Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thành Cổ- Không gian tâm linh, không gian dự phóng

S

oi mình bên dòng sông Thạch Hãn, một dòng sông tâm thức (non Mai sông Hãn), một dòng sông tâm hồn (Không trong cũng thể nước nguồn Hàn chảy ra) của người Quảng Trị, thị xã Quảng Trị mang một vẻ đẹp riêng ít có ở các đô thị náo nhiệt khác, đó là một vẻ đẹp sử thi mà sâu lắng, bi tráng mà hiền thương, rộn rã mà xinh xắn.

Trên đất Thành Cổ, nơi “Huân chương khó đủ từng viên gạch”, nơi trong mùa hè đỏ lửa 1972, Mỹ ngụy từng ném xuống 80 vạn tấn bom với khối lượng chất nổ bằng 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hi-rô-si-ma, Nhật Bản năm 1945, nơi ấy nhiều năm nay phố mới đã lấn dần hố bom và cỏ dại. Ơi Thành Cổ! Từ đổ nát hoang tàn, Người tái tạo tươi nguyên. Dù dân cư chưa đông đúc hơn, phố xá chưa sầm uất hơn so với thời kỳ trước năm 1972, nhưng kể từ sau ngày thị xã Quảng Trị được lập lại, phải nói rằng tốc độ kiến thiết, đường nét và hình hài kiến trúc của thị xã đã có những mặt vượt trội hơn rất nhiều so với trước đây. Trường học cao tầng mọc lên nhiều hơn, khang trang hơn. Đặc biệt, hệ thống đường nội thị của thị xã đã được nhựa hóa gần như trăm phần trăm. Chợ Thành Cổ giữ một vai trò quan trọng trong việc đưa thị xã Quảng Trị trở thành trung tâm thương mại phía Nam của tỉnh. Chỉ xin đơn cử một ví dụ: hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng là hai vựa lúa lớn của tỉnh, nhưng không thể nhoáng cái mà huy động nhanh được 200 tấn gạo/ngày, nhưng ở chợ Thành Cổ, việc đó trở nên dễ dàng. Trong nguồn thu ngân sách trên địa bàn của thị xã Quảng Trị (trên 2,2 tỷ đồng/năm), nguồn thu từ chợ Thành Cổ luôn chiếm một tỷ trọng lớn nhất (trên 50% tổng thu). Thương mại dịch vụ phải chiếm tỷ trọng hơn 50% trong cơ cấu kinh tế của thị xã Quảng Trị, điều đó đang trở thành hiện thực sống động.

Có một câu hỏi thú vị đáng nêu ra: Tại sao một nơi còn nghèo, thu ngân sách còn thấp như thị xã Quảng Trị vẫn cố gắng đẩy nhanh tốc độ kiến thiết đô thị được? Câu trả lời không khó tìm nếu hiểu được khát vọng bỏng cháy của người Thành Cổ: Sống trên một vùng từng bị chiến tranh vây bủa, tàn phá nặng nề nhất, hơn ai hết, người Thành Cổ mang trong mình một khát vọng mạnh mẽ, đấy chính là khát vọng tái thiết không gian đô thị Thành Cổ. Tôi tạm đặt tên là nỗi khát vọng không gian. Anh Nguyễn Cư, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị nói với tôi về nỗi khát vọng đau đáu này của người Thành Cổ đang dần dà được năm tháng đền bồi:

- Năm qua, tỉnh giao kế hoạch xây dựng cơ bản cho thị xã Quảng Trị 3 tỉ đồng nhưng chúng tôi đã làm được 8 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Phương thức của chúng tôi là làm trước, trả nợ sau, chẳng hạn như trường tiểu học Lê Quý Đôn trị giá đầu tư 800 triệu đồng hiện đang nợ 100%. Nếu cứ chờ đợi thì làm sao làm được.
Dĩ nhiên với phương thức năng động: làm trước trả nợ sau, nếu không có nguồn lực bảo đảm sẽ dẫn đến nguy cơ phá sản. Do vậy, thị xã Quảng Trị đã vừa phát huy nội lực, vừa tranh thủ tối đa các nguồn lực của tỉnh, của Trung ương, các nguồn viện trợ quốc tế để kiến thiết đô thị. Danh mục các công trình đã và sắp xây dựng cứ dài thêm ra: Công trình thư viện do Dự án thư viện Việt Nam của Mỹ đầu tư 400 triệu đồng từ nguồn tài trợ của cưụ chiến binh Mỹ đã hoàn thành, công trình trung tâm y tế thị xã Quảng Trị 3 tỷ đồng đầu tư qua kênh của Bộ Y tế, công trình kè dọc sông Thạch Hãn vừa chống xói lở, vừa tạo cảnh quan thẩm mỹ có tổng mức đầu tư 19 tỷ đồng sẽ được khởi công trong năm 2002. . . v.v. . . Thị xã Quảng Trị đang “góp nhặt cát đá” (mượn lời của một thiền sư Nhật Bản) để kiến tạo nên đô thị mới với tất cả sự chắt chiu và hăm hở của mình. Tôi luyện từ nguồn sông Thạch Hãn, dòng sông mà nguồn nước có độ thanh lọc rất lớn, đáng được “đem rửa ruột khách quan san” như thơ người xưa ca tụng, dòng sông rửa sạch máu thù, nơi dòng sông đó, hạt cát vàng và hòn đá xanh đã trở nên cứng cáp lạ thường. Bom đạn Mỹ dẫu tân kỳ đã chẳng thể nào hủy diệt nổi. Biết vậy đã lâu mà tôi vẫn chợt sững sờ, khi nghe anh Nguyễn Cư, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị thổ lộ niềm tự hào về cát đá Quảng Trị: “Vừa qua, Công ty khai thác đá Quảng Trị đã mở cơ sở gạch block tại thị xã Quảng Trị, chất lượng tốt hơn gạch Đà Nẵng đưa ra. Gạch Đà Nẵng dùng nguyên liệu cát là chủ yếu, còn gạch block Quảng Trị dùng nguyên liệu đá Đầu Mầu cứng hơn, chắc hơn. Còn cát sông Thạch Hãn thì hạt thuần, to và đều, thuộc loại cát tốt nhất tỉnh Quảng Trị. Vì vậy, theo kết luận của Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường, chỉ có cát sông Thạch Hãn mới đúc được dầm bê tông dự ứng lực”.

Nói chuyện “góp nhặt cát đá” để kiến tạo nên không gian đô thị ở thị xã Quảng Trị, không thể không nhắc đến một nhân vật mà bề dày nghề nghiệp xây dựng hầu như gắn bó chủ yếu với mảnh đất thiêng Thành Cổ. Đó là anh Nguyễn Duy Ái, giám đốc Công ty TNHH xây dựng Hưng Nghiệp. Là một nhà xây dựng ở thời hiện đại nhưng thích làm “tuồng cổ” (làm nhà cổ, các công trình tưởng niệm. . . ), công trình đầu tiên mà anh xây dựng ở thị xã Quảng Trị sau khi Hưng Nghiệp ra đời, đó là đài tưởng niệm giữa lòng Thành Cổ (đài Âm - Dương), xây dựng xong năm 1993. Anh còn cho đặt hình trống đồng và phục chế lại một khẩu súng thần công Triều Nguyễn bị gãy đuôi để đem đặt trong sân khu văn hóa thể dục thể thao thị xã. Cái nghiệp anh đam mê quả đã ứng vận vào mảnh đất sử thi Thành Cổ vậy. Đã xây dựng hàng chục công trình lớn nhỏ cho thị xã qua nhiều năm nay, Nguyễn Duy Ái thuộc chiều sâu lòng đất Thành Cổ, nơi mỗi tấc đất phải đổi bao máu đào liệt sĩ như thuộc chính từng đường gân máu trên đôi tay sinh mệnh của mình vậy. Duy Ái quả quyết với tôi đầy xác tín: “Khi thi công đơn nguyên 2 công trình Thị ủy Quảng Trị, đơn vị tôi đã phát hiện thấy hài cốt một liệt sĩ bị cái móng cũ đằn ngang chân. Đây là cái móng cũ của đơn nguyên 1. Do chúng tôi làm móng mới sâu hơn móng cũ này nên mới “đụng” liệt sĩ được. Cốt thị xã Quảng Trị năm 1972 thấp hơn cốt thị xã hiện nay từ 60 - 80cm, như vậy móng công trình ở thị xã Quảng Trị phải sâu bình quân 1,2m mới ăn sâu, mới thâm thổ vào cốt cũ thị xã Quảng Trị 40cm, từ đó may ra mới gặp được liệt sĩ”. Say sưa với những chuyện xây dựng mang tính đặc thù, có một không hai ở vùng đất lửa Thành Cổ, Duy Ái “thăng hoa” kể tiếp: “Với việc thi công các công trình bây giờ, một khâu bắt buộc là phải rà phá bom mìn. Nhưng với Hưng Nghiệp làm gì có. Hưng Nghiệp đã từng hốt đi hơn 20 rổ bom bi và đạn cối 79, hàng chục quả đạn chày. Mãi đến nay, Hưng Nghiệp vẫn chưa hề hưởng định mức rà phá bom mìn trong xây dựng cơ bản - Và Ái nói nửa như tự trách, nửa kiêu hãnh: - Nghĩ lại mới thấy mình làm liều thật”. Không rõ những người Mỹ từng thả bom mưu toan hủy diệt Thành Cổ có biết đến chuyện “làm liều” của Duy Ái không. Còn riêng một người Mỹ có tên là Francis J. Chuck Theusch (thường gọi là Chuck), giám đốc Dự án thư viện tại Việt Nam (dự án này có sự tài trợ của cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam) thì đã từng chia sẻ, tâm đắc với nghề nghiệp đam mê của Duy Ái. Sau khi Hưng Nghiệp thi công xong công trình thư viện thị xã Quảng Trị bằng nguồn tài trợ của dự án mà ông Chuck phụ trách, ông Chuck đã xác nhận công trình này thi công đúng tiến độ, chất lượng tốt. Từ đó ông Chuck đã viết thư tiến cử nhà thầu Duy Ái cho những công trình thư viện khác thuộc cùng dự án, vì ông cho rằng, Công ty của Duy Ái “đã được chọn lựa một cách chắc chắn” (trích thư của ông Chuck). Trong lần Chuck đến thăm nhà Duy Ái, Duy Ái đã tặng Chuck một viên gạch tuy nen Quảng Trị làm kỷ niệm, và Chuck lấy làm rất thú vị. Ôi! Để có được viên gạch tái thiết Quảng Trị cho người Mỹ cầm tay, đã có biết bao nhiêu viên gạch Thành Cổ từng kiên gan nung hồng trong độ lửa già 81 ngày đêm năm 1972 lịch sử .

Ở Thành Cổ, dường như mỗi thớ đất, ngọn cỏ cũng có linh hồn và trong từng không gian đô thị tái thiết, có không gian tâm linh. Biểu tượng tập trung nhất cho không gian tâm linh Thành Cổ chính là công trình tôn tạo di tích Thành Cổ được thực hiện đã ngót 10 năm nay và hiện đang tiếp tục. Dự án tôn tạo di tích Thành Cổ có tổng mức đầu tư 11,6 tỷ đồng, ngoài hai gói thầu đã thực hiện cơ bản gồm các hạng mục: đường, cây xanh, sân vườn, nhà trưng bày, cổng tiền, nạo vét hồ, xây kè hồ..., gói thứ ba, có tên là gói mỹ thuật (là gói khó làm nhất, đòi hỏi đầu tư nhiều chất xám) đang còn chờ Bộ Văn hóa phê duyệt. Gói này dựng lại các cụm tượng đài chiến sĩ nhằm thể hiện sống động tinh thần quật cường, quả cảm của quân đội ta trong 81 ngày đêm giữ vững Thành Cổ. Cùng với đài tưởng niệm tạc hình lưỡng nghi Âm - Dương giữa lòng Thành Cổ mà nhà thầu Duy Ái đã thi công, tới đây sẽ có thêm các cụm tượng đài chiến sĩ quả cảm nữa, chắc chắn không gian tâm linh Thành Cổ sẽ mở ra nhiều chiều kích lấp lánh: vừa cụ thể, sống động, hào hùng, vừa mang tính triết lý sâu thẳm, nhiệm mầu... Qua nhiều lần đi đi, về về với đất Thành Cổ, tôi đã hiểu được rằng, không gian tâm linh Thành Cổ không chỉ thể hiện nơi di tích mà còn nằm sâu tận trong mỗi tâm thức, tâm hồn người Thành Cổ, từ người làm hương, người trồng hoa, người chơi cây cảnh. Ông Lê Văn Quỳnh, ở khu phố 7, phường 1, thị xã Quảng Trị làm hương thắp đã gần 10 năm nay rồi. Mỗi tháng ông sản xuất chừng 2-3 triệu cây hương, bình quân mỗi ngày ông xuất bán từ 4-5 vạn cây hương, giá bán rẻ hơn giá thị trường từ 1000-2000 đồng/100 cây hương. Những dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27-7 hằng năm, ông đều cung cấp chừng 1vạn cây hương cho 2 nghĩa trang liệt sĩ Hải Lăng và thị xã Quảng Trị. “Mình phục vụ cho các nghĩa trang, thắp cho anh em hy sinh một nén tâm hương - Ông Quỳnh xúc động tâm sự - Người sống vì người chết, thế là mình thỏa nguyện”. Ngoài nghề làm hương, ông còn xoay xở thêm nghề làm nấm: nấm sò, nấm linh chi, bởi chỉ riêng nghề làm hương thôi sẽ gặp nhiều khó khăn như: mùa mưa, bán ế, hàng bán bị nợ đọng, chậm quay vòng vốn, đáng phải vay 3 năm nhưng ngân hàng chỉ cho vay 1 năm... Xin vay tiêu dùng để hưởng thời hạn vay từ 3-5 năm ư? Ông Quỳnh xua tay cười bảo: “Chỉ có cán bộ tại chức mới được vay tiêu dùng, chứ hưu trí như tôi thì không được vay, vì người ta sợ hưu trí chết đi, lấy ai trả nợ”. Thế còn người thừa kế của hưu trí nằm ở đâu? Nhưng mà thôi, lòng tôi đã thầm an ủi ông Quỳnh rằng: người đi lo việc hương đèn cho người chết đừng vội chết sớm đi, ông Quỳnh ạ!

Giống như ông Quỳnh, anh Nguyễn Thanh Bình ở khu phố 6, phường 1, thị xã Quảng Trị cũng mong làm một điều gì đó để góp chút lòng thành của mình cho không gian tâm linh Thành Cổ. Là một chiến sĩ trinh sát mưu trí, dũng cảm trên chiến trường Thành Cổ năm 1972, hòa bình trở về, anh Bình đam mê trồng hoa và chơi cây cảnh. Anh muốn bắt thiên nhiên phải đem lại sự nhẹ nhõm, thư thái cho không gian Thành Cổ đổ nát, hoang tàn thời hậu chiến. Tại nghĩa trang liệt sĩ thị xã Quảng Trị, anh Bình đã trồng 2 cây đa, 70 cây tùng, 40 cây trắc bách diệp, 400 cây lá màu. Nhiều cơ quan, trường học ở trong tỉnh chứ không riêng gì ở thị xã Quảng Trị đã đặt hàng anh Bình làm các công trình cây cảnh, non bộ, đài phun nước, bình quân mỗi năm, anh làm khoảng 10 công trình. Lấy cây nuôi cây, mỗi năm anh bán ra trên 50 triệu đồng tiền cây cảnh, thu lãi ròng 30 triệu đồng. Nhưng anh Bình không chạy theo kinh tế đơn thuần trong kinh doanh cây cảnh, anh là người chơi cây cảnh có óc triết mỹ. Anh thường xuyên đọc báo “Việt Nam hương sắc” của Hội sinh vật cảnh Việt Nam để bổ sung, học hỏi tri thức cây cảnh. Có nhiều cây mai cảnh anh chơi đã 10 năm, có nhiều cây sanh anh chơi đã 6-7 năm. Vừa dẫn tôi ra vườn nhà thưởng ngoạn nhiều cây thế khác nhau mọc trong chậu cảnh, anh Bình vừa hé lộ bí quyết nghề nghiệp: “Một cây sanh trồng trong chậu mà có bộ rễ càng dài, càng nhiều thì càng đắt giá. Để có được một bộ rễ quý như vậy, tôi phải bứng các cây sanh trồng trong chậu ra trồng xuống đất, cho rễ đâm dài ra. Sau một thời gian đem trồng lại vào chậu. Cứ bứng đi trồng lại 2-3 lần như thế mới nuôi được một bộ rễ cảnh ưng ý”. Nghe anh kể chuyện luyện rễ cây cảnh có khác nào kể chuyện bí quyết nghề trinh sát: để khỏi bị địch đánh bật gốc, phải bám rễ sâu vào lòng dân.

Quy luật của cây: rễ càng sâu, gốc càng bền, càng vươn cao. Từ chiều sâu sử thi Thành Cổ, từ chiều sâu lòng đất Thành Cổ, thị xã Quảng Trị đang ôm ấp, nung nấu một khát vọng mới mẻ: đó chính là khát vọng mở rộng không gian đô thị. Một thị xã dân ít, đất hẹp, chỉ cần mở thêm công xưởng, nhà máy là gặp lúng túng về quỹ đất, thậm chí, quỹ đất dành cho nơi xử lý rác thải, môi trường cũng không có (có lúc đã phải nhờ đất Hải Lăng) thì việc cho phép mở rộng thị xã trong tương lai gần không phải là điều quá xa xôi và viễn vông. Thị ủy Quảng Trị từng có tờ trình số 20TT/TU ngày 9-3-2001 gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị xin mở rộng địa giới hành chính thị xã để thị xã phát triển tương xứng với tầm vóc, vai trò và vị trí lịch sử của mình. Người Thành Cổ đang dự phóng về một không gian mới. Trong không gian dự phóng đó, những vùng lân cận, những vùng có thương mại dịch vụ phát triển sẽ sáp nhập vào thị xã Quảng Trị như Triệu Thượng (Triệu Phong), Hải Lệ, Hải Phú (Hải Lăng)... Ngay trong tờ trình số 77/UB-TH ngày 30-5-1989 của UBND huyện Triệu Hải (cũ) thời Bình Trị Thiên gửi Quốc hội, Chính phủ xin khôi phục tên và xây dựng lại thị xã Quảng Trị cũng đã phác thảo ra một không gian dự phóng rộng rãi cho thị xã Quảng Trị: diện tích gồm thị trấn Quảng Trị (cũ) và 4 xã phụ cận. Vấn đề dài lâu này đang còn chờ cấp tỉnh quyết định nhưng tôi vẫn cứ mơ và tin về một không gian mở cho tương lai Thành Cổ, như mơ và tin về một không gian dự phóng Đông Hà nối dài thị xã Quảng Trị ngày mai.

Thành Cổ - Đông Hà tháng 1-2002

N.H

Nguyễn Hoàn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 92 tháng 05/2002

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground