Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trời Điện Biên mây trắng

L

ần này Hội Nhạc ra quân sớm, cuộc đổ bộ của các anh xuống Điện Biện thật hùng hậu, có tất cả mười hai người, Sài Gòn ra một lúc bảy người. Toàn những nhân vật cự phách tên tuổi lẫy lừng, dẫn đầu là hai ông Hồng Đăng và Tôn Thật Lập, trẻ nhất là Từ Huy và Nguyễn Văn Hiên, già nhất là hai ông Phan Huỳnh Điểu và Huy Du. Đi chuyến này về là qua Tết Giáp Thân, tôi được biết anh em trong Sài Gòn sẽ tổ chức mừng thọ cho ông Phan Huy Điểu bước sang tuổi tám mươi. Vậy là ông Phan còn hơn ông Huy Du vài tuổi.

Thời gian không nhiều, đoàn dành ngày đầu để viếng nghĩa trang, thăm đồi A1, thăm hầm Đờ Cát, sau đó vào Mường Phăng. Hôm sau đến thăm Ủy ban tỉnh, Ủy ban thành phố, buổi tối có liên hoan lửa trại với bà con bản Ten. Đây là một buổi giao lưu nhiều ấn tượng. Chủ khách đều hát và cầm tay nhau nhảy múa. Có anh cán bộ văn hóa huyện cầm micrô hát đầy tự tin, giọng vang lắm. Lại hát đúng vào hai bài của nhạc sĩ già cho nên các ông xúc động muốn chảy nước mắt. Đẹp không thể tả nỗi là các cô gái bản Ten, váy Thái lộng lẫy, nom cô nào cũng như thể tiên sa xuống trần. Tôi nghiệm ra là các nhạc sĩ họ có ma lực riêng không ai bì dược, giữa đám đông chỉ vừa nhìn thấy, vừa nghe thấy, thế là tất cả đã reo lên, đã ùa tới đầy tin cậy và quý mến. Nghĩ bụng từ nay khôn thì cứ bám theo các ông ấy mà đi. Khi chủ khách được giới thiệu để làm quen với nhau, nhạc sĩ Văn Dung có nhã ý nói tôi là nhà văn Đỗ Chu đến hai ba lần mà xem chừng mọi người vẫn thờ ơ thế nào ấy, có một anh bắt tay tôi rất chặt, nói là đã đọc tiểu thuyết của tôi, cuốn Bão biển. Tôi không dám nhận xằng nên nói đây là tiểu thuyết của ông Chu Văn. Lại còn một cô nữa cũng đẹp lắm, lúc ăn cơm từ mâm bên cạnh cầm bát rượu sang bắt tôi phải uống một nửa bát, hứa uống xong sẽ bàn với tôi một chuyện rất hay. Tôi hỏi chuyện gì, cô ấy nói cô ấy là cô giáo, đã đọc nhiều sách của tôi, rất may mắn hôm nay được gặp tác giả. Tôi không uống được rượu, nhưng vui thế này thì phải uống thôi. Tôi nhắm mắt uống liền. Lúc đón lấy nửa bát rượu còn lại, cô dịu cười: “Mai anh mời em tới trường em nói chuyện, em cho trường nghỉ một buổi, chẳng mấy khi anh lên trên này. Em là hiệu trưởng đã có mười năm giảng dạy văn học”. Cô ấy vươn cái cổ rất thon thả lên, uống cạn, rất ân cần cô đưa tay bắt tay tôi, gật đầu chào: “Sáng mai em cho người đến đón anh, tạm biệt nhà văn Chu Lai nhé!”. Tôi thấy tủi thân quá, mới nghĩ không khéo lần này về cũng phải chịu khó quay ra học lấy vài nốt nhạc thử sức xem sao. Nhưng lại nghĩ, ở đời, không phải thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào.

Tôi được xếp ngủ chung một buồng với anh Huy Du. Lúc sắp tắt đèn thì anh Văn Dung lại hiện ra ở khung cửa sổ, nhân danh người tổ chức chuyến đi này, anh kể ơn với tôi: “Hôm qua ở Mường Phăng cậu đã được chụp ảnh với anh Phan Huỳnh Điểu trước hầm Đại tướng rồi, giờ tôi xếp cậu ngủ với anh Huy Du, cũng là một nhạc sĩ lớn, chỉ nhắc cậu trong khi ngủ vẫn phải có ý quan tâm đến người già, thấy ông ấy ngáy đều đều thì yên tâm, thấy không ngáy thì phải bò dậy lay nhẹ xem sao”. Tôi vâng, rồi trùm chăn kín mặt. Lần này tôi lên Điện Biên vì hai nhẽ, một là trong đời tôi nếu chưa được một lần đặt chân lên mảnh đất lịch sử này thì khéo chết cũng chưa yên, từ tấm bé tôi đã mong có một lần được đến đây để lòng thành thắp một nén hương cùng các liệt sĩ được ông Tổng giám đốc Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đích danh mời lên đây thì tôi vội vàng bám theo ngay. Tiền không một đồng trong túi, quần áo phong phanh, đến cái khăn mặt cũng không mang theo. Người ta còn dám chết cả ngàn cả vạn ở chốn này thì mình lo gì.

Chúng tôi làm những vị khách đầu tiên mở màn cho hàng trăm chuyến khách mà Hàng không sắp mời. Qua tết sẽ là một chiến dịch hành hương về Điện Biên.

- Anh Huy Du đang ngáy đều đều bỗng im bặt. Tôi vội lật chăn ngồi dậy, khẽ hỏi:

- Anh Huy Du thức hay ngủ?

- Mình ngủ. Chu vẫn chưa ngủ cơ à, thế thì mình cũng thức luôn.

Hai anh em bật đèn cho sáng trưng lên rồi ngồi hút thuốc. Anh than vãn chuyện lúc sắp lên xe thì Nhung vợ anh còn chạy theo bắt phải ôm cái áo khoác, lên trên ấy là rét phải biết, vậy mà Điện Biên lại ấm, thế mới dở. Gần tám mươi rồi, ôm cái áo nặng như cái cùm, đi một bước oán vợ một bước. Tôi bảo vẫn còn là rất may, mới chỉ phải ôm theo cái áo chứ cái bà la sát ấy mà nổi máu đòi đi theo chuyến này thì đó mới thật là một cái họa.

Anh Huy Du cười rất hiền, nhìn ra ngoài cửa rất lâu, nghĩ vẩn vơ rất lâu. Ngoài trời sương mù u uẩn, sương mù đặc như khói súng.

Mình không được lên đánh Điện Biên, lúc đó mình đang ở đoàn Đồng Bằng, ở lại cầm chân địch. Sau hòa bình thì qua Trung Quốc học, cùng đi một chuyến với Hoàng Vân. Hoàng Vân và Đỗ Nhuận mới là dân đánh Điện Biên, từ đây bước ra là đã có Hò kéo pháo, Trên đồi Him Lam, Hành quân xa, Giải phóng Điện Biên. Đúng là một thời kỳ trưởng thành toàn diện, nhờ có hào khí Điện Biên mà âm nhạc nghệ thuật nói chung lớn lên nhiều lắm. Đó là một thời kỳ đất nước đã tìm được tổng lực, nhìn vào đâu cũng đầy hứng khởi, ngay trong quan hệ quốc tế cũng vậy. Lịch sử ngoại giao của nước nhà nói riêng, với Trung Quốc thì cả ngàn năm cho đến khi ấy mới là một thời kỳ có thể được xem là quan hệ hai nước đã đạt đến một tầm mẫu mực nhất. Rất trong sáng, rất bình đẳng và trung thực. Cho nên ra nước ngoài, đi đến đâu cũng thấy người  ta vẫy cờ đỏ sao vàng “Hồ Chí Minh, Giáp, Giáp” lài cũng có cái lý của nó.

Mười năm sau Điện Biên mình mới ngồi viết Bế Văn Đàn sống mãi, đấy là muốn mang ngọn lửa Điện Biên, thắp sáng ngọn lửa Điện Biên để bước vào những trận đánh sắp tới, Quân đội lại ra trận, lại lên đường và Điện Biên phải được hiểu rộng hơn là một trận đánh, một chiến dịch. Tầm vóc của nó vượt ra khỏi khuôn khổ đó rất nhiều, ý nghĩa của nó cũng lớn lao hơn thế rất nhiều, sức vang vọng, sức thúc đẩy, sức chuyển động của nó là rất mạnh và có ý nghĩa rất xa. Tài tình, thần tình là Điện Biên. Cái đêm quân ta rút qua gầm cầu vượt sông Hồng, cái đêm Hà Nội cháy ngập trời bọn mình kéo lên Trung Hà, cứ hẹn với nhau sẽ có một ngày trở lại, nhưng kỳ thực có thằng nào đã mường tượng nổi sự trở về nó ra làm sao. Không ai ngờ được muốn trở về còn phải kéo nhau lên làm một trận thừa chết thiếu sống ở cánh đồng này. Rất nhiều bạn bè của tôi đã nằm lại đấy, trong đoàn kéo về Thủ đô không có chúng nó. Tôi đã ôm mặt khóc mặc dù vẫn biết nếu không thế thì cũng chẳng có ngày về như đã hẹn… theo thiển ý của mình và có lẽ cũng là của mọi người kể cả những người đã ra đi từ ngày ấy, cách tổ chức kỷ niệm Điện Biên tốt nhất chưa phải là chiêng trống mít tinh, mà nó phải là một cuộc vận động thật sự trong toàn Đảng, toàng Dân, phải làm thế nào để bật dậy, để đất nước một lần nữa tìm được tổng lực, không tìm lại được tổng lực thì có đến mười Điện Biên cũng xin vái các ông. Cái cần nhất để làm nổi việc này là đòi hỏi phải nhiều dũng cảm, nhiều trung thực và phải có một tầm nhìn rất chiến lược.

Hóa ra để xứng đáng với Điện Biên, để xứng đáng với những người đã nằm xuống cho chúng ta có ngày hôm nay lại là một việc không dễ dàng, nó là một thách thức của lịch sử.

Cái năm đầu tiên miền Bắc bước vào chiến tranh phá hoại, có lần tôi nhận nhiệm vụ ngồi lên một chiếc xe “Gát” kéo khẩu pháo 37 ly của tiểu đội Tô Vĩnh Diện, tay ôm một cái hộp gỗ bên trong là tấm áo trấn thủ của Tô Vĩnh Diện đi xuống gửi ở chùa Láng. Khẩu pháo được đẩy vào nằm dưới mái tam quan, con cái hộp gỗ thì mang vào đưa tận tay sư cụ trong chùa. Sư cụ trong chùa là một sư bà. Vừa trông thấy tôi bà đã mỉm cười: “Nhanh thế, vừa ban sáng có ông chỉ huy tới nói nhờ nhà chùa, thế mà chiều đã cho cậu mang đến rồi. Đem đây cho tôi xem”.

Bà mở hộp gỗ ra, cầm chiếc áo trấn thủ rách bươm lên tay ngắm nghía một lát rồi kéo tôi lại gần, ướm thử nó vào ngực tôi. Bà khen: “vừa vặn, chắc là ông ấy cũng gày gày nhang nhác như cậu”.

Tính đến này đã là bốn chục năm rồi, tôi cũng chẳng rõ khẩu pháo ấy, chiếc áo ấy giờ đang nằm ở nhà bảo tàng nào, chỉ nghĩ nếu hôm nay ướm thử một lần nữa chiếc áo ấy vào tôi thì liệu nó có vừa vặn được nữa hay không. Cái áo vẫn là cái áo năm xưa, nhưng người thì e rằng đã khác đi nhiều, sức vóc mà teo tóp đi ắt là phải rộng, còn nếu béo phình ra ắt phải chật. Đằng nào cũng là không còn vừa được nữa.

Ngày Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam quyết định thay cái nhãn con cò bằng bông sen đã có người lấy làm tiếc, bảo cò đẹp chứ sao, con cò bay lả bay la, rất đậm đà màu sắc dân tộc, lại có người muốn bênh nên cãi, làm ăn kinh tế là phải xem trọng thương hiệu, trong thương hiệu là phải biết tìm cái nhãn hiệu sao cho thật thích đáng.Con cò tưởng vậy chứ cũng vẫn là lặn lội lam lũ, làm ăn mà thế hỏi bao giờ mới ngẩng mặt lên được. Phàm đã bay lên trời cần nhất là phải đảm bảo an toàn, còn có gì bình yên hơn là nơi đức phật đã tọa thiền, Ngài đã tọa trên một tòa sen, Ngài ngồi lên một đài sen mà vượt sông Hằng, bay qua ba vạn sáu ngàn thế giới trong chớp mắt cũng chỉ bằng một đài sen. Cho nên anh nào có sáng kiến chọn hoa sen làm nhãn cho hàng không là rất chuẩn, đây là trong tĩnh có động, trong động có tĩnh vậy.

Dạo ấy tôi đang khểnh ở nhà, bụng nghĩ chỉ có thằng này biết là ai đã có sáng kiến ấy và cũng biết là vì sao rồi.

Là ai thì có thể nói luôn, người thay con cò bằng hoa sen ắt phải là ông Tổng giám đốc Hàng không, là ông Nguyễn Xuân Hiển. Còn như vì sao chọn hoa sen thì đấy lại là một câu chuyện dài dài.

Mùa hạ năm ấy nước nhà đã thống nhất được vài năm, Sài Gòn đã rất vui, nhưng ở biên giới Tây Nam thì chưa ổn, bên kia biên giới trên đất bạn Campuchia lại càng chưa ổn, bên ấy đang là chiến tranh thật sự, đám Pôn Pốt hoành hành rất dữ. Một tối tôi ngồi nói chuyện với Nguyễn Xuân Hiển trong căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, lúc đó anh đang làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn vận tải 918. Đầu đường băng bên kia là hòa bình, còn đầu bên này là báo động cấp một, là sẵn sàng cất cánh, có lệnh là đi bất kể đêm ngày. Lúc đi chở súng chở đạn, chở gạo chở mắm, chở thư từ, chở thuốc men quân áo tăng võng, lúc về thì chỉ chở thương binh liệt  sĩ.

Hôm tôi đến Hiển cũng vừa bay từ mặt trận về. Nom anh buồn rười rượi, chập tối anh cho chú liên lạc tìm tôi, nói là đến uống trà. Anh cho biết có một chiếc trực thăng vừa bị bắn rơi, cả tổ bay bị Pôn Pốt bắt sống, chúng trói mỗi anh bằng một sợi dây thừng rồi kéo họ qua một đầm lầy ven Biển Hồ. Thoạt đầu anh em mình còn cố chạy, ai cũng ngoái cổ ngẩng mặt lên cao mà gọi, sau thì nằm sấp cả xuống bùn, chúng cứ kéo họ như thế cho đến ngang trưa. Ngồi trên máy bay nhìn xuống Hiển uất muốn tức thở, anh quát một cậu trong tổ lái tìm cho anh khẩu súng máy, nhưng anh quên chiếc máy bay anh đang ngồi là một chiếc vận tải thuần túy, bắn làm sao được. Anh đành lệnh cho tổ lái bay thêm một vòng nữa sau đó lấy độ cao trở về căn cứ. Nơi ấy sen súng mới nhiều làm sao, chúng mọc bát ngát khắp cánh đồng, đang là mùa hoa, sen nở trắng hồng, còn súng thì tím đỏ, đỏ như máu như lửa.

Giọng Hiển trầm sâu, ồ ồ trong cổ, anh thủng thẳng vừa kể vừa hút thuốc. Mấy lần giục chú liên lạc súc ấm pha trà, “làm thêm ấm nữa mày, cho thật đặc vào”.

Đó là một đêm không ngủ. Tang tảng sáng ngoài khung cửa hiện ra một sĩ quan dáng tầm thước, khỏe, một nụ cười chất phác rất dễ ần, khăn mặt bông vắt vai. Chúng tôi mời anh vào uống nước. Hiển cho biết đây là đồng chí Chủ nhiệm bay Trung đoàn. Ông có biết là ai đây không, anh hỏi lại tôi rồi không đợi tôi trả lời anh bảo, đây là người ném trái bom kết thúc cuộc chiến vừa qua đấy, Nguyễn Thành Trung của chúng ta đây. Sáng nay anh ấy có nhiệm vụ đưa một chuyến vận tải chở ba trăm đõ ong ra Bắc, ngoài ấy đang mùa hoa nhãn. Chúng tôi bắt đầu tập làm ăn từ năm ngoái, năm ngoái cũng đã chở thuê cho một Công ty ong, dọc đường bầy ong chui ra khỏi đõ, cả mấy tay trong tổ lái đều sưng vù cả mặt.

Chúng mình ước ao sớm được tham gia xây dựng ngành Hàng không dân dụng, chúng ta nhất định phải có một nền hàng không ngang tầm với các nước trong khu vực. Những cánh bay hiện đại, có mang hình những bông sen xòe sáu cánh, ông bảo đã Việt Nam chưa nào.

Tôi lặng im lắng nghe, vừa nghe vừa ngắm khuôn mặt anh. Một khuôn mặt thanh tú, còn mang đôi nét học trò, nhưng thoáng một chút lì lợm trong ánh mắt, trong cách hắng giọng. Tôi nghĩ, tay này không biết khóc, người này không ai dọa nỗi.

Mười năm về trước tôi đã có lần giáp mặt Hiển, giáp mặt mà vẫn không có dịp chuyện trò với nhau.

Đó là một sớm tinh mơ tôi còn đang nửa tỉnh nửa mê thì có người dựng dậy: “Đi ngay, lên ngay Hòa Lạc. Quân ta vừa lắp ráp xong một chiếc máy bay, hôm nay được lệnh cho bay thử. Cậu phải lên trên ấy để chứng kiến, bao giờ viết, viết thế nào thì chưa bàn, làm văn làm báo mà bạ trông thấy gì cũng tương bừa ra giấy là có ngày đi tù cả lũ”.

Một mệnh lệnh hơi lạ lùng, mà chuyến bay này nghe cũng lạ lùng. Chúng tôi ngồi chật cứng trong một chiếc xe đít vuông, tham mưu có, chính trị có, kỹ thuật hậu cần đều thấy có, chuyện trò rôm rả, háo hức như chính mình sắp được lên trời.

Chiếc máy bay vừa được lắp nằm đợi mọi người ở đầu đường băng dã chiến – một dải đất sét nện bên trên trải ghi mắt cáo. Tất cả được lệnh xếp hàng đứng ở phía đuôi máy bay. Một chốc thì có xe đưa hai chiến sĩ lái tới, cả hai đều gọn gàng trong trang phục bay. Họ chạy đến chào và bắt tay mấy ông chỉ huy, sau đó leo nhanh lên buồng lái. Lệnh xuất phát. Tiếng động cơ vang lừng, cánh quạt quay tít. Bụi cát quất vào mặt chúng tôi như có bão, chỉ một loáng không ai còn nhận ra ai. Chiếc máy bay lao thẳng về phía trước rồi bất thần khựng lại, rồi bất thần lại nhảy bồng lên như con ngựa hoang, sau đó thì rất bướng bỉnh, nó như muốn quay đầu lại, chúng tôi không còn nghe thấy tiếng động cơ nữa. Hóa ra việc bay thử là một quá trình, hôm ấy mới chỉ là chuyến đầu tiên, rồi về sau, đến một ngày nọ, chiếc máy bay ấy cũng đã cất nổi mình lên không trung, làm một vòng lượn tuyệt đẹp và khi tiếp đất tuy cũng vẫn còn có sự nhảy lồm cồm nhưng cũng đủ để chúng tôi thở phào nhẹ nhõm.

Chuyến bay thử được xem là thành công. Nhóm kỹ sư và thợ máy được khen là dám nghĩ dám làm, có ý chí tấn công. Hai phi công trẻ được khen là dũng cảm, có quyết tâm cao. Còn chiếc máy bay thử nghiệm được đặt tên là chiếc “Liên lạc I”, sự kiện này đã được ghi vào cuốn sử nội bộ, có lệnh giữ bí mật không tuyên truyền, mãi đến năm ngoái tôi mới nghe nói đã được phép cho công khai. Một trong hai người lái chuyến bay thử hôm ấy là Nguyễn Xuân Hiễn.

Hiển là con trai của một ông kỹ sư công chính thời thuộc Pháp, ông cụ tham gia hoạt động cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa, chín năm kháng chiến anh theo gia đình tản cư ra ngoài vùng tự do, đang là sinh viên năm thứ hai khoa sinh Đại học tổng hợp thì nhập ngũ, được cử đi học lái ở Liên Xô...

Trên đường về tôi ghé mắt nhòm vào cuốn sổ tay ghi chép của anh trợ lý tổ chức mà biết thế. Bụng nghĩ, thằng này sinh 1946, vậy là nó nằm trong một cái thùng để mẹ nó gánh vào Thanh Hóa, năm ấy nó mới lên một, là dân Hà Nội gốc thuộc dòng dõi trí thức, ăn rau má, ăn khoai lang, khoai môn từ thuở lọt lòng, vậy mà vẫn cứ cao lớn, dũng mãnh là nghĩa làm sao. Đêm 19 tháng 12 năm 1946 là một đêm cả đất nước lên đường làm một cuộc trường chinh không phải chỉ dài mười năm mà dài suốt ba chục năm. Không phải chúng ta chỉ đến Điện Biên mà sau đó chúng ta còn phải đi tiếp để đến Tết Mậu Thân 1968 đến Quảng Trị mùa hạ 1972, đến Tây Nguyên và đến Sài Gòn tháng Tư 1975. Tất cả đều đã được chuẩn bị một cách công phu, thầm lặng và thiên tài từ cái đêm ngụt trời lửa cháy đó. Hàng ngàn hàng vạn đứa trẻ ngồi trong những cái thùng theo gia đình chạy ra khỏi các cổng làng, các cửa ô để đi tới những vùng rừng thiêng nước độc, sốt rét và đói, sẽ có một ngày khoác chiếc áo trấn thủ của cha anh nằm lại ở Điện Biên, bước vào những trận đánh trên thực tế còn dữ dội khốc liệt hơn cả trăm lần Điện Biên. Đó là sự nổi giận lớn của cả một dân tộc đồng lòng đứng dậy đòi tự do độc lập, kiên quyết không chấp nhận  thói kiêu ngạo vô lối, cũng như sự nhẫn tâm hết sức lạ lùng khiến ta không thể mơ hồ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới.

* * *

Đời người nghĩ cũng lạ, ông Hiển khi vào trường Đại học là chắc mười mươi mình sẽ làm khoa học, nào ngờ có một ngày phải đâm đầu lao vào lửa trên đôi cánh máy bay. Càng không dám nghĩ mình sẽ còn có ngày hôm nay, làm Tổng Giám đốc Hãng Hàng không Quốc gia, cái chức ấy bảo quan trọng cũng không phải bảo chưa mấy quan trng cũng không phải. Bảo sướng cũng đúng mà bảo khổ cũng đâu có quá. Theo tôi là rất vất vả, rất hệ trọng. Nghiên cứu khoa học vốn là ước mơ từ nhỏ của ông, nhưng đời không chiều ông, đời không chiều ai cả. Cũng như cái thân tôi vậy, ở cái tuổi lên chín lên mười đã toan lấy vợ, tôi mê cô bé bên nhà hàng xóm với một tình cảm tưởng không gì gỡ ra nỗi, chỉ chực lớn lên là cưới nhau. Suốt ngày tôi quẩn quanh bên cô bé, được nó sai dắt trâu. Mỗi khi con trâu của nhà cô đang đi bỗng nhiên đứng lại, cô bé bặm môi quất roi vào mông nó mà nó vẫn cứ ì ra đấy thì cô liền kêu lên “Sắp ị rồi, sắp ị rồi”, vậy là tôi lập tức chạy bổ về nhà tìm cái gơ tre. Hai đứa hứng cái gơ vào đít con trâu, rồi xách đống phân ra đồng bón vào những gốc bầu gốc mướp. Đấy là ước mơ một đời của tôi, tôi chỉ có mỗi một mong ước ấy, suốt đời được thế, được giữ một chân theo em ra đồng bốc phân trâu bón vào những gốc bầu, gốc mướp, vậy mà cũng không xong. Loạn ly bèo dạt mây trôi làm mỗi đứa mỗi ngã, xa nhau là xa cả một đời, lấy vợ là lấy một người lạ hoắc ngoài thiên hạ, rồi cũng phải sinh con đẻ cái với người ta chứ còn biết xoay xở thế nào.

Một lần tôi mò về thăm quê, tìm đến nhà, biết vợ chồng cô nay đã thành ông thành bà, nội ngoại gần chục đứa cháu, năm sáu mặt con. Vậy mà cái thằng tôi thì vẫn cứ là một anh chàng đầu không mũ nón, guốc dép lộn xộn, trong lòng nghĩ ngợi vặt những chuyện viễn vông.

Tôi cứ suy tôi ra mà hiểu được nỗi lòng ông Nguyễn Xuân Hiển, ông đâu có phải là người ham muốn công danh địa vị, ln lên cầm súng đi đánh giặc, gặp việc gì thì làm việc ấy, đã đứng vào đội ngũ làm một người lính cấp trên gọi một tiếng là phải kêu to lên “Có”, không bao giờ được quên hai tiếng “Sẵn sằng”. Những việc to tát ở trên cao lại là việc của lãnh đạo, của những người chỉ huy, chỉ huy ở cấp thấp có việc của cấp thấp, cấp cao có việc của cấp cao, Trung ương Chính phủ có việc của Trung ương Chính phủ, phải nghĩ như thế để có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tôi tin, tôi đặt niềm tin vào sự rành mạch của lịch sử, nó biết giao khoán và cũng biển tính sổ, chẳng ai qua nổi. Chỉ có nhân dân là bao giờ cũng hào phóng nhận một trả mười, trả trăm trả nghìn. Có những việc tưởng nhàn, tưởng chỉ để mua vui như việc các nhạc sĩ làm bài hát chẳng hạn. Đấy là người đời có khi nghĩ vậy. Ông Hiển không nghĩ thế, ông thấy trong toàn bộ cuộc sống rộng lớn và phức tạp không thể xem việc nào là việc nhẹ nhàng, càng không có việc nào là việc tầm thường. Người xưa nói, “thóc gạo làm nên sự no ấm, âm nhạc làm nên sự sang trọng”. Một trong những thành tựu đáng ghi nhận nhất của thời đại chúng ta chính là âm nhạc cách mạng, nếu kỹ tính thì những bài hát hay chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Bài hát thì nhiều lắm, ít nhiều đều có đóng góp cho cuộc sống nhưng những bài hát hay thì bao giờ cũng hiếm và vì thế mà người ta cứ phải chờ đợi. Rồi lại còn phải biết hát nữa, không phải c có giọng hát hay là đã hát nổi. Thỉnh thoảng trong lúc vui lúc buồn bằng cái giọng ồm ồm khê khê của mình, ông cũng vẫn một mình khẽ gọi Sông Lô, sông Thao, nhớ đến Văn Cao, Đỗ Nhuận và bằng một tình yêu từ thuở nhỏ giờ đây ông vẫn biết quý trọng các văn nghệ sĩ. Đấy cũng chính là lý do ông Hiển đã quyết định mời đoàn nhạc sĩ mở đầu chiến dịch của ngành Hàng không phục vụ cho năm Điện Biên.

Buổi đón đoàn nhạc sĩ trở về, ông Hiển mở tiệc đứng ở ngay sân bay Nội Bài. Cũng là để chia tay nhau kịp về ăn Tết. Cầm chén rượu, ông Tổng giám đốc cứ đi đi lại lại, đứng trước người này một chút, đứng trước người kia một lúc, mãi cũng chẳng nói được câu nào. Không thấy có diễn văn, không thấy có đáp từ, cũng không một yêu cầu. Không thấy có diễn văn, không thấy có đáp từ, cũng không một yêu cầu, không một lời hứa. Đấy mới đúng là thân tình, là đã hiểu nhau lắm, là ai làm việc ấy, không cần nhiều lời, mọi việc rồi sẽ tốt đẹp, cũng như năm mới sắp đến phải là một năm tốt đẹp. Lại cũng như hôm ra máy bay ông Huy Du vẫn ôm khư khư cái áo khoác mấy hôm nay ông không có dịp sử dụng. Ông đứng tách ra một chỗ gần cửa sổ, nhìn vào khoảng không thăm thẳm những mây là mây, những nắng là nắng. Ông ghé vào tai tôi nói nhỏ, không có mây ở đâu đẹp bằng trên trời Điện Biên, cậu có thấy thế không. Trời Điện Biên thì làm sao, tôi hỏi lại. Trời Điện Biên mây trắng, tôi đã từng viết thế, trời Điện Biên mây trắng, gió lưng đèo chiến thắng... Cậu cứ đợi đấy, mình định lần này về phải tiếp tục viết nữa, cái vùng trời đất ấy mới bao la làm sao, gợi nhớ làm sao.

Còn tôi, tôi đang nhìn, đang tìm cái đám mây trắng mà Huy Du đã nhắc đến. Nó ở cuối trời hay ở ngay trên đầu, có lẽ đúng như anh nói, mây trắng bay theo gió triền miên. Năm Hiển chuyển ra nhận công tác ở khu vực này, anh chưa làm Tổng Giám đốc Hãng Hàng không mà là thay anh Thường làm Giám đốc sân bay Nội Bài, kiêm Tổng giám đốc các sân bay phía Bắc. Lúc by giờ nhà cửa, kho bãi, đường sá còn đang rất tạm bợ, là một khu doanh trại quân sự vừa từ chiến tranh bước ra. Mười mấy năm gắn bó ở chốn này, Hin đã cùng đồng đội, anh em vượt lên từng bước, cựa mình đứng dậy để đến hôm nay nơi này thành một sân cảng ngang tầm khu vực như các anh từng mơ ước. Nó đã đẹp lên nhiều, sầm uất lên nhiều. Và bn thân mỗi các anh cũng đã vững vàng hơn nhiều sau một quá trình tự đào tạo lại mình để theo kịp bước đi chung của đất nước trong thời kỳ mới. Tóc Hiển giờ đã bạc nhiều, thay anh trong vị trí phụ trách ở cụm cảng này giờ là anh Tiêu, một cán bộ tham mưu của quân chủng hồi chiến tranh. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cấp trên trực tiếp của Hiển hôm nào là anh Nhị, nay là anh Sâm, cả hai đều là anh hùng không quân, là những đồng chí của Hiển. Và có lẽ cũng chẳng còn lâu nữa, vài ba năm tới sẽ đến một ngày anh Hiển cũng lại như những người đã đi trước mình, ngồi vào bàn làm cái công việc bàn giao sứ mệnh của mình cho người kế nhiệm. Và chắc chắn họ cũng sẽ lại như anh rất xứng đáng trong cương vị mới. Điều đó đã trở thành một truyền thống rồi. Vậy thì phải nói như thế nào đây về mỗi người trong chúng ta, là tài giỏi hay chỉ rất bình tường, bảo là tài giỏi cũng được mà bảo bình thường cũng được. Nên hiểu thế mới phải. Mỗi người chúng ta đều có thể là một ví dụ đẹp trong một đội ngũ rất đẹp. Một ngày chúng ta đang sống là một ngày đầy ý nghĩa trong cuộc đời rất dài ý nghĩa. Chúng ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, mong sao đó không phải là một lời thề cửa miệng. Những năm khó khăn tôi đã có dịp nằm ở trong làng Thái Phù, nằm ở xóm Bắc Hạ, ở đầu Đông đầu Tây sân bay này cùng các anh, rất nhiều anh, hồi bấy giờ chúng ta còn nghèo đói lắm, cả quân và dân đều nghèo đói. Cùng với sự khang trang của khu cng hàng không Nội Bài, giờ đây các làng mạc trong vùng đi bên ngoài nom vào đã thấy giàu có lên nhiều. Tôi được biết các anh cũng đã làm cả mấy nghìn ngôi nhà tình nghĩa, nhưng tôi sợ ở những thôn xóm xa hơn một chút tình hình vẫn còn đang rất khốn khó, Sóc Sơn vẫn đang là một món nợ của ngành Hàng không nói riêng và của Hà Nội nói chúng. Về một phương diện nào đó mà nói, chúng ta đã giải phóng Hà Nội từ nửa thế kỷ nay rồi nhưng chưa hẳn đã vào được Hà Nội. Mấy hôm trước khi cùng các anh lên Điện Biên, lúc may bay lấy đà cất cánh, tôi nhìn đăm đăm qua khung cửa, trưa nay lúc trở về, máy bay hãm đà hạ cánh, tôi lại đăm đăm nhìn qua khung cửa. Tôi nhớ ở sau mé đồi đằng kia, trong một xóm nhỏ vẫn đang có một người chị năm nay đã ngoài bảy chục tuổi đời rồi. Chồng chị là liệt sĩ nằm lại trên Điện Biên, đứa con trai chị là liệt sĩ nằm lại ở Quảng Trị. Bây giờ chị không sống với chúng ta hỏi còn sống với ai. Cứ đợi đến tối mà nhìn sẽ rõ, nhà chị là một ngọn đèn dầu thấp thoáng hiện ra trong đêm dưới cánh bay của chúng ta.

Đ.C 

Đỗ Chu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 120 tháng 09/2004

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground