Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thành Cổ trong lòng thị xã

Thị xã ôm vào lòng một Thành Cổ Quảng Trị, thị xã hôn lên dòng mồ hôi đá Thạch Hãn, thị xã liếc mắt đưa tình sang cầu Ái Tử; tôi muốn dành những động từ âu yếm nhất để nói về thị xã nhỏ bé này, giản dị hiền lành đến nỗi cái tên cũng phó mặc cho quê hương - người ta gọi là Thị xã Quảng Trị.
Ba giờ sáng, từ Khánh Hoà chị Mắt chat và nói với tôi rằng chị ước được về Quảng Trị một lần. Để mần chi? Để đi vào thăm Thành Cổ, chị thích bài hát Cỏ non Thành Cổ của nhạc sĩ Tân Huyền. Tôi lặng người đi sau câu nói của chị, và cảm thấy như cái khoảng cách vô hình mà internet tạo ra được xoá trắng để kéo con người ta lại gần nhau hơn. Trong rất nhiều những bài hát về quê hương Quảng Trị thì Cỏ non Thành Cổ là bài tôi ít khi hát nhất, bởi nó có một đoạn nhạc lên rất cao; hơn nữa, mỗi lần hát tôi lại chạm vào nỗi buồn của thế hệ đi trước, lại thấy mình như có lỗi với đất cỏ quê nhà. Nhưng hôm nay tôi sẽ mượn lời cỏ để hát về thị xã của mình, hát bằng vĩ thanh của tiếng đàn mà ngọn gió phơn qua lá để lại từ những năm về trước.
Ngày nhỏ tôi hay lên về thị xã chơi, khi thì với bạn, lúc đi với ông, và nhiều lần thì một mình ngẩn ngơ vừa đi vừa ngắm như chú dế du ca. Tôi đi theo con đường có dấu chân trẻ thơ một thời của những Lê Duẩn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Bá Đảng... - con đường nối thị xã Quảng Trị với vựa lúa Triệu Phong quê mẹ. Ký ức về thị xã những ngày ấy còn lại trong tôi chỉ là một trường Bồ Đề hoang tàn đổ nát, những dấu bom vết đạn đã đục thủng đi rất nhiều trên vách đá, rêu mọc lên xanh một màu buồn buồn.
Sau này tôi có ba năm liên tục lên về thị xã ngày ngày để học phổ thông. Mỗi sáng đạp xe chín cây số lên trường, trưa lại đạp chín cây số về nhà. Một đoạn đường Lý Thái Tổ ngắn chưa đầy năm trăm mét dẫn từ đường chính vào trường, đó cũng là đoạn đường chạy ngang trước Thành Cổ. Tôi còn nhớ mấy câu thơ viết thời lớp 10 thế này: “mỗi buổi chiều nắng về tha thiết/ tà áo ai vương vấn góc đường/ trắng xôn xao trong lòng Thành Cổ/ áo dài bay bay khắp muôn phương”. Đó là cái thời còn vụng dại ngây ngô, nhưng chí ít tôi biết thị xã của mình có một Thành Cổ đáng để nhớ, để ghi tạc vào thơ vào lòng. Có nhiều buổi trưa ở lại để chiều học tiếp, tôi đi vào Thành Cổ, thả chân trên cỏ và hình như đã vô tình giẫm phải điều gì đó quá huyền nhiệm mà mãi mãi tôi không tự mình lí giải được. Sau này tôi viết vào thơ mấy câu thắc thỏm: “Quảng Trị ơi!/ Không lí giải cho tôi nỗi đau/ Máu và hoa hoà nước sông ôm chầm Thành Cổ”.
Hồi đó tôi học trường Trung học Phổ thông Thị xã Quảng Trị, trước đây có tên là trường Nguyễn Hoàng. Tôi cũng không rõ vì răng một cái tên trường thiêng liêng lịch sử như vậy lại đổi đi, trong khi ai cũng biết chúa Tiên - Nguyễn Hoàng đã từng chọn Ái Tử để đóng dinh phủ. Thầy giáo đứng lớp kể rằng cái thời trường mình còn mang tên trường Nguyễn Hoàng ấy, cứ đi vào Huế thi mà thấy đeo bảng tên Trường Nguyễn Hoàng là thí sinh xứ khác rất sợ! Khi tôi đi thi đại học sư phạm Huế, tôi mặc chiếc áo trắng có tấm bảng tên đề trường Trung Học Phổ Thông Thị Xã Quảng Trị và thấy những ánh mắt là lạ nhìn mình. Một giám thị cuối giờ thi đến gặp tôi bắt tay nói hẹn gặp lại cậu tại giảng đường. Tôi ngớ mặt ra không hiểu. Vị giám thị nói học sinh trường Thị xã Quảng Trị thi phải đỗ chớ răng nữa? Và tôi đỗ thật! Ngày vào nhập học tôi vẫn mang chiếc áo đó, cái bảng tên chữ đỏ vẫn trên ngực, tôi cảm thấy tự hào. Bây giờ trường đã được xếp chuẩn Quốc Gia.
Buổi sáng, màn sương bọc lấy thị xã như tấm áo của tiên nữ vô tình cởi ra rồi đánh rơi xuống. Chính làn sương mỏng mảnh ấy khơi gợi cho tuổi trẻ chúng tôi những mối tình học trò đáng yêu. Lớp tôi học tầng một, lớp nàng học trên tầng hai. Mỗi sáng trước giờ học nàng đều ra đứng ở hàng lang ngắm bọn học sinh lớp Toán đá cầu, và tôi lặng lẽ đứng dưới này ngước nhìn vẻ đẹp của nàng. Hôm sau đánh liều viết bài thơ gửi lên tặng. Nàng nhận thơ rồi từ đó không bao giờ ra đứng ở hành làng nữa, ánh mắt tôi dõi lên gặp một khoảng trống buồn mơ hồ. Một hôm gió đâu chạy qua khiến trang thơ tôi bay từ tầng hai xuống, thị xã trêu ghẹo những anh chàng máu me thi sĩ theo kiểu đó.
Năm tôi học lớp 11, có dạo bà con thị xã nhao nhao lên chuyện tìm thấy nhiều hài cốt liệt sĩ dưới những nhà dân. Điều đó chẳng có gì kì lạ, bởi sự thật cay đắng mà lịch sử để lại trên mảnh đất này đã chứng minh, từ đó tôi mang theo nỗi ám ảnh bi thương của thị xã. Khi đọc nhà văn Nguyễn Quang Lập viết về chuyện ma ở thị xã Quảng Trị thì tôi tin là có thật.
Có nhiều trưa tôi lên chợ ăn một dĩa cơm bụi hai nghìn rưỡi rồi về ngồi bên bờ sông Thạch Hãn sau lưng thị xã. Gió chạy ngoài sông vào hát mấy câu thơ của nhà báo Lê Bá Dương, “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ!/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm...”. Sau này có dịp được nói chuyện với bác Dương, tôi càng thấm thía hơn nỗi lòng của một người lính xứ Nghệ nguyện yêu Quảng Trị đến vô cùng! Dọc bờ sông là con đường nhỏ nằm hứng lá bàng, dưới đất mọc lên rất nhiều những cây bàng con; và tôi hiểu rằng sau khói lửa chiến tranh thì thị xã lại vươn lên mạnh mẽ, cả cây cối thiên nhiên và con người.
Hằng năm, cứ vào dịp lễ 27/7 sông Thạch Hãn lại mở hội - hội của dòng sông và hội của lòng người. Đêm hôm đó tôi đứng bên bờ, bấy giờ đã được bồi kè bằng bê tông, thế nhưng cỏ vẫn rợp triền sông, cỏ chen vào giữa những kẽ nứt xi măng và rung lên theo từng đợt gió đêm. Từ trên phía cầu Ga, những ánh lửa đèn hoa được thả trôi về, rồi ánh lửa lan ra khắp mặt sông cứ lập lờ lập lờ chạy chầm chầm về, chầm chầm vào...lòng người. Nghe như dưới đáy sông kia tiếng của các liệt sĩ đang hát khúc quân hành, lại như có câu hò ở bên kia, hò rằng “à ơi! Mẹ thương con ra cầu Ái Tử”; một người mẹ làng Nhan Biều đứng khóc, trong đêm nước mắt chạy lên trời thành sao.
Thị xã có ba con đường chính, chạy song song nhau: đường lớn nhất nối từ Quốc Lộ chạy về Cửa Việt; theo hướng đó, phía bên phải là đường chạy qua trước mặt nhà thờ Trí Bưu, phía bên trái là con đường men theo bờ sông Thạch Hãn. Ở đoạn cuối con đường bờ sông có chùa Tỉnh Hội. Ngày nhỏ, hễ cứ nhắc đến thị xã Quảng Trị là tôi nghĩ ngay tới chùa Tỉnh Hội, có lẽ vì tôi là con nhà Phật. Sau này tôi hay ghé vào một ngôi nhà nhỏ bên phải chùa để mua giấy văn sớ cho ông nội. Dần dà, cái góc nhỏ bé kết lại thị xã này trở thành điểm tụ tâm linh đối với tôi.
Thuở đó tôi quen bác Tình bán quán ở đầu đường Lý Thái Tổ. Bác Tình thương binh, cụt một chân. Quán bác thực chất chỉ là một cái chòi xe dùng để bán mì xíu và vé số kiến thiết. Tôi hỏi: xưa bác đi chiến đấu, giờ bác bán mì với ước mong bà con no đủ và vé số để kiến thiết lại quê hương, đúng không? Bác nói đó là một nhẽ, nhưng cái quan trọng là bác thích ngồi ở đây để chỉ đường cho những ai tìm về thăm Thành Cổ. Bất giác tôi ngoái đầu lui, Thành Cổ nằm sau lưng mình đó tề, sau lưng khung trời hoà bình, sau lưng nhưng không thể nào có thể lãng quên được!
Quầy sách của chị Vân nằm ở trước cổng chợ Quảng Trị. Thời học cấp ba, tôi hay lên chỗ chị mua sách. Chị Vân xinh đẹp, hiền tính và nhiệt tình. Chị cho đem sách về nhà xem một ngày, sau đó nếu thích thì mua, không thì trả lại. Tôi học lớp toán nên được rèn cho thói quen đọc sách rất nhanh, vì vậy nên sách lấy ở quầy chị Vân về thì hôm sau tôi đã đọc xong và đem lên trả lại; con nhà nghèo thì phải học theo cách đó thôi! Có một lần tôi đi vào trong chợ, nhìn thấy một mệ ngồi dưới đất bán thuốc lá. Tôi nhận ra cái gói thuốc lá Mélia người ta đã thôi hút và ngưng sản xuất lâu rồi mà mệ vẫn có. Tôi mua lấy vài gói, hỏi mệ mấy tiền? Mệ nói hai ngàn một gói. Lạ thật! Trong khi giá cả đời sống tăng vùn vụt mà thuốc Mélia của mệ vẫn bán giá của mười năm về trước, cái thời tôi hay đi mua thuốc cho ông nội nên biết rõ. Gói thuốc lá Mélia vỏ giấy màu xanh, điếu thuốc đót trắng và mùi thơm bạc hà giống hệt thuốc Dunhill thượng hạng, chỉ có điều thuốc Dunhill thì điếu dài hơn. Tôi nhìn mệ và chợt nghĩ, mệ là một nhân chứng thời gian của thị xã chăng? Nghĩa là mười năm rồi nét văn hoá của thị xã vẫn được bảo lưu, như lịch sử và tính cách người Quảng Trị mãi mãi vẫn như thế!
Có bận tôi chở Hạnh - người bạn gái cùng làng - lên thị xã uống cà phê. Bấy giờ thị xã đã khấm khá hơn, đường phố có đèn đỏ đèn xanh và tất nhiên là có cả công an giao thông. Đến chỗ ngã tư chùa Tỉnh Hội thì có ba chú công an đứng chắn ba hướng. Tôi không có bằng lái xe, đành phải gửi xe máy lại trong quán bún và đi bộ lên. Tôi đi với Hạnh gần hết quãng đường chính của thị xã, sáng hôm ấy trời xuân trong vắt, đẹp đến lạ! Lá phượng ven đường lắc nhắc rơi vào tóc Hạnh, tự dưng thấy lo lo, biết đâu Hạnh sẽ như cô gái trong thơ Nguyễn Bính: “hôm qua em đi tỉnh về/ hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Rồi tôi trấn an ngay bằng cách trở lại câu chuyện mệ bán thuốc lá trong chợ thị xã. Tôi tin thị xã có khấm khá hơn, nhưng tâm hồn con người quê mình thì sẽ còn đẹp mãi chất hồn hậu Đông phương.
Thời sinh viên, cứ mỗi lần về nhà, tôi đi trên chuyến “tàu chợ” từ Huế, ra tới ga Quảng Trị tàu dừng. Tôi dắt xe xuống và đạp thư thả dọc con đường ngang qua thị xã, hồ như những giọt sương ban mai đang lúng liếng nhìn mình, tôi nghe được những tiếng rao bán đậu hũ, cả tâm hồn của thị xã sau mấy tháng trời gặp lại, mỗi lần như cứ khắc sâu thêm.
Đến lúc sắp bay đi học, tôi lên thị xã bắt xe ra Hà Nội, buổi chiều hôm ấy sao nắng lại buồn đến thế? Hay là chính là tâm trạng tôi đang buồn? Mắt tôi ngỡ như nhoà đi giữa một chiều mùa hạ không có lấy một hạt mưa. Tôi nhủ anh trai chạy xe chầm chậm để được ngắm một lần cuối cùng thị xã của mình, nước ngoài sông Thạch Hãn như đang vỗ sóng vào sâu thẳm lòng tôi. Trong lúc chờ xe, tôi ngồi ở chỗ ngã ba nối đường Quốc Lộ với trục đường chính của thị xã. Phía trời tây, hoàng hôn sửa soạn chăn mây gối núi chuẩn bị đi ngủ; và từ dưới Thành Cổ chợt có một tiếng chuông ngân lên rồi kéo dài mãi mãi...

H.C.D

Hoàng Công Danh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 176 tháng 05/2009

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground