Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Về miền ký ức

Hơn 50 năm trước, khi đất nước còn chia cắt hai miền, có một họa sĩ - chiến sĩ chọn nơi đất lửa, nơi đầu cầu giới tuyến Vĩnh Linh để khởi nghiệp. Quỹ thời gian của một đời người dường như càng ngày càng thu hẹp lại, bao dự định trở lại nơi một thời cùng ăn, cùng ở với đồng bào Vĩnh Linh, được gặp lại nguyên mẫu của mình trong mỗi bức ký họa, đã thôi thúc họa sĩ lại khoác giá vẽ lên đường. Đó là họa sĩ Phạm Ngọc Liệu, nhân vật tự sự trong phim tài liệu “Sắc màu ký ức”.

Cơ duyên

Tháng 5 năm 2009, thầy Trương Sỹ Tiến (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) đến cơ quan Đài gặp và tặng tôi cuốn Ký họa thời chiến của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu vừa xuất bản, với lời gửi gắm: “Em xem và thực hiện cho người em của thầy một phim tài liệu”. Tôi nghĩ như là cơ duyên và sốt sắng nhận lời. Có lẽ cơ duyên đến từ chất liệu phong phú của mỗi tác phẩm, cơ duyên từ cuộc đời của người họa sĩ gắn bó với mảnh đất tuyến lửa nơi người nghệ sĩ bám trụ và sáng tác suốt trong những năm khốc liệt, gian khó... Lật từng trang của cuốn ký họa mới hiểu vì sao họa sĩ có mặt tại Quảng Trị. Thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, vào dịp hè hay tết Nguyên đán, sinh viên mỹ thuật thường phải thực hiện bài ngoại khóa; điều đáng quý là những sinh viên mặc áo lính như Phạm Ngọc Liệu lại lựa chọn mảnh đất Vĩnh Linh để ký thác đời trai trẻ của mình nơi chiến trường, khởi đầu cho cuộc đời và sự nghiệp của người lính cầm bảng màu và bút vẽ.

Họa sĩ Phạm Ngọc Liệu ký họa bức tranh Bến Hải - Hiền Lương năm 2009 - Ảnh: T.Đ.M

Họa sĩ Phạm Ngọc Liệu ký họa bức tranh Bến Hải - Hiền Lương năm 2009 - Ảnh: T.Đ.M

Nhân kỷ niệm 34 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/2009), tại Bảo tàng lịch sử Quân sự, lần đầu tiên một triển lãm cá nhân chuyên đề ký họa thời chiến được tổ chức. Một gia tài đồ sộ với trên 200 bức ký họa của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu đã được trình làng, đến với công chúng yêu nghệ thuật trong cả nước. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Lê Mã Lương nhận định: “Mỗi tác phẩm ấy là một kỷ niệm, một ký ức chiến trường, một khoảnh khắc qua đi và không bao giờ trở lại, dẫu năm tháng có cách xa nhưng tôi tin hoạ sĩ tìm gặp lại nguyên mẫu của mình, và đó là điều kỳ diệu, là cơ duyên của nghệ thuật và tấm lòng...”.

Để xây dựng kịch bản phim, tôi đã tìm đến nhà của họa sĩ ở khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội, được tận mắt chiêm ngưỡng từng tác phẩm, được chia sẻ những lời luận giải tâm huyết của họa sĩ về những tháng năm “ba cùng”, cùng ăn, cùng lao động, sáng tác với nhân dân Vĩnh Linh. Trên 300 bức ký họa là gia tài quý giá đã theo bước chân họa sĩ trong suốt 40 năm qua và bây giờ, trong tổ ấm bình yên của mình, ở đâu cũng bắt gặp rực rỡ, hồn hậu, chân thật, sâu lắng những bức tranh với đủ sắc màu, kích cỡ về mảnh đất và con người Vĩnh Linh anh hùng.

Hội ngộ tác giả - nhân vật trong tranh

Tác nghiệp cẩn trọng và chu đáo như một nhà báo chuyên nghiệp, bên cạnh cảm xúc thăng hoa của người họa sĩ, những bức ký họa thời chiến của Phạm Ngọc Liệu đều có những dòng chú thích, ghi đầy đủ họ, tên và địa danh của mỗi nhân vật trong tranh. Đó cũng là thông tin tin cậy để tôi lần tìm những dân quân, lão ngư, những o du kích mà sau gần 40 năm tác giả chưa có dịp gặp lại.

Sau một thời gian liên lạc, tôi cũng đã tìm được những chân dung mà ngày ấy đôi mắt họa sĩ đã chọn và ký thác qua từng nét vẽ của mình. Cuộc trở về Vĩnh Linh để hội ngộ tác giả - nhân vật được tôi lên kế hoạch ghi hình nhanh chóng và chu đáo.

Đường về miền quê biển Thái Lai xã Vĩnh Thái vẫn một màu cát trắng kề bên chân sóng, tôi bố trí để họa sĩ khoác ba lô đi bộ trên đường làng, bước vào hỏi thăm nhà ông Nguyễn Quang Sóa. Sau gần 40 năm, có một cuộc hội ngộ xúc động giữa tác giả và nhân vật trong tranh:

- Có phải ông Sóa đó không, bao nhiêu năm rồi nhỉ, trông cũng không khác mấy?

- Thế chú có nhớ chỗ ngồi vẽ không?

- Lúc vẽ tôi rất thích, trông anh khỏe mạnh, chân chất; vừa vẽ vừa ăn khoai, uống nước chè xanh thật đặc, tôi nhớ mãi.

Trong niềm vui được gặp lại, trò chuyện với người thuyền trưởng tiếp hàng ra đảo Cồn Cỏ năm xưa, họ hàn huyên về những năm tháng cùng ăn, cùng ở nơi miền quê biển thân thương này. Họa sĩ bộc bạch rằng, hiện thực sống động từ cuộc chiến đấu ngoan cường của người dân đất thép Vĩnh Linh là nguồn cảm hứng vô tận cho người nghệ sĩ sống, chiến đấu và sáng tạo.

Cũng phải mất nhiều thời gian và liên lạc qua điện thoại với nhiều nhân chứng ở các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Giang, Triệu Phước và thị xã Quảng Trị, tôi mới lần tìm ra địa chỉ của o Nguyễn Thị Hiền, người nữ du kích năm xưa ở vùng kinh tế mới Liên Phong, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong. Để rồi một buổi sáng mùa thu năm 2009, vợ chồng họa sĩ theo xe của Đài PT-TH Quảng Trị thẳng tiến lên vùng gò đồi miền tây huyện Triệu Phong. Trong căn nhà lá đơn sơ, o Hiền không khỏi ngỡ ngàng khi gặp lại người vẽ chân dung mình 40 năm trước.

Lần theo địa chỉ, tôi vào TP. Hồ Chí Minh để gặp chị Nguyễn Thị Linh Thuận, trao chị cuốn ký họa, chị Thuận không khỏi bồi hồi khi nhận ra tác phẩm “O Thuận du kích Hiền Lương - 1971”, với khẩu súng trường quàng vai. Chị ngắm đi ngắm lại bức ký họa “duyên dáng” vẽ về mình và không quên nhận lời với chúng tôi sẽ sắp xếp trở về Vĩnh Linh để gặp tác giả. Như “cầu được ước thấy”, trước ống kính truyền hình, người từ Hà Nội vào, người từ TP. Hồ Chí Minh ra gặp lại nhau, bàn tay dính màu vẽ nắm chặt bàn tay của người cán bộ ngành ngân hàng:

- Đây chính là o Thuận du kích Hiền Lương?

- Dạ, năm 1971, sau dịp gặp anh, em ra miền Bắc học ngành ngân hàng, năm 1975 em vượt Trường Sơn vào tiếp quản miền Nam.

- Tôi vẽ các o xong, năm 1972 tôi vào chiến trường Quảng Trị, không biết mình còn sống để vẽ, để gặp lại nhau không?

- Không ngờ gặp lại nhau ở đây, thế bây giờ có vẽ lại em không nào?

- Có chứ…

Hơn 40 năm sau, họa sĩ Phạm Ngọc Liệu gặp lại o du kích Hiền Lương Nguyễn Thị Linh Thuận tại địa đạo Vịnh Mốc, Vĩnh Linh - Ảnh: T.Đ.M

Hơn 40 năm sau, họa sĩ Phạm Ngọc Liệu gặp lại o du kích Hiền Lương Nguyễn Thị Linh Thuận tại địa đạo Vịnh Mốc, Vĩnh Linh - Ảnh: T.Đ.M

Có những cuộc gặp gỡ như thế để ký ức của lòng người trỗi dậy. Với họa sĩ Phạm Ngọc Liệu, đất và người Vĩnh Linh luôn là nỗi trăn trở, yêu thương, canh cánh trong lòng suốt mấy chục năm qua. Cho đến bây giờ khi mái đầu đã bạc, họa sĩ nghiệm ra rằng Vĩnh Linh là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng khát vọng sống, sáng tạo, nơi bản lĩnh và tâm thế của con người biểu hiện sinh động nhất trước mọi gian khó, thử thách. Cuộc tìm về hôm nay là dịp để họa sĩ cúi đầu tri ân trước Hiền Lương - Bến Hải, trước “lũy thép” Vĩnh Linh, trước “đất thiêng” Quảng Trị, trả ơn nghĩa sâu dày với đồng bào, đồng đội nơi chiến trường một thời máu lửa đang hồi sinh từng ngày…

Vĩ thanh      

Sau khi cùng chồng từ Quảng Trị trở về Hà Nội, nhà báo Nguyễn Thị Trâm - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam đăng bài Đi tìm “bóng hồng” trong tranh trên Báo Phụ Nữ, với nội dung: “Họa sĩ vẽ tranh là chồng tôi, còn các “bóng hồng” ấy, là các nữ dân quân Vĩnh Linh những năm 70 khói lửa. Hai “bóng hồng” mà tôi muốn nói đến ở đây: o Hiền và o Thuận, tôi trộm nghĩ chắc hẳn họ phải đẹp lắm thì chàng sinh viên mỹ thuật mặc áo lính lãng mạn là chồng tôi mới ấn tượng như vậy. Tôi đã có những suy diễn kiểu đàn bà như thế, nhưng rồi khi được gặp các o mới thấy, cho dù mỗi người một số phận, nhưng cả hai o đều có một điểm chung, đó là niềm tự hào về cái thời làm du kích Hiền Lương ấy, khổ mà vui, vì được cống hiến tuổi trẻ để cây cầu Hiền Lương nối liền đôi bờ giới tuyến. Tôi tự thấy xấu hổ vì những suy diễn trước đây của mình với các o. Tôi không có quyền ghen với những con người đáng kính trọng ấy”.

Thế rồi, người họa sĩ - chiến sĩ Phạm Ngọc Liệu, người gắn bó với chiến trường Vĩnh Linh - Quảng Trị, do lâm bệnh hiểm nghèo đã qua đời ở tuổi 73. Thật bàng hoàng vì lời hẹn, họa sĩ cùng đồng nghiệp ở Hà Nội sẽ thực hiện một chuyến đi vẽ ở Vĩnh Linh, dự định mở một cuộc triển lãm ký họa về Vĩnh Linh thời đổi mới, vẫn là dự định.

Sáu năm sau ngày mất của cha, đúng vào “tháng về nguồn” của năm 2020, anh Phạm Triệu Lâm - người con trai đầu của họa sĩ đã cùng mẹ tìm về Quảng Trị để thỏa nỗi niềm dự định của cha. Thực hiện xong chuyến đi, anh bộc bạch: “Trong hành trình “về nguồn” này, từ Hiền Lương - Bến Hải, đến địa đạo Vịnh Mốc, Thành Cổ…, đâu đâu tôi cũng cảm nhận được dấu chân cha tôi đã từng đặt đến những nơi này nhiều lần, trong những năm ông còn bôn ba trận mạc, đến khi Quảng Trị đã hồi sinh và phát triển. Và, từng bức ký họa thời chiến mà cha tôi đã thực hiện trên mảnh đất khốc liệt cả địch họa và thiên tai này cũng cứ lần lượt hiện ra trước mắt tôi. Rồi từng khuôn hình trong phim tài liệu “Sắc màu ký ức”, “Tìm lại người xưa” nữa… Tôi như thấy bóng dáng cha vẫn đâu đây, đồng hành với mẹ con tôi và những “nghĩa huynh”, “nghĩa đệ” của ông trên mảnh đất Quảng Trị thân thương”.

Bài viết này như là nén tâm nhang dâng lên hương hồn họa sĩ nơi chín suối, mong anh trong cõi vô cùng, vẫn trung trinh một nỗi nhớ, niềm thương với người và đất Quảng Trị anh hùng…

 

TRẦN ĐĂNG MẬU
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 345

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground