bác với lực lượng Công an Nhân dân. Kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân…”.

Vâng Bác không ở đâu xa. Người vẫn là thầy giáo Nguyễn Tất Thành của trường Dục Thanh… Bác vẫn đang dạy chúng ta về kiến thức làm người, về tinh thần lao động, học hỏi và tình yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên. Bác vẫn mãi mãi là thầy giáo Nguyễn Tất Thành của trường Dục Thanh, là vị lãnh tụ kính yêu và là người cha trong tim mỗi người dân Việt với lối sống thật giản dị và tình thương bao la… 

 

 

Bùi Duy Lợi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 212 tháng 05/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground