Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trọn đời duyên nợ với nhà nông

Tôi nói đến một người mà suốt cuộc đời âm thầm với việc làm ăn để tạo dựng cuộc sống gia đình giàu có, góp phần đắc lực giúp nông dân có thêm năng lực vươn lên trong kinh tế. Nhiều người gọi anh là một tỷ phú suốt đời duyên nợ với nhà nông. Anh sinh ra trên miền quê sỏi đá Mỹ Lộc, xã Vĩnh Chấp, thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Mảnh đất khó nghèo khắc nghiệt từ bao đời đã bồi đắp cho anh một ý chí vững vàng, rèn luyện cho anh một suy nghĩ mạnh dạn, cương quyết và táo bạo. Cuộc đời anh cũng như bao bạn bè trang lứa cùng thời, đã từng làm ở cơ quan nhà nước, vì ốm đau nên phải ra về theo chế độ 176. Anh không đầu hàng số phận, vẫn quyết chí vươn lên, để bây giờ trở thành ông chủ của một doanh nghiệp có tên là: Công ty TNHH một thành viên Xuân Tư,  ở ngay tại địa bàn thị trấn Hồ Xá. Chủ doanh nghiệp Đại lý cấp I Trung ương này chính là anh Phạm Đăng Tư. Nhiều nông dân trong và ngoài huyện thân thiết với anh, coi anh là người tri kỷ vì nâng đỡ họ một cách vô tư không hề tính toán thiệt hơn. Là chủ doanh nghiệp, nhưng trông anh giống như một nông dân tất bật với việc nhà, với mọi người, lúc thì chạy xe con giao dịch công việc với các công ty ở Trung ương, ở các tỉnh bạn, lúc thì ngồi trên xe tải mang hàng đến cho khách kịp thời theo yêu cầu. Anh rất ít có thời gian nghỉ ngơi. Anh vẫn vui vẻ nói rằng: Gắn bó với nông dân rất mệt nhưng rất vui. Nhà nông quý anh vì khoảng cách giữa một ông chủ với nông dân hầu như không có. Nhiều khi giao hàng xong, họ mời ly rượu chúc mừng thì ông chủ vẫn không chối từ, hòa đồng vui vẻ như anh em một nhà.
            Ai biết được nỗi niềm riêng của Phạm Đăng Tư từ khi ở trong biên chế nhà nước cho đến bây giờ với bao gian truân, khó nhọc? Anh sinh năm Nhâm Thìn 1952. Năm 21 tuổi, tức là năm 1973, anh thi đỗ vào trường Đại học nông nghiệp II Hà Bắc. Năm 1977, trường chuyển vào Huế. Tốt nghiệp ra trường, anh được phân công về Đoàn quy hoạch Trung ương đóng tại huyện Phú Lộc - tỉnh Bình Trị Thiên (nay là Thừa Thiên Huế). Ở Đoàn quy hoạch được hai năm, lại được điều về làm việc tại Phòng Nông nghiệp Phú Lộc sáu năm, đến năm 1986 lại điều ra Công ty Dịch vụ chăn nuôi Bến Hải (đóng tại Vĩnh Linh) làm trưởng phòng kế hoạch của công ty. Những tưởng cuộc đời suôn sẻ cứ thế đi lên, ai ngờ đến năm 1989, anh bị thủng dạ dày phải đi điều trị và đến năm 1992, công ty giải thể, anh phải về chế độ 176. Khi trở về, anh thấy cuộc sống vô cùng hẫng hụt. Bạn bè cùng trường, mỗi người bay nhảy một phương, anh rất khổ tâm và chán nản. Phải vững vàng lắm anh mới trụ vững và lấy nghề đã học, đã qua thực tế trải nghiệm để làm kế mưu sinh cho chặng đường tiếp theo. Là chuyên môn kỹ sư chăn nuôi thú y, anh đã làm đại lý thú y cấp I Trung ương. Chính tay nghề giỏi của anh đã tạo được niềm tin cho nông dân, người ta đến với đại lý của anh ngày càng đông và trở thành bạn hàng thân thiết lâu dài. Từ người này truyền sang người khác, đội ngũ khách hàng gắn bó với đại lý ngày một đông thêm, vượt ra khỏi địa bàn huyện.
            Từ hai bàn tay trắng, Phạm Đăng Tư trải qua một thời gian dài bươn chải mưu sinh bằng chính nghề nghiệp gắn liền với nông dân đã giúp anh đứng vững trên thương trường, làm cho anh say mê với cuộc sống. Nhờ dành dụm, tích cóp tiền của xây dựng gia đình, cùng vợ nuôi bốn đứa con ăn học thành đạt, đến năm 2005, anh xây dựng một ngôi nhà ba tầng ở ngay trung tâm thị trấn Hồ Xá với thời giá lúc đó là 1 tỷ 200 triệu đồng để chuẩn bị cơ sở cho việc thành lập công ty. Lúc bấy giờ, nhiều người đã cảm phục anh là một người có ý chí, không chịu bó tay trước cuộc đời nghiệt ngã. Anh tâm sự: Là con trai độc nhất của gia đình, bố mẹ không khỏe, vợ chồng anh đưa về ở chung, bảo bọc chu đáo. Để có thêm kinh tế, anh lập riêng một trang trại ở xã Vĩnh Chấp nuôi vịt, gà, cá, lợn. Thực ra, trang trại này ra đời để tạo niềm tin cho nông dân quê anh cùng làm trang trại trên cát bạc màu, ý tưởng của anh đã thành công. Nhiều trang trại ra đời giống như của anh. Mọi chi phí thuốc men, con giống, anh đưa về bán cho nông dân. Ai chưa có tiền anh cho nợ, khi xuất bán sản phẩm mới hoàn trả lại vốn nợ ban đầu. Nhiều trang trại và gia trại ở xã Vĩnh Chấp phát triển lên, cuộc sống người dân đổi mới có sự đóng góp đắc lực của anh Phạm Đăng Tư.
            Bước ngoặt lớn nhất sự phát triển kinh tế của chủ doanh nghiệp này là tháng 1 năm 2007, công ty TNHH một thành viên Xuân Tư ra đời. Với vốn điều lệ 2 tỷ đồng, chuyên kinh doanh thức ăn gia súc, thuốc thú y, con giống gia súc gia cầm (kể cả gà lương phượng Hà Tây, ngan Pháp, vịt siêu trứng). Công ty đã với tay đến các công ty của TW, của các tỉnh bạn để mang về các loại dịch vụ theo yêu cầu của khách từ huyện Vĩnh Linh ra đến tỉnh Quảng Bình. Ở đâu cũng thế, khi nông dân chưa có tiền, công ty đều cho nợ. Năm nào công ty cũng có số tiền nông dân nợ một tỷ đồng. Từ chỗ làm đại lý tại gia đình, khi thành lập công ty, Phạm Đăng Tư lấy gia đình làm văn phòng chính giao dịch, còn anh xây dựng tổng kho ở thôn Hòa Bình (xã Vĩnh Long) với diện tích 450 mét vuông, để có sức chứa 500 đến 700 tấn thức ăn gia súc, gia cầm, thuốc thú y. Công ty có một xe con và hai xe tải thường xuyên hoạt động trên mọi địa bàn. Tại công ty và trang trại ở Vĩnh Chấp có mười lao động làm việc quanh năm. Hàng năm, công ty có doanh thu từ mười bảy đến hai mươi tỷ đồng. Ngoài việc đầu tư sản xuất kinh doanh, anh nộp thuế nhà nước năm sau cao hơn năm trước, tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội. Anh Tư tâm sự: Khi công ty mới thành lập, tiếp theo là nạn dịch cúm gia cầm H5N1 xuất hiện, công ty đã ở vào giai đoạn khốn khổ. Mọi hoạt động kinh doanh bị chững lại, dở khóc dở cười. Cũng may là dịch cúm gia cầm H5N1 bị khống chế và đẩy lùi nên nông dân lại tìm đến công ty. Chưa hết, tiếp theo dịch cúm gia cầm thì đến cúm AH1N1 ở lợn lại bùng phát tại nhiều địa phương trong nước, gây nên cú sốc lớn cho nông dân cũng như các cơ sở làm dịch vụ chăn nuôi. Thời buổi cơ chế thị trường, đồng vốn gắn với sinh lời mà bị đóng băng thì quả thật tai hại cho sản xuất, kinh doanh. Công ty TNHH một thành viên Xuân Tư đã trải qua một thời lao đao như thế. Bởi ai có thể lường hết những gì có thể xảy ra trong chặng đường đi mà mình không hề muốn chút nào? Công ty kinh doanh không chạy, nông dân sản xuất không được, bên nào cũng thiệt hại. Nhưng với công ty của Phạm Đăng Tư phải chịu thiệt hại hơn cả vì tiền dân nợ không thể trả được, biết đòi vào đâu? Anh kể rằng: Những lúc ấy, ngoài việc nhà nước cấp thuốc về cho dân phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, chính công ty phải trực tiếp đến tận hộ dân để làm nhiệm vụ tiêm phòng, trực tiếp làm nhiệm vụ ngăn chặn dịch bệnh, những việc làm ấy bằng sự giúp đỡ vô tư, không hề tính công, vì đó là bạn hàng đắc lực của công ty. Cái nghề dịch vụ chăn nuôi thú y này nhiều khi phải thót tim do hoàn cảnh khách quan tạo ra. Nông dân sản xuất sinh lời thì công ty mới mong làm ăn có lãi...
            Tôi đã có lần theo Phạm Đăng Tư đến giao hàng cho khách ở vùng Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Khi ô tô đến, khách vây quanh hớn hở. Thức ăn gia súc từ ô tô được chuyển xuống xe kéo, xe hon da để đưa về hộ dân, một hộ nhận giùm vài hộ. Những hộ này chỉ ký vào cuốn sổ của chủ doanh nghiệp là xong. Chủ và khách đều tươi cười bắt tay chào tạm biệt nhau. Tôi hỏi anh Tư:
- Sao anh giao hàng đơn giản thế?
Anh bảo rằng: - Tất cả đều là khách quen. Họ đều ký nhận, trả sau. Hộ nào khó khăn thì nợ ròng cả năm trời cũng chẳng sao.
- Thế anh lấy hàng từ công ty TW về thì họ có cho nợ không?
Trả tiền sòng phẳng mới được nhận hàng chứ. Mình cho nông dân nợ là mình chịu lỗ riêng. Thôi thì cứ cho họ nợ, họ sẽ làm ăn nên, họ gắn bó với mình là thượng sách. Các “Thượng đế” này cũng không ai chạy làng đâu, lúc có là họ trả tiền luôn. Làm ăn với họ, quen rồi...
Nói vậy thôi, chứ làm ăn với ai chẳng tính toán. Nhìn bề ngoài cứ ngỡ người chủ doanh nghiệp này vô tư nhưng thực ra anh phải tính toán rất kỹ trong kinh doanh. Có những lúc chấp nhận chịu lỗ để giữ khách, sau đó tìm cách bù lại từ dịch vụ khác. Trong lúc nhiều đại lý chăn nuôi thú y ra đời, sự cạnh tranh rất dữ dội, nếu ai cứ chăm chăm vào lợi nhuận mà quên mất sự ưu ái với bạn hàng thì dễ bị chịu thiệt hại trong bước đường kinh doanh. Thế mới biết thời kinh tế thị trường, hai bên cùng có lợi mới đảm bảo sự phát triển chung một cách lâu dài, bền vững.
Tiếng tăm của công ty TNHH một thành viên Xuân Tư đã để lại lòng tin trong nông dân Vĩnh Linh. Thậm chí nông dân ở những xã xa thị trấn Hồ Xá, khi trâu, bò, lợn có hiện tượng bị bệnh là lại tìm đến Phạm Đăng Tư. Những cơ sở chăn nuôi có qui mô theo lối công nghiệp khép kín đều có bàn tay chăm sóc của ông chủ doanh nghiệp này. Và thực tế ở Vĩnh Linh, vùng nông thôn ở Quảng Bình nhiều năm qua không có cơ sở chăn nuôi nào xảy ra dịch bệnh cũng phải kể đến sự đóng góp của Phạm Đăng Tư. Trong lúc cơ sở bán thuốc thú y xuất hiện ngày càng nhiều nhưng khách hàng vẫn tìm đến công ty, không chỉ mua thuốc mà còn cậy nhờ cả việc tiêm phòng và bảo vệ đàn gia súc cho họ. Niềm vui công việc đã lôi cuốn và đặt cho công ty một trách nhiệm lớn đối với nông dân. Riêng ông chủ doanh nghiệp thì phấn khởi vì cái nghề mà anh phải xa rời lại được thịnh hành từ khi anh về lại quê hương. Trong suy nghĩ sâu xa, anh cảm ơn những nông dân chân chất, thật thà nơi đồng quê lam lũ, chân lấm tay bùn đã tạo cho anh ăn nên làm ra, ngày càng giàu có.
Căn bệnh dạ dày thỉnh thoảng vẫn hành hạ anh. Nhưng công việc hàng ngày dồn dập làm cho anh quên đi nỗi đau âm thầm của thể xác. Anh ít kể về đời tư và công việc làm ăn của mình. Riêng bí quyết các mối quan hệ làm ăn thì anh không nói. Thực ra, mọi bí quyết trong hoạt động kinh doanh được trả lời rất rõ ràng thông qua thực tế bạn hàng nông dân. Người ta sẽ có sự so sánh các loại dịch vụ chăn nuôi, thú y, các loại giống gia súc gia cầm của anh với những cơ sở khác, để rồi tin tưởng gắn bó với công ty do anh làm giám đốc, đó là hạnh phúc lớn của người làm kinh doanh trong nền kinh tế hàng hóa. Sống với nông dân, từng chia bùi sẻ ngọt, từng chứng kiến nổi gian lao vất vã của nhà nông, người chủ doanh nghiệp ấy thực sự hóa thân vào nông dân, cùng có chung nỗi vui buồn của họ. Khi nông dân làm ăn phát tài, có lãi, họ mời anh đến chung vui. Anh vô cùng cảm động vì các “Thượng đế” lúc ăn nên làm ra vẫn không quên đến một người bạn đồng hành, từng giúp họ vượt qua khó khăn. Những lúc ấy, người ta lại được nghe tiếng đàn, tiếng hát rất duyên dáng của anh; thì ra, trước đây, anh đã từng là người hát hay đàn giỏi ở xã cũng như ở cơ quan.
Anh nhẩm tính: Mười bốn năm năm tháng làm ở cơ quan nhà nước, củng nếm đủ gian khổ của thời bao cấp; hai mươi năm về lại quê hương, cũng làm nghề gắn với nhà nông như khi còn ở trong biên chế nhà nước. Hình như cái số của anh không rứt ra được với công việc nông dân. Anh giúp nông dân trong việc cung ứng các loại dịch vụ thuộc lĩnh vực chăn nuôi thú y, sẵn sàng cho họ nợ vốn khi mua hàng hóa của công ty. Và ngược lại, nông dân đã giúp công ty ngày càng phát triển, lớn mạnh thêm. Chính Phạm Đăng Tư thừa nhận rằng: Làm bạn với nhà nông trong kinh doanh dịch vụ nông nghiệp sẽ bảo đảm sự giàu có tuy chậm rãi nhưng vững chắc. Thực tế đã chứng minh cho mọi người thấy rõ điều đó mà chính anh là một dẫn chứng sinh động. Dự định về bước làm ăn tiếp theo của ông chủ này là duy trì dịch vụ ở chất lượng cao hơn, mở rộng thị trường, tăng lượng khách hàng để nắm giữ một thị phần nhất định trong kinh doanh. Công ty sẽ tạo ra thương hiệu trong lòng dân để nông dân tin tưởng, tự tìm đến, tự nguyện làm bạn hàng của công ty. Trong những năm làm bạn với nhà nông, Phạm Đăng Tư rút ra kết luận: Với nông dân, nếu làm mất lòng tin ở họ thì lấy lại không dễ chút nào. Để giữ niềm tin đó, ông chủ doanh nghiệp này kể từ lúc còn vất vả đến khi giàu có đều tình nghĩa keo sơn với người dân thật thà chân chất...
Trong cuộc đời, mỗi người đều chọn cho mình một công việc để tạo ra chổ đứng trong xã hội. Với Phạm Đăng Tư thì sự lựa chọn như là sự xếp đặt của số phận. Anh chấp nhận và biết phát huy nó để rồi yêu thích và gắn bó trọn đời, để rồi bạc tỷ, bạc triệu cứ sinh sôi qua năm tháng, để cho niềm vui được nhân lên trong lòng nhiều người. Ở Vĩnh Linh, có Nguyễn Thế Hoài rời thủ đô Mátxcơva hoa lệ từ Nga về quê hương xây dựng nhà máy chế biển mủ cao su ở một vùng gò đồi heo hút; có Phạm Đăng Tư lặng lẽ trọn đời gắn bó với nhà nông, bằng những hành động cưu mang, giúp đỡ họ vượt qua giai đoạn thiếu vốn để đầu tư cho sản xuất. Những con người ấy, những suy nghĩ và hành động như thế đã làm cho họ sáng lên trong lòng người, và làm đẹp thêm mùa xuân của đất trời tươi mới.
   L.N.H
Lê Nguyên Hồng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 184 tháng 01/2010

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

2 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground