Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tình yêu nơi chảo lửa

M

ột chiều cuối năm 1972, cô giáo Đoàn Thị Nga và Ngô Thị Nhụ đang cùng học trò say sưa với bài toán trên bục giảng, thì nhận được quyết định của Ty Giáo dục Thái Bình điều động vào Nam công tác. Sau vài ngày chuẩn bị hành trang, các cô lên đường ngay.

Sáng ấy, bên vườn hoa thị xã Thái Bình, đã có gần năm chục bạn đồng nghiệp, ngót sáu mươi giáo sinh vừa tốt nghiệp và khoảng bốn chục giáo viên Miền Nam K7 học tại Thái Bình  mãn khóa, đang chờ các cô ở đó. Đoàn xe nổ máy, theo hướng phà Tân Đệ vút đi trong tiếng đài vang ngân:

"Có những ngày vui sao, cả nước lên đường xao xuyến bờ tre từng hồi trống giục. Có những ngày vui sao, cả nước lên đường xao xuyến bờ tre từng hồi vang tiếng trống…"

- Quả là rộn ràng, xao xuyến. Tiếng hát thật đúng với tiếng lòng tuổi trẻ chúng em lúc bấy giờ. - Cô giáo Nga bảo vậy. - Tuy có lúc bịn rịn chia tay với gia đình, bầu bạn lúc lên đường, nhưng tất cả đều cảm thấy náo nức, xốn xang kỳ lạ, bởi giữa thời khắc lịch sử lớn lao ngày ấy, ai cũng muốn chính mình góp được chút gì đó cho công cuộc giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Xe vượt phà Tân Đệ, rồi bỏ lại phía sau thành phố Nam Định một cách yên bình, nhưng vừa tới thị xã Phủ Lý, thì một quả bom từ trường nổ tung lên. Đất cát rào rào bắn vào thành xe. Rất may, không ai việc gì. Nhìn mấy em giáo sinh trẻ măng, chúi vào nhau tránh tiếng nổ, chị trưởng đoàn mỉm cười:

- Không sao đâu! Lão Ních muốn "ra oai" với chị em ta chút xíu đó. Để rồi xem, lão "cắn càn" được mãi không, hay lại cúp đuôi chuồn thẳng!... Dung ơi! Vặn to chiếc đài lên tí nữa đi em!

Chiếc ô ri ông tông lỉnh kỉnh bên sườn một cô giáo có khuôn mặt trăng rằm, bỗng vút lên giọng ca hùng tráng:

"Xe ta bon trên những dặm đường giữa làng quê ta băng qua bao suối đèo, đồi nương, mà xe ta bon ra chiến trường. Chào em!..."

- Đấy. Đấy! Cái anh chàng ca sỹ nào đó đang… đón "chào" chúng ta đấy. Mọi người có thấy không?

Cô giáo có "khuôn mặt trăng rằm" miệng liến láu, tay bồm bộp vỗ vào vỏ đài đánh nhịp, hát theo ca sỹ. Tự nhiên, cả chiếc xe, rồi cả đoàn xe hát vang lên. Tiếng hát làm rung chuyển cả một cung đường, cả một cánh đồng mênh mông lúa vàng, cứ xoay tròn, xoắn xuýt chạy về phía sau, vừa như hân hoan đưa tiễn, vừa như bịn rịn chia tay.

Giữa lúc ấy, có một đoàn quân ngược chiều. Nhác thấy "đội quân tóc dài" ríu rít trên xe, anh nào anh nấy cứ nghển nghển cái đầu ngó lên, miệng reo, tay vẫy:

- Hên quá. Tuyệt quá anh em ơi! Bướm vàng vỡ tổ. Tuyệt quá anh em ơi!...

- A. A! "bướm lượn là bướm ới a nó bay"! Đậu xuống đây. Đậu xuống ba lô này, anh cõng. Anh cõng bướm vàng ơi!

- Các o. Các o thanh niên xung phong về đâu đấy? Cho tụi anh lên xe đồng ca với nào!

- Hát nữa. Hát nữa đi. Hay lắm các "mợ" nó ơi!

- Nhưng sao lại ra Hà Nội? Nhầm đường rồi. Quay lại. Quay lại đi!

- Vào chiến trường với tụi anh, các "thím" văn công ơi! Vào ngay đi. Chậm là nhặt ống bơ đấy!

Dưới đất tiếng nói chưa dứt, trên xe đã nhao nhao tiếp lời:

- Cứ vào trước đi. "Chú" nó cứ vào trước đi. Các "thím" sẽ vào ngay đấy!

- Đánh cho giỏi, cho hăng vào. Ngoan là các chị… thưởng to. Nghe rõ không? Các chú nghe rõ không?

- Vừa vừa cái mồm thôi, con "mẹ Đốp" ơi! - Có tiếng cười khúc khích, tiếng đấm lưng thùm thụp - ở đấy có cả các vị chỉ huy lớn tuổi. Tếu quá, ngứa tai, các "bố" ấy lại "tia" cho một loạt AK thì thấy đời!

Tiếng cười vẫn rộ lên. Tiếng nói vẫn chao chát. Từ trên xe bỗng túa ra một nắm hoa ngọc lan trắng muốt, trùm xuống đoàn quân. Những bàn tay rám nắng, những chiếc mũ tai bèo lấm lem xòe ra hứng ngọn. Bộ đội chia nhau mỗi người một bông. Anh nào cũng hí hửng như bắt được vàng. Người đưa lên mũi hít hà mãi chẳng thôi. Người đặt vào môi, hôn lấy hôn để. Khiến cho mấy cô giáo trẻ hai má đỏ bừng, vội quay mặt đi. Nhưng chỉ một thoáng, họ liền quay lại, dán mắt vào những khuôn mặt lính non tơ thật đáng yêu, cứ xa dần, xa dần rồi khuất hẳn.

***

Tới Hà Nội, xe dừng lại giữa vườn hoa Bách Thảo. Thăm thú, cơm trưa rồi nó lại hối hả lao về Lương Sơn - Hòa Bình. Ở đây, các nhà giáo đi B được nhận quân trang và gần một chục viên gạch tập leo núi. Quân trang không khác mấy bộ đội. Cũng ba lô con cóc, mũ vải, ni lông, bi đông, bát đũa…và cả gậy Trường Sơn. Chỉ khác là không có súng đạn và áo quần đều là thường phục. Bảy - tám viên gạch, chính là "đồ gia bảo" đã thấm đẫm mồ hôi của lớp lính trước "bàn giao" cho lớp lính sau. Ban đầu, địu những "của quý" này, nhiều chị em phát khóc. Nhưng sau một tháng tập luyện đi bộ hàng nghìn cây số vào Nam, không ai bỏ cuộc, tất cả lại "toe toét" cười! Cô giáo có "khuôn mặt trăng rằm" tay nâng viên gạch, miệng vẫn líu lo:

- Chà. Chà! Nhờ có mấy thỏi "vàng mười" này các anh để lại mà chúng ta đã đeo được "ba lô nhà nước" về đích. Còn "ba lô gia đình" chẳng biết sẽ ra sao. Nó có nặng lắm không nhỉ? Đã "anh" nào đeo thử chưa?

- Chưa. "Ba lô gia đình" thế nào, chúng tớ chưa được trông thấy!

Dung khinh khích cười:

- Khổ quá! Các "mẹ" chỉ chúi mũi vào sách vở thôi, chẳng ngó ngàng gì tới thực tế xã hội. Thế các cậu chưa nghe thấy câu "ba lô đằng sau là ba lô nhà nước. Ba lô đằng trước là ba lô gia đình" thật à? Nó cứ cồ cộ lên thế này này!...

Vừa nói, Dung vừa lấy tay vòng ra trước bụng làm thị phạm. Tất cả cười phá lên. Cười đến chảy nước mắt. Cười đến đỏ mặt tía tai. Nhưng rồi tự nhiên im bặt. Nhìn mặt trời đang từ từ trèo qua đỉnh đầu, nét mặt người nào cũng trở nên đăm chiêu, tư lự.

***

Còn nhớ, cái đêm dừng chân ở Nghĩa Đàn. Vừa đặt ba lô xuống, chưa ai kịp ngồi thở, thì đột nhiên có tiếng thét lên:

- Cứu. Cứu em với các chị ơi! Cứu. Cứu!...

- Cái gì thế? Làm sao vậy? Thúy!

- Đỉa. Đỉa. Sâu. Sâu… hay con gì ấy…

- Con gì? Nó ở đâu?

- Ở đây này… Một tay  ôm ngực, một tay vén quần, Thúy dẫy nảy kêu khóc. Na hốt hoảng chạy tới vội mở khuy áo hất ngược cooc xê của Thúy lên. Dưới ánh trăng, một con vắt hiện ra. Nó đã no kềnh nhưng vẫn bám chặt, rúc sâu vào gầm vú Thúy. Na mắm môi, bấm móng tay vào đít nó định dứt mạnh.

- Ấy. Ấy!... - Chị Tính vội ngăn lại - Giống vắt xanh cắn mà dứt ngay ra, răng nó gẫy ở trong là thối thịt đấy. Phải dùng lửa mà châm.

- Lửa đâu? Lửa đâu? Có ai hút thuốc lá không? Nhanh lên!

- Có. Có người yêu của mày, nhưng hắn đã vào Nam rồi. Song tao nghĩ: nếu còn ở đây chắc hắn cũng chẳng "châm" hộ đâu. - Một giọng nói nghịch ngợm vang lên.

- Sao lại không "châm"?

- Còn "sao" với "giăng" gì? Mấy ông lính tráng nhà ta, vớ được của lạ, đẹp đến mê hồn như của con Thúy thế kia, họ còn để ngắm đến nổ mắt chưa thôi, chứ "châm" ngay làm sao được!

- Rõ là đồ  "quỷ cái". Suy bụng ta ra bụng người - Na quát lên - Hình như mày có bao diêm… đem lại đây. Mau lên!

- Ừ nhỉ. Thế mà quên béng đi mất.

"Qủy cái" tức tốc chạy về lục ba lô, lôi ra bao diêm còn hai que. Con vắt hỗn xược liền bị thui cháy đít. Nó nhả ra, nhưng cứ ngùng ngoẵng như còn tiếc rẻ. Tức tiết, Na nện luôn một gót chân. Nó bẹp nhè. Thúy hoàn hồn, kéo áo xuống. Ai nấy thở phào. Na khúc khích cười.

- Mày cười gì thế? - Nga hỏi:

- Nhìn con vắt ham hố, tao nhớ tới chuyện bạn tao mấy năm trước.

- Chuyện thế nào?

- Bấy giờ là những năm 1966 - 1967 con bạn tao nó xinh lắm. Cưới chồng được dăm bữa thì chồng đi B. Cùng làng, có một thằng (con ông gì làm to tướng ở trên tỉnh). Thằng này khá điển trai, khỏe như voi, thế mà khám tuyển đến sáu - bảy lần không đắt bộ đội. Người ta bảo: Bác sỹ "chê" nó "lệch", trĩ nội với lại van tim,van tiếc gì đấy!...

- Van tim nghe biết ngay. Trĩ nhìn là rõ, nhưng "lệch" là gì? Lệch thì nó làm sao ấy nhỉ?...

- "Làm sao" thì đi mà hỏi nó. Nó bảo cho…- Na phá lên cười: Nghe nói: Đàn ông "lệch" thì không chạy, không hành quân đường dài được. Thế là nó thoát. Nó ở nhà làm đội trưởng đội giống của hợp tác xã, chuyên "phá hoại hoa màu"!

- Cán bộ đội giống mà chuyên "phá hoại hoa màu"?... Giống má kiểu gì thế?- Nga ngơ ngác. Na phì cười:

- Khổ quá. Cái "bà" này thật thà đến hết chịu nổi. Thưa rằng: chỉ mới làm đội trưởng có một vụ, mà nó đã bắt bảy trong số mười hai cô gái đeo "ba lô gia đình" đấy ạ!

Mọi người cười ồ lên. Riêng Nga thì bực dọc.

- Sao không lột áo, đuổi cổ đi, lại cứ để nó lũng đoạn xóm làng? Cô bạn của cậu cũng bị à? Mà sao phụ nữ cánh ta nhiều người cứ để cho những loại đàn ông như thế nó "rót mật" vào tai nhỉ?.

- "Khôn ba năm, dại nửa giờ" mà! Mới lại thằng kia ma quái lắm. Người ta bảo: Nó có quyển sổ, chuyên đi ghi ngày chị em phơi vải màn. Tính chu kỳ, cứ đúng điểm là nó mò tới, nên nhiều người sập bẫy. Riêng con bạn mình thì không, nhưng cũng bị săn tới số. Một hôm nó khóc, bảo mình:

- Na ơi! Có cách nào cứu tao không? Thằng khốn kiếp cứ ne mãi, không khéo tao cũng sa lưới mất. Tao khổ. Khổ lắm, làm sao thoát được bây giờ?

- Lo gì? - Mình bảo nó - Miễn là mày tỉnh táo, bản lĩnh…

Biết nó vốn đứng đắn, con nhà gia giáo, mình ghé tai nói nhỏ: "cứ làm như thế, như thế…" Nó mừng quýnh, mắt sáng lên.

Sau một thời gian, quả nhiên giữa đêm trăng nọ, thằng "phá hoại" kia lần tới. Cục. Cục. Cục… Nó gõ gõ. Cửa hé ra. Tên "Sở Khanh" hí hửng lẻn vào. Bất ngờ, từ góc nhà con chó xồm to tướng nhảy ra, tợp luôn vào đùi non một miếng đến ngập răng. Nó thét lên, ôm vết thương đầy máu chạy bán sống bán chết.

- Đáng đời. Thật đáng đời thằng mất dạy! Mọi người vỗ tay reo. Na bảo:

- Vẫn còn hơi tiếc…

- Tiếc gì? Có tiếng hỏi lại.

Tiếc vì con chó đớp còn… hơi thấp tí. Giá nó nhích lên độ một gang!...

***

Ba tháng ròng rã leo đèo, trèo núi rồi cũng đến bờ sông Bến Hải. Vừa đặt chân vào trạm đón tiếp ở Gio Linh - Quảng  Trị, các nhà giáo lại được Ních Xơn "chào mừng" và "nắn gân" bằng một loạt bom B52 mù trời, rải sát nách trạm giao liên tiếp đón. Ở đây cô giáo Nga được bố trí về ở nhà ông bà Nguyễn Thí người xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng. Ông bà có ba người con gái cùng là du kích. Chưa đầy một tuần, chính quyền địa phương thấy để cô ở gần Quán Ngang – Gần đường một quá, e không an toàn, bèn chuyển tới nhà ông Nguyễn Em xóm Cát - Gio Linh. Đây là khu dân cư thưa thớt, toàn những gia đình chí cốt với cách mạng, từ phía trong mới chuyển ra. Nhà cửa chỉ là những mái tranh đơn sơ, dựng tạm trên giải đất bạt ngàn cỏ gianh, ngổn ngang đất đá do đạn xới, bom cày. Tuy vậy, tình người lại nồng thắm, lòng người luôn mở rộng, cứ xoắn xuýt đan bện với nhau như rễ cây, như mạch nước giữa núi rừng.

Vừa đặt chân tới đầu ngõ, cô giáo Nga đã được cả nhà ông Nguyễn Em đón nhận như người thân đi xa mới trở về. Bữa cơm, bữa cháo, cái bắp, củ mì… lập tức được san sẻ. Có những ngày hết gạo, cả nhà phải tìm kiếm rau lang, rau tàu bay, ốc luộc… trừ bữa, nhưng tiếng nói, tiếng cười lúc nào cũng râm ran, đầm ấm. Ông bà Em suốt ngày tay cuốc, tay súng vừa làm nương, vừa tham gia giữ đất khu giải phóng. Cô Nga và lũ trẻ thì đêm đêm cũng tay phấn, tay bút mài miệt với con chữ dưới ánh trăng, dưới pháo sáng đèn dù. Trong lớp học, nửa là hầm hào, nửa là mái lán, tiếng trẻ thơ bi bô đánh vần, tiếng người lớn ê a tập đọc, khiến cho cả một vùng "đất chết" bao năm, nay bỗng nhiên hồi sinh, bừng sáng.

Sau mỗi ngày, chủ nhà còng lưng trên nương, cô giáo cặm cụi dưới lớp, đêm về, má Em thường ôm Nga vào lòng thủ thỉ:

- Nga này! Con vào trong ni với ba má, cứ coi như ở ngoài nớ với bố mẹ. Đừng câu nệ gì. Phải giữ sức khỏe mới đem được cái chữ của Bác Hồ đến với dân làng. Từ nay con không phải lên rẫy. Việc đó là của ba má. Lo cái chữ cho tụi nhóc đã quá sức con rồi. Ăn uống thì kham khổ. Thời tiết thì khắc nghiệt. Đất đai nhan nhản bom mìn. Máy bay tàu bò cứ như ruồi, như nhặng… Con mới vào chưa quen đường tránh đâu. Má hãi lắm…

Nghe má nói, Nga vô cùng xúc động. Hồi lâu cô mới cất thành lời:

- Má ơi! Má đừng lo. Con cũng được ba và các em chỉ bảo kỹ lưỡng rồi. Con chỉ mong ba má khỏe để chúng con yên tâm công tác. Mấy đứa nhà mình tiếp thu tốt lắm má ạ. À … mà con nghe các em nói: Nhà mình vừa qua cũng nuôi dưỡng nhiều bộ đội lắm phải không má?

- Ừ ! Cả trong nhà lẫn ngoài địa đạo có tới mấy chục thằng ấy.

- Có người miền Bắc không ạ?

- Ở phía giáp ranh này, hầu hết là người Bắc.

- Có ai ở Thái Bình không má? Con có chú em họ đi Nam đã lâu…

- Nhiều. Thái Bình thì nhiều, nhưng má chỉ nhớ có thằng Toán đặc công, đang ở trên Đông Hà ấy. Chiều qua nó tạt về thăm ba má đó…

- Thế ạ. Má có biết anh ấy ở huyện, xã nào không?

- Má không để ý huyện, xã nhưng nghe nói con ở Thái Bình, nó cũng hỏi như con vậy. Má thực vô tâm. Tụi bay đi xa, tìm ra đồng hương thì mừng lắm chứ gì?

- Vâng! Má ơi! Thế liệu anh ấy có còn trở lại đây nữa không?

- Nó về luôn đấy, thường là vào tối chủ nhật. Bộ đội, đứa nào cũng nghĩa tình, chúng cứ như con đẻ, không xa ba má được lâu đâu.

Từ hôm ấy, tự nhiên Nga cứ thấp thỏm mong đến chủ nhật. Nhưng chủ nhật đến, cô lại phải đi thăm học sinh mãi khuya mới về. Trên đường gần tới nhà, Nga bỗng thấy từ xa có tiếng ùng, ình. Rồi một trái pháo xoèn xoẹt ngay trên đầu. Hoảng hốt, cô lao xuống cạnh đường đi. Quả pháo nổ. Bùn đất bắn tung lấp kín người. Từ trong nhà bà Em, một anh bộ đội chạy ra. Biết có người bị vùi lấp, anh lao tới hối hả dùng tay moi đất. Dưới ánh trăng và ánh sáng đèn dù chập chờn, anh nhận ra đó là một phụ nữ còn trẻ, đã ngất xỉu. Không kịp suy nghĩ, anh xốc vội cô trên tay, đặt lên mặt đường, cởi áo của mình lau bùn đất trên đầu, trên mặt cho cô, nới khuy áo rồi làm hô hấp nhân tạo. Sau ít phút, cô gái tỉnh dần. Đôi mắt còn dính bùn hé mở, giọng run run:

- Có… có phải anh là… là anh Toán ở Thái Bình?...

Anh bộ đội sửng sốt:

- Sao cô biết tên tôi?

- Em có nghe má Em nói chuyện.

- Thế… cô cũng ở Thái Bình? Xã nào? Huyện nào? Có phải cô tên là… Nga?

- Vâng. Em ở xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương.

- Ố ồ! Thế thì tôi cũng ở đấy đấy. Có thật thế không? Sao người cùng xã mà ngày ở nhà không biết nhau nhỉ?

- Chắc là anh đi xa đã lâu. Em ở thôn Phú Ân ấy mà.

- Tôi ở thôn An Thái. Người đầu xã. Người cuối xã. Thảo nào không biết nhau là phải.

***

Sau cuộc tao ngộ kỳ khu này, Toán và Nga thân nhau rồi yêu nhau. Cô giáo và anh bộ đội, mỗi người hoạt động một lĩnh vực, nhưng cùng chung một phòng tuyến dọc Quảng Trị - Thừa Thiên. Ngày đêm họ chung lưng đấu cật, động viên tiếp sức cho nhau vượt qua dặm dài. Nga bảo: Tình yêu nơi "chảo lửa" của chúng em ngày ấy đầy gian nan, nhưng nhiều lúc cũng thật thơ mộng. Trong mưa bom bão đạn, vậy mà chẳng mấy ngày chúng em không hẹn nhau ra bờ suối tâm sự. Có lần vì máy bay ầm ào quá, anh Toán phải điểm xạ mấy phát AK để gọi em. Bây giờ nghĩ lại buồn cười lắm.

Bờ suối chỗ hẹn gặp, có một cây gỗ nằm xoài ra, ôm kín cả một hốc đá ăn sâu vào doi cát. Mỗi lần trăng lên, cảnh nơi đây hiện ra như vẽ. Ngồi trên cành cây ngắm trăng, đung đưa đôi chân, trò chuyện, nên thơ lắm. Những lúc ấy, chúng em quên hết mọi gian lao, nguy hiểm trên đời. Mỗi khi có tiếng máy bay hoặc tiếng gầm gừ của pháo hạm, chúng em lại tụt xuống ẩn vào hốc đá. Ngồi trong "công sự tình yêu", hai đứa thản nhiên trò chuyện tâm tình. Mặc xác những kẻ điên rồ cứ việc lồng lộn để mà rồ điên!

Anh Toán kể rằng: chính cái hốc đá này đây,  ngày đánh đôộng Ông Do, anh đã ẩn nấp để chờ lệnh nổ súng. Bất ngờ có một toán địch đi qua. Mỗi bước chân chúng đạp lên cành cây, cành cây lại đập xuống trán đến tóe máu. Tức quá, chỉ muốn nháy cò, nhưng chưa có lệnh, đành phải cắn răng mà chịu, thành ra trán anh sau này chi chít những vết sẹo dọc ngang.

Nghe chuyện kể về người lính, lòng em xúc động vô cùng. Tình yêu của chúng em càng thêm nồng thắm. Song ngày ấy, hình như tình yêu luôn có "ngưỡng". Yêu lắm, thương lắm nhưng không bao giờ buông xuôi để tình yêu dạt trôi về chốn không bờ. Anh Toán bảo: "Tình yêu như bát nước đầy" phải dành dụm, phải chắt chiu. Chúng em hứa với nhau: Dù thời gian có dài, dù chông gai có lắm, hai đứa quyết giữ trọn mối tình son sắt, trắng trong. Son sắt, trắng trong như chính mảnh đất Quảng Trị đau thương này với non sông đất nước. Bao giờ cuộc chiến tạm ổn mới làm lễ cưới.

Hứa vậy. Chúng em đã làm như vậy. Đúng đến tháng 8 năm 1973 khi hiệp định Paris đã thực sự có hiệu lực, chúng em mới xin phép về quê tổ chức lễ thành hôn. Khỏi phải nói, gia đình - quê đẻ ở Thái Bình - quê nuôi ở Quảng Trị và vợ chồng em vui sướng biết chừng nào. Thật không ngờ, tình yêu của chúng em lại thực sự bắt nguồn và kết gắn trọn đời với tình yêu quê hương đất nước, với mảnh đất Quảng Trị yêu thương.

Tổ chức xong, chúng em lại trở vào mặt trận. Anh Toán ở tỉnh đội Quảng Trị. Em tiếp tục đứng lớp ở Hải Thọ - Hải Lăng. Trong 10 năm, chúng em sinh được 4 cháu. Để kỷ niệm một đời gắn bó bằng máu xương với Miền Nam, với Quảng Trị anh hùng. Chúng em đặt tên cháu đầu lòng là Bùi Văn Đông, cháu thứ hai là Bùi Thị Hà. Mỗi lần ôm Đông - Hà vào lòng, chúng em lại nhớ về miền đất yêu thương, một thời đầy gian lao mà anh dũng. Miền đất ấy, anh Toán đã gửi lại một con mắt vì mảnh mìn, một mảng mông vì trái phá. Bốn đứa con, ba cháu tạm ổn, nhưng cháu út là Bùi Ngọc Nam năm nay tròn ba mươi tuổi, vì chất độc da cam mà suốt ngày phải khóa trái trong nhà, phải phục vụ như một đứa trẻ! Anh Toán vì thương tật và chất độc hóa học nên sớm phải từ giã vợ con!...

Mất mát là vậy, nhưng đôi lúc cũng có chút được đắp bù. Đó là giờ đây, thi thoảng em vẫn nhận được những cuộc điện của học sinh cũ quê Quảng Trị - công tác ở nước ngoài hoặc nhiều nơi trong nước gọi về, động viên, thăm hỏi. Có em gửi cả quà, viết cả thư đầy tình nghĩa… Mỗi lần đọc thư, kỷ niệm cũ lại ùa về.

Rồi những lần thăm lại chiến trường xưa, thấy đất nước, quê hương - nơi "chảo lửa" ngày nào bị bom đạn tàn khốc, nay xanh tươi, rực rỡ đến bất ngờ, lòng cứ nôn nao, bồi hồi muốn khóc.

Lặng đi một lúc, bỗng Nga ngước mắt nhìn tôi:

- Thời chiến tranh, chắc bác cũng là một người lính?

- Vâng. Tôi vừa là đồng đội của anh Toán, vừa là đồng đội của cô đấy, cũng một thời chúng ta tay cầm súng xua đuổi chiến tranh, tay cầm phấn mà gõ đầu trẻ!...                          

Nga cười:

- Thế thì chắc là bác dễ cảm thông với chúng em. Em luôn nghĩ rằng: So với xã hội, chúng ta còn thiếu thốn nhiều, nhưng nói về cuộc đời thì như thế là tạm đủ. Bây giờ, em chỉ có một ước mong…

- Cô giáo ước mong gì?

- Em chỉ ước mong: mọi người cứ sống với nhau như những ngày còn gian khổ. Đừng ai quên quá khứ. Thế giới không có chiến tranh. Nước lớn không ăn hiếp nước nhỏ. Đứa con út của chúng em khỏi bệnh tật… Nghe nói: người Mỹ nhân đạo và giỏi khoa học lắm, liệu mai đây họ có tẩy rửa hết được chất độc trong con người không hả bác?!

                                                             N.V.T


 

 

Nguyễn Văn Thục
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 227 tháng 08/2013

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground