Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trong âm vang Cồn Cỏ

Biển chiều khoe màu hoa tím/ Cồn Cỏ khoe màu hoa phong ba... Lời hát ngọt ngào thiết tha của một nam ca sĩ cất lên trong chương trình văn nghệ chào mừng Lễ công bố Nghị định 174/2004/NĐ-CP về thành lập huyện đảo Cồn Cỏ làm lòng tôi rưng rưng. Người bạn đồng nghiệp thấy tôi mắt ầng ậng nước, liền hỏi: "Em không vui?". "Sao lại không vui chứ!". Tôi nghĩ thế mà không trả lời anh, chỉ lắc đầu cười. Có lẽ anh sẽ chẳng bao giờ hiểu vì sao cô bạn gái hàng ngày gan góc, cứng cỏi là thế lại nước mắt lưng tròng... Còn tôi, tôi vui mừng biết bao, bởi tôi đã thực sự đặt chân lên hòn đảo mà trong tiềm thức của mình yêu quý hơn bao giờ hết. Vậy là lần thứ hai tôi ra đảo. Nói là lần thứ hai nhưng thực ra lần này tôi mới thực sự  bước chân lên đảo. Được đi vòng quanh đảo, ngắm nhìn những dãy nhà xây hồng tươi mái ngói, nghe tiếng trẻ con khóc đòi bú mẹ. Được trèo lên đỉnh đồi cao nhất có tên là đồi Hà Nội, nơi có tượng đài ghi dấu chiến công của lính đảo, thắp nén tâm nhang tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh. Dạo qua những Bến Nghè, Bến Tranh, bãi biển Hirôn đầy quyến rũ, ngắm nhìn những cây bàng quả vuông cao vút và hoa phong ba nở trắng giữa biển trời... Những người lính đảo đánh trần tưới những luống rau xanh mơn mởn, thực phẩm cho chế độ tự cung tự cấp của mình. Bao quanh bốn phía đảo là biển khơi rộn ràng sóng vỗ. Nhìn quang cảnh chung quanh tôi cứ ngỡ mình đang đứng ở đất liền, một góc thị xã hay một làng quê nào đó.
 

Chúng tôi những cô bé, cậu bé lớn lên ở những làng chài ven biển Vĩnh Linh. Mỗi buổi sớm mai men chân sóng đến trường, cùng nhau nhìn ra khơi xa, nơi đó, những ngày không có mù sương, đảo Cồn Cỏ nổi lên trên mặt nước như chiếc mai rùa khổng lồ mà reo hò, đùa nghịch nhau cho đến khi vào lớp. Trong trang giáo án bài giảng về lịch sử của cô giáo không có những trang dòng về Cồn Cỏ. Nhưng mỗi đứa trẻ chúng tôi đều tự hào và kiêu hãnh biết bao, bởi chúng tôi là những trẻ nhỏ đầu tiên được nhìn thấy đảo nhô lên mỗi buổi ban mai, được ngắm một phần đất thiêng liêng của quê hương giữa trùng khơi, nơi mà để có được như ngày hôm nay, những người ông, người cha, chú bác chúng tôi đã đổi máu xương và công sức, góp phần làm nên chiến thắng.

Bây giờ ngồi trên tàu cao tốc, những chiếc tàu đầy đủ tiện nghi của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Bộ đội Biên phòng ra đảo. Những chiếc tàu rẽ sóng nước băng băng chỉ chưa đầy tiếng đồng hồ đã ra tới đảo. Tôi cứ hình dung ra, ngày xưa giữa trùng khơi mịt mùng, những chiếc thuyền gỗ nhỏ bé chạy buồm và sức chèo lái đơn sơ là thế, chở hàng vạn tấn vũ khí, lương thực, vật dụng... tiếp tế ra đảo đủ cho bộ đội sống và chiến đấu để chiến thắng kẻ thù, mới thấy được sự dũng cảm vô song của cha anh mình. Ở khoảng cách từ bờ cát làng tôi ra đảo chỉ chưa đầy ba mươi cây số, nhưng lớp lớp ông cha chúng tôi phải đương đầu với biết bao những bất trắc, gian nguy. Để chở được ngàn ngàn tấn hàng ra đảo, mỗi dặm biển xanh thời đó được ví là một dặm máu, dặm lửa, dặm thép, dặm gan góc, dặm chiến công... Trong những dặm dài trùng khơi đó, gần hai trăm người con của quê hương tôi đã ngã xuống, thịt xương của cha anh chúng tôi đã hòa vào sóng biển để nước biển mặn hơn, xanh hơn, để đảo nhỏ Cồn Cỏ muôn đời hiên ngang giữa trùng khơi... Và anh trai tôi, anh Phước ơi, anh đang ở dặm biển nào giữa ngàn khơi xa xanh kia? Em đang ngồi trên một con tàu cao tốc ra đảo, anh hãy linh thiêng thay hình con sóng chồm lên mui tàu cho em được nói lời yêu thương của người em gái. Rằng anh hãy an tâm yên giấc ngàn thu. Làng quê mình đã thực sự  đổi thịt thay da. Thế hệ chúng em không còn cất lên những câu thơ xót xa của một làng quê biển cơ cực: Tôi là là người dân đất tuyến Vĩnh Linh/ Quê hương ơi gió thổi xác xơ cành/ Cơm bữa diếp nhắc đau lòng lắm nhé... như cứa vào lòng nữa anh à.

* * *

Còn nhớ những ngày, khi quê hương tôi sạch bóng quân thù, chú bác bà con quê tôi mỗi lần đi biển xa hai, ba ngày, đều ra ở lại trên đảo Cồn Cỏ. Cứ mỗi lần thuyền nối đuôi nhau vào bờ, chúng tôi lại ùa ra đón thuyền về, những khoang thuyền đầy ắp cá. Những chú cá đánh được ở vùng quanh đảo láng bóng, đủ sắc màu xanh đỏ tím vàng đẹp lắm, cha tôi gọi đó là "cá Mút". Mỗi lần như thế, mẹ thường làm sạch vảy, nấu một nồi cháo cá Mút thơm nức, béo ngậy... Rồi những chú cá Hồng, cá Ngừ to đùng được khiêng vào. Lũ trẻ chúng tôi thì được chia cho những quả chuối to bằng cổ tay, những quả đu đủ chín vàng hươm, và bí ngô thì nhiều vô kể, có những quả to bằng cái thúng. Bố bảo, những thứ đó được bộ đội ta trồng trong chiến tranh, giờ ít người dùng nên trở thành rừng. Mong ước được một lần ra đảo trong tôi càng lớn thêm lên.

Nhưng mãi cho đến những năm xong nghĩa vụ quân sự trở về, tôi mới thực hiện được ý định của mình. Tôi đưa ý nghĩ của mình nói với Bình. Bình đồng ý. Bình là bạn thân thời niên thiếu của tôi thời học trung học cơ sở, không có điều kiện học tiếp cậu ta ở nhà lao động sản xuất. Lúc đó, Bình đã là đội trưởng đội đánh cá. Tụi thanh niên bảo: - Ưu tiên TS.! Lần đầu tiên có con gái đi trên thuyền đội đánh cá đấy! Chả là quê hương tôi thường có tục kiêng kỵ phụ nữ đi biển mà.

Ngày đó, đội đánh cá lươi rê (đánh cá to) cơm đùm gạo bới từ hai giờ chiều, mỗi đội đánh cá gồm ba chiếc thuyền nối nhau, một thuyền chở máy nổ, một thuyền chở lưới và một thuyền để chở cá được nhiều. Công việc chuẩn bị xùng xình, mãi đến gần ba giờ mới nổ máy. Ba chiếc thuyền nối nhau chạy dần xa đất liền, bỏ lại làng quê một viền xanh đen thẫm. Mặt trời chuẩn bị nấp đằng sau dãy núi xa mờ, hắt những tia nắng chiều xuống mặt nước thành một màu chiều tím loang rộng ra mãi trên mặt biển. Bây giờ, khi cậu ca sĩ cất lời hát "Biển chiều khoe màu hoa tím" thì tôi lại hình dung màu tím loang trên biển chiều khi xưa và bâng khuâng nhớ về cái thời thơ bé. Và cho đến lúc đêm dần buông xuống rồi tối hẳn, tôi lại được ngắm đèn đánh cá đèn của bà con thuyền chài giăng thành hàng sáng trưng như một thành phố nổi, đẹp vô cùng. Tiếng cười đùa và chuyện phiếm của tụi thanh niên vang cả một vùng trời nước, làm tôi thấy bớt đi sự nhỏ bé đến vô cùng của con người trước biển cả bao la... Thuyền chúng tôi chạy xa dần đến vùng biển quanh đảo. Nhưng thật buồn, lần đó, tôi không được lên đảo vì gặp phải gió "Đông ngang", Bình bảo tôi thế. Thuyền chỉ chạy quanh đảo mà không lên được đảo. Tôi chỉ biết ngắm một vầng tối khổng lồ giữa biển khơi, nơi mà trong đất liền nhìn ra chúng tôi đứa thì đoán là mai rùa, đứa thì bảo giống một người khổng lồ đang ngủ trên sóng... Nhưng dù sao tôi cũng hơn lũ bạn gái trong làng cùng trang lứa đã ra tận mép đảo, giữa một đêm trời sao mênh mông. Công việc đánh cá bận rộn, tụi con trai không còn thời gian trò chuyện với tôi nữa, sợ quá tôi chui vào khoang thuyền đánh một giấc đến sáng.

Bây giờ đây, sau khi tham dự lễ công bố Nghị định của Chính phủ về thành lập huyện đảo xong, dù buổi trưa nắng nóng, ngắn ngủi, tôi cũng đã được anh Trưởng, trưởng phòng KT-XH huyện đảo dẫn sâu vào giữa đảo, được sờ tận tay gốc mù u sần sùi vài người ôm mới xuể, to hơn cả những cây bàng quả vuông trước những dãy nhà tạm của ủy ban nhân dân huyện đảo. Rồi tôi lội xuống một đoạn giao thông hào khuất dưới những lùm cây, những khúc giao thông hào thoáng đãng, sạch sẽ. Tôi được biết, để giữ được hệ thống giao thông hào này, chiến sĩ đảo bộ hàng ngày thay phiên nhau quét dọn lá cây, chăm chút từng tí một. Tôi cứ đi như thế trong miên man niềm tự hào vì tôi là người con của quê hương đất tuyến Vĩnh Linh giờ mới được đặt chân lên đảo, dù phía sau anh lính giữ đảo nào đó khuyên "chị đừng vào sâu, nhiều rắn lục lắm đó, rắn lục đuôi đỏ cắn chết người đấy". Tôi chẳng sợ, chỉ nghĩ rồi đây khi huyện Đảo phát triển thành Đảo Du lịch thì hệ thống giao thông hào này sẽ trở thành một trong những điều thú vị nhất về du lịch sinh thái cho khách tham quan. Từng nhóm người một, sẽ về dưới hào, nổi bếp Hoàng Cầm để hình dung lại cái thời gian khổ và hy sinh của bộ đội ta...

Tôi cũng được lên xe công nông đi vòng quanh đảo. Con đường nhựa rộng năm mét, dài bảy cây số được xây dựng từ năm 1994, đây là con đường quốc phòng duy nhất trên đảo, xinh xắn, đen nhánh chạy vòng quanh đảo, cho tôi "mục sở thị" bao quát được toàn bộ cảnh trời mây non nước của đảo. Rồi đây, khi huyện đảo phát triển trở thành một huyện "Đảo Du lịch - Đảo Văn hóa" như trong Nghị quyết lần thứ nhất của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Đảo thì con đường này sẽ là con đường du lịch sinh thái lý tưởng nhất cho khách tham quan. Chỉ cần một cơ số xe đạp địa hình, khách du lịch sẽ leo lên xe, đạp vòng quanh đảo, ngắm hoa phong ba nở trắng rừng, cùng nhau xuống tham quan hệ thống giao thông hào, những ụ sóng quân sự vươn cao nòng vừa để tránh nắng, vừa hồi ức lại một thời máu lửa đã qua. Hay vòng xuống bãi biển Hiron mà ngắm biển trời non nước, ngắm những con sóng vỗ ập vào bờ đá tung bọt trắng xóa trong tâm sự ngàn đời của chúng, nhặt những vỏ sò vỏ điệp làm quà kỷ niệm, cùng nằm dài trên bãi cát, vào giữa rừng tràm hoa vàng mà đốt lửa trại nấu cơm, lên đỉnh Hà Nội cao nhất đảo, thắp hương lên tượng đài kỷ niệm những chiến sĩ giữ Đảo đã ngã xuống để Cồn Cỏ có ngày hôm nay.

Ở trên đảo có rất nhiều địa danh nào là Đồi Si, cao điểm Hải Phòng, đồi Đá Đen, chốt Triệu Hải, bến Hà Đông,... đó chính là những cái tên thân thương được bộ đội đặt cho những vị trí chốt mà mỗi người con trên mọi miền đất nước đã ngã xuống trong cuộc chiền đấu giữ đảo. Anh Nguyễn Thế Cảm - Đảo phó của Đảo bộ Cồn Cỏ kể cho tôi nghe về những thành quả mà cán bộ chiến sĩ giữ đảo đã làm được trong nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Để giữ bình yên biển đảo, cán bộ chiến sĩ đã đảm bảo các vị trí trực phòng không cả ngày lẫn đêm. Luôn an tâm phấn khởi, xác định tốt nhiệm vụ của mình, duy trì nghiêm các chế độ điều lệnh quân đội. Bây giờ ở những triền đồi ta bắt gặp những đàn bò ung dung gặm cỏ, những chú dê luôn miệng be be ăn lá, những mẹ gà cục cục dành cho con miếng mồi mới kiếm được, thanh bình biết bao nhiêu. Có được điều đó, nhờ vào sự phấn bền bỉ của cán bộ chiến sĩ đảo bộ. Hiện tại cán bộ chiến sĩ đảo bộ tăng gia sản xuất đảm bảo đủ thực phẩm thường xuyên cho bộ đội. Trên đảo có hai mươi con bò, ba mươi lăm con dê, và hàng trăm con gà, vịt... tất cả làm không gian biển đảo càng gần gũi hơn với đất liền, để cán bộ chiến sĩ đảo bớt đi nỗi niềm nhớ thương với đất liền khi hình ảnh quê hương ở trong tầm mắt.

Bây giờ trên đảo đã có nhiều đơn vị hành chính. Đó là Đảo bộ, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Trạm ra đa 540 vùng 3 Hải quân. Tổng đội Thanh niên xung phong, Trạm khí tượng thủy văn, Huyện đảo Cồn Cỏ. Mọi mối quan hệ trên đảo đều đang khởi động, hàng tháng giao ban cùng bàn bạc, tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên đảo. Phong trào hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi, thứ bảy, chủ nhật, ngày nghỉ tổ chức giao hữu bóng đá, bóng chuyền, bi-da, giao lưu văn hóa văn nghệ tạo cho đảo một không khí thật rộn ràng.

Ra đảo lần này, tôi còn biết thêm được một câu chuyện đầy cảm động. Chị Lê Thị Thảo công tác tại Sở Nội vụ Hà Tĩnh là con của liệt sĩ Lê Văn Vơn cùng ra đảo lần này. Những tháng ngày chiến đấu giữ đảo, liệt sĩ Lê Văn Vơn đã anh dũng hy sinh để lại vợ và con gái ở quê nhà. Sau này trong chủ trương quy tập mộ liệt sĩ về Nghĩa trang Trường Sơn, bất cẩn thế nào, mộ liệt sĩ Lê Văn Vơn lại được đưa về mai táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Vĩnh Thạch. Gia đình chị tìm mãi không được. Sau nhiều lần tìm kiếm và nhắn tin, cuối cùng liệt sĩ Lê Văn Vơn được đưa về an nghỉ ở quê nhà. Khi nghe tin Quảng Trị làm lễ công bố Nghị định của Chính phủ về thành lập huyện đảo Cồn Cỏ, chị Thảo lặn lội đường xa tìm về. Chị nói rằng, chị phải đến được nơi mà bố chị, và những người đồng đội của ông đã chiến đấu hy sinh dù chỉ là thắp nén hương tưởng vọng. Tôi nghĩ rằng, rồi đây sẽ có những chuyến tàu đi những tour du lịch như thế, chở những người mẹ, người vợ, người con của hơn sáu mươi anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống ở đảo, cập bến. Sẽ mang niềm vui thật nhiều đến cho họ bởi họ đã trở lại chiến trường xưa, nơi chồng, cha, anh mình đã chiến đấu hy sinh anh dũng, được biết thêm một địa danh từng làm nên những huyền thoại trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm.

Tôi lang thang giữa trưa nắng, ghé vào thăm những hộ thanh niên xung phong, những cư dân đầu tiên của huyện đảo. Được biết, bốn mươi ba thanh niên xung phong ra đảo từ đầu năm 2002. Đến nay đã có chín cặp vợ chồng kết hôn, bốn công dân tí hon đầu tiên chào đời và sẽ tiếp tục có thêm năm công dân khác sắp sửa chào đời. Bé Khánh Huyền được mẹ Hạnh Nhân bế (con của đôi vợ chồng kết hôn đầu tiên) cho các cô, chú phóng viên chớp ảnh liên tục, vì bé chính là công dân đầu tiên được sinh ra trên đảo anh hùng. Rồi đây nhiều thế hệ như bé Khánh Huyền sẽ được sinh ra và lớn lên ở đảo. Cồn Cỏ sẽ là mảnh đất quê trong bản khai sinh của họ, là nơi chôn nhau cắt rốn để họ gắn bó yêu thương, vì trong quy hoạch của huyện đảo, đầu năm 2006 sẽ có năm mươi hộ dân và đến năm 2010 sẽ là  một trăm hai mươi hộ.

Mười bốn giờ chiều cùng ngày, mọi người lần lượt trở ra tàu vào lại đất liền kịp thủy triều lên cho tàu cập được bến. Âu tàu về chiều tấp nập tàu bè đánh cá của bà con ngư dân lưu trú lại. Chúng tôi vẫy tay tạm biệt. Ai đó đã hát như lời biển sẽ hát chiều nay:  Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay/ Non nước mây trời lòng ta mê say... Mê say từ sóng nước nối đất liền với đảo. 

T.S

Thúy Sâm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 128 tháng 05/2005

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground